Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2024

Ly Dị: Biết Đâu Mà Ngờ - Ngu Yên


Rome- Ý, 2019: Phụ nữ phản đối sắc lệnh ly hôn của Pillon - 100 phụ nữ ăn mặc như những người giúp việc thầm lặng đi qua trung tâm thành phố trong cuộc biểu tình phản đối luật nghị định có tên "ddl Pillon" do Thượng nghị sĩ Liên đoàn phương Bắc Simone Pillon đề cử, nhằm thay đổi các quy tắc về ly thân vợ chồng, quyền nuôi con chung, cấp dưỡng… (Ảnh của Simona Granati - Corbis/Corbis, Getty Images)
“Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.” (1)
Câu thơ này mỗi khi đọc lại, vẫn cảm thấy thú vị, dù đã xa xưa. Cảm giác vui vui, vì thiếu nữ thanh xuân đùa giỡn, chỉ cần nhìn cũng thấy lòng phấn khởi. Tiếp theo là cảm giác buồn buồn. Từ từ họ sẽ theo chồng đi hết, còn ai để đùa chơi.
<!>
“Em ơi, lửa tắt bình khô rượu,
Đời vắng em rồi, say với ai?” (2)

Nhưng khi rước cô ấy về nhà, ở một thời gian, chắc gì cô đã muốn ở lâu.

“Ngày nay, trong đám lưng chừng ấy,
Có kẻ bỏ chồng ra lại chơi.” (3)

Ly dị, thông thường, bắt đầu bằng vết thương lòng. Những vết thương sâu đậm, máu chảy dai dẳng sẽ từ từ ẩn vào tiềm thức và ảnh hưởng vô thức hoạt động đưa ra những ý nghĩ về khuynh hướng ly hôn.

Trong một số trường hợp, vết thương nhẹ, rướm máu sơ sài, nhưng bỗng dưng lớn chuyện, vì tự ái, vì tiếp tục tranh cãi, vì giận quá lỡ lời, vì bạo hành thiếu suy nghĩ. Từ đó, ly nước đã đổ xuống đất, làm sao để hốt lên? Trong một số trường hợp khác, có kẻ muốn ly dị vì nhiều lý do, từ tài chánh cho đến người thứ ba; từ xung đột trong đại gia đình đến thành công hoặc thất bại trên đường đời. Những trường hợp này vô cùng phức tạp, khó có thể giải thích cặn kẽ. Khó phân định lỗi phải. Tuy nhiên, có thể kết luận: Nếu yêu nhau đủ thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua.

Nhà nhân loại học Paul Bohannan đưa ra lý thuyết về ly dị, trình bày sáu giai đoạn riêng biệt mà một cá nhân sẽ trải qua trên đường ly hôn. Bohannan xác nhận: sáu giai đoạn có thể xảy ra theo thứ tự khác nhau và với cường độ khác nhau trong quá trình chia tay.

1- Ly dị: giai đoạn tình cảm.

Đời sống vợ chồng thường xuyên có nhiều chuyện không hài lòng. Thời gian ba đến năm năm đầu, họ thường trực cãi nhau. Tỏ lộ hoặc âm thầm với lòng bất mãn, tuy nhiên tình yêu và tình dục sẽ làm cho họ say mê, lưu luyến, đôi khi chịu đựng lẫn nhau.

May mắn, trong thời gian này, người vợ thường thụ thai, sinh con. Sự hiện diện của con trẻ trong gia đình thường làm dịu, làm quên, những thứ không vừa ý. Bổn phận làm cha mẹ bảo vệ và giáo dục con trở thành mục đích chung, có thể chia xẻ và hy sinh những nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên, trong một số hoàn cảnh, cha mẹ tranh cãi vì đứa con. Bất đồng ý kiến về cách dạy dỗ, hoặc vì tôn giáo, hoặc vì bản tính ích kỷ. Hầu hết phụ nữ Á đông trong những hoàn cảnh này, sẽ nhịn nhục để giữ gìn “hạnh phúc”. nghĩa là để bảo đảm đứa con lớn lên có cha. Thay vì phải chỉ cái bóng trên tường như thiếu phụ Nam Xương.

Nhưng nếu nỗi bất mãn càng ngày càng lớn, họ nhận ra tình vợ chồng càng lúc càng xấu đi. Cả hai xử sự trong tinh thần, hành động và lời lẽ tiêu cực. Mức độ tin tưởng lẫn nhau bị xoi mòn, trong khi mức độ chỉ trích gia tăng. Thông thường những tấn công hoặc phản kháng của tinh thần hoặc thể xác để lại những vết thương nguy hiểm đến đổ vỡ.

Khi bắt đầu có khả năng bị tổn thương, nghĩa là trước khi nó xảy ra, quá trình vỡ mộng này có thể đảo ngược. Các tâm lý gia Tây phương cho rằng, “vào thời điểm này nếu vợ chồng cùng nhau bày tỏ sự bất bình của họ và chấp nhận trách nhiệm của mỗi người trong việc sửa đổi những hành vi khó chịu và những kỳ vọng không thực tế khiến họ cảm thấy không hài lòng. Nếu liệu pháp hôn nhân được tìm kiếm vào thời điểm này, các bên có thể chấp nhận được để cố gắng hòa giải. Tuy nhiên, nếu quá trình này không được đảo ngược và nếu rạn nứt tình cảm ngày càng lớn, họ sẽ bắt đầu trải qua nỗi đau buồn đi kèm với việc mất đi đối tượng yêu thương.

Nếu họ tiếp tục sống cùng nhau, cảm giác bị từ chối của vợ chồng sẽ tăng lên khi có bằng chứng cho thấy họ không còn được mong muốn yêu thương nữa. Thông thường, có sự suy giảm trong hoạt động tình dục, mặc dù không phải tất cả các cặp vợ chồng đều ngừng quan hệ tình dục. Một lời giải thích khả dĩ về việc tiếp tục dính líu đến thể xác có thể là nó thể hiện một khuôn mẫu quen thuộc khó phá vỡ, hoặc nó có thể phản ánh sự hoài nghi rằng cuộc hôn nhân đang thực sự tan vỡ. Mặc dù không thích lẫn nhau, một số vợ chồng rõ ràng vẫn bị hấp dẫn về mặt tình dục và miễn cưỡng từ bỏ sự thỏa mãn về thể xác mà họ có được từ mối quan hệ của mình. Ngoài ra, theo kinh nghiệm cho biết, việc một người phối ngẫu sử dụng tình dục trong nỗ lực tuyệt vọng để gìn giữ hôn nhân không phải là điều bất thường.” (4)

2- Ly dị: giai đoạn pháp lý.

Luật pháp về ly dị chia làm ba nhánh khác nhau. Có những nơi, ly dị không dựa vào lỗi lầm của vợ hay chồng. Ngược lại, theo luật truyền thống, luật ly dị yêu cầu vợ hoặc chồng bắt đầu thủ tục ly hôn trên hành vi sai trái của người phối ngẫu. Luật ly dị thứ ba sử dụng quan tòa xét xử. Cả hai bên đều cần luật sư để tranh cãi bảo vệ quyền lợi. Nhiều mánh khóe được áp dụng để tranh giành phần thắng, sẽ để lại thương tích tâm lý cho những người tố tụng vì quyền lợi, nhất là việc tranh giành ưu thế nuôi con. Việc chọn lựa luật sư đại diện trước tòa cũng là một công việc phức tạp và có thể trở nên rất tốn kém.

Trong một số trường hợp, tranh tụng trước pháp luật tạo ra sự mỉa mai và khôi hài.

“Thương nhau lắm, cắn nhau đau”, cổ nhân nói là vì vậy. Cả chồng lẫn vợ phải tìm tòi, lục xét trong quá khứ để tìm ra những bằng cớ hữu dụng. Bao nhiêu tật xấu, bao nhiều điều không hay, đều được phơi bày. Những kỷ niệm đẹp, những ngày vui bên nhau, bỗng dưng trở thành khói lửa. Đôi khi, họ hành xử với nhau bằng sự hận thù. Kéo theo sự chia rẽ trong con cái, gia đình, và bạn bè. Trong những tình trạng này, tình yêu và ly dị là hai kẻ thù.

3- Ly dị: giai đoạn tài chánh.

Chủ yếu giải quyết vấn đề tài sản, cấp dưỡng, hỗ trợ con cái dưới tuổi thành niên. Hai vợ chồng có thể thương lượng với nhau, không cần phải gay go. Nếu không thỏa thuận, khi dùng đến luật sư, họ cũng có thể làm việc với nhau, dựa trên những hiểu biết chung và ý nghĩa luật pháp để thoả thuận cho hai bên thân chủ. Sau cùng, có thể đưa đến quan tòa để có phán xét nghiêm túc và hợp pháp.

Trong giải quyết về tài chánh, tính tình của hai bên sẽ biểu lộ qua những tranh giành lợi ích. Dĩ nhiên khi kết hôn, ít ai nghĩ đến ly dị. Có lẽ khó nghe lời khuyên, nên lựa vợ chọn chồng tốt tính, ôn hòa, biết suy nghĩ và rộng lượng. Trúng một người ham tiền, thủ cẳng, tiết kiệm, thì khi ly dị phân chia tài sản sẽ nhục nhằn, cay đắng.

Chưa kể những khai báo ‘thành thật’ về lợi tức có thể trở thành tội án cho ty thuế vụ hoặc cho những cơ quan có thẩm quyền.

4- Ly dị: giai đoạn phụ huynh và con cái.

Giai đoạn này nhằm giải quyết cho những đứa con dưới tuổi vị thành niên về mặt thể lý và tinh thần. Hầu hết mọi người đều đống ý, trong bất kỳ cuộc ly dị nào, người bị thiệt thòi, bị ảnh hưởng sâu đậm, có khi, bị thương tích trầm trọng không bao giờ lành, là những đứa con. Vì vậy, giai đoạn này phải rất nhạy cảm và thông cảm thay vì ngoan cố và vì ích kỷ cá nhân. Trong giai đoạn này, mọi quyền lợi thuộc về đứa trẻ. Kể cả quyền lợi trung gian, không theo phe mẹ hoặc cha. Ngay cả những đứa con đã lớn, cũng có khả năng bị tổn thương trong tâm hồn. Tổn thương này thuộc về tâm lý và vô thức, dù ý thức có thể hiểu biết và chấp nhận.

Việc ngăn cấm chồng hoặc vợ đến thăm con cái, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, nguy hiểm, phần còn lại sẽ là lỗi lầm có ảnh hưởng dài lâu cho những đứa con trong tương lai. Nhiều trường hợp gây ra tinh thần suy nhược hoặc tâm bệnh cho những đứa trẻ có bản chất tình cảm, yếu ớt, nhạy cảm và mặc cảm.

Giai đoạn này có thể viện dẫn giá trị đạo đức, luân lý, nhưng chủ yếu vẫn là tình thương. Không có đứa con nào mà không cần tình thương của mẹ lẫn cha. Không có đứa con nào mà không mặc cảm khi chứng kiến cảnh cha mẹ ly dị, đàn áp, tính toán với nhau.

5: Ly dị: giai đoạn cộng đồng.

Hầu như người ly dị nào cũng có sự thay đổi về những liên hệ trong cộng đồng và xã hội, kề cả nơi làm việc. Sự thay đổi này cần thiết như thế nào là tùy thuộc vào tâm lý của đương sự. Có những trường hợp, người ly dị phải dọn đi nơi khác, rời khỏi những khung cảnh quen thuộc và bạn bè chung của hai bên, nhất là phái nữ. Luôn luôn có bè phái trong ly dị. Phe bênh chồng, phe bênh vợ, có khi hai phe sẽ không còn liên hệ dù là bạn cũ hoặc người quen trong quá khứ.

Nhưng đối phó nhạy cảm với bối cảnh bên ngoài dễ hơn đối diện với tình cảm nội tâm. Sự xa lạ của một mình sau nhiều năm tháng hai mình là nỗi không quen thuộc, chịu đựng với cô đơn. Chưa kể những hành vi nhe răng múa vuốt của tình dục. Thỏa thuận với cô đơn hoặc cô độc không phải dễ dàng bằng ý thức hoặc hiểu biết. Người ly dị đang đối đầu với một trạng thái mất mát, chấp nhận hoặc bị dày vò bởi bối cảnh hiu hắt trong nội tâm, và tranh đấu với một lực lượng vô hình mạnh mẽ.

6- Ly dị: giai đoạn tâm linh.

Trạm cuối cùng của Bohannan là "ly hôn tâm linh." Giai đoạn này là vấn đề giành quyền tự chủ cá nhân được đối mặt và giải quyết. Đây là giai đoạn ly hôn khó trải qua nhất vì nó liên quan đến việc tách biệt bản thân khỏi tính cách và ảnh hưởng của người bạn đời cũ, cũng như việc chấp nhận hoàn toàn trách nhiệm đối với những suy nghĩ và hành động của chính mình. Về cơ bản, không còn đối tượng để dựa vào hoặc phàn nàn, chỉ trích, đổ lỗi.

Ý thức được sự tự lập và thực hiện được tình trạng tự lập là hai việc khác nhau. Có người mạnh mẽ vượt qua, có người ngồi lại, nhìn những khó khăn chồng chất như leo lên bậc thang, không biết bao giờ mới đến. Sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè là cần thiết. Giúp đỡ thật sự với lòng đồng cảm, không phải xúi giục hoặc khuyên nhủ vô trách nhiệm.

Nhưng quan trọng hơn, chính cá nhân đó phải đứng dậy, phải leo lên, phải mở đèn sáng trên con đường âm u ngày mai. Đọc sách để tìm hiểu vấn đề mình đang cần đối phó là một hành động khôn ngoan và đúng đắn.

Ly dị không hẳn là chuyện bất đắc dĩ, nhưng là chuyện không ngờ, ngoại trừ những âm mưu ngay từ đầu. Hầu hết, những người yêu nhau đều muốn sinh hoạt với nhau cho đến hơi thở cuối cùng. Đến cuối cuộc tình duyên, một người ra đi vĩnh viễn, người kia ở lại một mình, tuy đau buồn tàn nhẫn nhưng là nỗi hạnh phúc của mất mát và lòng tự hào của yêu nhau.

Chuyện ly dị xảy ra đa phần đều có thể tránh né bằng cách cân nhắc và cho nó một thời gian. Nhiều cặp ly dị xong, một vài năm sau, nghĩ lại, những nguyên nhân đưa đến ly dị, đôi khi, không đáng gì so với những khó khăn của bản thân, của cố nhân, của con cái phải trải qua. Những trường hợp này, chỉ cần hiểu biết và chờ đợi, những phức tạp sẽ trôi qua hoặc trở thành đơn giản. Trong đời người, nam cũng như nữ, có những khoảng tuổi đời thường gây sốc do tâm lý thay đổi hoặc hóa chất trong cơ thể biến dạng. “Mid life crisis”, người ta muốn nói đến kinh nghiệm, đâu đó lúc nửa đời nổi ngựa, nửa đời nổi cơn sóng gió. Hoặc những thành công hay thất bại trong đời sống cũng có khả năng tạo ra nhiều bất mãn, hoặc quy tội cho chồng hoặc vợ đã ngăn cản, vướng bận sự nghiệp của mình. Rất có nhiều lý do, nhưng nếu không phải lý do say mê đắm đuối người thứ ba, thì có thể sau một thời gian, già hơn một chút, hiểu hơn một chút, sẽ bình tâm. Lãng tử hồi đầu. Mỹ nhân quay lại.

Trong trường hợp có người thứ ba chen vào, là bối cảnh khó khăn nhất để giải quyết, hoặc đã quá muộn để giải quyết. Để tránh chuyện đã lỡ rồi, chúng ta nên luôn luôn đề phòng những nhân vật nam và nữ “hấp dẫn” lai vãng xung quanh. Nếu tinh ý một chút, sẽ nhận ra ngay ai là đối tượng đang thu hút người tình trăm năm của mình. Đừng tranh cãi, đừng tìm hiểu lý do, lặng lẽ, vui vẻ, luôn luôn xuất hiện ở giữa và ân cần dắt tình đi xa ra. Trong khuôn khổ tình ái, dù là thiên thần cũng không đáng tin.
Ngu Yên

Ghi:
(1) Mùa Xuân Chín. Hàn Mặc Tử.
(2) Đời Vắng Em Rồi Say Với Ai. Vũ Hoàng Chương.
(3) Nhái thơ của Ngu Yên.
(4) Tài lệu tham khảo: Syages of Divorce: A Psychological Perspective của Florence W. Kaslow. Volume 25, Issue 4, article 6.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét