Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2024

“Giọt mưa thu” và cuộc đời “vạn cổ sầu” của chàng nhạc sĩ bạc mệnh Đặng Thế Phong - NhạcXưa


Ca khúc “Giọt mưa thu” được nhạc sĩ Đặng Thế Phong (1918–1942) sáng tác vào những ngày cuối đời trên giường bệnh. Đây được xem là một trong số những ca khúc hay nhất của dòng nhạc tiền chiến và trở thành tác phẩm có ảnh hưởng sâu sắc cho dòng “nhạc thu” Việt Nam sau này. Điềm báo cho cuộc đời bạc mệnh Nhạc sĩ Đặng Thế Phong sinh năm 1918, là con trai thứ trong gia đình có sáu anh em. Cha ông là cụ Đặng Hiển Thể, Thông phán Sở Trước bạ thành phố Nam Định. Cha mất sớm, gia đình thiếu thốn nên phải bỏ học khi đang theo học năm thứ hai tại trường trung học Saint Thomas d’Aquin (bậc thành chung).
<!>
Sau khi bỏ học, ông lên Hà Nội và trở thành họa sĩ vẽ tranh cho một số tờ báo. Từ năm 1939, ông theo học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Ecole supérieure de Beaux Arts) với tư cách dự thính. Có giai thoại kể rằng trong một kỳ thi, Đặng Thế Phong vẽ bức tranh cảnh một thân cây cụt. Giáo sư, họa sĩ người Pháp Tardieu chấm bài, khen ngợi nhưng nói rằng: “E Đặng Thế Phong sẽ không sống lâu được!”.
Nhạc sĩ Đặng Thế Phong (1918-1942) | Nguồn: Một thời Sài Gòn

Có lẽ lời tiên đoán ấy đã vận vào nhạc sĩ Đặng Thế Phong khi cuộc đời ông là chuỗi ngày khó khăn và đầy sóng gió. Tháng 2 năm 1941, ông đến Sài Gòn rồi sang Nam Vang (Campuchia) và mở một lớp dạy nhạc. Mùa thu năm đó, ông trở lại Hà Nội trong cảnh kiệt quệ và túng thiếu. Lúc này, Phong đã có quan hệ tình cảm khá mặn nồng với cô gái tên Tuyết bán chăn ở chợ Rồng (Nam Định).

Dù nhớ người yêu nhưng ông rất ngại về Nam Định vì nghèo khó. Giữa tháng 7 mưa Ngâu rả rích, nhiều ngày liền ngồi thu lu trong nhà không đi đâu, chàng nhạc sĩ đã viết nên “Giọt mưa thu”. Theo nhạc sĩ Phạm Duy, ca khúc đã dung hợp cả hai âm giai thất cung Tây Phương và ngũ cung Việt Nam để nói lên cái hắt hiu, cái lâm ly, cái xa xôi của mùa thu bên trong và bên ngoài đời mình:

“Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ
Trong mưa thu ai khóc ai than hờ

[…]

Gió xa xôi vẫn về
Mưa chăng mù lê thê
Đến bao năm nữa trời
Vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu”

Theo chia sẻ của nhạc sĩ Lê Hoàng Long, một hôm mưa rơi tầm tã, giọt mưa lộp bộp trên mái lá, thánh thót từng giọt xuống đường, Đặng Thế Phong buồn quá, con tim như thắt lại, máu trào lên để có được một nhạc hứng lai láng, tràn trề khiến ông gượng ngồi dậy viết một hơi điệu nhạc buồn da diết, não nề. Ông viết xong bèn đặt tên cho sáng tác mới ấy là “Vạn cổ sầu”.

Tờ nhạc “Giọt mưa thu” trước 1975 | Nguồn: Ngochan Nguyen

Chập tối, có thêm dăm người bạn đến thăm, Đặng Thế Phong ôm đàn hát cho mọi người nghe. Nét mặt của mọi người nín thở nghe đều buồn như muốn khóc. Nghe xong, ai nấy đều khen bài hát thật hay, xoáy vào tim vào óc nhưng cái tên bài bi thảm quá, nên sửa lại thì hơn. Chính vì thế mà Đặng Thế Phong đổi tên là “Giọt mưa thu”.

Có lẽ đây là cái điềm báo trước, là lời di chúc tạ từ nên Đặng Thế Phong lấy mưa ngâu, mùa mưa là dòng nước mắt tuôn chảy lênh láng của Chức Nữ với Ngưu Lang để ví cuộc tình Phong – Tuyết cũng phải cùng chung số phận phũ phàng giống vậy chăng?

Khi căn bệnh lao của Đặng Thế Phong trở nên nặng, Tuyết đã hết mình chăm sóc người yêu. Cô âm thầm tìm mua thuốc ở nhiều nơi để mong chàng qua khỏi. Ngày trước, lao là căn bênh rất nặng, phải chữa rất tốn kém mà khả năng khỏi không cao. Tuyết đã không quản vất vả, tốn kém và bị lây bệnh để suốt ngày ở bên Phong chăm sóc chàng.

Cuối năm 1941, biết mình khó qua khỏi, Đặng Thế Phong nhờ ông chú họ Nguyễn Trường Thọ đưa về Nam Định. Từ đấy cho đến lúc Đặng Thế Phong lìa đời, cô Tuyết lúc nào cũng túc trực bên giường bệnh để chăm sóc ông. Khi ông qua đời, có rất nhiều bạn bè, người quen thân đưa tiễn. Người ta thấy Tuyết mặc áo xô trắng để tang Đặng Thế Phong. Tại Nam Định, rất nhiều năm sau, người ta vẫn còn trầm trồ khen ngợi mối tình đẹp của đôi trai tài gái sắc, đặc biệt là tình chung thủy, son sắt, cao cả của cô gái bán chăn ở chợ Rồng giành cho người yêu.
Ca khúc khởi đầu cho dòng “nhạc thu”

Nhạc sĩ Đặng Thế Phong từ giã cõi đời khi chỉ mới 24 tuổi, để lại cho nền tân nhạc Việt Nam ba nhạc phẩm nổi tiếng là “Đêm thu”, “Con thuyền không bến” và “Giọt mưa thu”. Cả ba ca khúc đều lấy mùa thu làm chủ đề. Trong đó, “Giọt mưa thu” đã trở thành ca khúc bất hủ và là nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như nhạc sĩ Hoàng Dương với “Tiếc thu”.

Có giai thoại kể rằng ca sĩ Thanh Thúy năm 16 tuổi đã hát “Giọt mưa thu” hằng đêm tại nhà hàng Mỹ Cảnh với niềm xúc động mãnh liệt. Nàng bật khóc khi nhớ đến người mẹ bị lao phổi nặng, đang mỏi mòn chờ con trong căn nhà nhỏ ở con hẻm sâu. Những giọt nước mắt đọng trên vành mi của người ca sĩ tuổi mới tròn trăng đã gieo vào lòng Trịnh Công Sơn nỗi xúc cảm tràn ngập để chàng viết thành ca khúc “Ướt mi”, rồi sau đó là “Thương một người”.

“Với ‘Giọt mưa thu’, Đặng Thế Phong còn cho ta thấy sự chuyển thể khéo léo trong ca nhạc Việt Nam loại mới, xứng đáng là sự nối dài của nhạc cổ truyền. Lối hành âm từ giọng Mi mineur qua La majeur ở nhiều đoạn trong bài ‘Giọt mưa thu’ chẳng khác chi lối chuyển thể trong loại hát bồng mạc, sa mạc nhưng phong phú hơn. Nếu nghiên cứu theo lối Tây Phương thì ca khúc được xây dựng trên mode dorien rất gần gũi với một dạng trong ngũ cung Á Đông. Âm vực của bài này rất rộng, nét nhạc đi từ nốt Si trầm lên tận Sol cao, cốt ý diễn tả cái sầu thiên cổ trong mùa thu, có mưa rơi không bao giờ ngừng”, nhạc sĩ Phạm Duy đã nói về nhạc thuật của tuyệt tác “Giọt mưa thu” như thế.

Những bài hát của Đặng Thế Phong được Phạm Duy nhận xét là tác phẩm khởi đầu cho dòng “nhạc thu” Việt Nam và được Văn Cao, Đoàn Chuẩn tiếp nối một cách xuất sắc. Còn theo Doãn Mẫn đánh giá, Đặng Thế Phong và Lê Thương là hai nhạc sĩ tiền chiến có sáng tác sâu sắc hồn dân tộc nhất. Sự ra đi của ông vì bệnh lao ở tuổi 24 là một mất mát lớn đối với bạn bè và cả những người yêu mến âm nhạc Việt Nam.

Những tình khúc Đặng Thế Phong qua tiếng hát Thanh Thúy

“Với ‘Giọt mưa thu’, Đặng Thế Phong còn cho ta thấy sự chuyển thể khéo léo trong ca nhạc Việt Nam loại mới, xứng đáng là sự nối dài của nhạc cổ truyền. Lối hành âm từ giọng Mi mineur qua La majeur ở nhiều đoạn trong bài ‘Giọt mưa thu’ chẳng khác chi lối chuyển thể trong loại hát bồng mạc, sa mạc nhưng phong phú hơn. Nếu nghiên cứu theo lối Tây Phương thì ca khúc được xây dựng trên mode dorien rất gần gũi với một dạng trong ngũ cung Á Đông. Âm vực của bài này rất rộng, nét nhạc đi từ nốt Si trầm lên tận Sol cao, cốt ý diễn tả cái sầu thiên cổ trong mùa thu, có mưa rơi không bao giờ ngừng”, nhạc sĩ Phạm Duy đã nói về nhạc thuật của tuyệt tác “Giọt mưa thu” như thế.

Những bài hát của Đặng Thế Phong được Phạm Duy nhận xét là tác phẩm khởi đầu cho dòng “nhạc thu” Việt Nam và được Văn Cao, Đoàn Chuẩn tiếp nối một cách xuất sắc. Còn theo Doãn Mẫn đánh giá, Đặng Thế Phong và Lê Thương là hai nhạc sĩ tiền chiến có sáng tác sâu sắc hồn dân tộc nhất. Sự ra đi của ông vì bệnh lao ở tuổi 24 là một mất mát lớn đối với bạn bè và cả những người yêu mến âm nhạc Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét