Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2024

MỐI TÌNH ĐẦU CỦA DOÃN - ĐÀO NHƯ


“Em gầy như liễu trong thơ cổ
Anh bỏ trường thi lúc thịnh Đường”
Nguyên Sa
Mỗi lần nhớ lại NhaTrang, tôi nhớ con đường Alexandre De Rhodes đượm mùi hoa sứ, có bóng mát và tiếng sóng rì rào của biển, con đường đưa tôi đến trường Kim Yến hàng ngày. Mỗi lần nhớ lại NhaTrang, tôi nhớ Doãn, người bạn cùng lớp, một gã thư sinh đam mê văn chương, triết học và âm nhạc. Doãn mang đôi kính cận dày cộm, một thoáng Doãn trông giống Jean Paul Satre. Doãn rất đam mê đàn dương cầm và một chút tham lam tình yêu...
<!>
Mỗi lần nhớ lai NhaTrang, tôi nhớ Phương Dung, người con gái đẹp thôn Phú Vinh ngọai ô phía Tây thành phố NhaTrang, người nữ sinh trường Kim Yến có dáng đi e ấp, mái tóc frisé, thả lơi lã trên hai bờ vai, có đôi mắt đen lánh đẹp và buồn. Phương Dung vừa khiêm tốn vừa sang trọng, quí phái nhưng không hờ hửng với thế giới chung quanh mình. Phương Dung đã làm điêu đứng biết bao chàng trai của thành phố biển này trong đó có Doãn. Năm 1957, Doãn yêu Phương Dung tha thiết và chỉ mong một lần cầm được tay nàng, nhưng vẫn bị Phương Dung từ chối. Doãn biến thành gã si tình. Sau này mỗi khi nhớ lại Phương Dung, Doãn ôm lấy cây đàn dương cầm và thả hồn mình trong những tình khúc cổ điển Tây phương Romance của Robert Schuman, Eva Maria của Franz Schubert. Doãn thường ngợi ca nhan sắc của Phương Dung qua hai câu thơ của nhà thơ Nguyên Sa: “Em gầy như liễu trong thơ cổ/ Anh bỏ trường thi lúc thịnh Đường.”

Những năm năm mươi của thế kỷ trước, biển NhaTrang, phố Đôc Lâp, trường Kim Yến, trường Võ Tánh, trường bán công Lê Quí Đôn, là những khung trời kỷ niệm đẹp như một bài thơ. Nhóm chúng tôi năm đứa: Đạo, gốc Huế, Định, gốc Quảng Trị, Thuận, người Ninh Hòa, và Doãn, người Nha Trang, còn tôi là dân Phan Rang, chúng tôi cứ nhỡn nhơ đi học, đi dạo biển và rủ nhau đi cinéma cuối tuần. Đôi khi chúng tôi nghe tiếng Đại bác hay nhìn thấy hỏa châu thắp sáng một góc trời, chúng tôi cứ yên tâm đó là những cuộc tâp trận của Trung tâm huấn luyên sỹ quan bộ binh ở Đồng Đế, và chúng tôi quên đi đất nước chúng ta vẫn còn trong tinh trạng chiến tranh. Ở Nha Trang còn có Trung tâm Huấn luyện Sĩ quan Phi Công của Không quân và Trường đào tạo Sỹ quan Hải quân ở Cầu Đá, dọc theo bờ biển phía Nam của thành phố.
NhaTrang thuở ấy thật sự là thành phố của chiến tranh nhưng NhaTrang mang bộ mặt một thành phố của hòa bình, ổn định. Vào thời khoảng này sinh hoạt cuối tuần doc theo đai lộ Duy Tân ven biển, trên phố Đôc Lập thật là vui nhộn phong phú và đa dạng. Nhạc sỹ Văn Phụng vừa di cư vào Nam, anh thường trình diễn âm nhac ngoài trời mỗi cuối tuần trên bờ biển gần khách sạn Beau Rivage. Các trường Trung Học của NhaTrang thuở 55, 56, 57 vẫn tiếp nhận các hoc sinh: Ngoài Bắc mới di cư vào Nam trong đó có cậu hoc trò Phí Ích Nghiễm của trường Bán công Lê Quí Đôn và sau này trở thành nhà văn thành danh với bút hiệu Dương Nghiễm Mậu; và các hoc sinh từ Liên Khu V- Nam-Ngãi-Bình-Phú- vừa được giải phóng và trở thành các tỉnh của miền Nam tự do. Trong nhóm này có Nguyễn Mông Giác, hoc ban B trường Võ Tánh, sau này là tác giả của những bộ trường thiên tiểu thuyết: Mùa Biển Động, Sông Côn Mùa Lũ. Với tác phẩm ‘Đường Một Chiều’, Nguyễn Mộng Giác đoạt giải Nhất của cuộc thi tiểu thuyết của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam năm 1974. Nguyễn Đức Sơn từ Phan rang ra học Trường Kim Yến, anh đã sớm phát tiết phong thái như một nhà thơ lập dị với bút hiệu Sao Trên Rừng, hồi ấy Nguyễn Đức Sơn đã sáng tác bài thơ: “Một Mình Nằm Thở Đủ Kiểu Trên Bờ Biển: “Đầu tiên tôi thở cái phào/Bao nhiêu phiền não như trào ra theo/Nín hơi tôi thở cái phèo/Bao Nhiêu Mộng ảo bay vèo hư không/Sướng nên tôi thở phập phồng/Mây bay gió thổi trời hồng muôn năm/Mai sau cái chỗ tôi nằm/Sao rơi lạnh lẽo, âm thầm biển ru..”.

Phải chăng chiến tranh đã là nỗi ám ảnh thuở ấy khiến nhà thơ Nguyễn Đức Sơn sớm thấy số phận hẩm hiu cô đơn của đời người:“Mai sau cái chỗ tôi nằm/Sao rơi lạnh lẽo âm thầm biển ru”. Khi chúng tôi lớn lên đã có chiến tranh. Chiến tranh là một phần đời của chúng tôi. Chiến tranh vây bủa quấn chặt chúng tôi như loài rắn độc quấn chặt lấy con mồi của nó. Chúng tôi lớn theo hai cuộc chiến. Chiến tranh mang chúng tôi đi muôn phương. Chúng tôi trôi giạt trong chiến tranh...

Năm 1962, Đạo, Định, Thuận Tốt nghiệp đại học sư phạm Toán Lý Hóa. Đi dạy Trung học được một niên khóa, cả ba đều bị động viên vào thụ huấn quân trường Thủ Đức và sau này là các sĩ quan tác chiến trên 4 vùng Chiến Thuật. Doãn tốt nghiệp sư phạm triết và là thấy dạy triết cho các lớp 12. (Terminal). Còn tôi thì theo nghiêp Y, là bác sỹ phẫu thuật của thời chiến- (Chirurgien De Guerre).

Năm 1960, Doãn loan báo cho nhóm chúng tôi hay là Phương Dung vừa đi lấy chồng. Doãn gọi cho chúng tôi trong giọng thản thốt và buồn. Thế mới biết trong suốt những năm qua, Doãn vẫn thầm nuôi mộng với Phương Dung.

Chiến tranh luôn đi trước chúng tôi. Trận đánh lớn ở cấp sư đoàn-trận Ấp Bắc ở Định Tường xảy ra vào ngày 2 tháng 1 năm 1963, đã làm vỡ tan mộng hòa bình và ổn định lâu dài của Chính Phủ và người dân miền nam Việt Nam. Ai ai cũng xoay lưng lại chiến tranh, nhưng rồi cũng phải chịu đựng cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963, lật đổ chính phủ Ngô Đinh Diệm. Sau cái chết của nhà yêu nước Tổng thống Ngô Đinh Diệm và người em trai của ông, chiến tranh bộc phát trở lại, thiêu đốt và tàn phá quê hương Việt Nam của chúng tôi với một tốc độ khốc liệt khủng khiếp hơn bao giờ hết....
Nhưng thân phận người đàn bà trong chiến tranh gánh chịu muôn vàn nỗi truân chuyên. Sau khi lấy chồng được hai năm, Phương Dung sanh được một cháu gái. Có tin đồn rằng: chồng của Phương Dung là sỹ quan Không Quân, chuyên về trinh sát-Observateur-Máy bay trinh sát L.19 của anh bị bắn rơi ở Hạ Lào vào giữa năm 1961. Anh và ngưới sỹ quan phi cô đều bị lực lượng biên phòng của chính phủ Hà Nội bắt sống. Ba tháng sau chính phủ Hà Nôi đem vụ này xử công khai trên đài phát thanh cho cả nước cùng nghe. Họ tố cáo chính phủ Mỹ đã xâm nhập biên giới của họ, ngay cả phía trên vĩ tuyến 17 và vùng Hạ Lào. Chồng Phương Dung và người bạn sĩ quan phi công mỗi người lãnh án 25 năm tù ở. Với bản án 25 năm tù ở của chồng, Phương Dung cảm thấy đời nàng hụt hẩng không biết làm sao chia sẻ sự nhọc nhằng của chồng trong lao tù cộng sản và nuôi con cho đến ngày khôn lớn trong suốt chiều dài 25 năm tới. Nhưng Phương Dung không bao giờ quay lưng lại với cái quá khứ vàng son của mình. Nàng lúc nào cũng là một mênh phụ phu nhân trong cái xã hôi chiến tranh thời đó. Nàng cố vượt lên trên số phận để có đời sống tốt đep nuôi con cho đến ngày chồng về... Nguồn tin đồn đoán cũng nhấn mạnh rằng: hoàn cảnh của Phương Dung được xem như là quá đặc biệt. Do đó Phương Dung có được sự giúp đỡ và được ‘offered cái job’ làm thư ký tại trung tâm hỗn hợp Không lực Việt Mỹ, phi trường Không Quân-Nhatrang. Người boss trực tiếp của Phương Dung, là một Trung tá cố vấn Mỹ cũng là vị chỉ huy trực tiếp của chồng Phương Dung trước kia. Phương Dung đươc ân huệ có được job này thật kín đáo ít người biết đến. Nhưng chẳng bao lâu sau, Phương Dung cũng phải hứng chịu lời ong tiếng ve “gái làm sở Mỹ”.

Sau hơn hai năm làm việc bên cạnh ông boss của nàng, Phương Dung cảm thấy mình được ông boss chăm sóc rất chu đáo. Từ đó một thiên tình sử xuất hiện giữa nàng và vị Trung tá người Mỹ. Có phải chăng họ yêu nhau vì nết trọng nhau vì tài? Một thực tế hiển nhiên vị Trung tá Mỹ vẫn còn độc thân, chưa có vợ, trong khi đó Phương Dung là ‘nhất gái một con’, người đàn bà từng trải. Lửa gần rơm có ngày cũng bén. Trước khi về nước, vị Trung tá người Mỹ ngỏ lời muốn cưới Phương Dung làm vợ. Âu đó cũng là điều Phương Dung không dám mong đợi và ước mơ nhưng thật sự nó đã đến với Phương Dung. Sau khi được sự đồng ý của cha mẹ chồng (cũ), Phương Dung gạt lệ, lên xe hoa một lần nữa. Năm 1967, Phương Dung cùng cô con gái theo chồng về Mỹ. Bao nhiêu quá khứ tình cảm, Phương Dung coi như theo nước sông trôi về dĩ vãng. Cuộc sống của Phương Dung sau năm 1960, dù cho thực hay là ảo, tất cả nói lên thân phận người đàn bà trong chiến tranh cũng nổi trôi theo vận nước, cũng bị cuốn hút theo chiến tranh...

Từ những năm 62-63... sự quan hệ giữa bọn chúng tôi thường hay mất liên lạc với nhau. Thỉnh thoảng chúng tôi liên lạc với nhau qua Khu Bưu Chính-KBC-chúng tôi thật sự không biết chúng tôi đang ở đâu và đang làm gì, sức khỏe và gia đình ra sao? Chúng tôi hoàn toàn con người của chiến tranh.

Sau biến cố Mậu Thân, và trận Khe Sanh năm 1968, bây giờ người Mỹ bắt đầu sử dụng pháo đài bay chiến lược B52, nhất là tại vùng núi rừng Trường Sơn, Đường mòn Hồ Chí Minh. Sau đó, là những trận đánh vào Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972... Hai phe bốn bên dốc toàn lực đổ quân vào những trân đánh điên cuồng đẩm máu làm áp lực cho hòa đàm Paris ở giai đoạn chót. Những trân đánh tận tình hủy diêt nhau làm rực lửa những trang báo cùng khắp thế giới, thắp sáng lương tri nhân loại. Hầu hết các gia đình người Mỹ, mỗi chiều tối đều ngóng lên màng ảnh truyền hình, theo dõi chương trình CBS Evening News Reports hớp từng lời tường thuật của Walter Cronkite về chiến tranh Việt Nam-Vietnam-War. Những trận đánh đẩm máu xé nát trái tim của những bà mẹ nước Mỹ. Các sinh viên tại các trường đại học nhất là tại Mỹ, tại Anh, tại các nước Bắc Âu và Tây Âu, tổ chức “truồng chạy” phản đối chiến tranh diệt chủng tại Việt Nam...Trong khi đó tại Sàigòn tiếng hát Thái Thanh thảm thiết trong bài “Kỷ Vật Cho Em”, một kiệt tác phản chiến thời danh của Pham Duy, viết sau Chiến Dịch Lam Sơn-719:

“Anh trở về trong chiếc poncho
Anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về tật nguyền chai đá
Anh trở về dang dỡ đời em...”

Rồi cái gì phải đến, đã đến. Hiêp định Paris được ký kết hôm 27-1-năm 1973 giữa Lê Đức Thọ và Henri Kissinger nhằm chấm dứt chiến tranh tái lập hòa bình cho Viêt Nam. Sau đó là cuộc tháo chạy của Mỹ khỏi miền Nam Viêt Nam, bỏ lại sau lưng hàng triệu quân cán chính của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trong đó có chúng tôi. Tất cả sau này là đối tượng của chính sách lao tù cải tạo tập trung vô cùng tàn bạo của đảng cộng sản Việt Nam. Cả triệu người miền Nam tổ chức vượt biên, vượt biển, đi tìm vùng đất tự do, bất chấp mọi hiểm nguy.

Sau chiến dịch “Mùa Xuân Đại Thắng”, người cộng sản Việt Nam không chịu bắt tay, tâp hợp các đảng phái, các lực lượng quốc gia yêu nước khác. Năm 1964, tại một buổi họp báo quốc tế tại Hà Nội, một phóng viên ngoại quốc hỏi ông Hồ Chí Minh: “Thưa Chủ Tịch nghĩ gì khi ông Ngô Đình Diệm, kẻ thù của ông vừa bị sát hại?”. Ông Hồ Chí Minh khẳng định: “Ông Ngô Đình Diệm là nhà yêu nước, nhưng Ông yêu nước theo cách của Ông” . Tai sao, sau 30-4-1975, đảng cộng sản Viêt Nam không chịu bắt tay, tập hợp các lực lượng, các đảng phái quốc gia yêu nước khác? Tại sao người cộng sản Viêt Nam không suy nghĩ như cố Chủ tịch Hồ Chí Minh của họ đã suy nghĩ. Người cộng sản Việt Nam không theo chân lịch sử, họ phản lại lòng tin của người dân miền Nam, họ phản lại tư tưởng của cố Chủ Tịch Hồ Chí Minh của họ! Chúng tôi đã phải chấp nhận sự phản bội trắng trợn của người cộng sản Việt Nam. Mặc dầu thế chúng tôi vẫn vượt lên trên người cộng sản với niềm tin vào tinh thần đoàn kết quốc gia của dân tôc.

Tháng Tư năm 1979 sau khi mang cả gia đình vượt biển bằng thuyền, tôi và gia đình định cư tai Mỹ vào đầu năm 1980. Sau khi định cư ở Mỹ, việc đầu tiên là tôi cố tìm lại ban bè, ai còn ai mất? Nhưng tôi hoàn không biết Đạo, Định, Thuận và Doãn hiện giờ ra sao? Mãi đến năm 2010, tôi cộng tác với báo Vietnam Daily News. Dưới mỗi tựa đề bài viết tôi có ghi chú: Thân gửi các bạn Phương Dung (Phú Vinh) Thu Nguyệt (phố Đọc Lâp) Mộng Vân (Hà Dừa-Xóm Đạo), Phạm Hữu Đạo, Nguyễn thành Định, Lê Đức Thuận và các cựu học sinh Trường Kim Yến Nhatrang. Chúng ta thất lạc nhau trên 30 năm trong màu khói lửa chiến tranh. Các bạn còn sống? Xin điện thư về Thetrongdao2000@yahoo.com, Cám Ơn). (*) Hai tuần sau đó được Doãn hồi âm. Doãn cho tôi hay Doãn và gia đình được đưa đến Guam vào ngày 24-4-1975, và sau đó Doãn và gia đình đinh cư tại California. Hiện giờ Doãn vẫn chưa được tin tức gì về Phương Dung, Đạo, Định, Thuận sống chết ra sao? Doãn rất lo họ có thể mất tích trên Biển Đông...

Một tháng sau đó tôi nhân được Email của Thuận, tôi liền tải đến cho Doãn. Thuận cho chúng tôi hay, hiện tại Thuận và gia đình định cư tai Pháp từ năm 1980. Thuận cũng cho chúng tôi hay, Đạo và Định vẫn còn kẹt ở Việt Nam. Thế là sau 30-4-75 trong hàng ngũ anh em của chúng tôi có kẻ đã vượt thoát lao tù cộng sản trở thành người tỵ nạn, có kẻ bị kẹt lại đành chọn quê hương làm chốn lưu đày....

Bây giờ là đầu tháng 5 năm 2019, mùa xuân đang nở rộ ở California. Doãn đã là một ông già tuổi vừa ngoài 83. Doãn đã nhiều lần bị stroke, hiện phải ngồi xe lăn. Tuy nhiên tâm hồn Doãn vẫn còn nhạy cảm với vẽ đẹp nét buồn khi nắng sớm, lúc mưa chiều. Tiếng đàn dương cầm của Doãn trĩu nặng màu thời gian, hòa lẫn với tiếng lòng nhớ quê hương của kẻ lưu vong luôn vang vọng niềm mơ ước “Trở Về Mái Nhà Xưa -Come Back to Sorrento...”.

Vào buổi tối hôm ấy, tựa mình vào cây đàn Piano, Doãn đề cập đến tập truyện “Tơ Vương Đến Thác” của Doãn xuất bản năm 2014. Doãn cho tôi hay đó là tiếc nuối cuối đời của Doãn về nghiệp văn chương. Tháng chạp Năm 2014 Doãn tổ chức buổi ra mắt tâp truyện “Tơ Vương Đến Thác” tại một thư viện công lập thuộc vùng San Diego. Trong các quan khách đến tham dự buổi ra mắt sách hôm ấy có một ngươi đàn bà đã lớn tuổi, mặc Jupe Soirée màu tơ vàng óng ả, có dôi mắt đen lánh đẹp và buồn. Doãn cảm thấy thấy gương mặt ấy, đôi mắt ấy rất là thân thương quen thuộc từ một thuở xa xâm nào đó của đời mình.

Phá bỏ mọi nghi cách, người đàn bà ấy, tiến đến Doãn với tâp truyện “ Tơ Vương Đến Thác” và nói: “Phương Dung xin được đặc ân có được chữ ký đề tặng của tác giả”. Từ chiếc xe lăn, Doãn cố gắng đứng dậy hai tay nắm chặt và gục đầu trên bàn tay của Phương Dung... Doãn thều thào: ” Phải chi 50 năm về trước chúng ta nắm chặt được tay nhau như hôm nay thì cuộc sống của chúng ta đã hoàn toàn đổi thay”. Khi Doãn cuối đầu viết đề tặng Phương Dung tâp truyện với câu thơ của Thế Lữ: “ Cái phút ban đầu lưu luyến ấy. Nghìn năm chưa dễ một ai quên”. Lúc ấy Phương Dung thì thầm: “ngày xưa tôi cũng mến anh vì tính tình còn việc sau này mình có găp lại nhau hay không điều đó không ai biết đươc, vì mỗi người có một hòan cảnh và số phận riêng, nhất là trong thời đại chiến tranh- Vậy coi như chúng ta lạc nhau trong chiến tranh”. Khi từ giã Doãn mắt Phương Dung tràn ngập lệ....

Đến đây, đêm đã khuya, tôi đứng dậy từ giã Doãn. Doãn vẫn ngồi đó bên cạnh cây đàn Piano. Đôi mắt Doãn hầu như ngấn lệ. Doãn nhìn tôi, hai bàn tay Doãn trải dài lướt trên những phiếm đàn, Doãn vẫn một mình thều thào những lời tình tự Come Back to Sorrento của E. Curtis.

Mở cửa xe ngồi vào ôm tay lái, tôi nghe văng vẳng tiếng hát già nua của Doãn trong đêm thâu với bản nhạc Romance Số 2, của Phú Quang- Thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ:
“....Em chết trong nỗi buồn
Chết như từng giọt sương, rơi không thành tiếng.....
....Trong xứ sở của anh hiếm hoi niềm vui
Nỗi cô đơn khao khát đến nặng lòng
....Đi bên anh, em còn lạc lối về
Có đôi khi muốn ngã như chiếc bóng
Ta lẫn vào đêm không ai nhận ra mình
Em chết trong nỗi buồn
Em chết trong nỗi buồn
Em chết trong nỗi buồn.../.
Chicago July 14-2020 - (Để nhớ ngày sanh thứ 84 của tác giả)
Ghi Chú

(*) Đây là chuyện hoàn toàn hư cấu. Nếu vô tình có sự trùng lập tên họ với các nhân vật xin quí vị miễn thứ- Vô cùng tri ân - Đào Như.

ĐÀO NHƯ





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét