Matxcơva hứng chịu một trong những cuộc tấn công bằng drone Ukraina lớn nhất từ trước đến nay Theo thông báo hôm nay 21/08/2024 của thị trưởng Matxcơva, Sergei Sobyanin, thủ đô Nga trong đêm qua đã là mục tiêu của một trong những cuộc tấn công bằng drone của Ukraina quy mô nhất trong lịch sử nhắm đến thành phố này. Đêm 20 rạng sáng 21/08/2024, thủ đô Nga bị nhiều drone Ukraina tấn công. (Ảnh minh họa chụp ngày 26/03/2024 cho thấy binh sĩ Ukraina chuẩn bị phóng drone Poseidon H10) AP - Efrem LukatskyThanh Phương
Hãng tin AFP trích nguồn tin từ bộ Quốc Phòng Nga cho biết trong đêm qua, 11 drone đã bị bắn hạ trên vùng trời thủ đô Matxcơva và vùng phụ cận. Theo thị trưởng Matxcơva, do bị bắn hạ nên các drone của Ukraina đã không gây thương vong cũng như thiệt hại vật chất.
Nằm cách biên giới Ukraina hơn 500 km, Matxcơva và vùng phụ cận đã từng bị tấn công bằng drone, như vào mùa hè năm ngoái, các drone đã bị bắn chặn trên không phận thủ đô và trước đó, vào tháng 5/2024, hai drone cũng đã bị phá hủy trước khi bay đến mục tiêu.
Cuộc tấn công bằng drone nói trên diễn ra trong bối cảnh Nga đã phải đối đầu với một chiến dịch tấn công chưa từng có của quân Ukraina vào vùng biên giới Kursk từ ngày 06/08.
Trong khi đó, quân Nga, được trang bị tốt hơn và có quân số đông hơn đối phương, tiếp tục đà tiến ở vùng Donetsk, miền đông Ukraina. Hôm qua, họ thông báo đã chiếm được thành phố New York ở vùng này. Đây là một trong những trung tâm hậu cần quan trọng của quân Ukraina.
Thành phố này mang tên New York cho đến năm 1951, khi chính quyền Liên Xô đổi tên thành Novgorodskoïe. Chỉ đến năm 2021, thành phố mới lấy lại tên cũ là New York.
Cũng vào hôm qua, lần đầu tiên kể từ năm 2011, tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Chechnya, nước Cộng hòa thuộc Nga ở vùng Kavkaz, mà lãnh đạo là Ramzan Kadyrov, một đồng minh của chủ nhân điện Kremlin. Để chống trả cuộc tấn công của quân Ukraina vào vùng Kursk, lực lượng Chechnya đã được triển khai tại vùng này để hỗ trợ quân Nga.
Ukraina cấm các tổ chức tôn giáo hợp tác thân thiện với Nga
Hôm qua, 20/08/2024, Quốc Hội Ukraina đã bỏ phiếu thông qua dự luật cấm các tổ chức tôn giáo có quan hệ hợp tác thân thiện với Nga. Thực ra, đối tượng chính của văn bản này là Giáo hội Chính Thống Ukraina thuộc Tòa Thượng phụ Matxcơva vì bị nghi ngờ hợp tác với Điện Kremlin. Tổng thống Volodymyr Zelensky ca ngợi quyết định lịch sử, thể hiện “sự độc lập tinh thần của người dân Ukraina” khi đối mặt với Nga.
Những tín đồ Ukraina theo Chính Thống giáo thuộc Tòa Thượng phụ Matxcơva cầu nguyện ở lối vào tu viện Các hang động Kiev, ngày 20/08/2024. © SERGEI SUPINSKY / AFP
Minh Phương
Trong những năm gần đây, Ukraina, đất nước với đại đa số người dân theo Chính Thống giáo, đã dần quay lưng với Giáo hội Chính Thống thuộc Tòa Thượng phụ Matxcơva. Đỉnh điểm là vào vào tháng 02/2022, khi Thượng phụ Nga Kirill công khai ủng hộ cuộc xâm lược của Nga tại Ukraina.
Từ Kiev, thông tín viên RFI Emmanuelle Chaze cho biết cụ thể về luật mới này :
Các tổ chức tôn giáo hợp tác hoặc thân thiện với Nga sẽ không thể tiếp tục hoạt động ở Ukraina, đây là điều mà đạo luật mới quy định. Văn bản này đặc biệt nhắm vào Giáo hội Chính Thống Ukraina thuộc Tòa Thượng phụ Matxcơva, chứ không phải là Giáo hội Chính Thống Ukraina vì giáo hội này không liên quan đến Nga.
Luật được đa số thông qua sau khi xuất hiện nhiều nghi ngờ đối với một số giáo sĩ thuộc Giáo hội Chính Thống liên quan tới Matxcơva. Những người này bị nghi hợp tác với Điện Kremlin và biện minh cho cuộc chiến tranh của Nga tại Ukraina, đặc biệt là sau khi phát hiện ra các tài liệu tuyên truyền và hộ chiếu Nga trong một số nhà thờ vào tháng 01/2023. Vào thời điểm đó, Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraina đã đề xuất cấm tất cả các tổ chức tôn giáo liên quan đến Matxcơva. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã hứa bảo đảm sự độc lập hoàn toàn giữa Nhà nước Ukraina và Giáo hội.
Luật được thông qua hôm nay có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày công bố, và Giáo hội Chính Thống Ukraina thuộc Tòa Thượng phụ Matxcơva sẽ có 9 tháng để chứng minh rằng họ đã cắt đứt mọi liên hệ với Điện Kremlin.
Đáp lại, Giáo hội Chính Thống Nga đã lên án quyết định này, gọi đây là "hành động bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản về tự do tín ngưỡng và nhân quyền."
Châu Âu khẳng định quyết tâm tăng thuế thêm tới 38% với xe ô tô điện nhập Trung Quốc
Hôm qua, 20/08/2024, Ủy Ban Châu Âu khẳng định quyết tâm duy trì dự án tăng thuế thêm, tối đa là 38%, với xe ô tô điện nhập từ Trung Quốc, để bảo vệ thị trường nội địa. Hôm nay, 21/08, Bắc Kinh thông báo điều tra về một số sản phẩm sữa của châu Âu để trả đũa.
Xe ô tô điện của hãng Trung Quốc BYD tại cảng containeur ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 08/02/2024. AFP - STR AFP - STR
Trọng Thành
Ngày 04/07/2024, Ủy Ban Châu Âu thông báo sẽ tăng thêm thuế, có thể lên tới 38% đối với xe ô tô điện Trung Quốc (bổ sung vào mức thuế hiện nay là 10%), bị cáo buộc nhận được các trợ giá trực tiếp hay gián tiếp. Quyết định chính thức sẽ được đưa ra vào cuối tháng 10/2024, và có hiệu lực trong 5 năm. Kể từ khi thông báo được đưa ra cho đến khi quyết định có hiệu lực, Ủy Ban Châu Âu tiếp tục tiến hành các điều tra về trợ giá, vốn đã được khởi sự từ tháng 10/2023 và điều chỉnh việc áp thuế mới dựa trên mức độ trợ giá và thái độ hợp tác của các công ty sản xuất xe ô tô điện tại Trung Quốc.
Với các công ty bất hợp tác, thuế có thể bị tăng thêm 36,3% ngay từ bây giờ. Mác MG4 của nhà sản xuất SAIC, loại xe bán chạy nhất ở châu Âu, sẽ bị tăng thuế tối đa. Xe Tesla của công ty Mỹ, sản xuất tại Trung Quốc, sẽ bị tăng ít thuế nhất, thêm 9%. Lý do là Tesla được tài trợ rất ít và hợp tác với cuộc điều tra của châu Âu. BYD và Geely bị đánh thuế thêm 17% và 19,3%.
Theo chuyên gia Elvire Fabry, viện Jacques Delors, phụ trách nhóm công tác về quan hệ Liên Âu – Trung Quốc, việc tăng thuế khác biệt tùy theo mức độ hợp tác nói trên là ‘‘một tín hiệu chính trị’’ của Ủy Ban Châu Âu, cho thấy châu Âu đang nỗ lực để ‘‘điều chỉnh tình trạng cạnh tranh bất chính để bảo vệ thị trường nội địa châu Âu, nhưng cũng không đóng sập mọi cánh cửa’’ với Trung Quốc.
Xe ô tô điện giá rẻ Trung Quốc ngày một tràn ngập châu Âu
Ngành xe hơi châu Âu, với 14,6 triệu nhân công đang đứng trước cuộc cạnh tranh sống còn với Trung Quốc. Xe ô tô điện Trung Quốc giá rẻ đang ngày càng tràn ngập thị trường châu Âu, chiếm 22% so với 3% cách nay 3 năm. Theo một giới chức châu Âu, được AFP dẫn lời, phần căn bản của trợ giá từ phía Bắc Kinh là giúp các hãng xe đưa ra được bình điện (ắc quy) giá rẻ hơn.
Hiện tại, dự án tăng thuế của Ủy Ban Châu Âu vẫn tiếp tục gây chia rẽ trong nội bộ khối. Nếu như Pháp và Tây Ban Nha ủng hộ mạnh, thì Đức, Hungary và Thụy Điển vận động chống, vì lo sợ các trả đũa của Trung Quốc. Tại Trung Quốc, các tập đoàn xe hơi Đức, như Audi, BMW, Mercedes và Volkswagen thu được 40% trên tổng số doanh thu toàn cầu.
Kể từ khi Ủy Ban Châu Âu chính thức thông báo dự án tăng thuế, phòng Thương mại Trung Quốc ở Liên Âu đã lên án ‘‘chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch’’ trá hình, và đe dọa các hệ quả ‘‘tiêu cực’’. Hôm nay, Bắc Kinh thông báo điều tra về một số sản phẩm sữa của châu Âu, như một số loại pho mát, kể từ ngày 21/08/2024, do hoạt động bị cáo buộc là cạnh tranh ‘‘bất chính’’.
Thái Lan phát hiện du khách mắc bệnh đậu mùa khỉ, nghi nhiễm biến chủng nguy hiểm Clade 1b
Hôm nay, 21/08/2024, Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan cho biết đã ghi nhận một trường hợp mắc Đậu mùa khỉ (Mpox) tại nước này. Các cơ quan chức năng nghi ngờ rằng đây là biến chủng Clade 1b gây chết người, loại biến chủng đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.
(Ảnh tư liệu) : Các mẫu xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ, ngày 23/05/2022. REUTERS - Dado Ruvic
Minh Phương
Trả lời AFP, ông Thongchai Keeratihattayakorn, giám đốc Cục Kiểm soát Dịch bệnh của Thái Lan, cho biết bệnh nhân là một người châu Âu 66 tuổi, nhập cảnh vào Thái Lan hôm 14/08, nhưng trước đó đã đến châu Phi. Du khách này được cách ly tại bệnh viện và đang được xét nghiệm để xác nhận biến chủng. Dù chưa có kết quả cuối cùng từ phòng thí nghiệm, nhưng Cục Kiểm soát Dịch bệnh nghi đây là biến chủng Clade 1 và đang giám sát 42 người đã tiếp xúc với bệnh nhân.
Theo WHO, biến chủng Clade 1 là nguyên nhân gây ra đợt dịch hiện nay ở châu Phi, với tỷ lệ tử vong là 3,6% và đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em. Cộng Hòa Dân Chủ Congo đã ghi nhận ít nhất 16.000 ca nhiễm bệnh Đậu mùa khỉ, trong đó có 548 ca tử vong. Tại Burundi, số bệnh nhân nhiễm mới đã tăng hơn gấp đôi trong vòng một tuần, lên tới 572 ca. Còn tại châu Á, Pakistan và Philippines cũng bắt đầu ghi nhận trường hợp mắc bệnh Đậu mùa khỉ vào tuần trước. Tuy nhiên, theo bộ trưởng Y Tế Philippines Teodoro Herbosa, bệnh nhân tại nước này nhiễm biến chủng Clade 2, được coi là ít nguy hiểm hơn và người này “chưa đi ra nước ngoài”.
Tại Pháp, dù chưa có trường hợp mắc Mpox nào được ghi nhận, nhưng thủ tướng Gabriel Attal thông báo, 232 địa điểm tiêm chủng bệnh Đậu mùa khỉ trên toàn quốc đã bắt đầu mở cửa. Đồng thời, ông cho biết Paris “sẽ tặng 100.000 liều vac-xin để chống lại sự lây lan của dịch bệnh. Vac-xin sẽ được phân phối qua Liên Hiệp Châu Âu đến các khu vực virus đang hoành hành”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét