Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

Bắc Cali: Giới thiệu 2 sinh hoạt liên quan đến Thuyền Nhân, Vượt Biển trong mùa Tưởng Niệm Tháng Tư Đen 2024 và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Giới thiệu 2 sinh hoạt công phu, độc đáo. ý nghĩa, liên quan đến Những Cái Chết của Thuyền Nhân, Vượt Biển trong mùa Tưởng Niệm Tháng Tư Đen 2024 Tại Bắc Cali
<!>


1/ Coi Phim: THUYỀN NHÂN, HÀNH TRÌNH 50 NĂM! (Miễn phí!)
Lúc 1 giờ trưa Thứ Ba, ngày 30 tháng 4/2024
Tại: Union Theater của San Jose State University, 1 Washington Sq, San Jose, CA
(Xin liên lạc với VP Nghị viên Biên Đoàn để lấy vé!): Queenie Ngo (408) 535-4985, email: queenie.ngo@sanjose.gov



Lời Giới Thiệu:
-50 năm, một khoảng thời gian tuy ngắn cho lịch sử của một dân tộc, nhưng lại dài cho một đời người. 50 năm trước, toàn lãnh thổ Việt Nam rơi vào sự thống trị của những người Cộng Sản. Và kể từ đó, hàng triệu người dân Việt Nam đã bỏ xứ ra đi, bắt đầu là làn sóng vượt biên gian nan, hiểm nghèo của những thuyền nhân, bộ nhân làm rúng động lương tâm thế giới vào những thập niên 70, 80, và 90.


Những người Tị Nạn Việt Nam năm xưa và thân nhân của họ đã xây dựng nên những Cộng Đồng Người Việt Tự Do lớn mạnh trên khắp thế giới. Cái quá khứ Tị Nạn đó bây giờ đã bị lãng quên, hay vẫn còn hằn sâu trong tâm thức của họ? Thế hệ thứ hai, thứ ba, con cháu của những người Tị Nạn gốc Việt, đã có những đóng góp ngày càng đáng kể vào xã hội nơi họ đang sống. Bao nhiêu người trong thế hệ hiện tại và tương lai hiểu nguyên do vì sao họ được sống trong một xã hội tự do nhân bản, và có bao nhiêu người trong số đó thật sự trân quý cái giá mà cha ông họ đã phải trả?!


“Thuyền Nhân: hành trình 50 năm” – phim tài liệu dài 90 phút do Thanh Tâm thực hiện, Ethnic Channels Group và Lunar Village Production sản xuất, và được sự tài trợ một phần của chính phủ Canada (Canada Media Fund)- ghi lại những câu chuyện thật, từ chính những nhân chứng sống về những người Tị Nạn gốc Việt. Những câu chuyện đau thương được kể trong “Thuyền Nhân: hành trình 50 năm” cho thấy phần nào sự tàn khốc của xã hội Việt Nam từ sau 1975 và nỗi tang thương mà những người Tị Nạn gốc Việt đã phải trải qua. Giai đoạn quá khứ bi thảm này làm người Việt hải ngoại có thể cảm nhận rõ ràng hơn là họ đã may mắn như thế nào. Và những gương thành công trong “Thuyền Nhân: hành trình 50 năm” cũng cho thấy trong một xã hội công bằng và nhân bản, người gốc Việt có thể đạt được những thành tựu đáng ngưỡng mộ.


“Thuyền Nhân: hành trình 50 năm” hy vọng làm thế hệ tương lai, cũng như người dân bản xứ thông hiểu hơn về họ, những người Tị Nạn gốc Việt.


Những câu chuyện thật trong giai đoạn lịch sử này là bài học xương máu cho những ai quan tâm đến vận mệnh tương lai của quốc gia dân tộc. Hy sinh của những người bỏ mình trên đường tìm tự do cần phải được tưởng nhớ. Những tang thương này không thể một lần nữa tái diễn trong lịch sử của dân tộc Việt, và nguyên nhân của nó cần phải bị vĩnh viễn xóa bỏ.


Mời xem đoạn giới thiệu phim rất ngắn đầy nước mắt:
Thuyền Nhân Hành Trình 50 Năm! (xin nhấn vào link dưới đây)


Để thấy sự bạo tàn cộng sản, khi “kẻ ác đã thắng cuộc chiền!” và sự thống khổ của những Thuyền Nhân, Vượt Biển, trốn chạy Cộng Sản, đi tìm Tự Do!


“Thuyền Nhân: hành trình 50 năm” sẽ được trình chiếu Đúng Ngày Tưởng niệm Quốc Hận 30 tháng 4, vào thứ Ba, ngày 30 tháng 4 năm 2024, (Tuần Sau!)

Lúc 1 giờ trưa
Tại: Union Theater của San Jose State University, 1 Washington Sq, San Jose, CA
(Do Văn phòng Nghị Viên Biên Đoàn bảo trợ) - Một phim tài liệu của Đạo diễn Thanh Tâm


2/ Giới Thiệu Sinh Hoạt Nổi Bật Nhất Tháng Tư 2024! Đại Lễ Khánh Thành Tượng Đài Thuyền Nhân! Ban Tổ Chức Dự Trù Sẽ Có Trên Một Ngàn Người Tham Dự!




Tại Đền Thánh Tử Đạo Việt Nam
685 Singleton Rd, San Jose, Ca 95111
(Dự trù với hàng ngàn người tham dự!)


Lời Mời
Vì BTC không có đầy đủ danh sách các Cộng Đồng, Đoàn Thể, nên Quý Hội Đoàn nào chưa nhận được Lời Mời, xin được coi đây như lời Mời chính thức.

Chân thành cảm tạ.


-Ý nghĩa Tượng Đài: Người đàn ông dắt tay đứa con thơ, mẹ già, bước lên đất tự do, sau cuộc vượt biển đau thương, kinh hoàng, người vợ đã bị hải tặc hãm hiếp, chết trên biển! mà đứa bé vẫn còn cố gắng quay mặt lại…tìm mẹ!
-Chương trình phụ diễn văn nghệ đặc sắc, với những ca sĩ nổi tiếng nhất Hải ngoại, của các Trung Tâm Thúy Nga, Asia:



Thanh Tuyền,
Thanh Tuyền là một nữ Danh Ca nhạc vàng nổi tiếng nhất, của người Việt trước 75 và sau tại Mỹ, bà được mệnh danh là "Tiếng hát chim Sơn Ca miền đất lạnh" của Tân nhạc Việt Nam. Bà thành danh vào thời kỳ hưng thịnh của nền nhạc Vàng miền Nam vào những năm 1960 - 1975. Bà có một giọng hát cao vút và là một trong những giọng ca trụ cột ưa thích của Trung tâm Asia và Trung tâm Thúy Nga tại hải ngoại, từ những ngày đầu tiên thành lập. Cho đến giờ phút này, chưa thấy có giọng ca nào thay thế!


Thiên Kim,
Giọng hát đặc biệt và nhiều cảm xúc của làng nhạc hải ngoại, hầu như ai cũng yêu mến. Ca sĩ Thiên Kim là tên tuổi quen thuộc của làng nhạc hải ngoại từ thập niên 90. Cô từng là gương mặt thường xuyên trên chương trình Paris By Night từ 1997 đến 2001, sau đó chuyển qua trung tâm Asia. Ngoài khả năng ca hát ở nhiều thể loại nhạc, với chất giọng “khàn khàn, nhựa nhựa” rất đặc biệt, nhiều khán giả đâm nghiện, đã trầm trồ khi được nghe và thấy và cô trình diễn! Ngoài ra cô còn sử dụng đàn tranh rất thuần thục, những ca khúc nhạc vàng truyền cảm của cô, đã thành dấu ấn tên tuổi của cô.


Y Phương,
Hình ảnh và giọng ca thân thiết, đối với khán thính giả hải ngoại. Y Phương là một tên tuổi mới xuất hiện trong khoảng 3 năm nay. Nhưng lại được sánh ngang hàng với các tên tuổi đàn chị. Đầu tiên cô xuất hiện ở vũ trường Diamond ở Orange County, cách đây khoảng 10 năm. Từ đó tạo thành tên tuổi như hiện nay. Ngoài giọng ca, cô còn sở hữu một khuôn mặt dễ thương, dễ mến. Y Phương cho biết, cô đam mê rất thích hát, nên sau khi tốt nghiệp “high school” ở Boston, cô đã quyết định chọn bục sân khấu thay cho bàn ghế ở nhà trường ngay từ khi đó. Chữ nghĩa đối với cô, không thể có khả năng mạnh mẽ bằng những lời ca và nốt nhạc!
Ngoài 3 giọng ca nổi tiếng, còn có gần 20 ca sĩ hay nhất tại địa phương đảm trách, cộng tác, chưa kể với sự có mặt đặc biệt của:


Đoàn Trống La San!
Đoàn trống nổi tiếng trên 25 Năm, Tiếng Trống Rạng Danh Hồn Dân Tộc! Đoàn Trống La San là một đoàn thể bất vụ lợi, được thành lập từ năm 1990. Đoàn trống hùng hậu gần 100 người trẻ, nổi tiếng là Đoàn Trống vô địch hay nhất tại Hải ngoại, chắc chắn trong buổi Lễ Khánh Thành tuần này, một lần nữa chinh phục cảm tình của tất cả mọi người, bằng màn trình diễn trống ngoạn mục, sôi động, có một không hai!


-Lúc 6 chiều có thánh lễ đồng tế, do Đức Giám Mục Giáo Phận San Jose chủ tế.
-Đây là Tượng Đài Thuyền Nhân đầu tiên tại San Jose, đã có duyên hoàn thành tốt đẹp! Lại Khánh thành đúng vào dịp Tưởng Niệm 49 Năm Tháng Tư Đen đau buồn 2024
-Tượng đài đánh dấu một cuộc di cư vĩ đại bằng những con thuyền mong manh nhất trong lịch sử, chống với cuồng phong bão tố, hải tặc, thấm đầy máu và nước mắt, đã làm rúng động lương tâm thế giới. Mà chữ “Boat people” dành riêng cho Thuyền Nhân Việt Nam. Một trong những thảm nạn đau thương lớn nhất của cuối thế kỷ 20!
-Gần nửa triệu đồng bào thân thương của chúng ta, trong đó có rất nhiều phụ nữ và trẻ em, đã nằm sâu trong lòng biển cả mênh mông, bao nhiêu năm, không một nấm mồ, không hương không khói. Giờ thì chúng ta đã có một nơi thắp nén hương tưởng niệm, nhớ đến những cái chết oan khiên của họ!
-Nên trân trọng và tha thiết Kính mời Tất Cả Quý Vị tham dự Buổi Khánh Thành Tượng Đài đầy ý nghĩa này. Tượng Đài xác định hùng hồn tội ác của Cộng Sản ra sao, mà Đồng bào phải bỏ nước ra đi, tìm cái sống, trong cái chết, để biết trân quý cái giá của sự tự do!
-Tượng nhắc nhở cho Thế Hệ Trẻ, Hậu Duệ sau này, tại sao, lý do gì mà Cha Ông của chúng, có mặt trên đất nước tự do này. “Tự Do không phải là món quà biếu không, mà phải đổi bằng máu, nước mắt!”
-Vào cửa tự do, cũng như có phục vụ nước giải khát đủ loại. Đặc biệt chưa bao giờ có! Buổi Ăn Tối, thịnh soạn cho trên một ngàn người! Với: heo quay, xôi vò, chả giò, ….
-Mọi thứ, cũng như tham dự hoàn toàn miễn phí!

Trân Trọng Kính Mời,
Nhóm Vận Động và Xây Dựng Tượng Đài Thuyền Nhân San Jose:

Lê Văn Hải (Trưởng nhóm)-(408)297-0545
Nguyễn Thanh Long – (408) 590-5295
Bùi Xuân Thái – (408) 406-4500
Trần Minh – (408) 234-4340


Chương Trình Buổi Lễ Khánh Thành Tượng Đài Thuyền Nhân Và Đốt Nến Cầu Nguyện Cho Gần Nửa Triệu Người Việt Đã Mất Ngoài Biển Khơi



4:30pm-6:15pm
*Chào Cờ do đoàn trống La San
*Giới thiệu quan khách hiện diện
*Giới thiệu Cha Chánh Xứ để khai mạc
*Văn nghệ với những bài hát về đạo và về quê hương với sự có mặt của nhiều ca sĩ nổi tiếng như Thanh Tuyền, Thiên Kim, Y Phương....
*Tiếp đãi thức ăn nhẹ và nước uống. (Sẽ ngưng tiếp đãi thức ăn lúc 5:30pm trước lễ)
6:15pm-6:30pm
*Sắp xếp bàn thờ và chào đón Đức Cha
6:30pm-8:00pm
*Cắt băng khánh thành tượng đài
*Đoàn Trống La San trình diễn
*Thánh Lễ đồng tế do Đức Cha chủ tế
*Đoàn Trống La San dâng hương và dâng của lễ
8:00pm-10:00pm
*Văn Nghệ chủ đề về Thuyền Nhân
*Đốt nến cầu nguyện cho gần nửa triệu người đã mất trên biển trong hành trình tìm tự do.
*Dùng cơm tối, do tất cả đoàn thể trong giáo xứ SMG tiếp đãi.


Tường Trình các Công Tác Cứu Trợ, Cứu Vớt Thuyền Nhân của Người Việt và Thế Giới thập niên 70-80-90:


-Vì hình ảnh những chuyến vượt biển đầy nguy hiểm làm xúc động nhiều người, khắp nơi trên thế giới, một số tổ chức thiện nguyện đã ra tay phát động phong trào cứu trợ thuyền nhân. Từ cuối thập niên 1970 ở Pháp đã xuất hiện Un bateau pour le Vietnam ("Ủy ban một con tàu cho Việt Nam") vận động việc cứu giúp. Hội Y sĩ không biên giới dưới sự lãnh đạo của bác sĩ Bernard Kouchner cho con tàu Île de Lumière đi vớt người lâm nạn. Con tàu này sau đó dùng làm tàu bệnh viện và nơi chữa trị cho 40.000 người Việt tỵ nạn bị giam ở đảo Pulau Bidong, Malaysia. Cũng hưởng ứng lời kêu gọi đó, năm 1979 ở Đức có Ein Schiff für Vietnam quyên góp để rồi cùng phối hợp với Cao ủy Tỵ nạn Liên Hợp Quốc, lần lượt cho ra khơi trên Biển Đông ba con tàu mang tên "Cap Anamur". Sự việc đó cũng dẫn đến việc hình thành tổ chức Cap Anamur, một đoàn thể thiện nguyện thường trực. Ở Bỉ thì có "Ủy ban Quốc tế Cứu trợ người Việt Tị nạn" được sử ủng hộ của hoàng gia Bỉ trong khi đó ở Hoa Kỳ, thì chính cộng đồng người Việt tỵ nạn cũng đứng ra thành lập "Ủy ban Báo nguy giúp Người vượt biển" năm 1980, do tiến sĩ Nguyễn Hữu Xương làm chủ tịch để hợp tác với các tổ chức quốc tế khác. Kết quả là con tàu Jean Charcot được điều hành đi vớt thuyền nhân. Hội Y sĩ Thế giới (Medicins du Monde) thì điều động con tàu Akuna II ra khơi với nhiệm vụ cứu trợ.

Trong giai đoạn Cứu Với Thuyền Nhân này, một khuôn mặt được nhiều người biết đến nhất tại Bắc Cali:
Đó Là Thuyền Nhân Lê Văn Hải, Cũng Là Trưởng Nhóm Vãn Động và Xây Dựng Tượng Đài Thuyền Nhân Khánh Thành Tuần Này.

Giới Thiệu Vài Nét:


-Anh Lê Văn Hải, là một trong những khuôn mặt hoạt động cộng đồng, trên nhiều lãnh vực, nhất là nổi bật các công tác xã hội, cần giúp đỡ quen thuộc, (Như Nhóm Mõ Nhân Ái, Phục vụ những bữa ăn hàng tuần, giúp đỡ Người không nhà, Homeless gần 30 năm qua)
-Anh là khuôn mặt bền bỉ nhất trong các công tác nhân đạo của miền Bắc Cali, trên 40 năm qua. Vì anh là trường hợp khá đặc biệt, được đào tạo từ một Dòng Xitô khổ tu nổi tiếng Châu Sơn của Công Giáo, tại Đà Lạt, còn là một Người Lính, và là một Hướng Đạo sinh, nên cả đời anh, chỉ biết hy sinh, say mê theo lý tưởng, mang hết khả năng của mình, để Phục Vụ tha nhân.
-Anh là cựu Thuyền nhân, tại trại tị nạn Hồng kông. Gia đình có 2 em gái vượt biển, nhưng đã không may mắn đến được bến bờ tự do! Rất nhiều bạn bè, người thân của anh đã bỏ mình, trên đường vượt biển. Chính vì lý do này, anh đã dấn thân cho mọi công tác Cứu Người Vượt biển, mong sao các gia đình khác, không lâm vào hoàn cảnh bi thương như gia đình anh.
-Định cư tại San Jose từ năm 1980, với những hoạt động: Cộng tác, như một thành viên với Ủy Ban Báo Nguy Cứu Người Vượt Biển, chọn những Nhà Báo đi theo những con tấu Tình thương ra khơi để loan tin, trong đó có phóng viên của Tuần báo TM. San Jose còn có Bác Sĩ Nguyễn Thượng Vũ, cũng đi theo con tầu. Phát động 6 chiến dịch “Tình Thương Dưới Ánh Mặt Trời”, tổ chức các Đại Nhạc Hội quyên góp trên một triệu đô la, yểm trợ những con tầu “Tình Thương” ra khơi, cứu vớt trên 3 ngàn Thuyền nhân đến bến bờ tự do. (1981-1990)

-Sở dĩ anh dụng đến tiền bạc, lên đến số triệu! mà chưa bao giờ bị mang tiếng, vì công thức tổ chức của anh vô cùng độc đáo. Tiền thu góp được của đồng hương, được đếm ngay trên sân khấu, trao trực tiếp đến mục đích muốn giúp đỡ! Còn chi phí tổ chức, thì anh…gánh hết! Nên luôn luôn có số thu là 100%, tiền chi là…0! (số không!) Theo công thức này, thì không còn cách gì lời ong, tiếng ve cả! (BTC phải bỏ công lẫn của!)
-Tổ chức 2 lần Đại Hội Thuyền Nhân trên toàn Thế Giới, tại Fair Ground, với gần 20 ngàn người tham dự. Tổ chức 3 lần (tại Nhà hàng Phú Lâm) các ngày lễ đánh dấu Ngày Thuyền Nhân Thế Giới. Anh có công rất lớn, để San Jose có mỹ danh là Thung Lũng Tình Thương của Người Vượt Biển!

-Anh cũng là Chủ tịch ủy ban “Bảo Vệ Quyền Tị Nạn” chống cưỡng bách hồi hương, tổ chức nhiều cuộc biểu tình nhiều lần trước Sứ Quán Anh Quốc tại San Francisco. Giúp đỡ các trẻ em tị nạn một mình, không thân nhân (Tìm người bảo trợ, để có cơ hội định cư, cung cấp nhiều phương tiện vật chất, trong thời gian các em còn trong trại ..vv..) Quyên góp trên 400 ngàn đô la, xây dựng Làng Việt Nam tại Phi Luật Tân.
Và lần này, cộng tác với nhiều trái tim thiện chí, trong đó có các Linh Mục để hoàn thành Tượng Đài Thuyền nhân tại San Jose, và Buổi Lễ Khánh Thành:

Tuần này, Lúc 4 Giờ Chiều Thứ Bảy, Ngày 27 Tháng 4 Năm 2024
Tại Đền Thánh Tử Đạo Việt Nam
685 Singleton Rd, San Jose, Ca 95111


Tin Quốc Tế Đó Đây
Lãnh Đạo Tình Báo Quân Đội Do Thái Từ Chức Sau Thất Bại Dẫn Tới Cuộc Tấn Công Ngày 7/10/2023


(Hình: Giám đốc Tình báo Quân sự Do Thái Aharon Haliva, người vừa từ chức sau khi nhận trách nhiệm về thất bại dẫn đến cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023.)
-Trong một tuyên bố hôm thứ Hai (22/4/2024), quân đội Do Thái cho biết người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quân đội đã từ chức. Lãnh đạo này năm 2023 đã nhận trách nhiệm về những thất bại dẫn đến cuộc tấn công do Hamas dẫn đầu nhắm vào Do Thái hôm 7/10/2023.
Thiếu tướng Aharon Haliva, một trong số các chỉ huy cấp cao của Do Thái, nói rằng họ đã không lường trước và ngăn chặn được cuộc tấn công tàn khốc nhất trong lịch sử Do Thái.
“Cơ quan Tình báo dưới sự chỉ huy của tôi đã không hoàn thành nhiệm vụ mà chúng tôi được giao phó. Tôi đã trăn trở về ngày đen tối ấy suốt từ đó”, ông nói trong lá thư từ chức do quân đội công bố.

Trong cuộc tấn công ngày 7/10/2023, hàng ngàn chiến binh Hamas và các nhóm khác đã vượt qua hàng rào an ninh kỹ thuật cao xung quanh Gaza, khiến lực lượng Do Thái bất ngờ, và hung hãn tấn công các cộng đồng xung quanh khu vực này.
Khoảng 1.200 người Do Thái và người ngoại quốc đã thiệt mạng trong vụ tấn công, hầu hết là dân thường, và khoảng 250 người bị bắt giữ ở Gaza, nơi 133 người vẫn còn là con tin.
Cuộc tấn công đã làm hoen ố nghiêm trọng danh tiếng của quân đội và Cơ quan Tình báo Do Thái, vốn trước đây được coi là gần như bất bại.
Người đứng đầu lực lượng vũ trang, Trung tướng Herzi Halevi và người đứng đầu Cơ quan Tình báo Nội địa Shin Bet, Ronen Bar, đều nhận trách nhiệm về hậu quả của vụ tấn công, nhưng vẫn giữ chức vụ trong khi cuộc chiến ở Gaza vẫn tiếp diễn.
Ngược lại, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho đến nay vẫn chưa nhận trách nhiệm, mặc dù các cuộc khảo sát cho thấy hầu hết người Do Thái đổ lỗi cho ông, vì đã không làm đủ để ngăn chặn hoặc phòng thủ trước cuộc tấn công.


Tổng Thống Iran Thăm Pakistan Để Củng Cố Hợp Tác Song Phương


(Hình: Thủ tướng Pakistan, ông Shehbaz Sharif (trái) đón Tổng thống Iran, ông Ebrahim Raisi tại Islamabad, thủ đô của Pakistan, ngày 22/4/2024.)
-Ngày 22/4/2024, Tổng thống Iran, ông Ebrahim Raissi đến Islamabad, bắt đầu chuyến thăm Pakistan đầu tiên kể từ sau đợt căng thẳng ngắn bùng lên giữa hai nước hồi tháng 1/2024. Mục tiêu là nhằm tăng cường hợp tác song phương về ngoại giao và thương mại.
Thông tín viên Siavosh Ghazi của đài Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại thủ đô Teheran của Iran tường trình:
Ebrahim Raissi, với sự tháp tùng của nhiều Bộ trưởng và doanh nhân, có cuộc gặp với Tổng thống và Thủ tướng Pakistan. Ông cũng sẽ đến thăm Lahore, miền Đông Pakistan và Karachi, thành phố duyên hải lớn ở miền Nam.
Teheran và Islamabad đưa ra nhiều dấu hiệu hòa dịu. Quan hệ giữa hai nước đã đột ngột xấu đi khi Iran hôm 16/1 tiến hành một cuộc tấn công bằng phi đạn và drone nhắm vào một nhóm "khủng bố" trên lãnh thổ Pakistan. Hai ngày sau, Islamabad đáp trả. Sau vài ngày căng thẳng, cả hai nước cuối cùng thông báo quan hệ bình thường trở lại.

Theo giới chức Iran, vào đầu tháng này, khoảng hai chục thành viên lực lượng an ninh Iran đã bị một nhóm thánh chiến đóng tại Pakistan giết chết ở phía Đông-Nam Iran giáp biên giới với Pakistan.
Nhưng mối quan hệ chính trị và kinh tế là rất quan trọng đối với cả hai nước. Pakistan còn thông báo nối lại dự án xây dựng đường ống dẫn cùng cấp khí đốt Iran cho Pakistan bất chấp sự phản đối của Hoa Kỳ.


Nước, Dầu Hỏa, An Ninh: Trọng Tâm Chuyến Thăm Iraq Của Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ


(Ảnh: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải), tiếp Thủ tướng Iraq, ông Mohammed Shia al-Sudani, tại Ankara, thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 21/3/2023.)
-Hôm 22/4/2024, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ công du Iraq. Hai bên sẽ tập trung thảo luận về việc chia sẻ nguồn nước, dầu hỏa, an ninh khu vực.
Theo thông tấn xã AFP, đây là chuyến công du cấp quốc gia đầu tiên của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đến Iraq kể từ năm 2011, khi ông còn là Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ. Khoảng 20 thỏa thuận hợp tác song phương dự trù được ký kết.
Chính quyền Ankara cho biết, ưu tiên chính đối với Thổ Nhĩ Kỳ là cuộc chiến chống khủng bố, nói một cách khác là chống các chiến binh Kurdistan – Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Đảng Lao động Kurdistan (PKK) mà Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh phương Tây xếp vào diện « khủng bố ».

Từ 25 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập nhiều căn cứ quân sự để chống lại các hậu cứ của PKK. Bên cạnh đó, việc chia sẻ nguồn nước, hợp tác năng lượng và phát triển kinh tế cũng sẽ được thảo luận.
Tuy nhiên, theo quan sát từ thông tín viên Marie-Charlotte Roupie của đài Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Baghdad, phía Iraq không có cùng thứ tự ưu tiên như Thổ Nhĩ Kỳ.
« Vấn đề nước là hồ sơ ưu tiên hàng đầu của Baghdad. Trong số các nguyên nhân, mỗi năm, Iraq hứng chịu tình trạng khô hạn nghiêm trọng do sự hiện diện các đập nước Thổ Nhĩ Kỳ trên thượng nguồn. Chính phủ hồ hởi thông báo rằng một thỏa thuận sẽ phải được ký kết với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng chi tiết văn bản vẫn chưa được công bố.
Trong hồ sơ an ninh, phía Iraq quan ngại về một cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ chống PKK – Đảng Lao Động Kurdistan - ở miền Bắc đất nước. Theo phát ngôn chính phủ Iraq, thỏa thuận, nếu được ký, rất có thể giống như văn bản đã ký với Iran, nghĩa là Iraq sẽ cam kết di dời các nhóm chống đối ra xa vùng biên giới và giải trừ vũ khí họ.

Về phía Kurdistan tại Iraq, họ hy vọng rằng chuyến thăm này sẽ cho phép nối lại các hoạt động xuất cảng dầu lửa ở vùng phía Bắc sang Thổ Nhĩ Kỳ, bị gián đoạn từ một năm qua.
Cuối cùng, Iraq muốn tận dụng chuyến công du của Tổng thống Thổ để ký một thỏa thuận bốn bên cùng với Qatar và Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để xây dựng một con đường phát triển. Trục đường sắt và đường bộ này sẽ kết nối vùng Vịnh Ả Rập-Ba Tư với Thổ Nhĩ Kỳ, đưa Iraq vào bản đồ những Con Đường Tơ Lụa mới. »


Nga: Viện Trợ Mới Của Hoa Kỳ Cho Ukraine Sẽ Không Làm Thay Đổi Tình Hình Trên Chiến Trường


(Hình: Phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh - Dmitry Peskov.)
-Hôm thứ Hai (22/4/2024), Ðiện Cẩm Linh nói rằng gói viện trợ quân sự mới của Hoa Kỳ cho Ukraine sẽ không làm thay đổi tình hình ở tiền tuyến, nơi Nga đang chiếm thế thượng phong.
Hôm thứ Bảy (20/4), Hạ viện Hoa Kỳ phê duyệt hơn 60 tỉ Mỹ kim viện trợ mới cho Ukraine, gói viện trợ đã bị Quốc hội trì hoãn trong nhiều tháng khiến lực lượng Kyiv cạn kiệt đạn dược.
“Lực lượng vũ trang Nga đang cải thiện vị trí của họ ở mặt trận…. Số tiền được phân bổ và vũ khí được cung cấp sẽ không làm thay đổi đà tiến này”, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên.
“Chúng chỉ tạo ra những nạn nhân mới ở phía Ukraine. Nhiều người Ukraine sẽ chết hơn, Ukraine sẽ chịu tổn thất lớn hơn”.

Hôm Chủ Nhật (21/4), Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy kêu gọi Hoa Thịnh Ðốn nhanh chóng biến Dự luật thành luật và tiến hành chuyển giao vũ khí thực sự, đồng thời nói rằng vũ khí tầm xa và hệ thống phòng không là những ưu tiên hàng đầu.
“Tôi nghĩ sự hỗ trợ này sẽ thực sự tăng cường sức mạnh cho lực lượng vũ trang Ukraine và chúng ta sẽ có cơ hội chiến thắng”, ông Zelenskyy nói.
Nga nói ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ sẽ là phía hưởng lợi thực sự từ gói viện trợ này.
“Chúng ta cũng nhận thấy rằng phần lớn số tiền này sẽ vẫn ở Hoa Kỳ. Hoa Kỳ sẽ trở nên giàu có hơn và sẽ nhận được thêm lợi tức bằng cách cung cấp hỗ trợ cho Ukraine. Đối với (Tổng thống Vladimir) Putin, điều này đã được dự kiến trước”, ông Peskov nói.


Ukraine Loan Báo « Vô Hiệu Hóa » Tàu Cứu Cấp Của Hải Quân Nga ở Biển Đen


(Hình: Tàu cấp cứu "Kommuna" ở Sevastopol - chụp vào tháng 7/2008.)
-Một ngày sau khi Hạ viện Hoa Kỳ thông qua gói viện trợ 61 tỉ Mỹ kim giúp Ukraine đối mặt với chiến tranh, Kyiv hôm 21/4/2024 loan báo Hải quân Ukraine đã vô hiệu hóa tàu Kommouna, ở Crimea. Đây là một chiếc chiến hạm « lâu đời nhất » của Nga. Trong khi đó, chính quyền tại Sébastopol do Nga dựng lên, tuyên bố đã đẩy lùi được một vụ tấn công bằng phi đạn chống hạm do Ukraine tiến hành.
Thống đốc Sébastopol, ông Mikhaïl Razvozhayev công nhận đã có nhiều mảnh vỡ từ phi đạn rơi xuống một chiếc tàu đang hoạt động và gây ra hỏa hoạn, nhưng các đám cháy đã « nhanh chóng được dập tắt ».

Trong thông cáo trên mạng xã hội X, phát ngôn viên Hải quân Ukraine, ông Dmytro Pletenchuk thận trọng cho biết chưa thể thẩm định chính xác về mức hư hại đã gây cho chiếc tàu cấp cứu của Nga, nhưng Kommouna dường như « là không thể tiếp tục làm nhiệm vụ ».
Kommouna là một trong những chiếc tàu quân sự cuối cùng lâu đời nhất còn hoạt động. Chiếc tàu này bắt đầu phục vụ từ năm 1915, có trọng tải hơn 3.000 tấn, có nhiệm vụ cấp cứu ở các vùng biển sâu và cấp cứu tàu ngầm hay tàu vận tải bị mắc nạn. Từ 1996, tàu Kommouna thường trực tại khu vực Biển Đen.
Còn tại các khu vực ở miền Đông Ukraine, từ chiều qua, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định đã « hoàn toàn giải phóng » Bogdanivka, một thị trấn với chưa đầy 100 dân cư trước chiến tranh. Bogdanivka cách thành phố lớn Tchassiv Yard chừng 10 cây số nơi mà quân đội Nga đang quyết tâm đánh chiếm. Nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ sau đó thì phía Ukraine khẳng định vẫn đẩy lui được quân Nga khỏi Bogdanivka.

Về gói viện trợ hơn 60 tỉ Mỹ kim của Hoa Thịnh Ðốn cho Kyiv vừa được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua, Ðiện Cẩm Linh đánh giá khoản viện trợ này « không cho phép làm thay đổi tình thế trên chiến trận »
Trong cuộc họp cấp Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu (EU) ngày hôm 22/4 tại Lục Xâm Bảo, Ngoại trưởng Lithuania khẳng định là Liên Hiệp Âu Châu không thể « ỷ lại vào Mỹ ». Đức cũng cho rằng Liên Hiệp Âu Châu cần « tiếp tục đẩy mạnh các cuộc thảo luận tăng viện cho Ukraine nhất là trang bị thêm cho quốc gia này các phương tiện để bảo vệ bầu trời ».


Bắc Hàn Tăng Cường Hợp Tác Nông Nghiệp Với Nga


(Ảnh: Ông Oleg Kozhemyako (thứ 2 bên trái), thủ hiến vùng Primorye, dẫn đầu đoàn về lãnh thổ biển của Nga tới Bình Nhưỡng, thủ đô của Bắc Hàn, ngày 18/3/2024.)
-Bình Nhưỡng và Mạc Tư Khoa tiếp tục thắt chặt quan hệ song phương. Ngày 21/4/2024, cơ quan thông tấn Bắc Hàn KCNA cho biết một phái đoàn của Ủy ban Nông nghiệp Nhà nước, do lãnh đạo ủy ban kiêm Phó Thủ tướng Ri Chol Man dẫn đầu, đã tới Nga, làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp Dmitry Patrushev và nhiều viên chức Nga trong lĩnh vực nông nghiệp và đánh bắt thủy hải sản.

Trên trang Facebook, Tòa Ðại sứ Nga tại Bình Nhưỡng cho biết lịch trình của phái đoàn Bắc Hàn sẽ « dày đặc ». Ngoài các cuộc gặp với các nhà chức trách Nga, lãnh đạo ngành nông nghiệp Bắc Hàn Ri Chol Man còn thăm Trung tâm Nemchinovka chuyên nghiên cứu về ngũ cốc và Đại học Nông nghiệp Nhà nước Nga. Theo Yonhap, có nhiều khả năng hai nước thảo luận về việc Mạc Tư Khoa viện trợ lương thực cho Bình Nhưỡng trong bối cảnh Bắc Hàn phải đối phó với tình trạng thiếu lương thực trong thời gian gần đây.
Năm 2022, Bắc Hàn đổi tên Bộ Nông nghiệp thành Ủy ban Nhà nước nhằm Ưu tiên Phát triển Nông nghiệp. Chuyến công du của ông Ri là bước tiếp theo trong tiến trình xích lại gần Nga sau cuộc họp thượng đỉnh giữa nguyên thủ hai nước tại Vladivostok tháng 9/2023. Trước đó, ngày 19/4, nhiều viên chức Lâm nghiệp Bắc Hàn cũng đã đến Nga bàn về hợp tác song phương.

Nhiều nước phương Tây nghi ngờ Bắc Hàn cung cấp vũ khí cho Nga để có ngoại tệ và đổi lấy lương thực trong bối cảnh bị quốc tế trừng phạt. Ngày 22/4, Bắc Hàn tiếp tục loạt thử phi đạn-đạn đạo từ đầu năm. Bộ tư lệnh liên quân Nam Hàn « không xác định được phi đạn » bắn thử, còn trên mạng X, Nhật Bản nêu « khả năng một phi đạn-đạn đạo » đã rơi xuống biển Nhật Bản nhưng ngoài Vùng đặc quyền Kinh tế của nước này.
Chuyên trang NK News tại Hán Thành cho rằng vụ thử có thể liên quan đến « một phi đạn-đạn đạo tầm ngắn (SRBM) hoặc một hệ thống phóng rocket đa nòng (MLRS) 600 ly và bay chưa đầy 10 phút ». Thông tấn xã AFP nhắc lại, vào tháng Ba, Nga đã bác một dự thảo Nghị quyết triển hạn thêm 1 năm ủy ban chuyên trách theo dõi các lệnh trừng phạt Bắc Hàn do nước này phát triển chương trình phi đạn-đạn đạo và vũ khí nguyên tử.


Trung Quốc Phản Đối Thủ Tướng Nhật Bản Gửi Lễ Vật Đến Đền Yasukuni



(Hình: Đền Yasukuni ở Tokyo, Nhật Bản.)
-Hôm thứ Hai (22/4/2024), Trung Quốc bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với lễ vật do Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida gửi tới một ngôi đền gây tranh cãi ở Tokyo, mà Trung Quốc và Nam Hàn đều coi là biểu tượng của sự xâm lược quân sự trước đây của Nhật Bản.
Truyền thông Nhật Bản cho biết ông Kishida đã cúng dường cây cảnh bonsai tại Đền Yasukuni vào Chủ nhật, đồng thời đoạn livestream cho thấy có tấm biển gỗ ghi dòng chữ “Thủ tướng Fumio Kishida” đính kèm trên lễ vật, và các thành viên nội các khác cũng dâng lễ vật tới đây.
“Đền Yasukuni thờ 14 tội phạm chiến tranh hạng A, những người chịu trách nhiệm nghiêm trọng về cuộc chiến tranh xâm lược”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo thường kỳ.

Ngôi đền được Bắc Kinh và Hán Thành coi là biểu tượng cho sự xâm lược quân sự trong quá khứ của Nhật Bản vì nó bao gồm các lãnh đạo thời chiến của Nhật Bản đã bị tòa án Đồng minh kết án là tội phạm chiến tranh.
“Phía Trung Quốc kiên quyết phản đối những động thái tiêu cực của Nhật Bản liên quan đến đền Yasukuni. Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Tòa Ðại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản đã lần lượt đưa ra các kháng thư với Nhật Bản”, ông Uông nói thêm.
Hôm Chủ Nhật (21/4), nước láng giềng Nam Hàn cũng phản đối lễ vật của ông Kishida, bày tỏ “sự thất vọng sâu sắc” và kêu gọi các nhà lãnh đạo Nhật Bản thể hiện sự ăn năn về quá khứ thời chiến.


Quân Đội Trung Quốc Ủng Hộ Thảo Luận “Thân Thiện” Về Các Tranh Chấp

(Hình: Đô đốc Hải quân Trung Quốc, ông Hồ Trung Minh (trái) dự Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương, tại Thanh Đảo, Trung Quốc, ngày 22/4/2024.)
-Ngày 22/4/2024, trong ngày thứ hai của Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương (WPNS) được tổ chức ở Thanh Đảo, một lãnh đạo cấp cao của quân đội Trung Quốc khẳng định luôn tìm cách giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thông qua « tham vấn hữu nghị ». Hội nghị này, có 29 nước tham dự, trong đó có Mỹ và Nga, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở eo biển Đài Loan, Biển Đông và cùng thời điểm với cuộc tập trận Balikatan quy mô lớn của Mỹ và Phi Luật Tân.
Theo Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), Trung Quốc chỉ giải quyết « trực tiếp với các nước liên quan » và « sẽ không cho phép những lạm dụng tùy tiện và sẽ không chấp nhận sự bóp méo luật pháp quốc tế ». Ông cũng cảnh báo trước nguy cơ « các cuộc chiến và xung đột ngày càng nhiều », « chúng ta phối hợp với nhau để kiến tạo hòa bình và ổn định » vì trong các cuộc xung đột « không có kẻ thắng ».

Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc gia tăng hiện diện tại các khu vực tranh chấp chủ quyền với nhiều nước nước Đông Nam Á ở Biển Đông thông qua đội tàu hải cảnh và dân quân biển hùng hậu với trung bình khoảng 195 tàu neo đậu trong khu vực mỗi ngày trong năm 2023, theo báo cáo của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI).
Thông tấn xã AFP nhắc lại Trung Quốc lo lắng về mối quan hệ ngày càng được củng cố giữa Mỹ-Phi Luật Tân và coi đây là trở ngại cho những đòi hỏi chủ quyền của họ. Bắc Kinh không công nhận phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực The Hague (Hòa Lan) bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông vì không có cơ sở pháp lý.
Ngoài ra, Đài Loan cũng là trọng tâm căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Hạ viện Hoa Kỳ vừa thông qua khoản viện trợ và huấn luyện quân sự, khoảng 1,9 tỉ Mỹ kim, cho hòn đảo tự trị. Ngày 22/4, Thủ tướng Đài Loan, ông Trần Kiến Nhân (Chen Chien Jen) đã cảm ơn Hạ viện Hoa Kỳ và khẳng định « một eo biển Đài Loan hòa bình và ổn định là điểm quan trọng cho hòa bình và thịnh vượng của thế giới ». Tuyến hàng hải dài 180 cây số là một trong những tuyến được sử dụng nhiều nhất thế giới. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và sẵn sàng thống nhất, kể cả bằng vũ lực.


Ngoại Trưởng Trung Quốc Đến Thăm Cam Bốt


(Hình: Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị được Chủ tịch Thượng viện Cam Bốt Hun Sen, lúc bấy giờ là Thủ tướng Cam Bốt, đón tiếp tại Nam Vang ngày 12/9/2021.)
-Vào ngày 21/4/2024, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị đến Nam Vang, bắt đầu chuyến công du 3 ngày tại Cam Bốt, đồng minh thân thiết nhất của Bắc Kinh ở Đông Nam Á.
Hãng thông tấn AP loan tin trong cùng ngày cho biết chuyến công du diễn ra vào khi có quan ngại về hai dự án lớn do Trung Quốc tài trợ tại Cam Bốt. Đó là kế hoạch xây dựng kênh đào Phù Nam và căn cứ Hải quân Ream. Giới chỉ trích cáo buộc hai dự án này có thể phục vụ quyền lợi chiến lược của Bắc Kinh tại khu vực Đông Nam Á.

Gần đây Cam Bốt lặp lại kiên quyết tiến hành dự án Kênh đào Phù Nam Techo dài 180 cây số đi qua 4 tỉnh miền Nam của Xứ Chùa Tháp nối với thủ đô Nam Vang ra đến Vịnh Thái Lan. Dự án trị giá 1,7 tỉ Mỹ kim do Trung Quốc tài trợ.
Dự án này gây quan ngại cho Việt Nam vì một số chuyên gia cho rằng tuyến kênh có chiều rộng 100 m và sâu 5,4 m có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc Trung Quốc đưa lực lượng quân sự xuống phía Nam, cận với bờ biển Việt Nam.
Vào ngày 18/4, Thủ tướng Hun Manet của Cam Bốt trong phát biểu với viên chức và dân chúng tại tỉnh Tà Keo đưa ra bác bỏ đối với quan ngại từ phía Việt Nam; đồng thời cam kết sẽ cho thúc đẩy dự án mà theo ông này là sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho Cam Bốt.
Nghị trình làm việc của Ngoại trưởng Vương Nghị tại Xứ Chùa Tháp lần này được cho biết gồm có những cuộc gặp riêng biệt với Thủ tướng Hun Manet và với cha của ông này là Hun Sen. Ông Hun Sen hiện là Chủ tịch Thượng viện sau 38 năm nắm quyền.
Vào tháng 8/2023, Ngoại trưởng Vương Nghị đến thăm Cam Bốt chỉ ít ngày sau khi ông Hun Sen thông báo việc thôi chức Thủ tướng để rồi con trai ông đảm nhận.
Ông Hun Manet không cho thấy có dấu hiệu gì đi chệch ra khỏi chính sách phò Bắc Kinh của người cha Hun Sen.
Thực tế được Bắc Kinh ủng hộ cho phép Nam Vang phớt lờ những quan ngại của Phương Tây về thành tích nhân quyền yếu kém của chính phủ Cam Bốt.


Đài Loan Rung Chuyển Vì Động Đất ở Huyện Phía Đông


(Hình: Chai lọ trong một siêu thị ở Nghi Lan rơi vỡ sau trận động đất lớn xảy ra ở phía Đông Đài Loan vào ngày 3/4/2024. Đài Loan đã phải hứng chịu hàng trăm dư chấn kể từ đó.)
-Một trận động đất mạnh 5,5 độ Richter đã xảy ra ở huyện Hoa Liên phía Đông Đài Loan hôm thứ Hai (22/4), cơ quan quản lý thời tiết của hòn đảo này cho biết.
Không có báo cáo ngay lập tức về thiệt hại.
Trận động đất làm rung chuyển các tòa nhà ở thủ đô Đài Bắc. Cơ quan thời tiết cho biết trận động đất có độ sâu 10 cây số (6,2 dặm).

Đầu tháng này, ít nhất 14 người thiệt mạng sau trận động đất mạnh 7,2 độ Richter tấn công Hoa Liên, và Đài Loan đã phải hứng chịu hàng trăm dư chấn kể từ đó.
Đài Loan nằm gần điểm giao nhau của 2 mảng kiến tạo và thường xuyên xảy ra động đất.
Hơn 100 người đã thiệt mạng trong trận động đất ở miền Nam Đài Loan năm 2016, trong khi trận động đất mạnh 7,3 độ Richter đã giết chết hơn 2.000 người vào năm 1999.


Năm 2023: Chi Tiêu Quân Sự Trên Thế Giới Tăng Đột Biến Do Xung Đột


(Hình: Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (mặt quân phục) đi thị sát một cơ sở chế tạo xe tăng và xe bọc thép, ở vùng Omsk, Nga. Ảnh công bố ngày 19/4/2024.)
-Năm 2023 ghi nhận mức chi tiêu quân sự trên thế giới cao nhất từ một thập niên qua, đạt 2.400 tỉ Mỹ kim. Nguyên nhân chính được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế SIPRI ở Stockholm, thủ đô của Thụy Điển, nêu trong báo cáo công bố ngày 22/4/2024 là do các cuộc xung đột đang diễn ra.
Viện SIPRI lưu ý là mức chi tiêu quân sự tăng trên khắp thế giới, nhưng tăng mạnh ở Âu Châu, Trung-Cận Đông và Á Châu. Nhà nghiên cứu Nan Tian nhấn mạnh với thông tấn xã AFP rằng « lần đầu tiên kể từ năm 2009, chi tiêu quân sự thế giới đạt đến mức kỉ lục », cụ thể là tăng thêm 6,8% trong năm 2023. Việc tăng chi tiêu cho quân sự lại phản ánh là tình hình hòa bình, an ninh trên thế giới bị xuống cấp, « không có một vùng nào thực sự được cải thiện tình hình ».

Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Ả Rập Saudi đứng đầu các nước chi cho quốc phòng nhiều nhất. Chiến tranh tiếp diễn ở Ukraine đã khiến chi tiêu quân sự tăng ở Ukraine, Nga và hàng loạt nước Âu Châu. Ví dụ Nga tăng 19% chi tiêu quân sự lên thành 109 tỉ Mỹ kim và nếu tính từ khi sáp nhập bán đảo Crimea, mức tăng này là 57%. Tổng chi cho quốc phòng của Ukraine đã tăng 51%, đạt 64,8 tỉ Mỹ kim, đồng thời nhận được 35 tỉ Mỹ kim viện trợ quân sự, chủ yếu từ Hoa Kỳ.
Tại Trung Cận Đông, Do Thái là nước chi cho quốc phòng lớn thứ hai trong khu vực, thêm 24%, chủ yếu là do cuộc tấn công vào dải Gaza từ tháng 10/2023. Còn tại Á Châu, Trung Quốc liên tục tăng đầu tư cho quốc phòng năm thứ 29 liên tiếp, thêm 6%, đạt 296 tỉ đô trong năm 2023. Tương tự, chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản và Đài Loan tăng 11%, Ấn Độ là 4,3%.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét