Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC NGÀY 31/08/2024. - Duke Nguyễn


Pháp vẫn ngóng chờ thủ tướng mớiKhủng hoảng chính trị Pháp vẫn chưa có lối thoát, diễn biến thi đấu Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật Paralympic Paris, hay cuộc chiến tranh tại Ukraina tiếp tục là những mối quan tâm chính của các báo ra hôm nay 30/08/2024.Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm 80 năm giải phóng làng Bormes-les-Mimosas, Pháp, ngày 17/08/2024. REUTERS - Manon Cruz -Anh Vũ Đã gần 8 tuần sau cuộc bầu cử Quốc Hội mới, nước Pháp vẫn đang ngóng đợi một chính phủ mới. Từ cuối tuần trước đến đầu tuần này, trong cuộc tìm kiếm một tân thủ tướng, tổng thống Pháp Emmanuel Macron liên tục có các cuộc tham vẫnlãnh đạo các đảng phái chính trị, các chính khách có tên tuổi và một số lãnh đạo vùng. 
<!>
Nhưng kết quả, các đảng phái đều bày tỏ thất vọng. Ông Macron vẫn theo lịch trình, công du Serbia 2 ngày, không cho thấy một dấu hiệu ông sẽ chọn ai. Các đảng phái của cả cánh tả lẫn cánh hữu bày tỏ bất bình, dư luận thì sốt ruột chờ đợi, đồn đoán.

Tình hình chính trị Pháp tiếp tục bế tắc kéo dài. Nhật báo La Croix chạy tựa trang nhất : « Ra khỏi ngõ cụt ! ». Báo le Monde nhận định tổng thống « Emmanuel Macron trong ngõ cụt » không thể chỉ định một thủ tướng mới. Les Echos thì ghi nhận : « Macron trước áp lực chỉ định một thủ tướng ».

Nhật báo Công Giáo nhận thấy, nước Pháp đang mong đợi một thủ tướng mới. La Croix có bài « Những hướng để giảm bớt bất ổn chính trị » ghi nhận ý kiến phân tích của nhiều chuyên gia chính trị. Hầu hết cho rằng để tránh tình trạng bế tắc hiện tại, cần phải thay đổi cách thực hành dân chủ, chính trị ở Pháp. Trong thể chế của nước Pháp, có những cơ sở chính trị và pháp lý để làm được. Theo các chuyên gia, tình trạng thực tế hiện tại của Pháp là :

« Mọi người đều ở trong tình trạng phủ nhận thực tế dân chủ và nghị viện. Không có nhóm hay liên minh nào chiếm đa số và không nhóm nào có thể thể thực hiện được chương trình của mình, và ai cũng cho là mình chiếm đa số ».

Làm thế nào để thoát khỏi sự bế tắc này ? Theo giáo sư trường luật Sorbonne Paris 1, Dominique Rousseau, giải pháp đầu tiên phải được tìm thấy trong thực hành dân chủ các đảng phái phải quyết định nói chuyện với nhau và thống nhất với nhau về chương trình lãnh đạo, và mỗi bên sẽ phải có những nhượng bộ và thỏa hiệp.

Theo phần đông giới chuyên gia được La Croix trích dẫn, « quả bóng đang ở phần sân của các đảng ». Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là trên lý thuyết, thực tế các bên vẫn đặt lợi ích tham vọng cá nhân lên trên hết.

Hệ quả thấy ngay của tình trạng không chính phủ
Theo ghi nhận của Le Monde, hàng loạt các hồ sơ ngân sách, định hướng chính sách liên quan đến cải cách đang thực thi đều bị dừng lại vì không thể có chỉ đạo thực hiện từ các bộ trưởng. Trong đời sống hàng ngày của người dân, nhiều quyết định để giải quyết những khó khăn về nhà ở hay bệnh viện cũng bị ngừng trệ. Các bộ của chính phủ mãn nhiệm từ gần 2 tháng nay chỉ xử lý thường vụ, không thể có quyết định nào.

Trong khi đó, nhật báo thiên tả Libération chạy tựa có vẻ bất bình « Màn chính trị Pháp chia để trị, Macron chuồn đi Serbia ». Tờ báo cho thấy sau một loạt các cuộc tham vấn các đảng phái, rồi lãnh đạo địa phương không đi được đến đâu, tổng thống Pháp công du Serbia 2 ngày, bỏ mặc nước Pháp không có chính phủ, các đảng phái thì thêm chia rẽ. Trong chờ đợi vô vọng, dư luận báo chí liên tiếp đưa ra những cái tên của ông này bà khác, lúc thì tả khi thì hữu mà Libération gọi là « những con chim mồi » và chỉ càng gây thêm chia rẽ các đảng. Đó là trường hợp của ông Bernard Cazeneuve, cựu thủ tướng thời tổng thống của đảng Xã Hội, François Hollande, được Le Figaro đề cập đến. Theo tờ báo, ông Cazeneuve những ngày qua được nhắc đến như là nhân vật sẽ được chọn để trở lại phủ thủ tướng Matignon, bản thân ông cũng đang kín đáo vận động, nhưng ngay lập tức nhiều nhân vật lãnh đạo trong đảng Xã Hội cảnh báo sẽ không ủng hộ.

Nouvelle-Calédonie kiệt quệ sau bạo động


Vẫn liên quan đến tình hình nước Pháp, nhật báo Le Figaro dành hồ sơ chính cho phần lãnh thổ hải ngoại Nouvelle-Calédonie với hàng tựa trạng nhất : « Nouvelle-Calédonie kêu cứu Nhà nước ».

Theo tờ báo, sau cuộc bạo động hồi mùa xuân vừa qua, tình hình an ninh ở phần lãnh thổ hải ngoại của Pháp đã được vãn hồi và cải thiện dần, nhưng Nouvelle-Calédonie đang lâm vào khủng hoảng kinh tế xã hội quy mô chưa từng có. Hiện tại, 1/3 nhân viên khu vực tư nhân hiện đang thất nghiệp, thiệt hại do vụ bạo loạn gây ra ước tính lên tới 2 tỷ euro. Một số tiền lớn cho một vùng lãnh thổ sống chủ yếu nhờ vào khai thác niken, lĩnh vực cũng đang gặp khủng hoảng do cạnh tranh khốc liệt trên thế giới. Để tránh bị chết chìm với con tàu đắm, khoảng 6.000 đến 10.000 người dân đang cân nhắc rời khỏi đảo. Đồng thời, người dân Calédonie đang chờ đợi một cử chỉ mạnh mẽ từ Nhà nước, nếu không « quần đảo sẽ không thoát ra được ». Tổng thống Emmanuel Macron hứa sẽ mở lại cuộc tranh luận với phe ly khai vào tháng 9. Đây là một hồ sơ nóng khác của tổng thống Pháp.

Xã luận le Figaro viết : « Nouvelle-Calédonie đã sống quá khả năng của mình trong nhiều thập kỷ nhờ viện trợ từ chính quốc, đang trở nên nghèo khó với tốc độ cao. Tình hình thê thảm hiện nay cho thấy, nếu không có sự giúp đỡ của Nhà nước, vùng lãnh thổ này không thể duy trì tình trạngnày được lâu. Trừ khi Nouvelle-Calédonie chuyển sang dưới sự kiểm soát của các cường quốc nước ngoài đang liên tục ve vãn phe ly khai. Trung Quốc đang chỉ chờ có vậy… »

Mỹ-Trung ổn định quan hệ trước bầu cử tổng thống
Nhìn sang châu Á, Le Figaro chú ý tới chuyến công du Bắc Kinh của cố vấn An ninh của tổng thống Mỹ Joe Biden với bài : « Trước khi chuyển giao chính quyền,Biden tìm cách phòng xa leo thang căng thẳng với Bắc Kinh ».

Trong chuyến đi với mục tiêu tìm cách ổn định quan hệ Trung-Mỹ lần này, ông Jake Sullivan đã gặp lãnh đạo số 1 trung Quốc Tập Cận Bình. Le Figaro ghi nhận « Jake Sullivan sẽ không đến Bắc Kinh một cách vô ích ». Cố vấn an ninh quốc gia của Joe Biden đã được đích thân ông Tập Cận Bình tiếp ngày 29/08. Đây là điểm nhấn quan trọng nhất trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới thủ đô Trung Quốc.

Đặc phái viên Nhà Trắng cho biết, tổng thống Mỹ đang « mong » được nói chuyện « trong những tuần tới » với nguyên thủ Trung Quốc, khi Washington và Bắc Kinh cố gắng ổn định mối quan hệ song phương trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có nhiều rủi ro. Một cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo có thể diễn ra từ nay đến trước ngày bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, sẽ xác định Kamala Harris hay Donald Trump làm chủ nhân Nhà Trắng. Ông Tập kêu gọi Mỹ nhượng bộ để « gặp lại Trung Quốc ở giữa đường », xây dựng mối quan hệ « lành mạnh ». Nhật báo Pháp nhận định, ngoài những tuyên bố mang tính ngoại giao này, sự có mặt của Jake Sullivan ở Trung Quốc chứng tỏ hai gã khổng lồ thế giới đều mong muốn hoãn binh trước cuộc bầu cử có thể làm thay đổi bàn cờ địa chính trị và tăng thêm căng thẳng xuyên Thái Bình Dương.

Theo Le Figaro, hai cường quốc đang ở trong « tình trạng đối đầu với những quan điểm hoàn toàn trái ngược về các vấn đề lớn toàn cầu, từ Trung Đông đến Ukraina, nên rất ít hy vọng về một bước đột phá ».

Nga : « Nền kinh tế tử thần »


Liên quan đến cuộc chiến tranh Nga-Ukraina. Báo Le Monde có bài viết mang tựa đề đáng chú ý : « Tại Nga : « Nền kinh tế tử thần » hoạt động hết công suất ».

Le Monde cho biết, một mô hình kinh tế kỳ lạ đang được triển khai tại Nga từ khi nổ ra cuộc xâm lược Ukraina tháng 02/2022. Đó là nền kinh tế tử thần theo như cách gọi của tờ báo.

Theo Le Monde, hai năm rưỡi sau khi phát động « chiến dịch quân sự đặc biệt » ở Ukraina, tổng thống Nga Vladimir Putin đang tìm cách thu hút những người tình nguyện ra chiến đấu ngoài mặt trận. Chính quyền Nga, cả liên bang lẫn khu vực lao vào một cuộc chạy đua tuyển quân. Họ liên tiếp đưa ra những hứa hẹn thu nhập đáng kinh ngạc, phúc lợi xã hội hấp dẫn, tiền thưởng đáng kể, với sự hỗ trợ của các chiến dịch tuyên truyền được phổ biến trên đường phố, trong các trường đại học, trên mạng xã hội hoặc trên truyền hình.

Bài phóng sự của tờ báo cho thấy, giờ đây, một người Nga chết mang lại nguồn lợi cho gia đình nhiều hơn một người đang sống. Vẫn theo Le Monde, tại Nga giờ đây, ký một hợp đồng với quân đội bảo đảm thu nhập cao gấp 10 lần so với lương tối thiểu và một người bị chết ở chiến trường được hưởng tiền tử tuất có thể lến tới 11 triệu rúp, tương dương khoảng hơn 110 nghìn đô la Mỹ, một khoản tiền rất lớn. Ngoài ra, chính phủ phải chi một ngân sách khổng lồ cho ngành công nghiệp quốc phòng. Nền kinh tế chiến tranh đã cho phép Nga tăng thêm 4% GDP trong một năm, theo thẩm định chính thức của cơ quan thống kê Nga, Rosstat, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 2,6%, mức thấp nhất trong lịch sử.

Cũng về chủ đề kinh tế Nga, trang Ý kiến của nhật báo Les Echos có bài phân tích : « Kinh tế Nga đang phải chống chọivớimột cuộc chiến lâu dài và bất trắc ». Ngân sách năm 2025 của đất nước sẽ được trình bày trong vài tuần tới. Thậm chí còn hơn những năm trước, ngân sách này sẽ mang dấu ấn của một quốc gia có người lãnh đạo tập trung vào một mục tiêu duy nhất : cuộc chiến ở Ukraina.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét