Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI:25/4/2024 - Duke Nguyên


Lý do ông Trump thu hút cử tri trẻ Giới trẻ Mỹ dần nghiêng về phía đảng Cộng hòa và dành sự ủng hộ cho ứng cử viên Donald Trump khi cựu Tổng thống cam kết giải quyết tình trạng khủng hoảng kinh tế. Bất chấp mưa và gió lạnh, hôm 2/4, khoảng 3.000 người đã xếp hàng bên ngoài trung tâm hội nghị Green Bay để gặp ông Donald Trump, phần nhiều trong đó là những người trẻ tuổi. Cựu Tổng thống Mỹ giành được sự ủng hộ từ các cử tri qua những bài phát biểu "truyền cảm hứng" về biện pháp giải quyết tình trạng khủng hoảng kinh tế, nhập cư bất hợp pháp và các cuộc xung đột đang diễn ra.
<!>
Các cử tri cũng không mấy bận tâm trước các vụ án hình sự mà ông Trump đang phải đối mặt, hay những cáo buộc nhằm vào ông về nỗ lực lật ngược cuộc bầu cử năm 2020.
Turner, một thanh niên 23 tuổi từng bỏ phiếu cho ông Trump vào năm 2020, cho biết anh ủng hộ mọi quyết định của cựu Tổng thống, từ kiểm soát súng đạn đến cam kết giải quyết tình trạng nhập cư bất hợp pháp.
"Ông Trump không làm gì khiến tôi khó chịu khi ông ấy còn đương chức. Với ông Biden, có nhiều điều tôi không đồng tình. Rất nhiều bạn bè của tôi có cùng quan điểm này", Turner cho biết.

Cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos cho thấy tỷ lệ người Mỹ trong độ tuổi từ 18-29 ủng hộ đảng Cộng hòa đang tăng dần qua từng năm, từ 24% vào năm 2016 lên 26% vào năm 2020 và hiện nay là 28%.
Những lo ngại về tuổi tác của Tổng thống Biden và sự ủng hộ của ông đối với Israel trong cuộc chiến chống lại Hamas ở Gaza đã làm xói mòn sự ủng hộ của các cử tri trẻ dành cho ông chủ Nhà Trắng vào thời điểm ông cũng đang mất dần sự ủng hộ của các cử tri gốc Tây Ban Nha

Cũng có những dấu hiệu cho thấy giới trẻ đang dần nghiêng về đảng Cộng hòa, bất chấp nỗ lực của Tổng thống Biden nhằm lôi kéo sự ủng hộ của họ bằng cách cố gắng xóa nợ sinh viên, tăng cường nhà ở giá rẻ và đảo ngược các biện pháp hạn chế quyền phá thai.

Ukraine tiếp nhận khoản hỗ trợ tài chính mới từ phía EU


Ngày 24/4, giới chức Ukraine cho biết đã tiếp nhận khoản hỗ trợ tài chính mới của Liên minh châu Âu (EU) trị giá 1,5 tỷ Euro (1,6 tỷ USD), đồng thời hy vọng sẽ nhận được thêm 10 tỷ Euro nữa vào cuối năm nay.
Theo Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko, EU – vốn đã cung cấp cho Ukraine tổng cộng 31 tỷ Euro, hiện là nguồn cung cấp tài chính lớn nhất cho quốc gia Đông Âu này kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra hồi tháng 2/2022. Ngoài ra, Mỹ cũng là nước hỗ trợ tài chính quan trọng của Ukraine.

Ông Marchenko cho hay: “Hỗ trợ quốc tế là chìa khóa để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và xây dựng nền tảng cho tăng trưởng kinh tế”.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko cho biết chính phủ nước này hy vọng gói tín dụng trị giá 50 tỷ Euro của EU dành cho Ukraine sẽ được thông qua lần cuối cùng và Kyiv mong đợi sẽ được nhận thêm 3 đợt hỗ trợ trong năm nay. Gói viện trợ này sẽ được trích từ ngân sách của EU, được chia thành nhiều gói nhỏ dưới dạng các khoản vay hay gói hỗ trợ trong vòng 4 năm.
Theo bà Svyrydenko, sau khi được thông qua lần cuối cùng, Kyiv có thể nhận được 1,89 tỷ Euro vào tháng 6 và 2 đợt nữa, khoảng 4 tỷ Euro/đợt vào tháng 9 và tháng 11 năm nay. Để được giải ngân, Ukraine sẽ phải thực hiện một số cải cách và đáp ứng các tiêu chí, trong đó có việc cải thiện tính minh bạch, chống tham nhũng, cải thiện môi trường kinh doanh và đưa luật pháp của nước này tiến gần hơn tới tiêu chuẩn của khối EU.


Mỹ sẽ tịch thu tài sản Nga để quân viện cho Ukraine, theo luật mới


Khoản viện trợ lớn Hoa Kỳ dành cho Ukraine và các đồng minh khác mà Tổng Thống Joe Biden ký ban hành hôm Thứ Tư, 24 Tháng Tư cũng cho phép chính quyền tịch thu tài sản nhà nước của Nga tại Hoa Kỳ và tận dụng số tài sản đó vì lợi ích của Kiev, thông tấn xã AP loan tin.
Điều đó có thể tức là sẽ có thêm $5 tỷ quân viện cho Ukraine, đến từ tài sản của Ngân Hàng Trung Ương Nga vốn bị đóng băng ở Hoa Kỳ. Hành động tịch thu tài sản sẽ được thực hiện theo các điều khoản của Đạo Luật REPO, viết tắt của Đạo Luật Tái Thiết Thịnh Vượng Kinh Tế và Cơ Hội cho Người Ukraine, được đưa vào luật viện trợ.

Nhưng Mỹ khó có thể tịch thu tài sản nếu không có sự đồng ý của các thành viên khác trong nhóm G7 và Liên Âu.
Hoa Kỳ và các đồng minh ngay lập tức đóng băng $300 tỷ tài sản ngoại quốc của Nga khi Moscow mở màn xâm lược Ukraine. Số tiền đó vẫn chưa ai động tới – phần lớn là ở các quốc gia thuộc Liên Âu – khi chiến tranh tiếp diễn. Nhưng khoảng $5 tỷ trong số đó nằm ở Mỹ.

Các tài sản phong tỏa bị niêm phong và Moscow không thể tiếp cận được – nhưng số tài sản đó vẫn thuộc về Nga. Trong khi các chính phủ nói chung có thể phong tỏa tài sản mà không gặp khó khăn gì, thì việc biến tài sản đó thành tài sản bị tịch thu rồi bán vì lợi ích của Ukraine đòi hỏi phải có thêm một thủ tục tư pháp dựa trên nền tảng pháp lý và xét xử tại tòa án.
Luật mới của Hoa Kỳ yêu cầu tổng thống và Bộ Ngân Khố bắt đầu định vị tài sản của Nga ở Hoa Kỳ trong vòng 90 ngày và tường trình cho Quốc Hội trong 180 ngày. Một tháng sau thời hạn đó, tổng thống sẽ được phép “tịch thu, sung công, chuyển nhượng hoặc giao” bất kỳ tài sản nào thuộc quyền sở hữu của nhà nước Nga, trong đó tính luôn cả tiền lãi, trong phạm vi quyền tài phán của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Mỹ muốn tiếp tục hội luận với các đồng minh toàn cầu và cùng nhau hành động, điều này có thể sẽ làm chậm tiến trình tịch thu.

Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết hôm Thứ Tư rằng vấn đề này sẽ là một chủ đề quan trọng khi các nhà lãnh đạo các quốc gia G7 hội kiến tại Ý vào Tháng Sáu, đồng thời nói thêm rằng “tốt nhất là cùng nhau hành động.”
Tổng Thống Biden được quyền quyết định có thể dùng số tiền đó như thế nào vì lợi ích của Ukraine – nhưng ông phải hỏi ý kiến của các thành viên G7 khác trước khi hành động.
Đạo luật nêu rõ rằng “bất kỳ nỗ lực nào của Hoa Kỳ nhằm tịch thu và sử dụng lại các tài sản thuộc chủ quyền của Nga” phải được thực hiện cùng với các đồng minh quốc tế, gồm có G7, Liên Âu với 27 thành viên và các quốc gia khác như một phần của nỗ lực phối hợp.

Liên Âu bắt đầu dành riêng những khoản lợi nhuận từ trên trời rơi xuống từ tài sản bị đóng băng của ngân hàng trung ương Nga. Liên Âu ước tính tiền lãi từ số tiền đó có thể đem lại khoảng 3 tỷ euro ($3.3 tỷ) mỗi năm.
Tuy vậy, một số nhà lãnh đạo Âu Châu vẫn do dự về việc chính thức thực hiện kế hoạch tịch thu tài sản của Nga tại Âu Châu.
Chủ Tịch Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu Christine Lagarde cho biết tại một sinh hoạt của Hội Đồng Bang Giao Đối Ngoại hồi đầu tháng này rằng việc tịch thu tài sản của Nga “là điều cần được xem xét rất cẩn trọng” và có thể “phá vỡ trật tự pháp lý quốc tế.”
Những người chỉ trích Đạo Luật REPO cho rằng việc võ khí hóa tài chánh toàn cầu chống lại Nga có thể làm đồng Mỹ kim chịu tổn hại với vị thế là đồng tiền thống lãnh thế giới.

Việc tịch thu tài sản Nga có thể làm các quốc gia như Trung Quốc – chủ tài sản lớn nhất tại Ngân Khố Hoa Kỳ – chứng minh rằng việc dự trữ tài sản bằng Mỹ kim là không an toàn.
Tổ chức Heritage Foundation bảo thủ lên án việc tịch thu tài sản Nga vì làm suy yếu hệ thống tài chánh toàn cầu được định giá bằng đồng Mỹ kim, nói rằng “hành động này sẽ làm nền kinh tế vốn suy yếu gặp phải những hậu quả và rủi ro khôn lường mà Hoa Kỳ không chuẩn bị kịp.”
Chính quyền Nga cảnh cáo rằng luật mới sẽ làm suy yếu hệ thống tài chánh toàn cầu.


Từ năm 2008, Facebook đã can thiệp vào bầu cử Mỹ gần 40 lần


Theo một nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông (Media Research Center – MRC) thực hiện, Facebook đã 39 lần can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ kể từ năm 2008.

Kết quả nghiên cứu cho thấy Facebook đang kiểm duyệt các ứng cử viên tổng thống năm 2024, gồm ông Robert F. Kennedy Jr., cũng như các ứng viên Thượng viện và Hạ viện vào năm 2022, trên nền tảng của họ. Chẳng hạn như Facebook đã gỡ tài khoản của ứng cử viên thống đốc Virginia, bà Amanda Chase. Theo phân tích của MRC, Facebook cũng ngừng “quảng cáo chính trị một tuần trước cuộc bầu cử” vào năm 2020.
Ngoài ra, MRC cho biết lãnh đạo Facebook đã có ít nhất 3 lần công khai lên tiếng ủng hộ quyền tự do ngôn luận trực tuyến nhưng sau đó lại đi theo hướng khác.

Những người thực hiện nghiên cứu gồm ông Dan Schneider, Phó chủ tịch bộ phận Tư do Ngôn luận Mỹ của MRC và biên tập viên Gabriela Pariseau đã viết: “Facebook/Zuckerberg đã lên tiếng ủng hộ quyền tự do ngôn luận trực tuyến, tuy nhiên sau những nhận định đó, nền tảng Big Tech này đã đi theo hướng ngược lại”.
Họ cũng viết: “Nhưng sau một loạt cái gọi là kiểm tra ‘quyền công dân’ do cánh tả thực hiện, COO Sheryl Sandberg đã ca ngợi những khuyến nghị của phe cánh tả và cam kết sẽ ‘thực hiện nhiều đề xuất của họ hơn, điều mà bà ấy đã làm.”

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra một loạt khuyến nghị dành cho các nhà lãnh đạo chính phủ ở cấp tiểu bang và liên bang để đối phó với lịch sử theo dõi bầu cử của Facebook.
Chủ tịch Hạ viện Johnson “nên chỉ đạo các ủy ban và người đứng đầu ủy ban có liên quan điều tra Facebook vì can thiệp vào bầu cử”, “tổng chưởng lý tiểu bangvà các bộ trưởng nội vụ tiểu bang nên có hành động thích hợp để thực thi luật bầu cử tiểu bang vì nó liên quan đến việc can thiệp bầu cử của Facebook”, ngoài ra “các cơ quan lập pháp tiểu bang nên đảm bảo rằng Big Tech không thể tham gia vào việc tách bạch các quan điểm.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét