Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2024

ĐIỂM TIN 3/5/2024 - Long Đỗ

Tổng thống Zelensky : Ukraine cần đánh bại Nga để gia nhập NATO Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng nước này cần đánh thắng Nga trên chiến trường để được gia nhập NATO. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ca ngợi chuyến thăm của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tới quốc gia của ông, gọi đó là một “chương mới” trong quan hệ với liên minh quân sự này. (Ảnh chụp màn hình)“Tôi tin rằng Ukraine sẽ chỉ trở thành thành viên NATO khi chúng ta giành chiến thắng. Tôi không nghĩ chúng ta được kết nạp khi vẫn xảy ra chiến sự”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong cuộc gặp với các sĩ quan quân đội ở Kyiv hôm 30/4.
<!>
Ukraine cần được toàn bộ 32 thành viên NATO chấp thuận để gia nhập tổ chức này, nhưng ông Zelensky cho rằng một số quốc gia sẽ không “bật đèn xanh” khi Ukraine đang xảy ra xung đột vũ trang vì họ “cảm thấy rủi ro hoặc ngờ vực”.

“Vậy nên, Ukraine cần giành chiến thắng để được các thành viên đồng ý cho gia nhập liên minh”, Tổng thống Zelensky khẳng định, nói thêm rằng tư cách thành viên NATO sẽ giúp đảm bảo nền độc lập cho Ukraine.

Tổng thống Zelensky hồi tháng 9/2022 ký đơn xin gia nhập NATO, yêu cầu liên minh nhanh chóng kết nạp Ukraine. Tuy nhiên, các thành viên NATO vẫn chia rẽ về đề nghị của Ukraine, một số nước lo ngại động thái có thể đẩy liên minh đến gần một cuộc xung đột với Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và các nước ủng hộ Ukraine nhiều lần nói nước sẽ có ngày trở thành thành viên NATO, song chưa có lộ trình cụ thể để kết nạp.

Người phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov trong khi đó cáo buộc NATO tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự về phía biên giới Nga. Ngoài ra, Moscow cũng khẳng định rằng việc Kyiv gia nhập NATO là “lằn ranh đỏ” mà Nga không bao giờ chấp nhận được.

Nhật Bản cam kết dẫn đầu trong việc thiết lập các quy tắc quốc tế về AI


Hôm 2/5 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cam kết rằng quốc gia này sẽ đi đầu trong việc thiết lập những quy định toàn cầu về việc sử dụng phù hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh thông qua khuôn khổ mới với sự tham gia của nhiều nước có cùng quan điểm.

Cụ thể, Thủ tướng Kishida đã đưa ra cam kết như vậy khi phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) diễn ra tại Paris. Nhật Bản giữ cương vị Chủ tịch luân phiên OECD trong năm 2024.

Tại sự kiện này, Thủ tướng Nhật Bản đã đánh giá cao việc các nước trước đó cùng ngày đã khởi động khuôn khổ đối thoại mới, được biết đến là hội nghị “Những người bạn” về Tiến trình AI Hiroshima. Thông qua khuôn khổ mới này, Nhật Bản kêu gọi các nước nhất trí hợp tác để tìm cách ngăn chặn những rủi ro mà công nghệ này có thể gây ra, nhằm đảm bảo đạt được mục đích chung là tận dụng những cơ hội mà AI đem lại một cách an toàn, đảm bảo và đáng tin cậy.

Tiến trình AI Hiroshima là một cơ chế đối thoại cấp chính phủ về các quy định đối với AI. Cơ chế này đã được các nước thành viên Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhất trí thông qua tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm hồi tháng 5/2023 tại thành phố Hiroshima, miền Tây Nhật Bản. Khuôn khổ đối thoại mới nói trên được thiết lập trong bối cảnh thế giới đang tìm cách sử dụng hiệu quả các công cụ AI tạo sinh đang ngày càng phát triển, trong bối cảnh xuất hiện lo ngại công nghệ này có nguy cơ sản xuất và lan truyền thông tin sai lệch ở một cấp độ mới, theo đó tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn đối với đời sống chính trị xã hội ở các nước.

Đối với thương mại toàn cầu, Thủ tướng Nhật Bản cho biết nước này sẵn sàng hợp tác với các nước khác để duy trì và thúc đẩy trật tự kinh tế quốc tế dựa trên luật lệ, tự do và công bằng, tuân thủ các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Bên cạnh đó, ông Kishida cam kết giúp OECD mở rộng thành viên, để các nền kinh tế khác trên thế giới bao gồm ở Mỹ Latinh, Trung và Đông Âu cũng như Đông Nam Á có thể tham gia tổ chức này.

Iran áp đặt lệnh trừng phạt nhiều cá nhân, thực thể của Mỹ và Anh


Hôm 2/5, Iran đã công bố áp đặt lệnh trừng phạt đối với một số cá nhân và thực thể của Mỹ và Anh vì hỗ trợ Israel trong cuộc xung đột với phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.

Cụ thể, trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Iran cho biết các biện pháp trừng phạt áp dụng đối với 7 người Mỹ, trong đó có Tướng Bryan P. Fenton – Tư lệnh Bộ Chỉ huy tác chiến đặc biệt của Mỹ (SOCOM), và Phó đô đốc Brad Cooper – cựu chỉ huy Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ. Trong khi đó, các quan chức và thực thể Anh bị áp đặt trừng phạt bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Grant Shapps, Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến lược quân đội Anh James Hockenhull và lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh ở Biển Đỏ.

Các biện pháp trừng phạt cũng được áp dụng đối với các công ty Lockheed Martin và Chevron của Mỹ, cũng như các công ty đối tác Elbit Systems, Parker Meggitt và Rafael UK của Anh.

Theo Bộ Ngoại giao Iran, các cá nhân và thực thể thuộc diện trừng phạt sẽ bị phong tỏa tài khoản và giao dịch trong hệ thống tài chính và ngân hàng Iran, phong tỏa tài sản thuộc thẩm quyền của Cộng hòa Hồi giáo Iran cũng như cấm cấp thị thực và nhập cảnh vào lãnh thổ Iran.

Cuộc xung đột ở Dải Gaza bùng phát sau vụ tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023. Theo cơ quan y tế tại Gaza, ít nhất 34.568 người ở vùng lãnh thổ này đã thiệt mạng trong cuộc xung đột, phần lớn trong số đó là phụ nữ và trẻ em. Trong khi đó, phía Israel ghi nhận có 1.170 người thiệt mạng.

Thống đốc Florida ký lệnh cấm thịt "nuôi" trong phòng thí nghiệm


Thống đốc bang Florida Ron DeSantis hôm thứ Tư (1/5) đã ký một dự luật cấm bán thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm như một nỗ lực thúc đẩy ngành nông nghiệp của bang.

Ông Ron DeSantis đã ký Dự luật Thượng viện 1084, cấm bán thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm ở Florida. Ông cũng cho biết trong một cuộc họp báo ở Quận Hardee rằng Bang Florida đang tăng cường sản xuất thịt bò để theo kịp nhu cầu.

Ngoài ra, ông DeSantis cho biết Florida đang hỗ trợ ngành nông nghiệp và thịt của bang bằng cách hiện đại hóa Đạo luật Quyền trang trại, tái lập nguồn tài trợ cho ‘Chương trình bảo vệ đất đai nông thôn và gia đình’ với 300 triệu USD tài trợ và đầu tư hơn 2,8 tỷ USD vào ngành nông nghiệp.

Ông DeSantis nói: “Chúng tôi muốn bảo vệ các hoạt động nông nghiệp khỏi những vụ kiện tụng phù phiếm … Chúng tôi cũng đã ký luật để đảm bảo rằng các nhà khai thác du lịch nông nghiệp đủ điều kiện được bảo vệ trước việc đánh giá thuế tài sản khi hoạt động trên đất nông nghiệp, chúng tôi cũng đơn giản hóa các bước để nông dân Florida được miễn thuế bán hàng đối với vật liệu nông nghiệp.”

Ông DeSantis nói rằng luật này là một phần trong nỗ lực không ngừng nhằm có được một ngành nông nghiệp sôi động. Ông nói thêm rằng luật này nhằm bảo vệ ngành nông nghiệp khỏi thiên tai và cả con người.

Thống đốc bang Florida nói: “Điều chúng tôi đang làm là bảo vệ ngành công nghiệp khỏi các hành động của con người … Chống lại chương trình nghị sự mang tính ý thức hệ, coi nông nghiệp là vấn đề, coi chăn nuôi gia súc là hủy hoại khí hậu … Những người thuyết giảng về sự nóng lên toàn cầu nhưng lại bay đến Davos bằng máy bay riêng của họ.”

Ông DeSantis lưu ý rằng những người nắm giữ những hệ tư tưởng này như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) chỉ muốn áp đặt những hạn chế đối với người thường, trong khi họ muốn làm gì thì làm. Ông DeSantis lưu ý thêm rằng các chính sách đã được ban hành để bảo vệ người dân Floridian khỏi bị buộc phải áp dụng hệ thống tính điểm tín dụng xã hội như ở Trung Quốc.

Ông DeSantis nói: “Tôi nghĩ điều họ (WEF) đang muốn làm là tạo ra một hệ thống chấm điểm tín dụng xã hội…Chúng tôi nhận thấy mối đe dọa đó”.

Ông DeSantis tuyên bố rằng đó không phải là tầm nhìn được áp dụng ở Florida và những người ở WEF muốn cùng nhau loại bỏ hoạt động sản xuất và chăn nuôi thịt.

Ông DeSantis nói: “Họ muốn loại bỏ thịt, họ muốn loại bỏ gia súc, họ muốn loại bỏ gà… họ muốn tạo ra protein trong phòng thí nghiệm … Về cơ bản, thịt được tạo ra trong phòng thí nghiệm và mục tiêu của họ khiến người dân không còn chăn nuôi gia súc là cùng mục đích.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét