Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

HỒI KÝ VỀ MỘT NGƯỜI CHA - Phan Văn Diệu

       Cựu Trung Tá PHAN VĂN SƯƠNG
Lời ngỏ:
Đây là những ký ức của người con trai út của cựu Trung Tá Phan Văn Sương, người sáng lập và là vị hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường dành cho nam sinh khiếm thị đầu tiên tại miền Nam Việt Nam. Tôi chỉ có nhiệm vụ ghi chép lại, và xin đăng lên hôm nay, như một đóng góp nhỏ nhoi kỷ niệm Ngày Quân Lực VNCH - 19 tháng 6.
Chùa Lá, 19/06/2024, Nttk cẩn bút.
<!>
Hôm nay, ngày 8 tháng 8 năm 2023, ngày lễ Saint Amour, cầu xin tình yêu Thiên Chúa đến với mọi người được mọi sự bình an ở thế gian.

Với sự khuyến khích của vợ tôi và sự hỗ trợ tinh thần của cô TK, hôm nay tôi xin liều mình viết lên đôi dòng cảm nghĩ của mình về cuộc chiến tranh giữa 2 chủ nghĩa Quốc Gia và Cộng Sản.

Sau một cuộc chiến, lúc nào cũng có kẻ thắng, người thua. Và sau 48 năm thua trận, hôm nay tôi mới ngồi định thần nghĩ lại: Tại sao cùng màu da, cùng giòng máu mà người Cộng Sản đối xử tệ bạc với người Quốc Gia như vậy? Miệng thì hô hào “khoan hồng, nhân đạo”, để dụ cho tất cả mọi người đầu hàng, sau đó trình diện, rồi bắt tất cả vào tù, lật lừa nói là “học tập cải tạo”, nhưng thật ra đã nhốt chúng tôi mấy năm trời.
Người đáng thương nhất là cha tôi. Ông nhận được giấy cho về hưu ngày 1/5/1975 mà vẫn phải chịu cảnh tù đày!
Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975,lúc 10 giờ, toàn dân miền Nam nghe trên đài phát thanh Sài Gòn diễn văn của đại tướng Dương Văn Minh - vị tổng thống cuối cùng của nền Việt Nam Cộng Hòa - kêu gọi tất cả chiến sĩ ở đâu nên ở đó vì Quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã đầu hàng vô điều kiện trước quân Giải phóng. Ngay sau đó, Me tôi liền nói: “Phải đem tất cả áo quần lính, tập hình ảnh đi đốt, chứ để bọn này thấy thì gia đình sẽ bị giết hết”. Tôi nghe lời, tuy chẳng có mấy đồng ý với Me. Lúc đó trong nhà chỉ có mình tôi, Ba và Me. Em gái Cẩm Thi đã đi di tản theo các cơ quan của tôi làm việc ở USaid hôm 21 tháng 4. Anh Toàn - anh trai kế của tôi - còn ở căn cứ quân vận, chưa về nhà. Anh lớn nhất tên Song, đã lập gia đình nên ra ở riêng với vợ là người Pháp tên Chantal và cháu trai Cyril, tại số 4 đường Thi Sách.

Tôi và Me đem tất cả ra sân để đốt. Chỉ biết đốt thôi, chứ chẳng kiểm soát gì nữa. 4 giờ chiều hôm đó, vài em nhỏ tay cầm súng AK, nơi cánh tay có cột băng đỏ, đi cùng vài người của Bộ đội Bắc Việt, đến nhà khám xét. Họ đi cùng các người mặc thường phục ở trong xóm: ông thợ giặt, ông bán bánh cuốn..., giờ mới vỡ lẽ ra là nằm vùng bấy lâu nay, giờ mới lộ diện, nên họ biết mình rất rõ! Họ nói gia đình thiếu một người thì Me mới nói cho họ hay anh Toàn còn kẹt ở đâu đó chưa về nhà. Bọn nó khám xét một lúc rồi bỏ đi. Ngay tức thì, Me dặn:“Phải coi chừng bọn này!Tụi nó muốn lập công với cách mạng, bắt đầu tố giác những gia đình như nhà mình”.Ba buồn, thở dài và cúi mặt, không nói gì.
Sáng hôm sau anh Toàn về được tới nhà. Anh nói đã vứt súng đạn rồi trốn trại về nhà. Anh cũng mệt mỏi lắm! Anh đi ra ngoài một vòng rồi về nói với Ba: “Ông bà đại tá Huấn kế bên đã đi, ông bà hãng nước mắm cũng đi, chú thím Châu còn ở lại. Tại trường mù, học sinh bị đuổi đi hết, không biết họ lưu lạc về đâu?”
Ba nghe thất kinh, giờ mới bắt đầu cảm thấy bọn này ác thật! Học sinh mù lòa đâu có phạm tội gì mà cũng không cho ở yên trong nội trú?!

Giờ đây, dân chúng xôn xao, hỗn loạn. Ngoài đường người ta bắt đầu bày bán cờ-xí loạn xà ngầu: bên cạnh lá cờ xanh đỏ sao vàng (của Mặt trận giải phóng), còn có cờ đỏ với trong góc trái có ngôi sao vàng lớn và 4 ngôi sao nhỏ xung quanh! Chắc là bọn “theo đóm ăn tàn” ngơ ngáo, tưởng rằng Trung Quốc cũng có ăn phần trong đây, nên lật đật may thêm cờ để tâng công? Rồi không biết từ đâu ra nhanh như vậy, dép râu, nón cối được bày bán tá lả khắp nơi. Ôi! Lòng dạ con người thay đổi nhanh đến chóng mặt!

Một vài ngày sau, anh Toàn ra phường trình diện để họ cấp giấy đi lại. Còn tôi thì ra trình diện ở “Biệt đoàn lưu thông”. Họ cấp giấy đi lại cho tôi và cũng giữ lại để giúp họ công việc điều hành và giải quyết tai nạn lưu thông trong thành phố. Tôi làm việc ở đây được một tuần thì ở nhà có chuyện: Khoảng 10 tây tháng 5, họ sục vô nhà khám xét, tìm thấy một bao đựng súng nhưng không có súng. Quân này hạch hỏi: “Bao súng này của ai?”, thì Ba tôi đứng ra nhận đó là của Ba. Liền sau đó, anh Toàn đứng ra nhận bao súng đó của anh, nên cuối cùng tôi cũng đứng ra nhận là của tôi. Quân này tức tối, ra lệnh quản thúc gia đình, kiểm soát nghiêm ngặt, không cho ai ra khỏi nhà. Tình trạng này kéo dài đúng 1 tháng. Lúc đó ba tôi mới cười, kể chuyện cách đây 1 năm, Ông đi xem Tử vi chỗ ông Huỳnh Liên thì ông ấy nói “Năm nay nhà ông ở sẽ có lính gác”. Ba gật gù, cười nhạt, hài hước: “Ông này giỏi thiệt! Giờ nhà mình có lính gác rồi đó!”

Sau độ 1 tháng, bọn nó vừa buông thả cho nhà được tự do đi lại, thì Ủy Ban Nhân Dân ra lệnh mọi Quân, Cán, Chính chuẩn bị trình diện để đi “học tập cải tạo 10 ngày”. Sĩ quan cấp Tướng, Tá và công chức cao cấp trình diện ngày 15 tháng 6, cấp Uý ngày 21 tháng 6, Hạ sĩ quan và nhân viên hành chánh học tập ở phường. Họ long trọng hứa: “Cách mạng khoan hồng, không trả thù bất cứ ai.” Me bắt đầu lo tìm 3 cái ba lô của lính trận để chuẩn bị đồ cho 3 người đàn ông trong gia đình sắp sửa đi. Anh Toàn nhăn mặt nói: “Đi có 10 ngày, làm gì dữ vậy?” Me la: “Tụi này không tin được đâu!”

Mỗi 1 cái ba lô Me để: 1 cái mền mỏng, 1 cái võng, 1 cái áo mưa lính mỏng, thuốc Ganidan (chống tiêu chảy), Aspirine, 3 tube kem đánh răng, 2 bàn chải đánh răng, xà bông, khăn tắm, 3 bộ đồ lính cũ, 1 cái gamelle, 1 cái bidon đựng nước, 1 loong sữa Guigoz đựng chà bông. Tất cả được xếp gọn gàng, ngăn nắp vô trong cái ba-lô. Tuy xách hơi nặng tay nhưng tất cả những thứ đó đều đã giúp, (nói đúng hơn là cứu mạng!) chúng tôi trong thời gian đi cải tạo. Phước đức chúng tôi có từ Me là vậy! Nhờ Me, chúng tôi mới sống sót trở về sau mấy năm lao khổ.

Ngày 15/6/1975, anh Toàn và tôi đưa Ba đến trường Gia Long ở đường Phan Thanh Giản để trình diện. Vậy mà đêm ấy, bọn phường khóm đến xét nhà, hỏi: “Ông Phan Văn Sương ở đâu?” Me nói: “Ỗng đi trình diện để học tập cải tạo rồi.” Bọn nó giả vờ không tin, đòi bắt anh Toàn và tôi đem về phường. Me tôi không cho và nói: “Nếu về phường thì tôi đi theo.” Bọn nó không chịu. Me lại nói: “Nếu vậy thì không đi, sáng mai mới đi.” Giằng co mãi, Me tôi vẫn nhất quyết không cho bọn chúng bắt chúng tôi đi. Gần đến sáng, bọn nó mới bỏ cuộc. Cuối cùng, qua hôm sau, chúng tôi cũng không cần đến phường trình diện. Me nói: “Tụi này lừa để đem tụi con đi giết đó!” Đến lúc đó tôi mới mơ hồ hiểu ra tính hiểm ác, lừa lọc, gian trá, thâm độc của bọn họ. Chúng tôi thật may mắn có một người Mẹ sáng suốt và đảm lược, đã giải nguy cho chúng tôi lúc hỗn quân hỗn quan, bọn lưu manh chỉ đợi dịp là ra tay trả thù hoặc đám Cách Mạng 30 muốn tâng công với chủ mới.

Nhưng tất cả không bằng cách đối xử không đẹp của phe thắng trận với người thua trận là Ba tôi; một người mù loà, tàn tật mà chúng cũng không tha!
Số là vào ngày mất nước, theo nguyên tắc, Ba tôi vẫn là sĩ quan hiện dịch trong quân đội VNCH, mang cấp bậc Trung Tá, đã được cấp giấy chính thức giải ngũ vào ngày 1/5/1975. Là quân nhân của quân đội VNCH tuy không có nhiệm vụ nào nữa, nhưng ông rất bận rộn với chức vụ hiệu trưởng Trường Nam Sinh Mù, tọa lạc tại số 90 đường Trần Hoàng Quân, quận 10, Sài Gòn từ mấy năm nay. Vậy mà ông vẫn bị bắt đi cải tạo một năm! Trong trại tù, ông gặp đại tá Thành bị cụt chân do Cộng Sản tấn công Tết Mậu Thân. 1 ông mù không thấy đường, cõng 1 ông sáng mắt không đi được nhưng vẫn có thể chỉ đường cho người bạn tù mù loà kia. Tôi cũng không hiểu Ba tôi và đại tá Thành đã làm sao sống sót được trong ngục tù ác nghiệt? Ba tôi sống lây lất trong trại như vậy độ 1 năm trời thì họ thả Ba ra, còn ông Đại Tá Thành bị đưa ra Bắc để “học tập cải tạo” tiếp. (Số phận của ông Thành sau đó ra sao, rất tiếc, tôi không được biết)!

Khi được thả ra, tuy được về nhà nhưng vì là cựu sỹ quan “Nguỵ” nên Ông bị mất quyền công dân và Ba Me bị ép đi “Kinh tế mới” lao động, nhà cửa phải giao cho Nhà Nước “quản lý”. Đó là một hình thức cướp nhà trắng trợn có văn bằng, thủ tục đàng hoàng của bọn CS! Nhờ Me viện cớ đã già nua và Ba bị mù lòa nên hai người được tạm dung, không bị ép đi Kinh tế mới. Mỗi ngày, Ba tôi phải đến phường trình diện mặc dù đã mù lòa, đi đứng rất khó khăn. Từ ngày được thả về, Ba tôi ít nói, ít cười. Sáng sáng ông ngồi thiền, tối đọc Thánh Kinh. Thiền là do ba tôi học được từ người bạn là Trung tá Trần Văn Kha dạy nên ông ngồi thiền giỏi lắm. Nhờ Thiền và đọc Thánh Kinh nên ba tôi đã sống chung được 8 năm nữa với chế độ cộng sản. Sau đó ông lâm bệnh nặng. Tôi và anh Toàn lo cho Ba được 2 tuần tại bệnh viện Chợ Rẫy. Ông qua đời ngày 15 tháng 12 năm 1983, thọ 66 tuổi.

Hai anh em chúng tôi thay phiên nhau canh và quỳ lạy trả lễ với họ hàng, bạn bè, cô bác, hàng xóm đến viếng thăm Ba. Họ đến đông lắm! Bà con lối xóm ai cũng nói: “Ông Trung tá dễ thương lắm, đã lo lắng, giúp đỡ cho bà con nhiều.” Lúc Việt Cộng tấn công vào Tết Mậu Thân, khu Minh Mạng bị cháy,Ba Me cho họ vào nhà để trú và sân Trường Mù để ở tạm, còn lo cơm nước 3 tháng trời. Họ còn nói: “Không ai quên ơn ông Trung tá Hiệu trưởng bao giờ!” Đám tang Ba tôi rất lớn, cả xóm đến để tiễn đưa. Chúng tôi đã lén gắn chiếc huy chương Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương lên cổ áo cho Ba. Suốt cả cuộc đời, Ông lúc nào cũng hãnh diện được là người quân nhân, không nề hà phải tham gia vào các cuộc hành quân cam go, nhiều nguy hiểm. Bị trọng thương năm 39 tuổi (gần Tết năm 1956), từ đó bị mù lòa, nhưng Ông không đầu hàng số phận mà quyết chí học cho xong chữ “Braille” dành cho người khiếm thị. Rồi thay vì ở lại Pháp vui hưởng vinh hoa, phú quý, (vì học chữ Braille quá giỏi nên ban giảng huấn trường tại Pháp muốn giữ Ông lại để đào tạo thành giáo sư giảng dạy) nhưng Ông từ chối, xin về nước năm 1959 và bằng mọi cách sáng lập nên Trường Nam Sinh Mù đầu tiên tại Miền Nam vào năm 1960. Buông súng nhưng Ông không buông bổn phận của một công dân biết giúp nước, nên Ông dồn hết tâm sức vào việc dạy dỗ các em khiếm thị, giúp các em nên người và trong số đó, không ít các em đỗ Tú Tài, đậu vô trường Quốc Gia Âm Nhạc, thậm chí có em lấy được bằng cử nhân Luật.

Đứng sau lưng người đàn ông tài ba như thế thường có 1 phụ nữ không kém phần giỏi giang. Vâng, đó chính là Me tôi, lúc đó mới chỉ 38 tuổi. Ba tôi bị thương nặng lúc hành quân tại Đồng Tháp Mười vì 1 trái lựu đạn của Việt Minh, bàn tay trái bị đứt 3 ngón, đầu bể, bụng banh ra... Ở ngoài trận địa, bác sĩ Hoàng, Thiếu tá quân y, chỉ có thể may qua loa cho Ba thôi, “để khi nhận xác, gia đình nhìn bớt sợ”. Không một ai nghĩ rằng thời điểm đó,Ông còn sống.(Vì cấp bách nên bác sĩ đã quên cây kéo trong bụng! 3 tháng sau, Ba tôi thấy đau bụng dữ dội, bác sĩ rọi hình mới phát giác ra. Cũng may, họ kịp mổ lại để lấy cây kéo ra)!

Sau khi được băng bó, khâu vá qua loa, chiến hữu tìm cách bằng mọi giá phải đưa “cái xác” về Sài Gòn, đã dùng ghe rồi cuối cùng, sau 10 ngày trời, xe tải thương của quân đội loại GMC nhỏ đưa Ông về đến bệnh viện Cộng Hòa ở Gò Vấp. Họ đưa ông vào nhà xác ngay, vì suốt đường đi, Ông ngất lịm, không chút động đậy và dường như đâu còn hơi thở nào dù là thoi thóp. Không hiểu sao mà ông còn sống sót?! Tại nhà xác, vào một đêm Ba tôi tỉnh lại, thều thào kêu “Anh Thược”, là người tùy viên lúc nào cũng theo sát Ba. Lúc đó Ba tôi mang cấp bậc Đại úy, chức Tiểu đoàn trưởng. Anh Thược, người phụ tá thân cận không chịu bỏ mặc xác của Ba nên đi theo canh chừng, muốn tận tay giao xác Ông cho người nhà mới yên tâm, nghe... xác chết kêu tên mình, hết hồn bỏ chạy. May sao, sau đó anh định thần lại, quay trở về hỏi: “Đại Uý kêu em?”Sau đó anh cấp tốc chạy đi tìm bác sĩ cho Ba. Bác sĩ đến băng lại đầu, rửa ráy vết thương ở bụng, băng bó 2 bàn tay bị bể ra từng khúc. Ba tôi thuận tay trái mà tay trái lại bị nặng nhất. Bác sĩ phải cắt đi 3 ngón tay, chừa lại cho Ba ngón trỏ và ngón cái để cầm muỗng ăn cơm. Đầu bị băng kín mít, chỉ chừa lại phần miệng để đút cháo. Với sức khỏe phi thường và nghị lực hiếm có, cùng sự chăm sóc tận tình suốt ngày đêm của Me, Ba đã hồi sinh. Bác sĩ và tất cả mọi người trong quân y viện đều ngạc nhiên thán phục. Đúng là phép mầu đã xảy ra!

Lúc ấy tôi được 4 tuổi, em gái Cẩm Thi 2 tuổi. Tuổi thơ của 2 anh em tôi dường như chấm dứt vào ngày đó, vì không chỉ thiếu đi 1 người cha làm chỗ dựa tinh thần, chúng tôi còn như không có 1 người mẹ trọn vẹn để được cưng yêu,chiều chuộng nữa. Từ ngày đó đến cuối cuộc đời, Me luôn theo sát Ba như hình với bóng để chăm nom, săn sóc Ba. Me dìu đỡ Ba tập đi lại từng bước; nấu những món ngon Ông ưa thích; đút từng muỗng cháo; khuyến khích, nâng đỡ tinh thần Ba; vui với những bước tiến bộ nho nhỏ; vỗ về, an ủi những lúc Ba thối chí và cũng chỉ một mình, Me (vui vẻ) lãnh chịu tất cả các cơn giận dữ sấm sét những khi Ba không kềm nổi cơn đau thể xác, nên thỉnh thoảng cũng la mắng, dằn vặt Me... vì oán hận số mệnh nghiệt ngã Ông phải lãnh chịu... Vì vậy, tôi dám tuyên bố: trên đời này không có người Mẹ nào tốt đẹp hơn người mẹ Việt Nam.

Lúc đó, nhà tôi ở số 916 đường Trần Hưng Đạo - quận 5, Sài Gòn, kế rạp xi-nê-ma Palace. Trẻ em bên Âu châu ăn sô-cô-la, còn chúng tôi thì chỉ biết món cà na, xí muội mua ở xe bà Xẩm. Sau vài tháng thì 2 anh Song và Toàn phải lên Đà Lạt nhập học nội trú. Tôi và em gái Cẩm Thi được Cậu Đệ, em trai của mẹ tôi, đón về Nha Trang nuôi. Cậu nói: “Để Me được rảnh tay lo cho Ba”.

Nãy giờ tôi quên không giới thiệu bản thân: tôi tên là Diệu. Sở dĩ tôi có tên này là vì Ba tôi vào quân đội năm 1951, khóa 5 Sĩ quan Võ bị Quốc gia Đà Lạt và khóa có tên là “Hoàng Diệu”. Ba tôi ra trường năm 1952, cấp bậc Thiếu úy. Cùng năm đó, tôi chào đời nên được đặt tên là Diệu. Nhân đây, tuy muộn màng, tôi xin chân thành nói lên lời cảm ơn Ba Me đã cho tôi tấm hình hài này và nuôi dưỡng tôi lớn khôn, nên người.

Từ ngày ra trường đào tạo sĩ quan, Ba tôi luôn đi đánh giặc nên được thăng cấp khá nhanh. Lúc đóng binh ở Ban Mê Thuộc, ông đã được Tổng thống Ngô Đình Diệm đến viếng và ban huy chương. Lần thứ hai cũng ông tổng thống đó đến thăm lại là một lần khác, rất đặc biệt. Xin mở ngoặc ở đây để kể lại lần gặp gỡ hy hữu đó: Khoảng 12 giờ đêm vào năm 1962 (ngày, tháng nào thì tôi quên mất rồi), chú Ba gác cổng Trường Mù tất tả chạy vô phòng Ba tôi ngủ và gọi: “Ông hiệu trưởng! Có ông Tổng thống đến trường!” Ba tôi vội vàng mặc quần áo chỉnh tề ra đón Tổng thống. Ba hướng dẫn Cụ đi lên thăm phòng ngủ của học sinh, sau đó xuống phòng ăn, dùng trà rồi Cụ ra về. Đến và đi trong sự im lặng, không kèn trống, còi hụ, banderole, biểu ngữ, cờ quạt, võng lọng... Một vị Tổng thống đa tài, đức độ!

Trở lại chuyện xưa: khoá 5 Đà Lạt có khoảng 160 vị, thủ khoa khoá ấy là bác Dương Hiếu Nghĩa. Đến năm 1970, các anh em họp lại, chỉ còn khoảng một nửa! Mỗi lần họp khóa, cựu giáo sư của khoá là tổng thống Thiệu luôn đến thăm. Ông ra đánh trống giúp vui với những người trong khoá. Về sau, các vị của khoá còn sống đã bầu Ba làm “chủ tịch” với nhiệm vụ giữ liên lạc cho các bạn. Tôi còn nhớ: bác Trần Văn Kha và Ba là hai người nhỏ nhất trong khoá có cấp bậc trung tá. Còn thì cũng có nhiều vị lên tới cấp tướng như bác Dư Quốc Đống, Phan Trọng Chinh, nổi tiếng liêm khiết trong quân đội (1), Nguyễn Văn Toàn...Các vị này ai cũng nể trọng Ba vì họ biết Ba giữ tác phong quân đội rất nghiêm và khi chiến đấu cũng rất gan dạ. Tôi được biết nhiều về Ba là vì từ khi Ba Me quay về nước, tôi là người gần Me nhất. Đêm nào Bà cũng nằm trên ghế bố, em gái và tôi ngồi kế bên để đọc truyện cho Me nghe. Bà thích chuyện Mạnh Lệ Quân, Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ, Bá tước Monte-Cristo... Mỗi đêm như vậy, Bà hay kể chuyện về Ba: cách chào trong quân đội ra sao; cách đi săn bắn trong rừng vì ba là tay súng cừ khôi; chuyện đời quân ngũ của Ba; nhiều nhất là chuyện lúc sang Pháp để chữa bệnh.

Như đã kể bên trên: sau khi bị trọng thương và chạy chữa tại Bệnh viện Cộng Hòa không được khả quan mấy, Ba vận động và xin được sang Pháp để điều trị tiếp. Me tôi đi theo để dìu dắt, hỗ trợ và và hy vọng nếu được, Me sẽ hiến cho ba một con mắt của mình. Bác sĩ Pháp ở bệnh viện Val-de-Grâce cố gắng hết mình, nhưng họ đành bó tay vì đã quá trễ, hệ thống thần kinh đã hư nhiều nên không làm gì được nữa. Ông được nhận làm thành viên “Người Mù Do Chiến Tranh” và được gởi đi học các khóa phục hồi chức năng cho người khiếm thị tại Pháp. Ba tôi học giỏi lắm, từ người mới bị mù vào học chữ nổi, 2 năm sau ông đã đọc các cuốn sách dày toàn bằng chữ nổi. Ông vuốt lẹ làng và đọc rất nhanh. Ông được cấp bằng thạc sĩ chữ “Braille” dành cho người khiếm thị.

Sau đó, Ba được nhà trường gởi đi dự các buổi hội nghị y khoa, xã hội giúp đỡ người khiếm thị khắp Âu châu như Đức, Ý, Tây Ban Nha, Áo, Anh. Ba Me đã đến Rome xin diện kiến Đức Giáo Hoàng Jean XXIII. Tuy được chữa trị, cơ thể của Ba vẫn còn chịu rất nhiều đau đớn nên 2 ông bà đã đến Lourdes và cầu nguyện xin Đức Mẹ hằng cứu rỗi, giúp ba bớt đi cơn đau hoành hành mỗi khi đi đứng. Như một phép lạ lại xảy ra với Ba tôi một lần nữa, tự dưng sau đó các cơn đau biến hẳn đi. Vì vậy, ông bà quyết định vào đạo Thiên Chúa Giáo mặc dù trước đó là Phật tử. Khi về lại Việt Nam, Ba đến nhà thờ Đức Bà và xin nhận hết tất cả các lễ của một người sùng đạo: Rửa tội, Thêm sức, Hôn phối, Xưng tội và Rước mình Thánh Chúa. Xin được nhắc lại là lúc ấy, chính phủ Pháp kêu Ba Me ở lại và hứa sẽ làm thủ tục để đón các con sang đoàn tụ, nhưng Ba từ chối và nói: “Quê hương còn cần tôi” và ông xin về nước. Lúc đó, ở Việt Nam chưa có một Trường Mù nào. Tuy đi lại khó khăn, Ba tôi vẫn cương quyết lên bộ giáo dục để xin mở một Trường Mù. Cũng may lúc đó có 1 ông cố đạo người Pháp đến lúc hưu trí, muốn hồi hương nên bỏ lại 1 cơ sở nuôi trẻ mồ côi. Ba tôi nhận lấy, với sự giúp đỡ nhiệt tình của đồng nghiệp và vài mạnh thường quân, ra sức sửa chữa thành một nội trú khang trang, sạch sẽ. Rồi Ông còn đích thân đào tạo thêm thầy cô giáo để dậy dỗ người mù. Trường có phù hiệu vòng tròn đen và ngọn lửa bên trong màu đỏ do chính Ba tôi phác họa. (Ý nghĩa phù hiệu quá hay phải không quý độc giả?) Thời đó ai đến thăm “Trường Nam Sinh Mù” tọa lạc tại số 90, đường Nhân Vị, Quận 5 - Sài Gòn, sẽ thấy phù hiệu này được gắn tại cổng trên cao.

Trường có đủ chỗ cho 50 em học sinh, lúc đầu toàn là lớp tiểu học, sau đó có thêm lớp trung học. Giữa sân có cột cờ để mỗi sáng làm lễ chào cờ. Trường có sân chơi, sân thể thao, đường chạy bộ cho người khiếm thị. Có lớp dạy nhạc, dạy thủ công, làm chổi và các vật dụng trong nhà như bàn ghế đơn giản. Trường có máy in đặc biệt để in sách chữ nổi dành cho người mù. Ngoài ra, còn có nhà ở cho các giám thị, lao công, gác cổng cho trường. Có phòng ăn lớn cho các em dùng bữa sáng, trưa và chiều. Mỗi lần đến giờ cơm, các em nghe 3 tiếng chuông liền tìm về chỗ ngồi của mình tại bàn và luôn cất cao lời ca trước khi ăn:

“Giờ cơm đến rồi (2 lần)
Mời anh xơi (2 lần)
Xin chúc cho mọi người này (2 lần)
Ăn thật ngon (2 lần)”.

Chắc quý độc giả thắc mắc làm sao học sinh mù chơi thể thao được? Phải đến trường xem tận nơi mới thấy sức sáng tạo và nỗ lực cùng niềm vui tinh khiết được chơi đùa của các em rất cao. Các em cũng chia đội, đá banh với 1 trái banh khá đặc biệt: bên trong có cái chuông kêu leng keng. Hoặc các em lấy các loong nước rỗng đập dẹp ra để đá, nghe tiếng kêu, các em biết hướng và chạy đến dành “banh”, hào hứng y như người sáng mắt.

Vài năm sau, khi đào tạo được thêm giáo viên, Bộ Giáo Dục cho mở thêm Trường Nữ Sinh Mù nằm ở số 1 đường Nguyễn Trãi, cũng Quận 5, Sài Gòn, hiệu trưởng là bà Tài.

Phận tôi là hàng hậu sanh, chỉ có ước muốn bé nhỏ là được kể về Ba tôi: khi là một quân nhân thì không sợ hiểm nguy, luôn xông pha lửa đạn để bảo vệ quê hương; đến khi không may trở thành người tàn phế, Ông vẫn phấn đấu chống trả số mệnh hẩm hiu, quyết tâm học hành và sau đó, bằng tình thương và bền chí, đã xây dựng cho đất nước và xã hội một cơ sở học vấn và hướng nghiệp đứng đắn, giúp cho các em khiếm thị cũng nhận được một nền giáo dục lành mạnh, có được một nghề để tự nuôi thân, quyết không ăn bám gia đình hay xã hội.

Thật đau lòng và phẫn nộ khi Cộng Sản Bắc Việt đã phá tan tành mái ấm, nơi nương tựa cho bao em mù lòa. Giờ chẳng biết họ ra sao?!

Trước khi kết thúc câu chuyện về Ba, tôi xin được kể cho quý bạn đọc giấc mơ trong đêm cuối cùng khi tôi thay thế anh tôi gác linh cữu của Ba. Tôi thấy Ba về và nói: “Ba sang đây và mắt sáng lại như xưa”. Chắc ông vui lắm! Đối với tôi, ông đã chứng minh được sự hiện hữu của thế giới bên kia. Thật là mầu nhiệm!

Đoạn kết:

Tất cả những gì tôi ghi ở đây là sự thật không thêm bớt. Một người Việt Nam dù xa quê hương, nhưng lúc nào cũng mang trong lòng hai chữ “Việt Nam” mến yêu. Tôi xin giao lại bản thảo này cho cô TK toàn quyền định đoạt. Những điều trên tôi viết lại theo trí nhớ lúc hãy còn sáng suốt. Xin cảm ơn tất cả những ai bỏ công để đọc câu chuyện về Ba tôi. Nguyện xin Ơn Trên ban cho đất nước tôi được thanh bình thật sự.

Viết xong ngày 11/08/2023.

*Tôi, Phan Văn Diệu: Khoá 7 Học Viện Quốc Gia Cảnh Sát (1971).
*Anh kế, Phan Văn Toàn: Khoá 3 Thủ Đức (1968).
*(1) Thời đó chắc nhiều người biết tên những sĩ quan nổi tiếng liêm khiết trong quân đội VNCH. Xin được ghi lại theo trí nhớ có phần hao hụt theo năm tháng:
“Nhất Thắng (tức Nguyễn Đức Thắng), Nhì Trinh (tức Phan Trọng Trinh), tam Trưởng (tức Ngô Quang Trưởng) …”

(Tứ và Ngũ tôi không nhớ nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét