Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2024

TOA TÀU CUỐI - Olga - Dương Nguyên Khải (dịch)


"Anh Pierre!" - Adel hét lên, nhưng cô không nghe thấy tiếng gào thét của mình, mà chỉ thấy tiếng còi tàu chói tai, tiếng bánh xe nghiến ken két trên đường ray, tiếng con tàu xình xịch chuyển bánh như báo trước một tai ương sắp xảy đến. Toa tàu cuối mang theo những người lính sang Việt Nam chạy vụt qua sân ga. Một thân hình con gái lao theo trong làn khói giống như con chó đuổi theo người chủ đang bỏ đi. Thân hình đó chạy liêu xiêu, ngã xuống rồi lại chồm dậy chạy tiếp. Đoàn tàu uốn lượn như con rắn rồi chìm khuất sau chỗ rẽ. Adel gục mặt xuống, khóc nức nở, những ngón tay cô bấu chặt vào đất. Tai cô ù đặc.
<!>
Sương đã tan. Cô ngồi trên giường. Lại một giấc mơ đưa cô về mười lăm năm trước! Tiếng ù tai vẫn không bớt. "Có tiếng chuông điện thoại" - cô gạt bỏ những tàn dư của cơn ác mộng và nhấc ống nghe.
- Có phải đây là y tá Adel Misho? - cô nghe thấy một giọng đàn ông.
- Vâng.
- Tôi xin mời cô đến để nói chuyện về công việc ở chỗ ông Jacques Duval. Một giờ nữa... - và ông ta nói tên một vườn hoa nhỏ khó tìm ở đâu đó trên phố Montmartre.
- Ông nói gì? - ống nghe tuột khỏi tay cô, đáp lại chỉ là những tiếng tút tút ngắn.
Tuần trước cô đã gửi bản lý lịch y tá theo thông báo "làm cho một nhà văn nổi tiếng". Chỉ ngây thơ mới hy vọng nhận được công việc này. Jacques Duval - một văn sỹ bí ẩn, bị che lấp bởi những huyền thoại. Hàng đám đông người hâm mộ bủa vây các nhà sách cũng không biết mặt mũi, xuất thân và chỗ ở của ông ta.
Cô bước đến gần người đàn ông đang đứng quay lưng lại và khẽ chạm vào vai ông ta bằng bàn tay mảnh dẻ vẫn mang tất tay.
- Quý bà Misho phải không?
- Mademoiselle thôi, - cô sửa lại (Mademoiselle: quý cô - cách gọi phụ nữ chưa có chồng trong tiếng Pháp).
- Tôi là Nguyễn, bác sỹ và trợ lý của ông Jacques, - ông ta cúi đầu và nói một cách khô khan. - Cô sẵn sàng làm việc ngay từ bây giờ chứ?
- Vâng, - người phụ nữ trả lời có chút ngập ngừng.
- Tiền công sẽ rất cao nhưng tôi phải nói rõ điều kiện. Nếu cô bước qua ngưỡng cửa nhà Duval, cô sẽ phải ở lại đấy đến khi ông ấy chết. Không đi ra ngoài, không gọi điện thoại. Cô có thể làm được chứ? Tất cả những gì cô cần sẽ được đưa tới. Có người nào có thể tìm cô không?
- Không, không có ai ở nhà đợi tôi cả. Tất cả những gì quan trọng thì tôi đã mất cách đây mười lăm năm rồi, - Adel cười buồn.
- Nếu nói "tuyệt vời" thì cũng kỳ lạ, nhưng đó chính là cái nên có, - người đàn ông nói một cách nghiêm túc. - Sẽ không lâu đâu. Dự đoán chỉ vài tháng.
- Tôi có thể hỏi được chứ?
- Tất nhiên.
- Tại sao ông Jacques Duval lại chọn chính tôi?
- Monsieur là người lập dị. Ông ấy thích họ và tên của cô (Monsieur: Ngài, quý ông - tiếng Pháp).

Tòa biệt thự cũ kỹ náu mình trong những nông hộ ở Montmartre khéo đến mức nếu tự mình tìm thì gần như không thể được. Khi họ bước vào và lên cầu thang trải thảm thì thấy một con chó núi lông xù mừng rỡ chạy xuống.
- Con chó tên là Lucky, - ông Nguyễn vừa nói vừa giữ con chó lại. - Ưu điểm của nó trước mặt mọi người là không nói gì với ai cả. Nhân tiện: trước khi tôi giới thiệu cô với ông chủ, tôi muốn nói trước về bề ngoài kỳ dị của ông ấy. Cô không sợ chứ?
- Tôi sẽ cố, - Adel gật đầu.
- Mời quý cô, - người trợ lý đẩy chiếc tay nắm cửa bằng đồng to và cửa từ từ mở ra. - Thưa ông Duval, người đã đến.
Căn phòng rộng mênh mông trở nên mờ mờ tối vì treo kín rèm cửa. Ở sâu phía trong có một người đàn ông đang ngồi dựa vào những chiếc gối và chậm rãi viết. Lúc nhìn nghiêng trông mặt ông ta đầy vết nhăn nhó khổ sở vì phải thường xuyên chịu đựng những cơn đau đớn. Adel đứng sững sờ ở ngưỡng cửa, cô vừa hồi hộp mân mê vạt áo đăng ten vừa đưa tay sửa lại những lọn tóc lòa xòa.
- Cô lại đây, - cuối cùng người đàn ông cũng cất giọng nói tuy yếu ớt nhưng rành rọt.
Khi Duval quay lại, cô giật mình vì trông thấy cảnh tượng bất ngờ. Hai phần ba của cái được gọi là khuôn mặt bị che phủ đầy những vết sẹo sâu hoắm quái gở, bên trên còn được trang điểm bằng một vết bỏng to tướng, kéo lệch mí mắt, che cả mắt và ăn vào phần lớn mũi.
- Cô thích tôi chứ? - nghe tiếng cười giống như tiếng nghiến răng ken két. - Trông tôi là như vậy đấy. Trong trận Điện Biên Phủ, tôi vừa bị bỏng vừa bị nhiều mảnh đạn găm vào người. Viên đạn pháo đó đã bắn trúng bồn chứa nhiên liệu. Đừng hy vọng vào việc tôi sẽ tán tỉnh cô. Tôi bị chứng co rút cơ do bỏng gây ra. Tất cả những gì tôi có thể làm được là viết một cách nghuệch ngoạc. Nhưng chuyện đó sắp kết thúc rồi. Sẽ có một ngày tôi sẽ không ăn được, tiếp đến là ngừng thở. Và cô sẽ được tự do.
- Ông làm như vậy để làm gì? - Adel chỉ có thể thốt lên như vậy.
Trong căn phòng kín mít, nước mưa chảy thành dòng trên cửa kính, mùa thu đã cạn ngày. Ông Nguyễn quan sát Adel làm công việc của mình. Những lúc đỡ Jacques ngồi dậy và đặt anh ngồi vào ghế bành, từ những vòng tay ôm vô tình, cô cảm thấy trong mình nảy sinh nỗi khát khao muốn che chở rất đàn bà.
Cuối mùa đông những ngón tay của Duval không thể cầm bút được nữa. "Không sao! - anh vẫn tỏ ra cam đảm. - Cái chính là tôi đã kịp viết xong!"
Bây giờ Adel làm cho người bệnh khuây khỏa bằng cách đọc truyện cho anh nghe. Anh im lặng lắng nghe, đôi lúc rơi vào trạng thái mê man.
- Tại sao khi người yêu của cô bặt tin thì cô vẫn ở một mình? - có lần anh hỏi. - Cô xinh đẹp, biết quan tâm người khác, lại dịu dàng nữa. Trên trái đất này ít đàn ông quá hay sao?
- Bởi vì tất cả bọn họ không phải là Pierre của tôi.

Mùa xuân tràn ngập ánh mặt trời rực rỡ. Adel đưa Duval ra khoảng sân sau được bao kín bởi bức tường cao. Những cành nho trên giàn mọc ra những tay leo. Nheo mắt vì ánh mặt trời, cô mơ ước có thể kéo dài càng lâu càng tốt những ngày tháng hạnh phúc làm cho cuộc đời cô có ý nghĩa này.
- Điều tôi sắp nói bây giờ không phải là ý muốn kỳ quặc thoáng qua, - Jacques kéo cô ra khỏi những suy nghĩ riêng, - Hãy giúp tôi gìn giữ hình ảnh đẹp đẽ về một con người. Tôi không muốn trông giống như một cái cây bị cắm nhằng nhịt ống truyền dịch.
Adel thấy ớn lạnh trong người.
- Cô hãy im lặng, đừng trả lời ngay, - anh nói tiếp, đôi môi mấp máy một cách khó nhọc. - Hãy trả lời khi cô có thể. Nhưng đừng lâu quá. Được chứ?
Trước đây, Adel cho rằng, trong cuộc đời sẽ không có gì đáng sợ hơn khoảng khắc khi người ta mang đến cho cô giấy triệu tập gửi về từ Việt Nam - để mời cô đến và thông báo cho cô biết về việc vị hôn phu của cô, trung úy Pierre Langevin, bị mất tích. Hóa ra, bây giờ vẫn còn có những phút giây đáng sợ như vậy!
Suốt đêm hôm ấy, trong người cô như có dòng dung nham thiêu đốt.
Ngày hôm sau, Duval cử ông Nguyễn đi Ivri và mang theo bức thư đến một nhà xuất bản của mình. Adel đến xem ống nhỏ giọt dịch truyền thuốc bổ và tiêm một liều thuốc ngủ mạnh. Đúng khoảng khắc đó, Jacques mệt mỏi quay đầu và nói:
- Cô hãy mang theo Lucky, nó quý cô. Thật tồi tệ nếu để nó sống ở trại chó vô chủ. - anh gắng gượng nói tiếp, - Cảm ơn cô!
- Anh ngủ đi! - cô nói thầm, cố không bật khóc và vòng tay ôm chặt anh vào lòng.

Mạch đập của Jackques yếu dần. Đâu đó ngoài cửa có tiếng con chó tru lên khe khẽ rồi sau đó to dần. Cùng hòa chung với tiếng tru đó là tiếng nấc nghẹn từ lồng ngực Adel bật ra thành tiếng kêu gào thảm thiết. Tiếng gào thét của cô đã át đi những nhịp đập cuối cùng của trái tim Duval.
Sáng sớm hôm sau trên đường phố Paris có một người phụ nữ nhọc nhằn bước thấp bước cao cùng với một con chó. Một ngày mới bắt đầu nhưng không dành cho cô. Adel cảm thấy mình cũng đã chết cùng với Jacques.

Trát hầu tòa không làm cho cô sợ hãi. Vào tù vì tội giết người ư? - Cô không quan tâm. Cuộc sống vốn dĩ đã không còn ý nghĩa đối với cô.
Misho mặc bộ trang phục màu đen đến đảo Site đúng hẹn. Sau khi đi hết hàng cột của tòa nhà, cô đợi bên cửa đại sảnh.
Vị luật sư tóc bạc mặc áo khoác bước ra sau khi kết thúc một phiên tòa như thường lệ và trao cho Adel một tập những trang viết đầy nét chữ ngoằn ngoèo mà từ lâu đã trở nên thân thiết với cô.
- Ông Jacques Duval trao lại cho cô quyền xuất bản cuốn tiểu thuyết cuối cùng của mình sau khi chết. Tất cả các thủ tục đã được hợp thức hóa đầy đủ.
Về đến nhà cô mở trang giấy đầu tiên: "Tôi nhìn ra cửa sổ của toa tàu cuối, nhìn Adel chạy dọc sân ga nhưng không nghe thấy tiếng nàng. Chỉ có tiếng bánh tàu nghiến ken két, tiếng con tàu rền rĩ như báo trước một tai ương sắp xảy đến. Con tàu đưa tôi đi ra chiến trận chạy nhanh dần. Một thân hình mảnh khảnh chạy theo con tàu trong làn khói, loạng choạng, vấp ngã, rồi lại chồm dậy đuổi theo. Thân hình đó nhỏ dần nhỏ dần cho đến khi hoàn toàn không nhìn thấy nữa".

Cô bàng hoàng buông rơi tập giấy xuống đầu gối. Từ trong đó bay ra một mảnh giấy rơi xuống chỗ ánh nắng rọi trên nền nhà: "Em yêu duy nhất của anh! Mười lăm năm trước anh không thể bắt em chịu đựng hình hài quái dị của anh. Nhưng vì sao anh lại có diễm phúc được chết trong vòng tay em!? Pierre Langevin của em".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét