Tôi là họ Nguyễn. Chỉ riêng họ Nguyễn đã chứng tỏ tôi là người Việt Nam. Nhưng lúc rời Việt Nam tôi chỉ là cái bào thai trong bụng mẹ, theo mẹ trên đường di tản và chào đời trên đảo Guam. Từ ngày ấy, tên tôi là Nguyễn Thị Di Tản. Đến nay 48 năm qua, tôi đã trưởng thành nơi miền đất tạm dung của một tỉnh lỵ miền Tây Canada. Thành phố Winnipeg, buồn hắt hiu như tâm sự “Người Di Tản Buồn” – bản nhạc của nhạc sĩ Nam Lộc mà mẹ rất yêu thích. Ngày còn bé, bằng bài hát ấy mẹ đã ru tôi ngủ. Riết rồi tôi quen với từng lời ca tiếng nhạc. Mẹ nói đêm nào không nghe bài hát ấy thì tôi không ngủ.
<!>
Đến lúc tôi bập bẹ biết nói, mẹ dạy tôi hát. Tôi vừa quấn quít bên mẹ vừa đỏ đẻ hát những câu cuối cùng:
“Cho tôi xin lại một lần, ở nơi tôi dừng quân cũ
Cho tôi xin lại bìa rừng, nơi từng chiến đấu bên nhau
Cho tôi xin một lời chào, chào bao nhiêu người đã khuất
Cho tôi xin một mộ phần, bên ngàn chiến hữu của tôi!”.
Bạn bè đến chơi, mẹ đem “con sáo” của mẹ ra khoe, bảo tôi hát. Mỗi lần hát xong các bạn của mẹ đều rươm rướm nước mắt. Có lần tôi thỏ thẻ hỏi:
“Sao con hát hay mà mẹ với các bác lại khóc?”
Mẹ ôm tôi vào lòng và nói: “Bao giờ lớn lên, con sẽ hiểu.”
Trí óc non nớt của tôi mơ hồ cảm nhận có điều khác thường ở mẹ, một sự mất mát lớn lao trong đời mẹ. Những lúc rảnh, sau giờ cơm chiều mẹ dạy tôi nói:
– Con là người nước nào?
– Dạ thưa, con là người Việt Nam.
– Con tên gì?
– Con tên là Di Tản.
– Con có yêu nước Việt Nam không?
– Con yêu Việt Nam lắm, vì đó là quê hương của con.
Tôi đã thuộc nằm lòng những câu mẹ dạy. Tôi đã quen với cái tên Di Tản, thấy nó ngồ ngộ, dễ thương làm sao á.
Khi tôi 5 tuổi, mẹ dắt tôi đến trường gần nhà ghi tên đi học. Lần đầu tiên đến trường, một khung cảnh mới, người mới. Các học sinh cùng lớp với tôi hoàn toàn là những khuôn mặt xa lạ.
Cô giáo cũng thế. Lúc mẹ chào cô ra về, tôi ở lại trường với tâm trạng thật lạc lõng, bơ vơ. Tôi muốn khóc. Tôi ngồi cô đơn trong góc lớp. Cô giáo rất trẻ, đến bên tôi nhỏ nhẹ hỏi:
“What is your name?” (Tên con là gì?)
Tôi cúi mặt, bặm môi chừng như rướm máu, lí nhí đáp bằng cái giọng Việt Nam đặc sệt “Dạ .. Di Tản.”
Cô giáo chừng như không hiểu, xem lại quyển sổ và nói: “Your name is Đaithen.”
Tôi lắc đầu và lặp lại “Di Tản”. (DiTan). Cả lớp rộ lên cười. Và tôi bật khóc!
Sau buổi học, mẹ đón tôi về. Suốt quãng đường về nhà tôi lặng thinh, không nói điều gì. Mẹ âu yếm hỏi:
– Con đi học có vui không?
Chừng như chỉ chờ mẹ hỏi, tôi òa lên khóc và nói:
– Sao mẹ không đặt cho con cái tên nào dễ kêu như Helen, Cindy hay Linda như tụi nó mà lại đặt tên là Di Tản? Cô giáo đọc không được tên con, mấy đứa cùng lớp tụi nó chọc ghẹo con!
Mẹ tôi dịu dàng, từ tốn bảo:
– Con có biết cả nước Canada có biết bao nhiêu là Helen, là Cindy không? Còn tên Di Tản chỉ có mỗi mình con. Con không thấy con đặc biệt sao? Con phải hãnh diện vì cái tên rất là Việt Nam của con mới phải chứ! Tôi nũng nịu pha chút hờn dỗi:
– Mà cô giáo đọc là Đaithen Mẹ thấy có kỳ không?
Mẹ trìu mến đưa tay vuốt tóc tôi, hiền hòa khẽ bảo:
– Tại cô không biết cách phát âm của người Việt mình thôi. Con phải đọc lại cho cô biết, rồi từ từ cô sẽ đọc đúng mà!
Giọng mẹ thiết tha hơn, chùng xuống, sũng đầy nước mắt:
– Mẹ đã mất tất cả rồi con ơi! Chỉ còn cái tên Việt Nam mà mẹ gởi cho con, con biết không?
Đầu óc của một đứa bé lên năm làm sao hiểu được hết những gì mẹ nói, song tôi biết mẹ buồn lắm. Có một cái gì làm mẹ khổ tâm lắm. Tôi cảm thấy ân hận. Tôi ôm mẹ hôn và nói:
– Con xin lỗi mẹ. Con làm mẹ buồn lắm phải không?
Tôi thấy mắt mẹ long lanh ngấn lệ:
– Không phải đâu, con của mẹ ngoan lắm!
Đó là chuyện ngày tôi 5 tuổi. Mãi cho đến những năm sau này, tên tôi vẫn là một đề tài cho lũ bạn chọc ghẹo. Nhưng chọc ghẹo cho vui chớ không có ác ý nào cả.
Lúc vào Highschool (Trung học) tôi đã lớn rồi. Tôi hiểu những u uất của đời mẹ và thương mẹ hơn bao giờ hết.
Thấm thoát tôi đã là cô gái 18. Soi gương tôi cũng biết mình đẹp lắm. Mẹ không cho tôi cắt tóc ngắn. Cả trường con gái, mái tóc dài chấm lưng với khuôn mặt Á Đông của tôi vẫn là một đề tài nổi bật nhất.
Lại thêm cái tên Di Tản nữa. Lúc này tôi không còn buồn mỗi lần bị giáo sư đọc trật tên. Bạn bè tôi, những đứa quen nhau từ lớp mẫu giáo đến giờ đã biết cách phát âm tên tôi đúng lắm. Tụi nó bỏ dấu còn lơ lớ nhưng tạm được.
Nhưng mỗi lần bắt đầu một niên học mới, tên tôi lại là một tràng cười cho lũ bạn cùng lớp mỗi khi giáo sư mới gọi tên tôi. Giáo sư nào cũng thế, ngập ngừng hồi lâu mới đọc.
Tôi cũng không nín cười được cái giọng như ngọng nghịu của một giáo sư Canada, đọc cái tên lạ hoắc chưa bao giờ nghe thấy. Trên tay cầm bài test của tôi, ngập ngừng rồi thầy gọi “Đai then”. Cả lớp ồ lên: “Oh, my god”. Giáo sư lúng túng, đảo mắt nhìn quanh. Cả lớp nhao nhao như bầy ong vỡ tổ. Chừng như tụi nó thích những dịp như thế để câu giờ, “nhứt quỉ, nhì ma, thứ ba học trò” mà. Con Linda ngồi cạnh hích cùi chỏ vào tôi khẽ bảo:
– Di Tản, ổng đọc sai tên mầy rồi kìa, sửa cho ổng đi.
Tôi đỏ mặt. Tôi chưa kịp nói gì cả thì tụi con trai ngồi sau lưng tôi ào ào lên như chợ nhóm:
– Di Tản, Di Tản not Đai then!Vị giáo sư lúc đó mới vỡ lẽ, biết là mình phát âm sai, ông gục gặc đầu nói xin lỗi và lập lại “Di Tản, Di Tản”…
Lúc nầy tôi không còn nhút nhát như ngày xưa nữa. Bạn bè tôi Tây, Tàu, Gia Nã Đại, đều “cứu bồ” mỗi lần có tình trạng như trên xảy ra. Dần dà mọi người gọi tên tôi rất ư là dễ thương.
Đến giờ nhớ lại những lời mẹ nói ngày nào, tôi hãnh diện vô cùng về cái tên mẹ đã cho tôi. Tôi thương mẹ vô cùng. Quê hương Việt Nam gắn với mẹ tôi như hình với bóng trong cuộc đời lưu lạc xứ người hơn một phần tư thế kỷ. Một điều mà tôi có thể khẳng định rằng, “dù hoàn cảnh có thể tách rời mẹ ra khỏi quê hương nhưng không thể nào tách rời quê hương ra khỏi tâm hồn mẹ được”.
Mẹ sống như chờ đợi, như mong mỏi một điều gì sẽ đến. Có lần tôi bắt gặp mẹ ngồi một mình trong đêm, tay mân mê, vuốt ve bức ảnh bán thân của cha tôi. Mẹ vẫn nuôi hy vọng cha còn sống và sẽ có ngày gia đình tôi đoàn tụ như xưa. Nhưng định mệnh đã an bài.
Sau khi nhờ một người bạn làm ở Usaid đưa mẹ con tôi di tản, cha hứa sẽ gặp lại mẹ sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét