Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2024

Tôi sống còn trong cơn đại hồng thủy - Hoàng Thị Như Huy


Sáng nay bầu trời âm u màu xám xịt như muốn sụp đổ với những cơn mưa liên tục xối xả, báo hiệu con nước sắp vượt bờ dòng Hương. Thẩn thờ nhìn trời đất với nét mặt đầy lo âu, mẹ liên tục chặc lưỡi thở dài với giọng thật buồn: “Trời sắp hành cơn lũ lớn!” Với kinh nghiệm của người từng sống bao năm trên mảnh đất luôn xảy ra những cơn lũ thảm khốc, mẹ nhìn sắc trời, sắc nước, tiên đoán được những gì sắp xảy đến. Lũ trẻ vẫn hồn nhiên vô tư nô đùa nhìn con nước chảy trên dòng sông trước ngõ.
<!>
Nước theo cơn mưa đổ, đang lên dần, lên dần... mẹ hối hả gọi tôi mang tơi, xăn cao quần, lội ra mảnh vườn nhà, cố nhặt nhạnh nhanh những hoa màu trong vườn vì đêm nay lũ về, tất cả sẽ bị cuốn đi.
Dưới mưa, mặt mẹ ướt đầm, dáng gầy đang ra sức vật lộn với cây ba lùn có buồng chuối non đã ngả nghiêng vì mưa gió. Mẹ kéo lê cả buồng chuối vào nhà. Tôi nhặt mấy mớ rau lang, bông ngót, rau dền...nơi những luống rau sắp bị dòng nước bạc ngập tràn, nhổ nhanh mấy bụi sắn củ còn non, hái nhanh mấy trái khế chua trên cành cây đã tả tơi vì gió... những thức không mong đợi ấy, là miếng ăn trong những ngày sắp tới nếu cơn lũ đổ về cầm chân không thể ra chợ mua sắm như mọi ngày.
Cơn mưa vẫn xối xả.Con nước đục ngầu đang mấp mé ngoài bờ sông.Tiếng loa đài thúc giục phòng chống bão lụt vang lên ra rả... Mẹ lặng lẽ ngồi nấu những món ăn.
Tôi lẩn quẩn bên mẹ để phụ giúp. Cắt thân chuối sứ nơi cuối vườn vừa gãy đổ, mẹ làm món dưa chuối của quê nghèo. Chỉ hai ngày ủ muối, sẽ có món dưa chuối, thêm một chén nước ruốc kho, dậy hương chanh và tỏi ớt, đủ cho ta cầm hơi qua những ngày lũ đến...

Mẹ lột vỏ củ sắn ngâm vào thau nước. Phần để luộc, phần để kho. Những củ sắn non chưa đến vụ bị cơn lũ tràn về ngập úng nên phải nhổ nhanh kẻo thối.
Bụng đói phải nấu cái gì nhanh mới được! Mẹ nấu tạm món sắn luộc chấm muối ớt. Trong cơn lành lạnh của buổi trời mới lập đông, cái tất bật chạy lũ đang đổ về miền đất thấp trũng...những miếng sắn chín mềm thơm thơm được chấm với muối ớt giã mịn, đủ tiếp sức ta qua cơn đói lòng khi cơn lũ đã tràn ngập vườn.
Nước đã lên, nước đang tiếp tục dâng lên!
Vừa lội trong lũ, vừa ăn củ sắn luộc chấm muối ớt bùi bùi cay cay! Ngoài trời mưa vẫn xối xả. Lũ vẫn sẽ còn lên cao. Món sắn kho với chút mỡ và ruốc của quê mình cũng là món ăn ngon khi đã đói run vì lội nước. Múc ra tô, trên nền sắn trắng, điểm mấy giọt ớt màu đỏ, mấy cọng hành ngò xanh... vừa ăn vừa thổi, vừa cảm nhận cái bùi bùi, thơm thơm, mằn mặn... thật là một miếng khi đói bằng gói khi no.
Lột vỏ phần vỏ cứng bên ngoài, lấy lớp vỏ sắn màu hồng, mẹ xếp chồng nhau rồi cắt từng sợi nhỏ, ngâm trong nước muối để khi ăn khỏi phải bị say. Những vỏ sắn vốn dĩ chỉ tận dụng làm thức ăn cho lũ heo nuôi trong chuồng, nay lại được mẹ chế biến thành món dưa chua. Nước hâm ấm ấm, vị muối mằn mặn, thêm lượng nước cháo hồ... Mẹ cho vỏ sắn vào hũ sành, cài chặt miệng, đổ nước ngập đầy. Một hai ngày sau, dưa chuyển hương thơm, vị chua... cái hương vị vừa dân dã vừa lạ lùng ấy cũng đã từng cho tôi được thưởng thức trong những mùa lũ đến.
Con nước đang cuồn cuộn tràn bờ sông. Bác Tư đi đánh mẻ cá về ngang qua cổng, gọi cho một mớ để kho khô. Tôi chạy ra nhận mớ cá từ lòng hảo tâm của người hàng xóm. Mớ cá mùa lũ quen thân gồm đông đủ họ nhà Tràu, Giếc, Trê, Cấn, Mại... bé tẻo teo.
Những ai đã từng ở Huế trong mùa lũ, từng được ăn món cá mùa lũ kho khô khi chân đang phải ngâm lạnh giá trong nước lũ mới thấy hết cái hương vị nhớ đời của nó.
Người Huế có cái thú đi đánh rớ cá nước lũ. Một người đánh cá, hàng chục người đứng xem. Khi mớ cá vừa cất lên, người ta có thể cho nhau hoặc bán kiếm chút tiền mọn.
Những mớ cá bé tẻo teo này không hẳn là miếng ngon, nhưng nếu khéo chế biến, chúng sẽ thành những dĩa cá vàng nâu, bóng mượt. Khi đói lòng ta nhìn chỉ muốn ăn ngay.
Mẹ vội vã kho trách cá để cả nhà ăn dần. Những quả ớt kim nho nhỏ màu đỏ, được mẹ bỏ vào kho cùng. Ớt cay sẽ xua đi cái tanh của những con cá nhép.
Bữa cơm chiều, mẹ lại nấu cho cả nhà món chuối ba lùn kho ruốc. Nồi chuối kho dậy hương thơm, khi lũ đã vào tận mé sân nhà.
Chuối kho nóng hôi hổi được múc ra bát, thêm hành lá, rau răm, ngò... hương thơm của các loại rau gia vị, phả vào cái mũi của lũ trẻ háu ăn.
***
Buổi tối, nước lũ đã vào nhà. Tôi phụ giúp Mẹ kê ghế nâng bốn chân giường. Các em tôi leo lên ngồi trên đó với một mớ ngổn ngang áo quần sách vở. Chúng ngồi xếp thuyền giấy thả xuống bập bềnh trên nước với những nụ cười sung sướng của con trẻ...
Mắt mẹ tối sầm lại khi con nước vẫn đang lạnh lùng dâng... Mẹ sai tôi nấu nhanh một nồi cơm lớn, băm bó sả vừa nhổ trong vườn, xào với ruốc thành món muối sả đơn giản của kẻ nghèo. Tôi chưa hiểu sao phải nấu cơm khi đêm đã buông nhưng mẹ bảo cứ làm theo. Nước lùa nhanh vào nhà xuyên qua ống chân. Khi nồi cơm vừa chín thì bếp lò bị nước đẩy trôi bập bềnh. Ôi thôi! cái ghế nhựa, cái thau, cái xô, đôi dép, đôi giày... cả hũ dưa sáng nay vừa muối đang trôi bập bềnh trong nước! Mẹ nhanh tay lấy cây rựa gác lên cao; quơ vội mấy thức có thể ăn được: nồi cơm, nồi cá kho, hũ muối sả, mấy gói mỳ ăn liền, bịch nước uống... lên giường.
Chiếc giường giờ như một chiếc tàu chở cả nhà tôi cùng mấy thứ còn lại trong cái gia sản nghèo nàn này.

Lội trong nước, tôi cố đưa lên cao những gì còn lại... Khi nước lên cao ngang bụng hai mẹ con không còn đủ sức. Cơn lạnh đột ngột toát ra từ tận xương tủy. Mẹ kéo tôi lên chiếc giường. Mấy đứa em đã ôm nhau ngủ lăn lóc như mấy củ khoai của quê nghèo. Mẹ ôm lũ con vào lòng. Trong bóng tối, tôi cảm nhận hơi ấm của mẹ đang ấp ủ cho cả lũ chúng tôi. Tôi nhắm mắt tận hưởng cái cảm giác êm đềm ấy, cố ru mình ngủ lấy lại sức cho một ngày sắp đến.
Nhưng đêm đã không tĩnh lặng. Con nước vẫn đang tiếp tục dâng cao hơn. Khi biển nước mênh mông đã sắp nhấn chìm xóm nhỏ của chúng tôi, tôi đã nghe muôn âm thanh kêu gọi nhau từ nhà này vọng sang nhà khác. Tôi sợ hãi đến muốn òa khóc. Nhưng tôi cố gượng. Tôi không khóc. Vì tôi là chổ dựa duy nhất của mẹ trong đời này, trong chính khoảnh khắc này.Giờ đây nếu tôi tỏ sự yếu hèn, thử hỏi mẹ biết trông cậy vào ai?
Tôi nghe có tiếng ai đó kêu vang tên mẹ con tôi:
- Mạ con mụ Bê có còn đó không? có chi để ăn không?
Mẹ chồm người lên, nhanh như sóc, đu người lên đòn tay, dùng cây rựa, phá vỡ một khoảng trống trên mái nhà. Mẹ nhoài ra trong cái khoảng bóng tối mênh mông ấy kêu gào đáp lại:
- Mạ con tui còn đây!
Tôi bất chợt tủi thân khóc òa. Tiếng khóc của tôi đánh thức lũ em dậy. Giờ chúng mới thấu hiểu được nỗi kinh hoàng của lũ khi thấy bốn bề nước mênh mông, cất tiếng khóc phụ họa, tạo nên một bản hòa tấu thê lương.
Mẹ cũng khóc. Mẹ đưa tay áo lau khô nước mắt leo lên cái tra trên tận sát mái nhà, lần lượt đưa mấy đứa em tôi lên nằm trên ấy. Nồi cơm, trách cá cũng được chuyển lên cùng. Mẹ bảo:
- Đi đâu thì miếng ăn, thức uống phải theo đó.
Khi mà ngọn lửa kỳ diệu của bếp không thể bập bùng trong lũ, thì ra mẹ đã lo xa sai tôi nấu nồi cơm to là thế!
Có tiếng chèo khua từ chiếc ghe nhỏ đang áp sát mái nhà. Người láng giềng tốt bụng hôm qua cho tôi mớ cá, nay lại bơi ghe đi tiếp cứu những gia đình neo đơn trong xóm nhỏ...
Tôi ngồi bó gối trong bóng đêm. Bên ngoài là biển nước mênh mông.Tiếng mưa xối xả. Đó đây lại vẳng lên tiếng kêu gọi nhau đan xen trong tiếng mưa như thác đổ. Khi tiếng gọi không còn đủ sức vọng,người ta lại khua soon nồi để tạo tiếng vang xa hơn.Vang xa hơn để hỏi nhau ai còn ai mất, vang xa hơn như những lời kêu cứu...
Đêm trôi thật chậm... thật chậm... Lũ em lại tỉnh giấc, bốc cơm nguội ăn với cá kho, muối sả... cho đến miếng cơm cháy tận đáy nồi.
***
Lũ sẽ còn về mãi trên đất Huế quê tôi. Người Huế sẽ mãi lưu truyền những kinh nghiệm để sống chung với lũ, gìn giữ những tấm lòng khi tắt lửa tối đèn, mênh mang trong lũ.

Huế mùa lũ
Hoàng Thị Như Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét