Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :03/07/2024 - Mỹ Loan


Vòng 2 bầu cử Quốc Hội Pháp: Hơn 210 ứng viên rút để dồn phiếu ngăn chặn cực hữuBốn ngày trước vòng 2 quyết định của cuộc bầu cử Quốc Hội Pháp trước thời hạn, hôm qua, 02/07/2024, hơn 210 ứng cử viên lọt vào vòng hai tự nguyện rút lui để dồn phiếu bầu cho đối thủ của ứng viên phe cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN), ngăn chặn đảng này về đầu hoặc có đa số tuyệt đối tại Quốc Hội. Áp phích tranh cử Quốc Hội Pháp tại Gazeran, phía nam Paris. Ảnh chụp ngày 02/07/2024. AP - Aurelien Morissard - Anh Vũ
<!>
Sau 18 giờ chiều qua (02/07), hạn chót nộp ứng cử vòng 2, danh sách chính thức chỉ còn lại hơn 1100 ứng cử viên tham gia vòng đua cuối giành ghế dân biểu ở Quốc Hội. Cánh tả trong liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới đã rút 130 ứng viên. Liên minh với đảng cầm quyền Phục Hưng - Renaissance rút 82 ứng viên tại các nơi có các cuộc đấu tay ba, nhằm dồn phiếu cho các ứng cử viên đối đầu với đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc. Như vậy, ở vòng hai ngày 07/07, số lượng các cuộc đấu tay ba chỉ còn lại dưới 100 thay vì 311 sau vòng một hôm 30/06.

Ở vòng đầu, có hơn 4000 ứng viên của các đảng phái ra tranh cử. 76 ứng viên đắc cử ngay, trong đó có 39 người thuộc phe cực hữu.

Để có được đa số tuyệt đối, phe cực hữu RN phải giành được ít nhất 289 ghế ở Quốc Hội sau vòng hai. Mặc dù về đầu ở vòng một với hơn 30% phiếu bầu, nhưng phe cực hữu đang đứng trước một tình huống mới, rất khó có thể đạt được đa số quá bán khi các đảng cánh tả và liên minh cầm quyền đã ồ ạ rút ứng viên khỏi các cuộc đấu tay ba ở những khu vực tranh cử mà đảng RN có nhiều khả năng thắng.

Trong khi đó, các cuộc đấu tay ba còn lại phần lớn là tại các địa điểm mà các ứng cử viên của phe cánh tả thuộc liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới và của liên minh cầm quyền Renaissance đã giành được tỷ lệ phiếu bầu cao hơn các ứng viên cực hữu.

Bắt đầu từ hôm nay, các chính đảng còn ba ngày để thực hiện các cuộc vận động nước rút, chủ yếu đó sẽ là các cuộc mặc cả liên minh liên kết với nhau, trước khi bước vào vòng đấu quyết định ngày Chủ nhật 07/07.

Trước vòng 2, đảng RN vướng vào những vụ tai tiếng “phân biệt sắc tộc”
Trong khi hơn 210 ứng viên lọt vào vòng 2 đã rút lui để dồn phiếu cho các ứng viên đối đầu với đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc - RN, thì bà Marine Le Pen, lãnh đạo thực sự của đảng RN hôm qua 02/07/2024 nói với báo Le Monde là đảng này từ chối dùng chiến thuật rút lui - dồn phiếu (désistement).

Không chỉ phải đối phó với các liên minh đối thủ, đảng cực hữu Pháp RN còn đang vướng vào những vụ tai tiếng liên quan đến cách hành xử phân biệt sắc tộc, bài Do Thái của nhiều ứng viên. Điển hình nhất là vụ Ludivine Daoudi, ứng viên ở đơn vị bầu cử số 1 của tỉnh Calvados, vùng Normandie, miền tây bắc Pháp, hôm qua đã phải thông báo rút lui khỏi cuộc bầu cử, do bị phát hiện bức ảnh chụp cách nay vài năm, trong đó bà đội mũ của Không quân Đức, với hình chữ thập ngoặc và ký hiệu của Đức Quốc xã trên mũ.

Một cuộc tranh cãi cũng nổ ra vài giờ sau khi video liên quan đến một ứng cử viên khác đủ điều kiện vào vòng hai được lan truyền trên mạng xã hội. Ứng cử viên Paule Veyre de Soras ở Mayenne, khi trả lời phỏng vấn, đã cố gắng giải thích rằng mình không bài Do Thái, nhưng bị xem là do dự và phạm sai lầm « đầy ngớ ngẩn » : « Trong đảng Tập Hợp Dân Tộc, chúng tôi có những người Do Thái, người Hồi giáo và người Tây Ban Nha (…) Tôi có một bác sĩ nhãn khoa là người Do Thái và một nha sĩ theo đạo Hồi ». Trong cả hai trường hợp, đảng RN đều không đưa ra tuyên bố chính thức.

Trong khi đó, hôm nay, theo AFP, dân biểu vừa mãn nhiệm Daniel Grenon, ứng viên lọt vào vòng 2 bầu cử tại tỉnh Yonne, vùng Bourgogne-Franche-Comté, miền trung, hôm nay bị kiện theo điều 40 luật tố tụng hình sự về tội « phân biệt sắc tộc » vì đã phát biểu rằng « những người gốc Bắc Phi lên nắm quyền » tại Pháp hồi năm 2016 « không có chỗ ở những nơi quyền cao chức trọng ».

Tại Kiev, thủ tướng Hungary kêu gọi Ukraina chấp nhận ngừng bắn với Nga

Thủ tướng Hungary Viktor Oraban, vẫn được biết là một người thân Nga, công du Kiev trên cương vị chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu, đã kêu gọi Ukraina chấp nhận « ngừng bắn » để tạo điều kiện thương lượng hòa bình với Nga. Ngừng bắn trong điều kiện hiện tại là điều đi ngược lại lập trường của Liên Âu cũng như của Ukraina.


Thủ tướng Hungary Viktor Orban (T) gặp tổng thống Ukraina Volodimir Zelensky (P) tại Kiev, ngày 02/07/2024. AP
Anh Vũ
Thông tín viên Stéphane Siohan tại Kiev cho biết thêm thông tin :

« Viktor Orban và Volodymyr Zelensky đã họp báo chung. Không có gì bất ngờ, lãnh đạo Hungary đã hối thúc đồng nhiệm Ukraina chấp nhận ngừng bắn để đạt được hòa bình. Thủ tướng Viktor Orban nói : « Tôi đã đề nghị tổng thống Zelensky xem xét khả năng ngừng bắn một cách nhanh chóng. Đó là ngừng bắn giới hạn trong thời gian nhất định để giúp thúc đẩy nhanh các cuộc đàm phán hòa bình với Nga ».

Về phần mình, tổng thống Volodymyr Zelensky biện hộ cho việc duy trì hậu thuẫn và viện trợ quân sự của các nước châu Âu cho Ukraina. Chính phủ của Viktor Orban trong quá khứ đã nhiều lần ngăn cản các khoản viện trợ của Bruxelles cho Kiev. Vì thế người ta thấy không chắc gì chuyến thăm Kiev đầu tiên của ông Viktor Orban từ 12 năm qua có thể giúp hai nước xích lại gần nhau hơn.

Từ đầu cuộc xâm lược Ukraina của Nga, ông Viktor Orban thường tỏ ra là người phát ngôn cho các đề xuất của Kremlin. Đây dường như cũng là trường hợp lần này, khi ông nêu ý tưởng ngừng bắn, như các lãnh đạo Nga vẫn hay đặt lên trước.

Tại Kiev, nhiều người lo ngại việc Donald Trump quay lại cầm quyền ở Mỹ vào mùa thu năm nay và sự lên ngôi của trục dân tộc chủ nghĩa ở nhiều nước, trục Washington, Budapest và thậm chí Paris, sẽ được khai thác để ép Ukraina thỏa hiệp về lãnh thổ. »

Tại cuộc họp báo, tổng thống Ukraina không phản ứng ngay với các đề nghị của lãnh đạo Hungary, nhưng trong phát biểu hàng ngày vào buổi chiều với người dân, ông Zelensky đã nói mời Hungary và thủ tướng Orban tham gia « những nỗ lực đã được triển khai » nhằm tổ chức một hội nghị thượng đỉnh mới vì hòa bình cho Ukraina, sau hội nghị lần đầu tại Thụy Sĩ tháng trước.

Trước đây, lãnh đạo Ukraina đã bác bỏ ý kiến hưu chiến, vì cho rằng Matxcơva lợi dụng để củng cố lực lượng. Kiev đòi rút toàn bộ quân Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraina, kể cả bán đảo Crimée, đã bị Nga sáp nhập năm 2014, và bồi thường thiệt hại do cuộc chiến tranh xâm lược từ năm 2022 đến nay.

Mỹ viện trợ quân sự thêm 2,3 tỉ đô la cho Ukraina

Hoa Kỳ thông báo khoản viện trợ quân sự mới trị giá 2,3 tỉ đô la cho Ukraina, trong đó có tài trợ mua thiết bị phòng không và vũ khí chống tăng. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Lloyd Austin, hôm qua 02/07/2024 thông báo như trên với đồng nhiệm Ukraina, Roustem Oumerov, khi đón tiếp ông tại Lầu Năm Góc.


Ảnh minh họa : Binh sĩ Ukraina tập luyện sử dụng vũ khí đạn dược mới tại một căn cứ quân sự tại Anh Quốc (không rõ địa điểm), ngày 24/03/2023. AP - Kin Cheung
Thùy Dương
Thông báo của bộ Quốc Phòng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh các căn cứ quân sự của Ukraina thường xuyên bị hỏa lực Nga nhắm tới. Cũng trong ngày hôm qua 02/07, theo Reuters, Matxcơva tuyên bố tiêu diệt được 5 chiến đấu cơ SU-27 của Ukraina và làm hư hại 2 chiếc khác trong vụ tấn công bằng tên lửa Iskander-M nhắm vào sân bay Myrhorod trong khu vực Poltava của Ukraina. Kiev cho biết đúng là sân bay đã bị tấn công nhưng phía Nga đã phóng đại thành tích. Tuy nhiên, Ukraina không cho biết chi tiết về thiệt hại.

Việc Nga tấn công các sân bay của Ukraina đang làm dấy lên những câu hỏi về khả năng liệu Ukraina có bảo đảm được an ninh cho các sân bay để tiếp nhận chiến đấu cơ F-16 do Mỹ chế tạo hay không. Các nhà phân tích quân sự nhận định Nga tấn công cơ sở hạ tầng sân bay của Ukraina, có thể là nhằm làm phức tạp hóa việc tiếp nhận và sử dụng phi cơ quân sự mà phương Tây hứa tài trợ cho Kiev. Một phát ngôn viên lực lượng vũ trang Ukraina thừa nhận, các vụ tấn công của đối phương có thể gây ra “một số vấn đề” nhưng không phải là trở ngại để Ukraian tiếp nhận và triển khai chiến đấu cơ F-16.

Theo dự kiến, các chiến đấu cơ F-16 sẽ được giao cho Ukraina trong tháng 07/2024, nhưng không rõ sẽ được đặt tại đâu. Hôm thứ Năm tuần trước 27/06, sau khi đã oanh kích sân bay Starokostiantyniv, phía Nga tuyên bố nhắm đến các sân bay có thể tiếp nhận F-16.

Dnipro : 4 người chết, 28 người bị thương do Nga oanh kích ồ ạt
Tại thành phố lớn Dnipro, vùng trung đông Ukraina, sáng nay 03/07, ít nhất 4 người chết và 27 người bị thương trong một đợt oanh kích của Nga bằng tên lửa và drone mang chất nổ. AFP trích dẫn thông cáo của chỉ huy không quân Ukraina, Mykola Olechtchouk, cho biết sáng hôm nay, lực lượng Nga đã phóng 7 tên lửa hành trình và tên lửa dẫn đường, 5 drone mang chất nổ và 1 drone trinh sát đến vùng Dnipropetrovsk mà Dnipro là thủ phủ.

Không quân Ukraina đã bắn hạ được 5 tên lửa và toàn bộ drone của Nga. Nhưng một trung tâm thương mại và một trạm xăng đã bị nhắm trúng. Chính quyền thành phố Dnipro thông báo để tang các nạn nhân vào ngày mai 04/07.

Truyền thông Ukraina nhắc lai trung tâm thương mại bị oanh kích lần này cũng từng bị Nga oanh kích bằng tên lửa hồi tháng 12/2023. Nằm cách đường chiến tuyến với Nga khoảng 100 km đường chim bay, Dnipro thường xuyên bị Nga oanh kích. Hồi tháng 01/2023, một tòa nhà dân sự trúng tên lửa khiến 46 người chết.

Trong đêm qua rạng sáng nay, tại các vùng Donetsk và Kharkiv ở miền đông, cũng có 2 thường dân đã thiệt mạng trong các vụ oanh kích của Nga.

Washington nghi ngờ Trung Quốc lập trạm nghe lén Hoa Kỳ tại Cuba
Trung Quốc dường như đang xây dựng một căn cứ nghe lén mới có khả năng thu thập được dữ liệu ở Hoa Kỳ. Dựa vào phân tích những hình ảnh chụp từ vệ tinh, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) nghi ngờ Bắc Kinh mở rộng hoạt động gián điệp ở Cuba.


Thứ trưởng Ngoại Giao Cuba Carlos Fernandez de Cossio trả lời họp báo tại bộ Ngoại Giao ở La Habana, ngày 08/06/2023. AFP - YAMIL LAGE
Căn cứ trên dường như bắt đầu được xây từ năm 2021, có một mạng lưới thu phát sóng rất mạnh, nằm gần thành phố Santiago, miền đông Cuba và ở Sel Salao, cách không xa căn cứ hải quân Guantanamo của Mỹ. Trong báo cáo, được AFP trích dẫn ngày 02/07, trung tâm nghiên cứu ở Washington cho rằng khi đi vào hoạt động, căn cứ này sẽ rất hữu ích « trong lĩnh vực trinh sát trên không và trên biển ở trong vùng, nơi quân đội Mỹ và các đối tác quốc tế thường xuyên hoạt động ».

Vẫn theo CSIS, cùng với 3 cơ sở thu thập thông tin tình báo mà Cuba đã có trước đó, « bốn căn cứ này nằm trong số những địa điểm có khả năng trợ lực nhất cho Trung Quốc để do thám Mỹ ». Phía Washington « biết rõ Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện ở Cuba ». Trong buổi họp báo ngày 02/07, người phát ngôn bộ Quốc Phòng Pat Ryder nhấn mạnh là Mỹ « theo dõi sát sao tình hình và có những biện pháp đối phó » nhưng không nêu rõ chi tiết.

Cùng ngày, thứ trưởng Ngoại Giao Cuba Carlos de Cossio đã lên án « một chiến dịch hăm dọa » Cuba mà « không có bằng chứng và cũng không nêu ra nguồn tin kiểm chứng được ». Trên mạng X, ông lên án Mỹ « tìm cách làm công chúng sợ hãi với những câu chuyện thêu dệt về những căn cứ quân sự của Trung Quốc không hề tồn tại và cũng chẳng ai nhìn thấy ».

Thỏa thuận về « căn cứ do thám » giữa Trung Quốc và Cuba được nhiều cơ quan truyền thông Mỹ đưa tin từ tháng 06/2023. Từ nhiều năm nay, Washington vẫn cáo buộc Trung Quốc tiến hành nhiều chiến dịch do thám từ Cuba, hòn đảo chỉ cách bờ biển Florida của Mỹ khoảng 160 km.

Lãnh đạo Trung Quốc và Nga tới Kazakhstan dự thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải

Hôm nay, 03/07/2024, tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có mặt tại Kazakhstan để tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 24 Tổ chức Hợp tác Thượng hải (OCS), một định chế hợp tác kinh tế khu vực mà Bắc Kinh và Matxcơva hy vọng phát triển thành một tổ chức cạnh tranh với phương Tây.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Kazakhstan, Kassym-Jomart Tokayev tham dự lễ khai trương nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác song phương, Astana, ngày 03/06/2024. via REUTERS - Press Service of Kazakh Presiden
Anh Vũ
Hội nghị diễn ra trong hai ngày 03 và 04/07 tại thủ đô Astana của quốc gia Trung Á. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hiện có 9 quốc gia thành viên (Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Nga, Kazakhstan, Kirghizstan, Ouzbékistan, Pakistan, Tadjikistan). Đây là tổ chức hợp tác kinh tế được Trung Quốc và Nga đặc biệt quan tâm trong bối cảnh hai nước đều đang đối đầu quyết liệt với phương Tây.

Tuy nhiên, nhiều bất đồng vẫn tồn tại giữa các thành viên OCS. Dù cả hai ông Tập và Putin đều mong muốn có được mặt trận chung đối đầu với phương Tây, nhưng Bắc Kinh và Matxcơva lại là đối thủ cạnh tranh trên phương diện kinh tế, đặc biệt trong khu vực Trung Á giàu tài nguyên khí đốt và khoáng sản và là tuyến đường giao thông hàng hóa trọng yếu giữa Á và Âu.

Trung Á, dẫn đầu là Kazakhstan, là mắt xích trọng yếu trong dự án con đường tơ lụa mới được ông Tập Cận bình khởi xướng từ hơn chục năm nay. Khu vực này được Nga, Trung Quốc và gần đây cả Thổ Nhĩ Kỳ ve vãn lôi kéo. Matxcơva muốn duy trì ảnh hưởng với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ trong khi Trung Quốc đang thắt chặt quan hệ với các nước đó bằng những dự án kinh tế lớn.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guteres cũng sẽ tới Astana dự hội nghị. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vắng mặt.

Dự kiến hội nghị lần này sẽ kết nạp Belarus, một đồng minh chủ yếu của Nga, làm thành viên thứ 10 của OCS. Ngoài các thành viên chính thức, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải còn có 14 nước đối tác, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh.

Việt Nam hoàn thiện kế hoạch Quỹ thu hút đầu tư nước ngoài

Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam đang hoàn tất dự án lập một quỹ thu hút đầu tư nước ngoài và duy trì sức cạnh tranh. Văn bản đề ngày 29/06/2024 dự kiến được trình lên chính phủ từ nay đến thứ Sáu 05/07.


Xưởng hàn ghép khung xe ô tô bằng rô-bô trong một nhà máy của tập đoàn Vinfast, tại Hải Phòng, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 29/09/2023. AP - Hau Dinh
Thu Hằng
Theo văn bản mà Reuters tham khảo được, nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ Đầu tư Việt Nam (Vietnam Fund for Investment Support) là ngân sách Nhà nước và thuế doanh nghiệp nhằm « duy trì khả năng cạnh tranh của Việt Nam trước tình hình thế giới thay đổi và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nước trong việc thu hút đầu tư ».

Quỹ Hỗ trợ đầu tư sẽ cung cấp tài chính cho các dự án đầu tư để trang trải một phần chi phí cơ sở hạ tầng, tài sản cố định và đào tạo nguồn nhân lực, bởi vì theo dự thảo « dù nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng trong những năm gần đây, nhưng số lượng dự án đầu tư nước ngoài ở quy mô lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao vẫn còn khiêm tốn, trong khi đó nhiều dự án đã có lại phải đình chỉ kế hoạch mở rộng ».

Những khoản đầu tư đủ điều kiện được ưu đãi bao gồm các dự án công nghệ cao trị giá ít nhất 12 nghìn tỉ đồng (471,51 triệu đô la) và có doanh thu hàng năm ít nhất 20 nghìn tỉ động, cũng như các dự án đầu tư vào trí thông minh nhân tạo, chất bán dẫn trị giá ít nhất 6 nghìn tỉ đồng và các dự án mở trung tâm nghiên cứu và phát triển trị giá ít nhất 3 nghìn tỉ đồng. Văn kiện này rất được trông đợi vì nhiều nhà đầu tư tiềm năng vẫn cân nhắc và chờ thêm những thông tin, biện pháp khuyến khích đầu tư cụ thể.

Khối lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng 34,5% trong năm 2023, đạt 39,4 tỉ đô la. Dự thảo nêu rõ Việt Nam đặt mục tiêu thu hút từ 30 đến 40 tỉ đô la đầu tư nước ngoài hàng năm trong giai đoạn 2021-2025 và 40-50 tỉ đô la mỗi năm trong giai đoạn 2026-2030.

Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Theo Yonhap, ngày 03/07, nhân chuyến công du của thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, hai bên đã nhất trí mở rộng khối lượng trao đổi thương mại song phương, đạt đến 150 tỉ đô la từ nay đến năm 2030, đồng thời ký 9 biên bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực phát triển, trao đổi thương mại, thanh niên, môi trường, cạnh tranh…

--

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét