Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2024

ĐIỂM TUẤN BÁO PHÁP QUỐC NGÀY 25/08/2024. - Mỹ Loan


Tô Lâm, tân lãnh đạo cứng rắn của Việt Nam thiên về tư bảnThe Economist tuần này có bài nhận định về « Nhà lãnh đạo mới của Việt Nam : cứng rắn, thiên về tư bản và thích hưởng thụ ». Tân tổng bí thư Tô Lâm vừa gặp Tập Cận Bình hôm 19/08 và tháng tới sẽ sang Hoa Kỳ. - Thụy My - Chú trọng kinh tế thay vì lý luận Cùng với ông Tập, tổng bí thư Việt Nam đã ký kết 14 văn bản về nhiều lãnh vực, từ trường Đảng cho tới xuất khẩu cá sấu. Ông Tô Lâm tái khẳng định tầm quan trọng của đối tác thương mại lớn nhất, và việc ông sắp công du Mỹ cho thấy ông tiếp tục chính sách « ngoại giao cây tre ».
<!>
Điều đáng chú ý trong chuyến đi là Tô Lâm theo vết chân của Hồ Chí Minh, từng đến Quảng Châu năm 1924 với tên Lý Thụy. Chuyến « hành hương » về lý thuyết là kỷ niệm 100 năm ông Hồ tới thành phố này. Tuần báo Anh ghi nhận việc tôn vinh các nhà cách mạng lão thành là điều kiện tiên quyết để thăng tiến ở Việt Nam. Người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng là một lý thuyết gia mác-xít cho đến khi qua đời hồi tháng Bảy. Ông Lâm không phải là một nhà cách mạng cũng chẳng phải học giả, mà xuất thân từ bộ Công An.

Việc chọn thăm Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông cho thấy tinh thần trọng thương : Việt Nam buôn bán với Quảng Đông gần tương đương với Nhật Bản. Tô Lâm đã ngầm ưu tiên cho tư bản chủ nghĩa chứ không phải xã hội chủ nghĩa. Việt Nam là một sức mạnh đang lên, có 100 triệu dân với dân số trẻ và giá lao động rẻ bằng phân nửa so với vùng duyên hải ở Hoa lục, được cả Trung Quốc và Hoa Kỳ ve vãn. Đất nước này được hưởng lợi từ nỗ lực của Mỹ muốn giảm bớt rủi ro trong chuỗi cung ứng, nhiều công ty Trung Quốc dịch chuyển một số công đoạn sang Việt Nam để né thuế hải quan.

Tranh thủ « đốt lò » để loại các đối thủ
Tuy vậy, tiềm năng của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi làn sóng trấn áp. Chiến dịch « đốt lò » của ông Trọng đã trừng phạt 200.000 kẻ tham nhũng, 60.000 người từ nhiệm, các dự án cơ sở hạ tầng hay kỹ nghệ mới bị tê liệt vì quan chức không dám ký.Ông Lâm là người thực thi chính sách của ông Trọng, nhưng dường như ông lợi dụng chiến dịch chống tham nhũng để loại đi các đối thủ. Đầu năm nay, « lò » đã làm chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mất chức và ông Tô Lâm lên thay. Dù chỉ là một chức vụ tượng trưng, nhưng nhờ đó ông Lâm có được ưu thế để trở thành tổng bí thư khi ông Trọng qua đời hai tháng sau.

Ông tuyên bố chống tham nhũng không thể là trở ngại cho việc phát triển đất nước, dù vẫn cam kết tiếp tục. Nhưng quan hệ giữa ông Lâm với lãnh vực tư nhân khiến người ta nghĩ rằng ông chú ý đến những ưu tư của giới trưởng giả. Bộ Công An sở hữu nhiều tập đoàn và một công ty viễn thông, và Tô Dũng, anh của Tô Lâm là doanh nhân có lợi ích trong nhiều lãnh vực nhất là địa ốc, năng lượng, đất hiếm, là đại lý của thương hiệu vespa Piaggio ở Việt Nam. Bên cạnh đó, ông Lâm bị tai tiếng vì vụ thưởng thức món thịt bò dát vàng của đầu bếp nổi tiếng Nusret Gokce ở Luân Đôn sau khi đến thăm mộ Karl Marx.

Trong tân chính phủ, số lượng quan chức xuất thân từ công an khá nhiều, kể cả thủ tướng Phạm Minh Chính. Quân đội bất ngờ chiếm được 4/15 ghế trong Bộ Chính trị, chỉ sau công an với năm ghế. Theo ông Nguyễn Khắc Giang của Viện Iseas-Yusof Ishak, đây là số lượng lớn nhất kể từ sau thời kỳ Đổi Mới năm 1986, bình thường thì quân đội chỉ có một ghế. Tô Lâm có thể nhạy cảm với đối thủ từ quân đội hơn là mối đe dọa từ bên ngoài.

Vẫn đi dây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
Ông Tô Lâm được cho là hướng về đại cường cộng sản độc tài ở phía bắc hơn là Hoa Kỳ, cho dù tàu Trung Quốc đôi khi đối đầu với Việt Nam ở Biển Đông. Nhưng ông Lâm cũng ý thức rằng muốn Đảng có tính chính danh, cần phải bảo vệ chủ quyền đất nước chống quân xâm lược phương bắc. Bắc Kinh từng xua quân sang biên giới Việt Nam năm 1979, và người Việt rất ghét Trung Quốc. Lê Khả Phiêu, tổng bí thư từ 1997 đến 2001 bị mất chức một phần vì quá thân với Bắc Kinh.

Thăm Trung Quốc là giai đoạn đầu tiên không thể tránh khỏi, vì đến Hoa Kỳ trước sẽ khiến cho các đồng chí ở Bắc Kinh lo sợ. Nhưng Tô Lâm sẽ sang Mỹ dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, và hẳn sẽ đặt vấn đề về việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Về phía Mỹ có thể làm áp lực về việc tăng cường hợp tác an ninh, sau khi đôi bên đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, và không nhắc đến quá khứ đàn áp của ông Lâm - theo tổ chức Project 88, ông đã cho bắt trên 330 nhà đấu tranh và nhà báo.

Việt Nam, quốc gia cộng sản nhưng thích tư bản


Trong hồ sơ tuần này, L’Express có bài viết nói về « Việt Nam : Phép lạ kinh tế của một quốc gia cộng sản nhưng thích chủ nghĩa tư bản ».Thủ lãnh cực tả Pháp Jean-Luc Mélenchon thích nhắc lại thời trẻ ông ủng hộ Việt Nam và hoan nghênh sự thất bại của Hoa Kỳ. Nhưng có ai nghe ông Mélenchon nói gì về sự tiến bộ ngoạn mục của Việt Nam từ khi nước này đi theo kinh tế thị trường ? Trong ba thập niên qua, Việt Nam có tỉ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 7 %, vượt xa các láng giềng châu Á. Hồi năm 1990, với GDP trên đầu người chỉ có 98 đô la, Việt Nam thuộc loại nghèo nhất thế giới, chỉ hơn có hai nước châu Phi đói khổ là Somalie và Sierra Leone. Ngày nay chưa đầy 5 % dân số Việt Nam là cực nghèo, so với 90 % của 30 năm trước.

Nghiên cứu phép lạ Việt Nam, nhà sử học và xã hội học Đức Rainer Zitelmann nhấn mạnh chính kinh tế kế hoạch và tập thể hóa nông nghiệp đã đưa đất nước này đến thảm họa. Năm 1980, chế độ cộng sản lệ thuộc vào Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hiệp Quốc, cũng như Liên Xô và « các nước anh em » Đông Âu. Đến 1986, lạm phát đạt 582 %. Cũng trong năm đó, đại hội đảng lần thứ 6 nhìn nhận sai lầm và quyết định « Đổi Mới ». Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng vọt, và đến 2018 số người Việt trung lưu tăng lên 65 %.

Nhà nghiên cứu Zitelmann nêu ra một nghịch lý : Về mặt chính thức là mác-xít, nhưng hầu hết người Việt coi « chủ nghĩa tư bản » là tích cực ; và họ cảm thấy gần gũi với những nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ hơn là các nước xã hội chủ nghĩa. Ít có dân tộc nào phải chịu đựng những cuộc chiến tranh đẫm máu trong thế kỷ 20 như người Việt : chiến tranh Đông Dương rồi chiến tranh Việt Nam từ 1955 đến 1975. Nhưng ngược với chế độ Algérie chẳng hạn, Việt Nam nhanh chóng vượt qua những thù địch trong quá khứ. Theo Asian Barometer, 80 % người Việt có cảm tình với Mỹ còn với Trung Quốc chỉ có 25 %.

Từ nghèo khổ trở thành tương đối thịnh vượng chỉ trong một thế hệ, nhưng Việt Nam cần cải cách thêm. Làn gió địa chính trị có thể thay đổi, các đối thủ có thể trở nên cạnh tranh hơn, dân số lão hóa nhanh. Việt Nam hãy còn một chặng đường rất dài để đuổi kịp Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan.

Cũng liên quan đến Việt Nam, Le Monde số cuối tuần nói về phiên tòa chất độc màu da cam ở Pháp, các công ty hóa chất lại được miễn trách nhiệm.

Chán ngấy luận điệu dối trá, cán bộ tuyên truyền Bắc Triều Tiên đào tẩu
Cũng tại châu Á, Courrier International trích dịch tờ NK News ở Washington, thuật lại câu chuyện của một cựu cán bộ Bắc Triều Tiên đã đào thoát sang Hàn Quốc.Soo Ah cho biết trước đây là thành viên của một đơn vị tuyên truyền chống gián điệp, có nhiệm vụ ngăn cản những người muốn chạy trốn bằng cách phổ biến những luận điệu của chế độ. Chính cô và đồng đội cũng tin rằng những ai đã chạy sang Trung Quốc hay Hàn Quốc đều đang hối hận và luôn muốn quay về. Do có người ông là nông dân sở hữu đất, Soo hoàn toàn không có cơ hội vào đảng, nên cô rất hãnh diện khi được vào đội tuyên truyền. Hơn nữa, nhờ có quyền phân phối thực phẩm do Nhà nước cấp trong lúc nhiều người chết đói, đây là ân huệ lớn cho cô và gia đình.

Nhưng dần dà Soo cảm thấy ngờ vực, vì sao có quá nhiều người muốn trốn chạy, nếu Bắc Triều Tiên là thiên đường ? Những gói quà và tiền mà những người có thân nhân ở Hàn Quốc nhận được khiến cô đặt dấu hỏi. Và một ngày nọ, thấy hai bên bờ sông Đồ Môn (Tumen) bắt đầu được dựng lên những hàng rào kẽm gai, cô quyết định đào thoát cùng với con gái và mấy mẹ con người chị, kẻo chẳng bao giờ còn có dịp. Soo cảm thấy ghê tởm những luận điệu mình đã từng tin, và đang cố sức « phản tuyên truyền », thông tin cho những đồng bào còn trong nhà tù lớn.

Kursk, vết thương khó lành của Putin


Về cuộc chiến tranh Nga-Ukraina, Le Monde cuối tuần cho rằng cuộc tiến công vào Kursk là một chiến dịch quân sự lâu dài, mục tiêu buộc Nga giảm áp lực ở Donbass vẫn chưa đạt được. Courrier International dịch bài phóng sự của The Sunday Times, nhận xét « Kursk là vết thương dai dẳng cho Matxcơva ».

Fiodor Smakilo, 22 tuổi, sinh viên kiến trúc ở Saint-Pétersbourg chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ ra tiền tuyến. Khi đi quân dịch, người ta nói rằng chỉ là huấn luyện quân sự, rồi anh được gởi đi canh gác biên giới giữa Nga và Ukraina. Cách đây hai tuần, Fiodor kinh ngạc khi nghe tiếng đạn pháo : đơn vị của anh bị lực lượng Ukraina bao vây. « Chúng tôi ngỡ như trong Đệ nhị Thế chiến, người chỉ huy gào lên ‘không được lùi’ ». Fiodor bị bắt làm tù binh cùng với mấy trăm lính Nga. Serguei Karimov, một tù binh khác cho biết một sĩ quan cố liên lạc với chỉ huy lữ đoàn khi đơn vị bị tấn công, nhưng « viên chỉ huy này đã cao chạy xa bay ». Các quản giáo Ukraina có mặt trong lúc phỏng vấn, nhưng họ không hạn chế việc trò chuyện cũng như không đòi nghe lại cuộc ghi âm.

Fiodor cho biết vì cấp trên nói rằng sẽ bị tra tấn nếu bị bắt, nên anh rút chốt lựu đạn hy vọng sẽ chết cùng đồng đội. Nhưng anh sống sót, và ở bệnh viện của nhà tù, một bác sĩ Ukraina đã lấy ra những mảnh đạn ở đùi, khiến Fiodor vô cùng kinh ngạc và biết ơn. Một bạn tù là Serguei Zaikine, 21 tuổi kể lại, các chỉ huy đều chạy trốn, ai đó kêu lên « Đừng bắn, chúng tôi là lính nghĩa vụ ! ». Các chiến binh Ukraina bèn yêu cầu họ cởi áo giáp, giao nộp vũ khí, giơ hai tay khỏi đầu.

Ukraina khuyến khích đầu hàng hàng loạt, và ban giám đốc trại giam khẳng định tù binh được đối xử tốt. Một quản giáo kể, khi mới đến các tù binh đều hoảng loạn, nhưng ông trấn an và vài ngày sau họ đã tìm lại nụ cười, được phát quần áo, giày dép mới và chén dĩa sạch để ăn. Serguei Karimov nói thêm trên đường áp giải, quản giáo còn dừng lại trước một cửa tiệm, dùng tiền túi mua cho những người lính Nga nước uống, bánh ngọt và thuốc lá. « Chúng tôi đói lả, và những chiếc bánh ấy như món quà từ trên trời rơi xuống ». Trong nhà tù không được phép tiết lộ địa điểm của Ukraina, tù binh giải trí bằng cách đọc sách và đánh cờ.

Cánh tả Pháp hoang tưởng về « chủ nghĩa xã hội » của các nhà độc tài
Hồ sơ của L’Express dành cho « Những nhà độc tài đã mê hoặc cánh tả », với hình của Joseph Stalin, Mao Trạch Đông, Fidel Castro, Pon Pot, Nicolas Maduro. L’Express đặc biệt phê phán những người chống tư bản ở phương Tây bị thu hút bởi những chế độ tự gọi là xã hội chủ nghĩa, thường có bàn tay đẫm máu.

Khi Hugo Chavez qua đời năm 2013, thủ lãnh cực tả Pháp Jean-Luc Mélenchon ca ngợi ông ta « đã làm dân chủ tiến bộ đáng kể ». Nhưng chế độ Venezuela đã lãng phí nguồn lợi dầu khí của một quốc gia vốn có trữ lượng lớn nhất thế giới lúc giá dầu tăng gấp 5 trong những năm 2000. Khi giá thế giới giảm, thu nhập trung bình của người Venezuela sụt mất 75 %, khiến 1/4 dân số phải chạy sang nước khác, thủ đô Caracas trở thành nguy hiểm nhất thế giới vì tội phạm.

Ông Mélenchon đổ lỗi cho Hoa Kỳ « phá hoại Venezuela ». Nhưng Mỹ chỉ mới trừng phạt tài chánh năm 2017 và đến 2019 mới nhắm vào tập đoàn dầu lửa PDVSA, trong khi kinh tế Venezuela đã sụp đổ từ rất lâu trước đó. PDVSA trở thành « con heo bỏ ống » của Hugo Chavez. Ông ta sa thải 30.000 chuyên gia kể cả nhà khảo cổ, quản trị gia, kỹ sư, thay vào đó là 300.000 « chiến sĩ cách mạng Bolivar, dẫn đến thảm họa kỹ nghệ và kinh tế. Trên 5.000 công ty bị quốc hữu hóa, xẻ thịt và phá sản, khiến các chủ sở hữu đã làm nên thịnh vượng cho đất nước phải chạy ra nước ngoài.

Venezuela chỉ là hồi cuối của feuilleton mà cánh tả phương Tây từng bị mê hoặc bởi những nhà độc tài nhân danh hoang tưởng xã hội chủ nghĩa. Trong thập niên 30, thần tượng là Joseph Stalin. Nhiều trí thức không có sự sáng suốt của giải Nobel Văn chương André Gide khi nhận ra bản chất toàn trị của chế độ trong chuyến đi Liên Xô năm 1936. Từ Cuba trở về năm 1960, Jean-Paul Sartre vẽ ra một chân dung lý tưởng của cách mạng Castro, và nghe theo tuyên truyền mao-ít. Ngay cả Khmer Đỏ cũng có những người ngưỡng mộ. Năm 1975, Le Monde dưới ảnh hưởng của các nhà báo ủng hộ thế giới thứ ba, phấn khởi trước sự thành lập « Kampuchia Dân chủ », dù sau đó chế độ Pon Pot sát hại 1/5 dân số.

Huyền thoại Alain Delon, khuôn mặt vĩnh cửu của điện ảnh Pháp


Alain Delon, huyền thoại điện ảnh Pháp được mệnh danh là tài tử đẹp trai nhất thế giới vừa qua đời, được các tuần san dành riêng số báo kỳ này để tưởng niệm. Le Nouvel Obs chạy tít « Alain Delon, một cuộc đời điện ảnh », Le Figaro Magazine nhấn mạnh « Chúng ta đã yêu mến anh ấy đến dường nào ». Le Point đăng ảnh chân dung rất đẹp thời trẻ, của tài tử nổi tiếng với dòng tít đơn giản « Alain Delon 1935-2024 ».

Le Figaro Magazine ghi nhận, từ Chủ nhật tuần trước, người Pháp khóc thương ông. Bởi vì Alain Delon đã đồng hành với ít nhất hai thế hệ khán giả điện ảnh. Bởi vì ông là niềm tự hào của nước Pháp đối với toàn thế giới.Và cũng vì Alain Delon đại diện cho một thời kỳ đã qua – những năm tháng De Gaulle, Pompidou, Giscard, kể cả Mitterand mà nhiều người vẫn hoài nhớ.

Ngoài sức thu hút bẩm sinh, vẻ đẹp hoàn hảo và tài năng diễn xuất, cuộc đời của tài tử lớn trải qua những thăng trầm. Alain Delon còn luôn khẳng định là một người cánh hữu, lý do khiến có nhiều kẻ đả kích ông, nhất là hiện có khá nhiều nghệ sĩ theo xu hướng « woke ». Mặc cho những gì đã biết về đời sống riêng tư, những cuộc tình và bao nỗi đau khổ của ông, Alain Delon mang hàng ngàn khuôn mặt : hiệp sĩ Zorro, Rocco, bá tước Charlus… hay Samourai, người khẳng định « không bao giờ thất bại ». Alain Delon là vĩnh cửu.

Kamala Harris vẫn còn là ẩn s


Courrier International chú ý đến cơn sốt « Kamalamania » : Thay thế ông Joe Biden vào giờ chót, ứng cử viên đảng Dân Chủ Kamala Harris thổi một làn gió mới vào chiến dịch tranh cử và đang đe dọa Donald Trump. The Economist đặt câu hỏi « Kamala Harris có thể đánh bại Donald Trump, nhưng bà sẽ điều hành đất nước như thế nào ? ».

Harris cứu vãn thất bại tưởng chừng khó thể tránh khỏi của đảng Dân Chủ, không phải vì bà là một nhân vật xuất chúng, nhưng vì không phải là Joe Biden, càng không phải là Donald Trump. Nhưng Harris còn cần nhiều hơn thế nữa. Bà trở thành ứng cử viên mà không trải qua thử thách bầu cử sơ bộ. Từ khi ông Joe Biden rút lui, bà không trả lời phỏng vấn, chương trình hành động chủ yếu thừa hưởng từ Biden. Đành rằng nhiệm vụ chính của Kamala Harris là đánh bại Donald Trump, nhưng làm chính khách không chỉ có vận động tranh cử mà còn phải biết lãnh đạo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét