Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2024

THÍCH PHỔ TUỆ: VỊ THÁNH TĂNG CỦA THỜI ĐẠI - Thiện Quả Đào Văn Bình


Viên Minh Tự hay còn gọi là Chùa Giáng, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội là nơi Đức pháp chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ tu hành.

Hiện nay Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam có khoảng 44,000 tăng ni, 15,000 ngôi chùa, tịnh xá, tịnh thất và niệm Phật đường. Với sự phát triển rộng lớn và mau chóng như thế không sao tránh khỏi việc quản lý nhân sự lỏng lẻo, giới luật không nghiêm minh. Việc Phật Giáo sống lại trong lòng dân tộc giữa lúc kinh tế phát triển đưa tới việc một số rất đông Phật tử vãn cảnh chùa, lễ chùa và cúng chùa. Những số tiền khổng lồ đổ vào chùa đã nảy sinh lòng tham nơi tăng ni. Việc tiếp xúc rất tự nhiên giữa tín đồ và tăng ni có thể phá hỏng giới luật. 
<!>
Cộng thêm với việc sử dụng máy điện tử, iphone trong riêng tư khiến tu sĩ có thể tiếp cận với những điều ô trược. Ngoài ra, người ta lợi dụng việc “hiện đại hóa Phật Giáo” để phá hỏng giới luật và là cái cớ để sống đời buông thả. Chính vì thế mà một số tai tiếng đã xảy ra cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Trong chốn riêng tư, tôi có tâm sự với một vài đạo hữu rằng nếu 44,000 tăng ni kia đều hư hỏng thì đạo Phật diệt.

Nhưng trong số 44,000 đó chỉ cần có một hai thánh tăng thôi…thì đạo Phật còn. Mà chúng ta cũng không thể kỳ vọng 44,000 ngàn con người kia đều trở thành thánh tăng hay thánh ni mà chỉ mong sao họ giữ nghiêm giới luật và sống đúng với cuộc sống của một vị xuất gia như lời dạy của Đức Phật. Một tôn giáo bị hủy diệt có rất nhiều nguyên do. Nhưng nguyên nhân ghê gớm nhất mà không thể cứu vãn đó là…đi ngược với thời đại và sư hư đốn của tu sĩ. Khi tu sĩ hư đốn nó sẽ bị nhìn một cách khinh bỉ, tín đồ sẽ bỏ đi hoặc đi tìm một đạo khác từ đó đạo suy tàn hoặc đẻ ra một tôn giáo khác, giống như Phản Thệ Giáo (Protestant) tách ra từ việc phản đối Thiên Chúa Giáo.

Một tôn giáo muốn tồn tại lâu dài phải có thánh tăng tiêu biểu, phải có các nhà nghiên cứu, học giả, cư sĩ uyên bác phụ trợ…triển khai giáo lý của Đức Phật trong cuộc sống, trên các diễn đàn quốc tế và cả trên địa hạt văn chương, nghệ thuật.

Chính vì những lý do trên mà tôi có ý tìm hiểu xem vị đang đứng đầu hay tiêu biểu cho Phật Giáo Việt Nam bây giờ là ai. Xin cám ơn hệ thống liên mạng toàn cầu (Internet) và những trang tin Phật Giáo ở trong nước mà tôi được biết tới Đức Pháp Chủ Thích Phổ Tuệ. Tôi còn nhớ có một lần ban đạo từ cho một số tăng ni, Ngài có nói rằng, “Mình giảng dạy tín đồ mà không có Giới-Đinh-Tuệ thì giảng dạy ai?” Tôi thật cảm khái khi nghe lời giảng dạy này và có chia xẻ với một vài đạo hữu rằng, “Đây đúng là bậc chân tu”. Mình không biết võ mà đi dạy võ à? Mình không có học (mù chữ) mà đi dạy học à? Mình còn ham tiền mà dạy Phật tử bỏ tham à? Mình còn ham tiền thì phải dạy Phật tử rằng tiền tốt lắm các đạo hữu ạ. Chúng ta cần phải tìm cách kiếm cho nhiều tiền. Do đó, nếu có can đảm đứng trên bục mà thuyết pháp thì đó chỉ là lừa mị và nói dóc. May nhờ bài phỏng vấn của Chu Minh Khôi cách đây ba năm do báo Giác Ngộ thực hiện và được đăng lại trên Thư Viện Hoa Sen ngày 11/1/2020 tôi được biết thêm về cuộc đời của Ngài.

Đức Thích Phổ Tuệ sinh năm 1917, xuất gia lúc 5 tuổi với người cô. Cuộc đời của Ngài là một trang sử bi thương của dân tộc dưới thời Thực Dân Pháp và những điêu tàn, đổ vỡ trong cuộc chiến chống Thực Dân Pháp 1945-1954, “Gần như cả cuộc đời tu hành của tôi là kinh qua các cuộc chiến tranh, pháp nạn. Những năm kháng chiến chống Pháp, toàn bộ sơn môn bị giặc Pháp đốt hết. Cứ dăm bữa, nửa tháng chúng lại đến càn quét, đốt phá. Làng mạc điêu tàn, chùa chiền sụp đổ. Nhưng tôi xác định, nếu không bám trụ, kiên trì ở lại, không duy trì thì tan nát hết. Cho dù biết rằng ở lại có thể chết, mà ra đi, như một vài huynh đệ của tôi, thì cũng không thể quay về. Mỗi lần chạy loạn đi đâu thì tôi cũng luôn mang theo bên mình những tài sản tinh thần, lịch sử của chư Tổ. Thà chết thì tôi cũng giữ, vì vẫn tin rằng rồi sẽ có cơ phục hồi.”

Thế nhưng Bồ Đề tâm vẫn kiên cố, Ngài quyết tâm theo Phật và giữ gìn di sản của chư tổ, “Hòa bình lập lại ở miền Bắc, mình tôi trở về nhìn cảnh tan nát mà lòng xót xa, nhưng phải xây dựng lại để nối dòng sơn môn Đa Bảo. Những năm đầu, người ta tổ chức cho dân đi các khu kinh tế mới. Dân ở lại cũng toàn người nghèo, ai cũng phải bươn chải để kiếm sống, làm gì có tiền hay lương thực đem đến cúng chùa. Chúng tôi tự cày cấy làm ăn, đồng thời tham gia các công việc xã hội, việc làng nước. Tôi trực tiếp tham gia giảng dạy các lớp bình dân học vụ, rồi hộ đê, cứu đê, chống lũ lụt. Việc gì tốt thì làm.”

Ngày nay chúng ta nếu có xuất gia thì đã có đại học nguy nga, xe hơi đưa đón, lớp học khang trang, đồ ăn Phật tử cúng dường trăm món, quần áo đâu phải lo, đâu phải cày cấy để nuôi thân? Tốt nghiệp rồi thì ở chùa đầy đủ tiện nghi, truyền hình, máy điện tử, iphone, ipad…nệm ấm chăn êm. Tăng ni ngày nay so với Phật thì sướng gấp trăm lần, so với sự khổ cực của chư Tổ ngày xưa mà rơi nước mắt. Tăng ni phải nhìn vào cuộc sống của Ngài Thích Phổ Tuệ mà tu hành, giữ nghiêm giới luật và không sống dựa vào tiền bạc cúng dường của chúng sinh. Tám mươi tuổi mà Ngài vẫn trồng rau, cày cấy để nuôi thân và không đụng chạm tới tiền bạc của đàn na thí chủ. “Tôi trụ thế đến nay 99 năm, ở chùa 94 năm, thụ Đại giới được 78 năm, nghiệp là tu hành, nuôi thân thể chủ yếu bằng nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, một đồng tiền của tín thí thập phương.” Thật hi hữu, thật chân tu, khổ hạnh! Thánh tăng chính là đây.

Hiện nay trong giới tu hành, người ta vẫn còn tranh nhau chức vị. Thế nhưng Ngài đã xa lìa được hình danh, sắc tướng, địa vị của cõi người. Chúng ta hãy nghe Ngài nói, “Suốt đời tôi chỉ mong được niệm Phật, cầu kinh, không mong cầu danh lợi. Tôi tự thấy mình chưa có công đức gì nhiều đối với Giáo hội, nhưng các vị trong Giáo hội nước ta lại ép, đưa tôi lên ngôi Pháp chủ. Lẽ ra, ngôi vị Pháp chủ chỉ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có đầy đủ phúc đức, trí tuệ nắm giữ. Miễn cưỡng ngồi lên ngôi cao, đó không phải là phước mà là cái họa cho chúng tôi. Xin các vị đừng gọi tôi là Pháp chủ mà hãy cứ nhìn tôi như một lão tăng thanh bần sống trong ngôi chùa làng là tôi mãn nguyện.”

Có một điều cần phải bàn một cách nghiêm túc ở đây đó là “Pháp Chủ” nghĩa là gì? Pháp chủ là người đứng đầu một tôn giáo bao trùm lên tất cả các giáo hội tức là Phật hay là người đứng đầu một giáo hội? Tại Chùa Tam Chúc có Điện Pháp Chủ để thờ Phật Thích Ca thì hiển nhiên Phật Thích Ca là đấng pháp chủ. Do đó dùng hai chữ “pháp chủ” cho một người đứng đầu Hội Đồng Chứng Minh của một giáo hội là không ổn. Như Ngài đã nói ở trên, danh xưng Pháp Chủ chỉ để dành cho Phật mà thôi. Do đó mà Giáo Hội PGVN Thống Nhất trước đây đã dùng danh từ Tăng Thống đã có từ thời Nhà Đinh để gọi vị đứng đầu giáo hội này. Còn bên Căm Bốt thì gọi là Vua Sãi. Do đó Giáo Hội PGVN có thể dùng: Đức Tăng Thống Thích Phổ Tuệ- Chủ Tịch Hội Đồng Chứng Minh hay Đức Giáo Trưởng/Trưởng Lão Thích Phổ Tuệ- Chủ Tịch Hội Đồng Chứng Minh…có lẽ ổn thỏa hơn.

Vấn đề sau cùng là giới luật. Là Phật tử sơ cơ tại gia, tôi vẫn bảo thủ quan điểm cho rằng giới luật là sinh mệnh của đạo Phật, là danh dự, phẩm giá, là thước đo của người tu hành. Lời di huấn tha thiết cuối cùng của Đức Phật trước khi nhập diệt tại rừng Sa La là, “Khi ta nhập diệt rồi thì các thầy phải giữ gìn giới luật như khi ta còn sống vậy.” Và chúng ta hãy nghe Đức Thích Phổ Tuệ nói, “Việc duy trì luật lệ trong từng sơn môn có phần lơi lỏng, đó là nguyên nhân khiến một bộ phận Tăng Ni không được kiềm thúc vào khuôn khổ, xa rời giới luật.” Từ đó đi đến hậu quả, “Tôi đọc báo thấy phê phán một số nhà tu đã phóng dật, sống buông thả theo thế gian chứ không phải tu. Tu là gì? Là sửa chữa những tai hại, sai lầm cho mình và cho người. Việc uống bia rượu, sống xa hoa với người tu hành là không nên. Người xuất gia nếu không dụng công tu tập thì chỉ là người tại gia ở chùa. Kính mong quý vị Tăng Ni nếu thấy mình không có đủ sự tinh tấn tu trì thì nên xả giới hoàn tục, kẻo lâm chung đọa vào ba nẻo ác.”

Tôi đồng ý với Đức Tăng Thống Thích Phổ Tuệ, ai cảm thấy không giữ gìn được giới luật, còn ham muốn tiền bạc, xác thịt, còn muốn ca hát, vui chơi, nhảy múa… thì nên cởi áo Như Lai, về nhà lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, buôn bán làm giàu. Chứ còn ở lại, mặc áo Phật mà lén lút phạm giới tức phỉ báng Phật, làm ô uế tăng/ni đoàn và làm mất niềm tin nơi Phật tử và làm xấu đạo Phật trước con mắt của nhân gian.

Lời nói sau cùng của Ngài mà tôi vô cùng cảm kích đó là, “Tuổi thọ không phải là thước đo giá trị của đời người. Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho Đời, cho Đạo.” Ôi cao cả thay lời nói! Phật Giáo Việt Nam thật may mắn có một vị thánh tăng như vậy.

Tôi vẫn quan niệm rằng một vị sư cho dù có tiến sĩ Phật học, cả ngàn đệ tử đi theo, phát hành cả trăm băng đĩa, có giải thưởng này kia nhưng vẫn chỉ là danh tăng hoặc giảng sư tăm tiếng chứ chưa phải là thánh tăng. Thánh tăng phải được xét bằng đạo hạnh, bằng sự chứng đắc thể hiện qua lối sống. Thánh tăng đức độ tỏa sáng, không lầm lỗi mà ai cũng thấy. Cuộc sống tu hành của thánh tăng luôn luôn giản dị, khiêm tốn, xa lìa được tất cả cám dỗ của cuộc đời. Thánh tăng sống ở chốn trần lao mà tâm đã là tâm Phật và tâm giải thoát.

Chùa Giáng (Chùa Viên Minh) ngôi chùa đơn sơ, cổ kính, nghèo nàn, không hề thấy trang trí bất cứ một loại máy móc gì của thời hiện đại. Tôi chưa từng thấy một ngôi chùa nào mà lại nghèo, khiên tốn như vậy, trong khi nó là chỗ ở của một vị đứng đầu cả một giáo hội to lớn. Chỉ có tâm Phật hay tâm Bồ Tát mới chấp nhận tu hành ở một ngôi chủa như vậy.

Rồi mai đây và có thể ngày mai Đức Thích Phổ Tuệ sẽ thị tịch. Ngôi Chùa Giáng ở Hà Tây cần phải được Giáo Hội sửa sang, trùng tu lại và biến nó thành một khu di tích lịch sử. Tháp miếu thờ Đức Thích Phổ Tuệ phải được dựng xây để tăng ni, Phật tử tới đây chiêm bái. Để thấy đây là một vị thánh tăng có thật trong thời kỳ vô cùng nhố nhăng, cám dỗ, hư hỏng, giả dối của con người. Và cũng cho nhân loại thấy, pháp Phật là pháp đào tạo ra những con người phi phàm, chứ không phải tầm thường như người ta nghĩ.

Con xin đảnh lễ Đức Tăng Thống/Đức Trưởng Lão Thích Phổ Tuệ. Và dù ở xa vạn dặm và không có cơ duyên gặp mặt, con xin được làm đệ tử của Ngài. Nếu kiếp sau, Ngài có tái sinh để tu hành thêm một kiếp nữa để thành Phật thì con xin làm thị giả cho Ngài.

Thiện Quả Đào Văn Bình
(California ngày 12/1/2020)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét