Con trai của bạn tôi không may bị bệnh khó chữa. Vợ chồng anh chạy vạy cầu xin các cửa nhưng tình trạng của cháu vẫn không tiến triển. Có bệnh vái tứ phương, hễ phong thanh nghe ai mách cách gì, thầy thợ ở đâu anh cũng lập tức tìm đến xin chữa chạy.Nghe nói bên Hưng Yên có ông thầy được mệnh danh là “Trạng Trình tái thế”, vợ chồng anh vội rủ tôi cùng đi đến nhà thầy, chủ yếu để làm nhiệm vụ lái xe nếu chả may vì lời thầy phán về đứa con khiến anh bị sốc.
<!>
Chúng tôi tìm được nhà thầy vào lúc chập tối. Vừa qua cổng, chưa thấy mặt nhau, đã nghe tiếng thầy thánh thót:
-Đến xin thầy giúp kêu cầu thánh chứ gì!
Cả ba chúng tôi khép nép bỏ giầy dép, cúi đầu chào thầy đang ngồi trên chiếc ghế dài ở gian giữa, rồi lom khom bước vào. Thầy còn khá trẻ, nhưng để giữ lễ, vợ bạn tôi xưng “con” rất lễ phép.
-Chúng con…
Thầy phẩy tay:
-Biết rồi. Cứ trình báo đi để thầy còn xét.
Vợ bạn tôi thẽ thọt thưa chuyện, kể rõ ngọn ngành về tình trạng cháu bé. Nghe chưa hết lời, thầy phán:
-Nó không thế thì anh chị chả còn được ngồi đây. Thầy giúp chữa trường hợp như vậy nhiều rồi.
Vợ bạn tôi không nén nổi nỗi sung sướng, nói bằng giọng run run.
-Chúng con trăm sự nhờ thầy…
-Không nhờ thì đến đây làm gì-thầy tỏ ra thấu hiểu- Thế là còn có phúc đấy. Trước hết nghe thầy hỏi đây: Đã “bán” nó cho cửa nào chưa?
-Dạ, rồi ạ. Cho chùa làng ạ.
-Biết ngay mà. Trước hết phải về chuộc nó ra đã. Đã nhờ cửa thầy thì phải thôi cửa khác, kẻo các ngài mà thầy kêu cầu tự ái thì khốn.
-Vâng, vậy xin thầy nói cho chúng con biết chúng con phải làm gì?
-Trước hết phải làm lễ chuộc ra khỏi chùa, sau đó mới đến lễ chính trình xin các thánh.
Sau một hồi tính toán, thầy bảo việc của vợ chồng bạn tôi chỉ là chuẩn bị khoảng từ 35-40 triệu đồng, mọi việc còn lại là của thầy. Vợ bạn tôi hơi sững người trước số tiền rất lớn hồi ấy (khoảng 5 cây vàng) nhưng vì thương con, sợ thầy đọc được ý nghĩ sẽ tự ái nên vội vâng dạ rối rít.
Việc coi như xong. Thầy rót nước mời chúng tôi và nói như máy khâu về bản thân thầy. Thầy bảo trông thầy mộc mạc, quê mùa thế thôi nhưng mà phải sau 500 năm, kể từ khi cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm mất đi, nước Nam mới lại có người như thầy. Ai không tin thì thiệt cho người ấy! Thầy chính là hậu thân của cụ Trạng Trình, không phải bàn cãi!
Thầy nói cực kỳ tự tin, lại điểm thêm tí lịch sử, thơ phú làm gia vị khiến vợ bạn tôi để lộ ra nỗi tiếc nuối sao không gặp thầy sớm, cứ xuýt xoa nuốt từng lời thầy. Ở bên trong, vợ thầy thỉnh thoảng lại nói vọng ra, phụ họa cho những gì thầy kể, nhưng bằng thứ giọng kẻ cả. Không sao, bà vợ nào chả tự hào về chồng. Mà đây tận những 500 năm trời đất mới hun đúc nên thầy cơ mà!
Đúng lúc chúng tôi chào thầy ra về, chả hiểu sao tôi lại lỏng miệng khiến để tuột ra câu hỏi:
-Tiện thể, thầy xem cho tôi một quẻ có được không?
Mắt thầy nhìn xéo tôi một cái, thản nhiên đáp:
-Có gì mà không được. Từ lúc anh bước vào cửa, tôi đã biết rõ anh là ai rồi.
Tôi bỗng thấy có chút hồi hộp, ngồi yên như phỗng để thầy xem cho được kỹ từng vết nhăn như bị dao băm trên cái bản mặt vốn chẳng mấy ưa nhìn của tôi. Tôi còn chủ động há to miệng, nghiêng tai, phô ra mảng đỉnh đầu hói nhẵn như đít ếch để thầy khỏi phải ý tứ yêu cầu. Tức là lộ diện toàn thân trước mặt Thánh vì nghĩ rằng đằng nào thì mọi sự gắn với trách nhiệm của các bà Mụ khiến tôi thành ra như hiện nay cũng đã rồi. Thầy vạch vòi xem tỉ mỉ như xem lợn giống, rồi ngồi về chỗ cũ, mắt nhìn vào đâu đó. Một lát sau, ý chừng Thánh đã nhập, thầy mới bảo:
-Nói anh đừng tự ái nhé-không để tôi đáp lời thầy tiếp luôn: Số anh hiện cả lên mặt. Nhầu nhĩ, hốc hác, gồ ghề, xấu xí, méo xẹo thế kia thì làm sao mà sướng được. Hãm lắm! Cả đời lận đận. Làm việc cật lực tối ngày nhưng kiếm đủ cơm ăn đã là may. Về phần nhà cửa thì rách nát, tạm bợ, bốn bề chuột rúc mối đùn...Nói chung là cả đời anh rất nghèo túng.
Tôi ngồi im còn hơn cả phỗng, mặt nghệt ra.
-Bây giờ đến đường vợ chồng, con cái-thầy soi thêm vài lần vào mặt tôi - Vợ chồng không hợp duyên, không hợp số, xung về tuổi nên cãi nhau từ sáng mở mắt ra đến lúc tối lên giường. Con cái cũng không thuận. Anh có một trai, một gái, mỗi đứa sinh ở một nơi khác nhau. Đứa con gái vóc hạc, đứa con trai thì vai u thịt bắp, sau này nhất định sẽ làm nghề công an hoặc vào quân đội. Chỉ hai nơi ấy hợp với nó.
Tôi vẫn không tỏ thái độ gì, trong khi vợ bạn tôi vội chen ngang (có lẽ vì thầy nói đến nghề nghiệp):
-Thầy xem bác ấy làm nghề gì thì tốt ạ?
Thầy phán tức khắc, như đã biết rõ từ trước khi gặp chúng tôi:
-Ngoài nghề sửa chữa ô tô, xe máy, nghề rèn, nghề cơ khí…anh chẳng làm được việc gì khác. Nếu có tạt sang nghề khác thì cuối cùng lại phải về nghề sửa xe, vì chạy đi đâu cho khỏi số…
-Nếu bác ấy làm những việc liên quan đến giấy bút, sách vở thì có được không hả thầy?-Vợ bạn tôi hỏi như gợi ý.
-Này, chớ nhé, nói cho biết, chớ có động vào những thứ ấy, không hợp với cái mặt kia đâu.
Có thể thầy thấy nét mặt tôi có sự biến đổi gì đó nên vội thanh minh là thầy đã nói là phải nói cho hết nhẽ, bởi vì đó là sứ mệnh của những người “ăn lộc Thánh” như thầy.
Không thèm quan tâm phản ứng của tôi và vợ chồng anh bạn, thầy hất hàm hỏi mà như khẳng định: “Đúng quá chứ gì! Sai vào đâu được. Đã bảo là sau 500 năm mới lại có Nguyễn Bỉnh Khiêm thứ hai là tôi. Thôi, về đi!”
Chúng tôi cúi mình, cung kính chào thầy. Bạn tôi xỏ mãi dép mới vào chân còn vợ anh thì suýt ngã bổ chửng khi đối mặt với một thằng bé nửa người nửa quỷ, đen như đồng hun, mặt già câng nhưng chỉ cao khoảng một mét, bất ngờ ở góc nào đó xuất hiện trong tình trạng trần truồng, án ngữ ngay trước mặt, tay cầm cây roi, mặt hung dữ định vụt chúng tôi. Từ trong bàn uống nước, thầy lao ra nhanh như mèo thấy chuột, trợn mắt, giơ tay dọa để đuổi thằng bé về chỗ cũ, y như đuổi con chó định cắn khách. Nghe giọng thầy bất cứ ai cũng sởn gai ốc. Biết rằng thể nào chúng tôi cũng sẽ hỏi về thằng bé, thầy giải thích luôn:
-Nhà nào làm nghề hầu Thánh cũng phải gánh nuôi một thằng con dở hơi...-Thầy còn nói lầu bầu gì đó một thôi trước khi quát lên: “Bảo rồi, vào ngay!”
Thầy lại giơ tay, trợn mắt, nửa dọa nửa như van xin thằng bé. Trông lúc ấy mặt thầy khá đáng ngại!
Chúng tôi ra cổng nhanh để giải thoát cho thầy. Cả ba đứa không nói câu nào cho đến tận khi lên xe. Đi một đoạn, vợ bạn tôi bảo:
-May làm sao bác lại lên cơn…ngứa mồm, chứ không thì bọn em mất oan mấy chục triệu-vợ bạn tôi phá lên cười:-Thầy ơi là thầy, thánh ơi là thánh, thế mà cũng đòi...
Bất ngờ vợ bạn tôi hỏi:
-Em hỏi thật, trong những điều ông ta phán, đành rằng là tào lao nhưng bác ngẫm thật nghiêm túc thì có thấy đúng tí tị nào không?
-Có chứ. Chẳng hạn ông ấy bảo anh chớ có dây vào với sách vở, bút mực…Đúng là dính vào nhọc hơn đi vác đấu, mà chả cơm cháo gì, hèn, nhục, khổ thua cả kiếp trâu bò. Tiếc là gặp ông ấy muộn quá...
LÃO TẠ
Lão Tạ là một bút hiệu khác của nhà văn Tạ Duy Anh. Ông tốt nghiệp thủ khoa khoá IV (1989 - 1992) trường Viết văn Nguyễn Du. Ông được giữ lại trường công tác với vị trí giảng viên Bộ môn Sáng tác tới năm 2000. Qua hơn 20 năm cầm bút, Tạ Duy Anh vẫn luôn luôn trăn trở tìm cách đổi mới tư duy, quan niệm nghệ thuật, làm mới tác phẩm từ nội dung tới hình thức, từ ngôn ngữ tới cấu trúc. Chính những điều đó khiến các tác phẩm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét