Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2024

Ngõ cụt hậu chiến – Ara Phát



(Anh Hoàng gia Bẩy nhìn lúc nào cũng phong lưu, vợ chồng hắn cũng có bức hình kỷ niệm với huynh trưởng Bẩy)
Vào thời sinh viên học sinh hay có những đêm không ngủ, nhất là vào thời điểm sau Tết Mậu thân 1968, đi làm công tác xã hội, xây nhà cho đồng bào chiến nạn, ban đêm chúng tôi hay tụ lại đốt lửa trại và hát những ca khúc cộng đồng
Này hỡi, hỡi hòa bình
Ngày sắp tới biết bao nhiêu niềm vui
Mừng biết mấy, chiến tranh đã tàn phai
Trên con đê không chông gai mìn cài
Không phi cơ bay nghiêng con đò xinh…
Này hỡi, hỡi hòa bình
<!>
Ngày sắp tới biết bao nhiêu niềm vui
Mừng biết mấy, chiến tranh đã tàn phai
Em đưa anh ra nghe thu Hà Nội
Anh đưa em vô Nam xem mặt trời
…Bắt đầu câu chuyện kể sau ngày hòa bình 30/4/1975 tại trại giamTrảng Lớn .

Phần 1

Vào Trảng Lớn sau 2 ngày lăn lóc ở trường Taberd và một đêm âm thầm di chuyển hắn và mọi người bước vào trại tập trung, hơn 250 người được đưa vào một khu, đó là khu gia binh của sư đoàn 25 của VNCH trước ngày 30/4/75, khu này gồm 6 dãy nhà, mỗi dãy 10 căn, được đưa vào dãy nhà 3 căn số 3, cũng quen với những cuộc cắm trại nên vừa bước vào nhà, thấy nhà trống không, chẳng có bàn ghế gì cả, nhanh tay móc trong túi xách ra cái võng , chỉ trong 5 phút là đã có vị trí ổn định, rồi ra sao thì ra.
Sau đó vệ binh dắt anh em ra phi trường Trảng Lớn cách đó vài trăm thước để tháo gỡ những tấm vỉ sắt lót trên phi đạo để về làm chỗ ngủ, nhìn phi trường nhớ lại lúc trực thăng thả tiểu đoàn 73 /BĐQ/BP chúng tôi nơi đây sau khi ở An Lộc về, lúc đó người ngợm đất đỏ bám đầy, về tới đây thì căn cứ Thiện Ngôn không còn , nên trú đóng tại Trảng Sụp và trở thành lưu động tăng phái cho vùng 3, cũng cảnh cũ nhưng buồn não lòng cho số phận đất nước.
Cũng không lâu sau đó một láng bằng vỉ sắt được hoàn thành dọc theo chiều dài căn nhà, nhà ở có đủ mọi thành phần, chỗ nằm rộng khoảng 8 tấc, nằm bên trái là bác sĩ Nguyễn Khắc Minh, ông này là giáo sư đại học y khoa môn gây mê, bên phải là bác sĩ Đỗ đăng Mỹ là bác sĩ ở bịnh viên Cảnh Sát, ông Mỹ nay cư ngụ tại Chicago, còn có bác sĩ Hồ đắc Đằng, kế tiếp là tay trung úy trinh sát của sư đoàn 7 đã giải ngũ vì thương tật, một số chuyên viên điện lực như Phạm đắc Mãng, Nguyễn bạch Đằng, Nguyễn văn Lộc ; giáo chức thì có hắn, anh Uyên, anh Phí đình Trâm, luật sư Nguyễn văn Tài, còn có Trần gia Hỷ, Nguyễn văn Hy, Trần văn Quý, có cả phó tổng giám đốc nha kế hoạch Cao thu Hiền.
Ba tháng sau có vài người được về, những người này được bảo lãnh, gồm bs Nguyễn Khắc Minh, bs Bùi duy Tâm, bs Hồ đắc Đằng, Phạm đắc Mãng, có cả bác sĩ của trường bộ binh Thủ Đức .
Số phận những người còn lại chờ « học tập tốt, lao động tốt sẽ được cứu xét », khổ một cái trong tự điển tìm mãi cũng không thấy định nghĩa được những chữ « học tập tốt » này , cũng vì những chữ này mà có một số kẻ muốn giác ngộ để học tập tốt đã nhận làm tay sai đi báo cáo cho cán bộ trại những tư tưởng của anh em, mà trong trại có một chữ dành cho bọn này là » Ăng ten » chắc là họ tự biện minh cho hành động này là « trong thời thế, thế thời phải thế »
Có thể nói nguyên cái thời gian đi tù, nơi đây là thoải mái nhất cứ » vui chơi tắm giặt » tới phiên ai thì xách thùng đi tưới rau, mà chỉ có một miếng đất bằng cái « dạng háng » ngoài phi trường . Phi đạo được dùng cuốc chim cuốc lớp xi măng lên, rồi gánh đất trộn phân xanh lên là xong, đúng là « có sức người cục cứt cũng thành cơm mà », hình như câu này « bác » đã dạy dỗ các cháu, còn lại tha hồ đục đẽo, chạm khắc với những miếng thép được nhặt nhạnh từ nhũng mảnh của máy bay bỏ phế tại phi trường, đàn địch cũng được những bàn tay khéo léo tạo nên, một số còn lại cưa gỗ làm những bộ Domino hay những bộ mạt chược , hắn cũng tập tành trò mó máy , xoa xoa này khi ở tù . Cũng tại nơi đây có 1 lần cho phép cải tạo được nhận quà của thân nhân bằng đường bưu điện, mỗi người chỉ được 1 gói với 1 phiếu gời duy nhất của trại, hắn đã nhận đươc quà của « mẹ già » . Tuần lễ sau, nhận thêm một gói nhỏ khoảng 1/2kg thôi, gói này của người quen của hắn, là phụ nữ; trong gói quà chỉ có ít thuốc lào, gói cà phê, đường và chiếc khăn quàng cổ màu đỏ, đó là vải của chiếc áo dài đem cắt ra may thành, còn dính hai hàng chữ Tàu mà ngày trước hắn đọc 3 chữ nơi ngực áo là « đừng sờ mó » và 3 chữ sau mông là « cấm sân si » . Lúc Quản giáo hỏi tên người gởi, hắn nào biết, cả số nhà cũng chịu thua… cuối cùng cũng cho hắn nhận.… Sau đó cứ 6 tháng thì được phép cho người nhà thăm nuôi 1 lần.
Vài tháng sau có một nhóm tù từ Phú Quốc về nhập bọn, hộp thơ nơi đây là L3T2, lo buồn nhưng cũng có lúc « nhộn » nhất là lúc cán bộ quản giáo điểm danh tới vần L , cả đám được dịp giễu cợt .
« Anh Nê văn Nong, Ný thái Nong, Nguyễn văn Nợi, Nê văn Nộc anh Ný văn Ninh…. »
Khi điểm danh Nguyễn quốc Sủng, lại bị đọc là Nguyễn cuốc Xẻng, anh này chạy lên đính chính xin sửa lại, anh liếc vào thấy ghi mình là « cuốc » chứ không phải là « quốc » Sủng lại đính chính « Thưa anh, tôi quốc « cu » chứ không phải cuốc « xê » , tên vệ binh quay sang nạt lớn » Nôi thôi cuốc nào chả nà cuốc », thế là cả đám ở dưới nhại lại câu nói này và từ đó trở đi không còn cái tên quốc Sủng nữa mà anh em gọi là « cuốc Sẻng ». Mà theo hắn tên vệ binh này có lý khi viết là « cuốc », vì hắn có ghi tên Sủng đâu mà viết là « cu », cuốc « c » đi với Sẻng là quá đúng, tên này giỏi, cần biểu dương.
Tên Sủng này cũng « bựa » lắm, có lần một bộ đội có chiếc xe Honda không biết bị hỏng ra sao, xuống trại nhờ anh em xem có ai biết sửa thì giúp hắn, Sủng nhận lời , đến nơi ra vẻ thành thạo, tên kia đem nước trà thuốc lào cho hút, sau khi mở bung máy xe ra rồi ra vẻ ngớ ngẩn không biết cách sửa, cũng không ráp lại được, chịu thua, báo hại « thằng em » phải gói lại đống phụ tùng bừa bãi đem ra tiệm, trước khi về Sẻng còn gãi đầu gãi tai ra chiều tiếc không giúp được rồi vừa hỏi vừa véo một nhúm thuốc lào của thằng bộ đội mà xin đểu vài bi, về đến nhà Sẻng bô bô kể lại, cả đám cười nghiêng ngả .
Dãy này còn có nhiều người khác như bs Nguyễn quý Đài, khoa trưởng đại học y khoa, Nguyễn thái Long , tổng thanh tra bộ giáo dục, Ls Nguyễn sơn Hà còn một Ls khác tên là Công, anh ta tự xưng là « thiếu tá lỗ » Công, được giao cho chăm xóc mấy » cậu mợ lợn » trong trại, cũng thuộc tay tiếu lâm có hạng, còn có Ngô đinh Nhung , Trần thiện Tích , hai người này là thanh tra giám sát viện cũng là hai cái máy phát trong những buổi thảo luận, anh Nhung tay chân khéo lắm, bộ mạt chược đầu tiên trong trại có công sức anh cưa mài chạm trỗ.
Nói nào ngay chỉ ở chỗ này là thoải mái nhất trong lúc đi tù, và cũng ở chỗ này mà hắn có tên là Ara Phát, thoạt đầu chỉ hay đi chôm chĩa rau , trái của bộ đội trồng đem về cho anh em cải thiện thêm, còn vặt được cả một túi lạc( bộ đội trồng)đem về , tối nấu chè .
Hôm đó tới phiên, ra cánh đồng « bằng cái dạng háng » để tưới phân tươi, đám bộ đội mà hắn gọi là » bi đông » cũng canh tác gần đó, bọn này bảo hắn chơi bạo, thối quá , chúng bỏ đi, nhìn liếp đậu phọng của nó mỡ màng dục lòng tham mà lại kèm theo trò nghịch tinh, lén chờ tới lúc thuận tiện nhổ một liếp cây đậu phọng vặt hết hạt đậu ở dưới , hồi nhỏ đi học nào có biết cây đậu phọng nó thụ phấn như vậy đâu , thấy hoa ở trên , ban đầu chỉ nghĩ là phá chơi đâu biết hạt nó lại nằm dưới rễ, thấy vậy thú quá, chơi luôn hạt một luống dù chưa lớn lắm, xong cắm trở lại, cây vừa tưới xong, thấy còn xanh ,sau đó, bỏ vào thùng tưới cây cắt thêm một mớ rau bỏ lên trên ngụy trang . Đến cổng vào, báo cáo với vệ binh là đi thu hoạch rau ,thế là xong ; chiều đến « bi đông » ra tưới cây thấy ngọn cây chỉ hướng 6 giờ y như là « trên bảo dưới không nghe » vậy, chúng kéo lên thử mới phát giác, lại tưởng là đám bạn bè nó chơi chứ đâu nghĩ đến đám cải tạo dám vuốt râu hùm, tối ngồi ăn chè đám bạn tù cho cái tên hắn là » Ara chôm, Ara chỉa « .

Một hai ngày sau có một vệ binh đến phòng và gọi đích danh « anh Phát » ra để hỏi chuyện, mọi người nghĩ là hắn đã bị ăng ten báo cáo ,có phần lo lắng giùm, Ara Chôm cũng binh tĩnh ra gặp, nó lại bảo xuống bếp nói chuyện riêng, trong lòng không biết là gì, hỏi khai lý lịch có chính xác không, hắn khẳng định không sai, nó nhìn một lúc rồi bảo, anh đồng hương với tôi . Ha ha, thì ra Sáu Xích Đằng gặp đồng hương trong tù, vẫn bình tĩnh để dò xét xem tên này muốn gì , sau một hồi truy nguyên gia phả, cả hai chẳng dây mơ rễ má gì, chỉ là người cùng làng, lúc đó hắn mới nói đùa « phải chi bố tôi mà gặp mẹ anh có khi tôi với anh là anh em cùng cha khác mẹ », nó cũng cười theo, từ đó cần gì nhờ nó, mua những thứ cần thiết, kể ra tên này cũng ngoan, lại gọi hắn là anh xưng em thật ngọt , lúc đó anh em nhờ mua cà phê , thuốc lào , đường.. chắc anh ta cũng có chấm mút tí ti chứ dễ gì đạp xe mua không cho mình . Vào cái thời đểm đó chủ tịch AraFat thủ lĩnh đám Palestine đang quậy phá và lúc đó được gọi là thủ lĩnh tháng 9 đen, mà mình lại tên Phát tụi nó đổi Ara Chôm thành Ara Phát , ông trùm L3T2 . Cần gì có thằng đệ tử hậu cần lo hết. Nó được « về vườn », từ giã về Xích Đằng , thế là hết nguồn cung cấp càphê thuốc lào . Khi anh em ở Phú Quốc về bộ đội giao Ara làm bếp trưởng của khối 3, chuyển về tổ « anh nuôi » lúc đó có 8 người , có anh Tâm là giáo sư đại học Hòa Hảo; Khang là phi công lái Boeing của air VN,còn có 1 giáo sư trường văn khoa quên tên rồi, thuế vụ Lê hồng Đức, thằng Điều quân cảnh tư pháp, Chức cán bộ canh nông, có Lê kinh Hồng làm ban 3 sư đoàn 25, sau này lên Cây Cày, Hồng trốn trại chung với anh Thịnh ; Nguyễn ngọc Đức đang ở Arlington, cán bộ trường bộ binh Thủ Đức , gọi là » Đức gà » vì lúc đó hắn nuôi 1 con gà trống, ảnh mặc quần xà lỏn đầu chải bóng láng , ôm con gà trông giống chủ trường gà lắm.
Nói đến gà không thể thiếu chuyện « Ara » chôm gà của cán bộ.
Mẹ kiếp, mấy thằng ngồi hút thuốc lào vặt ở hiên nhà rầu thúi ruột không biết ở đến bao giờ, nhìn ra bờ rào có chị mái mơ vểnh phao câu trông thật dễ ghét, một thằng trong đám nói thèm ăn cháo gà, bất giác mấy thằng nhìn nhau rồi quay nhìn hắn ra chiều « nhất trí », hắn cùng với Cường « hải tặc » lãnh nhiệm vụ giải giao chị mái mơ về tổng đàn . Nói thì nghe mạnh miệng nhưng đâu dám làm, làm sao mà nuốt trôi với đám » ăng ten », chỉ có cách nào mua được là hợp pháp thôi, thằng em bộ đội giờ không còn, mà tiền giấu diếm không nộp cũng gần hết, chắc chỉ còn cách ăn hàm thụ, bỗng thấy cái kim may của ai rơi ở đất còn dính một sợi chỉ khá dài, cái kim cũng đã cùn, hắn nẩy ra ý kiến « thay vì câu cá mình câu gà » mới bẻ cong cái kim làm lưỡi câu, nối thêm sợi dây cho dài thêm, móc vào lưỡi câu con gián rồi cục tác gọi mái, chị mái mơ nhìn thấy con gián ngọ nguậy nên nuốt chửng cả dán lẫn lưỡi câu vào bụng, thế là dắt nàng về dinh . Gà bắt được rồi ; ngồi nói chuyện thì nói thánh nói tướng, đến giờ bảo cắt tiết không thằng nào dám làm kể cả thằng chủ mưu, ở thế cưỡi cọp không biết làm sao Cường hải tặc thẩy gà xuống giếng, chiều về, bộ đội gái bập bập gọi gà về nhưng không có bóng dáng, chị chạy hỏi khắp nơi , hai vợ chồng hắn bổ xô đi tìm nhưng cũng không có dấu vết, chửi bâng quơ một hồi rồi cũng thôi, chắc là đang rủa mấy thằng vệ binh, chỉ có đám này mới dám bắt chứ cải tạo thì cho kẹo cũng không dám.
Cả đám ngồi cười ; sáng hôm sau hắn gọi chị » lính cái » này mà bảo là tôi thấy con gà chị tìm tối qua chết dưới giếng , thôi để tôi xuống giếng vớt lên cho chị thịt, chị nhìn xuống giếng thấy rõ là gà của mình, tôi bồi thêm » chẳng sao cả , gà chết ăn cũng ngon vậy » . Sĩ diện, chị bảo thôi tôi không lấy, các anh làm gì thì làm, tụi mày nghĩ xem hắn phải làm sao đây . Ăn một cách quang minh trước mắt của những ăng ten , và từ đó cái tên Ara Phát được lan truyền

 .
Ông « trùm » Ara Phát trên thảm đỏ đại hội điện ảnh Canne

Chuyện trung úy pháo binh Ngô Nghĩa bị tử hình .
Ngô Nghĩa khác láng với hắn, biết được vụ xử bắn là do cán bộ tuyên bố trên hội trường.
Ngô Nghĩa thuộc pháo binh sư đoàn 18, anh ta có gom góp được vài quả lựu đạn , còn sót lại trong các hầm phòng thủ tại Trảng Lớn và dùng những thứ này để phòng thân khi vượt trại .
Ngày giờ thì không nhớ nhưng biết là anh trốn ra khỏi trại vào ban đêm, lúc gần sáng anh mới tìm cách vượt qua khỏi hàng rào, không may cho anh ta có một toán vệ binh đi trên đường bắt gặp , truy đuổi , anh quăng lựu đạn lại làm hai vệ binh bị thương , lúc đó trại báo động và bắt được người hùng Ngô Nghĩa .
Những điều viết lại là do lời kể của nhân chứng đi dự cuộc hành quyết , ông Đinh tiến Lãng; khối trưởng, bị bắt đi xem kể lại.
Lời trình bày tội trạng và kết tội một phía của một phiên tòa mà bị cáo không được phép biện hộ, lúc đó Ngô Nghĩa bị trói giật cánh khuỷu, bị nhét quả chanh vào miệng, những người đi dự khán chỉ hiểu theo một chiều của lời buộc tội là trốn trại, có hành vi chống đối và làm bị thương bộ đội, phiên tòa chớp nhoáng, không lời biện hộ, phạm nhân không được nói, chỉ được biết như vậy trên hội trường, lúc đó tên chính trị viên tiểu đoàn L3T2 bắt lên hội trường để nghe và thảo luận vấn đề này , đó là những điều nói ra để có tính cách răn đe, cũng hết 1 ngày thảo luận chuyện trên.
Chính trị viên báo cáo chuyện này tên là Liên ,mang cấp bậc thượng úy, được anh em gọi là Thượng liên, mỗi lần phải lên hội trường nghe hắn nói , anh em bảo là lên nghe thượng liên nổ , trạc 40 tuổi nói chuyện hay khoe, là học sinh « trường tây Hà Nội », giác ngộ đi theo cách mạng, thỉnh thoảng bày trò một vài tiếng tây bồi ra vẻ là biết tiếng tây mà là tiếng tây như kiểu báo cáo của những « bầy tôi » » me sừ , đơ cu li ma lát, cát cu li hàng rào/ hay lủy bớp, mè lủi bá bớp ,lủi đớp me xừ , lủy xực luôn moa » , có lần anh này xuống trại thấy hắn đang đập tôn cho phẳng để Hoàng Lộc gò mấy cái thùng tưới cây có vòi sen, Hoàng Lộc gò khéo lắm ; Thượng Liên sán lại vờ nói dăm ba câu chuyện, xong nhờ gò 1 thùng tưới cây giống như cái đang gò :
» Anh này, anh làm hộ đoàn một cái vô -loa nhé » .
Hắn đố mọi người biết cái « vô-loa » là cái gì nào…hàhà ; thì ra tên này bắt chước ai nói chữ AROSOIR, chắc là nhẩm đi nhẩm lại trong đầu cho nhớ rồi nói cho HL với hắn nghe loại tiếng « Tây Vàm cỏ đông » . HL nín cười trả lời đểu .
» Anh à , cái vô loa không tốt lắm đâu để tôi gò cho anh cái vô- lum (volume) cho nó to » , gã hỏi lại
» Thế vô lum khác vô loa như thế nào «
« – Dạ thưa anh vô loa không có nắp còn vô lum có nắp ». Bấm bụng nín cười , gã thượng Liên đi rồi hai thằng tối về quán cà phê kể lại chuyện , anh em được dịp biết thêm 1 câu chuyện khôi hài đen về « cái vô lum »

.

Cái « vô loa » của thượng Liên

Đinh tiến Lãng là khối trưởng, trước ông cũng là giáo sư toán khá nổi tiếng ở Sài gòn, không là học sinh của ông nhưng cũng biết, ông sinh cuối thập niên 30 không học ông toán mà lại là đệ tử ông môn « mà chược » nhờ vậy cũng biết chút ít .
Ông Lãng trong trại được nhiều người quý mến, bài báo cáo của ông tại hội trường được anh em tán thưởng, phát biểu không xu nịnh, có chút tự hào cho anh em cải tạo, có thể nói những bài viết, phát biểu của ông trình bày trong những dịp lễ, lý luận chắc chắn ,hợp lý, chẳng khác nào chứng minh một bài toán hình học, tụi chính trị viên tiểu đoàn cũng cũng nể phục .
Đi chứng kiến vụ xử tử này về, sẵn trớn ông giả điên luôn, nói năng linh tinh, nhưng xét tận cùng thật khôn ngoan, giả điên khéo đến nỗi ông đi lang thang khắp trại, cầm cái xe điêu thuốc lào múa may, khi thì xưng là con của Phạm văn Đồng lúc chỉ vào mặt người khác mà nói mày là con của Trường Chinh, Lê Duẩn , mắt cứ như ngây như dại, điên chắc cũng không thua gì Bùi Giáng. Có lần đoàn cử chị y tá xuống chích thuốc cho ông ta vì lúc đó ông la hét quậy phá, bà này vừa vào đến phòng thì thấy ông ta trần truồng như nhộng nằm trên giường đòi làm nhục nếu bà bước vào, sau đoàn để kệ ông, ông đi lang thang trong trại ngày đêm nói năng lung tung, làm nhiều người hoảng, nhất là ban đêm ông bước vào bất cứ phòng nào cầm xe điếu vụt lung tung, giựt mùng màn của người khác rồi xin lửa hút thuốc lào, nhiều thằng kéo ông vào cho hút rồi đẩy ông qua phòng khác, có hôm đến nửa đêm ông còn lang thang.
Lúc đó trưởng trại là một thiếu tá gọi là Bảy Đức, dân lục tỉnh ,tay này chắc cũng thuộc loại chịu chơi, lần đầu thấy vệ binh đè ông ra nện cho một trận vêu mõm, thông cảm người tâm thần cấm vệ binh đánh ông ta, nếu ông không bước ra khỏi hàng rào ngăn cách, dặn các khối trưởng để mặc ông ta, được thể ban đêm đi lung tung xin lửa, anh em gọi ông ta là » Độc Cô Cầu Hỏa « , có ở trại này mới thấy, nếu ở trại khác chắc ông đã bị tụi nó bầm dập hoặc bị chết rồi, mà ở trại khác chắc sư phụ cũng không dại chơi trò «Tôn Tẩn giả điên» một thời gian sau ông Lãng được cho về, không rõ theo diện nào.Trước khi về ông nháy mắt cười với Ara và dúi vào tay hắn một gói thuốc lào, Không biết có phải thầy giả điên qua ải hay không nữa, hình như thầy cũng đang ở Cali . Khi nhập thêm nhóm anh em từ Phú Quốc về hộp thơ đổi là L1T5 , vẫn là 6 dãy nhưng do nhập lại hai khu nên mỗi dãy 20 nhà.
Thủ kho kiêm bếp trưởng

Lúc họ giao cho Ara công việc thủ kho và nhà bếp, tối đó tụ tập nói láo với nhau, hắn cầm quyển Kiều của một người bạn, đùa với cả đám « Tao bói thử xem công việc làm ăn này có khá không . »
Cầm quyển Kiều nhại giọng mấy thầy bói » Lạy vua Từ Hải , lạy vãi Giác Duyên , lạy tiên Thúy Kiều cho Ara một quẻ » . Quẻ ứng với câu
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài .
Chỉ là xin quẻ trong lúc đi tù, ai ngờ lại ứng cho đến năm 60 tuổi với cái nghiệp « nhà hàng » .
Người ta bảo là » giàu nhà kho no nhà bếp » Ara vừa thủ kho vừa là bếp trưởng, họ lấy 1 căn nhà để làm nhà kho, mà có gì trong kho đâu mà giàu, lương thực và thực phẩm cứ 3 hay bốn ngày phân phối một lần, rau anh em trồng thu hoạch rồi đem chia đều cho các bếp, như vậy tiền rau không phải trả, tụi nó lấy phần tiền rau này chia làm ba : một phần dùng để tái sản xuất , một phần anh em cải tạo hưởng , phần còn lại làm quỹ phúc lợi , đấy là nguyên tắc kế toán của XHCN, rau được tính theo giá mua quốc doanh , mỗi tháng tiền tiêu chuẩn cho một cải tạo là 12 đồng , trừ 9 ký gạo theo giá quốc doanh hết khoảng đâu 4 đồng gì đó ,nếu rau mình nộp đủ không phải mua thêm ở ngoài thì dùng số tiền còn lại mua thực phẩm, nếu rau nộp dư thì tụi nó điều phối đi chỗ khác trong doanh trại và được tính thành tiền sinh hoạt mỗi tháng, mỗi tháng được cấp 2,40 đồng gọi là tiền nhu yếu phẩm bao gồm đường, sữa, kem đánh răng, thuốc lào, thuốc lá có khi có cả dầu hôi đốt đèn…
Cứ mỗi tháng phải tổng kết số chi thu và báo cáo, chỉ là số liệu mỗi lần đi lãnh hàng và đơn giá, còn bên trong như thế nào thì chịu, ba cái vụ kế toán này dễ nhập nhèm lắm ; giữa kế toán, thủ quỹ và thủ trưởng đồng thuận là mọi việc êm xuôi, có thằng cải tạo nào biết mà dám chất vấn đâu. Chính họ còn có câu « Thủ kho to hơn thủ trưởng , nhưng tới nhà thủ trưởng tưởng là cái nhà kho »; ừ mà thôi cái chuyện này đem ra nói thì tới tết Congo cũng chưa hết.
Cái sướng của tổ nhà bếp là học tập chính trị đại khái thôi, thời gian cả đoàn lên lớp nghe » nói giăng nói cuội » thì tổ nhà bếp chỉ phải ngồi chịu trận tới 9 giờ, sau đó phải bảo đảm bữa ăn nên được ra về để đến 11.30 anh em học tập xong về có cơm nóng ăn để còn kịp lên lớp buổi chiều hay còn phải thảo luận tổ…hà hà anh nuôi mà. Cũng phải thảo luận mà chỉ có tính cách đối phó mà thôi .
Đi lãnh hàng một thời gian ngắn hắn tìm ra cái yếu điểm của đám hậu cần ; Khi gạo nhập về chúng bắt anh em xổ bao ra hết , đổ gạo vào một cái cót lớn hình như miền nam gọi là cái lẫm gạo, cũng không rành cái tên gọi lắm; lý do là phải trả bao cho nơi cung cấp , tránh gạo mốc và phát chính xác cho từng đội, trong khi bao gạo có trọng lượng ghi rõ ràng, rồi sau đó kêu lên cân, lãnh gạo đem về cho từng bếp, mà cân là loại cân xách, có quả cân kéo để đọc trọng lượng, cái loại cân kiểu này dễ nhập nhèm, các bếp lãnh gạo về nấu cơm lúc nào cũng thiếu, anh em ăn không no, kêu ca , tụi nó cho người đứng ra kiểm soát cũng vậy mà thôi, nhà bếp đâu có bớt phần gạo nào đâu, tại sao không kiểm soát thủ kho lúc cân gạo. Biết đó là thủ thuật của giặc, mà mình thì thấp cổ bé miệng nói ra có thể bị vạ lây . Nhẩm lại trong đầu cái kiến thức về cân, đong, đo, đếm của tụi nó và đã tìm ra đòn » gậy ông đập lưng ông « 

.

Cân xách này có móc sắt dùng để móc bao gạo vào, còn Khoen tròn ở trên dùng để thọc đòn sắt vào mà khiêng lên, kéo quả cân cho đòn cân thang bằng và đọc trọng lượng trên đòn cân, loại cân đòn dài quả cân nặng có thể cân được cả con heo hai, ba trăm ký

Về sau mỗi khi cân gạo đi kèm với tên Điều , thằng này là quân cảnh, cao lớn hơn hắn gần 1 cái đầu, hai thằng ngang nhau thì dễ cân, dễ gánh nhưng thằng cao thằng thấp, lại dùng cây đòn ngắn lúc đó bao gạo có khuynh hướng nghiêng sát vào người thằng thấp, thằng này chỉ việc dùng chân nhích bao gạo lên chút xíu là có dư từ 3 đến 5 kg, chỉ khổ cái là khi gánh gạo đem về cây đòn ngắn hai thằng đi không đều Ara thấp người chịu hơi nặng, lần nào lãnh gạo về đong lại bằng lít lúc nào cũng nhỉnh hơn thực tế , thế là bếp đỡ thiếu cơm , mấy bếp khác thắc mắc tại sao tụi nó thiếu ,mình chỉ cười mà trả lời là anh em bếp 3 khéo nấu.
Gạo thóc được xếp vào « mặt hàng chiến lược », nói cho anh em thì cũng tốt, nhưng có ai bảo đảm là không đến tai tụi cán bộ không ,hắn không dám, chỉ trong phạm vi đội hơn 250 con người là được, bếp của hắn còn được biểu dương làm tốt công việc , dư gạo cũng không dám nấu thêm nhiều,miếng ăn dễ bị nhòm ngó ! mỗi chảo chỉ thêm vài ba kg, vì vậy mà tới khi chuyển trại đi Đồng Ban trong kho còn dư hơn 500 ký gạo , tụi nó kêu lên lãnh gạo cho 3 ngày đi đường để nơi đến tổ chức bữa ăn, làm rối trí sợ bị bể, anh em vừa được nhận quà thăm nuôi ai cũng nặng chịch đồ đạc, không ai chịu mang thêm ngoài tiêu chuẩn, chỉ những người ít đồ đạc là nhận thêm để riêng cho mình, còn hơn 500 ký tại kho của hậu cần phát vẫn chưa nhận, không biết làm sao, lật bài ngửa với thằng hậu cần . Nói là anh em vừa nhận quà đợt thăm nuôi nên đồ đạc còn nhiều, đến nơi mới anh em tự túc , vậy số gạo này anh giải quyết, tôi ký sổ nhận gạo. Tên này vui vẻ nhận lời ngay, hắn cũng yên tâm coi như phủi xong việc, đến chiều thằng hậu cần ghé đưa tặng một can đế, bánh thuốc lào, một cái võng và một tấm đắp, kể ra là thoát nạn . Hú vía ! chúng mà truy ra chắc mập mình. Năm 2012 có ghé DC gặp lại « Đức gà » và cái đám 500 thằng lưòi ở Cây Cày tại nhà Đức gà ở Arlington nhắc lai chuyện này thật là vui.


Bác sĩ Hoàng Lộc.

Rời khỏi Trảng Lớn nhớ lại những vui buồn nơi đây, những khuôn mặt đang ngồi trầm ngâm cho số phận,một thằng ngâm lên
Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ ,
Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh
Lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa
Ngồi quanh đây mà nghĩ chuyện xa vời

Có một tên ngâm chắc cũng không hẳn đúng với bài thơ của Vũ hoàng Chương nhưng nghe thật não nuột. Tên gã là Hoàng Lộc, là bác sĩ trẻ mới ra trường năm 74, đầy nhiệt huyết,Không biết có ai còn nhớ vào những đầu thập niên 70,tại trung tâm sinh hoạt thanh niên ở đường Duy Tân gần trường Luật, nổi lên phong trào CPS, trong đó có ban hợp ca Tiên Rồng nổi đình nổi đám do hai nhạc sĩ Hoàng Phúc và Hoàng Lộc (là hai anh em)đảm nhiệm. Hoàng Lộc đa tài, điều khiển một dàn hợp xướng xuất sắc , chỉ trong thoáng chốc có thể sắp đặt cho một bản họp ca ,điều này là do bác sĩ cùng khóa anh gởi cho tôi bức ảnh với vài lời viết về Hoàng Lộc . Ở khu nhà 2 đối diện nhà hắn, cũng lớn con, tối tối hay tụ vào sau cái bếp của Ara mà phê, pháo cười đùa đàn địch để vơi nỗi buồn, sau những người chung nhà có vẻ sợ bị cán bộ trại để ý, bọn tôi dọn xuống khu nhà 6, nhà này do Nguyễn đức Cường, dân hải quân,làm tổ trưởng,Cường cũng người tầm thước, có chút râu quai nón,nếu hắn cầm thêm cái roi cá đuối là y chang thủ lãnh của Vikings, Cường, một kẻ mã thượng, một tay chơi có phong độ dám đứng mũi chịu sào cho các cuộc tụ tập, mọi người tụ về đây mỗi tối, nơi đây được nghe Hoàng Lộc hát, giọng thật ấm,truyền cảm thêm tiếng hát nghệ sĩ của Nguyễn Hữu Đức, tên này là bạn Ara từ thủa nhỏ, vẫn thường bắn bi đánh đáo với nhau, hồi còn học tiểu học thầy giáo còn tưởng hai đứa là hai anh em , vì hai thằng đều là Bắc kỳ đều là Nguyễn Hữu, tôi là Phát nó là Đức, nhà nó ở đường Bùi Chu, lên trung học hai thằng học khác trường, sau đó mỗi thằng mỗi ngã nó dạy toán ở Tây Ninh cũng động viên và biệt phái về dạy học lại, gập nhau tại nơi này, còn có thêm một Trần quang Kỳ trẻ tuổi nổi đình nổi đám cho buổi văn nghệ, là cảnh sát đặc biệt hiện đang sống tại nam Cali .
Gọi là đi tù, nhưng ở L3T2 hay L1T5 tương dối dễ thở hơn các trại khác rất nhiều, quản giáo cũng ít xăm xoi .

Sống với nhau nơi đây đến đầu năm 1977,sau khi ăn Tết Đinh Tỵ chúng tôi bị đưa lên Đồng Ban và từ nơi này lại di chuyển các trại khác nhau.
Tại đây Nguyễn Đức Cường đứng ra tổ chức vượt trại nghe đâu cũng hơn 70 người vượt trại , họ là những anh hùng, trong đó có một số ngưòi tôi quen biết, có Nguyễn Hữu Đức, dược sĩ Nguyễn văn Hào có Văng công Định , tôi có ghé nhà Đức vài lần hỏi thăm,nhưng không có tin tức gì cả, giã biệt tác giả bản nhạc tango » Tình lữ thứ » . Hoàng Lộc chuyển qua trại khác Hàm Tân hay Long Giao gì đó tôi không rõ và cũng từ nơi này anh đã anh dũng hy sinh. Khi được thả về, gặp lại những người ở chung với Hoàng Lộc kể lại cho hắn nghe việc anh bị bắn chết trong trại , nghe thật đau xót cho con người tài hoa . Ngày còn ở chung có lần Hoàng Lộc hát cho nghe bài nhạc của anh làm, bài » Chờ thư » , hắn không nhớ hết, chỉ nhớ vài khúc nhạc, đại khái như
« Sao không viết cho anh
Những giòng thư êm ái
Sao không viết cho anh
Những giòng chữ mến thương
Sao không viết cho anh
Những trang thư ngày trước
Sao không viết cho anh
Những giòng chữ mến yêu
Em ơi viết cho anh, để gợi nhớ cuộc tình
Nhiều hôm,thư về trước sân nhà
Giữa bao tiếng reo hò
Anh lại ngồi ngóng trông
Nhưng thư kia , từng chiếc cứ bay dần , từng chiếc cứ vơi dần… »

(Tấm hình của Hoàng Lộc do người bạn cùng khóa y khoa với anh gửi cho hắn, Hoàng Lộc 1947-1977 chứ không phải 1976 như ghi trên bức hình )

Nói chuyện tâm linh một chút.
Khi tôi đem bức ảnh chân dung của Hoàng Lộc lên bài viết này, đã làm lớn bức ảnh và photo shop lại cho đẹp đẽ , hình như Hoàng Lộc không muốn, làm cách nào cũng không thành , hoặc thành thì chỉ vài ngày sau bị xóa mất dù đã hiện lên trên blog
Xin lỗi anh, anh không muốn, tôi cũng lầm thầm nói chuyện với anh là » sao khó quá vậy Hoàng Lộc , không muốn làm lớn thì Ara để lại nguyên gốc, lần này hình hiện lại « , làm tôi cũng giật mình.

(Hôm nay 3/5/2022 ngồi sửa lại bài viết này, tìm lại mãi trong máy mới có lại tấm hình của Hoàng Lộc, cũng lẩm nhẩm xin phép anh vài lời và cũng vừa bỏ vào blog.
H. Lộc, mày đừng làm khó tao nữa nhe !
Cám ơn mày Hoàng Lộc)

Và Hoàng Lộc đã mãi mãi bay xa chúng tôi…!!!
Hay viết nhật ký, cũng vì chuyện này mà anh ta bị chết thảm khi dấu quyển nhật ký vào trong một cái gối để gởi cho người yêu lên thăm, trong đó có đoạn là » Làm đầy tớ người khôn còn hơn làm thầy kẻ dại, bây giờ mình lại còn làm đầy tớ cho kẻ dại « , cũng vì những tư tưởng này mà bị cho là phản động, tụi công an đánh anh, giận, anh chống trả, Hoàng Lộc cũng là một tay nhu đạo có hạng, tụi nó cho anh về anh vừa ra đến cổng thì nó bắn và bị vu cho là vượt trại, « version » này là do nghe kể lại , có đúng như vậy hay không, tôi không rõ, nhưng tôi thích version này, cho thấy giống chất hào hùng của Hoàng Lộc.

Đồng Ban và Cây Cày

Giã từ Trảng Lớn; lần thứ hai trong đời phải leo lên chiếc Molotova này,hy vọng đây là lần chót, xe bít bùng, chạy vào ban đêm, chắc là xa dần ngọn núi Bà Đen mà chiều chiều đứng dòm, sao mà số hắn dính dáng nhiều đến mấy bà đến thế, được Bà Rá vuốt ve đâu cũng 3 năm, lúc đi lính cũng đóng ở Bà Đen, Tây Ninh,cũng biết một số địa danh,nào là Kiêm Hanh, Suối sâu, Bến Sỏi, cho đến Cần Đăng, Xa Mát giờ thì được Bà Đen săn sóc, nhìn hai bà ngán quá rồi, thật là mích lòng,không biết ai ở Trảng Lớn có nghe câu sấm này không

« Bao giờ cọc sắt nở hoa
Bà Đen hết đá thì ta mới về. »

Thế mà cọc sắt cũng có lúc nở hoa, anh em gieo trồng mướp, lợi dụng mấy cọc sắt,kẽm gai,rồi đến khi ra hoa,cả đống hoa vàng nở trên cọc sắt, chỉ có núi Bà Đen là trơ gan cùng tuế nguyệt.
Đã đi thì cũng phải đến, chúng tôi đến một nơi có tên gọi là Đồng Ban, vừa đến nơi thì nghe tiếng nheo nhéo của thằng Nguyễn Hữu Đức( Đức Cớp), đám nó đến trước một ngày, bọn hắn cũng được đẩy vào đây, anh em gặp lại nhau lại hứa hẹn mở quán cà phê xập xình.

Vệ binh ngày hôm sau dắt chúng tôi ra ngoài làm việc,trên đường đi , ngang một khu kinh tế mới , nhìn những người dân ở đây sống nheo nhóc khổ sở , thấy tội họ quá, chạy ăn từng bữa , nhưng nhìn lại có cảm tưởng họ đang tội cho bọn tù đày này thì đúng hơn, dù gì họ cũng được tự do đi lại , không có người kè kè vũ khí bên cạnh . Đang đi có một cô bé chạy theo nói » chú ơi , con có con chó con , chú mua dùm con đi chú » ,thấy đứa bé lam lũ cũng động lòng,hỏi cháu bán bao nhiêu, cô bé muốn bán 4 đồng để đi mua gạo, sẵn có 5 đồng trong túi mẹ hắn cho, để có dịp thì mua những gì cần thiết,đưa luôn cô bé 5 đồng và nhét con chó con vào bụng,chỉ để thò cái đầu ra ngoài,cũng chưa biết lấy gì mà nuôi,thây kệ nhìn con bé thấy giống học sinh của mình thì mua giúp nó .
Đồng Ban là trại chuyển tiếp, chỉ ở tạm, hơn 50 người ở chung một cái láng, chẳng có giường chiếu gì cả cũng chẳng ai phân công lao động, tự túc nấu ăn, lúc này còn bận thêm con chó, lấy nước cơm cho chút đường vào cho nó ăn, cột sợi dây hai cha con dắt dìu nhau mà sống, là chó cái, đang định chọn cho nó cái tên làm sao cho phạm húy mới vui, lại ngại ở chỗ mới ăng ten báo cáo thêm bớt thì gay go, thằng « Đức Cốp » chọn tên , con của AraPhat thì lấy tên là Ara Tô, lớn lên cho học nghề chôm chĩa của Tía nó, và tụi nó gọi là Ara Tô . Có lúc hắn gọi nó là Bê đê, bi đông hay Bù Đốp là những tiếng chúng tôi gọi mã hóa của « bộ đội » . Vừa chạy vừa « chóc chóc » gọi Bi đông , con chó chạy theo , cả đám tù đều cười khi nghe Ara gọi đểu .
Cũng ở trại này hắn có biết biết Hoàng văn Quý, ai ở đây còn nhớ lúc bộ đội (bi đông) có bắn chết một chiến hữu của mình không, tên là Hiểu, Ngô hay là Nguyễn nhớ không chính xác lắm, à đúng rồi !lúc có phụ làm mộ bia cho nó, là Ngô nhật Hiểu, là sĩ quan trợ y, Hiểu bị bắn chết tại hàng rào ngăn cách giữa hai tiểu đoàn, nó cùng tiểu đoàn với hắn.
Lúc chiều lúc tập hop điểm danh, cán bộ trại nhắc nhở không được quan hệ linh tinh với tiểu đoàn bên cạnh, cũng cho biết thêm là trại bên cạnh nghiêm khắc lắm, thằng Hiểu có cảm tình với một thằng bên trại đó, tối đó Hiểu đem quà qua mừng sinh nhật cho thằng nọ, thằng gác nó để cho qua đến khi trở về nghe hô lên một tiếng và tiếp theo là tiếng nổ của một tràng đạn AK, Hiểu la lớn và xin tha, nhưng lại thêm một loạt đạn thứ hai và im tiếng, chúng tôi nằm trong láng nghe rõ mồn một vì cách chỗ Hiểu bị bắn chưa đầy 20 thước, xác để nằm đó, không ai dám làm gì cả đến sáng hôm sau trại bên cạnh mới giao cho trại bên này, cán bộ trại bảo chúng tôi đi qua đem xác về, Hiểu nằm cong queo trên mặt đất , một mô đất cách khoảng 10m còn vương đầy nhũng vỏ đạn AK, một viên trúng tay của Hiểu vài viên nữa vào ngực, có nghĩa là viên đầu tiên Hiểu sau khi nghe tiếng hô nó dơ tay lên, bị bắn trúng tay, lúc đó Hiểu xin tha và nhận được loạt đạn sau.

Tẩm liệm cho Hiểu là Nguyễn Đức Cường, thi thể Hiểu đã cứng, Cường phun rượu cho mềm cái xác và tẩm liệm ngay ngắn.Trại cho vài tấm ván, anh em cố gắng lo phần hậu sự . Bốn tấm dài, hai tấm ngắn bao phủ xác của Ngô nhật Hiểu, được chôn ở gần đấy; Nguyễn Đức Cường có làm dấu chỗ chôn xác , ghi lại địa chỉ nạn nhân, không biết có còn ai ghi lại không, lúc đó chỉ có 6 người làm việc này . Ngày hôm sau ở bìa rừng Hoàng văn Quý có soạn bài hát cho Ngô nhật Hiểu và hát cho nhiều người nghe, tôi chỉ nhớ có đoạn « Anh dơ tay hàng ,nhưng không được hàng,viên đạn căm thù giết chết đời anh » ; đây là phần điệp khúc của bài hát còn những phần khác trí nhớ kém cõi không không nhớ được hết, không biết sau này ở Cây Cày A , Quý có hát lại bài này không.
Độ hai ngày sau thì điểm danh, và 500 thằng có tên đã được đưa vào trường Quản huấn Cây Cày A.
Cường và một số anh em còn ở lại để đi trại khác, trong khi chờ di chuyển, nhóm của Cường khoảng 70 người đã tổ chức trốn trại ở đây, và không ai biết được tin tức của họ .

Phần 2

500 thằng lười ở Cây Cày A
Rốt cuộc cũng phải lên Molotova lần thứ 3, thôi thì quá tam ba bận vậy, đoàn xe đi về hướng nào cũng không biết lúc đó khoảng 6 giờ chiều, trên mỗi xe có 3 tên vệ binh lăm lăm khẩu AK như chỉ chực nhả đạn nếu như có tình huống nào xảy ra bất lợi cho chúng, đoạn đường có lúc phẳng phiu nhưng cũng có đoạn làm mọi ngưòi nghiêng ngả; không một tiếng xì xầm, mỗi người dường như đang theo đuổi những suy tư riêng. Ara Tô ngoan ngoãn nằm trong lòng của tía nó.
Không biết đoạn đường bao xa nhưng đến khoảng 9 giờ tối thì xe vào đến điểm tập trung,mọi người lục tục xuống xe, nét lo âu hiện lên từng khuôn mặt, không biết nơi này tụi nó có đối xử rừng rú như chuyện đã xảy ra cho Hiểu không, nhìn lên cổng trại,thấy hàng chữ « Trường Quản huấn Cây Cày A « , tiên sư các anh, tên nghe có vẻ con nhà thế không biết nữa, khi thấy một đám vệ binh hầm hè thì thấy tương phản với cái tên ghi ở cổng trại.
Bước qua khỏi cổng trại không hẹn mà anh em cùng thốt lên khi thấy tâm hình lớn vẽ » già Hồ » đưa bàn tay năm ngón với hàng chữ « đời đời… », bỏ mẹ rồi cả đám bước vào cổng « đời đời » thì đúng là… « mút mùa Lệ Thủy,mút chỉ Lệ Thu » có thằng còn chêm thêm câu « mút c… Duy Khánh » cho có vần diệu nữa . Về sau anh em gọi cổng này là cổng « đời đời » cũng có thằng lạc quan hơn thì nói « tụi mày không thấy ổng đưa bàn tay năm ngón ra sao, chỉ nhẹ nhẹ 5 năm thôi rồi về ».

Cai tù ở đây có tên là Năm Quân, chính hắn khi tập họp có nói :
Các anh không phải là tù binh , các anh cũng không là hàng binh mà các anh là « rã binh » các anh không được đòi hỏi quy chế tù hàng binh , nhà nước tha chết và khoan hồng cho các anh , kể từ nay nếu chết sẽ có hòm.
Nghe thật đau phải không các bạn, một quân đội hùng mạnh với các quân binh chủng thiện chiến, vậy mà một sớm một chiều tan rã, người có trách nhiệm lúc nào cũng tuyên bố « sát cánh cùng anh em chiến sĩ », vậy mà phút chốc bỏ trốn cùng vợ con.
Cũng chính Năm Quân gọi chúng tôi là » 500 lao động chây lười » cũng từ những phát ngôn của cai tù Cây Cày A này chúng tôi mang một danh xưng là « đoàn 500 thằng lười ». Ngày nay 500 thằng lười này rải rác trên thế giới, nhiều nhất là ở Cali.

Nơi đây được phân chia ra thành từng đội, hắn rơi vào đội 1, sau đó có 1 quản giáo đưa đến chỗ dừng chân, trên con đường đến chỗ nghỉ ngơi nhìn hai bên thấy có những mái nhà tranh vách đất,cũng vườn sau sân trước, bên trong nhà thấy phe ta đang ngồi sinh hoạt, đi đến cuối trại phía trái, vào căn nhà số 14, căn áp chót, rồi phân chia tổ, nằm vào tổ 2, nhà số 15 là đội 1, thấy Ara đẹp trai lại dắt chó, quản giáo bảo làm tổ trưởng, tay quản giáo tên Thà, gọi là 5 Thà, cười là nhìn thấy vài cái răng vàng, nên còn được gọi là » 5 răng vàng » tên này mới đây mà xem ra nhiễm phong thái « tạch tạch xè » hay tiểu tư sản mà mấy bố hễ mở miệng hay đóng miệng lại là đòi đấu tranh tiêu diệt, chạy chiếc Honda 67 dắt đường chúng tôi, hình như là mỗi đội là 7 hay 8 tổ gì đó, tổ còn gọi là nhà, căn nhà này là của nhóm nghĩa quân của Tây Ninh để lại,họ chuyển đi qua nơi khác.

» Trường quản huấn Cây Cày A » chủ yếu là nhốt anh em cấp trung đội trưởng nghĩa quân của tiểu khu Tây Ninh mà đám quản giáo này phần đông là du kích của tỉnh nên đối với anh em nghĩa quân có ân oán nhiều, họ bị căm thù nhiều hơn với đám chúng tôi, lại còn một nhóm tệ đoan xã hội, đầu trộm đuôi cướp . Cũng có một số sĩ quan chủ lực của tiểu khu như tay cán bộ kỹ thuật Hai Phủ, tên này lấy điểm và hay dòm ngó báo cáo, còn có ông thiếu tá y sĩ bịnh viện tiểu khu, thiếu tá Mạnh, ông coi bịnh xá khám bịnh cho anh em cải tạo, có lần đi rừng bị trầy da tróc vẩy có lên bịnh xá để băng, thấy ông ta đang xà lỏn, áo thun đè một thằng ra nhổ răng; hay thiệt nơi đây ông kiêm luôn nha sĩ, mà nào có thuốc tê đâu, làm thằng con cong người theo nhịp điệu của ổng, hai chân thằng cu co duỗi như đang nhảy » son ,đố ,mì » vậy ; bỗng dưng ông cúi xuống đất như đang tìm kiếm cái gì, một lát sau ông ngó vào mặt vêu mõm của thằng em hỏi một câu nghe mà tưởng như nghe chuyện tiếu lâm » Ê ! tao nhổ lên rồi sao không thấy, mày có nuốt vô bụng không vậy, sao tao kiếm dưới đất hổng thấy », thằng cu miệng đầy máu ,cũng quạu đốp lại liền » Đ. M đau thấy mụ nội ,ông nhổ mà ông hỏi tui » ổng cũng cười theo mà nói » Mẹ nó, tao đâu có xài đúng cái kềm đâu,răng nào tao cũng chơi có 1 cái kềm này thôi, tao sợ mày nuốt vô mày mang họa » ! đâu ba bốn tháng sau ông được về.

Mấy hôm sau, khi ổn định xong, mọi người lên hội trường nghe Năm răng Vàng lên lớp, miệng hắn mỗi lần cười thấy như có trái sáng ở bờ môi, hắn dắt anh em đến chỗ đóng quân, hắn chạy từ từ trên chiếc Honda 67; phải công nhận tụi này được đào tạo như con vẹt, thượng tầng kiến trúc nói ra sao, hạ tầng cơ sở như cái máy phát Sony lập lại không sai một chữ :
» Nói chung là », các anh lao động tốt, nói chung là học tập tiến bộ, tuy nhiên nói chung là còn một số cá biệt không chấp hành tốt quy định của trại,nói chung là…các anh lười lao động mà đòi ăn ngon, đúng là « miệng nhà quan có gang có thép, muốn nói là nói » 500 thằng lười Cây Cày A là thế đó.

« Nói chung » là thằng Năm răng Vàng lắm lời nhưng nó không quá quắt với 500 thằng lười so với thành phần tệ nạn xã hội, nói chung là phải nhìn thẳng vào vấn đề là tại sao nhiều tệ nạn xã hội như vậy, trước kia cùng thổ nhưỡng này quả quýt trồng ngọt, còn từ năm 75 làm sao mà thổ nhưỡng này chỉ cho ra những quả chua, quả sâu, quả đắng.
Có lần trên hội trường Năm răng Vàng ca ngợi chính sách khoan hồng nhân đạo của nhà nước « nói chung là trong các đợt tha các anh; lần đầu các anh được về một phần hai, kế tiếp nói chung là các anh về một phần ba, rồi vừa rồi các anh về một phần tư như vậy nói chung là là các anh về đến một phần năm rồi đấy » Hà hà ! cả đám 500 thằng lười reo lên « Đúng rồi , về được một phần năm rồi » tội nghiệp kiến thức về phân số của Năm răng vàng.
Vài ngày sau biên chế lại chỗ ở, chắc là sợ đám 500 thằng này nằm ở cuối làng,sát bìa rừng,nhỡ có chuyện gì tụi nó biến mất, nên trại dời 500 thằng này về phía đầu làng để ăn ngủ có người trông coi, đang ở cuối làng nay lên đầu thôn, nhà số 2.
Đội 1 và đội 2 cách nhau cái bếp, đội trưởng đội 1 ở chung nhà, già Kình, nhiều thằng mau miệng gọi bố vì bố có con gái lớn, bố « 25 năm sẹc vít »lên đến thượng sĩ, mấy thằng trong nhà giễu bố » Tại bố bon chen làm gì cho lên thiếu úy rồi bây giờ chúng nó đì bố « , bố cũng thuộc dạng thịt chó, mắm tôm, thuốc lào,miệng lưỡi cũng góc cạnh lắm nên tụi đội 1 cũng yên ổn, đội phó là Khang trung úy TQLC, tay này khi về vượt biên đã không đến được bến bờ tự do, nhà 1 thằng Kha làm tổ trưởng,thằng này miệng lưỡi ngang như cua, tổ phó nhà 2 là bạn cùng lớp hồi năm đệ nhât, sau vào không phi hành,là trung úy trưởng phi đạo phi trường Nha Trang, lúc đọc danh sách trích ngang, quản giáo xướng lên là: » Nguyễn văn Sơn, trung úy, trưởng phi đạn » kế đó nó còn nói tiếp » Cái này tội nhiều lắm, nhất pháo nhì phi » làm thằng cu phải đính chính chữ « phi đạo » và giải thích chữ này, lúc đó nó nói sao không gọi là « đường băng » cho dễ hiểu phi đạo với chẳng phi đạn, lôi thôi; nhà còn có một ông đại úy tên Vũ duy An, ông là khóa 5 võ bị Đà Lạt, bất cần đời, tuổi ông lúc đó cũng ngoài 50, ông bảo khóa ông thường thì là đại tá, không biết sao ông là đại úy muôn năm, làm ban quân số trong bộ tổng tham mưu. Còn có hai người làm ở thuế vụ Saigon là anh Hoàng gia Bẩy và anh Nguyễn văn Quý, anh Bẩy gặp lại khi ghé vùng thủ đô Hoa thịnh Đốn trong bữa họp mặt tại nhà Nguyễn ngọc Đức , nơi đây còn gặp lại Nguyễn Báu, Lý văn Linh.


Anh Hoàng gia Bẩy nhìn lúc nào cũng phong lưu, vợ chồng hắn cũng có bức hình kỷ niệm với huynh trưởng Bẩy

Cám ơn anh Bẩy đã đưa vợ chồng tôi thăm viếng khắp các điểm du lịch , còn đãi chúng tôi một bữa cơm đặc sắc tại khu Eden . Lại có Châu văn Trí có biệt danh là « ông Châu Trí nhà nghèo », Lê nguyên Thọ hay « Thọ Tòm« (là bị té xuống ao cá tra ) đúng vậy không, lần gặp lại ở Cali quên hỏi lại

 .

Năm 2012 hắn có qua DC, Nguyễn ngọc Đức có mời lại nhà ở Arlington. Hình chụp trưa hôm đó…hàng đứng từ trái sang là Nguyễn Báu, Nguyễn ngọc Đức.
Hàng ngồi có Lý văn Linh, Hoàng gia Bẩy và Ara.

Cũng có vài tay là dân Ông Tạ như Ban, Thăng (Tư Lắc), Hội, Thế , Hùng Kí ki, thằng này nói hơi đớt, phát âm chữ « t » thành chữ « k » , nó xin « một tí » bột ngọt thành « một ký » nghe khủng khiếp, đi khóa năm 72 gọi là Hùng ký ky(tý ty ) những người ở chung Trảng Lớn thì có anh Quý và Hoàng gia Bẩy( thuế vụ ) còn có nhà giáo Liễn , ông này lúc ở Trảng Lớn làm đội trưởng cũng hay hò hét nhưng không hại ai, sau này thấm đòn nên cũng phè lắm, Kiên không quân, chị Ba Cang, Thể bên hải quân, nhà có một cái chái nhỏ bộ ba CTCT là Báu, Trinh, Thành,có bác sĩ Đỗ Đăng Mỹ, khi bác sĩ Mạnh được về, bs Mỹ và bs Dân lên làm ở bịnh xá, lúc đó cũng để nha sỹ Liêm lên vặn răng anh em, ông này được về phép 2 ngày để đem lên nguyên bộ kìm nhổ răng và một số thuốc tê, anh em cần thì cho mượn rồi sau đó nhắn người nhà đem lên trả.
Tổ trưởng tổ 3 là ai quên tên rồi, tổ 4 là Mai văn Toại,chuyên viên lâm nghiệp,ông này nhận nhiệm vụ trồng lại rừng, có lần gánh cây con đi trồng rừng với ổng, rừng bị phá, ông đề nghị trại nên trồng lại rừng và trồng lại cây « Mặc nưa », được ông dẫn giải là loại cây hay trồng ở vùng An Giang, người ta dùng để nhuộm vải lãnh Mỹ A rất đen và bóng láng, cũng được ông dạy cho những lý thuyết trồng rừng, nghe để hiểu, để nói phét chơi thôi chứ vào chi tiết đâu có đơn giản, không thế mà phải học 4 năm. Tổ 5 có Chu Quang Thảo, tổ 6 là Hưng Đô …Hai người này đang ở nam Cali, tổ 7 có biết anh Bảo đang ở Úc còn quên nhiều lắm.

Phần 3
Nhà 2 còn có anh Đạt được phân công làm thợ hớt tóc cho cả trại, cũng có 1 cái lều gần sân phơi bo bo cho anh « tác nghiệp », còn phân công anh Lý văn Linh lên là công tác tại lò mì ,nơi đây chế biến từ củ mì thành bột năng, sau này có lần liên lạc với anh Tư Kiên bên groups biệt động quân, biết được anh cùng tổ với Chu quang Thảo cũng là thành viên của lò mì, hình như nơi đây Ls Trần sơn Hà cũng có mặt, anh em làm chung với một số chị em ta trong nhóm tệ đoan xã hội , không biết có tay chơi nào táy máy tay chân hay mấy chú » bi đông » liếm láp mà có một chị em ta đeo ba lô ngược và cũng ra một nhóc tì cải tạo từ thuở lọt lòng.

Lần đầu tiên nhận công tác chặt tre, chỉ tiêu mỗi « em » 5 cây tre dài 8m ; nghĩ là dễ ăn, cầm rựa huýt « Bi đông » đi theo, tới khu rừng tre, nhìn bụi tre gai mà không biết cách nào để đem về 5 cây, cũng chui vào chặt thử nhưng không có cách nào để kéo tre ra khỏi bụi, cành tre bị vướng lung tung, coi bộ còn mệt hơn là kéo cưa, ngồi nhìn bụi tre mà mong có bụt hiện ra cứu vớt, nhìn thấy thiên hạ chặt đem về sao dễ quá .
Ara nhờ ăn hiền ở lành, quả nhiên có bụt hiện ra, đang ngồi thối ruột bỗng thấy bụt vác tre lại gần , bụt xin điếu thuốc lào, hít xong bụt nói chuyện là ở trong láng tệ nạn xã hội, nói là » anh chặt như vậy còn lâu mới được 1 cây » sau đó bụt chỉ cách chặt là phải bám cành tre leo lên tới ngọn, róc những nhánh đâm ngang xuống lần tới gốc cho khỏi vướng rồi sau đó mới chặt gốc, bụt cùng leo lên ngọn rồi cả hai cùng róc nhánh tre, sau đó xuống hạ gốc tre và kéo ra, bụi tre có hơn chục cây, bụt còn chỉ » mánh » là đem dấu bớt chỗ còn lại, nộp đủ 5 cây thôi, lần sau xin đi chặt tre ra bó lại đem về, còn chỉ cách tước lạt tre mà cột cho chắc không bị xục xịch dễ vác . Thật hay! ngẫm lại thấy cũng là một triết lý trói buộc, thứ nào trói buộc thứ nấy… « người trói người » chạy đâu cho thoát…., lần sau vào rừng con cà con kê đến 11 giờ mới lững thững vác tre về,đỡ cực . Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn .

Lên non ta đốn tre rừng
Nối trăm tre lại nghe rưng rưng tình
Ta đi cấy lại bình minh
Nhỏ to ngọn suối rung rinh trở mình

Con chó hắn nuôi có tốn kém gì đâu, nó chạy khắp trại, chỗ nào cũng quăng cho nó chút đồ ăn, nhất là ở khu nhà bếp, thằng nào cũng thương, nó là lính gác giặc, được mấy thằng lười trong tổ phong « danh hiệu anh hùng », cả 500 thằng cải tạo đi qua em nằm lim dim như không hay biết, vậy mà thấp thoáng bóng quân xâm lược đi tới là sủa vang trời, ban đêm ngồi sinh hoạt anh em ngồi chơi tà tà cho hết giờ, bỗng có tiếng sủa và gừ gừ là biết bi đông đi kiểm tra, anh em nghiêm túc phát biểu lung tung, những lúc hắn phải đi lấy cây mây, vào sâu trong rừng, lõm bõm nước đến bụng, nếu trượt chân sa lầy là nguy, đúng như câu « bứt mây động rừng », một tay tước gai, tay còn lại giựt, kéo mang theo tiếng ầm ầm vang dội núi rừng, quay lại thấy nó cũng lõm bõm bơi bên cạnh, cũng thấy ấm lòng, đánh hơi thấy rắn lục trên cây là vừa sủa vừa thụt lui như bảo đi con đường khác vậy.
Tưởng là sống trong rừng, Ara Tô không được hưởng mùi đời, trọn đời trinh tiết, vậy mà đến tháng 7 cũng có chàng từ đâu đến ăn dầm nằm dề trước của mong được em Tô ngó ngàng, chàng thuộc dạng chó rừng tướng tá bặm trợn, miệng to,lông xoắn, to gấp đôi em Tô, vậy mà nên duyên.
Em Tô còn có nghề đi chôm trứng gà của các trại gà, có lần nghe Đức gà kêu bị mất trứng gà thì ra bị em Tô vớt, lúc đầu nó chỉ đuổi gà thôi, một lần làm bể trứng gà, nếm thử, thấy có lý, nên quen mõm . Trong trại có nhiều anh nuôi gà, không biết mấy người khác có được Ara Tô viếng không.
Lúc đó cũng có một số anh em trốn trại, tụi cán bộ cũng tỉnh bơ, nói trên hội trường là « chúng tôi giữ kẻ ở chứ không giữ người đi, rừng đấy anh nào giỏi cứ đi, đừng để chúng tôi bắt gặp », danh từ trốn trại lúc đó anh em gọi là « bốc hơi », tổ của hắn có 2 người, là Nguyễn văn Hướng (dân võ bị Đà Lạt), đại úy, là một trong những đại đội trưởng của Biệt động quân bốc hơi chung với Trần văn Thành sĩ quan CTCT.
Có lần hắn với trưởng phi đạn Sơn và anh Tu đưa hai người khác trốn, đưa đi lúc 2 giờ trưa đến 6 giờ tổ trưởng điểm danh và báo cáo thì cũng đi khá xa rồi, hai người này ở nhà 5, tổ trưởng anh em gọi là « Hưng Đô », nhà này tối hay họp mạt chược . Anh Vũ Tuấn Thịnh, đốc sự QGHC,làm trưởng ty tài chánh Phước Tuy, anh này cùng sở thích với hắn ở ngoài đời, là dân tuyệt phích . Chiều thứ bảy là mon men đến trường đua Phú Thọ bàn như bàn số đề; xem ngựa đua, ngứa tay chơi một độ.
Người đời bảo là « đường vào trường đua có trăm lần thua chỉ một lần huề », bàn nghe thông thái lắm, mà cứ để ngựa đá hộc máu . Anh đi cùng Lê Kinh Hồng,đại úy, ban 3 sư đoàn 25, Hồng làm bếp chung lúc ở Trảng Lớn, đưa hai anh đi và chia tay gần xa cá, đây gần Cần Đăng, từ chỗ này lên Xa Mát rồi lần qua biên giới . Lương khô, dao rựa đi rừng hắn và anh Tu đã chuẩn bị dấu trong rừng từ ngày hôm trước nhưng hai người này bặt tin, mỗi lần ghé thăm bà cụ anh Thịnh , bà khóc nhiều làm cũng không dám lại nữa .

Các bạn có biết xa cá là gì không chắc chỉ là tên gọi địa phương họ dùng, diễn tả cho mọi người hình dung ra đó là đan một cái bãi(parking) bằng tre nứa cho cá chui vào, tre đan hở khoảng 3cm , luồng nước vẫn lưu thông được nhưng cá vào đây bị giữ lại, cái bãi tre này có bề ngang bằng với bề ngang của con suối , thoai thoải dốc phía đầu giòng, phía trên bãi chặn bằng một bức tường tre , nước vẫn ào ào chảy nhưng cá theo giòng nước bị rơi vào chỗ trũng không thoát ra được , đại khái như vậy, có lần thấy trong youtube có đoạn phim bắt cá ở Nhật , cũng y như cái « xa cá » chúng tôi làm nơi dòng suối gần Cần Đăng, công việc thật quy mô, nguồn nhân lực chùa, vật lực có tốn kém gì đâu . Vấn đề đặt ra là số lượng cá bắt không đáng kể nơi dòng suối này, công việc vô ích, chỉ là chuyện xúi khôn xúi dại của những tay cải tạo được phong làm kỹ thuật bày vẽ ra rồi đứng trên bờ chỉ tay hò hét
Đội có 1 tên, họ không nhớ, tên là Long, ở nhà 5 hay 6, là dân công chánh , thằng này thuộc dạng « lùn mã tử » là cán bộ kỹ thuật cũng hay hò hét anh em ( mà nói nào ngay ! bị đặt vào công việc đó thì phải hò hét, miễn là đừng làm hại anh em thì tốt) lúc làm một cây cầu bắc ngang một con suối nhỏ , đâu bề ngang độ 8m để xe qua lại, chuyên chở bo bo và đất đá về xây sân, Long vẽ đồ họa xây dựng công trình, hai bờ được đổ đá nện chặt kế tiếp hắn chỉ thị anh em đi chặt cây, cây đường hoành phải là 1 ôm tức là đường kính phải là 50cm dài 14m, anh em đi dòm cây ước chừng chiều cao sau đó đốn hạ, đâu phải lần nào cũng đạt được đúng như mong muốn khi thì 11m , khi 12m ,công trình cần 4 cây mà anh em đốn có đến chục cây mới được, sau đó là màn khiêng về , có gần chỗ làm đâu, gần nhất cũng phải hơn 500m, khiêng một khúc cây như vậy có đến hơn 30 người, luồn dây mây qua rồi thọc đòn vào khiêng cái này tụi nó có tên gọi là đi » reo cây » từng bước một đến bờ suối sau đó làm đòn bẩy để đưa khúc gỗ vào đúng vị trí, dưới nước cũng có một toán xeo bẩy Vũ đình Thọ nằm trong đám này, hình ảnh anh em quần quật như vậy ngồi liên tưởng đến phim « le pont de la rivière kwai » với số phận của những tù binh mà không được áp dụng đúng quy ước tù binh .
Còn việc xây sân phơi bo bo nữa, cũng là do mấy thằng phụ trách kỹ thuật bàn ra tán vào, vào thời buổi đó mà còn lợi dụng đêm trăng rằm mà làm thâu đêm, toán thì vào rừng đào đá,đập nhỏ chở về làm nền toán thì xây dựng, « hiến » 2 bao xi măng và cát thằng nào tự nguyện giúp trại thì cho 2 ngày phép để đưa lên, cũng khối thằng nhất là dân Tây Ninh hưởng ứng, lần đó Võ Tư làm tài xế chiếc GMC chở đá núi mà anh em phá núi về lót làm nền cho sân phơi bo bo . Bo bo cũng do 500 thằng lười trồng , thu hoạch rồi đập cho bung hạt và phơi tại đây, chiếc GMC Võ Tư lái hình như bị « đui một mắt », hắn phải bám vào bên hông rọi đèn để thấy đường, cũng may là đêm rằm có ánh trăng ; gặp lại Võ Tư , Trương Kinh Thành, Chu văn Huy và một số thằng lười ở San José năm 2016.


Ara và một số « thằng lười » ở San José năm 2016.


Hắn và một số « thằng lười »đoàn 500 có tấm ảnh lưu niệm lúc hắn ghé Cali năm 2016.
Hắn ngồi thứ ba từ phải đếm qua. Ngồi đầu hàng phía trái là thằng lười Phạm hoàng Bách, cũng cùng khóa An Lộc với hắn, đã bỏ cuộc chơi . Anh Oanh, người đứng đầu bên trái đạo diễn bức hình, tay cầm Remote bấm chụp.


Mấy thằng lười còn nhớ trong đám kỹ thuât, có thằng tên Q. anh em hay gọi là » quy đầu « , ở nhà 1, chuyên môn dắt anh em đi đốt rừng trồng lúa mọi, là chuyên viên bộ nông nghiệp, hay thọc gậy bánh xe với quản giáo, đứng trên bờ ruộng mà í ới, chỉ trỏ với mọi người rồi báo cáo thêm bớt sự việc, có một hôm đi chặt tre, gặp tên này trong rừng, toe miệng cười rồi một tay cặp cổ nó như là thân tình, tay kia hươi hươi con rựa nửa đùa nửa thật « Qu. à, Qu vợ đẹp con xinh, Qu. mong về là phải nhưng con đường Qu. về không biết có đến được nhà không là chuyện khác, nhiều thằng tứ cố vô thân mà gặp Qu. đi giữa rừng như thế này, Qu. hiểu chứ (cái thằng này nói chuyện chuyên môn xưng tên Qu.)thấy lúc đó nó gần như vãi ra quần khi Ara phập con rựa vào thân cây rồi ngồi xuống hút thuốc lào, nheo mắt với nó…là » tao có ý tốt, nhắc nhở anh em vậy thôi « , từ đó trở đi nó nhìn ra sự việc.
Lúc trời trở lạnh, hút thuốc lào nhiều, bị lên cơn suyễn, bác sĩ Mỹ, Dân giữ lại làm báo cáo cho nằm bịnh xá, ổng dạy hắn chích thuốc, từ chích thịt đến chích veine(mạch máu), khi quản giáo lên khai bịnh, ông giao cho hắn thực tập, cũng may không đứa nào bị liêt . Nơi bịnh xá này mang tiếng có ma, và ở đây có lần chứng kiến ca mổ ruột thừa cho Võ văn Thể, là hải quân cùng nhà 2, nó đau, khai bịnh, tụi cán bộ rắc rối, sau khi chẩn bịnh, Bs Dân đứng ra bảo đảm là phải mổ gấp, ông phải đứng ra mượn sérum của trại và hứa trả lại sau . Lần đầu tiên hắn chứng kiến cảnh mổ dã chiến này, đặt thằng Thể nằm trên chiếc chiếu, giăng màn (mùng) để tránh bụi bặm, hắn nấu một nồi nước sôi để sát trùng dụng cụ mổ và bs. Dân là tay mổ chính, sau đó hai bác sĩ chạy khắp láng vay mượn anh em thuốc trụ sinh cho Thể, mượn mỗi người vài viên, nhờ vậy mà Thể tai qua nạn khỏi
Còn nhớ những lần đi bẻ sắn (khoai mì), gặt lúa cho dân không? Trại đâu có tốt với dân như vậy,chẳng qua là dân họ thuê, trả tiền công, tiền bỏ vào túi Năm Quân, công việc anh em mình gánh, nhưng mỗi lần đi như vậy là mỗi lần anh em có dịp mua bán ăn uống ngoài chợ sau khi xong việc, là chợ gì nhỉ…không nhớ có phải là chợ Tân Biên không nữa, mấy thằng vác súng đi bảo vệ tụi mình, ra đến nơi là cho thoải mái, chắc nó cũng lụp vô chỗ nào đó, mà tán gái quê thôi, nhất là mấy thằng nghĩa vụ quân sự, tụi nó còn nhỏ bị bắt lính, càng thoải mái hơn, sau khi ăn uống,có khi mua được chút cay cay đem về. Có lần ở nhà 1 của đội 1 đi làm bên ngoài,lúc về Lâm Tăng Tùng(trung úy đại đội trưởng/ BĐQ) hay gọi nó là Lâm tằng tưng, làm cách nào mà « diếm » được cả lít đế, chiều về nhậu, lúc tới bến ảnh cầm khúc cây làm giống như vác súng,chỉ về phía tiểu đoàn hô « Biệt động quân – SÁT », anh em phải đè nó xuống bịt miệng lại, một lúc sau mới chịu ngáy, nơi đây anh em nuôi gà, thỏ… mẹ hắn đem cho một cặp thỏ, cụ bảo là « Tao không có nhiều cá để cho mày, tao chỉ có cặp cần câu này cho để mày kiếm sống »,chiều chiều đi cắt cỏ hôi nuôi thỏ, ít lâu sau có được bốn năm con,thỉnh thoảng lại thịt một con, bố già Kình còn bày ra trò tiết canh thỏ cũng đỡ ghiền.
Bộ đội, tụi nó vào rừng đặt bẫy, thỉnh thoảng có nai, mễn còn có cả trăn, rắn bán lại cho anh em với giá 5 đồng/kg.
Còn vụ cháy nhà nữa, lửa bốc cháy từ gần trại mộc, mái tranh vách lá,lửa bùng lên cùng gió giao hòa về hướng nhà mấy tay quản giáo, chỉ một đốm lửa bay vào mái tranh nhà ai là giống như lụu đạn nổ, lửa bốc lên, họ vừa lo chữa cháy vừa sợ đám cải tạo nổi loạn, tụi nó tự chữa cháy không kêu anh em lên phụ mà còn kéo hàng rào kẽm gai ra chặn, sau đó phải giựt sập mấy dãy nhà gần đó để tránh cháy lan , tình hình mới ổn định, chỉ khổ anh em tụi mình lại phải góp một bàn tay dựng nhà lại cho chúng 

.

Hình ảnh cháy căn nhà tranh vách đất.

Đến cuối tháng 12/77 một buổi tối, được gọi lên tập trung « đột xuất » tại hội trường, thì ra hôm đó trại có một đợt thả về, hắn cũng không biết là về được bao nhiêu người, đọc gần đến cuối danh sách thì có tên Ara Phát.

Bỏ lại tất cả chỉ đem theo đàn chó về, cả thảy 5 con, đám chó con 4 màu khác nhau, đen,trắng,vàng,đốm. Cột dây dắt chúng theo; cho bs Dân con đen, bs Mỹ con vàng, Vũ đình Thọ con trắng, Thọ chưa về , giữ lại con trắng đốm nâu và con chó mẹ lông vàng.
Giấy ra trại có ghi cho phép 30 ngày, về trình diện bộ giáo dục, nếu không được dùng lại sau 30 ngày phải lên trại để trại quản chế trong thời gian 6 tháng, những người mà cơ sở nhận lại họ mau chóng trở lại trại lấy giấy tờ không bị quản chế tại trại . Hắn cũng về bộ giáo dục đưa giấy tờ ra trại kèm theo sự vụ lịnh cuối cùng làm việc tại nha Sinh hoạt học đường . Phòng tổ chức sở Giáo dục từ chối nhận lại, lý do là nha SHHD là nha phản động, chuyên làm công tác chính trị kềm kẹp học sinh bắt hs,sv đi học quân sự học đường và chủ trương hoàn toàn chống phá cách mạng, họ đã giải tán nha này và cũng không chấp thuận cho hắn giảng dạy nữa vì chưa có chút « hồng » trong lý lịch, không còn là thầy giáo. Thấy hoàn cảnh Ara lúc bấy giờ có phải được gọi là giáo » MẤT DẠY và VÔ LƯƠNG » ,không dạy nữa thì làm gì có lương lậu.
Được hưởng cái Tết với gia đình, lúc đó hắn còn độc thân,chỉ về gặp gỡ lại cô bạn gái, cũng có đèo cô bạn đi một vòng chợ tết bằng chiếc xe đạp mini, yên sau chẳng có chút nệm, chắc là mỗi lần xóc ổ gà làm cô ê ẩm cặp mông (cái vụ từ bạn gái trở thành Ara vợ có dịp kể chuyện sau) . 30 ngày sau lên lại Cây Cày A, gặp lại 5 Quân, được cho một căn nhà, cũng chỉ là nhà tranh bên cạnh nhà cán bộ quản giáo và nói là giao cho việc dẫn dắt anh em đi làm.

Hai ngày sống ở đây, nấu ăn lấy, không muốn ngồi ăn chung với bộ đội, nếu bị bắt buộc phải ăn uống tập thể không biết phải đối phó ra sao, nhưng hôm sau trại giao công việc là làm ở lò đường Tịnh Biên, đây là một hợp tác xã sản xuất đường, mía của trại mình trồng, anh em thu hoạch, tất cả đem ra đây để làm thành đường, nhiệm vụ hắn chỉ là nhận mía từ trại chở ra, giữ, chờ ép và làm thành phẩm, tối chỉ che đỡ cái mái trên đống bã mía ngủ, cũng lạ, chỉ cần rớt ra chút đường là kiến bu đầy, còn đây bói cũng không thấy kiến, nằm trên đống bã mía ngủ thật êm, có lần đến phiên ép mía cho trại, thấy 5 cái chảo lớn đặt trên một lò được đắp kín, chỉ thấy miệng lò,những bã mía ép phơi khô và dùng lại để nấu đường, cứ chảo 1 sôi được chuyển qua chảo 2…cho đến chảo 5 thì nước mía đã sền sệt ngả màu vàng, sau đó được cho thêm bột hay cái gì đó không rõ,nước đường trở nên sền sệt , múc đổ vào khuôn thành những viên đường tán,lúc đó mới biết được cái quy trình này . Người dân chỉ được phép làm loại đường tán thôi, cấm làm đường bổi hay phổi nghe mà không rõ, đường này cho vào máy ly tâm kết tủa thành đường cát, thêm chất tẩy sẽ trở nên trắng , chỉ nhà nước được làm, lần này trại làm đường trắng, tối đó phải thức để canh chừng đường của trại, trại ép mía làm đường bổi, cán bộ ở trại làm ăn vụ này kiếm bộn, mía anh em mình trồng,thu hoạch cũng là mình, thành phẩm là của trại, ở lò mì nguyên tắc cũng làm như thế, mình đói, cơ cực mà đụng đậy, nhám tay nhám chân vào là bị biệt giam . Làm nơi đây, thỉnh thoảng cũng dúi cho anh em theo xe khuân vác can nước mía vừa ép để nấu đường, họ ép cả vỏ , đất cát còn dính nên không ra màu của nước mía , anh em đem về lọc và nấu lại để dùng

Đến tối chủ HTX đường kiếm Ara nói dóc chơi, kế tiếp thấy nó bảo người nhà đem một con gà luộc trong nước mía, khi gà chín, xách một chai đế mời nhậu. Sang thiệt, gà luộc trong nước mía chỉ có mấy tay chủ lò đường mới dám chơi « bảnh » như vậy, nó tưởng Ara là cán bộ trại, đề nghị cho nó ngưng nấu cho trại để nó làm lậu đường cát. Thấy không có gì trở ngại nên cũng ậm ự , như là mắt nhắm mắt mở.
Chỉ chốc lát, ba bốn chiếc xe trâu chở mía đến và họ làm nhanh gọn,xe trâu của họ thay bánh bằng bánh xe hơi nên nghe êm ru chứ không lọc cọc.
Nó cũng hứa là làm kịp đường cho trại vào sáng hôm sau . Ngủ một giấc khi thức giấc đã thấy những khạp đường của mình xong,chỉ chờ xe của trại ra chở về .


Làm đường tán thủ công; Lò nấu đường gồm 5 miệng chảo liền kề được đặt trên lò xây chỉ có 1 miệng lò để đút củi, bã mía để khô làm chất đốt, mía sau khi được ép, cho nước mía vào chảo thứ nhất, khi sôi lần lượt chuyển qua chảo kế tiếp, đến chảo cuối cùng nước đường đã có màu vàng sền sệt, múc nước đường này đổ vào khuôn sau khi đã bỏ thêm bột cho đặc cứng lại. Thế là tán đường thành hình .


chủ lò đường mời ăn sáng, cà phê, một cây thuốc Samit chưa khui và sau đó còn được một « phong bì », hơi hoảng ! sợ bị gài bẫy nên trả lại và nửa đùa nửa thật nhìn hắn cười và nói « bộ anh tính gài tôi hay sao vậy », hắn nói rõ là « anh giúp tôi làm chuyện này tôi cũng biết phải quấy với anh, luật giang hồ là vậy » . Cả hai nhìn nhau, cái nhìn tin tưởng giang hồ, anh ta bỏ trong phong bì 50 đồng nhét vào túi xách của hắn gọi là tiền « hắn ngủ quên ».
Ngay chiều hôm đó, nhận được lịnh theo xe về trại, không biết chuyện gì đây . Chẳng có gì ồn ào khi về đến trại chỉ bảo lên gặp trưởng trại Năm Quân. Bình tĩnh lên gặp, không có chuyện gì , bảo hắn là ở đây cũng không tiện cho cả hai, nên trả lại giấy ra trại với lời phê « Đi kinh tế mới theo sắp đặt của đia phương » .

Ngủ lại đêm chót, nhìn qua hàng rào ngăn cách, một cái vẫy tay với nhũng người còn sót lại, khi trại vừa bắt đầu ngày mới, ra khỏi cổng trại với đâu gần 9 đồng, kế toán tụi nó tính như thế nào cũng chẳng buồn biết, cộng thêm 5 ký gạo đi đường,ra đến chợ Tân biên, bán luôn 5 ký gạo cho nhẹ tay, cầm tiền leo lên xe về hướng Tây Ninh.
Đâu khoảng 10 giờ xuống đến bến xe,đi một vòng quanh thị xã,nhớ lại lúc còn hành quân ở đây, mỗi lần về nghỉ cũng đến khu vực này, ngày đó đám lính gốc Tây Ninh có cho biết là ở Tây Ninh có câu
« Tây Ninh có núi Điện bà
Có cầu ba móng (Cầu Quan) có nhà Tám Thưa »
Cầu Ba Móng thì biết , cũng có ngồi bên bờ sông nhậu rồi nhìn sang bờ bên kia có một đám võ sinh, quần áo đen, thắt lưng đỏ đang múa gậy, không biết là lò võ của ai.

Cầu Quan hay cầu ba móng
Nhà Tám Thưa cũng đã ghé (tay này cũng là một kép cải lương có tiếng, tổ không đãi nữa nên về Tây Ninh mở Hồng lâu mộng) hình như còn có nhà Mười Căn và trên đường ra Long Hoa và còn có xóm Mít Một.
Người bạn cùng khóa sư phạm đang dạy ở Tây Ninh tên là Hiệp, ghé thăm anh ta , cả hai ngồi uống cà phê, địa chỉ của anh ở đường Huỳnh văn Lại, cũng biết đường đi tới đó, nhưng không thấy tên con đường, hỏi thăm một hồi mới biết đã đổi tên đường, đến đúng nhưng tên con đường bây giờ là đường Trương Quyền.

Với lời phê trong giấy ra trại, hắn khốn khổ khốn nạn với công an địa phương, chính sách kinh tế mới phá sản hoàn toàn , quận không tổ chức được, họ ép hắn hồi hương lập nghiệp , mà giở lý lịch ra hương của Ara là phố Hiến , « nhất kinh kỳ nhì phố Hiến » , đâu có dám cho đi , bảo là phải tìm về vùng nông thôn tăng gia sản xuất , đừng ăn bám vào nền xi măng phố thị . Ngứa miệng Ara trả lời » Tôi cũng chẳng muốn, các anh chưa ăn mắm các anh thèm mắm, chứ tôi thì khát nước rồi » ; công an khu vực đập bàn nạt « anh móc méo chúng tôi đấy hả , tôi giữ giấy ra trại của anh và gởi lại anh về trại » , hắn chỉ trả lời » Thì anh có quyền mà ». Một lúc sau bắt hắn làm tờ kiểm điểm rồi trả lại giấy tờ » anh lo tìm địa điểm mà tăng gia sản xuất » .

Những tưởng là hòa bình, đất nước sẽ phát triển, hai miền cùng chung vai sát cánh tạo dựng được một quốc gia phú cường như những bài nghiên cứu về kinh tế hậu chiến , do giáo sư Vũ quốc Thúc lập ra nhóm nghiên cứu chung với David Lil?(không nhớ rõ tên) của Hoa Kỳ vào những năm 67- 68, nhóm gồm những chuyên viên của mọi ngành nghề. Chương trình có kế hoạch 10 năm chia ra 3 năm tái thiết và 7 năm kiến thiết. Hắn có dịp trình bày bài của tiến sĩ Nguyễn quý Bổng nói về chương trình giáo dục thời hậu chiến lúc còn học sư phạm.

Sau ngày 30/4 , có đọc một bài viết của ông Nguyễn khắc Viện ,trong đó ông hy vọng là bây giờ trên chiếc xe có đến hai con ngựa của hai miền cùng kéo như vậy đất nước sẽ tiến nhanh hơn .
Ông sống với Cộng sản bao nhiêu năm chẳng lẽ ông chưa thấu đáo được hay sao , làm gì có cảnh này , trái ngược hoàn toàn với chủ trương của Lê Duẩn, những con ngựa xanh của miền nam đã dần dần gục ngã trên thảm cỏ đỏ của xã hội chủ nghĩa .

Con đường hậu chiến này tiếc thay lại để cho một chế độ căm thù và sắt máu dẫn dắt trở về cái thuở cái cày và con trâu đưa đất nước vào ngõ cụt tối tăm. Mà ngay cả con trâu cũng phải vào hợp tác xã, người nông dân không được phép nuôi vì sợ con trâu sẽ « kéo lệch đường của chủ nghĩa xã hội » là lời của đảng , con trâu mà còn sợ thì « ngụy » sẽ ra sao !!!

Ngồi một lúc rồi lên xe về SG. Đoạn đường chỉ có 99 Km thôi mà sao đi 2 năm rưỡi mới về, không biết những » thằng lười » còn lại đến ngày nào mới « châu về hợp phố » ./.

Liège ngày 20/1/2016
Thêm hình ảnh và sửa lại ngày 4/5/2022 tại Auderghem/ Bruxelles

Ara Phát
Ara trích đoạn email của « thằng lười VĐT » gởi cho hắn khi nói chuyện về anh Vũ tuấn Thịnh mà anh em gọi là « Thịnh Mù » trốn trại .

Phát thân,
Ara Phát trí nhớ còn tốt quá! Tớ thấy trong đám tù ở Trảng Lớn và Cây Cày bạn là thằng Lì nhất, mỗi lần bạn hành động là tụi tớ nín thở vì sợ. Lần sợ nhất là ở Cây Cầy A(hình như vào mùa mưa 1977 phải không Phát?), bạn và thằng Tu gánh nguyên cái càng xế trong đó có đồ ăn khô, gạo rang, bản đồ, la bàn, dao găm… đem ra khu rừng gần suối Ki để chôn và dấu ở đó, vì Vũ Tuấn Thịnh và Lê Kinh Hồng(hai tay độc thân liều mạng quyết thà chết chứ không sống với Cộng Sản, dù tụi mình nhiều lần ngăn cản cho là con đường đó 99% thua) đã sắp đặt 2 ngày sau sẽ vượt trại để qua Thái Lan…Thịnh và Hồng đã thua và vĩnh viễn ra đi. Sau này khi được thả về, tớ có lại nhà Thịnh gặp cô em gái hỏi thăm thì cô ấy nói anh Thịnh chắc chết rồi, lúc đầu tụi em còn dấu mẹ em bằng cách nhờ một người bên Mỹ gửi thư về báo giả là Thịnh đã sang Thái Lan bằng an, sau rồi Bà cụ cũng biết và thương tiếc quá 1 năm sau thì mất. Để kết email này, tớ xin mượn vài câu thơ của nhà văn Chu Tất Tiến để cùng ngậm ngùi với các bạn Thịnh mù, Lê Kinh Hồng , Cường kiến lửa, Đức Cốp, Hào Dược sĩ, Tây Vàm Cỏ, Hồng Hài Nhi …những người bạn hào hùng đã chọn lý tưởng « TỰ DO hay LÀ CHẾT »
Mày bảo tao quên đi sao?
Nhớ lại làm chi, chuyện cũ từ năm nào
Nhà đã cháy, sao bới tro lên mà khóc?
Sao không coi chuyện đời bể dâu thoáng chốc?
Một chút phù du, sinh tử, dập vùi,
Bốn mươi mấy năm rồi, sao mãi ngậm ngùi?

Thân ái,
VĐT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét