Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :28/06/2024 - Duke Nguyễn


Bầu Quốc Hội Pháp:Ngày cuối của chiến dịch tranh cử vòng một, cực hữu vẫn bỏ xa các đối thủ Hôm nay, 28/06/2024 là ngày cuối cùng của chiến dịch vận động tranh cử cho vòng đầu bầu cử Quốc Hội Pháp 30/06, với kết quả dự báo không có gì thay đổi: đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) vẫn bỏ xa liên minh cánh tả và phe của tổng thống Emmanuel Macron.Bầu cử Quốc Hội Pháp: Đại diện ba khối tranh luận trên truyền hình France 2, tối ngày 27/06/2024. Olivier Faure (G), bí thư thứ nhất đảng Xã Hội, đại diện cho Mặt Trận Bình Dân Mới, Gabriel Attal (P), thủ tướng và Jordan Bardella, chủ tịch đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc. AFP - DIMITAR DILKOFF Thanh Phương
<!>
Theo kết quả một cuộc thăm dò được công bố tối qua, đảng Tập Hợp Dân Tộc vẫn được dự báo sẽ giành chiến thắng áp đảo với 36% ý định bỏ phiếu, trong khi liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới chỉ được 29%, còn phe của tổng thống Macron vẫn đứng hạng ba với 21%.

Tuy nhiên, chủ tịch đảng cực hữu Jordan Bardella, 28 tuổi, còn phải thu hút thêm cử tri để có thể giành được đa số tuyệt đối ở Hạ Viện mới, điều kiện mà ông đặt ra để chấp nhận chiếc ghế thủ tướng.

Ngày cuối của chiến dịch tranh cử vòng một diễn ra trong lúc đang có tranh cãi gay gắt về vai trò của tổng thống Pháp, sau khi hôm qua lãnh đạo của đảng Tập Hợp Dân Tộc, bà Marine Le Pen, khẳng định vai trò tổng tư lệnh quân đội của tổng thống chỉ “mang tính hình thức”. Tuyên bố này cho thấy là trong trường hợp đảng cực hữu giành chiến thắng và lập được chính phủ, cuộc “chung sống” với tổng thống Macron sẽ rất căng thẳng.

Trong cuộc tranh luận truyền hình cuối cùng hôm qua với đại diện của phe tổng thống Macron và của liên minh cánh tả, chủ tịch đảng Tập Hợp Dân Tộc Bardella cũng đã có những tuyên bố tương tự. Thủ tướng đương nhiệm Gabriel Attal đã chỉ trích đối thủ cực hữu, vì theo ông, nếu đảng Tập Hợp Dân Tộc thắng cử, giữa lãnh đạo chính phủ và tổng thống sẽ luôn có tranh cãi xem ai là tổng tư lệnh quân đội, trong khi đây là đặc quyền của tổng thống, được ghi rõ trong Hiến Pháp. Trong cả ba lần “chung sống” trước đây ở Pháp, tổng thống vẫn giữ được thẩm quyền rộng lớn trong hai lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng.

Tại Bruxelles hôm qua, bên lề thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu, tổng thống Macron đã lên án thái độ “kiêu căng, tự mãn” của đảng Tập Hợp Dân Tộc, “chưa gì đã chia nhau” các chức vụ trong chính phủ.

Báo động về các hành vi kỳ thị, phân biệt chủng tộc nhắm vào người nước ngoài tại Pháp
Pháp chuẩn bị bầu cử Quốc Hội với viễn cảnh đảng cực hữu bài ngoại Tập Hợp Dân Tộc RN có triển vọng lên cầm quyền. Nhiều tổ chức hội đoàn báo động, một số người Pháp dường như không còn « che giấu » ác cảm đối với người nước ngoài. Ủy Ban Tham Vấn Quốc Gia vì Nhân Quyền CNCDH của Pháp hôm qua 27/06/2024 báo động các hành vi kỳ thị và phân biệt chủng tộc tại Pháp gia tăng.


Biểu tình chống đảng cực hữu RN ở Paris, Pháp, ngày 15/06/2024. AP - Michel Euler
Thanh Hà
Theo báo cáo của ủy ban CNCDH, trong năm 2023, những vụ kiện trước tòa án vì các hành vi « kỳ thị chủng tộc, bài người ngoại quốc, và bài Do Thái » tại Pháp tăng 32 % so với một năm trước đó. Tỷ lệ người Pháp quan niệm người nhập cư cần được đối xử bình đẳng, cần được hưởng những quyền lợi tương tự như các công dân Pháp giảm 5 %.

Ngoài ra, khoảng 56 % những người được hỏi cho rằng Pháp có « quá nhiều người nhập cư nước ngoài » cho dù không thể xác định số lượng người mới đặt chân lên đất Pháp trong thời gian 2022-2023 là bao nhiêu. Cũng theo báo cáo của ủy ban CNCDH được AFP trích dẫn, 51 % người Pháp được hỏi cảm thấy « không còn được sống trên đất nước mình » do có quá nhiều người ngoại quốc.

Về phía các hội đoàn chống kỳ thị chủng tộc và phân biệt tôn giáo, chủ tịch Liên Đoàn Nhân Quyền, Nathalie Tehio gắn liền vấn đề kỳ thị với chiến dịch vận động tranh cử tại Pháp. Đảng RN khai thác tinh thần dân tộc chủ nghĩa và bài ngoại để kiếm phiếu. Vào lúc đảng này đang ngấp nghé ngưỡng cửa quyền lực, những người kỳ thị không còn ngần ngại bày tỏ quan điểm. Nhiều nhà báo gốc nước ngoài của Pháp bị thóa mạ chỉ vì màu da hay tôn giáo.

Một ứng cử viên của đảng RN ra tranh ghế đại biểu Quốc Hội Pháp thậm chí cho rằng, cựu bộ trưởng Giáo Dục Pháp dưới thời tổng thống Hollande, bà Najad Vallaud Benkacem « không có chỗ đứng trong nội các » do bà là người Maroc gia nhập quốc tịch Pháp năm 1998 khi bà 21 tuổi.

Theo AFP, trên toàn quốc hiện đang diễn ra rất nhiều vụ kiện mang tính kỳ thị chủng tộc và màu da. Trên các mạng xã hội cũng đã rộ lên những tin nhắn hay video chống người nước ngoài.

Lãnh đạo EU tái đề cử bà Ursula von der Leyen làm chủ tịch Ủy Ban Châu Âu
Thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã kết thúc ngay tối hôm qua, 27/06/2024, sớm hơn một ngày so với dự kiến. Lãnh đạo 27 nước đã bầu cựu thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa làm chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, và tái đề cử chủ tịch Ủy Ban Châu Âu mãn nhiệm Ursula von der Leyen vào chức vụ này. Các lãnh đạo 27 nước cũng đề cử thủ tướng Estonia Kaja Kallas làm lãnh đạo ngoại giao Liên Âu.


Bà Ursula von der Leyen, hiện là chủ tịch Ủy Ban Châu Âu sẽ tiếp tục làm nhiệm kỳ hai. AP - Geert Vanden Wijngaert
Trọng Thành
Kết quả nói trên không gây ngạc nhiên bởi các vị trí lãnh đạo quan trọng nhất của Liên Âu nói trên đã nhận được sự ủng hộ của ba liên minh chính trị lớn hàng đầu châu Âu, đảng cánh hữu PPE, đảng Xã hội Dân chủ (S&D) cánh tả và đảng cánh trung Renew. Tuy nhiên, hai chức vụ chủ tịch Ủy Ban Châu Âu và lãnh đạo ngoại giao châu Âu còn phải được Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn trong phiên họp toàn thể đầu tiên ngày 17-18/07 tới.

Việc đắc cử tại Nghị Viện không hoàn toàn chắc chắn

Theo giới quan sát, cửa ải Nghị Viện Châu Âu hứa hẹn không ít khó khăn với hai ứng cử viên, do số lượng nghị sĩ của ba liên minh PPE, S&D và Renew sụt giảm sau cuộc bầu cử Nghị Viện 09/06. Năm 2019, bà Ursula von der Leyen đã từng rất vất vả mới nhận được sự phê chuẩn của Nghị Viện Châu Âu, với chỉ vài phiếu nhỉnh hơn quá bán. Lần này, thủ tướng Ý, chính trị gia cực hữu Giorgia Meloni, đứng đầu nhóm nghị sĩ lớn thứ ba của Nghị Viện Châu Âu, tỏ rõ thái độ bất hợp tác.

Thông tín viên Julien Chavanne từ Bruxelles cho biết cụ thể:

Đây là chủ đề nhạy cảm nhất. Các lãnh đạo 27 nước đã phải đợi đến cuối bữa ăn tối mới bàn đến vấn đề các vị trí chủ chốt. Thủ tướng Ý Giorgia Meloni và thủ tướng Hungary Viktor Orban nói rất rõ là họ không hề muốn bị loại khỏi quá trình xác lập dàn lãnh đạo mới của Liên Hiệp Châu Âu.

Rốt cuộc, các lãnh đạo Ý và Hungary đã không để căng thẳng kéo dài quá lâu vì dù thế nào đi nữa, kết cục của cuộc đấu được biết trước. Bộ ba vị trí lãnh đạo quan trọng nhất của Liên Âu đã được thông báo vào buổi tối của cuộc họp thượng đỉnh Liên Âu. Tuy nhiên, phần tiếp theo sẽ được quyết định tại Nghị viện Châu Âu vào giữa tháng 7 tới.

Tình hình hứa hẹn sẽ phức tạp hơn. Ứng cử viên vào chức chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cần giành được đa số quá bán tại Nghị Viện. Sự ủng hộ hoặc ít nhất là không phản đối của thủ tướng Ý Giorgia Meloni có thể là quan trọng.

Về chức vụ chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, nước Ý đã không tham gia bỏ phiếu tối nay. Nhưng thủ tướng Meloni theo xu hướng cực hữu đã bỏ phiếu chống việc đề cử thủ tướng Estonia, Kaja Kallas, vào chức lãnh đạo ngoại giao Liên Âu, và không bầu cựu thủ tướng Bồ Đào Nha, Antonio Costa, vào chức chủ tịch Hội Đồng Châu Âu. Hiện đứng đầu nhóm nghị sĩ lớn thứ ba trong Nghị Viện Châu Âu, hơn bao giờ hết thủ tướng Ý đang quyết tâm giành được nhiều ảnh hưởng hơn ở Bruxelles’.

Nga tức giận

Việc bà von der Leyen được tái đề cử vào chức chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, và thủ tướng Estonia được đề cử vào vị trí lãnh đạo ngoại giao Liên Âu khiến Matxcơva tức giận. Theo AFP, điện Kremlin hôm nay cảnh báo đây là một ‘‘tin xấu’’ đối với quan hệ song phương. Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, tuyên bố bà von der Leyen ‘‘không phải là người thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Nga, còn thủ tướng Estonia ‘‘nổi tiếng’’ với các tuyên bố ‘‘bài Nga’’.

Hôm qua, Liên Âu và Ukraina đã thông qua thỏa thuận hợp tác an ninh. Theo AFP, Liên Hiệp Châu Âu cam kết hỗ trợ Kiev trong 9 lĩnh vực liên quan đến an ninh - quốc phòng, như cung cấp vũ khí, huấn luyện quân sự, và hợp tác về công nghiệp quốc phòng.

Kiev thúc ép đồng minh châu Âu lập “vùng cấm bay” tại miền tây Ukraina

Trong bối cảnh hệ thống phòng không hiện có không thể giúp Kiev tự vệ trước các đợt oanh kích dữ dội của Nga, chính quyền Ukraina đang gia tăng áp lực để các đồng minh châu Âu xác lập ‘‘vùng cấm bay’’ ở miền tây nước này, thông qua các hệ thống lá chắn tên lửa triển khai tại Ba Lan và Rumani.


Hai tiêm kích Nga Su-25 trong một phi vụ oanh kích Ukraina. Ảnh do bộ Quốc Phòng Nga công bố ngày 24/06/2024. AP
Trọng Thành
AFP ngày hôm nay 28/06/2024 cho biết, nhiều quan chức dân sự và quân sự Ukraina nêu ra đòi hỏi này với các đối tác châu Âu. Dân biểu độc lập Oleksii Gontcharenko nhấn mạnh việc xác lập một “vùng cấm bay” như vậy cho phép bảo vệ miền tây và miền nam Ukraina, cũng như các vùng biên giới của Ba Lan và Rumani. Và trên thực tế, tên lửa Nga đã từng xâm nhập không phận hai quốc gia châu Âu này.

Hồi cuối tháng 05/2024, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba nhấn mạnh là “không có bất cứ trở ngại pháp lý, an ninh hay đạo lý nào cản trở các đối tác sử dụng các vũ khí đặt trên lãnh thổ của mình để bắn hạ tên lửa Nga trên lãnh thổ Ukraina”.

Miền tây Ukraina, với nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng và điện lực, là mục tiêu của Nga. Một nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết, Nga đã từng tấn công vào một kho chứa khí đốt ngầm “sâu 3 km trong lòng đất” tại miền tây Ukraina. Một quan chức cao cấp trong ngành an ninh của Ukraina lo ngại tình hình sẽ trở nên khó khăn gấp bội khi mùa đông đến, trong bối cảnh khoảng một nửa cơ sở điện lực của Ukraina đã bị Nga phá hủy trong những tháng gần đây. Tình trạng mất điện diễn ra gần như hàng ngày trên phạm vi cả nước.

Mỹ và Israel đang đàm phán về 8 hệ thống tên lửa Patriot cấp cho Ukraina
Báo Anh Financial Times hôm qua, 27/06/2024, cho biết Israel và Mỹ đang đàm phán về việc cung cấp cho Ukraina 8 hệ thống phòng không Patriot. Hồi tháng 4, Israel thông báo sẽ ngừng sử dụng 8 hệ thống Patriot, đã hơn 30 năm tuổi, để thay bằng các hệ thống phòng không hiện đại hơn. Theo tổng thống VolodymirZelensky, để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ, Ukraina cần đến “25 hệ thống tên lửa phòng không Patriot, mỗi hệ thống bao gồm từ 6 đến 8 bệ phóng”. Hiện tại, Kiev có ít nhất 4 hệ thống Patriot do Mỹ và Đức cung cấp.

Drone trinh sát: Matxcơva cảnh báo nguy cơ xung đột Nga - NATO
Bộ trưởng Quốc Phòng Nga Andrei Belousov hôm nay, 28/06, yêu cầu cơ quan tham mưu có các biện pháp đối phó với “các drone chiến lược” của Mỹ hoạt động tại Biển Đen, làm gia tăng nguy cơ va chạm với các phi cơ của không quân Nga. Theo bộ Quốc Phòng Nga, các drone này làm nhiệm vụ thu thập thông tin, xác định mục tiêu cho các vũ khí có độ chính xác cao do phương Tây cung cấp và Ukraina dùng để tấn công các cơ sở của Nga.

Theo tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, hôm qua, quân đội Nga không có khả năng tạo ‘‘các đột phá” trên chiến trường Ukraina, bất chấp chiến dịch tấn công mới từ đầu năm 2024.

Đối thoại cấp cao về quốc phòng và an ninh Nhật Bản-Philipines

Trước những tham vọng của Trung Quốc, Philippines và Nhật Bản chuẩn bị thảo luận ở cấp cao về chính sách quốc phòng và an ninh. Cuộc họp dự trù diễn ra tại thủ đô Manila vào ngày 08/07/2024 theo thông cáo vừa được bộ Ngoại Giao Philippines đưa ra vào hôm nay 28/06/2024.


Ảnh minh họa: Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (P) trong một lần tiếp tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr tại Tokyo ngày 17/12/2023. AP - Franck Robichon
Thanh Hà
Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật, Minoru Kihara và cùng ngoại trưởng Yoko Kamikawa sẽ đàm phán với các đồng cấp Philippines, Gilberto Teodoro và Eduardo Manalo vào tuần tới. Đôi bên tập trung vào những « vấn đề song phương, quốc phòng và an ninh liên quan đến khu vực ». Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, cuộc đối thoại này diễn ra sau một loạt các sự cố gần đây ở Biển Đông giữa hải cảnh Trung Quốc và tuần duyên Philippines ở Bãi Cỏ Mây khiến căng thẳng gia tăng cường độ. Bắc Kinh khẳng đỉnh chủ quyền với gần hết vùng biển này.

Tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở vùng biển Hoa Đông là cái gai trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Trong Thế Chiến Thứ Hai, Nhật Bản từng chiếm đóng Philippines. Giờ đây Tokyo tìm cách thuyết phục Manila về một thỏa thuận quân sự hai chiều, cho phép mỗi bên triển khai quân sang quốc gia bên kia.

Cựu bộ trưởng Quốc Phòng Nhật, Itsunori Onodera hôm nay kỳ vọng hiệp ước quân sự với Philippines « nhanh chóng tiến triển » nhân cuộc họp vào đầu tháng 7 sắp tới. Tokyo « rất quan ngại » về thái độ của Bắc Kinh trong các cuộc đụng độ gần đây giữa tàu của Trung Quốc và Philippines ngoài khơi Bãi Cỏ Mây.

Nhật Bản nhìn nhận « nhu cầu đẩy mạnh hợp tác về an ninh và quốc phòng » với quốc gia Đông Nam Á này. Cựu bộ trưởng Quốc Phòng Nhật đã tiếp xúc với cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Marcos Jr., với hai bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao Philippines, để « thúc đẩy hiệp ước đối tác chiến lược về quốc phòng » với Manila.

Một thành viên trong phái đoàn Nhật Bản chuẩn bị đến Philippines khẳng định Tokyo « sẵn sàng cung cấp cho Manila những phương tiện cần thiết để tự vệ ». Đến nay, Nhật Bản đã trang bị cho tuần duyên Philippines tàu, thuyền và đã thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập trên biển, trên không với các đối tác như Mỹ, Úc và Philippines ở Biển Đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét