Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2024

ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC NGÀY 03/07/2024 - Duke Nguyên

Đạt được số phiếu kỷ lục, đảng cực hữu Pháp « trúng số »Le Figaro ngày 02/07/2024 phân tích, với số phiếu bầu kỷ lục, Tập Hợp Dân Tộc (RN) coi như trúng số độc đắc. Sau cuộc bầu cử, đảng cực hữu sẽ nhận được tài trợ từ ngân sách đến 25 triệu euro mỗi năm, trong khi trước đó luôn bị nợ nần vây phủ.Biểu tình chống đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) tại quảng trường République, Paris ngày 30/06/2024 sau khi có kết quả vòng 1 bầu cử Quốc Hội. Biểu ngữ ghi « Đừng để nước Pháp rơi vào tay bọn phát-xít ! » REUTERS - Fabrizio Bensch Thụy My
<!>
Chặn bước cực hữu, đó là mối quan tâm chính được các báo dùng làm tít trang nhất : các ứng cử viên có thời hạn đến tối nay để đăng ký tranh cử hoặc rút lui. Le Monde đưa tít lớn « Cực hữu ở ngưỡng cửa quyền lực : Thách thức cho mặt trận cộng hòa ». Libération kêu gọi các ứng cử viên về thứ ba hãy rút lui để tăng thêm cơ hội đánh bại cực hữu. Tương tự, La Croix nhấn mạnh « Đây là lúc chứng tỏ trách nhiệm ». Les Echos cho biết đang có vô số thương lượng để ngăn chận cực hữu, cụ thể theo Le Figaro là giữa Macron và khối cánh tả.

Một mặt trận thống nhất để cản đường cực hữu ?


Le Monde nhận định còn vỏn vẹn sáu ngày nữa để ngăn cản Tập Hợp Dân Tộc (RN) đạt đa số tuyệt đối ở Quốc Hội, chỉ có một mặt trận đoàn kết mạnh mẽ mới có thể làm được điều này. Cực hữu đang ở ngưỡng cửa quyền lực. Không tin tưởng vào chính giới, chống nhập cư, lo lắng về an ninh khiến làn sóng ủng hộ cực hữu gia tăng, không chỉ ở Pháp. Nhưng đối với một đất nước vốn tự tin rằng vững vàng hơn các quốc gia khác với truyền thống cộng hòa, các định chế, thể thức bầu cử hai vòng, thì cú sốc là vô cùng lớn.

Marine Le Pen, đắc cử ở thành trì cố hữu Hénin-Beaumont (Pas-de-Calais) với 58 % số phiếu, là người chiến thắng. Không kể đồng minh cánh hữu, đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) chiếm được 29,3 %, tức 9,4 triệu phiếu bầu - một kỷ lục. Tình hình càng nguy hiểm hơn vì thời gian quá gấp để đối phó với một đảng có chủ trương phân biệt đối xử.

Trung thành với truyền thống chống cực hữu, cánh tả nhanh chóng kêu gọi lập một mặt trận cộng hòa. Ở phía đảng cầm quyền vẫn bối rối. Thủ tướng Gabriel Attal tuyên bố ở vòng hai, « không một lá phiếu nào cho Tập Hợp Dân Tộc », nhưng cựu thủ tướng Edouard Philippe nói thêm rằng cũng « không một lá phiếu nào cho đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) » cực tả ; ông François Bayrou thì cho rằng « tùy theo từng trường hợp ».

Đáng trách nhất theo Le Monde là phía các chính khách đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) không liên minh với cực hữu, vẫn từ chối kêu gọi rút lui. Nhật báo thiên tả Libération nhấn mạnh « Bị đóng đinh trên thập giá, phe Macron cần phải hy sinh ». Ngược lại nhật báo thiên hữu Le Figaro chỉ trích những kẻ đạo đức giả nên ngưng giảng đạo, vì bản thân họ chẳng mẫu mực gì. Trước hết là thủ lãnh cực tả Jean-Luc Mélenchon, rồi những nhân vật như François Ruffin, người từng nói : « Chúng ta đang có một tên điên đứng đầu Nhà nước » (nhưng lại nhận được sự ủng hộ của đảng Macron tại đơn vị bầu cử của mình). Một liên minh với vô số hiệp hội sinh thái, tân nữ quyền, « chống phát-xít » mà điểm chung duy nhất là mập mờ về Hamas, bài Do Thái, căm ghét cảnh sát. Quảng trường République tối Chủ nhật đầy cờ Palestine chứng tỏ đấu tranh chống cực hữu chỉ là cái cớ.

Đang nợ nần, RN nay tiền bạc rủng rỉnh nhờ lá phiếu
Le Figaro phân tích, với số phiếu kỷ lục, RN đã « trúng số ». Sau cuộc bầu cử, đảng cực hữu sẽ nhận được tài trợ từ ngân sách đến 25 triệu euro mỗi năm. Làn sóng phiếu bầu trên toàn quốc giúp RN nhận được 1,60 euro cho mỗi lá phiếu - với điều kiện ít nhất 50 ứng cử viên của đảng vượt quá 1 % tổng số phiếu trên cả nước, trừ lãnh thổ hải ngoại.

Gói tài trợ thứ hai tùy thuộc vào số đại biểu được bầu : mỗi dân biểu và thượng nghị sĩ mang lại cho đảng trên 37.000 euro. Với trên 9 triệu phiếu trong vòng một, đảng cực hữu được ngân sách tài trợ trên 10 triệu euro một năm. Trong khi xưa nay vẫn nợ nần, RN nợ trên 20 triệu euro đến nỗi Le Pen phải đi mượn tiền một ngân hàng Nga.

Khi Emmanuel Macron bước vào điện Élysée năm 2017, cực hữu chỉ có hai dân biểu là Gilbert Collard và Marion Maréchal - cháu gái của bà Marine Le Pen. Họ cô độc trong nghị trường, không thuộc một nhóm nào. Năm năm sau, tức 2022, một làn sóng 90 dân biểu RN, vừa giúp bình thường hóa đảng cực hữu, vừa khiến tài chánh của đảng thêm khả quan.

Lần này theo tính toán của Le Figaro, sau vòng hai RN sẽ nhận được ít nhất 20 triệu euro mỗi năm kể từ 2025, còn nếu đạt đa số tuyệt đối sẽ là 26 triệu euro một năm. Marine Le Pen thỏa sức tranh cử tổng thống năm 2027 : tranh cử vòng một tốn khoảng 15 triệu euro, và nếu lọt vào vòng hai chi phí tổng cộng là 20 triệu euro.

Nước Pháp thay đổi hẳn sau hai thế hệ
Trên Le Figaro, tiến sĩ sử học Pierre Vermeren rút ra sáu bài học cho cuộc bỏ phiếu lịch sử, có vẻ như đi ngược lại với kỳ bầu cử năm 1981 đã đưa François Mitterrand lên làm tổng thống. Thế giới cũng như nước Pháp đã thay đổi nhiều so với cách đây 43 năm.

Trong hai thế hệ, thành phần dân số đã khác, quá trình phi kỹ nghệ hóa và lệ thuộc vào bên ngoài tăng lên. Pháp không còn là cường quốc giữ an ninh cho châu Phi và nhân tố chính ở Trung Đông. Vai trò nghệ thuật và khoa học giảm sút dù kỹ nghệ hàng xa xỉ và thời trang vẫn giữ ưu thế. Đa số người Pháp không còn tin vào tôn giáo đã làm nên nền văn hóa của mình, sự dung tục thay cho các giá trị truyền thống.

Lần đầu tiên thế hệ boomer đã thay đổi nước Pháp - sinh từ 1942 đến 1962 - đứng ngoài lề việc chỉ định người đại diện. Bài học thứ hai, là bước ngoặt dân túy ; thứ ba là người ta làm nên lịch sử một cách mù quáng - giới trưởng giả cả tả lẫn hữu không hiểu được tâm trạng của tầng lớp dưới. Thứ tư, là tính cố định của những đại biểu, thứ năm, cực đoan không còn là điều cấm kỵ Cuối cùng, giới tinh hoa không nhận thấy điều kiện sống thực tế của người dân đang sa sút, lớp trung lưu dầntrở thành giới lãnh lương tối thiểu.

Trump ít rủi ro hơn Biden khi tranh luận
Tại Hoa Kỳ, các báo đều chú ý đến cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Dù tỏ ra lép vế trước đối thủ Donald Trump trong cuộc tranh luận vừa qua, ông Joe Biden vẫn là ứng cử viên với sự ủng hộ của đảng Dân Chủ. Trong khi ông Trump vừa có được một thắng lợi : Tòa án Tối cao công nhận một phần quyền đặc miễn của ông trong vụ bạo loạn ngày 06/01/2021.Libération lưu ý là ba thẩm phán cấp tiến đã phản đối quyết định này bằng văn bản « vì lo sợ cho nền dân chủ » Mỹ.

Le Figaro cho biết hôm Chủ nhật, tổng thống Joe Biden và gia đình đã họp lại ở Camp David, và những người thân cận khẳng định không có việc ông rút lui, hăng hái nhất là phu nhân Jill và contraiHunter. Đảng Dân Chủ và các nhân vật chủ chốt công khai lên tiếng ủng hộ Biden, tuy cú sốc trước thất bại của cuộc tranh luận vẫn chưa phai nhạt. Một tác giả trên trang Ý kiến cho rằng Biden lẽ ra không nên chấp nhận cuộc so găng này vì chịu rủi ro nhiều hơn Trump, do cử tri của Donald Trump vốn trung thành, bất chấp vụ bạo loạn, các xì-căng-đan tình dục và án hình sự.

Khó thay ngựa giữa dòng, đảng Dân Chủ bênh vực Biden


Tình trạng thể chất của Biden khiến phe của ông lo ngại về cơ hội thắng cử, những lời kêu gọi thay đổi ứng cử viên liên tiếp được truyền thông đưa ra từ cuối tuần qua. New York Times chạy tít « Để phục vụ đất nước, tổng thống Biden cần từ bỏ chiến dịch ». Ngay cả những người bạn của ông như Joe Scarborough, người điều khiển chương trình mà Biden ưa thích là « Morning Joe », hay nhà bình luận Tom Friedman cũng có cùng ý kiến. Trước đó hôm thứ Bảy, khi tiếp một nhà tỉ phú đóng góp nhiều cho việc tranh cử, Biden một lần nữa khẳng định vẫn tin tưởng vào khả năng chiến thắng.

Bênh vực Biden, Barack Obama nói rằng « một cuộc tranh luận không tốt là chuyện bình thường », Kamala Harris, Nancy Pelosi đều bác bỏ ý định thay đổi ứng cử viên. Gavin Newsom, thống đốc California thường được nêu tên như một người thay thế Biden ra tranh cử, cũng bênh vực : « Đừng nhìn vào chỉ 30 phút, mà ba năm rưỡi dưới sự lãnh đạo của Joe Biden ». Kịch bản thay ứng cử viên trong lúc chỉ còn năm tháng nữa đến bầu cử, là hết sức rủi ro.

Trang Ý kiến của Le Figaro đặt vấn đề « Ai có thể thay thế được ông Joe Biden ? » Theo tác giả bài viết, mặc cho những khuyết điểm, Joe Biden đại diện cho cánh trung của đảng Dân Chủ. Ông luôn là một khuôn mặt Dân Chủ ôn hòa, đây không phải là trường hợp của Gavin Newsom, và thống đốc California cũng đã nhiều lần trách cứ Biden không đủ cứng rắn. Đây có thể là lợi thế, vì cử tri cực đoan đi bầu nhiều hơn cử tri ôn hòa, một ứng cử viên Dân Chủ cực đoan đáng ngại với Donald Trump hơn là một nhân vật trung dung ; thu hút cánh trung đồng thời bảo đảm sự ủng hộ của nhiều người cứng rắn trong đảng, trong khi Donald Trump mất đi số ôn hòa, hy vọng rằng số cử tri cực đoan đã đủ để thắng.

Tù binh Ukraina trong địa ngục Nga


Liên quan đến Ukraina, Le Monde có bài phóng sự nói về số phận « Những tù binh chiến tranh trong địa ngục trại giam Nga ». Những người may mắn được trao trả thuật lại những hành động bạo lực đã phải chịu đựng trong thời gian bị tù tội. Tình báo quân đội Ukraina (HUR) cho phép Le Monde gặp gỡ những cựu tù nhân muốn kể lại thời gian bị giam giữ, điều kiện duy nhất là không được tiết lộ địa điểm gặp cũng như tên trại tù, để tránh việc trả thù nhắm vào những bạn tù đang còn bị nhốt. Họ trao đổi thoải mái với nhà báo, không có ai bên cạnh.

Phái bộ giám sát nhân quyền ở Ukraina (HRMMU) của Liên Hiệp Quốc, nhân Ngày quốc tế hỗ trợ nạn nhân bị tra tấn 26/06, đã báo cáo « Mỗi tù nhân được phỏng vấn đều khẳng định họ bị tra tấn dã man, như dùng dùi cui điện đánh vào bộ phận kín và bị cho chó tấn công ». Bên cạnh đó tù binh còn bị bỏ đói thường xuyên và không được chăm sóc y tế. HRMMU đã phỏng vấn 600 trong số 3.300 tù binh chiến tranh Ukraina được trao đổi kể từ sau cuộc xâm lăng.

Le Monde nêu ra một số trường hợp. Volodymyr, 26 tuổi, vệ binh quốc gia bị bắt ở mặt trận Mariupol, cho biết khi nhập trại, người tù bị lãnh một trận đòn phủ đầu, đó là thông lệ. Sĩ quan và tình nguyện quân càng bị đối xử tệ hại hơn. Roman, 29 tuổi, bị bắt ngay ngày đầu quân Nga tràn vào nhà máy điện nguyên tử Tchernobyl nói, tù nhân luôn phải đứng, mỗi lần quản giáo vào hai ngày một lần đều bị đánh, cũng như khi thẩm vấn.

Yuriy, 31 tuổi kể về đồ ăn - thường dính đất, có côn trùng, bánh mì có mùi diesel ; và bạo lực – bị đánh đập thường xuyên, bị xua chó cắn. Oleksandr, bị sụt 33 ký lô trong tù, không còn giống chút nào với những tấm hình trước chiến tranh, bị bỏ đói thường xuyên và bị tra tấn nhưng không cho kêu la…Quản ngục càng thô bạo mỗi lần Ukraina giành được chiến thắng. Một sĩ quan HUR khẳng định theo truyền thống Nga, « người tù không có bất cứ một quyền gì ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét