Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2024

NỘI CHIẾN VIỆT NAM: TỪ TRỊNH CÔNG SƠN & KHÁNH LYĐẾN CÙ HUY HÀ VŨ VÀ ỨNG XỬ CỦA CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM - Cù Huy Hà Vũ


Cù Huy Hà Vũ tặng hoa danh ca Khánh Ly
Tối 25/6/2022, trong khuôn khổ đêm nhạc 'Dấu chân địa đàng' tại sân khấu Mây - In The Nest (phường 7, Đà Lạt) với sự tham dự của khoảng 1.000 người, ca sỹ Khánh Ly, hiện là Việt kiều ở Mỹ, đã trình bày ca khúc 'Gia tài của mẹ' của Trịnh Công Sơn. Cùng với “Bài ca dành cho những xác người”,“Cho một người nằm xuống” cũng là những ca khúc của Trịnh, “Gia tài của Mẹ” chưa được cấp phép biểu diễn ở Việt Nam.
<!>
Đêm nhạc được thực hiện khi ca sĩ nổi tiếng này của miền Nam trước 30/4/1975, người đã gắn với Trịnh như hình với bóng kể từ tháng 11/1967, đang thực hiện một chuyến biểu diễn xuyên Việt với chủ đề “Như một lời chia tay” với những bài hát nổi tiếng mà bà đã hát trong suốt 60 năm sự nghiệp của mình. Ngay sau đó, chuyến lưu diễn của bà đã bị chính quyền Việt Nam hoãn vô thời hạn.


Khánh Ly và Trịnh Công Sơn hát nhạc "phản chiến" trong Chiến tranh Việt Nam

Vậy “Gia tài của Mẹ”, được Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1965, có gì mà làm chuyến lưu diễn của Khánh Ly “nửa đường đứt gánh”?

Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, để lại cho con
Gia tài của mẹ, là nước Việt buồn
…Gia tài của mẹ, một rừng xương khô
Gia tài của mẹ, một núi đầy mồ

Dạy cho con tiếng nói thật thà
Mẹ mong con chớ quên màu da
Nước Việt xưa
Mẹ trông con mau bước về nhà
Mẹ mong con lũ con đường xa
Ôi lũ con cùng cha quên hận thù
…Gia tài của mẹ, ruộng đồng khô khan
Gia tài của mẹ, nhà cháy từng ngàn

…Gia tài của mẹ, một bọn lai căng
Gia tài của mẹ, một lũ bội tình
…Mẹ trông con mau bước về nhà
Mẹ mong con lũ con đường xa
Ôi lũ con cùng cha quên hận thù.

Vậy là rõ, “Gia tài của Mẹ” cho rằng cuộc chiến 20 năm ở Việt Nam kể từ 1945 là một cuộc “nội chiến” hay một cuộc chiến “huynh đệ tương tàn”, khiến Mẹ Việt Nam đau đáu “lũ con cùng cha quên hận thù”. Một nhãn quan mà Trịnh Công Sơn áp cho cả một thập niên sau đó, cho tới khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào 30/4/1975.

Không chỉ trong “Gia tài của Mẹ”, quan điểm “nội chiến” hay “huynh đệ tương tàn giữa những người Việt Nam – Da vàng” còn được Trịnh Công Sơn thể hiện trong rất nhiều ca khúc mà đỉnh cao là tập "Ca khúc da vàng” ra đời năm 1967. Đó là: Ngày dài trên quê hương, Người con gái Việt Nam, Ngủ đi con, Đại bác ru đêm, Tôi sẽ đi thăm, Tình ca của người mất trí, Đi tìm quê hương, Đêm bây giờ đêm mai, Ngụ ngôn của mùa Đông, Nhưng hôm nay, Hãy nói giùm tôi, Cho Một Người Nằm Xuống...

Hãy nghe:

Rồi từng đêm bom đạn phá
Người Việt nhìn sao xa lạ
Người Việt nhìn nhau căm thù.
Một ngục tù trên quê hương
Người Việt Nam quên nòi giống
Người từng ngày xây uất hận
… Người Việt nào da không vàng
Mẹ Việt nào nhớ xác con...

(Ngày dài trên quê hương)

Đại bác đêm đêm ru da thịt vàng
Đại bác nghe quen như câu dạo buồn
Trẻ con chưa lớn để thấy quê hương

(Đại bác ru đêm)

Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm,
tôi sẽ đi thăm, cầu gẫy vì mìn,
đi thăm hầm chông và mã tấu.
Khi đất nước tôi không còn giết nhau
Trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường.

(Tôi sẽ đi thăm)

Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên
Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn
Đất ôm anh đưa về cội nguồn...

(Cho một người nằm xuống)

Không chỉ bằng lời ca, Trịnh Công Sơn còn cực lực phản đối cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” này bằng một hành vi cụ thể: trốn lính.

Như vậy, việc chính quyền cộng sản Việt Nam đình chỉ chuyến lưu diễn của Khánh Ly không gì khác hơn là một sự trừng phạt đối với người hát Trịnh Công Sơn lên án “nội chiến Việt Nam”, điều mà “bên thắng cuộc” luôn phủ nhận, cho dù Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh, người mà họ đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào ngày 30/4/1975, là một người Việt chính hiệu, không phải là người Mỹ hay người nước ngoài nào khác.


Tổng thống Dương Văn Minh và Nội các Việt Nam Cộng hòa đầu hàng vô điều kiện trước Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 30/4/1975

Bản thân tôi, Cù Huy Hà Vũ, không lạ lẫm gì về ứng xử trù diệt nói trên của chính quyền cộng sản Việt Nam đối với Khánh Ly và tất cả những ai có quan điểm theo đó đã có một cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Đơn giản là 12 năm trước đó tôi đã là nạn nhân của sự trả thù tàn bạo từ chính quyền này chỉ vì có cùng quan điểm.

Trong bài “Chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng 4 dưới mắt TS Cù Huy Hà Vũ” đăng trên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 29/4/2010, trả lời câu hỏi của phóng viên “theo Tiến sĩ, chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 30/4/1975 là cuộc chiến của Hoa Kỳ hay là nội chiến giữa người Việt với người Việt?”, tôi chỉ rõ:

“Theo tôi chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ được bắt đầu từ cuối cuộc chiến tranh của Pháp tại Đông Dương khi Hoa Kỳ quyết định tài trợ 80% chi phí cho cuộc chiến tranh này như đã đề cập. Tuy nhiên cuộc chiến tranh này của Hoa Kỳ lại dẫn đến cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa những người Việt. Vì vậy nói chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến là không sai nhưng đó chỉ là một cuộc chiến trong một cuộc chiến khác, cuộc chiến tranh do Hoa Kỳ tiến hành.

Trên thực tế, giai đoạn sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam vào năm 1973 theo Hiệp định Paris được các chuyên gia quốc tế gọi là giai đoạn “Việt nam hoá” chiến tranh của Hoa Kỳ.

Chính vì vậy tôi cho rằng ngày 30/4/1975 là ngày kết thúc cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam, đồng thời cũng là ngày kết thúc cuộc nội chiến giữa những người Việt.”

Quan điểm “nội chiến” còn được được tôi khẳng định chính thức trong “Kiến nghị trả tự do cho tất cả cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam Cộng hòa, lấy “Việt Nam” làm quốc hiệu để hòa giải dân tộc” gửi Quốc Hội Việt Nam ngày 30/8/2010:

Có Hai sự thật về chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 30/4/1975:

Sự thật thứ nhất – Đó là cuộc chiến tranh nhằm thống nhất đất nước để Độc lập dân tộc mà nhân dân Việt Nam đã giành được cách đây 65 năm, ngày 2/9/1945, được toàn vẹn.

Thực vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nuớc Việt Nam là Một, Dân tộc Việt Nam là Một – Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song Chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 29/4/2010 tôi cũng đã khẳng định: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc thuần Việt suốt chiều dài lịch sử và chính đặc điểm “thuần Việt” này đã hình thành cho người Việt tư tưởng Một dân tộc, Một quốc gia hay Dân tộc đồng nhất với Quốc gia, để từ đó đi đến nguyên lý bất di bất dịch: không thể có độc lập dân tộc thực sự với một quốc gia bị chia cắt về lãnh thổ, hay Độc lập dân tộc phải gắn liền với Thống nhất lãnh thổ quốc gia, Thống nhất đất nước – Hệ tư tưởng mà tôi gọi là Chủ nghĩa Nhất thể Việt (Vietnamunism)”.

Sự thật thứ hai – Dù là tất yếu để Non – Sông Việt Nam liền một giải, để Độc lập Dân tộc được toàn vẹn thì đó vẫn là một cuộc Nội chiến, một cuộc chiến tranh Huynh – Đệ tương tàn giữa những người Việt Nam.

Vì vậy, một khi chiến tranh chấm dứt thì xóa bỏ hận thù giữa những người Việt từng ở hai bờ chiến tuyến hay Hòa giải Dân tộc là Nghĩa vụ, và hơn thế nữa, là Đạo lý của mọi người Việt Nam. Và trong sự nghiệp Hòa giải này – tôi khẳng định – vĩ đại không kém cuộc chiến vừa kết thúc nhằm thống nhất đất nước – những người chiến thắng phải đi bước trước, mà giang tay ôm vào lòng những người anh em chiến bại để tỏ chữ Hiếu đối với Mẹ chung – Tổ quốc, để mọi người Việt dẫu chính kiến có khác biệt lại sum họp Một Nhà!”

Quan điểm “nội chiến” cũng như quan điểm “hòa giải dân tộc” nói trên của tôi ngay lập tức bị chính quyền cộng sản Việt Nam coi là thù địch. Ngày 5/11/2010, chính quyền này đã bắt và sau đó kết án tôi 7 năm tù và 3 năm quản chế về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.


Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ bị tạiị tòa phúc thẩm - Tòa án tối cao kết án 7 năm tù và 3 năm quản chế về "Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam", Hà Nội,, ngày 4/8/2011.

Cáo trạng ngày 17/12/2010 và cả hai bản án sơ thẩm ngày 4/4/2011 và bản án phúc thẩm ngày 2/8/2011 cáo buộc tôi:

+ Bài: “Chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng 4 dưới mắt tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ”. Vũ trả lời phỏng vấn đài VOA ngày 29/ 4/2010 với nội dung xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược bằng lời lẽ: “…Tóm lại, việc duy trì cho Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục lãnh đạo đất nước không khác hơn là để phục vụ lợi ích phi pháp một nhóm nhỏ trong Đảng Cộng sản Việt Nam, đi ngược lại với lợi ích của đại đa số nhân dân trong đó có hàng triệu đảng viên cộng sản và vì vậy quyết không thể kéo dài hơn được nữa”. “Nhân đây, một lần nữa tôi kêu gọi ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam mau chóng thực hiện chế độ đa đảng ở Việt Nam bởi nếu không, hòa hợp, hòa giải dân tộc sẽ trở thành lừa dối dân tộc với hậu họa đã có thể nhìn thấy trước…”.( BL 140, 141, 170 đến 174, 238 đến 242, 260 đến 269, 909 đến 915, 1144 đến 1147).

+ Bài: “Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam cộng hòa, lấy “ Việt Nam” làm quốc hiệu để hòa giải dân tộc”. Vũ trả lời phòng vấn đài RFA ngày 31/8/2010, đồng thời gửi lên trang “Bauxite Vietnam”. Vũ bóp méo sự thật về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Phê phán Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gây chia rẽ, thù hằn dân tộc bằng lời lẽ: “ …Tiếc thay cho ban lãnh đạo nhà nước Việt nam thống nhất đã không làm được như thế mà ngược lại – phải nói thật – còn sát muối vào vết thương chiến tranh chưa kịp lên da bằng việc tập trung cải tạo trong hàng năm trời cả trăm nhìn quân nhân viên chức VNCH, ….đẩy không ít người Việt thuộc chính quyền cũ vào vòng xoáy thù hận, dẫn đến một số quay ra chống chính quyền mới để rồi bị kết tội xâm phạm An ninh quốc gia.”(BL138, 139, 148, 156, 157, 158, 303, 304, 329 đến 331, 431 đến 460).

Mặc dầu vậy, đã là sự thật thì không ai, không thế lực nào dù bạo tàn đến mấy có thể trù diêt.


Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ tặng hoa danh ca Khánh Ly tại đêm diễn “Khánh Ly 60 năm – Đời Cho Ta Thế” ngày 07/08/2022 tại Rose Theater, Westminster, California, Hoa Kỳ

Cách nay 5 thế kỷ, đối mặt với sự trừng phạt của Tòa án dị giáo La Mã, nhà vật lý học và triết gia Galileo Galilei đã tuyên bố “Dù sao Trái đất vẫn quay!”

Cũng như vậy, tôi, Cù Huy Hà Vũ, sẽ vẫn luôn khẳng định: “Đã có Nội chiến trong Chiến tranh Việt Nam. Đã có sự gây chia rẽ, gây thù hằn dân tộc với việc tập trung cải tạo trong hàng năm trời cả trăm nghìn quân nhân viên chức Việt Nam Cộng hòa sau 30/4/1975."

Vấn đề còn lại là nếu chính quyền Việt Nam hiện hành thực tâm muốn đất nước phát triển như mọi quốc gia văn minh thì không thể không thực hiện hòa giải dân tộc. Việc này phải bắt đầu bằng tôn trọng các quan điểm chính trị khác biệt thông qua đảm bảo quyền Tự do Ngôn luận và các Quyền Con Người cơ bản khác do chính Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định (Điều 25)!

Kỷ niệm 49 năm kết thúc Chiến tranh Việt Nam, 30/4/1975 - 30/4/2024.

C.H.H.V
29/4/2024
Garden Grove, California, Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét