Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

Đảng, nhân sự và làm đến đâu... nát đến đó! - VOA

 

Cả hai vị Nguyễn Xuân Phúc (trái) và Trần Tuấn Anh đều đã thôi chức. Hình chụp ngày 15 tháng 11, 2020 lúc còn tại chức. Nếu tin đồn lại... đúng thì vài ngày nữa, các thành viên của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN khóa 13 lại tụ tập bất thường thêm một lần nữa để gật đầu, chấp nhận cho ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam – từ nhiệm (từ bỏ tất cả các chức vụ trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền).

<!>

Theo tin đồn thì ông Huệ không chỉ bảo kê một số tập đoàn tư nhân, hỗ trợ lũng đoạn chính sách, kinh tế - xã hội để được hối lộ hàng ngàn tỉ đồng mà còn vi phạm các tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống [1]. Cuộc tấn công ông Huệ bắt đầu bằng việc bắt giữ các nhân vật chủ chốt của Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An vì “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “đưa hối lộ”, bắt giữ một số viên chức làm việc trong Ban Quản lý các dự án của tỉnh Bắc Giang vì “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “nhận hối lộ” [2], kế đó bắt giữ ông Phạm Thái Hà vì “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Cuộc tấn công vừa kể được xem là “vô tiền khoáng hậu” vì lời lẽ liên quan tới việc bắt giữ ông Hà... đanh thép bất thường.

Việc thư ký, trợ lý của các nhân vật nắm giữ vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam bị bắt vốn đã trở thành điều ... “bình thường mới” nhưng chưa bao giờ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam lại cho phép các cơ quan truyền thông chính thức loan báo rộng rãi và cặn kẽ lai lịch bị can như khi bắt giữ ông Phạm Thái Hà.

Nhân thân ông Hà được xác định rõ ràng là “Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm trợ lý Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ”. Chưa hết, việc cố tình liệt kê “quá trình công tác” của bị can Phạm Thái Hà còn nhằm minh định ông Hà chính là “thủ túc” của ông Huệ, ông Huệ đi đến đâu, ông Hà theo tới đó, thành ra ông Hà “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” thì ông Huệ không thể vô can... Khi ông Huệ là Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN), ông Hà được chọn làm Thư ký Tổng KTNN. Lúc ông Huệ làm Bộ trưởng Tài chính, ông Hà là Thư ký Bộ trưởng Tài chính. Ông Huệ trở thành Trưởng Ban Kinh tế BCH TƯ đảng, ông Hà là Thư ký trưởng ban. Rồi ông Huệ đảm nhiệm vai trò Phó Thủ tướng, ông Hà là Trợ lý Phó Thủ tướng. Lúc ông Huệ được điều động làm Bí thư Hà Nội, ông Hà là Trợ lý Bí thư Thành ủy Hà Nội...

Một số cơ quan truyền thông chính thức, trong đó có VTV1 (kênh số 1 của Đài Truyền hình quốc gia) còn đi xa hơn khi nhấn mạnh: Bộ Công an đang tập trung lực lượng, mở rộng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, sai phạm tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và thu hồi triệt để tài sản [3].

Từ sự hiểu biết về “thế và lực” của ông Huệ, đối chiếu những yếu tố bất thường trong việc bắt giữ và công bố thông tin khởi tố - tạm giam ông Phạm Thái Hà, sự xuất hiện của website vuonghamy.com [4] – khuê danh của ái nữ ông Huệ - nhằm bơm thêm dầu vào lửa,... những người am tường hậu trường chính trị Việt Nam phòng đoán, cuộc chiến giành quyền lực trong đảng CSVN đã đến giai đoạn... “một mất, một còn”!

***Thương tuần tháng 2 năm 2021, khi tuyên bố bế mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của đảng CSVN (Đại hội 13), ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba – khẳng định: Đại hội đã tiến hành nghiêm túc, đúng Điều lệ Đảng, sáng suốt lựa chọn và bầu các đồng chí đủ tiêu chuẩn, xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13... Nhiệm kỳ khóa 13 phải tốt hơn nhiệm kỳ khóa 12 [5],...

Sau đó, tại cuộc họp báo nhằm công bố kết quả Đại hội 13, ông Trọng tuyên bố: Đại hội 13 đã thành công rất tốt đẹp cả về nội dung, cách thức, tạo ra không khí tin cậy lẫn nhau, hồ hởi, phấn khởi. Công tác nhân sự cho Đại hội 13 của đảng được chuẩn bị chu đáo, thận trọng, khách quan, công tâm, làm từng bước, làm đến đâu chắc đến đó. Do vậy khi đưa ra đại hội đã nhận được sự thống nhất rất cao [6]...

Giống như ông Trọng, nhiều viên chức minh định... “kỳ vọng các đồng chí trong BCH TƯ nhiệm kỳ này là những người ở một tầm cao đặc biệt, mẫu mực về đạo đức, luôn học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, luôn trong sạch, không vướng vào tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân hay lợi ích nhóm”. Thậm chí một Ủy viên Bộ Chính trị còn bảo, đại ý: Việt Nam đã đủ điều kiện để lập nên “kỳ tích” như Nhật, như Hàn [7]...

Đến nay, tuy chỉ mới hơn hai năm sau khi “thành công rất tốt đẹp” nhưng BCH TƯ đảng CSVN nhiệm kỳ 13 đã tụ tập 14 lần (6/14 là tụ tập bất thường ngoài kế hoạch) và 10/14 lần tụ tập chỉ để loại bỏ những cá nhân từng được ca tụng là “ở một tầm cao đặc biệt, mẫu mực về đạo đức, luôn học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, luôn trong sạch, không vướng vào tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân hay lợi ích nhóm”.

Vì sao lại thế?...

Trong vòng 27 tháng từ khi BCH TƯ đảng khóa 13 nhận nhiệm vụ lãnh đạo toàn đảng, toàn dân (1/2021 – 4/2024), có 20/180 Ủy viên chính thức bị kỷ luật, gần một nửa bị tống giam và nếu thật sự tôn trọng tiêu chí “sống, làm việc theo hiến pháp, pháp luật” thì hơn một nửa còn lại cũng phải vào tù.

Đáng lưu ý là trong số đó có bốn Ủy viên Bộ Chính trị (Phạm Bình Minh – Phó Thủ tướng Thường trực, Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Nhà nước, Trần Tuấn Anh – Trưởng ban Kinh tế BCH TƯ, Võ Văn Thưởng – Chủ tịch Nhà nước). Nếu tin đồn là đúng, sắp có thêm Ủy viên thứ năm của Bộ Chính trị lãnh... “búa”!

Nếu chịu khó quan sát thì chỉ từ cuối năm ngoái đến nay, các Ủy viên Bộ Chính trị liên tục bị “búa”. Tháng 12/2022 là ông Phạm Bình Minh. Tháng sau (1/2023) là ông Nguyễn Xuân Phúc. Tháng 1/2024 tới lượt ông Trần Tuấn Anh. Tháng 3/2024 là ông Võ Văn Thưởng. Tháng này dường như sẽ là ông Vương Đình Huệ!

Vì lẽ gì mà những cá nhân vốn ở vị thế còn cao hơn những cá nhân được xưng tụng là... “ở một tầm cao đặc biệt, mẫu mực về đạo đức, luôn học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh liên tục bị “búa”? Những người am tường chính trị Việt Nam bảo rằng nguyên nhân nằm ở các quy định về quy hoạch nhân sự.

***Tháng 1/2020, BCH TƯ đảng khóa 12 ban hành Quy định số 214-QĐ/TW nhằm định “khung” để xác lập “tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý” thì chỉ có thể chọn một cá nhân làm Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư nếu cá nhân đó đã “tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên [1].

Đến tháng 2/2022, Ban Tổ chức của BCH TƯ đảng khóa 13 ban hành thêm Hướng dẫn 16-HD/BTCTW xác lập “một số nội dung cụ thể về công tác quy hoạch cán bộ”. Hướng dẫn này nhấn mạnh “quy hoạch chức danh cao hơn”, đòi hỏi “chỉ quy hoạch cán bộ vào chức danh cao hơn, không quy hoạch chức vụ đang đảm nhiệm”.

Theo hai văn bản vừa đề cập, những Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm đã bị “búa”, nếu không bị “búa” đều đủ tư cách trở thành ứng viên cho năm vị trí cao nhất vì đáp ứng được tiêu chuẩn đã “tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên” và khi tiến hành quy hoạch nhân sự phải đặt họ vào vị trí cao hơn.

Loại bỏ các Ủy viên Bộ Chính trị chính là loại trừ những đối thủ cạnh tranh các vị trí cao nhất: Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Chủ tịch Nhà nước, Tổng Bí thư. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà việc loại bỏ các Ủy viên Bộ Chính trị của BCH TƯ đảng khóa 13 diễn ra vài tháng sau khi Hướng dẫn 16-HD/BTCTW ra đời!

***Trừ ông Phạm Bình Minh là nhân vật duy nhất không có tai tiếng nhưng bị loại bỏ khỏi Bộ Chính trị, BCH TƯ đảng khóa 13 và vị trí Phó Thủ tướng Thường trực vì liên đới về trách nhiệm đối với scandal “giải cứu”, các Ủy viên Bộ Chính trị bị “búa” (Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng) đều thừa tai tiếng.

Tại sao ông Trần Tuấn Anh đã có thể nhẹ nhàng rũ bỏ toàn bộ trách nhiệm khi điều hành Bộ Công Thương với hậu quả như đã biết để tiếp tục tham gia BCH TƯ khóa 13 và nhảy tót vào Bộ Chính trị, thay đảng định hướng kinh tế quốc gia... ông Nguyễn Xuân Phúc vốn nổi tiếng từ lâu vì vợ con “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi song không chỉ vô sự mà còn được đặc miễn về tuổi tác để tiếp tục tham gia BCH TƯ đảng khóa 13, tham gia Bộ Chính trị và trở thành Chủ tịch Nhà nước... Ông Võ Văn Thưởng vẫn tiếp tục thăng tiến dù đã có rất nhiều tai tiếng khi làm Bí thư Quảng Ngãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM... nhưng sau khi có Hướng dẫn 16-HD/BTCTW thì cả ba tuần tự bị xử lý do “liên đới trách nhiệm” với các sai phạm mà thiên hạ đã kháo nhau từ lâu? Ngoài chuyện diệt trừ đối thủ chính trị, còn có cách nào khác để lý giải việc công an Việt Nam đột ngột xuống tay với Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn khiến ông Thưởng từ nhiệm bởi trót dây với Phúc Sơn 12 năm trước?

Tương tự, trong mười năm qua Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An liên tục thắng các gói thầu từ vài trăm tỉ đến hàng ngàn tỉ ở Hà Nội, TP.HCM, Ninh Thuận, Bắc Giang, Quảng Nam, Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hà Giang, Tuyên Quang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Lạng Sơn,... năm năm gần đây, doanh nghiệp này tranh 51 gói thầu, thắng 39/51, chưa kể bốn gói thầu đang chờ kết quả, tổng giá trị các gói thầu đã thắng được ước đoán hơn 22.000 tỉ nhưng vì sao công an Việt Nam không thấy, không nghe, không lên tiếng, không hành động. Đột vào Thuận An, bắt Phạm Thái Hà còn lý do nào khác ngoài quy hoạch nhân sự BCH TƯ đảng khóa 14?

Từ tháng 8 năm ngoái, các cơ quan trung ương và các địa phương bắt đầu tổ chức hội nghị giới thiệu nhân sự quy hoạch BCH TƯ đảng khóa 14 (nhiệm kỳ 2026 – 2031). Thiên hạ bắt đầu dự đoán về nhân vật sẽ kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng. Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ được xem là sáng giá nhất và đột nhiên... công an vào cuộc!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét