Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2024

- Ian Bùi - May 3rd, 2024 - 1968

Bên trong “bộ óc” của HAL (MGM Studios)
1968 là năm nước Mỹ có nhiều biến động mang tính cách lịch sử–từ văn hoá đến chính trị, từ thể thao đến khoa học. Một số sự kiện sau đây đã dẫn đến nhiều thay đổi quan trọng, không chỉ tại nước Mỹ nói riêng mà còn ảnh hưởng đến cả thế giới. Về mặt nghệ thuật, phim ‘2001: A Space Odyssey’ của Stanley Kubrick đánh dấu sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, ngày nay gọi là A.I., qua nhân vật computer HAL gây nhiều tranh cãi.
<!>
Trên TV, tập phim khoa học giả tưởng ‘Star Trek’ làm rúng động người dân Mỹ với một phân cảnh bốc lửa, trong đó nhân vật chính là Captain Kirk (William Shatner, phải) hôn Trung uý Nyota Uhura (Nichelle Nichols), một người da Đen. Màn “The Kiss” bất hủ này đã dấy lên một làn sóng phản hồi mãnh liệt. Hãng phim Paramount nhận được hàng mấy chục ngàn lá thư từ khán giả; phần lớn ủng hộ chuyện này, nhưng cũng rất nhiều người phản đối. Dù gì chăng nữa, quyết định táo bạo này của Paramount đã chính thức hoá cuộc đối thoại rất nóng trong xã hội Mỹ lúc bấy giờ về phân biệt chủng tộc và hôn nhân đa sắc tộc.


Ảnh: Paramount Pictures
Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân mà người Mỹ gọi là “Tet Offensive” đã khiến công chúng thay đổi thái độ về cuộc chiến tại Việt Nam. Mặc dù quân đội VNCH và Mỹ đánh bại các đoàn quân chính quy Bắc Việt cũng như các nhóm du kích Việt Cộng sau nhiều cuộc giao tranh ác liệt, nhưng những hình ảnh trên báo chí và TV đã châm thêm dầu cho phong trào phản chiến tại Mỹ cũng như khắp nơi trên thế giới. Trong số đó, bức ảnh Tướng Loan hành quyết tên Việt Cộng nằm vùng Nguyễn Văn Lém giữa lòng Sài Gòn đã làm dân Mỹ bị sốc nặng nhưng cũng giúp nhiếp ảnh gia chiến trường Eddie Adams thắng giải Pulitzer.


Ảnh: Eddie Adams/AP
Ngày nay ta khó thể tưởng tượng nước Mỹ đã từng “lạc hậu” như thế nào trong vấn đề bình đẳng giới tính. Chẳng hạn như mãi đến năm 1974 người đàn bà mới có quyền mở tài khoản trong nhà băng và có thẻ credit card riêng mà không cần chữ ký của ông chồng. Trước đó 6 năm, một số phụ nữ Mỹ đã phải đấu tranh bằng cách biểu tình chống cuộc thi hoa hậu Miss America để đòi hỏi những quyền lợi căn bản cho phụ nữ. Cuộc xuống đường rầm rộ của họ năm 1968 đã châm ngòi cho phong trào phụ nữ gọi là “Feminism”, vẫn còn tiếp diễn cho đến tận hôm nay. Cuộc bầu cử 2024 sắp tới đây chắc chắn sẽ thu hút rất nhiều cử tri quan tâm đến quyền phụ nữ.

Ảnh: Phụ nữ biểu tình ở San Francisco. (Bev Grant)
Tại Thế Vận Hội 1968 ở Mexico City, hai lực sĩ da Đen Tommie Smith (giữa) và John Carlos (phải) khi lên nhận huy chương Vàng và Đồng cho bộ môn chạy đua 200m đã giơ cao nắm đấm trong chiếc găng tay màu đen trong lúc chào cờ. Không những vậy, cả ba người (tính luôn Peter Norman, huy chương Bạc) đều mặc áo có phù hiệu của tổ chức nhân quyền “Olympic Project for Human Rights”. Hành động phản kháng mang tính cách chính trị của hai lực sĩ điền kinh này đã dẫn đến việc họ bị tống xuất khỏi đội tuyển quốc gia, không được tiếp tục tranh tài. Để ý cả hai đều không mang giày khi lên nhận huy chương mà chỉ mặc vớ đen, biểu tượng cho sự nghèo đói đến từ phân biệt đối xử trong xã hội Mỹ thời bấy giờ.

Ảnh: John Dominis
1968 còn là một năm đầy bi kịch trong chính trường Mỹ. Tháng Tư năm 1968, mục sư Martin Luther King Jr bị ám sát ở Memphis, Tennessee. Hai tháng sau, thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy (RFK), em cố Tổng thống John F. Kennedy, bị bắn ngay sau khi vừa thắng cuộc bầu cử sơ bộ tại tiểu bang California. Lúc bấy giờ RFK đang là ứng cử viên tổng thống sáng giá nhất của đảng Dân Chủ. Thủ phạm là một người gốc Palestinian tên Sirhan Sirhan; lý do hắn đưa ra là vì Kennedy ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh năm 1967 giữa Do Thái và khối Ả Rập. Cuộc xung đột ở Trung Đông vẫn còn tiếp diễn cho đến tận hôm nay.


Ảnh: Robert Kennedy vài phút trước khi bị ám sát. (Dick Strovel/AP)
Nếu Robert Kennedy không bị ám sát và được đảng Dân Chủ đề cử, cuộc bầu cử tổng thống năm 1968 có lẽ đã rất khác. Nhưng lịch sử không có chữ nếu. Kết quả là Richard Nixon (CH) chiến thắng với 43.4% tổng số phiếu, Hubert Humphrey (DC) chỉ lấy được 42.7% vì bị George Wallace của đảng American Independent Party hớt bớt 13.5%. Lúc bấy giờ dân Mỹ đã bắt đầu mệt mỏi với cuộc chiến ở Việt Nam, Nixon tranh cử với thông điệp sẽ chấm dứt chiến tranh nên được nhiều người phản chiến nhảy sang ủng hộ. Nào ngờ chỉ vài năm sau Nixon hiện nguyên hình là một tay gian hùng ham mê quyền lực, cuối cùng phải từ chức để tránh bị Quốc Hội đàn hặc và truất phế.


Ảnh: Tân tổng thống trong ngày nhậm chức. (Nixon Library)
1968 đóng lại bằng một bước tiến vĩ đại. Ngày 24 tháng 12, phi thuyền Apollo 8 bay vòng quanh quỹ đạo mặt trăng lần đầu. Phi hành đoàn phát hình trực tiếp chuyến bay lịch sử xuống trái đất ngay vào ngày lễ Giáng Sinh và được 4 tỉ người theo dõi—tức gần một phần tư dân số địa cầu. Bức hình chụp trái đất nhìn từ mặt trăng tức khắc trở thành cột mốc quan trọng trong lịch sử loài người. Dù thế giới lúc ấy đang phải đương đầu với chiến tranh Việt Nam cùng bao nhiêu vấn đề nhức đầu khác, nhưng bức ảnh đơn sơ này đã giúp người ta nhận ra sự nhỏ bé của mình trong vũ trụ bao la. Sau bao cơn biến động của 1968, nhân loài dường như nhích gần lại với nhau được thêm một chút.

Ảnh: NASA
Cựu Biên Tập Viên báo Trẻ; chuyên viết về Lịch sử, Âm nhạc, Nghệ thuật, Something/Anything. Từng làm kỹ sư điện toán. Hiện cư ngụ trong vùng Dallas.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét