Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

XỨ "THIÊN ĐƯỜNG"! - Tuyết Linh

Bạn thân ơi, Tôi sống ở Mỹ chỉ mới gần 30 năm, những hiểu biết và những nhận định của tôi có lẽ còn kém cõi nhưng với những gì tôi nhìn thấy hay học hỏi được tôi có thể nói với bạn rằng nước Mỹ không phải là Thiên đàng, hay là địa ngục như một số bạn đánh giá và chê ghét, mà nước Mỹ chỉ là một mảnh đất hứa, một mảnh đất cho bạn cơ hội để vươn lên, bước về phía trước nếu như bạn có mong ước ấy trong cuộc đời của mình.
<!>
Tôi là một phụ nữ có chồng và 4 người con. Gia đình chúng tôi được may mắn “ly hương”bằng phi cơ boeing rất an toàn. Ra phi trường đón chúng tôi là những người bảo trợ nhân ái của nhà thờ Tin Lành. Trong tay chúng tôi không có một đồng một chữ, lõm bõm vài ba tiếng Anh học được thời ngồi ghế Trung học còn nhớ được. Nhưng chúng tôi thật an lòng khi nhà thờ nói với chúng tôi rằng họ sẽ lo cho chúng tôi A đến Z trong vòng 3 tháng!

Chúng tôi được ghép cho ở trọ chung với một gia đình người bản xứ (người Mỹ da trắng). Hàng tuần cả gia đình phải đi nhà thờ mặc dù chúng tôi là người ngoại đạo, đi cho phải lễ, đi cho vui lòng những người đã mở lòng bảo trợ gia đình mình.

Hết 3 tháng, họ tìm thuê nhà gần nhà thờ cho gia đình chúng tôi ”ra riêng”. Thời đó mướn một căn nhà 3 phòng ngủ chỉ chưa đầy $500. Nhưng mới “quy mã” 3 tháng, hai bàn tay chúng tôi vẫn còn trắng trơn, trong lòng ai nấy đều lo ngai ngái, nhưng nhà thờ lại giúp chúng tôi một lần nữa: Họ lo tìm việc làm cho tất cả chúng tôi 4 người lớn gồm vợ chồng tôi và 2 cô con gái lớn, còn 2 cô út và kế út thì xin vào dự thính một trường Trung học gần nhà. Trường học không nhận thẳng hai cháu vì đang giữa niên học.

Tôi và 2 cô con gái lớn được cho đi may, ráp quần áo kiểu công nghiệp, mỗi tuần mỗi đầu người chỉ kiếm chưa được $200. Tuy nhiên, đó là số tiền “vô giá” trên bước đường hội nhập. Cả ba mẹ con góp lại cũng dư sức trả tiền thuê nhà. Lúc ấy chúng tôi đi làm đi học đều dùng xe bus, vé bus chỉ 0$75 một lượt.

Chưa dừng lại, vài tháng sau, quen nước quen cái, tôi tự kiếm việc khác để làm vì nghề may công nghiệp, tôi vụng về chậm chạp nên không kiếm nhiều bằng các con tôi. Tôi xin vào làm chân dọn phòng trong một khách sạn lớn nhất nhì của quận hạt. Công việc này tiếng Mỹ gọi là Houseskeeper, nghe oai vậy chứ chỉ có việc là dọn phòng khách trọ đã rời đi. Bạn nào thường mướn khách sạn ở qua đêm đều biết. Trước khi rời đi bạn thường để lại tiền tip,hay còn gọi là tiền boa. Lao công dọn phòng sẽ hưởng tiền tip này. Lương phạn mà chủ khách sạn thuê mướn mình chỉ trả $5/ giờ vào thời 1992 + tip vào thì lao công cũng phẻ lắm! Tiền tip hôm nào gặp khách sộp để lại 30-50 $ thì ngày đó gom 14-15 phòng dọn một ngày cũng kiếm gần bằng lương 1 tuần chủ trả. Thân tớ hồi đó mới từ VN qua ốm nhách, yếu sìu vậy mà dọn 14-15 phòng một ngày cũng phì hơi tai bạn ơi! Tuy nhiên cơm áo gạo tiền nhà, tiền xe cũng phải cày, vui vẻ mà có job để cày.

Chừng hơn năm mẹ con tôi gom được ít tiền mua cái xe cũ cho các cô con tôi tập lái xe để còn chở nhau đi học. Chẳng lẽ qua Mỹ làm cu-li hoài sao? Thế là mấy mẹ con xin nghỉ việc hết, lên Philladelphia mướn nhà ở và đi học. Tôi ban ngày theo các con đi học chữ nghĩa, ban đêm một mình tôi đi làm. Lại đi dọn dẹp văn phòng chứ chưa có chữ nghĩa thì làm ông làm thầy sao được? Tôi đi làm ca đêm, từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng, chỉ là công việc đổ rác giấy văn phòng, lau cầu tiêu và hút bụi thảm cả building, cái máy hút bụi nó còn nặng hơn tui nữa, mệt cũng ứ hơi. Nhưng cũng vì cơm áo gạo tiền phải lao động cho vinh quang mai sau mà! Tui dẫu có đi làm về buồn ngủ đến muốn gục cũng ôm cặp theo các con đi học.

Năm 5 sau khi các con tui ra trường đậu cao thì tui bị rớt! Vừa học vừa làm, làm sao bằng lủ con được chỉ có ăn và học? Rốt cuộc các con đều có job thơm, còn mẹ chúng thì lại cu-li tiếp. Tuy nhiên cu-li lần này cũng trên chân nhiều người lắm, làm cái việc một technician cho nhà máy sản xuất đồ gang thép. Đồ sản xuất ra không đúng tiêu chuẩn, technician có quyền setdown máy, gọi chuyên viên đến sửa xong mới cho máy chạy lại. Thế có oai không các bạn?

Đến đầu năm 1997 cả gia đình đi thi quốc tịch và cùng đậu hết. Thật là cái vui hoàn hảo! Từ đó đến nay chúng tôi không đi xe cũ và mặc đồ Kmark nữa. Các cháu đều có công việc tốt, có gia đình con cái đông đủ, mỗi năm con cháu tựu về cha mẹ đề cùng nhau đi du lịch. Các con tui không giàu có gì nhưng nhà cửa cũng khang trang, cuộc sống tự do êm ả. Có phải không, nước Mỹ đâu phải là thiên đường, tiền treo sẵn trên cây để chúng tôi ra hái mỗi ngày? Riêng tôi, khi đến Mỹ đã gần 50, lại vừa đi học vừa thức đêm đi làm để có tiền cho mấy mẹ con sinh sống, năm sáu năm dài đi xe cũ, mặc quần áo Goodwill nhưng chúng tôi không lấy đó làm nản lòng mà luôn thấy nước Mỹ là nơi cho chúng tôi vươn lên từ cuộc sống đói nghèo bị quê hương ruồng bỏ.

Ở Việt nam, sau 75 gia đình tôi thuộc thành phần Mỹ nguỵ, con cái không được vào đại học, chồng thì bị đi tù cãi tạo, tui phải lặn lội theo tàu hoả buôn lậu than củi, giữa đường bị khám xét phải xô hàng xuống đường tàu, bán rẽ cho dân địa phương, còn hơn bị tịch thu và bị phạt! So với sự khởi nghiệp bên Mỹ này, các bạn nghĩ xem bên nào nặng nhọc hơn?

Các bạn phải nghèo khổ đi rồi hãy qua Mỹ. Những người giàu có sẵn trong nước sang đây họ khó lòng hội nhập vì cuộc sống ở Mỹ không dễ dàng gì đâu. Phải có mục đích và chí hướng rõ ràng mới cố gắng, kiên nhẫn đề thành công!

Hình tớ mới qua Mỹ được cắp sách đi học lại để khỏi nói tiếng Anh bằng tay!

Tuyet Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét