Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

TỪ THỨC - Phạm Khắc Trung

                     Động Từ Thức (Thanh Hoá)
Mới hôm nào trên chuyến xe bus 4A, tuyến đường Oxford – Wellington, hai thằng thanh niên nhận ra nhau cùng người Việt, mừng rỡ ngồi nói chuyện hỏi thăm nhau: Một thằng đang trên đường đi rửa chén, còn một thằng đang thất thểu đi tìm việc làm, nên rủ nhau ghé vào nhà hàng Lee Gardens xin rửa chén chung... Quay qua quắt lại mới đó thôi, thế mà cũng đã ba mươi hai năm rồi! 32 đợt tuyết phong đã đủ để rắc muối trên những mái đầu xanh trẻ hôm nào, 32 mùa sương gió đã đủ để hằn sâu những vết nhăn trên vầng trán nhỏ bé ngày xưa, 32 năm tha phương đã đủ để biến gò má căng ròn trĩu nhựa hôm trước trở nên nhăn nheo như đôi má của lão bà ai hạ... 
<!>
Dĩ nhiên thời gian mang theo tì vết, nhưng có điều đáng lạ, là dường như trong tâm hồn bọn mình vẫn không có những vết hằn đáng kể so với tuổi đời cho lắm. Tuổi đã gần lục tuần, vậy mà mình vẫn còn giữ được lối nói chuyện hồn nhiên và những nụ cười vô bổ của thời niên thiếu, nhiều khi tự thấy mình thơ ngây vô tội vạ vậy. Nếu so sánh với sự chững chạc của ông cha ta ngày trước, có lẽ người ta sẽ cho rằng chúng ta chỉ là những thằng con nít nhiều tuổi, hay những đứa bé có râu mà thôi. Einstein cho rằng thời gian sẽ co lại theo chuyển động. Nếu so sánh một cách thô thiển thì khi mình lái xe từ A đến B, trong trường hợp không có những rủi ro bất
trắc như gây tai nạn hay bị cảnh sát giữ lại xin chữ ký..., chân mình càng tống sâu
ga thì thời gian để đến B càng thu ngắn lại, nói nôm na thì thời gian tỷ lệ nghịch với tốc độ chuyển động.
Dù người ta có thuận ý hay nhạo báng luận thuyết tương đối về thời gian của Einstein mặc lòng, câu chuyện hai anh em sinh đôi cũng phần nào cụ thể hóa luận thuyết trên: “Người em được giữ lại sống bình thường trên trái đất, trong khi người anh được cho lên phi thuyền bay vòng quanh vũ trụ. Vì phi thuyền chuyển động với vận tốc quá nhanh khiến thời gian co lại, nên khi phi thuyền trở lại thì người anh mới chập chững biết đi, trong khi người em đã con đàn cháu đống”.

Chuyện Từ Thức của chúng ta kể rằng (trích): “Từ Thức là một ông quan thanh liêm, tính tình hào phóng, lòng hay thương người. Khi ngài cai trị ở huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh, Từ Thức rất được lòng thiên hạ bởi sự nhân hậu của Từ. Gần chỗ huyện đường có một ngôi chùa trổ sanh một gốc mẫu đơn. Hằng năm mỗi độ hoa nở, khách thập phương đến xem đông như ngày Hội, tiếng đồn khắp xa gần.

Năm đó, khi hoa vừa nở thì có một cô gái nhan sắc tuyệt trần, đến xem hoa, rủi chạm phải tay làm cho hoa rụng. Lính liền bắt giữ lại không cho về. Thời may, lúc đó Từ Thức chợt đến nghe chuyện như vậy, liền xin tha cô gái và cởi áo cừu đang mặc trao cho người giữ hoa để bắt đền. Cô gái được thả ra, lạy tạ Từ Thức rồi bỏ đi. Từ Thức cũng không buồn hỏi đến tên họ quê quán nàng.
Ngày ngày, Từ Thức ham cảnh gió mát trăng trong, ngắm hoa vịnh nguyệt hơn là ngồi chốn công đường, vì vậy chàng hay mang bầu rượu túi thơ đi lang thang tìm cảnh đẹp. Quan trên thấy vậy buông lời khiển trách, Từ Thức lấy làm phiền nên treo ấn từ quan, không muốn trói buộc mình trong vòng danh lợi.

Từ đó, Từ Thức bềnh bồng một chiếc thuyền con ngao du đây đó. Một hôm thuyền của Từ Thức đến cửa Thần Phù, trông ra ngoài biển thấy một vầng mây ngũ sắc kết thành hình đóa hoa sen. Chàng động tánh hiếu kỳ cho thuyền lướt tới. Trước mặt chàng bỗng hiện ra một dãy núi non thanh lịch. Chàng buộc thuyền lại, một mình lên bờ, núi đá chập chùng không làm sao vượt lên được nữa. Còn đang phân vân, những muốn lui về, bỗng thấy vách đá nứt ra, hiện thành cửa động. Chàng bước lần vào, được vài bước tự nhiên cửa động đóng lại. Chàng đành liều đi lần tới trước, được một lát thì con đường rộng mở thênh thang, một dãy đền đài hiện ra với ánh sáng chói lòa, hoa thơm tỏa hương man mác.

Từ Thức say sưa ngắm cảnh, thoạt nghe tiếng cười trong trẻo vang lên, ngửng nhìn, Từ Thức thấy hai cô gái áo xanh vừa cười vừa bảo: " Kìa chú rể nhà ta đã đến". Rồi hai nàng đến bảo Từ Thức: " Phu nhân chúng tôi cho mời Từ lang vào". Từ rảo bước theo hai nàng, vào đến cung điện. Từ nhìn thấy hai bức hoành phi thếp chữ vàng “Quỳnh Hư Chi Ðiện”, “Giao Quang Chi Các”. Một bà tiên mặc áo trắng ngồi ở giữa điện ra dấu mời Từ Thức ngồi rồi hỏi: " Từ sinh có biết nơi này là đâu không?" Từ Thức đáp: " Lòng tôi còn đầy trần tục không rõ đây là nơi nào, dám xin phu nhân chỉ dạy".
Bà tiên nói: " Ðây là hang thứ sáu trong 36 động núi Phù Lai, núi này đi khắp các mặt bể, chân không bén đến đất, chỉ theo chiều gió mà hợp tan thôi. Ta là Ngụy phu nhân tiên chủ núi Nam Nhạc, vì thấy ngươi có đức nên cho mời đến". Nói rồi bà tiên quay vào trong gọi một tiếng, tức thì một tiên nữ từ trong tha thướt bước ra. Vừa thấy mặt nàng, Từ Thức nhớ ngay đến cô gái làm gãy cành mẫu đơn ở Hội thưởng hoa.

Từ Thức còn đang ngơ ngác, thì bà tiên lên tiếng: " Nàng này là con gái ta tên gọi Giáng Hương, ngày trước gặp nạn ở Hội thưởng hoa nhờ chàng cứu thoát. Ðể đáp lại ơn xưa, ta cho nó kết duyên cùng chàng". Từ Thức không thể chối từ, nên liền đó hôn lễ cử hành dưới ánh đèn mỡ phụng. Các tiên nữ đến mừng cưới rất đông. Từ Thức say sưa nhìn Giáng Hương xinh đẹp trong chiếc áo cưới. Các tiên đều chúc tụng, chuốc rượu cho Từ Thức đến say, rồi đưa vào loan phòng. Ngày tháng trôi qua rất mau, Từ Thức sống trong hạnh phúc bên cạnh Giáng Hương đã được một năm. Một hôm Từ Thức ra xem hồ, thấy sen nở tưng bừng thì động lòng nhớ đến cõi tục. Chàng dắt Giáng Hương lên đỉnh non tiên trỏ con thuyền đang lướt sóng trên mặt biển mà nói: " Khi ra đi, anh còn có mẹ già không ai phụng dưỡng, mãi say hưởng lửa duyên tiên mà anh quên mất đạo làm con. Vậy nàng hãy cho ta trở về quê hương lo bề báo hiếu rồi ta sẽ trở lên cùng nàng sống mãi nơi cảnh tiên".

Nàng Giáng Hương buồn bã báo tin cho mẹ hay. Ngụy phu nhân than rằng: " Ta không ngờ con người ấy lòng trần chưa dứt, thôi thì đành vậy chứ biết sao". Bèn ra lệnh cho Giáng Hương sắm sửa một chiếc xe mây để đưa Từ Thức về cõi trần. Hai người gạt lệ trong cuộc chia tay.

Từ Thức về đến làng xưa, mọi vật đều hoàn toàn thay đổi, người trong làng không một ai quen biết nên chẳng nhận ra Từ. Chỉ có bãi cát cồn dâu còn trơ trơ đó. Ði tìm những người già cả trong làng hỏi xem có ai biết đến Từ Thức không, thì có người đáp: " Theo lời ông cố tôi kể lại, thì ngày xưa tại làng này có ông Từ Thức đi lạc vào núi đã trên trăm năm, rồi từ ấy đến nay đã trải qua ba đời vua. Hỏi đến người khác, họ cũng đáp như vậy, bấy giờ Từ Thức mới biết một ngày trên tiên bằng một năm ở dưới trần. Lòng Từ Thức buồn vô hạn. Muốn trở lại cảnh tiên thì xe mây đã biến thành chim loan bay mất rồi.

Từ Thức chẳng còn hy vọng gặp lại Giáng Hương nên khoác áo tơi, đội nón lá, chống gậy trúc đi vào núi Hoành Sơn rồi biệt tích” (ngưng trích).

Bọn mình đang sống trong một điều kiện mà tốc độ biến động nhanh gấp trăm vạn lần điều kiện sinh sống của ông cha ta. Chúng mình đã chạy một chặng dài suốt từ Ðông sang Tây, đến đây còn tiếp tục chạy bở hơi để thích ứng với môi trường tư bản. Rồi lại tiếp tục chạy vật chạy vã cho kịp với trào lưu canh tân kinh tế ở đây. Trong cuộc cách mạng kinh tế lần thứ ba này, tốc độ phát minh nhanh hơn tốc độ tiêu thụ, hàng hóa sản xuất ra chưa kịp bán đã lỗi thời, muốn sống còn thì mình phải vắt chân lên cổ mà chạy, “chạy ngày chưa đủ tranh thủ chạy đêm”, suốt ngày vật vã chạy theo dây chuyền xã hội, tối về cũng phải vội vã chạy lên giường ngủ vội cho đủ sức mà chuẩn bị cho cuộc chạy ngày mai... khiến thời gian co lại, tâm hồn ta trẻ trung hơn so với ông cha ta.

Trở lại chuyện Từ Thức, ngoài việc xác định luận thuyết tương đối về thời gian khi cho Từ Thức ở lại sống cùng Giáng Hương nơi “hang thứ sáu trong 36 động núi Phù Lai”, trong khi “núi này đi khắp các mặt bể, chân không bén đến đất, chỉ theo chiều gió mà hợp tan thôi”, đã làm cho thời gian một năm co lại còn có một ngày: “Một năm tiên cảnh một kiếp trần ai”.

Các cụ nhà mình cũng bắt Từ Thức phải chạy: Trước hết, Từ Thức là một người bình thường bằng xương bằng thịt, cũng chất chứa đủ bảy thứ tình: hỉ, nộ, ai, oán... như mọi người trong chúng ta. Từ Thức cũng được cha mẹ sinh ra, cũng lớn lên trong tình thương yêu của gia đình, trong sự đùm bọc của quê hương, đất nước. Từ Thức cũng được nuôi ăn cho lớn, được cho đi học để mở mang kiến thức hầu giúp dật cho đời. Từ Thức cũng gói ghém giấc mơ tuổi ấu thời là lớn lên sẽ làm được điều gì tốt đẹp để tô điểm núi sông và đền ơn nuôi dưỡng. Khởi điểm từ cái nhân, “tính tình hào phóng, lòng hay thương người”, Từ Thức đã chạy hộc hơi mới ra làm quan được để trả cái “nợ lần” mà con người đã vay. Ra làm quan rồi, ông vẫn tiếp tục chạy để tô bồi cái nhân, “là một ông quan thanh liêm, nhân hậu”.

Thế nhưng, Từ Thức không coi chuyện làm quan là cứu cánh của cuộc đời, ông “không muốn trói buộc mình trong vòng danh lợi, nên hay mang bầu rượu túi thơ đi lang thang tìm cảnh đẹp”. Và cái cảnh đẹp nhất mà chàng đã bắt gặp là nàng tiên nữ yêu kiều Giáng Hương. Tiên là điều tưởng tượng không có thật, ý chỉ những hoài bão, những ước mơ!

Ðang sống trong mơ, “Một hôm Từ Thức ra xem hồ, thấy sen nở tưng bừng thì động lòng nhớ đến cõi tục”. Từ Thức nhớ đến mẹ già không ai phụng dưỡng nên lo về báo hiếu. Về với Mẹ nghĩa là về với thực tại, về với nải chuối, với buồng cau..., về với nền nhân bản mẫu mực.

PKT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét