Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

Hạ Viện California thông qua nghị quyết đặt tên ‘Little Saigon Freeway!’ và Kính chuyển tin thế giới đó đây theo dòng thời sự - Lê Văn Hải


Tin vui: Hôm qua, Hạ Viện California thông qua nghị quyết đặt tên ‘Little Saigon Freeway!’ của DB Trí Tạ! (NV) – Hạ Viện California vừa thông qua ACR 71 do Dân Biểu Trí Tạ giới thiệu, đặt tên “Little Saigon Freeway” cho một đoạn xa lộ 405, từ đường Bolsa Chica đến đường Magnolia, thuộc Orange County, thông cáo báo chí của văn phòng vị dân cử gốc Việt gởi đến.
<!>
“Để chung vui với sự phát triển của cộng đồng người Việt tại Orange County, tôi rất biết ơn các đồng viện đã ủng hộ nghị quyết ACR 71,” Dân Biểu Trí Tạ phát biểu. “Tôi tự hào được làm việc với các dân cử địa phương, các nhà lãnh đạo cộng đồng, và tất cả các bên liên quan để bảo đảm rằng Little Saigon phát huy hết tiềm năng, là trung tâm văn hóa cho cộng đồng người Việt và là điểm đến tầm cỡ thế giới cho du khách.”


(Hình: Một sinh hoạt tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster, trong vùng Little Saigon, nơi có xa lộ 405 chạy qua.)


ACR 71 nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng, với 75 dân biểu hiện diện và bốn thượng nghị sĩ làm đồng tác giả, và hiện được chuyển lên Thượng Viện để xem xét Được thông qua, các biển báo “Little Saigon Freeway” sẽ được đặt vào cuối năm nay!
ACR 71 đặt tên đoạn xa lộ 405 với mục đích đánh dấu sự kiện kỷ niệm 35 năm thành lập vùng Little Saigon, một địa danh bao gồm một phần hoặc toàn bộ các thành phố Fountain Valley, Garden Grove, Santa Ana, và Westminster, đồng thời thừa nhận tầm quan trọng về kinh tế và văn hóa của khu vực có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại đối với miền Nam California, theo thông cáo.
Ông Trí Tạ (Cộng Hòa) đắc cử dân biểu California hồi Tháng Mười Một, 2022, đại diện Địa Hạt 70. Trước đó, ông là thị trưởng và nghị viên Westminster trong nhiều năm.


Địa Hạt 70 bao gồm một phần hoặc toàn bộ các thành phố Fountain Valley, Garden Grove, Huntington Beach, Los Alamitos, Midway City, Rossmoor, Santa Ana, Seal Beach, Stanton, và Westminster.
Chúc Mừng! Lại thêm một thành quả của Cộng Đồng Người Việt tại Hoa Kỳ!


Tin Quốc Tế Đo Đây

Hoa Kỳ Truy Tố 4 Người Việt Thuộc Nhóm Tấn Công Tin Tặc FIN9 Làm Nhiều Hãng Thiệt Hại 71 Triệu Mỹ Kim!


(Hình: Thông cáo hôm 20/6/2024 của Bộ Tư pháp Mỹ về truy tố 4 tay tin tặc Việt Nam thuộc nhóm FIN9.)
-Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vừa loan báo rằng họ truy tố 4 người Việt bị xem là phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công trên không gian mạng làm cho nhiều hãng Hoa Kỳ bị thiệt hại tới hơn 71 triệu Mỹ kim, theo thông cáo đăng trên trang web của bộ mà Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) xem được.
Những thông tin chính trong hồ sơ truy tố được Luật sư Philip R. Sellinger thuộc Công tố viện Liên bang Hoa Kỳ công bố hôm 20/6/2024 cho thấy 4 người đó tên là Nguyen Viet Quoc (tức Tien Nguyen), Ta Van Tai (tức Quynh Hoa và Bich Thuy), Nguyen Van Truong (tức Chung Nguyen), and Nguyen Trang Xuyen. Họ bị nhà chức trách Mỹ xác định là thành viên của FIN9, một nhóm tội phạm trên mạng.

Thông cáo của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ viết rằng ít nhất kể từ tháng 5/2018 đến hết tháng 10/2021, 4 bị can kể trên đã tấn công tin tặc (hack) các mạng máy điện toán của nhiều nạn nhân là một loạt các công ty trên khắp nước Mỹ, truy cập, đánh cắp hoặc cố đánh cắp các thông tin không công khai, phúc lợi của nhân viên và ngân quỹ của các hãng.
Các bị can gây ra thiệt hại cho phía nạn nhân lên đến hơn 71 triệu Mỹ kim, thông cáo của bộ cho hay.
Thông cáo cũng trích dẫn hồ sơ nộp tòa án cho biết thêm rằng 4 bị can và các thành viên khác của FIN9 đã dùng chiêu trò mạo danh (phishing), tấn công chuỗi cung và các hình thức hack khác để xâm nhập qua bên thứ ba là các nhà cung cấp dịch vụ và giành quyền truy cập.

Sau đó, nhóm bị can và các đồng phạm truy cập vào các chương trình tặng thưởng hoặc cấp phúc lợi cho nhân viên và chuyển hướng các phúc lợi đó, chẳng hạn như các thẻ quà tặng, đến các tài khoản mà các tay tin tặc kiểm soát.
4 bị can người Việt và đồng phạm đã đánh cắp thông tin quan trọng gắn với danh tính cá nhân (PII), thông tin thẻ tín dụng, và trong một số trường hợp, họ dùng các thông tin đó để đăng ký các tài khoản trên mạng với các sàn giao dịch tiền mã hóa hoặc các công ty dịch vụ về website.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ truy tố 4 bị can về các tội danh lừa đảo, tống tiền, các hành vi liên quan đến những tội này trong lĩnh vực máy điện toán, mưu đồ gian lận về chuyển tiền qua mạng, và cố ý phá hoại máy điện toán được bảo mật.

Ngoài ra, Tai, Xuyen, and Truong bị truy tố thêm về mưu đồ rửa tiền; Tai và Quoc bị truy tố thêm về tội đánh cắp danh tính ở mức độ nghiêm trọng.
Nếu bị tòa xác định là có tội và bị kết án, 4 bị can đối mặt với các bản án từ 5 năm tới 20 năm tù giam cho từng tội, như vậy tổng thời gian ngồi tù có thể sẽ khá dài vì mỗi tội sẽ nhận một bản án riêng rẽ và sau đó mỗi phạm nhân sẽ phải thụ án lần lượt từng bản án tiếp nối nhau.
Qua bản thông cáo, Luật sư Sellinger thuộc Công tố viện Liên bang Hoa Kỳ ghi nhận thành tích của hai đơn vị chống tội phạm mạng thuộc những phân nhánh FBI ở hai thành phố Newark và Little Rock.

Ông James E. Dennehy, Đặc vụ Trưởng phòng FBI ở Newark nói trong thông cáo: "Cho dù những tay tin tặc này nghĩ rằng họ khôn khéo ra sao trong việc che giấu bản thân, song những thành viên của nhóm FIN9 này cũng không thể giấu được việc họ lấy đi dữ liệu từ các công ty là nạn nhân của họ. Lực lượng chuyên chống tội phạm mạng của FBI Newark và các đồng nghiệp của chúng tôi trong ngành cảnh sát sử dụng những kỹ thuật chính xác và sáng tạo để lật tẩy những kẻ như thế này – đơn thuần là những kẻ trộm cắp".
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nói trong phần cuối của thông cáo rằng các bị can được cho là vô tội trừ khi và cho đến khi được chứng minh là có tội.


Video Binh Sĩ Do Thái Trói Một Người Palestine Bị Thương Vào Xe Hơi Gây Phẫn Nộ


(Ảnh chụp màn hình Reuters TV, trích từ video cho thấy một người Palestine bị quân đội Do Thái trói vào xe jeep tại Jenin, Cisjordan, ngày 22/6/2024.)
-Video cho thấy một người đàn ông Palestine ở Cisjordan bị quân đội Do Thái trói vào xe hơi được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội hôm 23/6/2024, và được các kênh truyền hình trong nước và quốc tế đăng tải, đã gây ra làn sóng phẫn nộ kịch liệt.
Theo báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, Do Thái đã sử dụng người đàn ông này như một "lá chắn sống". Từ thủ đô Jerusalem của Do Thái, thông tín viên Alice Froussard của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
Hôm đó là thứ Bảy (22/6), ở phía Bắc Cisjordan. Trong một cuộc đột kích của quân đội Do Thái, Mujahed Abbadi, 24 tuổi, một người Palestine đến từ trại tị nạn Jenin, trúng đạn và bị thương. Gia đình anh gọi xe cấp cứu, nhưng những người lính Do Thái đã đưa nạn nhân đi và trói anh vào mui xe nóng bỏng của họ. Một tay đặt trên kính chắn gió, tay còn lại trên bụng.

Theo một trong những nhân viên y tế của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine đi ngang qua xe jeep quân sự Do Thái, các binh sĩ đã từ chối giao người đàn ông bị thương. Quân đội Do Thái không phủ nhận đã trói thanh niên Palestine vào xe hơi. Nhưng trước sự phản đối mạnh mẽ, và sau khi đoạn video được phát tán rộng rãi, quân đội Do Thái đã thừa nhận, xin trích, "vi phạm các quy tắc ứng xử và các giá trị của quân đội".
Nạn nhân vẫn ở trên mui xe, trước khi được giao cho những nhân viên y tế Palestine. Mujahed Abbadi được đưa đi phẫu thuật khẩn cấp và sẽ được mổ lần nữa. Anh bị gãy xương, có vết loét và bỏng trên lưng.
Đối với nhiều người, sự việc này cho thấy mức độ đối xử phi nhân tính ngày càng trầm trọng của Do Thái đối với người Palestine, cũng như việc Do Thái sử dụng "lá chắn sống", như Francesca Albanese, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về lãnh thổ Palestine, đã viết trên mạng xã hội.
Về tình hình chiến sự, Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu, hôm qua, tuyên bố cuộc giao tranh "dữ dội" ở Rafah, miền Nam dải Gaza, nơi quân đội Do Thái đang tiến hành một cuộc tấn công trên bộ, "sắp kết thúc".


Nga: Khủng Bố Tấn Công Giáo Đường Do Thái và Nhà Thờ Chính Thống giáo ở Kavkaz


(Ảnh AFP - Handout, chụp màn hình, trích từ video hãng thông tấn Nhà nước Nga RIA Novosti phát hành ngày 23/6/2024, cho thấy một khu vực bị cảnh sát phong tỏa sau các cuộc tấn công chết người vào các nhà thờ Chính Thống giáo và giáo đường Do Thái ở vùng Dagestan, Bắc Kavkaz của Nga.)
-Hôm 23/6/2024, một nhóm người vũ trang đã tấn công các giáo đường Do Thái cùng với nhà thờ Chính Thống giáo ở Makhachkala và Derbent, thuộc vùng Kavkaz, phía Nam nước Nga. Ðiện Cẩm Linh tố cáo một vụ tấn công "khủng bố".
Từ Mạc Tư Khoa, thông tín viên Jean-Didier Revoin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm chi tiết:
Vụ tấn công gây thiệt hại nhân mạng nặng nề. Các cơ quan an ninh Nga ghi nhận 10 người chết, trong đó có 8 cảnh sát, và 34 người bị thương, trong đó có 27 nhân viên của các cơ quan an ninh. Chưa ai nhận trách nhiệm về vụ tấn công, nhưng theo một số phương tiện truyền thông trích dẫn nguồn tin cảnh sát trên mạng, những thủ phạm của vụ tấn công dường như đều đến từ Dagestan và một số người có liên quan đến các nhóm theo hệ phái đạo Hồi Wahhabisme.
Theo Boruch Gorin, Chủ tịch Hội đồng Cộng đồng Do Thái ở Nga, các giáo đường Do Thái ở Derbent và Makhachkala đã bị phóng hỏa. Nhà chức trách tố cáo ý đồ phá hoại nền hòa bình giữa các tôn giáo và giữa các sắc tộc ở nước Cộng hòa Hồi giáo tại vùng Kavkaz thuộc Nga. Vào tháng 10 năm 2023, phi trường Dagestan đã bị một đám đông thù địch bao vây, với ý định hành hung các hành khách trên chuyến bay từ Do Thái.
Tối qua, chính quyền địa phương vẫn trong tình trạng báo động sau khi tuyên bố chấm dứt chiến dịch chống khủng bố, trong khi Ủy ban Điều tra Nga thông báo đã mở cuộc điều tra về các hành vi khủng bố.


Hoa Kỳ Sắp Gửi Thêm 150 Triệu Mỹ Kim Đạn Dược Cho Ukraine


(Hình AFP: Một phi đạn được phóng từ hệ thống Rốc-két Pháo binh Cơ động Cao HIMARS tại một cuộc tập trận ở Úc Ðại Lợi ngày 22/7/2023.)
-Theo dự kiến ngày 25/6/2024, Hoa Kỳ sẽ loan báo gửi thêm 150 triệu Mỹ kim giá trị vũ khí rất cần thiết cho Ukraine, trong bối cảnh Nga cáo buộc Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công bên trong Nga hoặc lãnh thổ do Nga nắm giữ, theo hai viên chức Mỹ.
Ngày 24/6, Nga đã triệu Đại sứ Mỹ để phản đối điều mà nước này cho là việc sử dụng phi đạn tiên tiến do Mỹ sản xuất trong cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea hôm 23/6 được cho là đã khiến 4 người thiệt mạng và hơn 150 người bị thương.

Crimea, nơi Nga chiếm giữ của Ukraine từ năm 2014 trong một động thái bị hầu hết thế giới xem là bất hợp pháp, từ lâu đã được các đồng minh phương Tây tuyên bố là mục tiêu hợp lý của Ukraine.
Ngũ Giác Đài cho biết tuần trước rằng quân đội Ukraine hiện cũng được phép sử dụng phi đạn tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong Nga nếu nước này hành động để tự vệ. Kể từ khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu, Mỹ duy trì chính sách không cho Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu trên đất Nga vì sợ xung đột leo thang thêm.
Việc tiếp tục cung cấp đạn dược của Mỹ, sẽ được lấy từ kho dự trữ hiện có, nhằm giúp lực lượng Ukraine đẩy lùi các cuộc tấn công tăng cường của Nga.

Lô hàng sắp tới dự kiến sẽ bao gồm đạn dược cho Hệ thống Rốc-két Pháo binh Cơ động Cao, hay HIMARS. Hệ thống đó có khả năng bắn các phi đạn tầm xa hơn từ Hệ thống Phi đạn Chiến thuật Quân đội, hay ATACMS, mà Nga cho rằng sẽ khiêu khích sự trả đũa và có nguy cơ leo thang xung đột. Một trong những viên chức Mỹ cho biết họ không thể xác minh liệu gói viện trợ này có bao gồm đạn ATACMS hay không, nhưng cho biết viện trợ không bao gồm bom chùm.
Gói này cũng bao gồm vũ khí chống thiết giáp, vũ khí nhỏ và lựu đạn cũng như các loại đạn pháo 155 mm và 105 mm rất cần thiết cùng nhiều loại hỗ trợ khác.


Bán Đảo Crimea: Nga Tố Cáo Mỹ Đứng Sau Các Vụ Ukraine Tấn Công Bằng Phi đạn ATACMS


(Ảnh AP - John Hamilton, tư liệu: Một vụ phóng thử phiên bản đầu tiên của phi đạn ATACMS của Mỹ, ngày 14/12/2021, tại bãi phóng phi đạn White Sands, tiểu bang New Mexique.)
-Những ngày gần đây, quân đội Ukraine gia tăng oanh kích các căn cứ quân sự sâu trong hậu phương Nga với các phi đạn tầm xa do phương Tây cung cấp. Hôm 23/6/2024, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Mỹ đứng sau loạt tấn công, với 5 phi đạn ATACMS tầm xa, nhắm vào thành phố cảng Sebastopol, bán đảo Crimea, vùng lãnh thổ của Ukraine mà Mạc Tư Khoa sáp nhập từ năm 2014.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, đường bay của phi đạn "do các chuyên gia Mỹ xác lập dựa trên các dữ kiện vệ tinh của tình báo Mỹ". Người đứng đầu chính quyền địa phương, do Nga dựng lên tại Crimea, cho biết trong "loạt tấn công giữa ban ngày này", có 4 dân thường thiệt mạng và 151 người bị thương, trong đó có 82 người phải nhập viện. Mạc Tư Khoa đe dọa trả đũa.

Hiện tại, chưa có nguồn tin độc lập nào xác nhận thông tin phía Nga đưa ra nói trên. Thông tín viên Stéphane Siohan của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ Kyiv cho biết cụ thể:
"Từ nhiều tuần nay, quân đội Ukraine sử dụng phi đạn ATACMS tầm xa để phá hủy các hệ thống phòng không của Nga bố trí dọc bờ biển bán đảo Crimea. Chủ nhật 23/6, 5 trái phi đạn dường như đã được bắn về hướng thành phố cảng Sebastopol. Phía Nga cho biết đã bắn hạ 4 phi đạn. Các mảnh vỡ có thể đã rơi xuống một bãi biển, nhiều đoạn video lan truyền trên các mạng xã hội hôm qua cho thấy cảnh dân tắm biển bỏ chạy.

Tối hôm qua, Ðiện Cẩm Linh khẳng định 5 dân thường thiệt mạng và khoảng 100 người khác bị thương. Hiện tại, chưa có nguồn tin độc lập nào xác nhận thông tin nói trên.
Cũng trong kỳ nghỉ cuối tuần này, xuất hiện nhiều hình ảnh một kho chứa tại một căn cứ quân sự ở vùng Krasnodar, miền Nam nước Nga, bị phá hủy. Theo Hải quân Ukraine, đây là địa điểm cất giữ các drone tự sát Shahed do Iran thiết kế.
Chính quyền Nga, dĩ nhiên không xác nhận điều này, bất chấp các hình ảnh chụp từ trên không dường như xác nhận đã có các thiệt hại tại một căn cứ. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, khó có thể biết rõ hơn.
Có điều chắc chắn là quân đội Ukraine cố gắng tấn công sâu vào hậu phương của Nga với hai mục tiêu: Làm suy giảm khả năng oanh kích của Không quân Nga, và hệ thống hệ thống phòng không của Nga tại bán đảo Crimea, ít tuần trước khi các chiến đấu cơ F-16 của phương Tây được chuyển giao cho Ukraine".
Theo AFP, hiện tại cả Ukraine và Mỹ chưa đưa ra các tuyên bố nào về loạt tấn công bằng phi đạn ATACMS hôm qua nhắm vào Sebastopol, nơi đặt trụ sở của hạm đội Hắc Hải Nga. Tháng 4/2024, Mỹ thông báo chuyển giao cho Ukraine phi đạn ATACMS tầm bắn 300 cây số, mà Kyiv yêu cầu từ lâu.


Bầu Cử Quốc hội Pháp: Thủ Tướng Đức Hy Vọng Đảng Cực Hữu RN Không Giành Thắng Lợi


(Hình REUTERS - Liesa Johannssen: Thủ tướng Đức Olaf Scholz trả lời phỏng vấn truyền hình, tại thủ đô Bá Linh, ngày 23/6/2024.)
-Cuộc bầu cử Quốc hội trước kỳ hạn tại Pháp, trong bối cảnh ảnh hưởng của phe cực hữu ngày càng gia tăng, khiến nước Đức lo ngại.
Hôm 23/6/2024, trả lời kênh truyền hình công ARD của Đức, Thủ tướng Olaf Scholz hy vọng đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (RN) không giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử này. Thông tín viên Delphine Nerbollier của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ Bá Linh:
"Thủ tướng Olaf Scholz cho biết ông không có thói quen bình luận về kết quả các cuộc bầu cử chưa diễn ra. Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng hợp tác với một Thủ tướng Pháp thuộc đảng Tập hợp Dân tộc, Thủ tướng Đức tỏ ra thẳng thắn: "Cuộc bầu cử Quốc hội Pháp khiến tôi lo ngại. Tôi xin nói rõ như vậy. Tôi hy vọng là các đảng phái không phải của bà Le Pen giành chiến thắng. Nhưng cử tri Pháp sẽ quyết định việc này".

Bất kể kết quả bầu cử Quốc hội Pháp ra sao, ngày 7/7 sắp tới, về các vấn đề Âu Châu và quốc phòng, đối tác ưu tiên của Thủ tướng Đức vẫn sẽ là Tổng thống Emmnuel Macron. Tuy nhiên, viễn cảnh u ám với một chính phủ Pháp do Tập hợp Dân tộc lãnh đạo, đảng chính trị vốn nổi tiếng với các chỉ trích nhắm vào Đức, gây nhiều lo ngại tại Bá Linh, và có thể làm phức tạp hơn nữa mối quan hệ Đức - Pháp vốn đã được đánh giá là nhạy cảm".
Hôm 23/6/2024, trên báo Le Monde, 170 nhà ngoại giao Pháp, đương nhiệm hoặc đã hồi hưu, ký tên vào một bản tuyên bố chung cảnh báo, "chiến thắng của phe cực hữu trong cuộc bầu cử Quốc hội tới sẽ làm suy yếu nước Pháp và Liên Hiệp Âu Châu", trong bối cảnh chiến tranh ngay cửa ngõ Âu Châu.

Các nhà ngoại giao Pháp nhấn mạnh: Chiến thắng của phe cực hữu sẽ mở cửa cho "các can thiệp bên ngoài vào chính sách của nước Pháp, cho các hành động hung hãn chống lại Âu Châu, kể cả về mặt quân sự, và biến nước Pháp và cả châu lục thành chư hầu về phương diện kinh tế".
Hàng chục ngàn người biểu tình tại Paris chống cực hữu hôm qua, theo lời kêu gọi của hơn 200 hiệp hội phi chính phủ và nghiệp đoàn. Khoảng 13 ngàn người tham gia, theo số liệu của cảnh sát, và con số này là 75 ngàn người, theo ban tổ chức. Biểu tình diễn ra tại hơn 50 địa điểm trên toàn quốc.
Các hiệp hội tổ chức biểu tình lên án "lập trường nữ quyền mỵ dân" của phe cực hữu, điều mà đảng Tập hợp Dân tộc phản bác. Theo AFP, một trong những điều gây lo ngại hàng đầu là quyền nạo phá thai của phụ nữ sẽ bị đảng cực hữu tấn công, một khi lên nắm quyền.


Nouvelle-Calédonie: Bạo Lực Tái Bùng Phát Sau Khi Nhiều Nhà Lãnh Đạo Đòi Độc Lập Bị Đưa Về Pháp Tạm Giam



(Hình AFP/Delphine Mayeur: Hiến binh Pháp dỡ bỏ rào chắn ở Dumbéa, Nouvelle-Calédonie, ngày 24/6/2024.)
-Bạo lực tái diễn trong đêm 23 rạng sáng 24/6/2024 ở Nouvelle-Calédonie, sau khi một số nhà hoạt động đòi độc lập cho lãnh thổ hải ngoại của Pháp yêu cầu nhà chức trách "trả tự do" cho các thành viên của Ban Điều phối Hoạt động trên địa bàn (CCAT) và cho họ "trở về ngay lập tức".
Theo đại diện của Pháp tại Nouvelle-Calédonie, "vùng lãnh thổ này đã trải qua một đêm đầy biến động đi kèm với tình trạng bất ổn khắp Grande-Terre, trên đảo Pins et Maré, đòi hỏi sự can thiệp của nhiều quân tiếp viện".
Trong những ngày vừa qua, 11 nhà hoạt động ly khai của CCAT, cùng với lãnh đạo Christian Tein bị đưa về chính quốc Pháp chờ xét xử.
Chính quyền Pháp cáo buộc CCAT đã kích động bạo loạn từ ngày 13/05, do dự án cải cách Hiến pháp ở Nouvelle-Calédonie được các Dân biểu thông qua, nhưng bị những người đòi độc lập bác bỏ. Những vụ bạo động này đã khiến 9 người thiệt mạng và gây ra những thiệt hại vật chất đáng kể.


Ấn Độ: Quốc hội Mới Họp Phiên Đầu Tiên Trong Bối Cảnh Phe của Thủ Tướng Suy Yếu


(Ảnh REUTERS - Anushree Fadnavis, minh họa: Một số Dân biểu đến họp tại trụ sở Quốc hội ở Tân Ðề Ly, thủ đô của Ấn Độ, ngày 8/6/2024.)
-Sau cuộc bầu cử Lập pháp, Quốc hội mới của Ấn Độ, hôm 24/6/2024, họp phiên khai mạc trong bối cảnh chính trị có nhiều xáo trộn.
Liên minh của Thủ tướng Narendra Modi đã bị suy yếu, đối lập mạnh lên. Dự kiến sẽ có nhiều thay đổi trong hoạt động nghị trường của đất nước hơn 1,4 tỉ dân, cũng như cách lãnh đạo chính phủ của Thủ tướng tái đắc cử. Thông tín viên RFI Côme Bastin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ Bangalore:

Theo các nhà phân tích, việc ông Narendra Modi tái đắc cử, trong một liên minh, sẽ có tác động đến phong cách lãnh đạo và chương trình của ông. Sau 10 năm độc quyền lãnh đạo, đời sống chính trị Ấn Độ sẽ phải có những thay đổi căn bản. Đảng BJP giờ phải liên minh để có được đa số tại Quốc hội.
Một trong những câu hỏi nóng: ai sẽ là chủ tích Quốc hội? Nhiều người dự báo các đảng JDU hay TDS, 2 đảng ở quy mô vùng đã liên minh với ông Narendra Modi, có thể nhận được chức vụ chủ chốt này ở Quốc hội.
Ai sẽ là lãnh đạo đối lập? Tập hợp thành liên minh, các đảng đối lập với Narendra Modi giờ đông lên hẳn. Rahul Grandhi, ngôi sao của đảng Quốc Đại, được kỳ vọng là người sẽ gánh vác trọng trách đối đầu với vị Thủ tướng đang suy yếu.
Khung cảnh chính trị mới này liệu có khiến ông Narendra Modi phải giảm bớt xu hướng lãnh đạo chuyên quyền và bớt công kích vào các cộng đồng thiểu số tôn giáo? Những tháng tới sẽ có câu trả lời, trong khi mà Quốc hội mới có ít phụ nữ và người theo Hồi giáo hơn.


Đồ Ăn của Ý Thức Hệ Chính Trị


(Rebel Pepper/RFA.)
-Trung Quốc huy động một lực lượng gồm 12 triệu người giao đồ ăn để khuyến khích tình yêu, lòng trung thành và vâng lời Đảng Cộng sản Trung Quốc trong khi kêu gọi những người giao đồ ăn lương thấp này phải hành động như là tai mắt của chính phủ.
Kế hoạch này được tiết lộ trong các tài liệu của chính phủ xảy ra, vào khi có những thông tin cho biết những người lao động bán thời gian hay tạm thời khác cũng được tuyển dụng, để tham gia vào việc giám sát hàng xóm và các hoạt động "duy trì ổn định" theo đường hướng của Chủ tịch Tập Cận Bình, đưa Trung Quốc trở lại con đường chuyên chế.


Vụ Đụng Độ Gần Bãi Cỏ Mây: Phi Luật Tân Tố Cáo Trung Quốc "Sử Dụng Vũ Lực Bất Hợp Pháp"


(Ảnh REUTERS - Adrian Portugal, tư liệu: Tuần duyên Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu tiếp liệu Phi Luật Tân khi đang trên đường đến Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở Trường Sa, ngày 4/3/2024.)
-Một tuần sau vụ đụng độ với Hải cảnh Trung Quốc tại khu vực gần Bãi Cỏ Mây, quần đảo Trường Sa, Biển Đông, ngày 24/6/2024, chính quyền Phi Luật Tân dường như tỏ ra cứng rắn hơn. Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân lên án Bắc Kinh "sử dụng vũ lực thái quá và bất hợp pháp".

Trả lời báo giới, Bộ trưởng Gilberto Teodoro nhấn mạnh Manila "không giảm nhẹ tầm mức của sự việc này". Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Phi Luật Tân giải thích rõ: "chúng tôi sẽ không nhân nhượng dù chỉ một tấc đất cho bất cứ thế lực ngoại quốc nào" và "chúng tôi sẽ không coi sự việc mới nhất tại Ayungin (tên Phi Luật Tân dùng để chỉ Bãi Cỏ Mây – Second Thomas Shoal) là một sự hiểu lầm hay một tai nạn. Đây rõ ràng là một hành động cố ý của nhà cầm quyền Trung Quốc nhằm cản trở người Phi Luật Tân thực thi công vụ".
Theo AFP, phát biểu nói trên của Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân tái khẳng định quan điểm cứng rắn của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. trong chính sách Biển Đông, "không nhân nhượng một tấc đất ". Phát biểu này cũng có phần rất khác với tuyên bố hôm 21/6 của người phụ trách truyền thông của phủ Tổng thống Phi Luật Tân, theo đó có thể "đã có hiểu nhầm" trong sự việc này.

Trong vụ Hải cảnh Trung Quốc ngăn chặn đoàn tàu Phi Luật Tân ngày 17/6, giới quan sát chú ý đến việc "lần đầu tiên" Hải cảnh Trung Quốc xông lên tàu Phi Luật Tân để khám xét, và cướp đi nhiều vũ khí. Tổng thống Phi Luật Tân, Ferdinand Marcos Jr., hôm 23/6, nhấn mạnh là Manila sẽ "không để bị hù dọa", nhưng mặt khác cũng lưu ý đến việc cần giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa.
Hôm 21/6, Manila thông báo chưa kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ, vì phía Trung Quốc không sử dụng đến súng trong vụ đụng độ. Trên báo Nhật Nilkkei Asia hôm nay, nhà nghiên cứu Richard Heydarian người Phi Luật Tân, một chuyên gia về an ninh Biển Đông, khẳng định Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Phi Luật Tân vẫn có thể được kích hoạt ngay cả khi Trung Quốc áp dụng chiến thuật "vùng xám" truyền thống, tức dùng vũ lực để lấn dần từng bước một, nhưng chưa đến mức gây ra chiến tranh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét