Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

ĐIỂM TIN 29/6/2024 - Long Đỗ


EU chọn Thủ tướng Estonia làm đại diện đối ngoại cấp cao EU đã chính thức đề cử Thủ tướng Estonia, bà Kaja Kallas thay thế ông Josep Borrell làm nhà ngoại giao hàng đầu của khối. Bà Kallas nổi tiếng là người theo lập trường cứng rắn đối với Nga và là một trong những người ủng hộ những lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Moscow. Các nhà lãnh đạo EU cũng chấp thuận nhiệm kỳ năm năm thứ ba của bà Ursula von der Leyen với tư cách là chủ tịch Ủy ban châu Âu và ủng hộ cựu ngoại trưởng Bồ Đào Nha, ông Antonio Costa, làm chủ tịch mới của Hội đồng châu Âu.
<!>
Trang tin Euronews đã trích dẫn hai nguồn tin cho biết Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã bỏ phiếu chống lại bà Kallas và Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã bỏ phiếu trắng.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, bà Kallas viết rằng vị trí mới sẽ là “một trách nhiệm to lớn vào thời điểm căng thẳng địa chính trị như hiện nay”.

“Cuộc chiến ở châu Âu, tình hình bất ổn gia tăng ở khu vực lân cận của chúng ta và trên toàn cầu là những thách thức chính đối với chính sách đối ngoại của châu Âu”,bà Kallas viết, đồng thời hứa sẽ “nỗ lực đạt được sự thống nhất của EU và bảo vệ các lợi ích và giá trị của EU trong bối cảnh địa chính trị thay đổi”.

Bà Kallas đã nhiều lần kêu gọi các lệnh trừng phạt mạnh hơn đối với Moscow và ủng hộ ý tưởng sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để tài trợ cho viện trợ cho Kiev. Vào tháng Năm, quốc hội Estonia đã thông qua một đạo luật cho phép sử dụng tài sản của Nga bị tịch thu để tái thiết Ukraine.

Bà Kallas thúc giục EU tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine và tăng cường năng lực phòng thủ của khối. “Mục tiêu của chúng ta phải là sản xuất nhiều đạn dược hơn Nga”, bà Kallas cho biết vào tháng Ba.

Nga đã đưa bà Kallas vào danh sách đen vào đầu năm nay và ban hành lệnh bắt giữ bà, với lý do “có chính sách thù địch đối với Nga”.

Iran bầu cử tổng thống sau cái chết của tổng thống diều hâu giữa lúc Trung Đông bất an


Hôm Thứ Sáu, 28 Tháng Sáu, dân chúng trên toàn quốc Iran đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử bất ngờ để thay thế vị tổng thống quá cố có đường lối cứng rắn Ebrahim Raisi, thực thi quyền chọn lựa giữa một số ứng cử viên có lập trường cứng rắn và một ứng cử viên cải cách duy nhất với lập trường tìm kiếm “liên hệ thân thiện” với Tây Phương, nguồn tin thông tấn xã AP cho hay.

Cử tri phải chọn lựa giữa các ứng cử viên có lập trường diều hâu và nhà cải cách ít ai biết tiếng Masoud Pezeshkian, một bác sĩ giải phẫu tim mạch. Theo thông lệ đã có từ sau cuộc Cách Mạng Hồi Giáo 1979, phụ nữ và những kẻ đòi cải cách đã bị cấm không cho ra ứng cử trong khi cuộc bầu cử không hề được các nhà quan sát quốc tế theo dõi và kiểm chứng.

Cuộc bầu cử diễn ra giữa lúc tình hình căng thẳng tràn ngập vùng Trung Đông vì cuộc chiến tranh Israel-Hamas tại Dải Gaza. Hồi Tháng Tư, cũng vì cuộc chiến tranh tại Gaza, Iran đã mở cuộc tấn công công khai đầu tiên bằng hỏa tiễn và drone vào lãnh thổ Israel, đồng thời các nhóm bạo động được Iran võ trang và tiếp tế trong vùng, như quân Hezbollah ở Lebanon và phiến quân Houthi tại Yemen, cũng xung trận và gia tăng các cuộc tấn công nhắm vào Israel.

Trong tình thế đó, Iran lại tiếp tục tinh luyện chất uranium cho đến mức chế tạo được võ khí nguyên tử, và họ đang thu thập nguyên liệu để lập một kho bom nguyên tử phòng khi cần dùng tới.

Ứng cử viên Pezeshkian cũng đi bầu sau khi ông cùng các đồng minh bị đe dọa bằng những lời lẽ tấn công kín đáo của nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, rằng chớ có nên tiếp cận với Hoa Kỳ.

Ông Pezeshkian dường như vẫn hy vọng rằng triển vọng Iran thoát khỏi tình trạng cô lập sẽ động viên được tinh thần của dân chúng đang thất vọng với nền chính trị hà khắc của đất nước trong hiện tại. Ông cho rằng việc cử tri đi bầu đông đúc hơn sẽ giúp những kẻ với lập trường giống như ông có động lực để thay đổi nền chính trị thần quyền Shiite từng cai trị Iran từ gần nửa thế kỷ qua.

Trong khi nhà lãnh đạo tối cao Khamenei, đã 81 tuổi rồi, luôn luôn là tiếng nói quyết định trong quốc sự tại Iran, các vị tổng thống vẫn có thể uốn nắn chính sách của đất nước về hướng đối đầu hay đấu dịu và thương lượng với các nước Tây Phương

Mỹ đối đầu Nga tại Liên hợp quốc về vấn đề vũ khí Triều Tiên


Đại diện dự khuyết của Hoa Kỳ về các vấn đề chính trị đặc biệt tại Liên Hiệp Quốc – Robert Wood, cho biết, ngày 28/6 (theo giờ địa phương), rằng Mỹ sẽ đối đầu với Nga tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc vi phạm lệnh cấm vận vũ khí đối với Triều Tiên.

Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm 15 thành viên diễn ra sau khi Tổng thống Nga Putin tới Bình Nhưỡng vào tuần trước, và ký một hiệp ước với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, trong đó hai nước đồng ý cung cấp hỗ trợ quân sự nếu một trong hai bên phải đối mặt với hành động xâm lược vũ trang.

“Điều này sẽ gây quan ngại lớn cho toàn thể cộng đồng thế giới”, Đại diện dự khuyết Mỹ Robert Wood nói với hãng tin Reuters trước cuộc họp, đồng thời cáo buộc Nga “về cơ bản là đứng về phía một quốc gia để vi phạm vô số nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.

Ông nói thêm: “Đây là điều chưa từng có và chúng ta cần phải nêu rõ thực chất của nó. Chúng tôi cũng muốn xem chính quyền Trung Quốc nói gì về sự hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa Triều Tiên và Nga. Họ không thể coi đây là một diễn biến tích cực”.

Tuần trước, Bắc Kinh đã phản ứng thận trọng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hội nghị thượng đỉnh là cuộc trao đổi song phương giữa Nga và Triều Tiên, nhưng không nêu chi tiết.

Triều Tiên đã phải chịu lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc kể từ năm 2006 vì chương trình hỏa tiễn đạn đạo và hạt nhân của nước này, và các biện pháp đó đã được tăng cường trong những năm qua.

Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Triều Tiên gửi vũ khí tới Nga để sử dụng trong cuộc xâm lược Ukraina. Cả Matxcơva và Bình Nhưỡng đều phủ nhận cáo buộc này.

Ban giám sát lệnh trừng phạt Triều Tiên của Liên hợp quốc đã bị giải tán vào cuối tháng 4, sau khi Nga phủ quyết việc gia hạn.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, Nga phải tuân thủ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Bình Nhưỡng.

Trong nhiều năm qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã chia rẽ về cách giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Nga và Trung Quốc cho rằng việc áp đặt thêm lệnh trừng phạt sẽ không có ích, và muốn các biện pháp như vậy được nới lỏng.

Chính phủ 2 nước này đề xuất dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt vào tháng 12/2019 nhưng chưa bao giờ đưa dự thảo nghị quyết của mình ra bỏ phiếu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét