Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2024

NGÀY ÔNG TÁO VỀ TRỜI - Vương Mộng Long


Ngày ông Táo về trời năm Mậu Tý, Thế Kỷ 20…
Nơi góc phố Jean De Bouchet, Hải-Dương có một thằng bé sáu tuổi rưỡi ngồi say mê ngắm nghía một món đồ chơi mà nó vừa mua được. Trên tay nó là một cái xe làm bằng vỏ hộp cá mòi. Cái vỏ hộp cá mòi của Marốc do ai đó nhặt từ đống rác của Tây, rồi đục bốn cái lỗ bên hông, gắn vào bốn bánh xe bằng nắp khoén, nắp bia đã trở thành món đồ chơi quý báu của lũ trẻ trai sáu, bảy tuổi cư ngụ trong khu Ngã Sáu, Hải-Dương này. Sáng nay thằng bé đã bỏ ra năm hào để mua lại chiếc xe từ tay thằng bạn nó tên là Hải.Thằng Hải là con ông chủ Khách sạn Thiên Tuế ở đầu đường.
<!>
Thời buổi đó, trong chợ Tây của tỉnh Hải-Dương thì, một bữa trưa hay bữa chiều dành cho người lớn chỉ đáng giá một đồng bạc Ðông Dương. Với một tô cơm trắng, một món canh, một món kho, một ly nước trà, người ta chỉ phải trả một đồng.
Vậy mà mỗi ngày thằng bé có tới hai đồng, làm sao tiêu cho hết?
Hằng ngày, trước khi rời nhà để đi buôn, mẹ nó đều nhét dưới gối, đầu giường cho nó hai đồng. Ngủ dậy, việc đầu tiên của nó là quơ tay dưới gối, lấy tiền bỏ vào túi quần rồi mới đi rửa mặt đánh răng.
Nó nhớ ra hôm nay là ngày 23 tháng Chạp Âm Lịch cô giáo cho học trò nghỉ.
Mẹ nó cũng hứa sẽ về sớm, mua đồ cúng tiễn đưa ông Táo về trời.
Nó ôm cái xe đồ chơi vào ngực,
– Ông Táo ơi! Tối nay ông Táo đừng thèm cưỡi cá chép, cháu sẽ cho ông mượn chiếc ô tô của cháu để ông cưỡi cho oai.

Từ giờ đó, nó cứ chắc mẩm rằng ông Táo nhà nó sẽ oai hơn ông Táo của những nhà hàng xóm. Nó chắc mẩm rằng, cả thành phố này không có ông Táo nhà nào tới chầu Ngọc Hoàng sớm hơn ông Táo nhà nó; vì ông Táo nhà nó lên trời bằng ô tô, chứ không phải cưỡi lưng cá chép, vượt qua cả nghìn cây số qua thác, qua ghềnh.
Thằng bé và mẹ nó vừa hồi cư từ vùng chiến tranh về Hải-Dương cuối năm 1948. Mẹ con nó ở nhờ trong nhà một người quen tên là Sử.
Mẹ nó bảo nó gọi ông Sử, bà Sử là chú và thím.
Ông Sử cũng là dân mới hồi cư nhưng nhanh chân chiếm cứ được một ngôi nhà rộng có sân tọa lạc ngay giữa phố, cách Ngã Sáu không xa.
Thời gian này phố Jean De Bouchet còn nhiều căn nhà rất đẹp nhưng bị bỏ hoang vì chủ của chúng còn đi lánh nạn chiến tranh, chưa quay về.
Hồi cư đúng vào dịp khai trường, nên thằng bé được nhận thẳng vào lớp 5 tiểu học, mấy chục năm sau người ta đổi lớp 5 thành lớp 1, còn ở Mỹ thì đây là lớp First Grade.
Xế trưa hôm đó bà Sử dẫn về một người đàn ông lạ rồi lớn tiếng gọi,
– Long ơi! Có khách muốn gặp cháu!
Nghe kêu tên, thằng bé vội vàng chạy tới khoanh tay, lễ phép,
– Thưa thím, cháu đây!
Bà Sử nhìn người khách,
– Ðây là thằng bé mà bác muốn gặp!
Người đàn ông tuổi chừng trên dưới ba mươi, dong dỏng cao, có đôi mắt sáng như sao.
Nhìn chằm chặp vào mặt thằng bé một phút rồi người khách kéo tay nó dẫn ra cửa sau,
– Cháu tên là Vương Mộng Long con bà Sen phải không?
– Vâng! Thưa ông! Cháu tên là Vương Mộng Long con của bà Sen.
– Bố cháu là thầy của chú. Mình tìm chỗ nào vắng, chú có việc cần nói cho cháu biết.

Tới bên gốc cây bưởi nơi góc sân sau nhà, người đàn ông cúi xuống ôm chặt thằng bé vào lòng rồi sụt sùi,
– Cháu nhớ nhé! Tên chú là Tường! Cháu cứ gọi chú là chú Tường! Chú là đàn em của bố cháu! Chú gọi bố cháu là đại ca.
– Thưa chú! Cháu sẽ nhớ! Tên chú là Tường, là đàn em của bố cháu. Chú gọi bố cháu là đại ca. Vậy chú có biết bố cháu bây giờ ở đâu không?
Chú Tường dang hai tay ôm chặt thằng bé, nghẹn ngào,
– Cháu ơi! Bố cháu chết rồi!
Thằng bé vội đẩy người đàn ông ra rồi la lên,
– Chú nói cái gì? Vì sao bố cháu chết?
Chú Tường lại dang hai tay ôm nó, giọng chú run run,
– Bố cháu chết rồi! Cháu hãy ngồi im mà nghe chú nói đây! Suốt đời không được quên những gì chú nói với cháu hôm nay!
Thằng bé nắm chặt hai bàn tay thành hai nắm đấm, rồi nhìn vào mắt chú Tường,
– Vâng! Chú nói đi!

Chú Tường đưa tay lên xoa mặt, vuốt ngực một cái rồi dõng dạc từng tiếng,
– Cháu hãy nghe cho rõ: Tụi Việt-Cộng đã giết bố cháu đấy!
Nó vội hỏi,
-Chú có biết Việt-Cộng là ai không? Chú có biết Việt-Cộng ở đâu không?
Chú Tường đưa tay đè hai vai nó xuống, rồi nghiến răng, dằn giọng,
– Mai này lớn lên cháu sẽ biết Việt-Cộng là ai. Nhiệm vụ của chú tìm gặp cháu ngày hôm nay là nói cho cháu biết rằng không được quên mối thù này!
Dứt lời, chú Tường dắt thằng bé vào nhà.
Vào tới nhà, chú Tường bận bịu nói chuyện với vợ chồng ông Sử, không để ý tới thằng bé nữa.
Thì ra chú Tường là anh con cô, con cậu của thím Sử; chú mới quá giang theo chuyến công voa Hà-Nội, Hải-Phòng để về Hải-Dương sáng nay.

Hình như những người bà con này đã không có dịp gặp mặt nhau lâu lắm rồi nên cứ luôn mồm nói từ chuyện này sang chuyện khác mãi không dứt.
Nó muốn hỏi chú Tường thêm nhiều điều, nhưng thấy chú bận bịu quá, nó lại thôi.
Rồi căn nhà chợt ồn ào hẳn lên khi có ba người đàn ông bước vào. Thằng bé đã biết ba vị này là nhóm thanh niên ở trọ trong căn nhà đầu Ngã Sáu trên con đường dẫn vào Lao Xá Hải Dương.
Ba thanh niên cùng chú Sử và chú Tường ngồi quanh cái bàn tròn giữa sân, bàn bạc với nhau chuyện gì đó hình như hệ trọng lắm. Chú Tường có vẻ là người có uy nhất của năm vị này.
Buổi họp mặt bế mạc, chú Tường đứng lên, đảo mắt một vòng rồi dõng dạc,
– Ðại ca đã mất rồi. Từ nay anh em ta sẽ chia tay. Các chú sẽ tự định đoạt tương lai của chính mình.
Ngừng một giây, chú Tường nhìn về phía thằng bé đang ngồi ủ rũ bên hiên nhà, giọng chú nghẹn ngào,
– Ngày mai anh không còn ở đây nữa. Người ở lại, nếu ai còn nhớ tới đại ca thì hãy bỏ công chăm sóc giọt máu còn lại của đại ca.
Thì ra ba ông thanh niên này, cùng với chú Tường và chú Sử là đàn em của bố nó.
Nó không rõ chú Tường mang họ gì, quê quán ở đâu.
Một ông cũng lớn tuổi như chú Tường tên là Phan Ngọc Yên thì cùng quê Hải Dương với bố. Ba ông còn lại thì trẻ hơn nhiều, đều mang họ Trần và có quê Nam-Ðịnh.
Tên của các ông này là Trần Văn Sử, Trần Văn Lâm và Trần Phương Quế.

Sau đó mấy vị đàn em của bố nó kéo tới vây quanh nó, ôm hôn nó, xoa đầu nó, rồi theo chân nhau đi ra cửa. Bà vợ ông Sử quét nhà xong cũng gánh rau rời nhà lên chợ.
Chỉ còn một mình trong căn nhà vắng, thằng bé thấy mình cô đơn một cách thật lạ kỳ.
Từ lúc nghe tin bố chết, nó thẫn thờ như kẻ mất hồn, hết ngồi vật, ngồi vạ trên cái chõng tre ngoài phòng khách, lại đứng trước cái bàn thờ Phật, nhìn hình Phật trên kia rồi suy nghĩ mung lung.
Nó còn nhớ ngày đó, cách nay hai năm, bố nó đã đưa mẹ con nó ra Ga Hàng Cỏ để lên tàu hỏa về quê.
Trước khi chia tay, bố đã ôm hôn nó, nói với nó rằng,
– Con của bố gắng ngoan! Mai này bố sẽ về, bố sẽ bế con, bố sẽ cõng con đi chơi quanh thành phố Hải-Dương. Bố sẽ mua cho con một hộp bánh khảo và bánh đậu xanh Bảo-Hiên Rồng Vàng thật là to.

Gần tám chục năm sau nó vẫn chưa quên hình ảnh bố nó đứng bên cái xe đạp, dưới ánh đèn đường, giơ tay vẫy vẫy, tiễn chân mẹ con nó lên tàu xuôi Hải-Dương.
Nó không tin những lời chú Tường vừa nói là chuyện thật, nó không tin bố nó đã bị người ta giết. Bố là người tài giỏi nhất trên đời! Bố không thể chết!
Tới chiều thì mẹ thằng bé bước vào cửa cùng lúc với vợ chồng chú Sử và chú Tường.
Rồi mẹ thằng bé cũng ra vườn nói chuyện với chú Tường. Khoảng một giờ đồng hồ sau mẹ nó và chú Tường mới trở vào. Lúc này mắt mẹ nó đã đẫm lệ, đỏ hoe.
Tới tối, nó đang ngồi thút thít khóc bên bàn học, thì chú Tường tới ngồi bên, cầm mấy quyển vở của nó lên xem, rồi cất tiếng khen,
– Cháu ngoan lắm! Cháu gắng học giỏi để mai này nối chí ông thầy của chú!
Chú Tường lần tay ra túi sau, móc bóp lấy ra tờ giấy bạc 20 đồng Ðông Dương mềm như lụa, đưa cho thằng bé,
– Tiền này chú cho cháu để ăn quà hay mua đồ chơi, tùy ý cháu.
Thằng bé ngần ngừ, nhìn mẹ; thấy mẹ nó gật đầu, nó mới giơ tay cầm tờ bạc, miệng lí nhí,
– Cháu cám ơn chú Tường!

Nhớ lời mẹ nó dặn, khi cám ơn ai thì nó phải nhìn thẳng vào mặt người đó.
Thằng bé cám ơn chú Tường, đồng thời nhìn ngay mặt chú, nó nhận ra trên má chú có hai dòng lệ đang chảy xuống. Dưới ánh đèn, nước mắt của chú sáng lấp lánh.
Tối hôm đó mẹ nó không thắp nhang tiễn đưa ông Táo.
Mẹ con nó đã quên không ăn cơm chiều. Mẹ nó lững thững đi ra vườn, nó nối đuôi theo.
Ði ngang phòng khách, nó thấy chú Tường nằm trên cái chõng tre.
Chú Tường đang hút thuốc lá, khói thuốc bay lên trần nhà.
Mẹ nó đi tới gốc bưởi, ngồi rũ xuống và sụt sịt khóc; nó mon men lại gần thì mẹ xua tay, đuổi nó đi.
Nó lê bước vào nhà, vứt cái ô tô làm bằng vỏ hộp cá mòi vào gầm bàn, rồi lăn ra chiếu.
Trong bóng tối, nó trùm chăn kín đầu, nằm khóc một mình.
Trước khi nó thiếp đi, nó nghe ai đó nói nhỏ bên tai,
– Việt-Cộng là kẻ thù đã giết bố cháu! Suốt đời, cháu không được quên mối thù này!
Sớm hôm sau thằng bé tỉnh dậy thì mẹ nó đã đi làm; trên cái chõng tre ngoài phòng khách cũng không thấy chú Tường.
Ngày 24 tháng Chạp Âm Lịch năm Mậu Tý, rơi vào Thứ Bảy, cũng là ngày hội thể thao tất niên của trường, nhưng nó không thèm tới sân vận động để xem, mà chỉ nằm nhà ôm mặt khóc. Suốt ngày Chủ Nhật sau đó, nó cũng chỉ loanh quanh trong vườn chứ không ló đầu ra ngoài phố.
Sáng Thứ Hai, 26 tháng Chạp, nó ôm quyển vở, xách hai chai nước vối rồi bước ra đường.
Tới Ngã Sáu, nó gặp thằng Hải đang đứng chờ.
Thằng Hải thấy hai mắt nó sưng húp thì ngạc nhiên, cất tiếng hỏi thăm,
– Mày bị đau mắt hả? Nhà tao có thuốc nhỏ mắt tốt lắm. Ðể tao chạy về lấy cho mày nhé?
Nó vội xua tay,
– Không cần! Không cần! Ðừng hỏi nữa! Chiều về tao kể cho nghe!
Nói xong, nó vội vàng phóng nhanh qua đường. Thằng Hải cũng lao theo bén gót.
Hai đứa vào trung tâm thành phố, rồi tới phố Hàng Bạc.
Thằng bé đi thẳng lên hướng Ga để tới Trường Nam Tiểu Học Hải-Dương.
Còn bạn nó thì rẽ sang tay phải để tới Trường Thánh Giuse.
Trường Nam Tiểu Học Hải-Dương là trường công, học trò không phải đóng tiền.
Trường Thánh Giuse là trường Tây, trường tư, học trò phải trả tiền.
Học trò Trường Thánh Giuse đa phần là con nhà giàu hay có đạo; thằng Hải là con nhà giàu.

Tới gần rạp hát Kim Phụng thằng bé đã thấy người anh kết nghĩa của nó đứng chờ. Nó mới quen anh Phụ được vài tuần. Anh Phụ học lớp Ba cùng trường, năm nay anh đã 18 tuổi, và đã có vợ. Thời gian này học trò mới hồi cư được khuyến khích đến trường, không giới hạn tuổi tác.
Nhà anh Phụ ở ngoại ô thành phố phía đằng sau vườn hoa Bảo Ðại. Ngày nào anh Phụ cũng đứng chờ nó nơi hiên rạp Kim Phụng để cùng đi với nó. Chiều chiều tan trường, hai anh em lại cùng về.
Anh Phụ nói năng rất ngọt ngào; anh coi nó thân thiết như đứa em ruột của anh.
Nó là đứa bé không có anh chị; được anh Phụ nhận làm em kết nghĩa nó cảm thấy sung sướng vô cùng.
Trước đây khi mới gặp nhau, anh Phụ thường mang theo bên mình một chai nước mưa để giải khát; nhưng từ khi được nếm mùi vị nước vối của nhà thằng em thì anh Phụ đề nghị nó mang thêm một chai nước vối nữa cho anh.
Nó vui vẻ làm theo yêu cầu của bạn nó ngay. Nó đã không quản công khó mà còn cảm thấy hạnh phúc khi thấy người anh kết nghĩa đã cần tới nó. Trong bếp nhà nó lúc nào cũng có một nồi nước vối đầy, hai chai nước vối nó đem đi học có đáng là bao?
Một hôm đang đi giữa đường, anh Phụ bỗng dừng chân đứng lại ôm bụng nhăn nhó. Nó lo lắng cuống quýt,
– Anh sao thế? Anh bị bệnh gì thế?
Phụ xua tay,
– Anh không sao, ruột anh chỉ bị quặn quặn một lúc thì hết ngay thôi!
Phụ nói đúng, chỉ một phút sau anh đã đi đứng bình thường.
Chiều về, người anh kết nghĩa mới thú thực với thằng em,
– Em có biết không? Sáng nay anh bị đau bụng là vì đói đó! Ðói mà uống nước vối thì bị cồn ruột.
Thằng bé thắc mắc,
– Thế sáng ra anh nhịn đói mà đi học ư?
– Chứ sao? Nhà anh nghèo lắm, làm gì có tiền mà ăn sáng? Anh nhịn tới chiều về tới nhà mới được ăn cơm. Nhà nghèo khổ lắm em ơi!

Thằng bé đúng là thứ ruột ngựa,
– Mỗi ngày mẹ cho em hai đồng, sáng ra em ăn một đĩa xôi lạp xưởng hay một đĩa bánh cuốn cà cuống chỉ hết năm hào. Còn một đồng rưỡi em bỏ ống, chờ tới Tết mới đem ra tiêu. Chẳng bù cho anh bị đói suốt ngày! Tội nghiệp anh tôi! Từ mai, mỗi ngày em sẽ chia cho anh năm hào để ăn sáng.
Nói xong nó dúi vào tay Phụ tờ bạc 5 hào bằng giấy,
– Ðây là tiền cho anh sáng mai.
Mắt Phụ sáng lên, nhưng anh còn làm bộ thoái thác,
– Lấy tiền của em anh ngại quá! Nếu mẹ em mà biết thì anh xấu hổ lắm! Bà dành tiền cho em chứ có phải cho anh đâu?
– Anh đừng lo! Mẹ không biết đâu! Vả lại mẹ cho tiền, em muốn làm gì thì làm, mẹ không bao giờ kiểm soát cả.

Người đẩy qua, kẻ đẩy lại, cuối cùng Phụ đành cất tờ giấy bạc vào túi,
– Nể em lắm anh mới nhận. Bao giờ anh khấm khá, anh sẽ đãi em mỗi ngày.
Thằng bé cười xòa,
– Có thế chứ! Chúng mình là anh em mà!
Từ hôm đó quỹ chi tiêu hằng ngày của thằng bé chỉ còn 1 đồng 5 hào.
Hôm nay vì thời gian còn sớm nên hai anh em nó ngồi tạm nghỉ trên tam cấp của rạp Kim Phụng. Rạp hát này ban ngày đóng cửa. Tới ba giờ chiều người ta mới mở hai cái cửa tò vò để bán vé.
Thằng bé trao cho anh nó chai nước vối cùng 5 hào tiền ăn sáng mai, rồi từ từ tâm sự cho anh nó nghe tất cả những chuyện buồn mà nó đã gặp phải trong mấy ngày qua.
Nó những tưởng người anh kết nghĩa của nó sẽ tỏ lòng thương xót khi thấy nó bỗng chốc trở thành một đứa trẻ mồ côi cha.
Nào ngờ, nó vừa dứt lời, anh Phụ đã trợn mắt,
– Bộ em bịa chuyện hả? Anh không tin trên đời này lại có người chú tốt bụng đến mức dám cho thằng cháu sáu tuổi một tờ giấy hai chục đồng Ðông Dương. Hai chục đồng là cả một gia tài đấy! Em có biết không?
Thằng nhỏ ngẩn mặt, thật thà,
– Em nói thật mà! Chú Tường cho em hai chục thật mà! Chú ấy nói em muốn mua gì thì mua, muốn ăn gì thì ăn mà!
– Anh không tin! Ðâu? Ðồng hai chục đâu? Ðưa cho anh coi, xem là tiền thật hay tiền giả?
Nghe tới hai chữ “tiền giả” thằng bé chột dạ, vội vàng móc túi lấy tờ bạc đưa cho thằng anh,
-- Ðây! Anh coi xem thật hay giả?
Phụ giơ tay giật mạnh, tờ giấy 20 đồng đẹp như tranh vẽ đã nằm trong tay.
Sau đó y đặt chai nước vối xuống đất, dùng hai tay căng đồng bạc ra, rồi đưa ngang mắt, soi qua ánh mặt trời.
Kiểm tra tờ bạc xong, Phụ tắc lưỡi, gật gù,
– Ðúng rồi! Không phải là bạc giả. Nhưng để anh cất cho. Lúc nào em cần mua gì thì đi với anh, anh trả tiền người ta mới tin, em là trẻ con, người ta sẽ lường gạt mất.
Thằng bé lắc đầu,
– Tiền mẹ cho hằng ngày em còn tiêu chưa hết. Em cần gì phải dùng tới tờ hai chục này. Ðây là tiền chú Tường cho em thì em phải cất. Em không đưa cho anh giữ đâu.
Anh Phụ bỏ tờ bạc vào túi quần rồi ra lệnh,
– Tao là anh, mày là em, anh nói thì em phải nghe! Mày mà cãi lời tao, tao đánh đòn đó!
Hăm he xong anh Phụ xách cặp đứng lên.

Thằng bé cũng đứng lên theo thằng anh.
Bất ngờ, Phụ giựt chai nước trên tay thằng em, tu một hơi cạn đáy rồi thẳng tay quật cái vỏ chai xuống thềm xi măng.
“Choảng!” cái chai vỡ tan! Mảnh thuỷ tinh văng tung tóe.

Thắng bé sợ quá, hai tay nó nắm chặt cái song sắt của cửa rạp hát.
Tuy vậy, nó vẫn nói cứng,
– Em nói rồi! Anh phải trả lại hai chục cho em! Nếu anh giữ nó, mẹ hỏi, em làm sao mà trả lời mẹ?
“Bốp!” một cái tát toé lửa xáng ngay trên mặt làm cho thằng bé tối tăm mặt mũi, chúi đầu xuống nền xi măng. Anh nó hét lên,
– Thì mày cứ nói mày tiêu hết rồi! Chú Tường cho phép mày muốn tiêu gì, mua gì cũng được mà!
Nó đưa tay quệt máu từ vết rách trên khóe miệng, rồi cố gắng ngồi dậy, nhưng nhìn thấy cặp mắt đỏ ngầu của ông anh cùng với hai cái nắm đấm to như hai quả cân của bà hàng thịt thì nó sợ quá, run lên như cầy sấy.
Chợt trong óc nó loé lên một ý nghĩ, nó giả đò thật thà, lắp bắp,
– Vậy thì… nếu mẹ hỏi, em nói… em còn bé quá, giữ nhiều tiền trong túi thì … nguy hiểm nên em… nhờ anh Phụ giữ hộ. Như thế… có được không?

Thấy dáng điệu khiếp sợ cùng với câu nói có vẻ an phận, buông xuôi của thằng em, Phụ liền dịu cơn thịnh nộ. Lập tức, miệng anh đã trở lại ngọt ngào ngay,
– Ðúng rồi! Làm anh thì phải thương yêu em, bảo vệ em. Làm em thì phải nghe lời anh. Vừa rồi em làm anh giận lắm đó! Bây giờ thì anh hết giận rồi. Chuyện cũ mình xí xóa! Chúng mình đi học thôi!
Nói xong, anh Phụ ân cần nắm cánh tay nó, dắt nó xuống tam cấp. Hai anh em sóng vai bên nhau đi về hướng trường.
Chiều hôm đó, trước lúc chia tay ở cạnh rạp Kim Phụng, anh Phụ còn nhắc nhở nó,
– Tốt nhất là ở nhà, em đừng đả động tới chuyện đồng bạc hai chục, chắc mấy bữa sau mẹ em cũng quên đi thôi.
Nó gật đầu, biểu đồng tình,
– Mẹ bận lắm, chắc không có thì giờ mà hỏi gì đâu.

Tuy miệng nó nói thế, nhưng suốt dọc đường về, nó cứ thấy ngực nặng như đeo chì. Nó tức đến nỗi thở không được.
Nó chợt nhớ tới lời chú Tường nói rằng bố nó là “Ðại ca” của chú. Nó đã chứng kiến chú Tường dõng dạc nói với bốn người đàn em của bố,
– Người ở lại, nếu ai còn nhớ tới đại ca thì hãy bỏ công chăm sóc giọt máu còn lại của đại ca.

Về tới Ngã Sáu, nó ghé vào căn phố đầu đường dẫn vào Lao Xá, dự định sẽ kể chuyện nó bị thằng anh kết nghĩa ức hiếp cho mấy ông đàn em của bố nó nghe. Chắc chắn mấy ông này sẽ ra tay nghĩa hiệp diệt bạo, trừ gian, mà giúp đỡ nó đòi lại tờ giấy bạc hai chục đồng.
Nó chỉ gặp được một người ở nhà chiều hôm đó là ông Trần Phương Quế.
Ở Nam Ðịnh thì gia đình bà chị Cả của bà Sen là hàng xóm của gia đình ông Quế; ông Quế nhận bà Cả là chị nuôi.
Vì bà Sen lớn hơn ông Quế bảy tuổi, nên ông Quế cũng gọi bà Sen là chị.
Do đó, thằng con của bà Sen mới gọi ông Trần Phương Quế là cậu Quế.
Nhưng từ hôm biết tin bố nó bị người ta giết thì ông Quế bắt nó đổi cách xưng hô, gọi ông là chú, cũng giống như chú Yên, chú Lâm, chú Sử, chú Tường.
Nó chưa mở miệng thì chú Quế đã vồn vã,
-Cháu mới đi học về ghé thăm chú phải không? Con nhà tông, không giống lông cũng phải giống cánh. Cháu là con của đại ca, sau này lớn lên chắc chắn cháu sẽ trở thành một nhân tài.

Nghe ông Quế nói nó là con của một đại ca, sau này nó sẽ trở thành một nhân tài thì nó liền bỏ ngay ý nghĩ nhờ vả người khác giải quyết chuyện riêng.
Nó sẽ không nhờ vả ai. Nó thề rằng sẽ tự mình đòi lại tờ giấy hai chục mà tên côn đồ đã trắng trợn cướp trên tay nó. Thế là nó vui vẻ trả lời ông Quế,
– Hôm nay cháu được về sớm. Cháu ghé thăm sức khỏe của chú. Thôi! Cháu xin phép chú! Cháu về ăn cơm.
Ra khỏi nhà chú Quế, thằng bé chạy thẳng một mạch xuống chợ Tây.
Khu chợ rau, chợ cá đã dọn hàng, đóng nắp sạp. Nhưng dãy nhà bán tạp hóa còn mở tới 8 giờ tối.
Nó vào hiệu tạp hóa mua một cái kéo bằng Inox của thợ hớt tóc, đáng giá hai đồng rồi hí hửng ra về.
Thường ngày thì về tới nhà nó thay cái quần soọc xanh ra, mặc cái quần đùi vào cho gọn. Tối nay nó vẫn để nguyên cái quần soọc trên người. Cái quần này có túi.
Cái kéo nằm gọn trong túi quần, nó bước ra sân sau.
Trong suốt ba giờ đồng hồ, nó tập thật nhuần nhuyễn ba động tác:

1) Bước chân trái lên một bước cho sát địch thủ.
2) Rút cái kéo ra khỏi túi quần.
3) Vung tay đâm hết sức mạnh vào đùi và mông kẻ thù.

Rồi rút kéo ra, đâm nhát thứ hai, nhát thứ ba, nhát thứ tư … cho tới khi thằng ăn cướp móc túi trả lại tờ giấy bạc hai chục đồng Ðông Dương thì nó mới dừng tay.
Sáng hôm sau, 27 tháng Chạp Âm Lịch, thay vì đem theo hai chai nước vối, nó pha một chai nước chanh đường.
Tới rạp Kim Phụng, nó vừa cười hì hì vừa nịnh bợ người anh kết nghĩa.
– Em chưa kịp mua thêm một cái chai để đựng nước vối. Hôm nay em chỉ đem theo một chai nước chanh cho anh thôi. Em không khát.
Anh Phụ đỡ chai nước chanh giọng cảm động,
– Thằng em của tôi tốt bụng quá!
Vì nó đã dùng kìm để siết cái nắp chai, nên anh Phụ phải vận sức cả hai tay để mở chai. Nhân cơ hội này nó đã thực hành thật nhanh ba động tác:

1) Bước chân trái lên một bước cho sát ông anh kết nghĩa.
2) Rút cái kéo ra khỏi túi quần.
3) Vung tay đâm hết sức mạnh vào đùi và mông thằng ăn cướp.
Rồi rút kéo ra, đâm nhát thứ hai, nhát thứ ba, nhát thứ tư … miệng nó liên tiếp la:
“Trả lại tờ bạc hai chục cho tao! Trả lại tờ bạc hai chục cho tao!”

Cái kéo hớt tóc bằng Inox vừa sắc lại vừa cứng. Cú đâm nào cũng lút tới xương. Cái chai nước chanh rớt xuống lăn long lóc theo bực tam cấp nhưng không vỡ.
Thằng anh kết nghĩa lớn tiếng kêu,
– Bà con ơi! Cứu tôi! Cứu tôi!
Thằng em kết nghĩa bình tĩnh, lớn tiếng đáp lại,
– Nó là thằng ăn cướp! Nó cướp tiền của tôi! Bà con gọi Cảnh Sát bắt nó! Bắt nó!
Chợt tên Phụ quỵ xuống rồi thều thào,
– Anh sẽ trả lại tiền cho em! Ðừng đâm nữa! Ðừng đâm nữa!
Nó đứng chưa tới ngực tên Phụ nên chỉ có thể đâm vào đùi, vào hông của Phụ.
Giờ này thấy Phụ quỵ xuống, nó bèn ghim mũi kéo ngay yết hầu của Phụ.
Chỉ cần một cái hất tay, một linh hồn sẽ bay lên trời.
Phụ run rẩy móc túi lấy cái phong bì có chứa tờ giấy bạc đưa lên trước mặt,
– Tiền của Long đây! Anh lạy em! Tha cho anh!
Tay của Phụ đầy máu, cái bì thư cũng đẫm máu.
Thằng bé cúi xuống cầm cái bì thư rồi nhìn một vòng xung quanh phân bua với đám người đang đứng vây,
– Ðây là tiền của tôi! Nó là thằng ăn cướp! Bà con đã thấy chưa?
Nó tính mở cái bì thư lấy tiền ra thì nghe ai đó trong đám đông la to,
– Thằng ăn cướp bỏ chạy! Bắt nó! Bắt nó bà con ơi!
Phải nói rằng tên Phụ này rất khoẻ, bị đâm cả chục nhát kéo vào đùi, máu tuôn ra ào ào mà vừa nhỏm dậy nó đã biến mất sau hàng hiên dãy phố bên kia.
Thằng bé vội phóng theo tên tội phạm, nhưng qua đường nó cũng quẹo trái, len lỏi vào mấy con hẻm quen dẫn về phố Jean De Bouchet rồi thót vào nhà.
Không có ai ở nhà, nó chạy tới bên giếng, múc nước tắm cả quần, cả áo.
Máu kẻ thù còn tươi, chỉ cần chục gầu nước xối qua, là hết dấu vết.
Ðêm hôm đó nó cứ suy nghĩ mông lung, rồi cảm thấy hối hận vì đã lỡ lời thổ lộ chuyện nhà cho anh Phụ, khiến cho tình nghĩa anh em tổn thương, đang là bạn bỗng chốc hóa ra thù.

Nó tự trách mình đã quá nặng tay. Chắc giờ này anh Phụ đang đau đớn lắm? Chắc giờ này anh ấy oán hận nó lắm?
Càng nghĩ lại chuyện xảy ra sáng nay, nó càng thấy thương hại anh Phụ, nó càng thấy mình có lỗi với bạn.
Ðêm đã khuya mà mắt vẫn còn mở thao láo, nó bèn đưa hai bàn tay lên xoa mặt tìm giấc ngủ.
Nó giật mình vì thấy mặt nó đau ê ẩm khi bị bàn tay chạm vào. Ðồng thời đầu lưỡi của nó cảm thấy mùi vị của máu tươi vừa tuôn ra từ những vết thương trên môi, trên mép chưa lành. Mùi máu tanh tanh, vị máu mằn mặn, xót xa, xót xa…
Nhắm mắt lại vài giây, rồi mở mắt ra, nó lại đưa tay lên mặt lần nữa.
Nó tiếp tục xoa nhè nhẹ, nhè nhẹ. Hiện giờ má trái của nó đã sưng u lên như cái bánh bao! Hai môi nó cũng phồng lên như hai miếng bánh dầy.
Trước mắt nó chợt hiện ra đôi mắt đổ lửa của thằng anh.
Trước mắt nó chợt hiện ra hai cái nắm đấm to như hai quả cân của bà hàng thịt.
Ngay lập tức, lòng nó bỗng trở thành lạnh tanh.
Suốt đêm 27 tháng Chạp Âm Lịch, nó miên man suy nghĩ về chuyện bố nó bị người ta giết, chuyện tờ giấy bạc hai chục chú Tường cho, chuyện vô cớ bị thằng bạn cướp tiền, rồi còn bị tát sưng cả mặt mày…
Cuối cùng nó thở phào nhẹ nhõm, vì trong đầu nó vừa hiện ra con đường tương lai mà nó sẽ phải đi theo.
Thế là, chỉ sau một đêm, thằng bé sáu tuổi rưỡi đã biến thành một người trưởng thành.

Ngày 28 Âm Lịch là ngày ăn tiệc tất niên, nó không dám bỏ lớp, nên đánh liều ra khỏi nhà với cái kéo trong túi quần.
Theo đường Thống Nhất, nó đi thẳng tới Tòa Hành Chánh, vòng lên Ga, rồi mới đi xuống Trường Nam Tiểu Học Hải-Dương. Nó tránh xa rạp hát Kim Phụng, vì sợ anh Phụ mai phục đâu đó đón đường.
Tới trường, nó đứng núp sau lưng tụi bạn cùng lớp rồi len lén quan sát xem bên lớp Ba có bóng dáng cao lớn của người anh kết nghĩa không.
Nó thở ra khoan khoái khi không thấy anh học trò khổng lồ 18 tuổi thường đi đoạn hậu của lớp này.
Sau tiệc tất niên, học trò được nghỉ.
Mùng Mười Tết, quay lại trường, nó vẫn không thấy anh Phụ.
Nó hỏi dò thằng bạn tên là Ðoàn Ðình Ngữ ngồi bên cạnh là người hàng xóm của anh Phụ,
– Mày có biết vì sao anh Phụ nghỉ học không?
Thằng Ngữ nhanh nhảu đáp lời,
– Anh Phụ bị ngã gãy chân, đi cà nhót, cà nhót, chỉ quanh quẩn trong sân cả chục ngày rồi.
Rồi cả tháng sau thấy anh Phụ vẫn vắng bóng, nó lại hỏi thằng Ngữ,
– Lâu rồi mà chân của anh Phụ vẫn chưa lành sao?
Ngữ vỗ đùi,
– Ông ấy tình nguyện đi lính pa đờ suýt rồi! Bố tao nói học lớp Ba mà vào lính thì chỉ lên tới ca pô ran là cùng. Tao sẽ học tới đíp lôm rồi mới đi lính. Tao sẽ đi lính sĩ quan. Làm sĩ quan oai hơn là làm ca pô ran.
(Chú thích: Pa đờ suýt là lính Nhảy Dù của Tây- Ca pô ran là hạ sĩ lính Tây- Ðíp lôm là bằng Trung Học Ðệ Nhất Cấp của Tây)
Sau này thằng Ðoàn Ðình Ngữ học tới tú tài và tốt nghiệp Khóa 19 Sĩ Quan Ðà-Lạt.
Nghe thằng Ngữ nói làm sĩ quan oai hơn là làm ca pô ran, thằng bé cũng muốn khi lớn lên nó sẽ đi làm sĩ quan. Nó mà làm sĩ quan thì anh ca pô ran tên là Phụ sẽ không dám bắt nạt nó nữa.
Tuổi thần tiên của một đời người là thời gian vừa biết nói cho tới ngày vào lớp Năm, lớp Tư. Tuổi Mẫu Giáo và lớp Năm, em bé được nghe những truyện thần tiên do cha mẹ, ông bà kể.
Tuổi lớp Tư, em bé được đọc truyện thần tiên trên sách báo Thiếu Nhi.
Trong đầu em bé suốt ngày, suốt đêm, chứa chất đầy mộng đẹp.
Tới lớp Ba thì coi như tuổi thần tiên đã đi qua, vì em bé bắt đầu đọc những trang Quốc Văn Giáo Khoa Thư để trở thành một người công dân tốt sau này.
Thằng con bà Sen thực sự chưa từng được biết thế nào là tuổi thần tiên.
Không rõ trên thế gian này có một tuổi thơ nào giống như tuổi thơ của thằng bé sáu tuổi rưỡi này không?
Ba tuổi, 1945 nó sống sót sau nạn đói Ất Dậu.
Bốn tuổi, 1946 nó theo mẹ trốn chạy chiến tranh Việt Pháp, rồi trải qua những cơn sốt rét thập tử nhất sinh trên vùng rừng núi Ðông Triều đầy sơn lam chướng khí.
Sáu tuổi, 1948 nó hồi cư; nửa năm sau nó nghe tin bố chết; bỗng chốc, đứa học trò lớp Năm mang trên vai một mối đại thù.
Sau Tết ít lâu, chủ nhà hồi cư, đòi lại nhà, vợ chồng chú Sử và mẹ con nó phải dọn về số 24 Jean De Bouchet ở chung với gia đình anh ruột của mẹ nó và bà ngoại nó.
Giữa năm lớp Tư, nhà nó lại dọn nhà lần nữa, tới số 17 phố Hàng Lọng.
Ðầu năm 1952, vừa làm quen với những trang Quốc Văn Giáo Khoa Thư thì gia đình nó di chuyển lên làng Vẽ, tức là làng Ðông-Ngạc huyện Quảng-Bá, ngoại ô Hà-Nội.
Ngày 17 tháng 7 năm 1954 gia đình nó di chuyển vào Ðà-Nẵng.
Ba ngày sau, 20 tháng 7 năm 1954 hiệp định Geneve được ký kết, nước Việt-Nam bị cắt làm hai.
Chú Tường lưu lạc nơi nào không ai hay. Chú Phan Ngọc Yên ở lại Miền Bắc. Các chú Trần Văn Sử, Trần Văn Lâm và Trần Phương Quế đều theo học lớp sĩ quan Ðà-Lạt.Chú Trần Văn Sử sau khi thuyên chuyển về Vùng 4 không biết còn sống hay đã chết.

Năm 1968 nó nghe tin chú Lâm đã là đại úy, giữ chức vụ gì đó trong khu Quang-Trung của Trường Võ Bị, gia đình chú thì cư ngụ trong trại gia binh ở gần hồ Saint Bénoit.Nó đã bỏ công lái xe vòng vòng hai tiếng đồng hồ trong khu Mê Linh để tìm thăm chú.Nhưng hai mươi năm sau, chú Lâm đã quên họ, quên tên người “Ðại ca” của chú ấy mất rồi! Nó thấy người đàn em của bố nó có vẻ như không muốn nhắc lại cái thời dĩ vãng xa xôi ngày xưa. Vì thế, nó chỉ ghé thăm ông ấy một lần rồi không bao giờ quay lại.

Riêng chú Trần Phương Quế sau một thời gian gián đoạn đã liên lạc được gia đình nó. Chú Quế sau này trở thành một đại tá của Quân Ðội Việt-Nam Cộng-Hòa.
Ðại tá Trần Phương Quế là vị Trung Ðoàn Trưởng sau cùng của Trung Ðoàn 9/ Sư Ðoàn 5 Bộ Binh. Lẫn trong dòng đời, thằng bé đã lớn lên, trông già hơn những đứa bạn cùng trang lứa, cô đơn hơn những đứa bạn cùng trang lứa; kiến thức của nó khác hẳn kiến thức của những đứa học cùng lớp, và ước vọng của nó cũng khác hẳn ước vọng của những người cùng thời. Ðể trả thù nhà, thằng bé đã chọn binh nghiệp.

Mười năm vào sinh ra tử, nó đã vươn lên như một cây thông, thẳng đứng, lừng lững giữa trời, không vịn vào ai, không dựa vào ai. Thế rồi chiến tranh tàn, người thua trận cứ mãi mang trong lòng một nỗi buồn khôn nguôi vì nợ nước thù nhà không trả nổi.
Thời gian qua như tên bay, thằng bé ngày xưa đã thành một ông già…

VML
(Nguồn: TRE Magazine - USA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét