Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2024

Nguyên Sa & Tám Phố Sài Gòn - Vương Trùng Dương


Bài thơ Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường vào đầu thế kỷ XIX của khuyết danh chỉ đề cập tổng quát, được đề cập nhiều (Sau nầy có bài thơ của Nguyễn Bính nhưng không có gọi tên phố phường). Tác phẩm Hà Nội 36 Phố Phường của nhà văn Thạch Lam (1910-1942) ấn hành năm 1943 được phổ biến rộng rãi, được mọi người biết đến nếp sống, sinh hoạt… của Hà Nội xa xưa. Bài thơ Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường trong tập thơ Lỡ Bước Sang Ngang năm 1940:
<!>
“Hà Nội ba mươi sáu phố phường,
Lòng chàng có để một tơ vương.
Chàng qua chiều ấy qua chiều khác,
Góp lại đường đi: vạn dặm đường…

Hà Nội ba mươi sáu phố phường,
Lòng chàng đã dứt một tơ vương,
Chàng qua chiều ấy qua chiều khác.
- Có một người đi giữa đám tang”.

Bài thơ chỉ là tâm trạng của chàng trai khi lang thang trên phố cổ, nếu không ghi “Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường” thì có thể nơi đó cũng gán cho cố đô Huế, phố cổ Hội An…

Bài thơ Hà Nội 36 Phố Phường của khuyết danh (?) in trong quyển Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển của học giả Dương Quảng Hàm ấn hành năm 1942:

“Rủ nhau chơi khắp Long Thành,
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai,
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay,
Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giày,
Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn,
Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Ngang,
Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Than, Hàng Đồng,
Hàng Muối, Hàng Nón, cầu Đông,
Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè,
Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre,
Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà.
Quanh đi đến phố Hàng Da,
Trải xem Hàng phố, thật là cũng xinh.
Phố hoa thứ nhất Long Thành,
Phố giăng mắc cửi, đàn quanh bàn cờ.
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,
Bút hoa xin chép nên thơ lưu truyền”

Như vậy hình ảnh Hà Nội vào thập niên 1940’ tiêu biểu qua tùy bút của Thạch Lam và hai bài thơ.


Với Sài Gòn đã có nhiều tác phẩm trước năm 1975 như hồi ký Địa Danh Cũ Sài Gòn của Bình Nguyên Lộc, Đất Gia Định - Bến Nghé Xưa & Người Sài Gòn, Giới Thiệu Sài Gòn Xưa (300 Năm)… của Sơn Nam, Sài Gòn Năm Xưa của Vương Hồng Sển… nhưng ít được biết đến như tác phẩm của Thạch Lam.

Thi ca về Sài Gòn từ năm 1975 trở về trước cũng khá nhiều nhưng đặc biệt với bài thơ Tám Phố Sài Gòn của Nguyên Sa.

Trong thời kỳ Việt Minh Trần Bích Lan (Nguyên Sa) bị bắt giam khi mới 15 tuổi. Hồi cư về Hà Nội, gia đình cho ông qua Pháp du học vào năm 1949. Năm 1953, ông đậu tú tài Pháp, học triết tại đại học Sorbonne, Paris. Năm 1955 lập gia đình với bà Trịnh Thúy Nga, gặp nhau trên đất Pháp năm 1953 (bà ở Hà Nội du học năm 1952). Đầu năm 1956, ông bà về sống tại Sài Gòn. Ông dạy triết tại Trường Trung học Chu Văn An, cũng có thời gian dạy triết tại Đại Học Văn khoa Sài Gòn. Ông mở hai trường tư thục là Văn Học và Văn Khôi và dạy triết các trường trung học ở Sài Gòn. Năm 1960, Nguyên Sa thành lập tờ Gió Mới (cùng với Trần Dzạ Từ) và cùng năm Nguyên Sa ra đời tạp chí Hiện Đại nhưng chỉ “thọ” được 9 số.

Nguyên Sa - Trần Bích Lan đã ấn hành những tác phẩm, sách nhiều thể loại Biên Khảo, Truyện Dài, Truyện Ngắn, Bút Ký & Hồi Ký, Sách Giáo Khoa, Triết… nhưng thường gọi là nhà thơ Nguyên Sa với 4 tập Thơ Nguyên Sa (1957-1998). Thơ Nguyên Sa toàn tập (2000) và Nguyên Sa, Cuộc Hành Trình Trên Là Lục Bát do hiền thê của ông ấn hành. Với bút hiệu Hư Trúc (nhân vật trong Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung) qua các bài viết phiếm, bút chiến, không ân hành tác phẩm nào. Riêng tập thơ Những Năm Sáu Mươi trong thời gian nhập ngũ. Tập thơ nầy không được Bộ Thông Tin cấp giấy phép xuất bản, năm 1971 nhà xuất bản Trình Bày của Thế Nguyên in lén qua hình thức quay roneo, phổ biến hạn chế trong thân hữu.

Tháng 12/1966 ông động viên vào khóa 24 Trường Bộ Binh Thủ Đức và ở trong Ban Biên Tập SVSQ liên khóa 23 & 24 của nguyệt san Bộ Binh Thủ Đức (tôi biết ông khi ở trong BBT nầy). Ông phục vụ tại Trường Quốc Gia Nghĩa Tử cho đến tháng 4/1975 định cư ở Pháp, sau đó về định cư tại Little Saigon.

(Năm 1998, tôi viết bài Nguyên Sa: Lời Thơ Ý Nhạc... trên tờ Thế Giới Nghệ Thuật, trước khi ông qua đời, ghi rõ về cuộc đời nhà thơ và những bài thơ được phổ nhạc). Vì vậy trong bài viết nầy chỉ đề cập với bài thơ Tám Phố Sài Gòn bài thơ 8 khổ 32 câu vào năm 1965.

Trong Hồi Ký Nguyên Sa (Đời, 1998), gồm bốn phần, không theo trình tự thời gian, ghi chép lại những biến cố trong cuộc sống trải qua những biến động của xã hội cùng những nhân vật thời thế… Trong đó ông đề cập đến bài thơ Tám Phố Sài Gòn, theo ông ghi lại trong hồi ký thì bài thơ nầy xuất hiện trên Số Xuân năm 1965 của tờ Văn theo lời yêu cầu của ông Nguyễn Đình Vượng. (Tạp chí Văn, do Trần Phong Giao đảm nhận từ số 1 năm 1964 đến cuối năm 1971. Ông Nguyễn Ðình Vượng mời hai nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng và Mai Thảo thực hiện cho đến tháng 4/1975).

Tám Phố Sài Gòn

“Sài Gòn đi rất chậm buổi chiều
Cánh tay tà áo sát vòng eo
Có nghe đôi mắt vòng quanh áo
Năm ngón thơ buồn đứng ngó theo

Sài Gòn phóng solex rất nhanh
Đôi tay hoàng yến ngủ trong gants
Có nghe hơi thở cài vương miện
Lên tóc đen mềm nhung rất nhung

Sài Gòn ngồi thư viện rất nghiêm
Tờ hoa trong sách cũng nằm im
Đầu thư và cuối cùng trang giấy
Những chữ y dài trông rất ngoan

Sài Gòn tối đi học một mình
Cột đèn theo gót bóng lung linh
Mặt trăng theo ánh đèn: trăng sáng
Đôi mắt trông vời theo ánh trăng

Sài Gòn cười đôi môi rất tròn
Vòng cung mầu đỏ, nét thu cong
Cầu vồng bắc giữa mưa và nắng
Hay đã đưa dần sang nhớ mong

Sài Gòn gối đầu trên cánh tay
Những năm mười sáu mắt nhìn mây
Chiếc tay tròn ánh trăng mười bốn
Tiếng nhạc đang về dang cánh bay

Sài Gòn nắng hay Sài Gòn mưa
Thứ Bảy Sài Gòn đi Bonard
Guốc cao gót nhỏ mây vào gót
Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ

Sài Gòn mai gọi nhau bằng cưng
Vành môi nghiêng cánh xuống phân vân
Lưng trời không có bầy chim én
Thành phố đi về cũng đã Xuân”

Bài thơ cho báo Xuân mà chỉ có chữ Xuân cuối bài thơ. Sài Gòn tám phố, tuy có mười lần nhắc đến tên Sài Gòn và hình ảnh con đường Bonard vào thời Pháp thuộc đã đổi tên đường Lê Lợi sau năm 1954.

Lúc đó nhà thơ Nguyên Sa đã nổi danh nên không có ai nói tám phố Sài Gòn mà chẳng thấy hình ảnh tám phố thế nào (như bài thơ về Hà Nội của Nguyễn Bính), ít ra như Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn của nhà thơ Du Tử Lê:

“Đêm về theo bánh xe qua
Nhớ em xa lộ nhớ nhà Hàng Xanh…
Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
Nắng Trương Minh Giản trưa hè Tự Do

Nhớ nghĩa trang quê hương bạn bè
Nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường”

Bài thơ nầy được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc cùng tên và tôi đã viết vào năm 2007 khi uống cà phê với nhau, được Du Tử Lê chia sẻ.

Về địa danh, ngày 22/10/1956 của Tổng Thống VNCH ban hành sắc lệnh Đô Thành Sài Gòn - Chợ Lớn đổi thành Đô Thành Sài Gòn có 8 quận: Quận Nhứt, Nhì, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bảy và Tám.

Ngày 10 tháng 10 năm 1965, Tổng Long Vĩnh Hạ lại được tách khỏi quận Dĩ An, nhập trở lại quận Thủ Đức. Năm 1967 xã An Khánh được cắt khỏi quận Thủ Đức, nhập vào Quận 1 của Đô Thành Sài Gòn và được chia thành hai phường là An Khánh và Thủ Thiêm. Sau, 2 phường An Khánh và Thủ Thiêm lại được tách ra để thành lập Quận 9 của Đô Thành Sài Gòn. Tuồng cải lương “Ông Cò Quận 9” hay “Tuyệt Tình Ca” của Hà Triều - Hoa Phượng vào năm 1965, lúc đó chưa có quận 9 nên đặt tên để tránh sự đụng chạm.

Sau Tết Mậu Thân 1968, người dân tản cư về Đô Thành sinh sống rất đông vì vậy Tòa Đô Chánh Sài Gòn thành lập thêm hai quận nầy vào khoảng tháng 7/1969, nâng số quận tại Đô Thành thành 11 quận.

Với bài thơ Paris Có Gì Lạ Không Em? và Tám Phố Sài Gòn là hai địa danh qua dòng thơ Nguyên Sa trải qua nhiều thập niên vẫn được yêu thích. Với tâm hồn lãng mạn với hình ảnh giai nhân trong Tám Phố Sài Dài Gòn như: Đôi tay hoàng yến ngủ trong gants. Có nghe hơi thở cài vương miện. Lên tóc đen mềm nhung rất nhung… Guốc cao gót nhỏ mây vào gót. Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ”. Trong khi Paris Có Gì Lạ Không Em với hình ảnh: “Anh về giữa một giòng sông trắng, Là áo sương mù hay áo em?... Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay. Tóc em anh sẽ gọi là mây… Vì em hay một vừng trăng sáng. Đã đắm trong lòng cặp mắt em?”có lẽ không dễ thương như bóng hồng ở Sài Gòn (?).

Tạp chí Văn Học số 99, ngày 15/12/1969 với chủ đề Nguyên Sa, thi sĩ của tình yêu. (Trong số nầy có cuộc phỏng vấn của Vũ Bằng, Thượng Sỹ, Phan Kim Thịnh với Nguyên Sa và nhà thơ nói đến quan điểm về thơ). Ngoài những nhà thơ từ thời tiền chiến, Nguyên Sa là một trong những nhà thơ trẻ ở miền Nam VN vào giữa thập niên 1950’ & 1960’ nổi bật về lãnh vực nầy. Tuy nhiên trong Hồi Ký Nguyên Sa “Tôi là người làm thơ, thơ tình, mà vẫn xúc động trước những khổ đau của quê hương, dân tộc tôi”

Những bài thơ tình lãng mạn của ông như “thông điệp tình yêu” (bài thơ Cần Thiết) của một thời sinh viên, học sinh đi vào lớp học “Không có anh lấy ai đưa em đi học về. Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học” hay “Thơ học trò anh chất lại thành non. Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu” và “Cả những giờ bên lớp học, trường thi. Tà áo khuất thì thầm: ‘chưa phải lúc...’. Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc. Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường”…

Bài thơ Buổi Sáng Học Trò với hình ảnh: “Trang sức bằng nụ cười phì nhiêu. Nhẩy bằng chân chim trên giòng suối cạn. Ấy là em trên đường đi buổi sáng. Trăng ở trên môi và gió ở trong hồn. Mái tóc mười lăm trên lá tung tăng. Em ném vào phố phường niềm vui rừng núi”. Nụ cười phì nhiêu không có trong tự điển và đây lần đầu tiên nhà thơ đề cập đến.

Bài thơ Áo Lụa Hà Đông với tuổi học trò mới chớm yêu mà “Gặp một bữa anh đã mừng một bữa. Gặp hai hôm thành nhị hỉ của tâm hồn. Thơ học trò anh chất lại thành non. Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu”. Nhiều bài thơ của Nguyên Sa đã được phổ nhạc, bài thơ nầy Ngô Thụy Miên phổ nhạc năm 1971 và sau nầy ở hải ngoại đến với nhau với nhiều tình khúc, điển hình như: Tháng Sáu Trời Mưa, Paris Có Gì Lạ Không Em, Tuổi Mười Ba, Cần Thiết… (Bài thơ Cần Thiết trước kia do Song Ngọc phổ nhạc, và nhạc sĩ Anh Bằng dựa theo ý thơ phổ thành ca khúc Nếu Vắng Anh vào năm 1971. Khi nhạc phẩm được ấn hành cũng là món quà của người lính tặng cho người yêu khi rời hậu phương).

Trong bài thơ Tám Phố Sài Gòn, nhà thơ không phải là người con của Nam Kỳ Lục Tỉnh mà viết “Sài Gòn mai gọi nhau bằng cưng”, chữ “cưng” là cách xưng hô quen thuộc, thân mật, trìu mến, thông dụng trong giao tiếp với nhau dù thân, sơ trong gia đình, ngoài xã hội của người miền Nam. Sau nầy rất phổ biến trong đôi lứa, bạn bè (nữ) và người thân. Trong các tác phẩm của Hồ Trường An thường dùng các gọi chữ “cưng” như “mèn ơi! Cưng”…

Nửa thế kỷ trôi qua, sống nơi xứ người, tuy không còn tên Sài Gòn nữa nhưng với nơi chốn đó “gọi nhau bằng cưng” cảm thấy như người thân.

Những lời ngắn ngủi, chân tình như: “Cưng ơi, chỉ dùm nhà của bà X… Chỗ này có ai ngồi không cưng?”, “Mua giùm dì đi cưng”... Khi thấy tai nạn xảy ra “Trời ơi, có sao hông cưng!”, “Tội nghiệp cưng quá”… Chỉ một chữ nhưng thể hiện nét đẹp trong văn hóa xử thế… Là dân Hà Nội, khi sống trong Nam, nhà thơ nhân cách hóa địa danh rất tuyệt.

Qua biến thiên của cuộc đời, nhà thơ Nguyễn Đình Toàn với nỗi niềm với Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên “Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên. Mất từng con phố đổi tên đường... Sài Gòn ơi! Tôi mất người như người đã mất tôi. Như trường xưa mất tuổi thiên thần... Còn gì đâu...”. Và nay, người con xa xứ vẫn coi nơi chốn nầy như câu thơ Nguyên Sa “Sài Gòn mai gọi nhau bằng cưng” khi nhà thơ nhân cách hóa rất tuyệt.

Sau thời gian lâm bệnh, sau khi giải phẫu, sức khỏe yếu kém, nhà thơ qua đời ngày 18/4/1998. Là nhà giáo, nhà văn với nhiều sách, tác phẩm nhưng thơ là tim, óc của Nguyên Sa, có lẽ bài thơ Sợi Tóc sáng tác cuối cùng như “di cảo” khắc trên mộ bia của nhà thơ ở Peek Funeral Home (Little Saigon) khắc 6 câu thơ lục bát:

“Nằm chơi ở góc rừng này
Chưa thiên thu cũng đã đầy cỏ hoang
Xin em một sợi tóc vàng
Làm hoa khởi sự cho ngàn kiếp sau
Biết đâu thảo mộc bớt đau?
Biết đâu có bản kinh cầu dâng lên?”

Nhà thơ Nguyên Sa của Sài Gòn năm xưa, khi định cư tại Paris có nhiều bạn bè, thân hữu nhưng bỏ “kinh đô ánh sáng” đến miền nắng ấm Nam California và an giấc nghìn thu tại nghĩa trang ở Little Saigon vĩnh viễn “Nằm chơi ở góc rừng này”. Trần Bích Lan trở về thuở nguyên sơ hạt cát (sa) nhưng hạt cát vĩnh cữu trong dòng sinh mệnh Văn Học Việt Nam.

Little Saigon, August, 2024

Vương Trùng Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét