Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2024

NHÀ VĂN TRẦN HOÀI THƯ ĐÃ TỪ GIÃ BẠN BÈ - Quan Dương


Hình trái qua phải: nhà văn Trần Hoài Thư - nhà thơ Phan Xuân Sinh - và Quan Dương  -  Hai ngày trước huynh trưởng Lê Hoàng Viện khoá 5/68 Thủ Đức tức nhà văn Lê Cần Thơ từ bên Houston báo tin cho biết là sau khi chị Nguyễn Ngọc Yến mất thì nhà văn Trần Hoài Thư ngã bệnh nặng lắm sợ không qua khỏi. Theo bác sĩ thì quỹ thời gian dành cho anh Trần Hoài Thư vài ngày nữa thôi là cạn kiệt. Dẫu biết là như thế nhưng tôi vẫn thầm hy vọng và cầu nguyện dù tia hy vọng vô cùng mỏng manh. Những lời cầu nguyện đó không được đáp ứng nên sáng nay nghe tin anh Trần Hoài Thư đã đi theo chị Yến rồi. 
<!>
Tôi bàng hoàng không tin là anh đã đi nhanh như thế nên tôi đã hỏi anh Lê Hoàng Viện để xác nhận lại. Sự thực vẫn là sự thực dù không muốn tin. Buồn ơi là buồn!
Nhớ đến anh thì không thể không nhớ đến lần đầu tôi gặp anh ngoài đời cách đây 53 năm tại Quân Y Viện Ban Mê Thuột trong thời chinh chiến. Năm 1971 tôi bị thương được đưa về đây điều trị. Giường bên cạnh là một trung úy của sư đoàn 23 với cặp kính cận dày cộm có sợi dây thun buộc phía sau. Đó là trung úy Trần Quí Sách tức nhà văn Trần Hoài Thư.Thế là hai người quen nhau. Thuở đó tôi không biết viết lách là gì mặc dù rất mê đọc sách. Tôi thích các câu chuyện tình nhẹ nhàng loại bông tím của Tuổi Hoa, các bài viết trên Văn, Văn Học, Bách Khoa v...v... và vì là lính nên tôi vô cũng tâm đắc với thơ văn của các nhà văn quân đội. Nhà văn Trần Hoài Thư là một trong số những nhà văn mà tôi mến mộ. Đâu nghĩ có một ngày tôi và anh lại nằm cạnh giường nhau.

Những buổi sáng sau khi chờ bác sĩ khám thương bệnh binh xong thì đám sĩ quan còn trẻ liền vội vã lột bộ đồ của bệnh viện đang mặc trên người và sau đó là màn chui rào ra thành phố Ban Mê Thuột để đi lòng vòng. Đời lính nhất là lính tác chiến ít khi có cơ hội đi bát phố ngoài những lúc bị thương nhẹ hoặc bị bệnh được nằm điều trị tại các quân y viện. Do đó trong những lần đi chơi với anh tôi thật là thích. Dù đã nửa thế kỷ trôi qua rồi nhưng tôi vẫn còn nhớ lời anh nói còn sống ngày nào thì cứ an nhiên ngày đó hơi đâu bận tâm chiến trường đang chờ. Thấy chiếc kính cận dày cui anh đeo có cột sợi dây thun khi tròng qua đầu tôi hỏi sao phải làm vậy thì anh trả lời nhờ sợi dây thun này mà mỗi lần nhảy trực thăng không bị rớt. Anh còn nói khi đụng trận mà hai con mắt không nhìn thấy địch quân thì làm sao mà đánh đấm. Hai anh em cười rất hồn nhiên và tôi không ngờ là các nhà văn gặp ngoài đời sao dễ gần gũi đến thế! Cơ duyên giữa tôi và anh Trần Hoài Thư chỉ có thế vì vài tuần sau thì xuất viện tôi trở về đơn vị của tôi và anh trở về đơn vị của anh. Cuộc hạnh ngộ đưa đẩy chỉcó bấy nhiêu và đời lính tôi chẳng bao giờ nghĩ rằng điều diệu kỳ đó xảy ra lần nữa. Nhất là tiếp theo biến cố tháng 4/75 những người lính tan đàn xẻ nghé không ai còn nghĩ sẽ có ngày gặp lại.
Thập niên 90 những năm đầu mới qua Mỹ tôi có mua một chiếc xe cũ để đi làm. Chiếc xe ì ạch và mỗi lần lăn bánh thật nặng nề chẳng khác chi cuộc hội nhập nơi xứ người. Những sáng thức dậy đi làm những tối lái xe về càng ngày càng thấm tôi mới gửi tâm sự này vào một bài thơ Chiếc Xe Cũ và gửi cho báo ở Boston do anh Việt Hùng và Hồ Công Tâm (anh Hồ Công Tâm cũng vừa mới mất cách đây hai tuần tại Houston) phụ trách. Hai tuần sau được anh Việt Hùng nhắn tin trên báo là có nhà văn Trần Hoài Thư thích bài thơ Chiếc xe cũ và gửi lời thăm tác giả. Qua phone tôi liên lạc lại với anh và lúc này anh mới phát giác ra tôi là người lính nằm chung quân y viện Ban Mê Thuột của 40 năm trước. Sau đó thì chúng tôi gặp lại ngoài đời. Anh nói viết là phản xạ của sự đau và khuyến khích tôi cầm viết để diễn tả sự đau đó cùng những gì nếm trải. Nhờ anh khuyến khích tôi bắt đầu mạnh dạn làm thơ và theo anh leo lên chiếc cầu văn thơ nơi hải ngoại. Anh ký tặng tôi tập truyện ngắn “Ra Biển Gọi Thầm” mà anh vừa xuất bản. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được chính tác giả ký tặng sách trực tiếp.
Anh Trần Hoài Thư và chị Nguyễn Ngọc Yến là một cặp vô dung dị hài hòa rất dễ gần gũi mến thương. Như anh Thư đã từng gửi gấm trong những bài văn bài thơ sau ngày 30/4/75 đầy kiếp nạn, anh đã hứa với chị Yến là sau này dù bất cứ em ở đâu thì anh cũng đều đi theo ở đó. Hôm nay anh đã thực hiện lời hứa của mình với chị. Chị Yến mất ngày 27/4/2024 và hôm nay 27/5/2024 vừa tròn một tháng anh Trần Hoài Thư đã đi theo chị. Hai người hẹn nhau cùng hội tụ ở thế giới bên kia nơi không còn đau thương khắc khoải bởi cái ác do con người gây ra. Trong giới viết lách, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng ra đi thì chị Trương Gia Vy sau đó cũng đi theo. Tiếp đến là nhà thơ Tô Thùy Yên thì chị Trần Diệu Bích cũng đi theo chồng. Bây giờ thì đến nhà văn Trần Hoài Thư đi theo chị Nguyễn Ngọc Yến. Nhớ những ngày rộn rã gặp nhau ở Boston trong những năm cuối thập niên 90 đều có mặt ba cặp tài danh này. Giờ thì họ đã lần lượt vẫy tay chào người ở lại.
Ngày vợ chồng tôi gã con gái đi lấy chồng, bạn bè trong giới viết lách từ các tiểu bang xa bay về đây tham dự dù lúc đó thành phố New Orleans vẫn chưa hoàn hồn sau cơn bão Katrina. Nhìn lại tấm hình trong đó có ba người đang cụng ly với nhau, nhà văn Trần Hoài Thư và nhà thơ Phan Xuân Sinh mặc áo xám còn tôi thì mặc áo đen có cài bông. Tấm hình giờ đây bỗng trở thành hoài niệm vì hai anh Trần Hoài Thư và Phan Xuân Sinh đã không còn. Cả hai đều cùng chọn năm 2024 để bỏ lại bạn bè cùng thân bằng quyến thuộc.
Anh Trần Hoài Thư ơi! Chúc anh được bình an trong chuyến đi. Anh luôn là một người lính cầm bút và luôn nặng lòng cùng chữ nghĩa cùng bạn bè. Mong anh sớm gặp lại chị để sum họp và để viết tiếp những trang tình sử và chúc anh chị được tiêu dao nơi cõi phiêu bồng.

Quan Dương
27/05/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét