Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :24/08/2024 - My Loan

Ngọn lửa Paralympic được thắp lên tại Anh
Bốn ngày trước khi diễn ra Paralympic, hôm nay, 24/08/2024, ngọn lửa thiêng được thắp lên tại Stoke Mandeville, Anh Quốc, nơi khởi nguồn ý tưởng tổ chức Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật sau Đệ Nhị Thế Chiến. Vận động viên tham dự Paralympic Paris 2024 chụp ảnh tại sân bay Charles de Gaulle, Paris, Pháp, ngày 22/08/2024. REUTERS - Abdul Saboor - Chi Phương Lễ thắp lửa diễn ra với sự hiện diện của chủ tịch Ủy ban Tổ chức Thế Vận Hội Paris 2024 Tony Estanguet và chủ tịch Ủy ban Paralympic Quốc tế Andrew Parson.
<!>
Đây là lần đầu tiên kể từ Thế Vận Hội tại Luân Đôn năm 2012, ngọn lửa Thế Vận được thắp lên tại Stoke Mandeville. Nghi lễ thắp lửa do hai vận động viên người Anh Helene Raynsford et Gregor Ewan thực hiện. Helen Raynsford là nhà vô địch Paralympic đầu tiên ở môn chèo thuyền, còn Gregor Ewan đã thi đấu ba lần ở môn uốn dẻo trên xe lăn tại Thế vận hội.

Ngọn đuốc sau đó sẽ được rước từ Anh, qua đường hầm dưới biển Manche để sang Pháp ngày mai, Chủ Nhật. Tổng cộng có 24 người rước đuốc từ Anh, sau đó sẽ truyền lại cho 24 người rước đuốc của Pháp ở Calais. Từ Chủ Nhật đến thứ Tư tuần sau, ngọn lửa Paralympic sẽ được rước quanh nước Pháp và kết thúc hành trình tại Paris, thắp lên vạc lửa được đặt tại vườn Tuileries từ Thế Vận Hội Paris.

Lần đầu tiên được tổ chức tại Pháp, lễ khai mạc Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật sẽ diễn ra ngày 28/08/2024, ở ngoài trời, giữa đại lộ Champs-Elysées và quảng trường Concorde, vẫn dưới sự chỉ đạo của giám độc nghệ thuật Thomas Jolly.

Khoảng 4.400 vận động viên từ khắp nơi trên thế giới sẽ tranh tài trong 549 cuộc thi đấu tại 18 địa điểm ở Paris và vùng phụ cận và Châteauroux. Khoảng 2,5 triệu vé sẽ được bán trong sự kiện thể thao này. Thứ Tư vừa qua, ban tổ chức cho biết đã bán được 1,75 triệu vé, trong đó nhiều môn thi đấu đã hết vé.

Paralympic đầu tiên được tổ chức tại Roma, Ý vào năm 1960, với 400 vận động viên đến từ 23 quốc gia, nhưng thật ra ý tưởng tổ chức một sự kiện thể thao dành riêng cho người khuyết tật đã có từ năm 1948, theo đề xuất của nhà thần kinh học Ludwig Guttmann, người Đức. Ông muốn tổ chức thi đấu thể thao cho các cựu chiến binh, bị liệt hoặc thương tật, phải ngồi xe lăn tại bệnh viện Stoke Mandeville, phía tây bắc Luân Đôn.

Bầu cử tổng thống Mỹ : Robert F. Kennedy Junior ủng hộ Donald Trump
Hôm qua, 23/08/2024, Robert F. Kennedy Junior, (cháu của cố tổng thống John F. Kennedy) đã quyết định tạm ngừng tranh cử tổng thống với tư cách ứng cử viên tự do, đồng thời tuyên bố ủng hộ Donald Trump. Hành động này có thể sẽ có tác động, nhưng không đáng kể, đến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa phó tổng thống đương nhiệm Kamala Harris và cựu tống thống Donald Trump.


Ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump bắt tay ứng viên độc lập Robert F. Kennedy Jr. tại một cuộc vận động tranh cử ngày 23/08/2024 ở bang Arizona, Hoa Kỳ. AP - Evan Vucci
Chi Phương
Vào tháng 10/2023, Robert F. Kennedy Junior đã tuyên bố rời khỏi đảng Dân Chủ và ra tranh cử tổng thống dưới tư cách ứng cử viên tự do. Ông mạnh mẽ chỉ trích đảng Dân Chủ về tự do ngôn luận, chiến tranh ở Ukraina.

Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki cho biết thêm:

« Tôi không còn nhìn thấy con đường rõ ràng để tiến vào Nhà Trắng ». Trong bài phát biểu dài 50 phút có phần rời rạc, ứng cử viên tổng thống tự do Robert F. Kennedy Junior giải thích tại sao ông ngưng chiến dịch tranh cử vào vị trí chủ nhân Nhà Trắng, đồng thời cáo buộc đảng Dân Chủ cản đường ông : « Trong một hệ thống trung thực, tôi nghĩ mình có khả năng sẽ thắng cử ».

Ông nói thêm : « Đảng Dân Chủ đã trở thành một đảng của chiến tranh, của kiểm duyệt và tham nhũng, của các hãng dược phẩm và của những tập đoàn công nghệ, một đảng chạy theo đồng tiền ».

Là cháu trai của cố tổng thống J.F. Kennedy bị ám sát năm 1963 và là con trai của thượng nghị sĩ Robert Kennedy, bị ám sát năm 1968 khi tranh cử tổng thống, Robert F. Kennedy Junior nêu rõ là tên của ông sẽ vẫn xuất hiện trong các lá phiếu bầu tại các phòng phiếu ở hầu hết các bang, trừ những bang có thể làm giảm cơ may thắng cử của Donald Trump.

Ông Robert F. Kennedy Junior cũng công khai bày tỏ sự ủng hộ cựu tổng thống Trump và ngầm ám chỉ rằng ứng cử viên Cộng Hòa đã hứa bổ nhiệm ông một vị trí quan trọng trong chính phủ nếu thắng cử và trở lại Nhà Trắng.

Theo các cuộc thăm dò, khoảng 4 đến 5% cử tri có ý định bỏ phiếu cho Robert F. Kennedy Junior. Cho nên rất khó để biết việc ông rút lui có thực sự mang lại lợi ích cho Donald Trump hay không. »

Ukraina kỷ niệm Ngày độc lập trong không khí ảm đạm

Hôm nay, 24/08/2024, trên khắp Ukraina, người dân kỷ niệm Ngày độc lập. Sau 33 năm tách khỏi Liên Xô, Ukraina nay lại đang phải chiến đấu hàng ngày với quân xâm lược Nga để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.


Quốc kỳ Ukraina tại Quảng trường Thượng viện trước Cung Chính phủ ở Helsinki, Phần Lan nhân Ngày Độc lập của Ukraina, ngày 24/08/2024. via REUTERS - Jussi Nukari
Minh Phương
Trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, lễ kỷ niệm Ngày độc lập năm nay cũng không có những hoạt động rầm rộ nhưng vẫn mang ý nghĩa đặc biệt với người dân Ukraina. Từ Kiev, thông tín viên Emmanuelle Chaze tường thuật :

“Trong giai đoạn chiến tranh như hiện nay, Ngày độc lập lại càng mang một ý nghĩa đặc biệt đối với người dân Ukraina. Hôm nay là lễ kỷ niệm 33 năm thành lập nhà nước Ukraina kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 và là Ngày độc lập thứ 3 kể từ khi Nga xâm lược đất nước quy mô lớn này. Người dân Ukraina nhận thức rõ rằng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của họ đang bị tấn công hàng ngày. Đối mặt với sự xâm lược của Nga, Ngày độc lập được tổ chức và được hoan nghênh hơn bao giờ hết, ngay cả trong bối cảnh cuộc chiến khốc liệt đã khiến Ukraina phải chịu nhiều thiệt hại về nhân mạng không thể bù đắp, cũng những tàn phá về vật chất và môi trường ước tính lên tới gần 500 tỷ đô la.

Theo dữ liệu do Viện Xã hội học Quốc tế ở Kiev công bố, đây thậm chí còn là ngày lễ yêu thích của 64% người Ukraina, vào năm 2013, hơn cả ngày Euromaidan. Số người yêu thích lễ kỷ niệm Euromaidan, hay còn gọi là cuộc cách mạng nhân phẩm, ít hơn 6 lần. Những con số này cho thấy sự gắn bó mạnh mẽ của người Ukraina với nền độc lập, vì sự sống còn của quốc gia đang bị đe dọa. Do tình hình chiến sự, sẽ không có những lễ hội rầm rộ với sự tham dự của công chúng. Cơ quan tình báo Mỹ và Đức còn cảnh báo Nga có thể sẽ tiến hành một cuộc không kích vào ngày này.”

Hoa Kỳ cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraina và ban hành trừng phạt mới nhắm vào Nga

Hoa Kỳ hôm qua, 23/08/2024, đã thông báo một khoản viện trợ quân sự mới cho Ukraina, trong đó có các vũ khí phòng không, đồng thời công bố các biện pháp trừng phạt nhắm vào ngành quốc phòng của Nga.


Ảnh tư liệu: Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky bắt tay hai thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Lindsey Graham và Richard Blumenthal tại Kiev, Ukraina ngày 12/08/2024. AP
Thanh Phương
Theo hãng tin AFP, trong một cuộc điện đàm, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã cảm ơn tổng thống Mỹ Joe Biden về viện trợ quân sự mới này. Trên mạng xã hội X, ông Zelensky cho biết Kiev đang rất cần các vũ khí đó, đặc biệt là cho hệ thống phòng không, để “bảo vệ một cách hiệu quả các thành phố, các cộng đồng dân cư và các cơ sở hạ tầng thiết yếu”.

Trong một thông cáo, tổng thống Biden cho biết các vũ khí mới, trực tiếp lấy từ kho dự trữ của quân đội Mỹ, đặc biệt bao gồm các thiết bị và tên lửa để bắn hạ các drone nhằm “bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu của Ukraina.”. Theo bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, trong viện trợ quân sự lần này còn có đạn cho hệ thống pháo phản lực Himars, tên lửa diệt tăng, đạn pháo, xe cứu thương và thiết bị y tế. Lầu Năm Góc ước tính trị giá tổng cộng của các vũ khí, thiết bị này là 125 triệu đô la.

Từ đầu chiến tranh Ukraina đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia yểm trợ Kiev nhiều nhất với tổng cộng 55 tỷ đô la viện trợ về quân sự và an ninh.

Viện trợ quân sự mới của Hoa Kỳ được thông báo đúng vào lúc thủ tướng Narendra Modi đang thăm Kiev trong chuyến đi đầu tiên của một lãnh đạo chính phủ Ấn Độ đến Ukraina. Hôm qua, ông Modi đã lặp lại lời kêu gọi tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột giữa Ukraina và Nga.

Hôm qua, Washington cũng đã thông báo loạt trừng phạt mới nhắm vào 400 thực thể và cá nhân ở Nga, Belarus và ở một số nước khác, trong đó có khoảng 60 công ty công nghệ quốc phòng sản xuất những sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ cho nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraina. Theo thông cáo của thứ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ Wally Adeyemo, các biện pháp trừng phạt mới chủ yếu nhắm vào những công ty công nghiệp tham gia vào việc hỗ trợ và phát triển công nghiệp quốc phòng Nga.

Philippines cáo buộc Trung Quốc bắn pháo sáng vào máy bay tuần tra trên Biển Đông

Hôm nay, 24/08/2024, Philippines tố cáo Trung Quốc hai lần bắn pháo sáng vào một trong các máy bay tuần tra của nước này hoạt động tại các khu vực tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.


Tàu tuần duyên của Philippines BRP Cape Engano (MRRV-4411) sau vụ va chạm với tàu hải cảnh Trung Quốc ngày 19/08/2024 tại Biển Đông. AP
Chi Phương
Trong một thông cáo, được AFP trích dẫn, chính phủ Philippines cho biết « một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã nhiều lần bắn pháo sáng từ khoảng cách gần, nhắm vào một máy bay tuần tra dân sự của Philippines hôm 19/08 vừa qua, tại một khu vực gần bãi cạn Scarborough, cách Manila khoảng 350 km ». Ba ngày sau đó, « chiếc máy bay này một lần nữa bị Trung Quốc bắn pháo sáng khi đang tuần tra tại bãi đá Xubi (Subi reef), thuộc cụm đảo Thị Tứ, quần đảo Trường Sa, để« theo dõi và ngăn chặn những kẻ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải » của Philippines.

Manila kêu gọi Trung Quốc chấm dứt « các hành động khiêu khích và nguy hiểm », đe dọa an ninh của các tàu và máy bay Philippines, và cho rằng các hành động này « chỉ làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế ».

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc có hành động gây hấn như vậy. Hôm 10/08, Bắc Kinh cũng đã bị cáo buộc là bắn pháo sáng vào một máy bay tuần tra của Philippines tại bãi cạn Scarborough.

Về phần mình, hôm qua Bắc Kinh thông báo đã thực hiện những biện pháp « tuân thủ luật pháp quốc tế », chống lại các « máy bay quân sự của Philippines đã xâm nhập không phận » của Trung Quốc tại khu vực biển Đông.

Trong những tháng vừa qua, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila đã leo thang với nhiều vụ đối đầu ở Biển Đông. Hồi đầu tuần này đã xảy ra va chạm giữa các tàu Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn Sabina, một trong những khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Khu vực này cách đảo Palawan của Philippines 140 km về phía Tây và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 1.200 km.

Theo Manila, đây là hành động thù địch đầu tiên của Bắc Kinh tại khu vực mà hai bên đã xây dựng nơi đồn trú tàu tuần duyên trong nhiều tháng và cũng là nơi Philippines lo ngại Trung Quốc sắp xây đảo nhân tạo.

Bầu cử Venezuela: Các nước láng giềng bác bỏ phán quyết của Tòa án Tối cao
Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu cùng với 10 quốc gia vùng châu Mỹ La tinh hôm qua, 23/08/2024, đều đã bác bỏ phán quyết của Tòa án Công lý Tối cao Venezuela chứng nhận tổng thống Nicolas Maduro đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử ngày 28/07, trong khi ứng cử viên đối lập khẳng định đã giành chiến thắng. Caracas đã ngay lập tức bác bỏ tuyên bố chung của 10 nước láng giềng và Hoa Kỳ.


Hàng ngàn người Venezuela lưu vong tại Hoa Kỳ biểu tình phản đối kết quả bầu cử tổng thống Venezuela tại Công viên Bayfront ở Miami, Mỹ, ngày 17/08/2024. AP - Pedro Portal
Thanh Phương
Từ Caracas, thông tín viên Alice Campaignolle tường trình:

"Tòa án Công lý Tối cao dường như đã gọi là “kiểm chứng” các kết quả bầu cử mà Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố mà “không đưa ra bằng chứng nào”. Trong tuyên bố chung được ký tại Quito, các nước láng giềng của Venezuela đã nói thẳng thừng như thế, đồng thời yêu cầu kiểm tra một cách không thiên vị và độc lập các phiếu bầu.

Caracas dĩ nhiên là đã có phản ứng ngay lập tức. Theo lời ngoại trưởng Yvan Gil, Venezuela yêu cầu các nước tôn trọng tuyệt đối chủ quyền và nền độc lập của Venezuela. Hai điều này đã đạt được nhờ chiến đấu chống những đế quốc thù địch nhất, nay một lần nữa muốn áp đặt sự thay đổi chế độ, theo kiểu các vụ đảo chính do Hoa Kỳ yểm trợ trong suốt hơn 100 năm qua ở châu Mỹ La tinh và vùng Caribê.

Đối với ngoại trưởng Yvan Gil, đây là sự hình thành một “nhóm Lima” mới. Cơ chế này đã được thiết lập vào năm 2017, quy tụ 14 nước yểm trợ cho phe đối lập Venezuela, đứng đầu vào lúc đó là Juan Guaido, để giúp nước này thoát khỏi khủng hoảng.

Nhưng nhóm này đã không thể giúp cải thiện tình hình chính trị ở Venezuela. Đối với ngoại trưởng Yvan Gil, nhóm mới rồi cũng sẽ bị giải thể và toàn bộ các mưu toan của nhóm này sẽ, xin trích, “ bị nhân dân của Simon Bolivar và Hugo Chavez đập tan”.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét