Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2024

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI:13/5/2024 - Duke Nguyễn


Eurovision 2024 : Thụy Sĩ giật giải tại một kỳ thi bị chia rẽ vì tranh cãiVòng nguyệt quế cho cuộc thi âm nhạc Eurovision 2024 diễn ra tại Malmö, Thụy Điển hôm qua, 11/05/2024 đã được trao cho ca sĩ người Thụy Sĩ Nemo với ca khúc The Code. Nhưng phiên bản lần thứ 68 này cũng là một kỳ giải bị chia rẽ sâu sắc. Hàng chục ngàn người biểu tình ủng hộ Palestine đã biểu tình bên ngoài khán phòng, phản đối sự tham dự của cô ca sĩ người Israel trong đêm trao giải.
<!>
Từ Malmö, Thụy Điển, thông tín viên đài RFI, Morteo Carlotta tường thuật lại bầu không khí đêm chung kết :

« Vào đầu buổi tối, những người biểu tình đã tụ tập ồn ào xung quanh sân vận động Malmö Arena, nhưng cuộc tập hợp vẫn diễn ra yên bình như mọi khi. Đúng hơn là ở bên trong phòng hòa nhạc, người ta có thể nghe tiếng khán giả la ó cô ca sĩ Israel trong suốt màn biểu diễn của cô. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử Eurovision.

Khán giả thậm chí còn huýt sáo inh ỏi vị chủ tịch Eurovision, ông Martin Österdahl, người thực hiện quyết định của ban tổ chức vẫn để Israel tranh tài trong khi đó Nga thì bị cấm vì cuộc chiến tranh Ukraina. Cách hành xử "nhất bên trọng, nhất bên khinh" này là tâm điểm mọi sự chỉ trích và rất nhiều người xem việc Israel có thể đến hát là không hợp lẽ trước những gì đang diễn ra ở Gaza.

Cần lưu ý thêm là cô ca sĩ Israel Eden Golan lúc ban đầu có vị trí rất thấp trong bảng xếp hạng nhưng rồi các phiếu bầu của khán giả trên toàn thế giới đã đẩy cô lên hạng thứ 5, chỉ đứng sau Pháp.

Việc một nước nổi tiếng trung lập thắng giải năm nay có thể làm khán giả mỉm cười một chút, nhưng bài hát của anh, pha lẫn rap, trữ tình và điện tử, kể về việc Nemo tự coi mình là phi nhị phân như thế nào, nghĩa là không hẳn là đàn ông, cũng không hẳn là phụ nữ, đã giúp anh giành chiến thắng trước Baby Lasagna, ca sĩ người Croatia, được công chúng yêu thích nhất vì bài hát khiến người ta phải nhảy múa theo và Ukraina, ở hạng thứ ba.

Nemo, người thanh niên Thụy Sĩ này đã khép lại đêm tranh tài bằng tuyên bố rằng anh hy vọng Eurovision, xin trích, có thể tiếp tục hoạt động vì hòa bình. Một lời chỉ trích có chừng mực về cuộc thi Eurovision thứ 68 bị phân cực hơn bao giờ hết ! »

Israel đẩy mạnh tấn công miền bắc dải Gaza, gia tăng sức ép đối với thành phố Rafah
  

Hôm nay 12/05/2024, Israel điều đoàn xe thiết giáp đến Djabalia, miền bắc dải Gaza, sau một đêm không kích và pháo kích cường độ cao, khiến ít nhất 19 người chết và vài chục người bị thương.

Một người dân ở Djabalia hôm nay 12/05cho Reuters biết : “Từ hôm qua đến giờ, các vụ không kích và pháo kích diễn ra không ngớt. Họ oanh kích khắp nơi, kể cả vào các trường học, nơi đang có nhiều người trú ẩn ». Nhiều gia đình đã phải đi sơ tán khỏi Djabalia.

Tối hôm qua 11/05, quân đội Israel tuyên bố các lực lượng tấn công vào Djabalianhằm ngăn chặn việc lực lượng Hamas tái lập khả năng quân sự tại khu vực này. Phát biểu trước báo giới, ông Daniel Hagari, phát ngôn viên quân đội Israel cho biết ý đồ của Hamas đã bị Israel phát hiện ra trong những tuần qua.

Quân đội Israel cũng điều xe thiết giáp đến Al-Zeitoun, ngoại ô phía đông thành phố Gaza, và Al-Sabra. Tại những nơi này, người dân cho biết đã xảy ra những trận oanh kích ác liệt, chủ yếu nhắm vào vào các tòa nhà dân cư cao tầng.

Riêng tại Rafah, hôm qua các đợt không kích dữ dội của quân đội Israel nhắm vào khu vực gần cửa ngõ nối sang Ai Cập. Tel-Aviv một lần nữa kêu gọi thường dân di tản khỏi thành phố mà họ cho là căn cứ của lực lượng Hamas và quyết tâm tiến hành chiến dịch tấn công trên bộ để tiêu diệt đến thành viên cuối cùng của lực lượng này, bất chấp sự can ngăn của cộng đồng quốc tế, kể cả từ đồng minh Mỹ.

Nhìn sang Israel, hàng chục ngàn người dân tối hôm qua tiếp tục biểu tình để đòi chính phủ ký thỏa thuận với Hamas nhằm giải thoát cho con tin và đòi thủ tướng Benyamin Netanyahu từ chức.

Nga khẳng định chiếm được 10 làng của Ukraina, Kiev tăng cường oanh kích vào lãnh thổ Nga


Bộ Quốc Phòng Nga hôm nay 12/05/2024 tuyên bố đã chiếm thêm được 4 làng ở vùng Kharkiv, miền đông bắc Ukraina, gần biên giới với Nga, và tiến sâu thêm vào vùng này của đối phương. Hôm qua, quân đội Nga loan báo « giải phóng » được 5 làng tại vùng Kharkiv và 1 làng ở vùng Dotnesk. Theo Matxcơva, như vậy đã có tổng cộng 10 làng của Ukraina rơi vào tay quân Nga kể từ khi họ tiến hành chiến dịch tấn công vào vùng Kharkiv hôm thứ Sáu 10/05.

Về phía Ukraina, theo AFP, cũng trong ngày hôm qua, nhà chức trách cho biết các lực lượng vẫn đang chiến đấu kháng cự nhưng thừa nhận tại vùng Kharkiv, ở khu vực gần biên giới với Nga đang diễn ra những trận giao tranh ác liệt. Quân Nga đã nhắm bắn đạn pháo vào 30 địa điểm trong vùng Kharkiv trong vòng 24 giờ. Hôm nay 12/05, thống đốc vùng Kharkiv, Oleg Synegubov, cho biết hơn 4.000 người Ukraina đã được sơ tán khỏi khu vực này.

Riêng về thành phố Kharkiv, thống đốc vùng Kharkiv, Oleg Synegubov, trấn an là không có « mối đe dọa về một đợt tấn công trên bộ » của quân Nga nhắm vào thành phố này.

Tối hôm qua, trong video thường nhật, tổng thống Zelensky nhấn mạnh là nhiệm vụ số 1 của các lực lượng Ukraina hiện nay là phá hỏng kế hoạch tấn công của quân Nga.

Ukraina tăng cường oanh kích vào lãnh thổ Nga và các vùng bị Nga chiếm đóng

Song song với các cuộc kháng cực tại vùng Kharkiv, các lực lượng Ukraina cũng tăng cường các vụ oanh kích nhắm vào lãnh thổ Nga, cũng như vào các vùng của Ukraina hiện đang bị Nga chiếm đóng và chủ yếu nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của những vùng này.

Hôm qua, chính quyền vùng Lougansk của Ukraina, hiện do Nga kiểm soát, thông báo vụ tấn công của Kiev bằng tên lửa do Mỹ chế tạo nhắm vào một kho trữ dầu lửa đã khiến 3 người chết và 8 người bị thương. Còn tại thành phố Donetsk, trong vùng cùng tên, cũng nằm dưới quyền kiểm soát của Matxcơva, cũng có 3 người chết và 9 người bị thương khi lực lượng Ukraina oanh kích vào một nhà hàng.

Nhìn sang Nga, theo AFP, sáng hôm nay12/05, một cuộc tấn công của Ukraina bằng tên lửa vào vùng Belgorod khiến ít nhất 7 người chết và 15 người bị thương. Một tòa nhà hơn 10 tầng đổ sập. Hôm qua, truyền thông Nga cho biết các vụ oanh kích của Ukraina vào vùng biên Belgorod và Koursk cũng khiến 2 người thiệt mạng.

Phòng Thương mại châu Âu : Niềm tin của nhà đầu tư vào Trung Quốc giảm xuống mức thấp chưa từng có

Trong tuần qua, sự kiện được nói đến nhiều tại châu Âu là chuyến công du của chủ tịch Trung Quốc tại Pháp, Serbia và Hungary với một trong những chủ đề quan trọng là hợp tác thương mại. Cũng trong tuần này, hôm 10/05/2024, Phòng Thương mại Châu Âu ra báo cáo thường niên cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư châu Âu vào Trung Quốc đang ở mức thấp kỷ lục. Không ít nhà đầu tư dự tính rời khỏi thị trường Trung Quốc, chuyển sang Việt Nam và các nước khác trong khối ASEAN.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm :

« Trong số những thành viên của Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc trả lời cuộc khảo sát này, chỉ có 13% xem Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - là điểm đến đầu tư đầu tiên của họ trong tương lai. Nhưng cũng có 13% không đựđịnh như vậy, hoặc nói rằng họ không còn muốn đầu tư vào Trung Quốc trong tương lai.

Chẳng hạn như trường hợp của một ông chủ một doanh nghiệp xe hơi người Pháp. Doanh nghiệp của ông đặt tại vùng Bắc Kinh từ 20 năm qua, nhưng nay sắp chuyển sang Việt Nam. Điều gì đã thúc đẩy ông rời đi ?

Doanh nhân Pháp này giải thích : « Trước hết, tổng thống Mỹ Biden đã không bãi bỏ thuế quan nhập khẩu mà Donald Trump từng áp đặt, khiến những hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc khi nhập khẩu vào Mỹ có giá đắt hơn 25%. Lý do thứ 2 là chính phủ đã buộc chúng tôi phải bán lại khu đất và nhà máy. Ở đây, sự thiếu an toàn về mặt pháp lý khiến chúng tôi phải nghĩ đến việc chuyển đi. Hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, chúng tôi không thể di dời doanh nghiệp đến khu vực nội đô Bắc Kinh, kể cả khu vực lân cận thủ đô Bắc Kinh. Đây là hai yếu tố đã đẩy chúng tôi rời khỏi Trung Quốc ».

Báo cáo của Phòng Thương mại châu Âu cho biết thêm Trung Quốc, nước từng được xem là công xưởng thế giới, không còn là sự lựa chọn hiển nhiên của mọi nhà đầu tư. Mức tiêu dùng nội địa tại Trung Quốc suy yếu và công suất sản xuất công nghiệp dư thừa, nhất là trong lĩnh vực ô tô điện và xây dựng cơ sở hạ tầng dân sự, lại càng khiến tương lai thêm u tối. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á là khu vực được hưởng lợi nhiều nhất nhờ sự dịch chuyển đầu tư nước ngoài này. 21% các doanh nghiệp trả lời khảo sát đã di dời hoặc đang tính tới việc chuyển đầu tư sang các nước Đông Nam Á. »

Biển Đông : Philippines điều tàu đến bãi cạn Sa Bin trước mưu đồ xây đảo nhân tạo của Trung Quốc


Chính quyền Philippines ngày 11/05/2024 cho biết đã triển khai tàu chiến đến bãi cạn Sa Bin, thuộc quần đảo Trường Sa, khu vực có tranh chấp ở Biển Đông. Manila cáo buộc Bắc Kinh có ý đồ xây dựng « đảo nhân tạo » tại bãi cạn này, đe dọa an ninh Philippines.

Reuters dẫn thông báo từ văn phòng tổng thống Ferdinand Marcos Jr cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển đã cử một tầu đến « giám sát các hoạt động được cho là bất hợp pháp của Trung Quốc nhằm xây dựng một "đảo nhân tạo" ». Thông cáo văn phòng tổng thống nêu thêm hai tàu khác đang được bố trí luân phiên trong khu vực.

Trong buổi họp báo, người phát ngôn Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines, thiếu tướng Jay Tarriela cho biết có dấu hiệu của « việc cải tạo quy mô nhỏ » ở bãi cạn Sa Bin, thuộc cụm đảo Bình Nguyên, quần đảo Trường Sa, mà Manila gọi là Escoda.

Ông nghi ngờ Trung Quốc « rất có thể » là một tác nhân, do sự hiện diện đông đảo « đáng báo động » của hàng chục tầu Trung Quốc, bao gồm cả tàu nghiên cứu và tàu hải quân tại đảo san hô Sa Bin, cách tỉnh Palawan của Philippines 124 dặm (200km) trùng hợp với việc lực lượng bảo vệ bờ biến phát hiện nhiều rặng san hô chết và bị nghiền nát.

Phát ngôn viên lực lượng tuần duyên Philippines khẳng định sẽ gởi các nhà khoa học hải dương đến khu vực để xác định xem những rặng san hô bị nghiền nát là do tự nhiên hay do sự can thiệp của con người gây ra.

Ông Chester Cabalza, chủ tịch tổ chức tư vấn Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế, trụ sở tại Manila, trả lời kênh truyền hình ABS – CBN News, nhận định nỗ lực cải tạo đảo của Trung Quốc ở bãi cạn Sa Bin là mối đe dọa cho an ninh. Trung Quốc để mắt đến đảo san hô như là một phần mở rộng đảo Vành Khăn mà nước này đã chiếm từ năm 1995.

Từ nhiều năm qua, Bắc Kinh nỗ lực chiếm hữu bãi cạn Sa Bin do giá trị chiến lược mà nó mang lại với các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo Cabalza, việc san hô bị nghiền nát « có thể là khúc dạo đầu cho sự hình thành đảo nhân tạo ».

Còn theo cựu phó thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines, Antonio Carpio, công trình cải tạo đảo san hô Sa Bin của Trung Quốc có thể dẫn đến việc « dựng một tiền đồn gần bãi Cỏ Rong, khu vực được cho là có nhiều trữ lượng dầu khí ». Cũng theo ông Carpio, những gì Trung Quốc làm là thiết lập « tiền đồn ở bãi Cỏ Rong để ngăn chặn Philippines khai thác nhiên liệu ».

Gruzia : Biểu tình đông đảo chống dự luật về «ảnh hưởng nước ngoài »


Tại Gruzia, bất chấp một tuần lễ bạo lực nhằm vào những người phản đối, hôm qua, 11/05/2024, gần 50 ngàn người đã tuần hành trên các nẻo đường ở thủ đô Tbilissi để nói « Không » với dự luật « ảnh hưởng nước ngoài », một văn bản được cho là lấy cảm hứng từ luật của Nga ban hành năm 2012, đồng thời nói « Có với châu Âu ».

Từ thủ đô Gruzia, thông tín viên đài RFI, Régis Genté gởi về bài phóng sự :

« Chúng ta sẽ đi đâu ? Đi về hướng châu Âu », người biểu tình hô vang. Năm nay, ngày châu Âu được tổ chức vào ngày 11/05, với sự tham gia đông đảo của người dân Gruzia trên các nẻo đường ở thủ đô Tbilissi.

Ba đoàn người biểu tình đã tụ về Quảng trường châu Âu, đối diện với khu phố cổ, với những ban công được chạm trổ và nhiều tháp chuông nhà thờ, trong một bầu không khí khi thì nghiêm túc khi lại vui nhộn.

Trong đoàn người, Mamouka, trạc 50 tuổi, tài xế taxi cho biết : « Tất nhiên việc chúng tôi có mặt ở đây là rất quan trọng. Chúng tôi cảm thấy rất gần gũi với châu Âu. Chúng tôi muốn châu Âu, chúng tôi muốn một tương lai châu Âu cho con cái của chúng tôi. Tôi muốn mọi thứ ở đất nước này đều mang phong cách châu Âu, chứ không phải là Nga. »

Giống như khoảng 50 ngàn người Gruzia tụ họp lại đây trong đêm thứ Bảy này, Mamouka có mặt ở đây vì ông nghĩ rằng tuần lễ sắp tới sẽ mang tính quyết định, rằng tương lai sẽ là châu Âu hay là nước Nga chuyên chế, điều này phụ thuộc vào việc văn bản luật này được thông qua hay không.

Rất nhiều người đến đây là nhằm phản đối những hành động bạo lực do chính quyền và những người được ủy quyền gây ra trong những ngày qua. Đánh đập, quấy rối qua điện thoại, lăng mạ và đe dọa, chiến dịch áp phích ví các lãnh đạo những tổ chức phi chính phủ hay các đảng chính trị như những kẻ phản bội.

Nhiều người biểu tình cho rằng « luật Nga » xem như là đã có hiệu lực.»

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét