Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2024

Nhà Văn Lê Xuyên, Người Muôn Năm Cũ - Posted on April 23, 2024 by Ha Nhan


Lê Xuyên tên thật là Lê Bình Tăng, sanh ngày 1 tháng 11 năm 1927, tại Ô Môn, tỉnh Cần thơ; năm 1945 đã đậu DEPSI (Diplôme d’étude primaire superieure indochinoise). Từng hoạt động cho Đại Việt Quốc Dân Đảng. Ông vào nghề báo bằng sự giới thiệu của Vương Hữu Đức – Tổng Thư Ký tờ Sài Gòn Mai (1963) với trách nhiệm viết tiểu thuyết trường thiên. Trước đó ông chỉ làm thơ. Tác phẩm văn xuôi đầu tiên có tên “Chú Tư Cầu” xuất bản năm 1965 và lập tức được đón nhận nồng nhiệt đến độ từ đó người ta gọi ông với biệt danh thân thương là: “Chú Tư Cầu Lê Xuyên”. Tuy nhiên những tác phẩm đi sau cũng bán rất chạy như: Rặng Trâm Bầu, Vợ Thầy Hương (1965), Đêm Không Cùng (1966), Kinh Cầu Muống (1968), Vùng Bão Lửa (1969), Nguyệt Đồng Xoài (1970), v.v.
<!>

Trong thời gian từ năm 1963 tới 1975 ông đã từng giữ chức Tổng Thư Ký cho Dân Ý, Thời Thế, Thần Phong… và được xem như là người rất tận tụy, có trách nhiệm với vai trò nặng nề của mình.

Lê Xuyên, ngoài một nhà văn gốc miền Nam nổi tiếng, ông còn là một nhà báo tầm cỡ, yêu nghề, tận tụy với công việc, làm việc tại tòa soạn từ 5 giờ sáng cho tới 10 giờ tối. Vì vậy, lương của nhà báo Lê Xuyên khá cao hơn các Tổng Thư Ký Tòa Soạn của các nhật báo khác, 120.000 đồng một tháng, số tiền này, bà vợ của ông nhận lấy hết. Thấy vậy, ông chủ nhiệm Đại Dân Tộc Võ Long Triều tặng cho Lê Xuyên mỗi tháng 200.000 đồng để cho ông tiêu riêng (lúc bấy giờ, lương Thiếu tá, ngạch công chức hạng A, có vợ và 4 con mỗi tháng lãnh được gần 41.000 đồng).

Toàn thể văn phong Lê Xuyên đồng nhất và hầu như chỉ cần viết đối thoại đặc biệt Nam Bộ mà thành ra truyện, ra văn, ra tiểu thuyết đầy đủ mọi ngây thơ đến quỷ quyệt khôn lanh.

Sau biến cố năm 1975 ông đi học tập, sau đó được thả về sinh sống bằng nghề bán thuốc lá lẻ trên đường Nguyễn Kim, Chợ Lớn hay bỏ bánh kẹo để sống qua ngày dù rằng không thiếu cơ hội để ông có thể cầm viết trở lại.
Lê Xuyên đã qua đời ngày 2-3-2004, thọ 78 tuổi.
Advertisement

TÁC PHẨM:
Chú Tư Cầu (truyện dài, 1965)
Đêm Không Cùng (truyện dài, 1965)
Rặng Trâm Bầu (truyện dài, 1965)
Vợ Thầy Hương (truyện dài, 1965)
Chú Ba Công (truyện dài, 1966)
Ngôn Ngữ Là Gì? (1966)
Xinh (truyện dài, 1967)
Kinh Cầu Muống (truyện dài, 1968)
Vùng Bão Lửa (truyện dài, 1969)
Nguyệt Đồng Xoài (truyện dài, 1970)
Mặt Trời Đêm (truyện dài, 1975)

Nhà Văn Lê Xuyên, Người Muôn Năm Cũ
Nguyễn Mạnh Trinh

Lê Xuyên. Nhà văn hay nhà báo? Có người đã đặt câu hỏi như trên và quả thật rất phân vân khi định hình một chân dung văn chương như nhà văn viết với văn phong “rặt ròng” Nam Bộ hay một nhà báo thuộc loại “đàn anh” trong giới truyền thông báo chí miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Ông còn là một tác giả nổi tiếng với biệt hiệu “Chú Tư Cầu”, tên một tác phẩm của ông đã thành danh. Từ “Chú Tư Cầu” đến “Ðêm Không Cùng”, từ “Vợ Thầy Hương” đến “Vùng Bão Lửa”, từ “Kinh Cầu Muống” đến “Nguyệt Ðồng Xoài”, những tiểu thuyết của ông viết về những cuộc đời của các nhân vật của một thời thế hỗn loạn, của những người dân tuy cục mịch ít học nhưng tâm tính đơn sơ. Có khi họ là những mẫu người cao thượng không ngờ nhưng cũng có lúc là những người sống gần bản năng nhất. Ðặc biệt, ông đã sử dụng phương cách dùng đối thoại để chuyên chở ý tình của nhân vật và qua đó gián tiếp tả tình tả cảnh một cách đặc biệt tạo hấp dẫn cho người đọc.

Viết “feuilleton” cho báo hàng ngày thời đó không phải dễ dàng mà còn là một nghệ thuật. Trường thiên tiểu thuyết của ông dường như tranh đua một cách gián tiếp với truyện kiếm hiệp Kim Dung lúc đó đang ở tuyệt đỉnh chú ý của mọi người, ở đâu cũng nói chuyện Cô gái Ðồ Long, Anh Hùng Xạ Ðiêu thì những trường thiên tiểu thuyết như “Chú Tư Cầu” như “Ðêm Không Cùng” phải có một hấp lực rất lớn. Số lượng độc giả hàng ngày của các nhật báo là mức đo sự lôi cuốn của tờ báo mà những truyện nằm ở trang trong là một biểu hiện. Tiểu thuyết của Lê Xuyên có những đời sống chân chất ruộng đồng, những suy nghĩ giản dị của người bình dân, những ngôn ngữ của đời bình thường nhưng vào trong đối thoại truyện lại thành những lôi cuốn mở ra những cảm giác sẵn có cho những cuộc tình nóng bỏng đầy ắp dục tình. Ðối thoại của Lê Xuyên cứ nửa kín nửa hở, cứ vừa đố vừa giảng một cách “tửng tửng” nhưng tự nhiên gợi đến những cảm xúc của thịt da, của những giây phút nóng hổi của cuộc sống. Nhưng chẳng phải là ngôn ngữ của trụy lạc khiêu dâm. Mà còn có một điều gì ẩn khuất của con người, của nét nhân bản phảng phất.

Nhớ đến nhà văn Lê Xuyên, thì tự nhiên người đọc nhớ ngay đến tiểu thuyết Chú Tư Cầu nhưng thực ra vẫn còn những tiểu thuyết dài viết từng ngày đăng ở trang trong các nhật báo cũng lơi cuốn độc giả không kém như Nguyệt Đồng Xoài, Rặng Trâm Bầu, Vợ Thầy Hương, Kinh Cầu Muống… với một bút pháp mới để tạo một thể văn thích hợp để lôi cuốn độc giả theo dõi diễn biến cốt truyện hàng ngày với phong cách vừa đố vừa giảng.

Một ông vua viết tiểu thuyết feuilleton là nhà văn Mai Thảo đã viết về mục đích muốn tới và dụng tâm cuối cùng:

“Tuy đăng từng ngày, mỗi ngày một tiểu đoạn nhưng cách viết và lối dựng truyện phải là những bí quyết sắc bén giam nhốt không rời thần trí và ham thích người đọc, đã bước chân qua cửa truyện là không thể trở lui, phải từng số từng ngày đợi chờ đọc tiếp. Người người viết truyện trữ tình đăng trên nhật báo bây giờ thảy đều mơ tưởng trở thành một Kim Dung kiếm hiệp. Một mở đầu đã dầy dặc những tình tiết bốc cháy từ những mê đắm thứ nhất. Chuyển đoạn vừa đố vừa giảng. Chuyện đang chân trời hiện tại thoắt đã chân trời tương lai. Đang tả những diễn biến bây giờ, bằng hồi tưởng, đột ngột kéo ngược hết về quá khứ. Bất ngờ cắt đứt một xáo trộn, đóng khung trong một cảnh trí này, ném bổng xáo trộn ấy vào một cảnh trí hoàn toàn khác biệt. Đang thuật đang tả chuyển thành viết thư nghiêng sang nhật ký. Và thuật tả cũng luôn luôn phải đối thoại len vào. Trăm nghìn xảo thuật hâm nóng cảm giác làm ngỡ ngàng mọi tưởng trước, sai lạc mọi phán đoán ấy đã được chuyên chở bộn bề vào tiểu thuyết đăng báo chúng ta hiện nay, bằng con đường điện ảnh bằng vay mượn và phối hợp cách thức viết với cách thực hiện phim ảnh. Nói chung đó là kỹ thuật của loại phim truyện trinh thám, nghẹt thở, giật gân, bao giờ cũng tạo được tác dụng làm căng thẳng giác quanh ta.

Từ ngòi bút Lê Xuyên và tiểu thuyết Lê Xuyên vì cũng viết ra trước hết cho báo hàng ngày, chúng ta cũng thấy thấp thoáng sự nhập nội vào văn thể những kỹ thuật ấy. Nhưng Lê Xuyên không chỉ giới hạn khả năng trước tác của mình vào sử dụng kỹ thuật tiểu xảo. Và tiểu thuyết Lê Xuyên thật đông người đọc, tất phải chứa đựng một sắc thái độc đáo nào? Câu trả lời là có. Đó là không khí, cảnh trí, những khuôn mặt điển hình, những cuộc đời đặc biệt, những danh từ địa phương, cùng lối miêu tả sự việc bằng đối thoại cực kỳ linh động chỉ thấy ở tiểu thuyết Lê Xuyên”

Nhà văn Lê Xuyên mất ngày 2 tháng 3 năm 2004, đến nay là mười bốn năm. Thời gian qua đi, nhưng vóc dáng của ông vẫn không phai trong lòng những người yêu văn chương ở trong nước và hải ngoại. Mặc dù, hệ thống truyền thông báo chí trong nước không đề cập đến ông và lạnh lùng coi như không có nhà văn nhà báo Lê Xuyên nhưng trong dư luận những người cầm bút còn ở lại vẫn vương vấn một tình cảm vừa yêu thương vừa kính phục về một kẻ sĩ Việt Nam. Còn ở hải ngoại, ngay khi ông vừa mất đã có những buổi tưởng niệm và mỗi năm đến ngày giỗ của ông đều có những bài viết đầy trân trọng và tình cảm nhớ về một người đã khuất. Riêng cá nhân tôi, khi tuổi vừa lớn lên, học ở Trung Học, đã có thời say mê truyện kiếm hiệp Kim Dung cũng y như say mê “Chú Tư Cầu”, như “Ðêm Không Cùng”. Những nhân vật của ông mở ra cho tôi hiểu biết thêm những cuộc sống phong phú của đồng quê, của những người bình dân Nam Bộ. Là một người nguyên gốc miền Bắc di cư vào Nam, tôi đã thích thú xiết bao với những ngôn từ của Chú Tư Cầu đặc thù địa phương như “nói thẳng bạch tuột”, “rắc rối không biết đâu mà rờ”, “mấy con nập nợn”, “làm cho xất bất xang bang”, “anh làm cái kiểu đó thì mụ nội em cũng lìa”, “ca mùi tận mạng”, “giận lẫy sẩy cùi”,… Những ngôn từ ấy, nghe không quen tai nhưng hấp dẫn làm sao!
Advertisement

Như vậy, chân dung văn học nào biểu hiện được chính xác tác giả Lê Xuyên? Nhà văn hay nhà báo? Nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã nói trong buổi lễ tưởng niệm đầu tiên sau khi tác giả Chú Tư Cầu ra đi về nghề văn và nghiệp báo đã song hành rất tốt đẹp. Theo ông, trong số tất cả những nhà văn viết truyện dài từng kỳ đăng trên nhật báo hàng ngày thì tác giả Lê Xuyên là người viết hấp dẫn, khéo léo dẫn dắt cốt truyện đến lúc tận cùng kết cuộc với kỹ thuật mới lạ đầy bất ngờ và cũng không kém phần gợi cảm.

Trước năm 1975, khi trả lời câu hỏi phỏng vấn của nhà văn Viên Linh, thì nhà văn Lê Xuyên cho biết việc ông bước vào nghề báo cũng như viết truyện dài hàng ngày “bất quá chỉ là một vấn đề số mạng” và trường thiên tiểu thuyết Chú Tư Cầu chỉ là một sự góp nhặt những chuyện tình được kể trong khi bị sống ở trong vòng tù giam.

“Ðành rằng hồi còn nhỏ, hồi còn đi học tôi cũng thích làm văn, làm thơ nhưng quả tình tôi không ngờ có ngày mình lọt được vô nghề này. Truyện dài đầu tay của tôi là Chú Tư Cầu đăng trên nhựt báo Sài Gòn Mai. Ðang thất nghiệp, tôi được anh Vương Hữu Ðức (lúc bấy giờ là Tổng Thư Ký nhựt báo Sài Gòn Mai) gọi tới để làm phụ với anh và cũng chính anh Ðức đã bảo tôi viết cho tờ báo SGM một truyện dài “đồng quê Miền Nam”. Có lẽ vì tin tưởng phần nào ở tôi, và chắc do khiếu đánh hơi nhà nghề nên anh Ðức chỉ “hạ lịnh” vỏn vẹn cho tôi như thế. Và tôi bắt đầu viết Chú Tư Cầu.

Cũng may là hồi còn kẹt trong tù, tôi được mấy anh em ở miệt quê kể cho nghe rất nhiều câu chuyện sống với đầy đủ tình tiết (mà Chú Tư Cầu là một) và trước khi bị kẹt có một thời gian tôi về ẩn náu tại miền Tây, nên chụp vô chuyện Chú Tư Cầu là tôi viết phăng tới liền, chớ nếu không thì “tang gia bối rối” biết bao nhiêu.

Giả sử lúc bấy giờ anh Ðức bảo tôi viết truyện gián điệp hay truyện ma gì đó tôi cũng viết như thường. Như vậy, chẳng do “phần số” chẳng do “thiên định” là gì?”

Nhà văn Mai Thảo trong bài tựa tiểu thuyết Chú Tư Cầu khi tái bản ở hải ngoại đã viết:

“Ðó là không khí, cảnh trí, những khuôn mặt điển hình, những cuộc đời đặc biệt, những danh từ địa phương, cùng lối miêu tả sự việc bằng đối thoại cực kỳ linh động chỉ thấy ở tiểu thuyết của Lê Xuyên.

Không khí, bầu trời của văn truyện Lê Xuyên là một không khí rất nước Việt Miền Nam, một bầu trời rất miền Nam thôn dã. Ðang nắng lửa chói chang, chợt đã mưa rào đột ngột. Phút trước trời còn ngọc thạch, phút sau đã sầm tối mây đen. Kinh rạch chằng chịt, ngòi rạch lang thang. Trong ẩm ướt nhiệt đới, lúa mạ tốt tươi trùm lan thành nườm nượp mùa màng. Trời, đất, cỏ, hoa nồng cháy một hiện tượng giao tình thường trực. Không khí có sấm chớp trên kia và đời sống dưới này là rạo rực hình hài, là thần kinh bốc lửa. Như Cửu Long nước đầy, thiên nhiên và địa hình miền Nam đã là những phát hiện tự nhiên chan hòa sức sống. Bằng những liên hệ biện chứng với ngoại giới, người và đời sống của người, bởi vậy cũng đồng dáng với thiên nhiên và đồng tình với địa hình. Người đọc đã hiểu tại sao là nhân vật và những diễn biến tiểu thuyết Lê Xuyên thật hiếm ít những dấu tích và những đặc thù của văn minh phường phố. Tư Cầu có thể một bữa kia ra tỉnh. Ði coi hát bóng, vào nghe nhạc phòng trà. Nhưng nguồn gốc, lẽ phải, hạnh phúc và cái làm nên thế quân bình cho đời sống Tư Cầu và những người đàn bà trở thành đối tượng cho bản năng Tư Cầu bốc cháy là ở giữa cái lồng lộng phơi phới đó của trời là màn, chiếu là đất, cỏ cây bằng hữu và trăng sao tình nhân. Thôn dã miền Nam trong tiểu thuyết Lê Xuyên không rối rắm những phong tục lâu đời, chồng chất những tập quán cố định. Như ta thấy ở Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, hay ở những tiểu thuyết thôn quê, tiểu thuyết phong tục tiền chiến của Nam Cao, Kim Lân, Tô Hoài. Ðó là một thôn dã mộc mạc hơn còn đằm thắm cái đằm thắm ngu ngơ của sơ khai và tiền sử tính. Nước chảy không ngăn dòng, Cỏ mọc trùm bãi bờ. Ðó là một trạng thái tự do của con người, mặc dầu là một tự do thấp và vô thức. Nhân vật tiểu thuyết của Lê Xuyên không chạy theo sức xô đẩy của tâm hồn, bởi vì không nâng đời sống tới những rung động tâm hồn, mà ném mình vào những òa vỡ tự nhiên của dục tính.

Nhiều người cho rằng, truyện Lê Xuyên hay nhất ở những phần đối thoại. Ðối thoại có chuyên chở sự việc, có phân tích tâm lý, nghĩa là có thuật có tả ở trong. Nhận xét trên đúng, và cũng dễ hiểu. Ngôn ngữ tiểu thuyết Lê Xuyên là thứ nói chuyện không biến hình bằng những điều chỉnh bút pháp cho chuốt lọc hay văn hoa bay bướm hơn, cho nên cái khó naht của nghệ thuật viết truyện là đối thoại thì Lê Xuyên lại thành công tốt đẹp nhất ở đó.”

Tiểu thuyết Chú Tư Cầu khá dài, bố cục gồm 5 phần và đoạn kết. Nhân vật chính là Chú Tư Cầu và bốn người tình trong bối cảnh của những vùng địa phương của địa lý khác nhau. Nhưng dù ở bất cứ nơi đâu cái vóc dáng nông dân vẫn không trộn lẫn với người bản xứ. Cuộc đời trôi giạt từ hết cuộc tình này sang cuộc tình khác mà anh chàng chăn vịt của vùng sông nước xưa kia đã trải qua bao nhiêu biến cố của thời thế. Tư Cầu không tán tỉnh đàn bà, anh đối xử với bất cứ ai cũng bằng cái tình cảm chân thật hơi chút ngây thơ và chính điều đó đã làm thành nét hấp dẫn phụ nữ. Những người đàn bà yêu Tư Cầu đều là những người nữ có cá tính mạnh và có nét đẹp lãng mạn riêng có mùi vị của đồng quê của những đóa hoa đồng nội.
Advertisement

Người tình đầu tiên cô gái hàng xóm ngày xưa ở Rạch Chiếc, người yêu Tư Cầu, trốn gia đình theo người tình lên Sài Gòn để tránh cuộc hôn nhân do gia đình sắp đặt nhưng lại bỏ rơi anh chàng khờ khạo để theo một người tình Hoa kiều giàu có hơn. Phấn yêu Tư Cầu của mối tình trẻ thơ nhưng đầy tưởng tượng của xác thịt. Những đoạn đối thoại nóng bỏng, như cách xưng hô “mày và tao” biến thành “anh và em” cùng với thiên nhiên trời trăng mây nước đã thành một khúc tình ca đầy chất lãng mạn nhưng đầy ắp cảm xúc da thịt nam nữ.

Trên con đường đi lên Sài Gòn, Phấn gặp anh chàng khách trú tên Lâm Sanh và bị thuyết phục để bỏ Tư Cầu với lý do một người thật thà đôn hậu như Tư Cầu khó lòng sống được ở một nơi đầy cạm bẫy như thành phố Sài Gòn. Phấn đánh lừa Tư Cầu mua vé tàu đò cho Tư Cầu trở lại Trà Ôn trong khi Phấn và Lâm Sanh lên Sài Gòn sống với nhau.

Nhưng định mệnh xui khiến khiến Tư Cầu lại đi lạc lên Nam Vang và sống bạt mạng với đám côn đồ giang hồ và được cô Ba Xá Lỵ một nữ chúa dao búa xứ Chùa Tháp yêu thương. Hai người say mê nhau, một mối tình pha lẫn giữa xác thịt và tình cảm, giữa đạo lý của giới giang hồ và tính nhân bản của con người chất phác. Một thời gian khi đã dành dụm được một số tiền Tư Cầu nhớ nhà nên rủ Ba Xá Lỵ về sống ở Rạch Chiếc nhưng cô này từ chối vì nghĩ rằng người như cô đã quen giang hồ rồi sẽ không họp với đời sống quê mùa rẫy bái của gia đình Tư Cầu.

Về quê, Tư Cầu biết chuyện Phấn đã bỏ đi theo chồng Khách Trú và có một đứa con với mình. Sau đó anh lấy vợ một cô gái hai dòng máu Miên Việt tên Thơm và tiếp theo là một đời sống vợ chồng đầy ắp dục tính của bản năng trai gái. Lúc ban đầu thì cũng có hơi trục trặc nhưng về sau là những pha làm tình sống động tuy chỉ qua ngôn ngữ chay nhưng tạo được sự tưởng tượng nóng bỏng qua lối diễn tả. Nhưng rồi dân Miên nổi loạn thổ dậy hãm hiếp Thơm đến chết. Tư Cầu trả thù rồi gia nhập quân kháng chiến chống Pháp ở địa phương nhưng bị bắt và cầm tù tại Sài Gòn. Tình cờ gặp Ba Xá Lỵ là người vợ hờ của viên Trung Úy Pháp coi tù và tình cờ nữa gặp lại Phấn với đứa con của mình. Hai người đàn bà cùng nhau giúp Tư Cầu vượt ngục. Sau khi gia nhập quân kháng chiến, Tư Cầu phục kích giết được viên Trung Úy Pháp nhưng không cứu được Ba Xá Lỵ vì đã bị tên chính trị viên giết rồi.

Và người đàn bà thứ tư là Thắm, một mối tình mà anh ta nghĩ có nhiều sự êm đềm nhất. Trong khi Thơm đang mang bầu thì Tư Cầu phục kích và đã tha mạng cho một viên “quan một” vì lý do anh quan một này cũng có vợ sắp đến ngày sinh nở. Kết cuộc khi vừa thả người tù binh xong thì Tư Cầu trúng đạn đại bác và hy sinh.

Truyện dài Chú Tư Cầu được đang hàng ngày trên nhật báo Sài Gòn Mai suốt mấy năm và trở thành một tiểu thuyết được cả giới bình dân lẫn trí thức ưa thích. Với văn phong độc đáo mà cá tính của người dân Nam Bộ được tỏ lộ rõ nét, dù ở không gian nào, ở Rạch Chiếc xa xăm hay Sài Gòn, Nam Vang náo nhiệt thì vẫn là những phương trời mà con người đôn hậu Tư Cầu, đã sống chân thành theo một đạo đức mà theo tác giả Lê Xuyên là lẽ phải trên đời…

Tại sao nhà văn Nguyễn Mộng Giác lại phát biểu Lê Xuyên đi song hành một cách tốt đẹp giữa nghề báo và nghiệp văn. Nhà báo Vũ Ánh coi Lê Xuyên là một vị thầy đáng kính nhất của ông trong nghề làm báo. Ông là một ký giả tận tụy, hết lòng chỉ dạy đàn em với cả khả năng của mình. Ông đã từng làm Tổng Thư Ký một số nhật báo ở Sài Gòn như Dân Ý, Thời Thế, Thần Phong, Ðại Dân Tộc… trong suốt những tháng ngày đầy biến động của chính trường Việt Nam và chiến tranh bùng nổ lớn.

Nhà báo Vũ Ánh viết: ”Ngày Mồng Một tháng Giêng năm 1966, tôi bước vào làng báo viết trong khi vẫn tiếp tục làm công việc của một phóng viên báo nói (truyền thanh). Cả hai thứ tôi đều mê cả. Người đưa tôi vào làng báo viết là nhà văn Lê Xuyên tức “Chú Tư Cầu”. Chính ở ông tôi đã học được phương pháp hệ thống hóa kiến thức thời sự và xã hội cần thiết cho nghề báo viết nhất là cách thực hiện trang trong của một tờ nhật báo. Cho đến khi vào làm Tổng Thư Ký cho tờ Dân ý ông đã đưa tôi làm việc với ông với tư cách một phóng viên làm tin địa phương…

…Cái hấp dẫn nhất nơi Lê Xuyên là nhân cách, sự hòa nhã nhưng hết sức cương quyết của ông. Tôi đi tù về năm 1988 gặp lại ông và chứng kiến nhiều người bạn cũ đang cộng tác với báo chí chế độ mới đến rủ ông viết lại nhưng ông đã từ chối và tiếp tục thu tấm thân còm cõi với chiếc mũ “phở” sau quầy thuốc lá và bữa nào cũng đói cả…”

Nhà văn Hồ Nam cũng viết về nhà báo Lê Xuyên: “Lê Xuyên (Lê Bình Tăng) vào đời đi làm chính trị phiêu bạc giang hồ từ đất Nam Kỳ Lục Tỉnh ra tận ngoài Bắc chống Tây để giải phóng dân tộc bị Tây bắt bỏ tù. Nhờ ở tù mà ra tù cưới được một cô vợ Bắc Kỳ vào loại sắc nước hương trời. Ra tù Lê Xuyên cưới vợ xong bèn trở về miền Nam làm báo cùng Bảy Bốp Phạm Thái (tác giả truyện Năm Người Thanh Niên từng được giải thưởng văn chương của Tự Lực Văn Ðoàn). Vào nghề báo ban đầu ông chưa ký bút hiệu Lê Xuyên mà ký bút hiệu Lê Nguyên, cũng chưa viết tiểu thuyết mà viết bình luận chính trị. Giữa thập niên 1950 bình luận gia Lê Nguyên khá nổi nhưng vì tổ chức chính trị của ông chống đối quyết liệt chế độ gia đình trị của Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm nên tờ báo của tổ chức của Lê Nguyên bị đóng cửa. Bảy Bốp Phạm Thái nhanh chân chạy được sang Nam Vang sống lưu vong. Lê Nguyên bị mật vụ của chế độ Ngô Ðình Diệm bắt và nhốt trong Khám Chí Hòa nhiều năm.

Lê Nguyên nằm Chí Hòa năm năm, lăn lóc chung đụng với đủ hạng người từ thượng vàng đến hạ cám. Lê Nguyên chỉ nghe chuyện tiếu lâm và không nói năng gì. Năm 1961, sau cuộc binh biến, bác sĩ Trần Kim Tuyến chỉ huy mật vụ của chế độ muốn có những tờ báo của chế độ nên cho người liên lạc với nhà văn Nhị Lang đang lưu vong về làm chủ bút tờ báo Sài Gòn Mai. Nhị Lang trả lời rằng chỉ làm chủ bút Sài Gòn Mai với điều kiện phải vô Chí Hòa đem Lê Bình Tăng về làm thư ký tòa soạn. Bác sĩ Tuyến đồng ý với Nhị Lang nhưng đòi Nhị Lang phải hứa rằng ra tù Lê Bình Tăng làm báo không được viết bình luận thời sự nữa vì Tổng Thống không ưa văn bình luận của Lê Bình Tăng…”.
Advertisement

Và từ năm 1961 đến ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa 30 tháng Tư năm 1975, qua bao nhiêu là biến động và trải qua nhiều thời kỳ làm Tổng Thư Ký các nhật báo có nhiều độc giả của Thủ đô Sài Gòn, chân dung nhà báo Lê Xuyên lại càng trở thành một khuôn mặt đáng kể của làng truyền thông Việt Nam. Với lòng tận tụy yêu nghề, như nghiệp báo chí là một bổn phận thiêng liêng, những đóng góp của ông là thành quả không phải của riêng một mình cá nhân Lê Xuyên mà còn là của chung làng báo Việt Nam. Bên cạnh những khuôn mặt ham tiền vô lương tâm cũng còn có những kẻ sĩ bất khuất.

Sau năm 1975, vì là nhà văn vừa là nhà báo lại là một lãnh tụ của một đảng phái quốc gia (ông thuộc Ðại Việt Quốc Dân Ðảng của đảng trưởng Trương Tử Anh) nên ngay sau tháng 5 /1975 bị Cộng sản nhốt vào đề lao Gia Ðịnh. Theo những người cùng bị giam chung thì mặc dù được những tên “tù cha” thường là dân dao búa kính trọng dành riêng những đặc ân trong tù nhưng Lê Xuyên là người tù ít nói nhất và thường quay mặt vào tường lặng thinh suy tư. Ra tù, Lê Xuyên cũng ngồi bán thuốc lá lẻ nhìn đời ở lề đường Ngô Quyền sống thiếu hụt và thường xuyên đói ăn thèm uống. Nhưng ông vẫn mặc kệ thiên hạ bon chen. Nhiều người đến gạ in lại sách hoặc viết để kiếm thêm tiền nhưng ông từ chối. Ông nói nhà văn Lê Xuyên đã chết rồi sau ngày 30 tháng năm 1975.

Nhà văn Văn Quang đã viết về những ngày cuối đời của tác giả Chú Tư Cầu. Bây giờ đọc lại như một cách thế tưởng niệm.

“Hơn mười năm sau khi tôi ở trại cải tạo ra, Thanh Thương Hồng dẫn tôi đến thăm Lê Xuyên. Anh ngồi bán thuốc lá lẻ ở một góc phố. Chiếc quầy thuốc bé tẹo nhưng cũng đủ che hết tấm thân gầy gò của anh. Chúng tôi nhìn nhau và cùng cảm thông rất sâu sắc cái thân phận mình lúc này. Anh chớp mau mắt nói như để an ủi hơn mười hai năm tù của tôi.
– Trông ông vẫn cứ phong độ như ngày nào

Tôi thẳng thừng thương bạn:
– Trông chán bỏ mẹ. Đ… khỏe được chứ…

Hai bàn tay bạn tôi run lên, lật bật đút chiếc chìa khĩa vào ngăn tủ kính để mấy gói ba số năm bán lẻ (hồi đó ba số năm quý lắm)
– Hút thuốc lá không?
– Không, tớ hút thuốc lào quen rồi, về đây hút thứ nặng hơn mới đủ đô.

Thanh Thương Hồng rủ sang bên con hẻm phía trước ăn sáng. Đó là con hẻm lối đi vào một ngôi chùa hay ngôi đình gì đó. Không có hủ tíu Lê Xuyên phải chạy đi gọi ở một nơi nào quen bán chịu cho anh ở gần đó. Lê Xuyên trở lại với con người thật của anh. Vẫn hiền lành, cười tủm và chân quê. Phải nhìn thấy cái cười tủm của anh mới biết tại sao anh viết về những cuộc tình của những đôi trai gái đồng ruộng miền Nam hay đến như thế, láu cá đến như thế. Tôi nhủ thầm. Thằng cha này tẩm ngẩm tầm ngầm mà ghê lắm đấy. Nó không nói mà chỉ viết nên nó viết được nhiều hơn mình. Chỉ có nó mới viết được những “dòng chảy ngầm” của trai gái thôn quê miền Nam thật đến thế và hấp dẫn đến thế. Lê Xuyên khác với một số những cây bút hồn tồn Nam Bộ như Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam ở chính cái “thật” của anh, tiểu thuyết của anh không màu mè, không lý luận, không khoác bộ áo nghiên cứu sưu tầm về phong tục tập quán dưới hình thức này hay dáng vẻ khác. Từng động tác, từng thái độ, từng lối ứng xử trong nhân vật của anh cứ như những con người thật lồ lộ đang ở trước mặt chúng ta vậy. Trước mặt tôi, ông già Lê Xuyên vẫn còn cái hóm hỉnh riêng nhưng bây giờ thì như anh nói: ”Đếch viết nữa…” Tôi hỏi viết không được hay không thích. Câu trả lời của anh gọn lỏn: ”Bỏ đi Tám…”. Tôi không thể hiểu nổi ba chữ ”bỏ đi Tám” mà anh dùng. Có một nỗi chua chát nào đó trong cái tâm sự thật của anh. Đến cái thẻ chứng minh nhân dân anh cũng không muốn làm nên anh ở nhà anh mà không có tên trong sổ hộ khẩu, cứ như ở lậu, công dân lậu. Thái độ ấy có đồng nghĩa với sự “bỏ đi Tám” của anh không? Chỉ có anh mới hiểu và bây giờ anh mang theo anh về thế giới bên kia…

Buổi chiều ngày 5 tháng 3, đúng hai giờ lễ động quan bắt đầu, giữa trời nắng chang chang, chúng tôi đưa người quá cố đến nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Có rất nhiều người bên hè phố lặng lẽ tiễn đưa anh. Đám tang nhà văn Lê Xuyên không ồn ào như đám tang của những nhà nghệ sĩ mà ở đây người ta cho rằng đó là những “nhà nghệ sĩ lớn”. Nhưng những con người thầm lặng ấy đưa tiễn anh với tất cả tấm lòng mình. Họ không nói gì không có kèn saxo như trong đám tang Trịnh Công Sơn không có những giọt nước mắt dài ngắn thở than của những danh ca nghệ sĩ không có những bài điếu văn “lâm ly bi đát” nhưng đám tang Lê Xuyên đầy ắp những tình yêu thương từ xa xưa đọng lại, từ bốn phương tám hướng lãng đãng bay về phủ kín chân trời Sài Gòn.”

Nguyễn Mạnh Trinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét