Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2024

Thằng Thời - Trường Sơn Lê Xuân Nhị


Ngày xưa, ở Ban Mê Thuột, trước nhà tôi, trong cái xóm nhỏ gọi là xóm đạo, có tay kia tên là Thời, cũng bặm trợn lắm chứ chẳng hiền lành gì. Thằng Thời thích chơi với tôi và tôi cũng thích chơi với nó vì cả hai thằng đều con nhà nghèo và đều có chút tánh khí ngang tàng trong người. Thằng Thời lớn hơn tôi cỡ chừng vài tuổi gì đó, nhưng không hiểu tại sao chúng tôi nói chuyện với nhau lại xưng mày tao, và mỗi lần nhắc tới Thời thì thiên hạ ai cũng đều gọi nó là thằng Thời. Có lẽ, khi một thằng con trai đã sinh ra trong một gia đình nghèo thì thiên hạ có quyền muốn gọi bằng bất cứ danh từ gì cũng được.
<!>
Gia đình thằng Thời người gốc Bình Định, ăn nói nghe hơi "lọa" tai nên chúng tôi thỉnh thoảng còn gọi nó là Thời nẩu. Cái tiếng Thời nẩu này chỉ có mình tôi dám gọi, những đứa khác trong xóm mà vô ý gọi như thế là sẽ bị cú đầu liền.

Gia đình thằng Thời rất nghèo. Nhà tôi tuy nghèo nhưng dù sao thì cũng còn được cắp sách đi học và có cơm ăn áo mặc, dù không phải là loại mắc tiền nhưng cũng không đến nổi vá chùm vá đụp, lu gạo trong nhà ít khi cạn láng. Nhưng nhà thằng Thời thì nghèo đến độ phải chạy cơm từng bữa, con cái chẳng được đi học, không có cả quần áo tươm tất để mặc, mấy anh em mặc quần áo vá chùm vá đụp coi rất thảm thương.

Ba thằng Thời làm phu khuân vác ngoài chợ. Nói là phu khuân vác cho sang nhưng thật ra thì hễ ai cần bất cứ việc gì, từ việc khuân vác cho đến việc gánh phân heo, ba nó đều làm tuốt. Má thằng Thời cũng đi làm hay đi ở nhà nào đó không biết mà sáng sớm ra đi mãi cho đến tối mịt mới trở về. Thằng Thời ở nhà coi hai đứa em. Lâu lâu ba thằng thời về nhà, miệng toàn mùi rượu, đi đứng nghiêng ngả và ca hát om xòm. Ông hát nhiều bài nhưng chỉ có một bài bọn tôi thích nhất là bài (xin quí vị lượng thứ cho danh từ tục tỉu) "Ăn L... giăng phăng" vì nó là tiếng Pháp, lời nghe ngộ nghỉnh như sau: "Ăn L... giăng phăng đờ la Ba Trí à..." Mãi sau này tôi mới biết đó là bài quốc ca La Marseillaise của Pháp, bắt đầu bằng câu: "Allons enfants de la patrie, le jour de gloire est arrivé..." Nghe ông ca như thế, đàn ông thì ôm bụng cười khoái chí, còn đàn bà thì nhăn mặt khó chịu, bảo chú Bảy "Hát hò gì mà dô duyên tục tỉu." Mỗi lần bọn con nít chúng tôi gặp ba thằng Thời, đều chạy theo năn nỉ: "Chú Bảy, chú Bảy hát bài... ăn L... cho tụi con nghe đi." Thôi, tôi kể lại, xin quí vị đừng chấp chúng tôi, chuyện con nít mà....

Nhưng chú Bảy không bao giờ hát khi tỉnh táo, ông chỉ lầm lầm lì lì.

Được cái là ba thằng Thời, dù có tật rượu chè nhưng khi uống rượu say về nhà thì chỉ hát hò, không bao giờ la mắng hay đánh đập vợ con như nhiều người Việt Nam khác. Đúng ra, chú Bảy rất thương mấy đứa con của chú. Hôm nào ông làm được ra tiền thì thế nào cũng đem về mấy ổ bành mì thịt, hay gói xôi, hay củ khoai, hay con khô mực (có lẽ để dành từ bàn nhậu) cho con cái ăn. Nhưng cũng có vài khi, cả đêm ba má nó không về, bỏ 3 anh em ở nhà bị đói meo râu. Thằng Thời thương em, tự động đi kiếm củi nấu cơm cho các em ăn. Có khi hết gạo, nó qua nhà tôi mượn gạo. Hồi đó chưa có mì gói cho nên nấu một nồi cơm bằng củi không phải là chuyện đơn giản. Vào lúc mùa mưa củi ướt, có khi nó lục đục tới khuya mới nấu chín được nồi cơm. Anh em chúng nó ngồi quây quần ăn cơm trên nền đất với chén nước mắm, dưới ngọn đèn dầu leo lét, coi thấy vừa tội nghiệp và lại vừa dễ thương đầm ấm, chan chứa tình người làm sao.

Nhà nó là chỉ là một cái chòi nhỏ vách bằng ván, cũng vá chùm vá đụp như áo quần của anh em thằng Thời. Nhà lợp mái tôn, lại cũng là thứ tôn cũ đi lượm ở đâu về, cái dài cái ngắn, cái đen cái trắng, cũng vá chùm vá đụp lên nhau cũng như vách ván. Nền nhà bằng đất nên mùa mưa thì đi trong nhà mà như lội bùn và mùa hè thì bụi tung mù, làm thằng Thời lâu lâu phải sách nước tạt xuống cho đỡ bụi. Trong nhà độc nhất chỉ có một cái giường tre, một cái bàn nhỏ cũ kỹ chắc lượm ở đâu đem về, mấy cái ghế cao thấp không bằng nhau, một cái tủ đựng chén bát, một cái bếp nhỏ và một hủ gạo. Sau nhà là một thùng phuy nước cho cả gia đình tắm gội, giặt giũ.

Hồi đó tôi rất thích qua nhà thằng Thời chơi, dù nhà nó chẳng có gì. Có lẽ tôi thích qua nhà nó chơi vì thằng Thời có nhiều tài vặt. Hình như, trời thường đãi những thằng con nhà nghèo bằng những cái tài đặc biệt mà bọn nhóc con nhà giàu không thể có được.

Cái tài đầu tiên của thằng Thời là tài chơi đánh trỏng. Không biết ai còn nhớ trò chơi đánh trỏng ở Việt Nam mình không. Trò chơi rất đơn giản gồm 2 khúc cây, một dài một ngắn. Trước khi chơi, người ta khoét một cái lỗ nhỏ trên mặt đất rồi để khúc cây nhỏ nằm nửa trong nửa ngoài cái lỗ này. Khi đánh vào phần đuôi của cây gỗ nhỏ này, nó sẽ văng lên cao và người chơi sẽ đánh vào khúc cây vừa bay lên. Ai đánh cho nó đi xa nhất thì người đó thắng.

Trò chơi đánh trỏng coi rất đơn giản nhưng rất khó và nếu chơi thì rất mê vì khi đánh được khúc cây nhỏ từ dưới đất lên cao, người chơi khó mà đánh trúng được nó. Riêng tôi, đánh 10 lần thì bị hụt đến 9 lần, và nếu có đánh trúng thì cũng khó mà đánh cho xa được.

Riêng thằng Thời thì khỏi nói. Nó khum người, gõ một phát cho cây gỗ nhỏ tung lên cao. Thay vì quất một phát vào lưng khúc gỗ, nó còn gõ vào khúc cây hai ba cái như người ta nhồi một trái banh trong tay rồi mới nghiến răng quất một phát thật là chính xác và thật mạnh. Nhiều khi, nó đánh xa quá, khúc cây trỏng văng mất tiêu, không ai kiếm ra được...

Thằng Thời còn có tài kể chuyện. Không hiểu nó nghe được ở đâu vì nó không biết đọc, nhưng những chuyện trong Tam Quốc Chí như Quan Công Phò Nhị Tẩu, Lã Bố hí Điêu Thuyền, Tào Tháo rượt Lưu Bị, Triệu Tử Long đại phá quân Tào như thế nào nó kể nghe rất hay và hấp dẫn. Kể hoài và kể nhiều thì lâu lâu cũng bị bí. Khi nào bí quá thì anh chàng lại tự phịa ra thêm để tiếp tục kể cho chúng tôi nghe. Tôi biết nó phịa vì sau này lớn lên đọc Tam Quốc Chí, tôi tìm mãi chẳng thấy có khúc nào đã xảy ra như lời nó kể ngày xưa. Có điều là, chuyện nó phịa mà tình tiết cũng lâm ly hấp dẫn chẳng khác gì chuyện Tam Quốc thật. Thế mới tài.

Thằng Thời còn có tài làm diều. Muốn làm diều thì phải có keo nhưng nhà thằng Thời làm gì có cho nên nó phải "cộng tác" với tôi vì tôi đi học, luôn luôn có keo sẵn trong cặp táp. Chúng tôi mỗi đứa dán một cái diều và trăm lần như một, diều của thằng Thời luôn luôn là đẹp hơn và nhẹ hơn nên luôn luôn bay cao hơn tôi.

Nhờ thằng Thời, tôi mới biết là muốn thả diều phải chờ cho đến lúc có gió to. Một hôm tôi ôm diều sang nhà nó rủ nó đi thả diều. Thằng Thời cười bảo làm gì có gió cho mày đi thả diều mà đòi. Tôi ngây thơ, dốt mà lại có cái đầu cứng như đá cho nên bảo nó:
-Mày không đi với tao thì tao đi một mình.

Thế là tôi quyết định đem diều ra thả. Thằng Thời đi theo, miệng cười cười. Tôi cầm diều chạy lên chạy xuống con đường đất, chạy chậm rồi đến chạy mau, chạy muốn xịt ... nước ra đít mà con diều thổ tả nhất định không chịu bay lên cao, cứ lên được một chút, nhưng hễ tôi ngừng chạy là con diều lại rớt ngay xuống đất, ngay trước mặt tôi. Cuối cùng, tôi phải chịu là nó đúng. Tôi xé nát con diều (mà không xé thì nó cũng đã gần nát như tấm giẻ rách rồi) giận dỗi bỏ về, nghe tiếng cười hềnh hệch của thằng Thời phía sau lưng mình....

Trên trái đất này, nếu có thằng bé con ngu dốt nào cứ đòi thả diều lúc không có gió ấy chính là thằng Nhị đen cứng đầu ngu dốt ở Ban Mê Thuột....

Thằng Thời còn có tài đá dế và bắt dế. Năm nào cũng thế, hễ mùa dế tới thì cu cậu bận rộn tưng bừng và xu hào rủng rỉnh.

Mùa đá dế, mỗi buổi chiều, sau khi đi học về, vừa quẳng cặc táp xuống là tôi phóng qua nhà thằng Thời để... coi dế và theo nó đi đá dế. Dân nhà quê chúng tôi có những thú giải trí mà dân thành phố không bao giờ có được, đá dế là một thí dụ.

Một trận đá dế cũng hào hứng chẳng kém gì một trận đá gà hay một trận đánh võ. Trước khi đấu, chúng tôi thường đem dế ra khoe rồi cạp độ. Khi thì cá độ bằng tiền, một đồng, hai đồng, khi thì chỉ một cây kẹo hoặc cây bút chì, cục gôm. Nghĩa là có thứ gì trong tay thì cá thứ đó.

Thằng Thời cho tôi làm phụ tá... đá dế. Nó sai gì tôi làm đó. Chúng tôi luôn luôn mỗi đứa cầm hai cái lon. Một cái lon dành để chứa dế đá, cái kia dùng để chứa dế bán.

Trước khi đá, minh chọn một cái lon nhỏ làm đấu trường. Sau đó, dùng tóc móc vào đầu con dế mình rồi quay nó vài chục vòng cho nó say, phun nước bọt vào cho con dế say thêm... nước miếng. Liệu chừng dế đã say rồi thì có thể thả nó vô "Đấu trường", tiếp tục dùng sợi tóc gấp làm đôi ngoáy ngoáy vào mặt nó, chọc cho nó điên lên. Khi dế bắt đầu vỗ cánh lên, nhe nanh ra và hí lên ren rét, ấy là lúc có thể thả đối thủ phía bên kia vào được...

Đá gà ra sao thì tôi không biết nhưng đá dế thì hào hứng lắm. Hai con dế rống lên, phóng vào nhau, vừa cắn vừa đạp loạn xạ. Khi con nào quay đầu bỏ chạy tức là con đó bị thua. Cũng đôi khi có con bị cắn đứt ruột hay đứt đầu, coi cũng ghê gớm lắm.

Thường thì một trận đấu kéo dài chỉ chừng chục giây đồng hồ là cao lắm, nhưng chuẩn bị cho nó đá thì mất rất nhiều thì giờ và công sức. Công sức bắt đầu từ lúc đi bắt dế, nuôi dế, chọc cho dế tức vân vân và vân vân...

Tôi không hiểu thằng Thời đi rình ở đâu mà mỗi ngày bắt về chừng chục con dế lửa, loại to con và chiến nhất thế giới. Thằng Thời đá dế nổi tiếng xóm tôi, không ai hạ được. Và cứ đến mùa dế, như đã nói, thằng Thời tiền bạc luôn luôn rủng rỉnh vì nhờ bán dế. Hồi đó, tôi nhớ mãi, thuốc lá Ruby người ta bán 3 đồng 4 điếu mà thằng Thời bán có con dế có khi được tới 5 đồng một con. Mỗi ngày bán được vài con là cu cậu có quyền cà rem kẹo bánh vi vút và tôi cũng được hưởng ké.

Tại sao lại có chuyện 3 đồng 4 điếu Ruby vào đây? Xin thưa, một lần, bán được mấy con dế được gần 10 đồng, thằng Thời ra tiệm "bà Quán" bỏ ra 3 đồng mua 4 điếu thuốc lá Ruby. Tôi hỏi nó mày biết hút thuốc à, thằng Thời trả lời, "Không, tao mua cho cha tao, tối về hút."

Hồi đó nghe nó nói như thế tôi chẳng nghĩ gì thêm, nhưng sau này nghĩ lại tôi mới thấy phục thằng Thời. Một lần nữa, tôi không biết trên thế giới này có bao nhiêu thằng con trai đi bán dế để ăn kẹo mà còn nghĩ đến cha mình như thằng Thời?

Nhưng ngoài những chuyện đá dế và thả diều trên, thằng Thời còn nổi tiếng là một thằng bặm trợn. Nó đánh nhau gan lì, không thua ai và ai cũng nói thằng Thời có võ. Người Bình Định, nghe nói, ai cũng có chút ít võ nghệ dằn thân. Xóm tôi ai cũng ngán nó nhưng với những người trong xóm, nó hiền khô, không hề bắt nạt ai. Nhưng con nít xóm khác mà đi lạc qua xóm tôi, gặp thằng Thời mà ăn nói lạng quạng thì thế nào cũng bị ăn đòn. Khi đụng độ, thằng Thời không có tật nói nhiều. Câu trước câu sau là nó đã vung tay đánh người ta bật ngữa ra sau rồi, không ai đỡ kịp. Lâu lâu, nó cũng sang xóm khác sinh sự đánh nhau và có lần đánh thua, cu cậu bị một bọn nào đó tới tận nhà kiếm, làm nó phải ra ngoài rẩy trốn mấy ngày mới dám mò về.

Tôi phục thằng Thời ở chỗ là nó đi ăn thua ở đâu chứ không đi ăn thua với người trong xóm. Trong xóm, thằng Thời chẳng bao giờ làm phiền ai. Gặp người lớn tuổi, nó nói chuyện một tiếng xưng ông bà, hai tiếng xưng con...

Một ngày nọ, tôi đang ngồi trên chiếc giường tre trong nhà thằng Thời đọc nhật trình cho nó nghe thì bà Mậu, một người đàn bà khó tánh và điêu ngoa nhất xóm, chạy thẳng vào trong nhà nó, mặt mày hầm hầm làm như chỉ muốn gây sự.

Bà Mậu là một người đàn bà bí mật và khó tánh nhất xóm, nhưng theo lời nhiều người nói, là một người đàn bà đẹp. Bà người Huế, không có chồng, nhưng nhà cửa ở rất sang trọng bề thế so với những căn nhà bình dân trong xóm tôi. Nhà bà có điện, và cái hàng rào kẽm gai rào chung quanh càng làm cho nó có vẻ riêng biệt và sang trọng. Lâu lâu trong nhà bà, từ ngoài hàng rào nhìn vào, chúng tôi thấy có thấp thoáng bóng đàn ông, thường là đàn ông Tây, dân chủ đồn điền cafe. Tết nhất, xe hơi đậu hàng đống trước nhà bà, nhảy đầm tưng bừng bên trong, nhạc vang ra ầm ỉ làm bọn con nít chúng tôi cứ chen lấn nhau ngoài hàng rào mà xem.

Có người đồn bà là gái giang hồ mà hồi tôi còn nhỏ chẳng biết gái giang hồ là gái gì. Mãi sau này mới biết là đĩ nhưng đó chỉ toàn là thứ tin đồn nói nhỏ với nhau nghe thôi chứ không ai có bằng chứng gì. Nhưng phải công nhận, sau này khi lớn hơn một chút, khi nhìn bà, tôi phải công nhận bà là một người đàn bà mà ai nhìn vào cũng thấy thích, kể cả tôi. Thêm vào đó, bà ăn mặc lịch sự và sang trọng. Chưa nhìn thấy bà Mậu là người ta đã ngửi được mùi nước hoa thơm lừng. Có lẽ bà là một trong vài người đàn bà hiếm hoi sức nước hoa trong xóm đạo tôi.

Thấy bà Mậu vào nhà mình một cách ngang ngược như thế, thằng Thời vẫn ngồi yên trên ghế, hỏi bà:
-Chào bác, bác kiếm ai?

Bà không trả lời, nhìn láo liên khắp nhà một lúc rồi hỏi:
-Cha mẹ mi có nhà không hỉ?
-Thưa, cha mẹ con đi làm hết rồi.

Không nói gì thêm, bà Mậu khom người chổng bộ mông đít tròn trịa và vĩ đại về phía chúng tôi, nhìn xuống đáy giường một lúc như tìm kiếm vật gì. Rồi bà đứng lên, đi thẳng tới bên cái tủ quần áo cũ kỹ không có cửa, nhăn mặt lại, thò tay vào đống quần áo cũ của cả nhà thằng Thời xới qua xới lại một lúc. Lại cũng kiếm cái gì.

Thằng Thời hỏi:
-Bác kiếm chi?

Con mụ không trả lời, lại tới bên hủ gạo, mở nắp nhìn vào. Nhưng hủ gạo tối quá, bà không nhìn thấy được nên bà thò tay vào trong hủ gạo ngoáy qua ngoáy lại một lúc. Cặp vú to lớn và trắng như trứng gà bóc của bà lắc qua lắc lại trong chiếc áo hở ngực theo từng động tác. Hồi đó còn nhỏ tôi chẳng biết gì nhưng nhìn cặp vú bà cũng thấy... vui vui.

Rồi bà nhăn mặt lại, rút tay ra, đậy nắp lại.

Thấy bà ngang ngược như thế thì tôi bất mãn ra mặt. Mẹ, nhà tôi mà ai tới xục xạo kiểu này thì tôi đục cho hộc máu. Nhưng thằng Thời, tuy là một thằng chẳng hiền lành gì, thậm chí nổi tiếng là hung tợn nhất xóm, lại ngồi im không nói năng gì.

Rồi bà đứng lên, tới gần cái tủ để đồ ăn nhỏ tí tẹo mở cửa ra nhìn vào. Không thấy gì, bà xoay người, tới bên cái giường tre duy nhất của nhà thằng Thời, lật tung mấy cái mền, cái gối, rồi dở luôn cả cái chiếu lên để tìm cái gì bà đang kiếm.

Bà nhăn mặt phê bình:
-Ăn ở chi mà dơ như mọi rứa hỉ.

Tôi nhìn thằng Thời, toan xúi nó chửi cho con mẹ mất dạy một trận, nhưng nó lắc đầu quay đi, không nói gì.

Rồi bà Mậu nạt lớn:
-Thời, mấy đứa em mi đi mô rồi hỉ?
-Tụi nó chơi phía trước.
-Mi đem tụi hắn vô đây cho tao nói chuyện hỉ?

Thằng Thời đứng lên đi liền, đầu cúi xuống, không nói một lời. Ra ngoài, thằng Thời gọi lớn:
-Con Ba thằng Tư đâu, về nhà anh Hai biểu...

Trong nhà, còn lại mình tôi, bà Mậu đưa mắt nhìn tôi. Tôi chẳng sợ, nhướng mắt nhìn lại, kên kên. Bà Mậu có vẻ không ưa cái nhìn sấc sược của tôi, liền nhăn mặt lại, hỏi:
-Còn thằng ni, mi mần chi ở đây hỉ?

Tôi phạng liền:
-Tui làm chi thì mắc mớ gì tới bà?

Chỉ có thế là bà tru tréo lên liền:
-Trời ơi là trời, học trò học trẹt chi mà ăn nói mất dạy như rứa hỉ. Tau hỏi là hỏi cho vui, mi mần chi mà trả lời như quân du côn đầu đường xó chợ rứa hỉ. Cha mẹ mi tốn tiền cho mi đi học, mi để cho người ta dạy mi ăn nói như rứa hỉ? Mi con nhà đàng hoàng, cha mạ mi dạy mi như răng tao không biết, nhưng mi đi theo với thằng Thời chơi riết rồi mi mất dạy như nó.

Đúng là một con quỷ cái... vú bự. Chỉ một câu nói, nó chửi gia đình tôi, chửi luôn cả trường học của tôi, chửi luôn cả nhà thằng Thời. Nhưng tôi đâu ngán. Đã chuẩn bị, tôi sẵn sàng ăn thua đủ với con đĩ này. Tôi tính phùng mang chửi lại một trận thì thằng Thời dắt mấy đứa em nó vào nhà.

Bà Mậu chỉ mặt thằng Thời và 2 đứa em nó, hỏi:
-Tụi bay có đứa nào lấy cái quần sa-teng đen tao phơi ngoài hàng rào không hỉ? Tụi bay thấy quần đẹp có lỡ lấy, trả lại tau, tau bỏ qua, còn không thì tao cho cảnh sát nhốt hết cả nhà tụi bay, cha mạ tụi bay vô tù hết. Tao quen lớn lắm, tụi bay biết không hỉ?

Trời đất, lúc ấy tôi mới biết là bà Mậu mất cái quần Sa-teng.

Nghe nói vô tù, hai đứa em thằng Thời trợn 2 cặp mắt khiếp đãm nhìn bà Mậu, nước mắt bắt đầu muốn chảy ra. Thằng Thời nói liền, giọng chẳng hề sợ hãi:
-Bác đừng có nói vậy oan cho tụi con. Nhà tụi con nghèo thiệt nhưng không có phải là quân ăn cắp đâu bác. Bác vào nhà con bác sục sọi khắp nơi, bác có tìm thấy cái gì đâu.

Thấy thằng Thời nói có lý, bà lại nói:
-Tau nói cho tụi bay biết hỉ, nếu tụi bay thấy cái quần Sa-Teng bay rớt ở đâu thì phải lượm đem tới nhà tau, không được ăn cắp hỉ...

Rối bà Mậu bỏ đi ra, không quên lườm cho tôi một phát, ngụ ý bảo mày liệu hồn, lần sau là tao tới nhà mày đấy.

Bà Mậu đi rồi, hai đứa em thằng Thời mới oà lên khóc nức nở. Thằng Thời vỗ về hai em, căn dặn:
-Anh Hai dặn tụi bay hoài mà tụi bay không nghe. Nhà mình nghèo, tụi bây đi chơi nhớ đừng có bày trò chơi gần mấy nhà giàu như nhà bà Mậu, lỡ người ta có mất cái gì, người ta có cớ đổ tội cho tụi bây. Tụi bây làm khổ tao, làm phiền luôn cả cha mạ.

Con Ba lau nước mắt nói:
-Dạ anh Hai đã dặn, tụi em đâu có dám đi đâu đâu, tụi em chỉ chơi trước nhà thôi mà...

Thằng Thời lắc đầu, mặt mày chua xót bảo:
-Thôi đi chơi đi, nhớ lời anh Hai dặn.

Hai đứa nhỏ lau nước mắt bước ra. Chỉ chừng vài phút sau là tôi nghe được những tiếng cười hồn nhiên và vui tươi của chúng nó ở trước nhà...

Tôi hỏi thằng Thời:
-Thời, nhà của mày, sao mày để cho con đĩ thúi vô nhà lục soát khắp nơi rồi còn chửi bới mày tùm lum như vậy?

Thằng Thời lắc đầu, cặp mắt buồn buồn nói:
-Mày không biết, đâu phải chỉ có con mẹ Mậu mới hung tợn như vậy. Trong xóm này ai cũng vậy hết... Nhà tao nghèo nên bị thiên hạ coi rẻ, hễ ai mất cái gì thì việc đầu tiên là họ chạy vào đây lục soát trước, coi thử tụi tao có ăn cắp không. Nhà tao ban ngày mở cửa, ai muốn vào chẳng được...

Tôi nói rất là thành thật với lòng mình:
-Đù mẹ con đĩ đó dám vô nhà tao mà làm như thế thì tao chém nó chết liền tại chỗ. Tao chờ.

Thằng Thời lắc đầu, giọng buồn buồn:
-Thôi kệ mày ơi, nhà mình nghèo, mình có nói cỡ nào đi nữa thì cũng chẳng ai thèm tin, thôi thì cứ để cho thiên hạ vô lục soát thì người ta mới tin được. Mình vàng thiệt đâu sợ lửa mày...

"Mình vàng thiệt đâu sợ lửa mày..." câu nói đơn giản này của thằng Thời đã ám ảnh tôi không biết bao nhiêu năm rồi. Tại làm sao trong những hoàn cảnh nhục nhã bi thương như thế mà những người nghèo lại nói được những câu hiền lành và dễ thương như thế. Tôi không hiểu được.

Rồi thời gian cũng qua, cái tuổi thơ hiền lành vô tội của hai thằng cũng theo thời gian mà lần lần phai nhạt. Càng lớn hơn thì chúng tôi càng ít có dịp gần gũi nhau vì khi thằng Thời đã có chút ít vóc dáng và sức lực, ba nó cho nó đi làm mướn ở đâu không biết, một tuần nó mới về nhà vài lần. Phần tôi, công việc học hành cũng bận rộn, và càng lớn thì khoảng cách của tôi với nó như càng xa đi, không còn như hồi còn nhỏ. Dù hai gia đình sau này cũng vẫn còn nghèo nàn khốn khổ như xưa, nhưng tâm hồn hai thằng bé con ngày nào ắt đã có nhiều sự thay đổi. Thằng Thời thất học, lúc nhỏ tôi thích chơi với nó để khi thì nghe chuyện Tam Quốc, khi thì đi đánh trỏng, khi thì đi thả diều, đá dế. Nhưng lớn lên thì nó cũng chỉ có chừng đó mà thôi, không có gì mới hơn. Phần tôi, những trò chơi ngày xưa không còn hấp dẫn nữa. Tôi bắt đầu biết mê đọc sách, đọc báo, ham coi xi nê, mê tài tử xi-nê như Alain Delon, Marlon Brando, biết những thú giải trí khác của những thằng học sinh còn được may mắn cắp sách tới trường. Chúng tôi nói chuyện không còn hợp nhau nữa...

Rồi đến một ngày nào đó, tôi cũng không còn nhớ đến thằng Thời nữa, dù biết rằng gia đình nó vẫn còn ở chỗ cũ, ngay trước nhà tôi, phía sau một căn nhà lớn.

Một ngày, lúc này tôi đã vào Trung học, tôi gặp thằng Thời và ngạc nhiên khi thấy nó mặc áo trắng, quần ống túm, để tóc dài kiểu Beatles. Mới nhìn qua thì coi cũng giống như trai... Sài gòn, nhưng nhìn kỹ, vì đôi chân vẫn còn mang dép nên coi có vẻ quê mùa chứ không được ... à la mốt lắm. Cu cậu còn biết hút cả thuốc lá...

Tôi lúc ấy đang còn đi học, chưa ra đời nên thấy nó như thế thì cũng phục lắm. Tôi rà tới hỏi thăm và trò chuyện.

Thằng Thời gặp tôi cũng mừng lắm. Nó khoe nó đi làm ở Nha Trang mới về. Tôi hỏi làm gì, nó bảo làm đủ thứ cho một nhà hàng bán bar cho Mỹ. Rồi nó kể chuyện Nha Trang cho tôi nghe làm tôi muốn chảy nước miếng. Nó kể chuyện Nha Trang lộng lẫy to lớn như thế nào, ban đêm đèn bật sáng đẹp ra làm sao, người ta đi lại như thế nào, rạp xi nê rạp chiếu bóng tốt như thế nào, bờ biển đẹp và con gái đi tắm biển mặc quần sì líp lòi đít, áo xú chiêng lòi vú ra làm sao làm cho tôi mê quá. Nó khoe tôi là nó còn nói được cả tiếng Mỹ. Rồi nó sổ luôn một tràng cho tôi nghe để chứng minh: "Du ô kê, Ai ô kê, Du nốt ô kê, Ai nốt ô kê, ô kế... moa đờ phét..."

Đúng ra thì phải là "Ma đờ Phắc" nhưng thằng Thời người Nẫu, nói trẹo thành "Moa Đờ Phét." Tôi không biết Mỹ có hiểu không nhưng tôi thì hiểu.

Hồi đó Mỹ bắt đầu đổ quân vào Việt Nam, nhưng chỉ ở Nha Trang, còn Ban Mê Thuột thì chưa có. Quả thật là thằng Thời có tài nói chuyện. Nó đã nói là mọi người phải nghe. Nó kể chuyện lính Mỹ uống mấy chục chai bia mà không say, và khi say thì làm gì, làm gì, vân vân và vân vân. Nó khoe nó cho ba nó tiền mua một chiếc Xích Lô đạp cho nên nhà nó bây giờ đã có đầy đủ cơm ăn áo mặc. Mặt thằng Thời rạng rỡ.

Tôi chào mừng nó rồi chia tay...

Sau đó chừng một năm, tôi lại gặp thằng Thời lần nữa. Lần này, nó mặc đồ lính, mang huy hiệu con ó của Sư Đoàn 23 Bộ Binh, đang từ trên phố đi bộ lững thững về nhà. Tôi gặp nó, hai đứa đứng giữa đường nói chuyện. Tôi hỏi mày đi lính hồi nào, nó nói chừng sáu tháng, mới huấn luyện xong, về trung đoàn, còn huấn luyện tiếp.

Tôi hỏi đủ thứ như, đi lính sướng không mày (một câu hỏi ngu dốt nhất thế giới), ăn uống thế nào nào, bắn súng sướng không mày... Tôi hỏi tùm lum vì mường tượng, một ngày nào đó, tôi cũng sẽ mặc đồ lính như nó thôi. Đất nước mình đang có chiến tranh mà, làm sao tránh được.

Thằng Thời trả lời:
-Đi lính thì nhớ nhà lắm, nhưng mà vui.
-Vui làm sao?
-Người ta sao mình vậy. Chính phủ cho cái gì ăn cái đó, phát cái gì mặc cái đó, thằng nào cũng giống thằng nào, không có thằng nào giàu hơn thằng nào hay mặc đồ sang hơn thằng nào để nó khi dễ mình...

Thì ra nó vẫn còn bị cái dĩ vãng nghèo khổ, bị người ta khi dễ ám ảnh... Nó mời tôi vô một cái quán cóc, uống chai bia.

Mặt mũi thằng Thời dù mới đi lính nhưng không hiểu sao đã có dáng dày dạn phong sương. Hình như ai mặc đồ lính cũng đều có vẻ dày dạn phong sương cả. Chúng tôi ngồi nói chuyện, thằng Thời khoe:
-Tao bây giờ biết đọc chữ quốc ngữ chút chút rồi.
-Ai dạy mày?
-Quân đội dạy, bạn bè dạy thêm nữa...

Nó kể chuyện những ngày ở quân trường thật là... thoải mái sung sướng. Ăn uống đầy đủ ngày tới 3 bữa lận, mà bữa nào cũng no say, được ăn thả dàn, không bao giờ thiếu. Còn ngủ thì có giường riêng, có mùng riêng, mền riêng, gối riêng, chiếu riêng. Nó còn được chính phủ phát cho "một núi" quẩn áo, có cả áo lót, quần lót, hai đôi giầy, ba đôi vớ. Cuối tháng lại được lãnh tiền, cuối tuần được cho nghỉngơi, ra phố uống cà phê, đi dạo phố hay tắm biển Nha Trang.

Hồi đó đất nước mình chiến tranh, mỗi ngày không biết có bao nhiêu thanh niên bị lùa vào quân trường để tập làm lính, ai cũng than cực, ai cũng than khổ, ai cũng chê cơm lính khô như đá, tanh hôi, nuốt không vào. Tôi không biết có bao nhiêu người lại khen đời sống quân trường là đời sống thoải mái, được ăn uống đầy đủ như thằng Thời. Có lẽ không nhiều lắm...

Ai bảo sinh ra trong gia đình nghèo thì khổ. Nhà nghèo cũng có những cái hay đặc biệt của nó.

Nhưng thằng Thời cũng có chuyện để than phiền về đời lính. Nó bảo:
-Chuyện khổ nhất đời lính là chuyện... phải mang giày. Tao từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ biết mang đôi giầy, bây giờ chính phủ bắt mang giầy, đút cặp dò vô đôi bốt đờ sô thấy ngứa ngáy khó chịu quá chừng...

Ngồi nói chuyện một lúc, có tay kia trong xóm, tên là Quới, lớn tuổi hơn chúng tôi và khá trải đời. Tay này làm gì không biết nhưng đầu lúc nào cũng Bi-dăng-tin bóng lộn, mang giày mũi nhọn, hút thuốc lá Basto Xanh. Chúng tôi quen tay này nhưng không hiểu vì sao không ưa hắn được. Hắn bước vào quán, nhìn thấy thằng Thời liền hỏi:
-Trời đất, mày mà cũng đi lính à?

Thằng Thời hãnh diện trả lời:
-Dạ em đi lính năm ngoái.

Tay Quới ngồi xuống bàn gần đó, đưa tay trịnh trọng tháo cặp mắt kính đen bỏ xuống bàn, nói lớn, làm như muốn cho mọi người trong quán biết hắn là một tay sành đời:
-Mày con trai một trong nhà, đáng lý phải được hoãn dịch, và mày cũng chưa tới tuổi, tại sao lại phải bỏ nhà đi lính?

Thằng Thời trả lời tỉnh bơ:
-Dạ tại em muốn đi.

Tay kia biểu môi:
-Nhà chỉ có mình mày, mày không ở nhà giúp đỡ cha mẹ, tại sao lại đi lính? Bộ muốn làm anh hùng hả?
-Dạ em đâu có muốn làm ông gì anh Quới? Nước mình nổi giặc, em phải xung phong đóng góp một tay chớ anh. Em có hỏi cha, cha em nói mi muốn đi lính thì cứ đi đi, hai em lớn rồi, ở nhà phụ cha được...

Tay kia lại nói:
-Ai cũng muốn trốn lính ở nhà cho yên thân, chỉ có mày là ham đi lính. Thiệt tình.
-Nói như anh thì chính phủ lấy ai mà đánh giặc.

Tôi ngồi suy nghĩ về những gì hai người nói với nhau, tự hỏi lòng, tại sao thằng Thời được hoãn dịch vì gia cảnh và chưa tới tuổi đi lính mà lại tình nguyện đi. Nếu nói nó đi lính vì nhà nó nghèo khổ thì không phải bởi vì lúc sau này thằng Thời đi làm công sở Mỹ, tiền bạc rủng rỉnh và đem tiền về khá nhiều để nuôi gia đình. Mấy con em gái nó bắt đầu lớn và ăn mặc cũng bảnh choẹ ra, không lôi thôi như hồi xưa nữa. Nó đi lính, tôi nghĩ, vì thích cuộc sống giang hồ...

Một buổi chiều, cách đó chừng một năm, khoảng gần Tết, tôi đang ngồi trong nhà học bài thì có một thằng hàng xóm xông thẳng vào nhà, la toáng lên:
-Người ta đem xác thằng Thời về rồi...

Tôi giật nẩy mình lên, rụng rời hỏi:
-Thằng Thời chết rồi à?
-Ừ, mày ra coi, người ta đem xác nó về...

Tôi phóng ra ngoài, nhìn thấy một chiếc xe nhà binh đậu bên kia đường, trước nhà thằng Thời. Mấy người lính chum nhau khiêng xuống một cái hòm màu đỏ.

Hàng xóm mọi người đều bu quanh cái hòm đông quá nên tôi không thể tới gần được. Tôi cũng chen lấn và mãi một lúc lâu sau, tôi mới chun vào nhà nó được, nơi cái quan tài đỏ còn mở nắp để giữa nhà, chiếm gần hết diện tích...

Đã không biết bao nhiêu năm bây giờ tôi mới vào nhà thằng Thời, và ngạc nhiên vì nhà nó bây giờ có khá nhiều thay đổi. Cái nền đất của nhà thằng Thời bây giờ đã được tráng xi-măng, cái giường tre cũ đã được thay thế bằng cái giường nệm, bàn ghế trong nhà cũng hoàn toàn khác xưa. Hình như căn nhà cũng được nới rộng ra một chút xíu...

Cuối cùng thì thằng Thời cũng trở về mái nhà xưa, nhưng về trong chiếc quan tài màu đỏ. Về giữa tiếng khóc than của cha mẹ nó, anh em nó, và của cả tôi. Suốt đời nó phải ở nhà nền đất, bây giờ nền nhà đã được tráng xi măng, không biết nó đã hưởng cái sự sang trọng này được bao nhiêu lâu mà bây giờ phải nằm im lìm bất động, không phải trên giường mà trong một cái hòm, trên cái nền nhà yêu dấu xa xưa của mình.

Tôi tới gần cái hòm, nhìn vào...

Mặt thằng Thời tươi tỉnh, cặp mắt nhắm nghiền như người đang ngủ. Chiếc áo lính xanh của nó bị máu nhuộm đỏ một nửa từ ngực trở xuống vì hình như không có ai thay đồ cho nó. Không hiểu tại sao, tôi nhớ mãi cái gói Basto xanh trong túi áo nó. Cái vỏ là vỏ bao thuốc lá Basto xanh, nhưng máu đã biến nó thành một gói Basto đỏ...

Không hiểu tại sao, sau này đi lính, tôi cứ nghĩ tới bao thuốc lá Basto Xanh biến thành Basto đỏ của thằng Thời ngày nào.

Tôi chỉ ngồi gần xác thằng Thời được chút xíu thì bị đẩy ra, nhường chỗ cho người khác...

Tôi nhìn thấy chú Bảy ba thằng Thời ngồi xổm ngay trước cửa nhà, tay cầm một điếu thuốc lá, mặt thẩn thờ, cặp mắt hoang dại. Trong nhà, sâu hơn một chút, con Ba đang ôm thiếm Bảy. Bà khóc không nên tiếng, ôm lấy đứa con gái, bàn tay run lên từng hồi...

Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi có cảm giác mình gần gũi với chiến tranh. Xưa nay, dù chiến tranh đã bùng lên dữ dội khắp quê hương mình, nhưng tôi chỉ biết qua báo chí và radio. Bây giờ thì tôi đang nhìn thấy thảm cảnh chiến tranh ngay trước mặt mình...

Tôi lang thang gần đó, tới chỗ những đám người đang tụ tập để nghe người ta nói về thằng Thời. Người thì bảo thằng Thời xung phong lên chiếm đồi thì bị bắn, người thì bảo nó bị phục kích, có người lại bảo rằng chính tai họ nghe đại đội trưởng của thằng Thời nói vớichú Bảy là nó tình nguyện đi lên lấy xác của bạn, bị bắn chết nửa đường. Toàn là những chuyện nói để mà nói với nhau, còn sự thật thì ai mà biết được....

Theo tôi, thằng Thời chết bằng cách nào, chết như thế nào đi nữa thì cũng không quan trọng. Cái quan trọng là nó đã chết cho Tổ quốc. Cái quan trọng là kể từ đây, gia đình thằng Thời sẽ thiếu vắng nó. Cha mạ nó sẽ thiếu một người con. Một người con mà thuở còn thơ ấu, đi bán dế ăn quà còn dám bỏ ra 3 đồng để mua 4 điếu thuốc lá Ruby cho cha, một người con lưu lạc phương xa cầu thực và đã dành dụm tiền bạc để mua cho cha mình một chiếc xe xích-lô. Một người con mà ngay từ hổi còn nhỏ, đã biết đối đáp như sau để bảo vệ danh dự cho gia đình mình: "Thưa bác, nhà tụi con nghèo thật nhưng không phải là quân ăn cắp..."

Kể từ đây, con Ba thằng Tư, hai đứa em thằng Thời sẽ thiếu một người anh đáng kính. Một người anh đã biết thương yêu đùm bọc cho chúng nó từ những ngày xưa khi cả 3 anh em đểu vẫn còn quá nhỏ dại. Người anh đã nửa đêm chạy đi mượn gạo về nấu cơm cho em ăn. Người anh dù thất học nhưng đủ khôn ngoàn để dạy dỗ khuyên răn các em: "Nhà mình nghèo, tụi bay đi chơi đừng chơi gần nhà bọn nhà giầu để hễ có mất đồ đạc, người ta đổ thừa cho mình, làm khổ tao, làm phiền cha mạ..."

Kể từ đây, xóm tôi sẽ mất đi một thằng Thời bặm trợn. Nhưng nói như thế thì oan cho mày Thời ạ. Mày du côn bặm trợn ở đâu không biết nhưng ở xóm này thì mày có làm gì ai đâu. Thậm chí mày còn bảo vệ con nít hàng xóm nữa.

Kể từ đây, quân đội tôi sẽ mất đi một người lính tốt, một chiến sĩ can trường.

Tôi không biết quê hương đất nước mình có bao nhiêu người lính trẻ như thằng Thời. Tôi biết chắc chắn là rất nhiều bởi nước mình nghèo, dân tộc mình hiền lành hiếu thảo và ngay thật...

Sau ngày thằng Thời chết thì chiến tranh càng tăng cường độ. Tôi vẫn tiếp tục đi học và sau Tết Mậu Thân, nhìn cảnh quê hương tôi bị tàn phá, dân tôi bị tàn sát dã man thì tôi quyết định, đậu xong tú tài, tôi sẽ tình nguyện đi lính. Đù mẹ bọn khốn nạn chúng mày muốn máu, tao sẽ có máu.

Ai cũng sợ quân trường cực khổ nhưng tôi, giống như thằng Thời, cực khổ đời lính chẳng có nghĩa lý gì hết. Mẹ, toàn chuyện con nít. Đối với những thằng bé sinh ra và lớn lên trong những gia đình nghèo như chúng tôi thì đi bất kỳ chỗ nào, làm bất kỳ chuyện gì trên cái quê hương miền Nam Việt Nam yêu dấu này cũng chẳng có gì ghê gớm cả.

Sau ngày thằng Thời chết, chú Bảy ba thằng Thời uống rượu nhiều hơn và về nhà trễ hơn xưa nhưng bây giờ ông không còn ca hát vui vẻ như những ngày thằng Thời còn sống nữa. Buổi tối đi làm về, ông không hát, chỉ cúi đầu đạp chiếc xe xích lô về nhà, lưng cong lại như chất chứa cả gánh nặng của quê hương và trời đất trên đôi vai già nua nhỏ bé của mình. Nhiều người trong xóm đồn là họ đã nhìn thấy nhiều đêm, thằng Thời ngồi vắt vẽo trên chiếc xích lô do cha nó đạp, miệng hút thuốc lá phì phào. Người ta còn đồn rằng, có lần, chú Bảy say rượu làm té xe xích-lô, thằng Thời còn phụ cha nó đẩy xe lên. Đây chỉ là những tiếng đồn đãi trong xóm, tôi chưa bao giờ nhìn thấy. Nhưng tôi biết, nếu thằng Thời có về thì nó không bao giờ ngồi trên xe cho cha nó đạp mà nó sẽ phụ cha nó để đạp chiếc xe. Tôi biết tính thằng Thời mà...

Kính thưa quí vị, tôi vừa kể lại chuyện một thằng hàng xóm bạn tôi chết trận. Đất nước mình chiến tranh, thanh niên đi đánh giặc chết là chuyện thường, chẳng có gì đáng nói ở đây. Cái đáng nói là tại sao, xin nhấn mạnh rằng tại sao, tại sao những thằng như thằng Thời, vànhững thằng con nhà nghèo khác trên khắp quê hương mình, những gia đình mà tụi CS gọi là "Giai cấp bần nông hay giai cấp vô sản", đã đi lính để chống lại chúng nó cho đến giọt máu cuối cùng? Đối với những con người nghèo khổ này thì nói thật, CS hay tư bản, chế độ này hay chế độ kia, có gì là khác nhau đâu? Quốc Gia hay CS có gì khác với chúng tôi?

Câu trả lời rất là đơn giản. Họ chiến đấu bởi vì, chính phủ mình ngày xưa, dù không phải là tuyệt đối hoàn toàn, dù có nhiều khuyết điểm và lầm lỗi, nhưng là một chính quyền của nhân bản và đạo đức, còn biết tôn trọng tự do của người dân, còn biết bảo vệ tài sản của người dân, lo cho dân, cho người dân những cơ hội để tiến thân. Gia đình họ tuy nghèo nhưng vẫn còn có được cuộc sống êm đềm hạnh phúc, được có cơm ăn ngày ba bữa, được luật pháp bảo vệ.

Cuối cùng, quan trọng nhất, chính quyền mình còn cho họ một hy vọng, một niềm tin để chiến đấu và để sống.

Hy vọng gì và niềm tin gì, xin thưa, là một ngày nào đó, cho dù nếu thế hệ tuổi trẻ cực khổ của miền Nam này không còn ngẩng mặt lên được để làm người thì con cháu họ cũng sẽ có cơ hội để ngẩng mặt lên, sẽ được tiến thân, sẽ được làm người. Bây giờ thì chỉ có họ khổ, nhưng họ chấp nhận làm bóng tối để nuôi dưỡng mặt trời, nuôi dưỡng hy vọng, nuôi dưỡng ngày mai... Nhưng nếu họ buông súng, cả dân tộc mình sẽ lầm than khốn nạn. Họ chẳng bao giờ muốn thế.

Đó là lý do tại sao tuổi trẻ miền Nam đã ùn ùn ra chiến trường cầm súng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng chết bất kỳ giờ phút nào, tại bất kỳ chỗ nào để chống bọn Cộng phỉ xâm lăng..

Viết xong trong "Một buổi thu sang lắm lá vàng, có đàn chim nhỏ hát ca vang.... tại thành phố New Oreleans..."

Trường Sơn Lê Xuân Nhị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét