Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :23/05/2024 - My Loan


Nouvelle-Calédonie : Tổng thống Pháp gặp lãnh đạo các phong trào đòi độc lập Tại Nouvelle-Calédonie hôm nay, 23/05/2024, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiếp xúc với đại diện của « tất cả các phong trào đòi độc lập », nhưng tránh loan báo những bước kế tiếp về dự án sửa đổi thể thức bầu cử tại vùng lãnh thổ hải ngoại này. Chính dự án cải tổ Hiến pháp là nguyên nhân dẫn đến bạo động từ hơn 10 ngày qua, làm 6 người chết, trong đó có 2 hiến binh. Chuyến đi Nouvelle-Calédonie của tổng thống Macron nhằm « nối lại đối thoại, vãn hồi trật tự an ninh ».
<!>
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp các quan chức địa phương ở Nouvelle-Calédonie tại tư dinh của Cao ủy Pháp Louis Le Franc tại Noumea, ngày 23/05/2024. via REUTERS - LUDOVIC MARIN
Thanh Hà
Ngay trong những giờ đầu khi vừa đặt chân đến Nouvelle-Calédonie, tổng thống Pháp đã tiếp xúc với đại diện của phe chủ trương vùng lãnh thổ hải ngoại này vẫn thuộc Pháp. Với phe này, ông Macron cam kết « nhanh chóng đưa ra những quyết định » để chấm dứt khủng hoảng. Tổng thống Pháp cũng cho biết là nếu cần, ông có thể ở lại Nouvelle-Calédonie lâu hơn dự kiến.

Đến cuối ngày, nguyên thủ quốc gia Pháp đã tiếp đại diện của tất cả các phong trào đòi ly khai và khẳng định lại quyết tâm « nối lại đối thoại, tái lập an ninh » cho Nouvelle-Calédonie. Song một cách gián tiếp tổng thống Macron xác nhận rằng « làm dịu tình hình », « đối thoại mang tính xây dựng », « tìm kiếm một giải pháp chính trị » không có nghĩa là phủ nhận nguyện vọng của người dân ở Nouvelle-Calédonie được thể hiện qua ba cuộc trưng cầu dân ý, bác bỏ việc tách rời vùng lãnh thổ hải ngoại này khỏi nước Pháp.

Cũng trong ngày đầu tiên đến Nouvelle-Calédonie, ông Macron đã ghé một trụ sở cảnh sát ở thủ phủ Nouméa. Tại đây, tổng thống Pháp đã mạnh mẽ lên án một « cuộc nổi dậy hoàn toàn chưa từng thấy ». Bạo loạn từ nhiều ngày qua làm 6 người thiệt mạng, trong đó có 2 hiến binh.

Tình hình tại chỗ hôm nay yên ắng hơn hẳn so với những ngày qua. Theo các giới chức địa phương, tính từ ngày 12/05/2024, có 281 người bị bắt giữ, đại đa số là do đập phá các thiết bị công cộng. Tuy nhiên, giới quan sát ghi nhận đây mới chỉ là một sự lắng dịu tạm thời.

Phóng viên của AFP cho biết, ở một số khu đông dân cư thuộc các cộng đồng người Kanak và bản địa, thanh niên vẫn đằng đằng sát khí, sẵn sàng tiếp tục đập phá. Nhiều biểu ngữ của phe đòi độc lập kêu gọi « không khoan nhượng » vẫn được trông thấy. Phe này vẫn một mực bác bỏ dự án cải tổ quy chế bầu cử tại Nouvelle-Calédonie được cho là bất lợi cho các cộng đồng người bản địa.

Nhiều hàng rào vẫn được duy trì để kiểm soát an ninh. Sự hiện diện của cảnh sát, hiến binh được tăng cường tại khu vực thủ phủ Nouméa. Ông Macron loan báo lực lượng 3.000 cảnh sát và hiến binh được điều đến Nouvelle-Calédonie sẽ tiếp tục hiện diện tại đây « khi nào còn cần, kể cả trong giai đoạn diễn ra Thế Vận Hội và Paralympic Paris », nghĩa là cho tới đầu tháng 9/2024. Nhưng tổng thống Pháp không thiên về giải pháp kéo dài tình trạng khẩn cấp tại vùng lãnh thổ hải ngoại này, với điều kiện là ổn định phải được tái lập.

Trung Quốc tập trận bao vây Đài Loan để ''trừng trị'' tân tổng thống Lại Thanh Đức
Ngày 23/05/2024, ba ngày sau khi Đài Loan có tân tổng thống, Trung Quốc thông báo tập trận bao vây hòn đảo để « trừng trị» ông Lại Thanh Đức và các thế lực « đòi độc lập ». Ngay lập tức, bộ Quốc Phòng Đài Loan « lên án mạnh mẽ » cuộc tập trận và cho biết « đã triển khai các lực lượng không quân, hải quân và bộ binh » để đối phó.


Truyền hình Đài Loan thông tin về cuộc tập trận của Trung Quốc xung quanh hòn đảo. Ảnh chụp tại một quán cà phê ở Cơ Long (Keelung), Đài Loan, ngày 23/05/2024. REUTERS - Ann Wang
Thu Hằng
Trong thông cáo, ông Thi Nghị (Li Xi), người phát ngôn Chiến Khu Đông Bộ của quân đội Trung Quốc, cho biết cuộc tập trận mang tên « Liên Kiếm-2024A », kéo dài hai ngày 23-24/05, nhằm « trắc nghiệm khả năng phối hợp chiến đấu thực tế giữa các lực lượng ». Địa điểm được chọn là « eo biển Đài Loan, phía bắc, phía nam và phía đông đảo Đài Loan, cũng như những khu vực quanh các đảo Kim Môn (Kinmen), Mã Tổ (Matsu), Ô Khâu (Wuqiu) và Đông Dẫn (Dongyin) ». Nhiều khu vực chỉ cách đảo Đài Loan khoảng 50 km.

Theo ông Thi Nghị, cuộc tập trận này là « biện pháp trừng trị nghiêm khắc đối với những hành động của lực lượng « đòi độc lập » cho Đài Loan và là lời cảnh cáo cứng rắn cho hành vi can thiệp và khiêu khích của các thế lực nước ngoài ». Hải cảnh Trung Quốc cũng thông báo « tập huấn gìn giữ hòa bình » ở gần các đảo Ô Khâu và Đông Dẫn của Đài Loan.

Khi ông Lại Thanh Đức chính thức nhậm chức tổng thống Đài Loan, Bắc Kinh đã đe dọa « trả đũa » và cáo buộc phát biểu của lãnh đạo chính quyền Đài Bắc là « lời thú nhận độc lập cho Đài Loan ».

Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 23/05, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc yêu cầu Mỹ chấm dứt ủng hộ và cổ vũ các "lực lượng đòi độc lập" cho Đài Loan. Ông Uông Văn Bân cũng khẳng định cuộc tập trận quanh Đài Loan là « hoạt động cần thiết và hợp pháp ».

Trả lời Đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV, giáo sư Trương Thỉ (Zhang Chi), Đại học Quốc Phòng Bắc Kinh, nhận định cuộc tập trận nhằm mục đích « phong tỏa kinh tế đối với hòn đảo » bằng cách « bóp nghẹt » cảng Cao Hùng có ý nghĩa chiến lược đối với Đài Loan, « cắt đường nhập khẩu năng lượng quan trọng cho Đài Loan » và « cản trở viện trợ mà một số nước đồng minh của Hoa Kỳ cung cấp cho lực lượng ly khai Đài Loan ».

Đài Loan lên án « hành vi gây hấn phi lý của Trung Quốc »
Tổng thống Lại Thanh Đức khẳng định « Đài Loan sẽ bảo vệ những giá trị tự do và dân chủ ». Còn bộ Quốc Phòng Đài Loan khẳng định không muốn xảy ra xung đột, nhưng « không do dự đối đầu », đồng thời « lên án mạnh mẽ hành vi gây hấn phi lý của Trung Quốc làm tổn hại cho hòa bình và ổn định trong vùng ». Bốn chiến đấu cơ được điều từ căn cứ Tân Trúc (Hsinchu) cách Đài Bắc khoảng 60 km để theo dõi. Lực lượng tuần duyên Đài Loan cũng triển khai đội tàu, đồng thời liên tục phát loa yêu cầu tầu Trung Quốc rời khỏi khu vực.

Phản ứng về cuộc tập trận của Trung Quốc, bộ Ngoại Giao Hàn Quốc cho rằng « hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan cần được bảo đảm ». Úc thì quan ngại là cuộc tập trận quy mô lớn của Trung Quốc « có nguy cơ gây tai nạn hoặc làm leo thang căng thẳng ».

Hoa Kỳ tố Nga triển khai vũ khí không gian trên cùng quỹ đạo với vệ tinh Mỹ

Ngày 21/05/2024, Washington cáo buộc Matxcơva triển khai vũ khí không gian trên cùng quỹ đạo với vệ tinh của chính phủ Mỹ. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Nga và Hoa Kỳ liên tục tố cáo nhau quân sự hóa không gian trong những tháng gần đây, bất chấp hiệp ước năm 1967, kêu gọi các nước không phát triển vũ khí hạt nhân hoặc bất kỳ loại vũ khí nào khác trên quỹ đạo.


Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo công ty không gian Roscosmos Yuri Borisov đến thăm công ty Tên lửa và Không gian "Energia" ở vùng ngoại ô Matxcơva, Nga, ngày 26/10/2023. via REUTERS - SPUTNIK
Minh Phương
Trong một cuộc họp báo, tướng Pat Ryder, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết hôm 16/05 Nga đã phóng vũ khí không gian vào quỹ đạo thấp của Trái đất “trên cùng quỹ đạo với vệ tinh của chính phủ Mỹ”. Ông tin rằng vũ khí này có khả năng tấn công các vệ tinh khác ở cùng quỹ đạo và khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, cũng như chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ lợi ích của mình.

Về phần mình, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov đã từ chối bình luận về thông tin nói trên, nhưng nhấn mạnh : "Các hành động của chúng tôi hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế, chúng tôi không vi phạm bất cứ điều luật nào. Chúng tôi đã nhiều lần ủng hộ lệnh cấm tất cả vũ khí trong không gian, nhưng rất tiếc là những sáng kiến của chúng tôi đã bị các nước bị từ chối, trong đó có Hoa Kỳ.”

AFP nhắc lại hôm thứ Hai 20/05, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã bác bỏ dự thảo nghị quyết của Nga về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân trong không gian, do có bảy quốc gia bỏ phiếu chống, trong đó có Mỹ, Anh và Pháp. Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova khẳng định điều này cho thấy “ưu tiên thực sự của họ không nhằm mục đích bảo vệ không gian khỏi bất kỳ loại vũ khí nào, mà là đặt vũ khí vào không gian và biến nó thành nơi đối đầu quân sự”. Trong khi đó, phó đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Robert Wood thì tố cáo sáng kiến trên của Nga chỉ nhằm đánh lạc hướng và "thao túng ngoại giao".

Luân Đôn tố Trung Quốc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga

Bộ trưởng Quốc Phòng Anh Grant Shapps, ngày 22/05/2024, khẳng định Luân Đôn « có bằng chứng là Nga và Trung Quốc cộng tác » trong việc chuyển giao thiết bị chiến đấu để gửi đến chiến trường Ukraina. Theo bộ trưởng Quốc Phòng Anh, tình báo Anh và Mỹ có thông tin về hoạt động này. Tuy nhiên, Nhà Trắng thận trọng trước những tuyên bố của Luân Đôn.


Ảnh tư liệu: Bộ trưởng Quốc Phòng Anh Grant Shapps. © Facebook / Grant Shapps
Thanh Hà
Hãng tin Pháp AFP trích dẫn lời bộ trưởng Quốc Phòng Anh Grant Shapps tại một hội thảo về quốc phòng tổ chức tại Luân Đôn, cho rằng đã đến lúc Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO « cần thức tỉnh », cần « tăng chi phí quốc phòng ». Tình báo Anh và Mỹ « có thể tiết lộ thông tin » về việc Trung Quốc đang chuyển giao thiết bị sát thương cho Nga để sử dụng trên chiến trường Ukraina.

Theo bộ trưởng Quốc Phòng Anh, các quốc gia dân chủ cần « bảo vệ mạnh mẽ » các quyền tự do vì một trật tự quốc tế. Điều đó có nghĩa là NATO cần « có thêm đồng minh và đối tác trên toàn cầu », « cần có những phương án và tiềm lực thực thụ (…) để tăng cường khả năng răn đe chung ».

Cố vấn An Ninh Quốc Gia của tổng thống Mỹ, ông Jake Sullivan tuy nhiên có vẻ thận trọng trước những tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Anh. Nhà Trắng vẫn nói đến « khả năng » Trung Quốc trực tiếp cung cấp vũ khí, hỗ trợ Nga về các phương tiện sát thương », nhưng « cho tới nay » Hoa Kỳ chưa có bằng chứng cụ thể . Ông Sullivan nói thêm là Washington « quan ngại trước việc Trung Quốc nuôi dưỡng cỗ máy chiến tranh của Nga, không trực tiếp cung cấp vũ khí (cho Matxcơva), nhưng hỗ trợ cho nền công nghiệp quốc phòng của Nga ».

Phần Lan và Litva đòi Nga giải thích về dự án « điều chỉnh » biên giới ở biển Baltic

Theo một dự án của bộ Quốc Phòng Nga được tiết lộ trên trang mạng của bộ này ngày 21/05/2024, Matxcơva muốn mở rộng lãnh hải, « điều chỉnh lại đường biên giới trên biển với Phần Lan và Litva trong vùng biển Baltic ». Helsinki và Vilnius cùng coi đây là « một quyết định đơn phương, một hành động mới trong cuộc chiến hỗn hợp » mà chính quyền Vladimir Putin đang tiến hành.


Bản đồ biển Baltic. © Wikimedia
Thanh Hà
Bộ Ngoại Giao Litva hôm qua đã « triệu đại diện ngoại giao của Nga lên để yêu cầu giải thích » về kế hoạch nói trên ( Từ tháng 4/2022, Vilnius đã trục xuất đại sứ Nga tại Litva sau vụ thảm sát tại thành phố Bucha, cách không xa thủ đô Ukraina ). Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis xem đây là một phần của « cuộc chiến hỗn hợp đang được tiến hành, gây sợ hãi và hoang mang về những ý đồ của Nga ở vùng biển Baltic ».

Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen cho biết sẽ « theo dõi sát tình hình » do chưa có « thông tin chính thức » từ phía Matxcơva. Bà nhắc lại « Nga là thành viên Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Helsinki chờ đợi Matxcơva tuân thủ bản Công Ước đó ». Ngoại trưởng Phần Lan đồng thời cho rằng « gây hiểu nhầm cũng nằm trong ý đồ của một cuộc chiến hỗn hợp, và Phần Lan sẽ không để bị lung lạc ».

Hãng tin Pháp AFP cho biết theo một dự án được « quyết định » và được « tiết lộ » trên trang mạng của bộ Quốc Phòng Nga, Matxcơva đòi « điều chỉnh » ranh giới ở vùng biển Baltic và theo quy định mới, một phần hải phận của Phần Lan và Litva sẽ nằm dưới « sự kiểm soát của Nga ». Theo tài liệu nói trên, Nga chủ trương điều chỉnh các đường « biên giới của Nga ở khu vực tây Kaliningrad và khu vực đông vịnh Phần Lan » và « trên nguyên tắc quyết định mới sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2025 ».

Theo giải thích của Matxcơva, đây là điều « cần thiết », do những tọa độ địa lý đã được dùng để phân định các đường ranh giới từ cuối thế kỷ 20 « không còn hoàn toàn phù hợp với tình hình địa lý hiện tại ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét