Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2024

ĐIỂM TIN 30/4/2024 - Long Đỗ


Ông Pompeo gửi hồi ký tới Đại sứ quán Trung Quốc, để “chuyển cho ông Tập” Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết đã gửi một số bản sao cuốn hồi ký “Không bao giờ nhượng bộ” của mình cho Đại sứ quán Trung Quốc, và đùa rằng để chuyển chúng cho lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình. Hôm thứ Bảy (27/4), ông Pompeo đăng một bức ảnh lên mạng xã hội X, đó là vài cuốn sách “Không bao giờ nhượng bộ” (Never Give an Inch), kèm theo dòng tweet: “Mấy cuốn sách tặng Đại sứ quán Trung Quốc để chuyển cho Chủ tịch Tập Cận Bình”.
<!>
Tiêu đề đầy đủ của cuốn sách mới của ông Pompeo là “Never Give a Inch: Fighting for the America I Love” (Không bao giờ nhượng bộ: Chiến đấu vì nước Mỹ tôi yêu). Cuốn sách giới thiệu trải nghiệm của ông với tư cách là Giám đốc CIA và Ngoại trưởng trong chính quyền Trump.

Cuốn sách cũng nêu chi tiết cách ông gặp gỡ các lãnh đạo đảng ở Bắc Kinh vào năm 2018, cũng như sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.
Ông Pompeo mô tả nhà lãnh đạo ĐCSTQ là một người cộng sản u ám, có “đôi mắt chết chóc” và không bao giờ mỉm cười trong suốt cuộc trò chuyện.

“Ông ấy phù hợp với đặc điểm tâm lý của những người cộng sản Đông Đức hoặc Liên Xô mà tôi đến nghiên cứu trong những ngày tháng tôi ở trong quân đội. Ngữ điệu của lời nói của ông Tập trống rỗng, luôn tìm cách sử dụng những từ ngữ, đoản ngữ, cổ ngữ Trung Quốc có vấn đề khó hiểu.”
Trong cuộc họp, lãnh đạo ĐCSTQ tiếp tục chỉ trích việc Mỹ ủng hộ Đài Loan, thuế quan của ông Trump đối với hàng hóa Trung Quốc và tuyên bố rằng Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền 90% Biển Đông.

Ông nói: “Sau đó, để đáp lại những lời dối trá của ông ấy, tôi đã nói sự thật: ĐCSTQ sẽ không bao giờ vĩ đại như Mỹ”.
Ông Pompeo nói với lãnh đạo ĐCSTQ rằng việc đạt được vị thế siêu cường đòi hỏi phải xây dựng tình bạn thay vì ép buộc các nước láng giềng, và khen thưởng sự xuất sắc hơn là hối lộ để kết giao thân tín.

Cuốn sách viết: “Đây là đỉnh cao trong mối quan hệ của tôi với Tổng Bí thư Tập. Tôi đã nói với ông ấy sự thật tàn khốc một cách nhẹ nhàng và tử tế”.
Một cư dân mạng đã để lại lời nhắn cho ông Pompeo trên X rằng: “Đây là một cuốn sách hay. Tôi dự định đặt thêm vài bản nữa để làm quà cho người nhà mình”.
Một người khác nói, “Tôi chắc chắn rằng ông ấy (ám chỉ ông Tập Cận Bình) rất mong được gặp lại ông (ông Pompeo) ở bên kia bàn.”

Một số người còn nói đùa rằng cuốn sách này “có thể quá khó” đối với một lãnh đạo đảng chỉ có trình độ tiểu học.
Ngoại trưởng Mỹ đương nhiệm, ông Antony Blinken vừa kết thúc chuyến thăm 3 ngày tới Trung Quốc vào thứ Sáu (26/4). Đây là chuyến thăm thứ hai của ông tới Trung Quốc và là cuộc gặp thứ hai với ông Tập.

Một số cư dân mạng đã so sánh hai chuyến thăm Trung Quốc của Blinken với những đồ nội thất khác nhau được ĐCSTQ đặt trong cùng một hội trường. Lần đầu tiên là vào tháng 6/2023. Giữa bàn có một bông sen đặt với ý nghĩa “dĩ hòa vi quý”. Trong chuyến thăm thứ hai, cây lá biến sắc (Codiaeum variegatum) được đặt ở giữa, có nghĩa là “thay đổi khó lường, khó có thể đoán được”.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng chuyến đi của ông Blinken cho thấy quan hệ Trung-Mỹ bề ngoài có vẻ ổn định, nhưng không có nghĩa là những khác biệt sẽ không còn mở rộng và sâu sắc hơn trong chuyến thăm. Trong chuyến thăm, mặc dù quan hệ giữa hai nước đã dịu bớt về mặt giao lưu nhân văn và nhân dân, nhưng vẫn xảy ra những cuộc đối đầu ăn miếng trả miếng trên các khía cạnh cốt lõi như eo biển Đài Loan và vấn đề Biển Đông, tình trạng dư thừa sản lượng và chiến tranh công nghệ, và cuộc chiến ở Ukraine, nhấn mạnh mối quan hệ giữa hai nước sẽ dần xấu đi trong tương lai.

Tổng thống Zelensky muốn Mỹ cam kết viện trợ Ukraine 10 năm


Tổng thống Zelensky nói trong đoạn video công bố tối Chủ Nhật (28/4) rằng, chính phủ Kyiv đang đàm phán với chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden về một thỏa thuận dài hạn, theo đó sẽ đặt Washington vào lộ trình cung cấp viện trợ quân sự, kinh tế và chính trị cho Kyiv trong một thập kỷ tới.
Ông Zelensky khẳng định, những cam kết như vậy là cần thiết để đảm bảo chắc chắn Ukraine có “hỗ trợ hiệu quả” mà nước này cần để giành được những bước tiến trên chiến trường trước quân đội Nga và nắm lợi thế.

“Chúng tôi đang làm việc để tiến hành giấy tờ hóa các mức độ hỗ trợ cụ thể cho năm nay và cho 10 năm tới. Nó sẽ bao gồm hỗ trợ quân sự, tài chính và chính trị, cũng nhưng những thứ liên quan đến sản xuất vũ khí chung”, ông Zelensky nói.
Kyiv hiện đã ký các thỏa thuận an ninh song phương với nhiều quốc gia thành viên NATO rồi, trong đó có Anh Quốc, Đức và Pháp. Ông Zelensky nói ông muốn thỏa thuận dài hạn đang đang phán với Washington sẽ là hiệp định song phương kiểu này mạnh mẽ nhất cho Ukraine.

Tuy nhiên, các thỏa thuận song phương của Ukraine với các quốc gia hậu thuẫn từ phương Tây cho đến nay chưa phải là các cam kết phòng thủ chung. Những thỏa thuận này chỉ hứa hẹn viện trợ dài hạn, bao gồm hỗ trợ trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công khác vào Ukraine trong tương lai, và chúng không có tính ràng buộc. Chẳng hạn, thỏa thuận song phương giữa Ukraine và Đức có thể kết thúc sau thông báo mỗi sáu tháng.

Ông Zelensky nói, ông muốn hiệp định song phương của Ukraine với Mỹ sẽ bao gồm các mức độ viện trợ cụ thể. “Thỏa thuận này nên là hình mẫu thực sự và phản ánh được sức mạnh của vai trò lãnh đạo của Mỹ”, ông Zelensky nói.
Lưỡng viện Mỹ vừa qua đã bỏ phiếu thông qua gói viện trợ bổ sung 61 tỷ USD cho Ukraine và Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật chính thức. Trước đó, Mỹ đã chi tiêu hết toàn bộ khoản 113 tỷ USD mà Quốc hội duyệt chi viện trợ cho Ukraine kể từ khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng phát vào cuối tháng 2/2022.

Một cuộc khảo sát được công bố hồi tháng Hai cho thấy, gần 70% người dân Mỹ muốn ông Biden thúc đẩy giải pháp đàm phán với Nga, liên quan đến sự nhượng bộ từ cả Moscow và Kyiv thay vì tiếp tục cấp tiền cho cuộc xung đột vũ trang dai dẳng này.


Nhật Bản loay hoay với đồng Yên xuống giá


Cuối tuần, đồng Yên chạm mức 158 Yen đổi 1 USD, rơi xuống thấp nhất trong 34 năm. Đồng loạt các lãnh đạo doanh nghiệp nước này đã kêu gọi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cần điều chỉnh chính sách.

Ngày 26/4, đồng Yên Nhật Bản đã rơi xuống mức thấp nhất trong 34 năm, nằm quanh ngưỡng 158 Yen đổi ngang 1 USD, sau khi các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tuyên bố tiếp tục duy trì lãi suất ngắn hạn trong phạm vi từ 0 – 0,1%.

Kể từ đầu năm, đồng Yên đã liên tục mất giá so với đông Đô la Mỹ (lao dốc từ mức 141 Yên đổi 1 USD, tương đương với mức giảm 12%).

Theo nhận định của giới phân tích, thông báo của BoJ phần nào đã khiến đồng nội tệ của Nhật Bản tiếp tục suy yếu hơn nữa. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản quá xa và tình hình này còn kéo dài.

Đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK đưa tin, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nội địa đang tăng cường kêu gọi ngân hàng trung ương điều chỉnh chính sách. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ phàn nàn đồng Yen yếu đang trở thành vấn đề đau đầu đối với du khách Nhật Bản, trong khi tạo ra lợi ích cho các du khách nước ngoài.

Hiện “xứ sở anh đào” đang tận hưởng kỳ nghỉ lễ kéo dài đến ngày 6/5. Đài NHK trích dẫn khảo sát của công ty du lịch JTB cho biết khoảng 23,3 triệu người dân Nhật Bản, tương đương 90% mức trước đại dịch COVID-19, dự kiến sẽ đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ này. Nhưng hơn 70% số người được hỏi chọn không thực hiện các chuyến đi qua đêm.

Trong ngành dịch vụ kinh doanh bán lẻ, Chủ tịch chuỗi siêu thị Akidai, Hiromichi Akiba, nói rằng đồng Yên giảm giá đang tác động tiêu cực đến thói quen ăn uống của người Nhật Bản. Ông chỉ ra rằng ngay cả thực phẩm nội địa cũng không tránh khỏi ảnh hưởng, do thức ăn chăn nuôi và phân bón phải nhập khẩu. Cùng với đó, chi phí vận chuyển, tiện ích công cộng và hầu hết các sản phẩm nông nghiệp đều đang tăng nhanh chóng và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ông Akiba cho biết, những người trong ngành từng nghĩ rằng việc chấm dứt lãi suất âm sẽ giúp mọi thứ dễ thở hơn, nhưng giờ đây, dường như tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.
Phát biểu trong một cuộc họp báo sáng 23/4, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki khẳng định Nhật Bản sẽ có hành động thích hợp để ứng phó những biến động quá mức trên thị trường tiền tệ mà không loại trừ bất kỳ phương án nào. Bộ trưởng Suzuki nói Chính phủ Nhật Bản đang theo dõi sát các diễn biến trên thị trường ngoại hối đồng thời duy trì liên lạc chặt chẽ với cơ quan quản lý tiền tệ của các quốc gia khác.
Trong cuộc họp báo hôm 26/4, Thống đốc BoJ Ueda Kazuo nhấn mạnh đồng Yên yếu hơn không có tác động lớn đến tỷ lệ lạm phát cơ bản của Nhật Bản. Ông nhắc lại quan điểm rằng BoJ dự kiến sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, ông Ueda cũng cho biết, nếu việc đồng Yên yếu đi ảnh hưởng lớn đến giá cả hàng hóa nói chung thì BoJ sẽ đưa ra các quyết định về chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, bình luận của Thống đốc BoJ không được coi là một thông điệp mạnh mẽ nhằm kiểm soát sự mất giá của đồng yen. Chính điều này đang thúc đẩy các nhà đầu tư tiếp tục bán tháo đồng tiền này.

Triều Tiên đang che giấu số người chết đói
<image.png>

Vụ thu hoạch khoai tây của Triều Tiên đã kết thúc vào cuối tháng 3, nhưng hiện tại vẫn còn nhiều đàn ông, phụ nữ và trẻ em đang đào bới trên đồng bằng cuốc, cố gắng tìm kiếm những củ khoai tây còn sót lại hoặc bị vứt đi vì hư hỏng. Cảnh tượng này nói lên vấn đề thiếu lương thực của Triều Tiên nhưng chính phủ nước này đã che đậy nạn đói và nói rằng những người chết vì đói là chết vì bệnh tật.
Theo Đài Á Châu Tự do, một người dân ở tỉnh Yanggang của Triều Tiên có mối liên hệ với lĩnh vực nông nghiệp cho biết, cảnh tượng người dân đào bới những củ khoai còn sót lại trên đất nông nghiệp địa phương cho thấy nạn đói đang xảy ra vào thời điểm này vì thực phẩm được chính phủ phân phối vào cuối năm đã sử dụng hết và thời gian phân bổ dự kiến tiếp theo vẫn chưa đến.

Người dân này tiết lộ rằng, sau vụ thu hoạch mùa thu năm ngoái, chính quyền tỉnh Yanggang đã cung cấp 200 kg khoai tây cho mỗi nông dân và 100 kg cho mỗi người phụ thuộc.
Ông cho biết chính phủ đã hứa sẽ cung cấp gạo và ngô trong đợt phân phối thứ hai nhưng vẫn chưa thực hiện.

Người dân Triều Tiên nhận được khẩu phần lương thực hàng ngày từ chính phủ nhưng không đủ để tồn tại nên họ phải mua thêm lương thực từ chợ hoặc tìm nguồn thực phẩm khác.
Mặc dù năng suất cây trồng năm ngoái tốt hơn những năm trước nhưng người dân Triều Tiên vẫn thiếu lương thực. Sản lượng cây trồng của Triều Tiên vẫn thấp hơn nhiều so với nhu cầu lương thực hàng năm được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc ước tính.

Vì vậy, một người dân khác ở tỉnh Yanggang cho biết, thời kỳ nạn đói hàng năm ở Triều Tiên đang đến và cũng giống như những năm trước, những người nhặt rác sẽ đổ xô đến cánh đồng khoai tây để nhặt những thứ có thể ăn được.
"Khoai tây đông lạnh có thể được sấy khô và nghiền để làm bột mì hoặc bánh khoai tây. Nông dân ở các vùng nông thôn của tỉnh Yanggang gần đây không thể đi làm vì không có gì để ăn", một người nông dân nói.

Ông đề cập rằng tình hình hiện tại thật bi thảm. Chính phủ Triều Tiên cố gắng che đậy số người chết vì đói, nói rằng họ chết vì bệnh tật.
“Các phòng khám và đơn vị giám sát khu vực nói rằng họ chết vì bệnh tật, nhưng trên thực tế, gần đây tất cả những người chết vì bệnh tật là chết vì đói vì không có gì để ăn”, ông nói.
Ông Jiro Ishimaru, Giám đốc điều hành của hãng truyền thông Nhật Bản Asia Press, nói với Đài Á Châu Tự do rằng số người chết vì đói ở Triều Tiên thường tăng vào khoảng tháng 3.

Ông Ishimaru nói: “Nỗi sợ hãi nhanh chóng lan rộng trong người dân Triều Tiên, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương”.
Ông nói rằng mặc dù sản lượng cây trồng ở miền bắc Triều Tiên tăng vào năm ngoái nhưng lương thực phân phối cho nông dân không thay đổi. Ngũ cốc trước tiên được phân phát cho binh lính, và không để lại nhiều cho dân chúng.
Một cư dân ở tỉnh Nam Pyongan ở Triều Tiên cho biết, nông dân địa phương không thể làm việc vì đói, nông dân có thể nhận trước khẩu phần lương thực của mình, nhưng sẽ bị trừ vào khẩu phần ăn của cả năm.
Các cơ quan chức năng liên quan đã yêu cầu các đơn vị giám sát khu vực, quan chức địa phương và các nhà máy thu gom gạo, ngô để có đủ lương thực cung cấp cho nông dân có nhu cầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét