Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

Chút Lời Minh Xác! Hôm Nay, Tranh Luận Tổng Thống Trên CNN và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự


Chút Lời Minh Xác: -Những ngày qua, có một Vị làm truyền thông, (có lẽ không biết tôi nhiều) đã gán ghép tôi thiên vị, đứng bên này bên kia, trong các cuộc bầu cử, có ứng cử viên người Việt. Xin được một lần minh xác, tôi chỉ đứng bên Quyền Lợi Cộng Đồng và Chính Nghĩa Việt Nam Cộng Hòa. Là một người, từ nhỏ, xuất thân từ một dòng khổ tu Công Giáo, lại là một Hướng Đạo Sinh, và là người Lính VNCH. Trong tinh thần tự nguyện, trở thành một người “đầy tớ” phụng sự tha nhân. Trên 45 năm qua, hết lòng phục vụ cộng đồng tại đây, (từ Cứu Người Vượt Biển, cứu giúp TPB VNCH, phục vụ Người Không Nhà (Homeless), xây dựng Tượng Đài Thuyền Nhân, thúc đẩy Tượng Đài Việt & Mỹ…) Chưa bao giờ về VN, tôi thấy, đã không bao giờ làm trái 2 điều nêu trên.
<!>
Nhưng vì là con người, nên nếu có lỗi gì, mà tôi không biết, xin cứ chỉ bảo, tôi sẵn sàng nhận lỗi và sửa chữa! Mong chúng ta, cùng nhau giữ không khí hòa, để làm tất cả những gì tốt đẹp xây dựng Cộng Đồng và mang lại Tự Do Dân Chủ cho Quê Hương!
Hy vọng lời minh xác này là lời cuối cùng! Mong lắm thay.

LVH.

Cảm tạ những ý kiến, hay có lời cảnh báo trong tinh thần xây dựng với tôi.


Nhớ theo dõi hôm nay! Có thể thay đổi kết quả bầu cử 2024! Quy tắc cho cuộc tranh luận tổng thống trên CNN, bao gồm tắt tiếng micro và không có khán giả trực tiếp! (VOA)


(Hình: Ông Donald Trump (ảnh trái), lúc đó là tổng thống Mỹ, và ông Joe Biden, lúc đó là cựu phó tồng thống, trong cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên của kỳ bầu cử 2020 tại Đại học Case Western ở Cleveland, Ohio, ngày 29/9/2020.)


-Cuộc tranh luận tổng thống Mỹ năm 2024 hôm nay! giữa Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump tại Atlanta, bang Georgia, vào ngày 27/6 sẽ áp dụng một bộ quy tắc mới.
CNN thông báo rằng ban vận động tranh cử của mỗi ứng cử viên đã đồng ý với bộ quy tắc mới, bao gồm cả việc tắt tiếng micro.
Hai ký giả Jake Tapper và Dana Bash của CNN sẽ điều giải cuộc tranh luận dài 90 phút xen lẫn với hai lần nghỉ quảng cáo. Không có nghỉ quảng cáo xen lẫn trong suốt các cuộc tranh luận trước đây dưới thời Ủy ban Tranh luận Tổng thống, cơ quan giám sát tranh luận tổng thống trong hơn ba thập kỷ qua. Năm nay sẽ không có Ủy ban này giám sát nữa.
Lần đầu tiên kể từ năm 1976, cuộc tranh luận tổng thống lần này sẽ không có khán giả trực tiếp!

Chi tiết các quy định mới
Cả hai ứng cử viên đều đồng ý là micro của họ sẽ bị tắt đi khi không phải lượt phát biểu của họ, nhằm giảm thiểu khả năng bị gián đoạn. Các cuộc tranh luận trước cuộc bầu cử năm 2020 có nhiều lần bị gián đoạn bởi cả ông Trump và ông Biden.
CNN cho biết, cũng như những năm trước, người điều giải “sẽ sử dụng tất cả các công cụ theo ý mình để kiểm soát thời lượng và đảm bảo một cuộc tranh luận văn minh nhất!”.
Khác với những năm trước, sẽ không có phát biểu mở đầu của hai ứng cử viên. Mỗi ứng viên sẽ có hai phút để trả lời một câu hỏi, với một phút phản biện và ứng đối phản biện. Người điều giải sẽ có thêm một phút để sử dụng theo ý mình. Kết thúc cuộc tranh luận, mỗi ứng cử viên sẽ có hai phút để phát biểu kết thúc.

Theo CNN, sẽ có một bục phát biểu và sẽ tung đồng xu để chọn ứng cử viên nào lên bục phát biểu.
Hai ứng viên sẽ không được mang theo những phương tiện ghi chú viết sẵn, hoặc đụng cụ lên sân khấu tranh luận, mà thay vào đó họ sẽ được cung cấp giấy bút và nước uống. Các nhân viên của hai ban vận động tranh cử, cũng không được phép nói chuyện hoặc tương tác với các ứng cử viên tương ứng của họ cho đến khi cuộc tranh luận kết thúc.
Sự kiện ngày 27/6 đánh dấu cuộc tranh luận tổng thống sớm nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, khi chưa có ứng cử viên nào được đảng của họ chính thức đề cử. Cả ông Biden và ông Trump sẽ nhận đề cử tại đại hội đảng của họ. Đại hội của Đảng Cộng hòa sẽ diễn ra ở Milwaukee, Wisconsin vào tháng tới, trong khi Đại hội của Đảng Dân chủ diễn ra vào tháng 8 ở Chicago.
Đây sẽ là cuộc tranh luận thứ nhất, trong số hai cuộc tranh luận dự kiến diễn ra trong năm nay, với cuộc tranh luận tổng thống thứ 2 sẽ do đài ABC News tổ chức vào ngày 10/9.
Chuyện nổi bật nhất! Nhớ theo dõi hôm nay!


Biden - Trump dốc sức chuẩn bị tranh luận trực tiếp trên truyền hình tối nay!


-Bầu cử Mỹ đang nóng lên với cuộc tranh luận trực tiếp giữa Tổng thống Joe Biden và đối thủ Donald Trump diễn ra vào hôm nay, ngày 27/6.
Ông Biden, tổng thống đương nhiệm từ Đảng Dân chủ, và người tiền nhiệm Donald Trump thuộc Đảng Cộng hòa sẽ đối đầu nhau trên truyền hình do đài CNN tổ chức.
Đây sẽ là cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trong ít nhất là hai cuộc tranh luận trước cuộc bầu cử ngày 5/11/2024.
Khi nào và ở đâu?
Cuộc tranh luận bắt đầu lúc 21:00 giờ Mỹ thứ Năm ngày 27/6, trực tiếp từ đài CNN ở Atlanta, bang Georgia.
Buổi này cũng sẽ được phát sóng trên các kênh CNN International, CNN en Español, CNN Max và trang web của CNN.

Quy tắc tranh luận gồm những gì?
Hai người dẫn chương trình kỳ cựu của CNN là Jake Tapper và Dana Bash sẽ dẫn dắt cuộc tranh luận.
Đài cho biết chương trình sẽ kéo dài 90 phút, bao gồm hai quãng thời gian nghỉ quảng cáo.
Ông Biden và ông Trump đã tung đồng xu hôm 20/6 để quyết định vị trí “đắc địa” hơn và thứ tự phát biểu, kết quả là ông Biden thắng.
Phe ông Biden quyết định chọn bục tranh luận bên phải, nhưng ông Trump sẽ là người phát biểu cuối cùng, khép lại cuộc tranh luận, vì ông Trump đã chọn ông Biden là người đưa ra phát biểu kết thúc trước.
Cả hai ứng cử viên sẽ đứng trong thời gian tranh luận. Các thông tin nói rằng, ông Biden yêu cầu ghế ngồi là không chính xác, theo đội ngũ của ông.

Các trợ lý của hai chính trị gia, sẽ không được phép tương tác với họ trong suốt thời gian diễn ra tranh luận, kể cả trong những lần nghỉ giải lao.
Mỗi người sẽ được phát một cây bút, một tập giấy và một chai nước - nhưng không được phép mang đụng cụ hoặc ghi chú viết sẵn lên sân khấu.
Không giống như những lần đối đầu trước, ông Biden và ông Trump sẽ bị tắt mic trừ khi đến lượt họ phát biểu.
Cũng sẽ không có khán giả trong trường quay - và CNN dự định bảo đảm thời lượng chương trình và đảm bảo một cuộc thảo luận văn minh".

Có quá sớm để tranh luận trực tiếp?

Đây là cuộc tranh luận trước bầu cử trên truyền hình sớm nhất kể từ năm 1960.
Đây cũng là cuộc đối đầu trực tiếp đầu tiên không được tổ chức bởi Ủy ban tranh biện tổng thống Mỹ (CPD), cơ quan phụ trách từ trước đến nay.
Để giải thích lý do, hãy quay về bốn năm trước.
Ông Joe Biden và ông Donald Trump đã đối đầu trên sân khấu hai lần trước cuộc tranh cử năm 2020.
Hai cuộc tranh luận đều nảy lửa và tồi tệ khiến người xem chỉ trích rộng rãi.
Nhưng sau nhiều tháng, giờ đây trận tái đấu của họ dường như là điều không thể tránh khỏi.
Các cuộc thăm dò cho thấy hầu hết người dân Mỹ không hào hứng với điều này - vì vậy tổng thống đương nhiệm 81 tuổi và đối thủ 78 tuổi của ông rất muốn tạo ra một chút động lực nào đấy với các cử tri đã mệt mỏi.

Hai bên đã kín đáo tung đòn gió vào nhau, cho thấy cả hai đều không muốn tranh luận với người kia.
Thế rồi, vào tháng 5, ông Biden đã tuyên bố muốn "so găng!"
Đồng thời, đội ngũ của ông Biden đã đưa ra một loạt phàn nàn về cách CPD xử lý các cuộc tranh luận năm 2020, chỉ trích CPD có cách tiếp cận lỗi thời khi chỉ muốn tạo ra "những cảnh tượng huy hoàng" hơn là "những cuộc tranh luận hay".
Phe ông Biden cũng lập luận rằng các cuộc tranh luận do CPD tổ chức diễn ra quá muộn trong quá trình bầu cử, khi người dân ở một số tiểu bang đã đi bỏ phiếu sớm rồi.
Trong vòng vài giờ sau khi ông Biden thách thức, ông Trump đã đồng ý tham gia hai cuộc tranh luận - trên đài CNN và cuộc gặp thứ hai vào tháng 9 trên đài ABC News.
Những buổi này phần lớn sẽ dựa trên các quy tắc cơ bản do đội ngũ của ông Biden đặt ra.

Nhóm vận động tranh cử của ông Trump đã kêu gọi tổ chức nhiều cuộc tranh luận hơn với khán giả, nhưng đối thủ của ông cho đến nay vẫn từ chối đề xuất này.
Ngày 27/6 tới là lần đầu tiên hai ứng viên bước lên bục tranh luận sau bốn năm.
Ông Biden và ông Trump đang chuẩn bị như thế nào?
Cả hai ứng viên đã bắt đầu chuẩn bị tranh luận một cách nghiêm túc, nhưng cách họ chuẩn bị cho cuộc tranh luận có vẻ rất khác nhau.
Ông Biden sẽ hội ý với một số cố vấn thân cận nhất của ông trong tuần này và tuần tới tại Trại David, nơi nghỉ dưỡng của tổng thống ở vùng núi yên tĩnh của bang Maryland.
Trong quá trình chuẩn bị, Đảng Dân chủ được cho là đang nghiên cứu các tài liệu hỏi đáp khi coi cuộc bầu cử là sự lựa chọn giữa hai phe đối lập nhau.
Các quan chức của phe ông Biden đã nhấn mạnh rằng tổng thống đương nhiệm sẽ tiếp tục sử dụng cách tiếp cận mới "mạnh mẽ hơn" đối với đối thủ Đảng Cộng hòa và buộc ông Trump phải chịu trách nhiệm về hồ sơ chính trị của mình.

Ngược lại, ông Trump đã tham gia vào một loạt "các cuộc thảo luận chính sách không chính thức", theo nhóm vận động tranh cử của ông.
Trong các buổi gặp gỡ này, ông Trump đã trò chuyện với các nhà lập pháp - bao gồm ít nhất hai ứng cử viên phó tổng thống, Marco Rubio và JD Vance - cũng như các chuyên gia chính sách, cố vấn cấp cao và các đồng minh bên ngoài về một loạt chủ đề từ phá thai đến tội phạm.
Cựu tổng thống đã đánh giá rất thấp đối thủ của mình, nói rằng ông Biden là "nhà tranh luận KÉM NHẤT mà tôi từng đối mặt" và "ông ta không thể ghép hai câu lại với nhau".
Nhưng ông Trump cũng cho rằng mọi khó khăn sẽ dồn lên ông, một phần vì theo cựu tổng thống, ông sẽ bị giới truyền thông đối xử bất công! Đúng hay sai, hôm nay sẽ biết kết quả!


Tin Bổ Túc: Ủy Ban Giao Thông Thượng Viện Chấp Thuận Dự Luật Đặt Tên Xa Lộ Little Saigon Freeway

(Westminster, CA) – Ủy Ban Giao Thông Thượng Viện Tiểu Bang California đã phê chuẩn một dự luật cho phép một đoạn xa lộ Interstate 405 mang tên Little Saigon Freeway trong buổi điều trần chiều ngày 25 tháng 6 với số phiếu 9-0, kể cả phiếu thuận từ TNS Janet Nguyễn. Dự luật sẽ được đưa ra bỏ phiếu trước toàn thượng viện vào khoảng trong vòng tháng 8 sắp tới. Tại buổi điều trần, nhiều thành viên đã tỏ ra hỗ trợ mạnh mẽ cho dự luật. Tuy nhiên, TNS Janet Nguyễn đã có nhiều chất vấn liên quan đến việc vài người từ TP Hungtington Beach cũng muốn đặt tên cùng một đoạn đường mang tên “Surf City” liên quan đến một dự luật khác từ năm ngoái.
Dân Biểu Tạ Đức Trí, với tư cách là tác giả, đã đứng ra trình bày và biện hộ cho dự luật. Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, Ủy Viên Giáo Dục từ Học Khu Garden Grove từ Quận Cam và ông Triệu Hà, Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam Miền Bắc California đã được đề cử ra điều trần trước Ủy Ban Thượng Việt. Cả hai nhân chứng đều nhấn mạnh về tầm quan trọng và giá trị biểu tượng của việc đặt tên xa lộ để vinh danh những thành quả và đóng góp của cộng đồng tỵ nạn cộng sản Việt Nam trong gần 50 năm qua và là niềm tự hào của người Việt từ khắp mọi nơi trên toàn California.

Dự luật AB 2698 do Dân Biểu Trí Tạ đưa ra từ Hạ Viện Tiểu Bang vào đầu năm nay đã được Hạ Viện Tiểu Bang thông qua với đa số tuyệt đối 74-0 ít lâu sau đó. Khi Dự luật được đưa sang thượng viện để cứu xét thì không được hỗ trợ từ một số các thành viên trong Ủy Ban Giao Thông Thượng Viện, trong đó có Thượng Nghị Sĩ Dave Coretese từ San Jose và TNS Janet Nguyễn từ Quận Cam. Trước sự im lặng này, Văn Phòng Dân Biểu Trí Tạ đã cùng với cộng đồng Việt Nam và các vị dân cử gốc Việt từ miền Nam và Bắc California ráo riết vận động các thành viên có ảnh hưởng trong Ủy Ban Giao Thông để hỗ trợ cho dự luật, trong đó có Thượng Nghĩ Sĩ Dave Cortese từ San Jose và Janet Nguyễn từ Quận Cam.
Từ Miền Bắc Cali, Cộng đồng Việt Nam tại San Jose, dưới sự điều động của ộng Triệu Hà, đã tích cực vận động với TNS Dave Cortese, hiện là Chủ Tịch Ủy Ban Giao Thông Thượng Viện và là một vị dân cử có thế lực từ San Jose và là người bạn thân tình với cộng đồng Việt Nam tại San Jose trong nhiều năm qua. Các Ủy Viên Giáo Dục Bryan Đỗ và Vân Lê cũng đã vận động với Ủy Viên Patty Cortese, là phu nhân của TNS Dave Cortese và cả ba đều là đồng viện trên Hội Đồng Giáo Dục Eastside Union High School Schools District. Thị Trưởng Matt Mahan cũng đã gởi văn thư trực tiếp đến các thượng nghị sĩ để hỗ trợ cộng

đồng Việt Nam và vận động cho dự luật. Ủy Viên Mary Hiền Pollette từ Evergreen Elementary cũng đã tiếp tay vận động cho dự luật và tham gia điều trần trước Ủy Ban Giao Thông tại Thượng Viện.
Từ Miền Nam California, các thượng nghị sĩ từ Quận Cam đã tích cực hỗ trợ và vận động cho dự luật, trong đó có TNS Dave Min từ Irvine đã đích thân đứng ra làm đồng tác giả cho dự luật cũng như TNS Tom Umberg và TNS Josh Newman đã tích cực hỗ trợ cho dự luật.
Tại Quận Cam, hơn 12 vị dân cử đã ký chung vào một văn thư chung do Thị Trưởng Charlie Nguyễn Mạnh Chí đưa ra và gởi đến các thượng nghị sĩ có ảnh hưởng đến dự luật. Cư dân từ khắp nơi cũng đã gởi thư trực tiếp đến Văn Phòng TNS Janet Nguyễn để kêu gọi sự hỗ trợ

của vị dân cử gốc Việt này. Văn Phòng Dân Biểu Trí Tạ đã tích cực vận động các TNS khác trong Ủy Ban Giao Thông qua các quan hệ chính trị khác tại Nghị Hội California.
Với các nỗ lực vận động tích cực từ nhiều phía đã đưa đến sự thành công trên đây. Tuy nhiên đây chỉ là một chặng đường gần đến đích. Kết quả sau cùng cũng vẫn tùy vào sự hỗ trợ của toàn thể thượng viện California gồm 40 thành viên và sau đó là Thống Đốc Tiểu Bang California.
Sự hỗ trợ của đồng hương từ khắp mọi nơi vẫn cần thiết cho sự thành công sau cùng của dự luật quan trọng này.

Lan Quoc Nguyen, Esq.
(714) 891-1901


Thế giới ngày 26 tháng 6, 2024
(Đỗ Đặng Nhật Huy)


-Cảnh sát Kenya được cho là đã làm thiệt mạng một số người biểu tình và làm nhiều người khác bị thương bên ngoài toà nhà quốc hội ở Nairobi. Một phần của tòa nhà đã bị đốt cháy. Quốc hội trước đó thông qua dự luật tài chính gây tranh cãi, nhằm mục đích huy động hơn 2 tỷ USD từ thuế, bao gồm tăng thuế giá trị gia tăng 16% đối với bánh mì và thuế tiêu thụ đặc biệt 25% đối với dầu thực vật. Người biểu tình trên khắp đất nước kêu gọi tổng thống William Ruto từ chức. Kể từ khi nhậm chức, ông Ruto đã thực hiện một loạt cải cách nhằm giảm gánh nặng nợ nần của Kenya.
Tòa án Hình sự Quốc tế ICC đã ban hành lệnh bắt giữ hai quan chức cấp cao của Nga. Tòa án cho rằng Valery Gerasimov, tổng tham mưu trưởng Nga, và Sergei Shoigu, cựu bộ trưởng quốc phòng, chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công tên lửa vào cơ sở hạ tầng điện của Ukraine, gây ra “tổn hại dân sự.” Năm 2023, ICC đã ban hành lệnh bắt giữ tổng thống Vladimir Putin vì trục xuất trái phép trẻ em khỏi các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine.

Tòa án Tối cao Israel quyết định nghĩa vụ quân sự phải được mở rộng cho cả những nam thanh niên thuộc cộng đồng Do Thái chính thống cực đoan — tức cộng đồng Haredi. Trong nhiều thập niên qua, họ đã được miễn nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Quyết định này là một đòn giáng mạnh vào chính phủ: các đảng đại diện cho các nhà lãnh đạo Haredi trong quốc hội Israel là thành phần chủ chốt trong liên minh do thủ tướng Binyamin Netanyahu lãnh đạo.
Ủy ban châu Âu buộc tội Microsoft vi phạm luật chống độc quyền. Ủy ban cho biết gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã thu về “lợi thế bất bình đẳng” so với đối thủ khi ràng buộc dịch vụ họp trực tuyến Teams với các ứng dụng công việc khác như Office 365. Microsoft có thể bị phạt tới 10% doanh thu toàn cầu hàng năm, hoặc bị buộc phải tuân thủ các “biện pháp khắc phục” do ủy ban đưa ra.

Công Đảng Anh đình chỉ một ứng viên vì cá cược chống lại chính mình trong cuộc tổng tuyển cử ngày 4/7. Kevin Craig xin lỗi về quyết định “ngu ngốc,” khẳng định ông sẽ chỉ quyên góp số tiền thắng cược cho tổ chức từ thiện; hiện ông đang bị Ủy ban Cờ bạc điều tra. Trong khi đó, thủ tướng Rishi Sunak đã rút ủng hộ đối với hai ứng viên Đảng Bảo thủ, những người cũng đang bị uỷ ban này điều tra vì đặt cược vào ngày bầu cử.
Điện Kremlin đã chặn 81 cơ quan truyền thông châu Âu có phát sóng ở Nga. Họ cáo buộc các cơ quan được liệt kê trong danh sách – bao gồm Politico, Le Monde của Pháp và Der Spiegel của Đức – đã phổ biến “thông tin sai lệch” về “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine. Những hạn chế này là phản ứng trước lệnh cấm gần đây của EU đối với một số cơ quan truyền thông nhà nước Nga có phát sóng trong khối.

Justin Trudeau và Đảng Tự do Canada của ông đã phải chịu thất bại trong cuộc bầu cử đặc biệt ở Toronto. Kết quả hôm thứ Ba cho thấy ứng viên Đảng Bảo thủ đã giành được một ghế ở khu vực từ lâu là sân nhà của Đảng Tự do. Ông Trudeau nói rõ rằng ông sẽ không từ chức và ông còn “nhiều việc khó khăn hơn phải làm” trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào năm 2025.
Con số trong ngày: 60%, là tỉ lệ tăng của xuất khẩu dịch vụ trong thập niên qua, đạt 7,9 nghìn tỷ USD (7,5% GDP toàn cầu) vào năm 2023.

TIÊU ĐIỂM

Quốc hội Ấn Độ họp bầu chủ tịch

Vào thứ Tư, 543 thành viên mới được bầu của quốc hội Ấn Độ sẽ chọn tân chủ tịch quốc hội. Người được chọn sẽ có quyền chuyển các dự luật tới các ủy ban quốc hội để xem xét, quyết định vấn đề nào sẽ được thảo luận, và loại bỏ những thành viên đào ngũ khỏi đảng của họ.
Quyền trừng phạt những người đào ngũ sẽ đặc biệt quan trọng trong nhiệm kỳ tới. Thủ tướng Narendra Modi và Đảng Bharatiya Janata của ông không còn chiếm đa số và phải lập liên minh cầm quyền. Họ sẽ muốn ngăn cản các nghị sĩ rời khỏi liên minh, và ở chiều ngược lại thì khuyến khích các chính trị gia đối lập đào ngũ. Về lý thuyết, chủ tịch phải là người trung lập, nhưng những người tiền nhiệm đều làm theo chính phủ. Nếu chủ tịch mới cũng theo truyền thống này, chính phủ có thể sử dụng quyền lực để trừng phạt những kẻ đào tẩu một cách có chọn lọc để giúp liên minh trụ vững. Tuy nhiên, một chủ tịch đề cao tính độc lập của công việc sẽ cải thiện khả năng của phe đối lập trong việc kiểm soát chính phủ.

Khép lại câu chuyện Julian Assange

Hôm thứ Hai, Julian Assange đã được ra tù ở London. Nhà sáng lập WikiLeaks, một trang web xuất bản thông tin mật và nhạy cảm, đã đấu tranh chống dẫn độ sang Mỹ, nơi bộ tư pháp buộc tội ông 18 tội danh, hầu hết là theo Đạo luật Gián điệp. Tuy nhiên, theo thỏa thuận giữa hai bên, ông Assange giờ đây sẽ được đưa tới một lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, nơi ông sẽ nhận tội chỉ một trong 18 cáo buộc đó. Vì đã ngồi tù, ông dự kiến sẽ được phép về quê nhà Úc.
Thỏa thuận này khép lại một bộ phim pháp lý kéo dài. Năm 2010, ông Assange bị bắt ở Anh sau khi Thụy Điển tìm cách thẩm vấn ông về các cáo buộc tội phạm tình dục, dù sau đó các cáo buộc này bị hủy bỏ. Đối với những người ủng hộ ông, ông là một người tử vì đạo phụng sự sự thật; còn trước những người phản đối, ông là một tên tội phạm liều lĩnh. Một thỏa thuận pháp lý dường như là cái kết phù hợp.

Đã một năm kể từ khi Erdogan từ bỏ chính sách lạm phát ngược đời

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng thúc đẩy chính sách tiền tệ khác thường với mục tiêu giảm lạm phát bằng cách cắt giảm lãi suất. Cuộc thử nghiệm kết thúc cách đây một năm khi ông Erdogan bổ nhiệm một bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương có quan điểm kinh tế chính thống hơn. Ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất cơ bản từ 8,5% lên 50% kể từ tháng 6 năm 2023. Nhưng còn nhiều việc phải làm, khi tỷ lệ lạm phát năm vẫn đạt 75,4% vào tháng 5.
Ngân hàng dự kiến sẽ giữ lãi suất ổn định khi họp vào thứ Tư, và các quan chức đang đưa ra các biện pháp cứng rắn khác để hạ nhiệt nền kinh tế. Bộ lao động và an sinh xã hội gần đây cho biết mức lương tối thiểu sẽ không tăng vào giữa năm, trái ngược với hai năm qua. Kho bạc đang tăng thuế, bao gồm cả “tem xuất cảnh” mà người Thổ Nhĩ Kỳ phải trả để rời khỏi đất nước. Nó có thể tăng từ 150 lira ($5) lên tới 1.500.

Đảng Bảo thủ Anh đi hết từ scandal này đến scandal khác

Chiến dịch tranh cử của Rishi Sunak ngày càng lún sâu vào khó khăn. Bị chỉ trích vì rời lễ kỷ niệm D-Day sớm, thủ tướng Anh giờ phải giải quyết vụ bê bối cá cược. Các quan chức trong Đảng Bảo thủ của ông bị cáo buộc đã cá cược thời điểm diễn ra cuộc bầu cử, có thể bằng thông tin nội bộ. Hôm thứ Ba, đảng đã rút ủng hộ đối với hai ứng cử viên nghị sĩ quốc hội. Đó là một bối cảnh khủng khiếp trước khi ông Sunak đối đầu với Keir Starmer, lãnh đạo Công Đảng đối lập, trong một cuộc tranh luận trên truyền hình vào thứ Tư.
Đảng Bảo thủ, bị bỏ xa trong các cuộc thăm dò, đang vận động chủ yếu để tránh một thất bại toàn diện vào ngày 4 tháng 7. Ông Sunak đang cố gắng tăng ủng hộ ở những ghế mà trước đây được coi là quá an toàn, không cần quan tâm – bao gồm cả ghế của ông. Về phần mình, Starmer tỏ ra thận trọng, hài lòng khi chứng kiến Đảng Bảo thủ giao cho ông một chiến thắng vang dội.


Tin Quốc Tế Đó Đây

Tòa Án Hình Sự Quốc Tế Phát Lệnh Bắt Giữ Viên Chức Nga


(Hình AP: Ông Sergei Shoigu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga.)
-Hôm 25/6/2024, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã phát lệnh bắt giữ đối với ông Sergei Shoigu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga và vị tướng hàng đầu của Nga là Valery Gerasimov, cáo buộc họ gây ra các tội ác trong quá trình Nga xâm chiếm Ukraine.
Ông Shoigu đã bị cho thôi chức Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng trước và được bổ nhiệm làm Thư ký Hội đồng An ninh đầy quyền lực của Nga, trong những thay đổi quan trọng nhất mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thực hiện đối với các chỉ huy quân sự của ông kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào năm 2022.

Tòa án có trụ sở tại The Hague cho biết ông Shoigu và ông Gerasimov bị nghi ngờ đã phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người vì chỉ đạo các cuộc tấn công nhắm vào dân thường và các cơ sở dân sự ở Ukraine.
Các thẩm phán nhận thấy có "cơ sở hợp lý để tin rằng hai nghi phạm phải chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công phi đạn do lực lượng vũ trang Nga thực hiện nhắm vào cơ sở hạ tầng điện của Ukraine từ ít nhất là ngày 10 tháng 10 năm 2022 cho đến ít nhất ngày 9 tháng 3 năm 2023", ICC cho biết trong một thông cáo báo chí.
Nga, vốn không phải là thành viên của ICC, đã nhiều lần nói rằng cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine là mục tiêu quân sự hợp pháp và phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường hoặc cơ sở hạ tầng dân sự.

Hội đồng An ninh Nga hôm 25/6 nói rằng lệnh bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu của Tòa án Hình sự Quốc tế là một phần của cuộc chiến hỗn hợp chống lại Mạc Tư Khoa, hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin.
Ukraine cũng không phải là thành viên nhưng đã trao quyền tài phán cho ICC để truy tố các tội ác xảy ra trên lãnh thổ của mình.
Lệnh bắt ông Shoigu và ông Gerasimov nâng tổng số trát bắt đối với các nghi phạm cấp cao của Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược lên tám người.
Những người này bao gồm ông Putin, bị nghi ngờ phạm tội ác chiến tranh liên quan đến việc trục xuất trẻ em Ukraine sang Nga.
Tòa án không có lực lượng cảnh sát riêng và phải dựa vào các quốc gia thành viên để tiến hành việc bắt giữ.


Bán Đảo Crimea: Nga Tố Cáo Mỹ Đứng Sau Các Vụ Ukraine Tấn Công Bằng Phi Đạn ATACMS


(Ảnh AP - John Hamilton, tư liệu: Một vụ phóng thử phiên bản đầu tiên của phi đạn ATACMS của Mỹ, ngày 14/12/2021, tại bãi phóng phi đạn White Sands, tiểu bang New Mexico.)
-Những ngày gần đây, quân đội Ukraine gia tăng oanh kích các căn cứ quân sự sâu trong hậu phương Nga với các phi đạn tầm xa do phương Tây cung cấp. Hôm qua, 23/6/2024, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Mỹ đứng sau loạt tấn công, với 5 phi đạn ATACMS tầm xa, nhắm vào thành phố cảng Sebastopol, bán đảo Crimea, vùng lãnh thổ của Ukraine mà Mạc Tư Khoa sáp nhập từ năm 2014.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, đường bay của phi đạn "do các chuyên gia Mỹ xác lập dựa trên các dữ kiện vệ tinh của tình báo Mỹ". Người đứng đầu chính quyền địa phương, do Nga dựng lên tại Crimea, cho biết trong "loạt tấn công giữa ban ngày này", có 4 dân thường thiệt mạng và 151 người bị thương, trong đó có 82 người phải nhập viện. Mạc Tư Khoa đe dọa trả đũa.
Hiện tại, chưa có nguồn tin độc lập nào xác nhận thông tin phía Nga đưa ra nói trên. Thông tín viên Stéphane Siohan của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ Kyiv cho biết cụ thể:
"Từ nhiều tuần nay, quân đội Ukraine sử dụng phi đạn ATACMS tầm xa để phá hủy các hệ thống phòng không của Nga bố trí dọc bờ biển bán đảo Crimea. Chủ nhật 23/6, 5 trái phi đạn dường như đã được bắn về hướng thành phố cảng Sebastopol. Phía Nga cho biết đã bắn hạ 4 phi đạn. Các mảnh vỡ có thể đã rơi xuống một bãi biển, nhiều đoạn video lan truyền trên các mạng xã hội hôm qua cho thấy cảnh dân tắm biển bỏ chạy.

Tối 24/6, Ðiện Cẩm Linh khẳng định 5 dân thường thiệt mạng và khoảng 100 người khác bị thương. Hiện tại, chưa có nguồn tin độc lập nào xác nhận thông tin nói trên.
Cũng trong kỳ nghỉ cuối tuần này, xuất hiện nhiều hình ảnh một kho chứa tại một căn cứ quân sự ở vùng Krasnodar, miền Nam nước Nga, bị phá hủy. Theo hải quân Ukraine, đây là địa điểm cất giữ các drone tự sát Shahed do Iran thiết kế.
Chính quyền Nga, dĩ nhiên không xác nhận điều này, bất chấp các hình ảnh chụp từ trên không dường như xác nhận đã có các thiệt hại tại một căn cứ. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, khó có thể biết rõ hơn.
Có điều chắc chắn là quân đội Ukraine cố gắng tấn công sâu vào hậu phương của Nga với hai mục tiêu: Làm suy giảm khả năng oanh kích của không quân Nga, và hệ thống hệ thống phòng không của Nga tại bán đảo Crimea, ít tuần trước khi các chiến đấu cơ F-16 của phương Tây được chuyển giao cho Ukraine".
Theo AFP, hiện tại cả Ukraine và Mỹ chưa đưa ra các tuyên bố nào về loạt tấn công bằng phi đạn ATACMS hôm qua nhắm vào Sebastopol, nơi đặt trụ sở của hạm đội Hắc Hải Nga. Tháng 4/2024, Mỹ thông báo chuyển giao cho Ukraine phi đạn ATACMS tầm bắn 300 cây số, mà Kyiv yêu cầu từ lâu.


Gia Nhập Liên Hiệp Âu Châu: Brussels Chính Thức Khởi Động Đàm Phán Với Ukraine và Moldova


(Ảnh AFP / Handout / Ukrainian Presidential Press Service, minh họa: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) gặp nguyên thủ Moldona Maia Sandu, bên lề thượng đỉnh Ukraine-Balkan, tại Athens, thủ đô của Hy Lạp, ngày 21/8/2023.)
-Chiều 25/6/2024, hai nước Ukraine và Moldova cùng với Liên Hiệp Âu Châu chính thức khởi động các cuộc đàm phán tại Lục Xâm Bảo nhằm cho phép hai nước này trong tương lai trở thành thành viên chính thức của khối.
Các cuộc đàm phán để một nước gia nhập Liên Hiệp Âu Châu diễn ra trong khuôn khổ hội nghị liên chính phủ. Một nguồn tin ngoại giao ẩn danh cho AFP biết là Liên Hiệp Âu Châu chính thức mở các cuộc thảo luận đầu tiên với Ukraine vào chiều 25/6, lúc khoảng 3 giờ 30 chiều (1 giờ 30 chiều, giờ GMT), sau đó là với Moldova. Sau khi hội nghị liên chính phủ chính thức được mở ra, các nhà đàm phán sẽ xem xét luật pháp của hai nước ứng viên xem có tương thích với luật pháp của Liên Hiệp Âu Châu hay không.

Theo nguồn tin ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu nói trên, giai đoạn "sàng lọc" này, theo cách gọi của Liên Hiệp Âu Châu, thường kéo dài 1-2 năm. Thế nhưng, với trường hợp của Ukraine hoặc Moldova, mọi chuyện sẽ được đẩy nhanh hơn, vì Brussels "đã có ý tưởng khá rõ ràng" về tình hình. Tuy nhiên, sẽ phải mất vài tuần, thậm chí vài tháng thì các cuộc đàm phán thực sự mới được mở ra, và khó có khả năng là sẽ diễn ra trước cuối năm nay bởi vì Hung Gia Lợi, chủ tịch luân phiên Hội Đồng Âu Châu nửa cuối năm 2024, không nhiệt tình với việc kết nạp Ukraine.
Riêng đối với Kyiv, dẫu việc khởi động các cuộc đàm phán tại Lục Xâm Bảo vào hôm nay là một chặng quan trọng, nhưng con đường phía trước còn dài bởi vì Ukraine đang trong tình trạng chiến tranh, theo nhận định của Jacques Rupnik, Giáo sư trường Sciences Po:

"Chuyện này có ý nghĩa quan trọng về chính trị và mang tính biểu tượng. Những trở ngại kinh tế là có, nhưng xin nhắc lại rằng trở ngại chính là ở chỗ Ukraine đang có chiến tranh. Khi một đất nước còn đang có chiến tranh thì rất khó biết phải tiến hành đàm phán như thế nào. Đây là điều chưa từng có. Chúng ta đã nói điều này rất, rất nhiều lần với các nước thuộc Nam Tư cũ, rằng không thể có chuyện gia nhập chừng nào họ chưa giải quyết được các vấn đề về biên giới, lãnh thổ. Thế nên, tôi nghĩ rằng đó sẽ là câu hỏi khó nhất.
Có một câu hỏi quan trọng kèm theo: Liệu Ukraine khi nào mới hội đủ điều kiện, tôi không nói là có hòa bình, lệnh ngừng bắn có thể là không phải là trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine, nhưng mà là trên phần lãnh thổ do chính phủ dân chủ của Tổng thống Zelensky kiểm soát".


Đảng Cực Hữu Tập Hợp Dân Tộc Muốn Loại Người Pháp Song Tịch Khỏi Các Vị Trí Nhạy Cảm, Chiến Lược


(Hình AP - Christophe Ena: Chủ tịch đảng cực hữu Pháp Tập Hợp Dân Tộc (Rassemblemment National) Jordan Bardella giới thiệu các đường hướng chính trong chương trình tranh cử Lập pháp, Paris, Pháp, ngày 24/6/2024.)
-Vài ngày trước vòng 1 bầu cử Hạ Viện Pháp, 30/6, chủ tịch đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc - Rassemblement National (RN) Jordan Bardella, trong cuộc họp báo sáng thứ Hai (24/6/2024), đã giới thiệu chương trình hành động của đảng RN và khẳng định "đã sẵn sàng để lãnh đạo chính phủ". Đáng chú ý là Dự luật "khẩn cấp" chống nhập cư.
Lãnh đạo đảng cực hữu Pháp Jordan Bardella đề xuất hủy bỏ quyền có quốc tịch theo nơi sinh "droit du sol" và loại những người "song tịch" - người ngoại quốc đã có quốc tịch Pháp nhưng vẫn giữ quốc tịch gốc - ra khỏi những vị trí công việc được xem là "rất nhạy cảm" và "những vị trí mang tính chiến lược nhất của Nhà nước".

Phát biểu trên kênh TF1, chính trị gia Sébastien Chenu của đảng Tập Hợp Dân Tộc, dân biểu nhiệm kỳ vừa rồi, hôm qua 24/6 cho biết, biện pháp cấm sẽ liên quan đến những "công việc rất nhạy cảm, chẳng hạn người song tịch Pháp - Nga giữ các vị trí lãnh đạo chiến lược trong ngành quốc phòng", nhưng không cho biết chi tiết về các công việc có liên quan.
Theo ông Chenu, biện pháp "tự bảo vệ" này của nước Pháp sẽ được luật hóa bằng "một đạo luật về tổ chức (loi organique) và một sắc lệnh để cản trở sự can thiệp" của ngoại quốc vào "các lĩnh vực nhạy cảm" của Pháp. Chính trị gia đảng cực hữu cũng nói thêm rằng nếu đảng RN đắc cử trong kỳ bầu cử Hạ Viện, có thể người ngoại quốc sẽ khó được cấp quốc tịch Pháp hơn.

Dường như để trấn an dư luận, ngay tối 24/6, trên mạng xã hội X, ông Bardella, người đang nhắm đến chức thủ tướng Pháp, khẳng định: "Dĩ nhiên là những người song tịch vẫn có thể đảm nhiệm mọi công việc trong lĩnh vực công (...) Việc hạn chế sẽ chỉ liên quan đến khoảng vài chục công việc rất nhạy cảm ở các vị trí chiến lược về quốc phòng, nguyên tử hoặc tình báo chẳng hạn. Danh sách ngắn này sẽ thường xuyên được điều chỉnh tùy theo tình hình địa chính trị và các hệ lụy đối với đất nước chúng ta".
Cũng trong ngày 24/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tố cáo chương trình của phe cực hữu và cực tả sẽ dẫn đến "một cuộc nội chiến". Đặc biệt đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc bị Tổng thống chỉ trích gây chia rẽ nước Pháp khi "phân biệt đối xử theo nguồn gốc xuất thân hoặc tôn giáo", còn phe cực tả bị chỉ trích vì đã có những đề xuất kiểu "chủ nghĩa cộng đồng" (communautarisme)
Tối hôm nay 25/6 vào lúc 21 giờ, đại diện của đảng cầm quyền Phục Hưng - Renaissance - thủ tướng đương nhiệm Gabriel Attal; chính trị gia Jordan Bardella, chủ tịch đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc - Rassemblement National (RN) và Manuel Bompard, điều phối viên đảng Nước Pháp Bất Khuất - La France Insoumise (LFI), đại diện cho liên đảng cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới có cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình TF1.
Theo thăm dò ý kiến gần đây của Viện IFOP, đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc được sẽ về đầu tại vòng 1 bầu cử Lập pháp với 36% số phiếu, trước liên đảng cánh tả (29,5%) và đảng của Tổng thống (20,5%).


Bắc Hàn Lại Thả Bóng Bay Chứa Rác Xuống Nam Hàn


(Hình AP - Lee Jin-man: Du khách dùng kính viễn vọng nhìn sang lãnh thổ Bắc Hàn từ Đài quan sát Thống nhất tại Paju, Nam Hàn, ngày 25/6/2024.)
-Hôm 25/6/2024, Hán Thành thông báo Bắc Hàn lại thả hàng trăm quả bóng bay chứa đầy rác sang Nam Hàn, trong bối cảnh hai bên không ngừng tiến hành chiến dịch tuyên truyền ăn miếng trả miếng.
Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Nam Hàn (JCS), được AFP trích dẫn, Bình Nhưỡng đã thả khoảng 350 quả bóng bay vào tối qua 24/6, và khoảng 100 quả đã rơi xuống Nam Hàn, chủ yếu ở phía Bắc tỉnh Kyunggi và thủ đô Hán Thành.

Quân đội Nam Hàn cho biết, những chiếc túi được gắn vào bóng bay chứa "chủ yếu rác thải giấy" và nhấn mạnh chúng không gây ra rủi ro gì đối với sự an toàn và sức khỏe của người dân, đồng thời khẳng định "sẵn sàng tiến hành chiến tranh tâm lý ngay lập tức", và "tất cả phụ thuộc vào hành động tiếp theo của Bắc Hàn".
Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol gần đây lên án những đợt thả bóng bay của Bắc Hàn là một "sự khiêu khích hèn hạ và phi lý", và Hán Thành đã kích hoạt lại các loa phóng thanh tuyên truyền dọc biên giới. Ông Yoon cũng chỉ trích thỏa thuận quân sự ký kết giữa Bắc Hàn và Nga vào tuần trước là "vi phạm trắng trợn các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc".
Vẫn về bán đảo Triều Tiên, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell, hôm qua, cảnh báo Bắc Hàn có thể đã nhận được sự hỗ trợ cho các chương trình phát triển phi đạn tầm xa và nguyên tử từ phía Nga. Đổi lại, Bình Nhưỡng cung cấp vũ khí cho Mạc Tư Khoa để giúp quân đội Nga tiếp tục cuộc chiến xâm lược Ukraine.


Thủ Tướng Trung Quốc Chỉ Trích Căng Thẳng Thương Mại Giữa Lúc Xuất Cảng Xe Điện Bị ảnh Hưởng Bởi Thuế Quan


(Hình AFP: Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.)
-Thủ tướng Trung Quốc hôm 25/6/2024 nói rằng thị trường mở và kỹ thuật xanh là điều rất quan trọng để ổn định tăng trưởng toàn cầu, đồng thời chỉ trích căng thẳng thương mại khi ông khai mạc một hội nghị ở phía đông bắc Trung Quốc.
Thủ tướng Lý Cường nói với các lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, còn được gọi là "Davos Mùa Hè", rằng Trung Quốc đang trên đà đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay.
Các quốc gia nên "làm việc chặt chẽ với nhau, từ chối đối đầu theo khối, phản đối việc chia rẽ và ngắt kết nối, duy trì sự ổn định và thông suốt của chuỗi công nghiệp và cung ứng, đồng thời thúc đẩy tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư", ông Lý nói trong bài phát biểu tại hội nghị.
"Chúng ta không thể giảm tốc độ chuyển đổi xanh để đổi lấy tăng trưởng kinh tế ngắn hạn cũng như thực hiện chủ nghĩa bảo hộ dưới danh nghĩa phát triển xanh hoặc bảo vệ môi trường".

Trung Quốc đang phải đối mặt với sự cản trở về xuất cảng xe điện vì một số chính phủ lo ngại chúng sẽ tràn ngập thị trường của họ và gây tổn hại cho các nhà sản xuất trong nước. Liên Hiệp Âu Châu và Gia Nã Ðại cùng nhiều nước khác đang cân nhắc việc đánh thêm thuế đối với xe điện Trung Quốc.
Trung Quốc và EU cuối tuần qua cho biết họ sẵn sàng đàm phán về mức thuế dự kiến sau khi Bắc Kinh tuần trước công bố điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn Âu Châu, vốn được coi là hành động trả đũa đối với thuế đánh vào xe điện.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo doanh nghiệp, Bộ trưởng kinh tế và kỹ thuật tham dự diễn đàn, tổ chức tại thành phố cảng Đại Liên.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 5,3% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3, mặc dù tốc độ này đã chậm lại đáng kể trong những năm gần đây. Việc đóng cửa và các gián đoạn khác do đại dịch COVID-19 gây ra đã làm trầm trọng thêm tình trạng tăng trưởng suy yếu trong thời gian dài hơn trong khi giới hữu trách trấn áp việc vay quá mức của các nhà phát triển bất động sản, khiến ngành này rơi vào suy thoái.
Ông Lý đã so sánh kinh tế Trung Quốc thời hậu Covid với một người đang hồi phục sau khi bị bệnh nặng và cần điều chỉnh dần dần. Ông nói, Bắc Kinh đang hỗ trợ quá trình phục hồi bằng các công cụ như nâng cấp công nghiệp và hỗ trợ cho "nền kinh tế bạc" – các hoạt động kinh doanh nhắm vào dân số già của đất nước – ông nói.


Manila Muốn Đối Thoại Sau Vụ Đụng Độ Giữa Hải Cảnh Trung Quốc và Hải Quân Phi Luật Tân ở Biển Đông


(Hình AP: Các thiết bị thông tin và dẫn đường trên tàu Phi Luật Tân bị hải cảnh Trung Quốc đập phá trong vụ đụng độ ngày 17/6/2024, ở gần Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), Biển Đông. Ảnh do quân đội Phi Luật Tân công bố.)
-Hôm 25/6/2024, Ngoại trưởng Phi Luật Tân, ông Enrique Manalo bày tỏ mong muốn đối thoại với Bắc Kinh sau vụ đụng độ nghiêm trọng ngày 17/6, giữa hải cảnh Trung Quốc và thủy thủ Phi Luật Tân ở Biển Đông.
Trong phiên điều trần công khai ở Thượng Viện, Ngoại trưởng Manalo giải thích Manila hy vọng tổ chức một cuộc họp song phương vào đầu tháng Bảy "để thảo luận cụ thể về những sự kiện gần đây". Ông tin vào "đối thoại và ngoại giao" để giải quyết những sự kiện nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo AFP, Ngoại trưởng Phi Luật Tân khẳng định, Manila "không làm ngơ trước những sự kiện đang xảy ra" và chỉ chấp nhận những giải pháp không gây tổn hại đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia ở Biển Đông.
Lãnh đạo ngoại giao Phi Luật Tân cho biết thêm, hai nước đã thiết lập một nhóm làm việc trong tuần rồi.
Hôm 17/6, các hình ảnh video do quân đội Phi Luật Tân công bố cho thấy, nhiều binh sĩ Trung Quốc trang bị dao, gậy và rìu đã chặn một đoàn tàu tiếp tế dành cho các binh sĩ Phi Luật Tân đồn trú trên một chiếc tàu bị mắc cạn gần Bãi Cỏ Mây, cách quần đảo Palawan của Phi Luật Tân 200 cây số, và xa đảo Hải Nam của Trung Quốc đến hơn 1.000 cây số, nhưng bị Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền.

Hải cảnh Trung Quốc đã leo lên tàu Phi Luật Tân, xô xát với thủy thủ đoàn. Trong vụ này, một thủy thủ Phi Luật Tân đã bị thương, và hải cảnh Trung Quốc đã tịch thu, phá hủy trang thiết bị trên tàu Phi Luật Tân.
Bắc Kinh đã có những phản ứng, cho rằng hải cảnh Trung Quốc đã hành xử một cách "chuyên nghiệp và có chừng mực", quy trách nhiệm sự việc cho Manila. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., hôm Chủ Nhật, 23/6, khẳng định Phi Luật Tân không để "bị hăm dọa" sau sự kiện này.


Tin Thêm Về Nhà Sáng Lập Wikileaks Julian Assange Được Tự Do Sau Khi Đạt Thỏa Thuận Với Tư Pháp Mỹ


(Ảnh AP - Kirsty Wigglesworth, tư liệu: Nhà sáng lập Wikileaks, Julian Assange, tại Tòa án Tối cao, Luân Đôn, thủ đô của Anh Quốc, ngày 1/2/2012.)
-Sau 5 năm bị giam giữ trong một nhà tù được canh phòng nghiêm ngặt nhất nước Anh, hôm 25/6/2024, nhà sáng lập WikiLeaks, ông Julian Assange đã được trả tự do và rời nước Anh, sau một thỏa thuận đạt được với Tư pháp Hoa Kỳ
Từ Hoa Thịnh Ðốn, thông tín viên Guillaume Naudin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) giải thích thêm:
"Từ nhiều tuần qua Tổng thống Mỹ Joe Biden đã để ngỏ khả năng xem xét hủy bỏ cáo buộc nhắm vào Julian Assange, đặc biệt theo yêu cầu của thủ tướng Úc Ðại Lợi Anthony Albanese.

Cho đến hiện tại, theo những cáo buộc mà ông đang bị tòa án Mỹ truy tố, nhà sáng lập WikiLeaks có nguy cơ lãnh án đến 175 năm tù vì đã thu thập và phát tán thông tin về các hoạt động của quân đội Mỹ ở Irak.
Thay vì như thế, theo một thỏa thuận đạt được với Tư pháp Mỹ, Julian Assange sẽ nhận tội với một tội danh duy nhất và sẽ bị kết án 62 tháng tù. Đây chính xác là quãng thời gian mà ông đã trải qua tại Belmarsh ở tây nam Luân Đôn, một trong số các nhà tù được canh phòng chặt chẽ nhất ở Anh Quốc.
Trong 5 năm qua, Julian Assange và những người thân của ông đã nỗ lực hết sức nhằm tránh việc dẫn độ ông sang Mỹ, ít nhất là trên lãnh thổ lục địa Mỹ. Chính vì điều này mà phiên xử sắp tới cho phép xác nhận thỏa thuận, sẽ diễn ra tại vùng lãnh thổ xa nhất nước Mỹ, quần đảo Marianne ở Thái Bình Dương.
Một thẩm phán ở Saipan sẽ phải hợp pháp thỏa thuận trên vào sáng thứ Tư theo giờ địa phương. Sau đó, Julian Assange sẽ trở về Úc Ðại Lợi, quê hương ông, để có thể tận hưởng sự tự do mới có của mình".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét