Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2024

Tại sao lại bị ung thư? - BS. Hồ Ngọc Minh


1. Tại sao tôi có nếp sống tốt, ăn uống cẩn thận, tập thể dục thể thao đều đặn nhưng lại bị ung thư? Câu hỏi nầy, tôi đã được nghe khá nhiều lần, từ một số bệnh nhân hay những người quen biết. Thí dụ, một đồng nghiệp của vợ chồng tôi, một bác sĩ Sản Phụ Khoa, chưa hề hút thuốc lá bao giờ, nhưng đã bị ung thư phổi, qua đời cách đây 3 năm. Hầu hết các sách vở trước đây đều dạy rằng, ung thư xảy ra vì hai yếu tố, di truyền và môi trường sống. Nói như vậy, theo hiểu biết gần đây, không hoàn toàn đúng nữa. Một nghiên cứu mới nhất, đăng trên tờ báo Y Khoa Science, cuối tháng 3 năm 2017, cho thấy ung thư còn có thể xảy ra do…hên xui may rủi.
<!>
Như ta đã biết, các tế bào trong cơ thể thường xuyên nhân đôi, để bù đắp, thay thế cho những tế bào đã chết vì già cỗi hoặc bị thương tích. Trong tiến trình nhân đôi chuỗi DNA, những lỗi lầm, đột biến có thể xảy ra. Trường hợp nặng, đột biến có thể gây ra ung thư cho chính cá nhân ấy trong thời gian tương đối ngắn. Còn nếu đột biến nhẹ, sẽ di truyền qua đời con cái, và cũng có thể gây ra ung thư cho thế hệ sau nầy.

Theo hai nhà nghiên cứu Bert Vogelstein and Cristian Tomasetti từ bệnh viện Johns Hopkins Kimmel Cancer Center, 66% ung thư xảy ra vì những đột biến trong khi tế bào nhân đôi, may nhờ rủi chịu, khó tránh khỏi. Phần còn lại, 29% do yếu tố môi trường, và 5% do di truyền từ đời trước. Lý thuyết nầy cũng được so sánh, tương đồng với thống kê dịch tể ( epidemiology ), nghĩa là 70% bệnh nhân bị ung thư không hiểu vì lý do gì. Có thể cũng vì thế mà một số trẻ em chẳng may bị ung thư rất sớm, không phải vì lý do môi trường và nề nếp sống, hay vì trong gia đình đã có người bị ung thư.

Có ai đó đã so sánh, khi ta bước vào đời, không khác gì bước vào một sòng bài, đen đỏ và rủi may thường xuyên xảy ra, chỉ khác là khi ra đi, sẽ với bàn tay trắng. Tuy nhiên, không vì thế mà ta lại…buông bỏ, sống liều mạng. Tuỳ theo loại ung thư, thí dụ như ung thư phổi, vẫn tuỳ thuộc vào yếu tố môi trường và nề nếp sống nhiều hơn. Ngoài ra, tuy rằng những lỗi lầm về DNA xảy ra thường xuyên, nhưng 95% lại ở trong vùng tĩnh lặng của chuỗi DNA, nên không gây ra đột biến có hại về gene, vì thế không phải ai cũng bị ung thư cả. “Trời kêu ai nấy dạ” nhưng đừng có tình nguyện lên tiếng trước khi bị trời kêu.

2. Nâng ngực có thể gây ra ung thư vú

Nhân nói chuyện về ung thư, mới đây, cơ quan FDA, Food and Drug Administration, có báo động về 9 trường hợp ung thư vú hiếm thấy, gọi là anaplastic large cell lymphoma, có liên hện đến việc sử dụng các bịch nước muối hay bịch silicon để độn vú. Thật ra phát hiện nầy không gì mới, mà đã thường xuyên xảy ra khoảng 10 ca mỗi năm, từ khoảng năm 2010. Nghiên cứu cũng cho thấy, ung thư thường xảy ra nếu bịch túi độn có bề mặt nhám thay vì trơn láng. Bề mặt túi độn được làm nhám để có thể bám chặt vào tế bào vú. Hơn một nửa trường hợp, tế bào ung thư được phát hiện ở chung quanh túi độn. Lý do có thể vì bị viêm kinh niên (chronic inflammatory) hay bị nhiễm trùng nhẹ kinh niên, dẫn đến ung thư. Hầu hết những ca ung thư nầy phát triển chậm và chữa trị được nếu khám phá kịp thời. Một khi phát hiện, túi độn sẽ được tháo bỏ, và bệnh nhân sẽ được chữa trị bằng hoá học trị liệu chemotherapy , hay chiếu điện radiation. Cũng theo Hội Bác Sĩ Giải Phẫu Thẫm Mỹ Hoa Kỳ, American Society of Plastic Surgeons, mỗi năm có khoảng 350000 ca mỗ nâng ngực ở Mỹ, và 10 đến 11 triệu phụ nữ trên toàn thế giới đã và sẽ nâng ngực, trung bình có khoảng 10 ca ung thư phát hiện, với nguy cơ ước tính vào khoảng 1/300000.

3. Đàn ông ngắm nhìn ngực của phụ nữ thường xuyên sẽ sống thọ hơn

Có thể phụ nữ nâng ngực để làm đẹp cho chính mình, cho người yêu của mình, và còn làm đẹp…cho đời. Sự việc đàn ông ngắm nhìn ngực của phụ nữ theo…sách vở, là chuyện…kỳ kỳ, và kém lịch sự. Tuy nhiên nghiên cứu cho thấy hầu hết đàn ông, nếu là đàn ông, đều đã nhìn ngang…nhìn dọc người khác phái, không ít… thì nhiều lần, và đó là bản năng sinh lý bình thường. Một nghiên cứu được bảo trợ bởi tờ báo Playboy và ông cựu Thủ Tướng Ý, Silvio Berlusconi, theo dõi 500 người tình nguyện…ngắm vú của phái đẹp. Kết quả cho thấy, tình nguyện viên có áp suất máu giảm hơn bình thường, yêu đời hơn và ít bị stress, ít bị nghẽn mạch máu và đột quỵ tim, với tuổi thọ ước tính kéo dài hơn 5 năm.

4. Thức giấc, đi tiểu đêm

Một nhóm nghiên cứu gia người Nhật, đã công bố nghiên cứu của họ tại hội nghị European Society of Urology conference ở London, cho thấy quý ông thức giấc đi tiểu đêm, không phải do bị vợ ngắc nhéo vì ham ngắm nhìn vú người phụ nữ khác, hay vì ham ăn…vụng, mà vì ham ăn…mặn. Việc thức giấc nửa đêm để đi tiểu ảnh hưởng hơn 50% đàn ông trên 50 tuổi. Việc mất ngủ làm tăng stress, ảnh ưởng đến sức khoẻ. Lý do vì ăn mặn, sẽ khát nước, uống nước nhiều hơn và đi tiểu nhiều hơn. Đàn ông lớn tuổi, khả năng cân bằng về nồng độ giữa muối và nước không còn nhạy bén vì thận suy, vì thế khi nằm ngủ, nước sẽ thải ra nhiều hơn. Vì thế, muốn bớt đi tiểu đêm, đàn ông trên 50 nên bớt ăn…mặn!

5. Yếu thận

Khi nói đến chuyện đi tiểu đêm, lại phải nói thêm đến tình trạng sức khoẻ của hai quả thận. Ở đây tôi không bàn đến chuyện yếu sinh lý, như nói theo Đông Y, rằng yếu sinh lý vì do yếu thận mà ra.

Có hơn 20 triệu người Mỹ bị suy yếu thận, được xem là một bệnh thầm lặng vì không có một triệu chứng gì báo trước cả. Một khi trái thận bị suy yếu, có thể tiến đến tình trạng thận bị hư hại, lại đưa đến suy tim, và một khi chất độc tích luỹ trong máu, hệ quả là tử vong. Một khi thận bị hư, bệnh nhân cần phải thường xuyên đi lọc máu trong khi chờ đợi được ghép thận.
Hai lý do chính làm suy thận là cao huyết áp và tiểu đường, vì thế nếu bị hai chứng bệnh này, nên yêu cầu bác sĩ cho thử máu và thử nước tiểu để kiểm tra sức khoẻ của trái thận. Đồng thời để giảm nguy cơ bị hư thận, về cơ bản, nên ăn uống cẩn thận, vận động thể dục tốt để giảm nguy cơ bị bệnh tiểu đường và cao huyết áp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét