Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :29/08/2024 - Nam Giang


Khai mạc Thế Vận Hội người khuyết tật Paris 2024
Mười bảy ngày sau khi Thế Vận Hội Mùa Hè kết thúc, tối qua, 28/08/2024, Paris một lần nữa trở thành một ngày hội thể thao của toàn thế giới. 4.400 vận động viên thuộc 168 đoàn thể thao tập hợp tại trung tâm thủ đô nước Pháp, để tham dự lễ khai mạc Paralympic - Thế Vận Hội đanh cho người khuyết tật. Lễ khai mạc Paralympic Paris 2024 đêm 28/08/2024. Pool via REUTERS - Carlos Garcia Rawlins  - Trọng Thành
<!>
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Paralympic, lễ khai mạc diễn ra bên ngoài sân vận động. Nếu như lễ khai mạc Olympic lấy phông nền là dòng sông Seine, Paralympic được khai mạc trên đại lộ Champs-Elysées. Các đoàn vận động viên lần lượt diễu hành trên đại lộ từ Khải Hoàn Môn đến quảng trường lịch sử Concorde, trở thành khán đài và sân khấu cho gần như toàn bộ các tiết mục trong đêm khai mạc hôm qua.

Sau tuyên bố khai mạc của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thế Vận Hội của người khuyết tật mở ra với ca khúc ‘‘Ability’’ của Lucky Love. Ca sĩ Pháp, một người bẩm sinh không có tay trái, trình diễn với một dàn những vũ công tất cả đều trên xe lăn.

‘‘Khi thể thao bắt đầu, sẽ không còn những người đàn ông và những người đàn bà khuyết tật, mà công chúng sẽ chỉ thấy các bạn, những nhà thể thao, những nhà vô địch’’ - chủ tịch Ban tổ chức Paralympic Paris Tony Estanguet gọi những nhà thể thao khuyết tật là ‘‘những nhà cách mạng’’, mà vũ khí của họ là ‘‘lòng dũng cảm và quyết tâm’’.

Màn trình diễn gây ấn tượng mạnh là của hơn 150 vũ công trong đó có 16 người với thể hình khuyết tật trong tiết mục mang tên Parodoxe (tạm dịch là nghịch lý), nói về ‘‘những mâu thuẫn giữa khát vọng của một xã hội mở rộng vòng tay với những người khuyết tật, không phân biệt ai, và thực tế định kiến còn tràn ngập’’.

Một đỉnh điểm của chương trình đêm qua là ca khúc kinh điển của Edith Piaf, ‘‘Non, je ne regrette rien’’ (Không, tôi không tiếc nuối) gì do ca sĩ mang biệt danh ‘‘Christine and The Queens’’ trình bày theo phong cách electro pop, với dàn nhạc Ensemble Matheus.

Lễ khai mạc Paralympic khép lại với mục nhóm vạc lửa Thế Vận Hội. Hành trình truyền đuốc diễn ra trang trọng xuyên qua vườn Tuileries. Vạc lửa của Thế Vận Hội tại vườn Tuileries một lần nữa lại được nhóm lên và mỗi đêm sẽ lại bay trên bầu trời cho đến khi bế mạc Paralympic.

Nhiều nước NATO muốn dỡ bỏ các hạn chế đối với Ukraina trong việc sử dụng vũ khí phương Tây

Nhiều nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm qua, 28/08/2024, đã kêu gọi dỡ bỏ các hạn chế trong việc sử dụng vũ khí cung cấp cho Kiev, đặc biệt là tên lửa tầm xa, để giúp Ukraina tự vệ tốt hơn trước các cuộc tấn công đẫm máu của quân đội Nga.


Ảnh tư liệu : Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại trụ sở của Liên Minh ở Bruxelles, Bỉ, ngày 14/06/2024. REUTERS - Johanna Geron
Phan Minh
Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhiều lần yêu cầu phương Tây dỡ bỏ các hạn chế nói trên để quân Ukraina có thể sử dụng vũ khí do các đồng minh viện trợ để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga, nhắm vào những cơ sở mà Matxcơva sử dụng để oanh kích ồ ạt vào Ukraina từ đầu tuần này.

Hiện đang dự một cuộc họp không chính thức với các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu ở Bruxelles hôm nay, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba đã yêu cầu Liên Âu gây áp lực với Hoa Kỳ để Kiev được quyền sử dụng vũ khí của Mỹ tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga.

Trong cuộc họp của hội đồng NATO – Ukraina tại Bruxelles, Bỉ, lãnh đạo của Liên Minh, Jens Stoltenberg, được AFP trích dẫn, cho biết các thành viên NATO đã tái khẳng định cam kết “tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraina”.

Ông Stoltenberg tuyên bố : “Chúng ta phải tiếp tục cung cấp cho Kiev các thiết bị quân sự và đạn dược cần thiết để tự vệ trước cuộc xâm lược của Nga. Điều này rất quan trọng đối với việc duy trì khả năng chiến đấu của Ukraina.”

Khối NATO cũng lên án các cuộc tấn công “bừa bãi” của quân đội Nga trên khắp Ukraina sau khi Matxcơva phóng hàng loạt drone và tên lửa sang nước láng giềng trong hai ngày 26 và 27/08, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng và phá hủy mạng lưới năng lượng vốn đã bị suy yếu của Ukraina. Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi lực lượng không quân châu Âu hỗ trợ Ukraina đánh chặn drone và tên lửa của Nga trong tương lai.

Về phần mình, điện Kremlin đã thẳng thừng bác bỏ “kế hoạch hòa bình” mà nguyên thủ Ukraina đề xuất hôm 27/08 với Hoa Kỳ nhằm “buộc Nga phải chấm dứt chiến tranh”. Chính quyền Matxcơva khẳng định sẽ tiếp tục “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraina cho đến khi đạt được mục tiêu.

Mỹ, Trung chuẩn bị cho cuộc điện đàm Biden - Tập Cận Bình ‘‘trong những tuần tới’’

Sau hai ngày làm việc (27 và 28/08/2024) tại Bắc Kinh giữa cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ, Jake Sullivan, và lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi), chính quyền hai nước Mỹ và Trung Quốc đã cam kết duy trì các đối thoại cấp cao về hàng loạt lĩnh vực, đặc biệt về quân sự. Hai bên thông báo chuẩn bị một cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước ‘‘trong những tuần tới’’.


Cố vấn an ninh Quốc Gia của Nhà Trắng Jake Sullivan (trái) dẫn đầu một phái đoàn đến Bắc Kinh. Ảnh ngày 29/08/2024. AP - Trevor Hunnicutt
Trọng Thành
Thông báo của Nhà Trắng hôm qua, 28/08, cho biết ‘‘hai bên đã có các cuộc thảo luận thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng về nhiều vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu’’, cụ thể là về ‘‘các tiến độ và những bước tiếp theo trong việc thực thi các cam kết’’ đã được tổng thống Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại thượng đỉnh Woodside, California, tháng 11/2023.

Washington và Bắc Kinh ‘‘cam kết duy trì các kênh liên lạc mở, bao gồm cả việc chuẩn bị cho một cuộc điện đàm cấp lãnh đạo trong những tuần tới’’, và đặc biệt là ‘‘các liên lạc thường xuyên, liên tục giữa hai bên trong lĩnh vực quân sự, và có kế hoạch tổ chức một cuộc điện đàm giữa các chỉ huy tác chiến trong tương lai gần’’.

Theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, khi tiếp cố vấn an ninh quốc gia Mỹ hôm nay, 29/08, chủ tịch Tập Cận Bình đã tái khẳng định lập trường ‘‘không thay đổi’’ của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy ‘‘quan hệ ổn định, lành mạnh và bền vững’’ với Washington.

Theo truyền thông Hoa Kỳ, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ đã gặp tướng Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, hôm nay, 29/08. Đây là lần đầu tiên phía Mỹ tiếp xúc với phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc kể từ năm 2018. Trung Quốc đã đình chỉ liên lạc giữa quân đội hai nước kể từ chuyến đi của chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosy tháng 8/2022 đến Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh coi là một vùng lãnh thổ ly khai. Đối thoại về quân sự giữa hai nước chỉ được nối lại gần đây sau thượng đỉnh Biden – Tập Cận Bình.

Biển Đông : Mỹ - Trung có thể đối thoại cấp ‘‘chỉ huy tác chiến’’
Hãng tin Mỹ AP hôm nay dẫn lời ông Danny Russel, cựu trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết cuộc điện đàm ở ‘‘cấp chỉ huy tác chiến’’ có thể diễn ra giữa đô đốc Samuel Paparo, đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tại Hawaii và người đồng cấp Trung Quốc. Theo cựu trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ, ‘‘cuộc đối thoại cấp chỉ huy chiến trường rất quan trọng để ngăn ngừa khủng hoảng, tuy nhiên trong hiện tại giới quân sự Trung Quốc vẫn phản đối việc này’’.

Căng thẳng Biển Đông là một trọng tâm trong đối thoại giữa giới chức cấp cao Mỹ - Trung. Trong thông báo của Nhà Trắng, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan ‘‘đã bày tỏ ngại về các hành động gây bất ổn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với các hoạt động hàng hải hợp pháp của Philippines ở Biển Đông’’.

Theo AP, đầu tuần này, đô đốc Samuel Paparo, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương, cho biết quân đội Hoa Kỳ để ngỏ khả năng ‘‘tham vấn’’ về việc hộ tống tàu thuyền Philippines ở Biển Đông, nơi tàu Trung Quốc cố gắng ngăn chặn Philippines tiếp cận các đảo nhỏ và bãi cạn mà hai bên đều tuyên bố chủ quyền. Ngày 27/08, chính quyền Manila đã lên án Trung Quốc là ‘‘nhân tố gây bất ổn nhất’’ cho hòa bình khu vực. Tuyên bố được đưa ra sau một loạt vụ va chạm giữa tàu thuyền của Philippines với tàu Trung Quốc tại một số khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Anh-Đức nhất trí giúp Luân Đôn xích lại gần Liên Âu
Lãnh đạo của Anh Quốc và Đức hôm qua, 28/08/2024, đã nhất trí về một hiệp ước “đầy tham vọng” nhằm khởi động lại mối quan hệ giữa Luân Đôn và Bruxelles sau khi Anh Quốc rời Liên Hiệp Châu Âu (EU) vào năm 2020. Với chuyến thăm hai ngày tới Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất EU, thủ tướng Anh Keir Starmer tìm cách khắc phục mối quan hệ đầy sóng gió mà chính phủ bảo thủ để lại.


Thủ tướng Đức Olaf Scholz (P) họp báo cùng với đồng cấp Anh Keir Starmer tại Berlin, Đức, ngày 28/08/2024. via REUTERS - JUSTIN TALLIS
Phan Minh
Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut cho biết cụ thể :

“Chúng ta mở ra một chương mới trong quan hệ song phương”, thủ tướng Anh Keir Starmer tỏ ra hết sức lạc quan với đồng cấp Đức Olaf Scholz. Hai thủ tướng thuộc phe dân chủ xã hội muốn khởi động lại quan hệ song phương sau Brexit. Một hiệp ước hợp tác “tham vọng” giữa hai nước sẽ được ký kết từ giờ đến cuối năm nay. Được Keir Starmer đánh giá là “cơ hội của cả một thế hệ”, hiệp ước này sẽ tăng cường mối quan hệ giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực như thương mại, quốc phòng, công nghệ hoặc chống nhập cư bất hợp pháp. Ngoài Đức nói riêng, tân thủ tướng Anh cũng muốn Luân Đôn xích lại gần Liên Hiệp Châu Âu (EU) nói chung.

Thủ tướng Starmer phát biểu : “Chúng tôi muốn có một sự khởi đầu mới trong mối quan hệ với Liên Âu. Điều này sẽ không ảnh hưởng đến Brexit và cũng không có nghĩa là chúng tôi tái gia nhập thị trường chung châu Âu hay liên minh thuế quan, nhưng chúng tôi muốn thiết lập mối liên kết chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực với các nước láng giềng.”

Olaf Scholz hoan nghênh sáng kiến này và tuyên bố sẵn sàng thắt chặt hợp tác với Luân Đôn. Thủ tướng Đức nhấn mạnh : “Chúng tôi muốn củng cố trụ cột châu Âu của NATO.” Quốc phòng là trọng tâm của hợp tác song phương Anh-Đức. Lĩnh vực này sẽ giúp Berlin kết nối lại với một đồng minh truyền thống, từ lâu đã đóng vai trò đối trọng với mối quan hệ Pháp-Đức.

Pháp: Nhiều tiếng nói trong đảng Xã Hội kêu gọi hợp tác với tổng thống Macron

Trong nội bộ đảng Xã Hội cánh tả, ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi ban lãnh đạo đảng từ bỏ lập trường cự tuyệt đối thoại với tổng thống Emmanuel Macron. Sau cuộc tham vấn với tổng thống tại điện Elysée sáng nay, 29/08/2024, chủ tịch vùng Occitanie, Carole Delga, thuộc đảng Xã Hội, đã hoan nghênh ‘‘thái độ lắng nghe tôn trọng và xây dựng’’ của tổng thống Macron.


Chủ tịch vùng Occitanie Carole Delga (giữa). Ảnh tư liệu tháng 6/2020. AFP/Raymond Roig
Trọng Thành
Hôm qua, trả lời báo Le Parisien, chủ tịch vùng Occitanie, Carole Delga, đã kêu gọi đảng này cần công nhận việc tổng thống có quyền từ chối ứng viên thủ tướng Lucie Castets, do liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới (gồm bốn đảng cánh tả và cực tả, trong đó có đảng Xã Hội) đề xuất, nhưng tổng thống có nghĩa vụ bổ nhiệm một thủ tướng cánh tả.

Thị trưởng Vaulx-en-Velin, Hélène Geoffroy, thành viên đảng Xã Hội, thì kêu gọi nối lại đối thoại với tổng thống, ‘‘để tìm ra được một giải pháp cho việc bổ nhiệm thủ tướng là người của đảng Xã hội hoặc thuộc cánh xã hội - dân chủ’’.

Theo France Info, lãnh đạo đảng Xã Hội Olivier Faure cho biết ‘‘sẵn sàng đối thoại với tất cả các đảng phái Cộng Hòa’’ nhưng trên nền tảng của dự án cầm quyền của liên minh đảng phái về đầu’’.

Cánh hữu kêu gọi Macron không ‘‘trì hoãn’’ việc bổ nhiệm thủ tướng
Áp lực gia tăng lên tổng thống Emmanuel Macron từ cánh hữu. Hôm qua, lãnh đạo cánh hữu Laurent Wauquiez, sau cuộc tham vấn với tổng thống tại điện Elysée, đã kêu gọi ‘‘không trì hoãn’’ trong việc bổ nhiệm tân thủ tướng.

Theo AFP, ông Wauquiez bày tỏ sự ‘‘thất vọng’’ về cuộc gặp, đồng thời chỉ trích tổng thống đã ‘‘không đưa ra bất cứ đề xuất mới nào…, cũng như không vạch ra được đường hướng tương lai cho một cương lĩnh điều hành đất nước trong những tháng tới’’. Chính trị gia cánh hữu Annie Genevard, có mặt trong đoàn tham vấn hôm qua tại điện Elysée nhấn mạnh cánh hữu ‘‘sẵn sàng hợp tác với tân chính phủ’’, nhưng sẽ không tham gia chính phủ.

Theo một thăm dò dư luận của Elabe cho BFMTV, được công bố hôm qua, 55% dân Pháp coi việc nước Pháp không có chính phủ ‘‘đầy đủ’’ là một vấn đề, tăng 5% so với cách nay một tháng. Trong lúc 56% người Pháp không ủng hộ việc bổ nhiệm bà Lucie Castets, do liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới đề xuất, làm thủ tướng, 63% coi tổng thống phải chịu trách nhiệm về khủng hoảng chính trị hiện nay. 49% ủng hộ việc khởi động thủ tục phế truất tổng thống, theo đòi hỏi của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất LFI.

Tổng thống Pháp công du Serbia để hoàn tất thương vụ bán chiến đấu cơ Rafale

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay, 29/08/2024, tới Beograd để mở chuyến thăm Serbia hai ngày. Theo dự kiến, Pháp sẽ hoàn tất thương vụ bán 12 chiến đấu cơ Rafale cho quốc gia vùng Balkan này, vốn vẫn duy trì quan hệ hữu hảo với Nga.


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) và đồng nhiệm Serbia Aleksandar Vucic tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 08/04/2024. AP - Sarah Meyssonnier
Phan Minh
Trả lời hãng tin Pháp AFP hôm qua, 28/08, tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tỏ ra lạc quan về việc ký kết “hợp đồng khổng lồ” này và phấn khởi tự hào rằng “Serbia có thể gia nhập Câu lạc bộ Rafale”. Tổng thống Serbia nhấn mạnh gần như toàn bộ “máy bay đánh chặn” và tất cả “chiến đấu cơ” của Serbia đều do Nga sản xuất. Ông nói : “Chúng ta phải cải tiến, thay đổi thói quen để tăng cường sức mạnh cho quân đội.”

Trước đây, tổng thống Vucic từng cho biết sẵn sàng chi trả 3 tỷ euro cho thương vụ này. Trả lời báo chí Serbia vào tối qua, ông Vucic nói rằng mặc dù tài chính không phải là vấn đề, nhưng Beograd vẫn cần nhận được một số “bảo đảm” từ Paris. Về phần mình, điện Elysée khẳng định với báo giới rằng họ “hy vọng” các cuộc đàm phán với tập đoàn Dassault sẽ có kết quả nhân chuyến đi Serbia của tổng thống Macron.

AFP nhắc lại rằng Beograd đang ở trong tình thế khá tế nhị, do Serbia là ứng viên gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU), nhưng vẫn duy trì quan hệ mật thiết với Nga sau khi nước này xua quân xâm lược Ukraina. Beograd vẫn chưa ban hành lệnh trừng phạt Matxcơva kể từ khi nổ ra chiến tranh vào năm 2022. Về phía Pháp, Paris nhận định thương vụ này sẽ “liên kết Serbia với Liên Âu”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét