Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2024

Lo ngại về thế hệ vũ khí mới tích hợp AI - BaoMai




Trong cuộc họp giao ban trực tuyến vào đầu tháng 05/2024, quan chức đặc trách kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Paul Dean tuyên bố rằng Hoa Kỳ, Anh quốc, và Pháp đã có “cam kết rõ ràng và mạnh mẽ” rằng con người phải có toàn quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân, bác bỏ việc AI kiểm soát hoặc ra quyết định. Ông cũng khuyến khích Trung cộng và Nga đưa ra cam kết tương tự.
<!>
Nói chuyện:hôm 07/05, kỹ sư máy điện toán người Nhật Kiyohara cho biết: “AI là một sản phẩm dựa trên phân tích dữ liệu, và công nghệ này có những khác biệt đáng kể so với con người trong việc ra quyết định. Con người có sự câu thúc về cảm xúc và đạo đức, nhưng AI lại thiếu những điều này. Cho phép AI điều khiển bom hạt nhân cũng đáng sợ như việc để các quốc gia độc tài như Trung cộng và Iran sở hữu vũ khí sinh học.”

Hoa Kỳ hoàn thành thử nghiệm chiến đấu cơ AI


Ứng dụng quân sự của AI đã trở nên phổ biến, với các loại vũ khí như xe tăng có hệ thống nhắm mục tiêu AI, thiết bị bay điều khiển bằng vô tuyến (drone) có thể tự động tấn công mục tiêu, và chó robot phun lửa được trang bị AI. Có những lo ngại rằng AI sẽ mở rộng sang những loại vũ khí mạnh mẽ hơn nữa.
Hôm 05/05, căn cứ Không quân Edwards ở California đã thử nghiệm một chiến đấu cơ F-16 do AI điều khiển. Chiếc F-16 này đã không chiến với một chiếc F-16 khác do con người điều khiển. Hai phi cơ phản lực này đã chuyển động cách nhau chưa đầy 1,000 feet (khoảng 305 mét), cố gắng ép đối thủ vào thế dễ bị tấn công.

Phi công người thật, Bộ trưởng Không quân Frank Kendall, nói về công nghệ AI: “Việc không có AI sẽ là một rủi ro về mặt an ninh. Tại thời điểm này, chúng ta phải có AI.”


Không quân Hoa Kỳ đang tích cực khai triển AI trên chiến đấu cơ. Tháng 02/2023, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã tiến hành 12 chuyến bay thử nghiệm, trong đó AI được sử dụng để điều khiển phi cơ thực hiện các thao tác chiến đấu tân tiến tại Căn cứ Không quân Edwards ở California. Không quân Hoa Kỳ dự định nắm trong tay một phi đội F-16 do AI điều khiển gồm hơn 1,000 chiếc vào năm 2028.

Ông Jeff Clune, phó giáo sư khoa học máy điện toán tại Đại học British Columbia chuyên về AI và học máy, nằm trong một nhóm các nhà nghiên cứu có ảnh hưởng phản đối việc AI kiểm soát vũ khí quá mức. Họ lo ngại rằng một ngày nào đó một AI có hiểu biết lớn có thể trở nên bất hảo và hành động mà không có sự kiểm soát của con người. Các ông trùm công nghệ như Elon Musk và tổng giám đốc OpenAI Sam Altman đều đã cảnh báo về những rủi ro như vậy và đề nghị áp dụng những hạn chế chặt chẽ hơn đối với việc sử dụng AI trong vũ khí.


Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế cũng cảnh báo rằng nhìn chung mọi người đều lo ngại về việc giao những quyết định sinh tử cho các vũ khí do AI điều khiển, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế quản lý tốt hơn tình trạng này.

Nhà bình luận quân sự Trung cộng Hạ Lạc Sơn (Stephen Xia) nói hôm 09/05: “Vũ khí hạt nhân do AI điều khiển là một trong những vấn đề của việc quân sự hóa AI. Mặc dù việc đó vẫn chưa xảy ra nhưng khả năng xảy ra chuyện như vậy là rất cao với sự phát triển của AI như hiện tại. Vì vậy, Hoa Kỳ và phương Tây hy vọng thế giới có thể đạt được sự đồng thuận về vấn đề AI không kiểm soát vũ khí hạt nhân. Tác hại do ứng dụng quân sự của AI mang lại có thể là không thể khắc phục được.”

‘Khoảnh khắc Oppenheimer’ tiếp theo


Cuối tháng 04/2024, một hội nghị kéo dài hai ngày đã được tổ chức tại Vienna, Áo, kêu gọi tất cả các nước cùng thảo luận về vấn đề quân sự hóa AI. Hơn 1,000 đại biểu từ hơn 140 quốc gia đã tham gia hội nghị, bao gồm các lãnh đạo chính trị, các chuyên gia, và thành viên đến từ xã hội dân sự.

“Đây là Khoảnh khắc Oppenheimer của thế hệ chúng ta,” Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg nói tại Hội nghị về Hệ thống Vũ khí Tự động.

Tuyên bố này đề cập đến sự tham gia của nhà vật lý Hoa Kỳ Robert Oppenheimer vào việc phát triển thành công bom nguyên tử, mang lại chiến thắng cho Hoa Kỳ và các đồng minh trong Đệ nhị Thế chiến, do đó mang lại cho ông danh hiệu “cha đẻ của bom nguyên tử.” Tuy nhiên, Oppenheimer đã chứng kiến thảm họa mà bom nguyên tử mang đến cho người dân Nhật Bản và những vết sẹo không thể xóa nhòa mà bom nguyên tử để lại trên thế giới, khiến ông đặt câu hỏi liệu quyết định giúp phát triển bom nguyên tử của mình có đúng đắn hay không.

Ông Schallenberg nói: “Các hệ thống vũ khí tự động sẽ sớm tràn ngập các chiến trường trên thế giới. Chúng ta đã từng thấy điều này với thiết bị bay điều khiển bằng vô tuyến có AI hỗ trợ và lựa chọn mục tiêu dựa trên AI.”


Ông giải thích thêm rằng cần có các quy tắc và chuẩn mực được quốc tế công nhận trong lĩnh vực AI để ngăn chặn AI trở nên bất hảo và đe dọa nhân loại. Mọi người cần bảo đảm rằng vũ khí được điều khiển bởi con người chứ không phải AI.

Còn Ngoại trưởng Costa Rica, ông Arnoldo André Tinoco, thì bày tỏ lo ngại về việc những kẻ khủng bố và các chế độ độc tài khác sử dụng AI trong chiến tranh.

Ông nói tại hội nghị: “Sự sẵn có dễ dàng của vũ khí tự động sẽ loại bỏ những hạn chế của việc chỉ một số ít các nước có thể tham gia chạy đua vũ trang.”

Raven Wu _ Minh Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét