Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2024

Vua Đồng Khánh từng đòi Pháp trả lại các báu vật Nhà Nguyễn - VOA


Sau khi đánh bại Nhà Tây Sơn và thống nhất đất nước vào năm 1802, Chúa Nguyễn Ánh (1762 – 1820) lên ngôi Hoàng Đế với niên hiệu Gia Long. Ông đặt tên nước là Việt Nam và lấy Phú Xuân (Huế sau này) làm kinh đô. Số lượng vàng bạc mà người khai sáng Triều Nguyễn có trong tay lớn đến mức chính quyền trung ương, mà ở đây là Nội vụ phủ, đặt dưới sự kiểm soát của Nội các gồm thành viên là người trong hoàng tộc và quan chức ở Bộ Hộ, chỉ quản lý việc đúc vàng; việc đúc bạc được giao cho các xưởng ở các trấn (sau đổi là tỉnh).
<!>
Cùng với việc đánh chiếm Nam kỳ lục tỉnh, thực dân Pháp bắt đầu dòm ngó kho vàng bạc của Triều Nguyễn mà họ gọi là Triều đình Huế (la Cour de Hué). Tháng 1/1885, Charles le Myre de Vilers, Thống đốc dân sự đầu tiên của Nam kỳ lục tỉnh và là Đặc sứ Trung Kỳ, trong một báo cáo đã đề cập đến một “kho tàng bao la” ở Huế. Theo nhà cai trị thực dân này, triều đình Huế cất giữ khối lượng vàng trị giá 2 triệu franc và khối lượng bạc trị giá 11 triệu franc. Các số liệu này đã được điều chỉnh sau khi Pháp chiếm được kinh thành Huế và phát hiện nhiều hầm vàng, bạc mà vua Minh Mạng (1820 – 1841) đã cho chôn giấu, theo đó khối lượng vàng được đánh giá lại lên đến 7 triệu franc và khối lượng bạc chỉ khoảng 6,5 triệu franc.

Kinh đô thất thủ và cuộc cướp bóc lịch sử

Nhằm chiếm đoạt “kho tàng bao la” của Triều đình Huế cũng như biến toàn bộ Việt Nam thành thuộc địa, ngày 2/7/1885, tướng Pháp De courcy , tổng trú sứ Trung kỳ và Bắc kỳ, đến Huế với 1 tiểu đoàn lính Phi châu, 1 đơn vị đặc nhiệm sơn cước và 2 tàu chiến, tổng cộng 19 sĩ quan và 1024 binh sĩ. Với mục đích khiêu khích, viên tướng thực dân đòi vua Hàm Nghi để phái đoàn Pháp đi thẳng vào Hoàng thành qua Ngọ Môn, vốn là cửa dành riêng cho Hoàng Đế Đại Nam, và bước xuống ngai vàng ra đón. De Courcy còn khước từ quà tặng của vua để cuối cùng lật bài ngửa: "Nếu các người muốn yên ổn, thì trong 3 ngày phải nộp 200.000 thỏi vàng, 200.000 thỏi bạc và 200.000 francs"

Để phá vỡ tình thế mất chủ quyền quốc gia đã cận kề, 3 giờ sáng ngày 5/7/1885 (23/5 âm lịch), Phụ chính đại thần, Thượng thư bộ binh Tôn Thất Thuyết điều 30 nghìn quân tấn công quân Pháp đang đóng tại đồn Mang Cá và tòa Khâm sứ. Trang bị chủ yếu bằng giáo mác và súng thần công với độ bắn không chính xác nên quân Triều đình dù đông hơn hẳn đã không địch lại được quân Pháp trang bị vũ khí hiện đại khi đội quân này phản công. Kết cục là Tôn Thất Thuyết đã phải đưa vua Hàm Nghi và Tam Cung rời bỏ kinh thành và di tản về căn cứ Tân Sở ở Quảng Trị. Tại đây, ngày 13/7/1885, nhà vua trẻ đã tự tay đóng ấn “Ngự Tiền Chi Bảo” lên “Dụ thiên hạ Cần Vương”, kêu gọi sĩ phu và dân chúng mọi miền đứng lên chống Pháp.

Ngay sau khi kinh thành thất thủ vào trưa ngày 5/7/1885, quân Pháp đã tiến hành cướp bóc “kho tàng bao la” của Triều đình, điều này được chính Tướng De Courcy xác nhận trong bức điện ngày 24-7-1885 gửi Paris:

“…Trị giá phỏng chừng các quý vật bằng vàng hay bằng bạc giấu kỹ trong các hầm kín là chín triệu franc. Đã khám phá thêm nhiều ấn tín và kim sách đáng giá bạc triệu. Xúc tiến rất khó khăn việc tập trung những kho tàng mỹ thuật. Cần cử sang đây một chiếc tàu cùng nhiều nhân viên thành thạo để mang về mọi thứ cùng với kho tàng”.

Một nhân chứng là cha Siefert, linh mục cai quản giáo xứ Trung Kỳ, kể:

“Họ (người Việt Nam) khiến cho quý vị hết sức lúng túng khi có sẵn trong tay bảng tổng kê tài sản trước ngày 5-7, họ nói rằng người Pháp đã lấy trong trại Cấm vệ quân 113 lạng vàng, 742 lạng bạc, 2.627 quan tiền; tại cung bà Thái hậu Từ Dũ sinh ra Vua Tự Đức 228 viên kim cương, 266 món nữ trang có nạm kim cương, hạt trai, hạt ngọc, 271 đồ bằng vàng, 1.258 nén bạc, 3.416 lạng vàng; tại các tôn miếu thờ các đức Vua Thiệu Trị, Minh Mạng, Gia Long chứa đầy vật phẩm riêng của các tiên đế dùng lúc sinh thời, hầu hết những thứ có thể tiện mang đi như mũ miện, đai áo, thảm, đệm, triều phục, long sàng và bàn tròn xoay chạm trổ, hoành treo vũ khí, cháp trầu, ống phóng, chậu thau, hỏa lò, mùng và màn the hoa, đỉnh trầm, bình pha trà và khay chén, tăm xỉa răng… Kho tàng trong Hoàng cung đã mất đi gần 24 triệu quan vàng và bạc … Cuộc cướp cạn ấy kéo dài trong 2 tháng còn gây tai tiếng hơn cuộc cướp phá Cung điện Mùa Hè của Thanh Đế ở Bắc Kinh.”

Dù có xét vụ Huế theo cách nào thì bổn phận nghiêm ngặt nhất cũng không cho phép biển thủ một ly tài sản của Triều đình…”

Cuộc cướp bóc kinh hoàng này làm cho chính người trong bộ máy thuộc địa cũng phải bất bình. Trong báo cáo ngày 28-2-1889 gửi Toàn quyền Đông Dương Richaud, Khâm sứ Trung Kỳ Rheinart viết:

“Ngày 5-7-1885, nhân vụ biến cố ở Huế, một số lớn bảo vật đã bị cướp đoạt và người ta phải hổ thẹn khi nghĩ tới những cảnh tượng đã xảy ra vào dịp đó: con voi bằng vàng đúc rất khéo, rất quý giá, bị chặt làm đôi vì sự tranh chấp giữa hai kẻ muốn giành được cho mình một phần nguyên chất của bảo vật. Điểm đáng buồn hơn cần phải nhắc lại, là một vị tướng lãnh, thiếu tướng Prudomme, đã chẳng ngần ngại chiếm đoạt những phẩm vật quý giá, và chẳng hề có ai nghĩ cách giác ngộ lương tri của mãnh nhân ấy, báo chí cũng không đả động gì, và người ta cũng chẳng yêu cầu kẻ tham bạo trả lại Triều đình Huế một phần các chiến lợi phẩm. Nhận định hiện trạng nghèo nàn, túng bấn của Triều đình Huế, người ta phải quên đi ác ý cũ do chính chúng ta đã gây ra bằng những hành động khó mà biện bạch nổi, và người ta rất tiếc không còn ai có thể bắt phải hoàn lại một phần những thứ đã bị cướp đoạt một cách trắng trợn.

Tất nhiên, người ta đã có thể coi biến cố ngày 5-7-1885 như một “cuộc mai phục” nhưng há chẳng phải là chính chúng ta đã gây ra vụ ấy, và Triều đình Huế há lại chẳng nhớ hai lần Hà Nội thất thủ và những cuộc khiêu khích của chúng ta tại Bắc Kỳ?”

Của Việt Nam phải trả lại Việt Nam!

Do không thuyết phục được vua Hàm Nghi từ bỏ kháng chiến, ngày 19/9/1885, Pháp đưa lên ngôi vua anh trai của ông và là con nuôi của vua Tự Đức - hoàng thân Nguyễn Phúc Ưng Kỷ, còn gọi là Chánh Mông. Vị tân vương này vẫn giữ niên hiệu Hàm Nghi sau khi đăng quang, sau mới đổi thành Đồng Khánh.

Nhân dịp này, Tướng De Courcy đã trả tân vương một phần “kho tàng bao la” mà quân Pháp đã cướp được trong và sau sự kiện 5/7/1885. Đó là các báu vật hoàng gia như các kim bảo, ngọc tỷ (ấn tín bằng vàng, ngọc), kim sách (sách phong bằng vàng). Việc làm này đã được ông ta thông báo trước cho Bộ Chiến tranh trong một bức điện gửi ngày 14/9/1885. Phần còn lại của kho báu gồm vàng thoi, bạc nén và tiền đồng sẽ là chủ đề của một cuộc tranh cãi kéo dài giữa ba cơ quan của chính phủ Pháp là Bộ Hải quân và Thuộc địa, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính. Vào tháng 1/1886, ba bộ trên đã đạt thỏa thuận như sau:

- Giao trả tân vương Đồng Khánh phân nửa kho báu (việc này sẽ được Tổng trú sứ Paul Bert thực hiện vào tháng 5.1886).

- Phân nửa còn lại được dành bồi hoàn cho công khố Pháp đã ứng trước để tiến hành các hoạt động quân sự và đài thọ các chi phí quản lý cho bộ máy bảo hộ ở Trung và Bắc kỳ.

Cần nhắc lại rằng đây không phải lần đầu Triều đình Huế phải trả cho Pháp chiến phí.

Với Hòa ước Nhâm Tuất ký năm 1862 với thực dân Pháp, vua Tự Đức không những phải nhượng cho Pháp trọn ba tỉnh là Biên Hòa, tỉnh Gia Định và tỉnh Định Tường và đảo Côn Lôn mà còn phải trả cho đế quốc thực dân này chiến phí lớn khủng khiếp. Khoản 8 Hòa ước ghi rõ: “Hoàng đế nước Đại Nam sẽ phải bồi thường một số tiền là bốn triệu piastre (tương đương 2.880.000 lạng bạc - CHHV), trả trong 10 năm.” Thế nhưng toàn bộ vàng, bạc có trong quốc khố dù được vét sạch nhưng vẫn không đủ để trả chiến phí. Cực chẳng đã, vua Tự Đức đã cho thu hồi một số bảo vật bằng vàng và bạc đang trưng bày trong các cung điện và đúc thành vàng thoi, bạc nén cho mục đích này. Vì lý do đã rõ, năm 1869, vị quân chủ này của Việt Nam đã phải ra lệnh cho các hoàng tử, công chúa, hoàng thân… nộp lại kim ấn, kim sách mà triều đình đã ban cho họ trước đây để đúc thành 135 đĩnh vàng dùng cho chi tiêu của triều đình. Đổi lại, Tự Đức đã cải cấp (cấp lại) cho họ kim ấn, kim sách làm bằng đồng.

Sách Đại Nam thực lục ghi vào tháng 5 năm Đồng Khánh nguyên niên (1886), “Toàn quyền đưa thư đến nói: Một nửa vàng, bạc giao trả nước ta, còn một nửa mang về đúc bạc đồng và sung cho tập binh 2 năm, cùng là chi phí các công tác. Vua chuẩn cho Thị lang bộ Hộ là Hồ Lệ và Hộ lý Nội vụ là Nguyễn Huề hội đồng với quan Pháp mà kiểm nhận.

Phần bạc của nước ta, tất cả tiền thỏi, tiền đồng các hạng, cộng nặng 78.421 cân; tiền vàng 594 đồng, cộng nặng 11 cân. Phần bạc của nước Pháp: bạc thỏi cộng nặng 32.235 cân; vàng và các hạng tiền bạc thỏi, bạc đĩnh, bạc lá cộng nặng 3.005 cân; đều cân bằng thứ cân của nước Xích mao, mỗi cân ngang với trung bình 11 lạng 8 đồng cân. Cùng biên giao cho nhau để giữ lại lưu chiểu.”

Như vậy, không có chuyện vua Đồng Khánh chủ động đòi pháp trả lại một nửa kho báu của Triều đình Huế như một số tài liệu, trong đó có Wikipedia, đã nói. Ngược lại, tân vương đã đòi Pháp trả hết những báu vật hoàng gia mà quân Pháp đã cướp trong và sau sự kiện kinh đô thất thủ.

Biên bản ngày 21.3.1888 của Pháp về buổi vua Đồng Khánh thăm xã giao Toàn quyền Constans ghi: “Trở lại chuyện đã bàn trước đây, hoàng thượng (vua Đồng Khánh) nhắc rằng các vật phẩm quý giá của hoàng gia bị thất thoát sau biến cố ngày 5.7 và chắc chắn hiện giờ đang nằm trên đất Pháp, giá trị nhất là chuỗi kim cương kết lại từ đời vua Gia Long cho tới đời vua Tự Đức, cùng một bảo kiếm nạm ngọc quý truyền lại từ đời vua Gia Long.”

Không nghi ngờ gì nữa, “chuỗi kim cương kết lại từ đời vua Gia Long cho tới đời vua Tự Đức” nếu không phải là thì cũng nằm trong số 228 viên kim cương bị cướp từ cung của Thái hậu Từ Dụ và “bảo kiếm nạm ngọc quý truyền lại từ đời vua Gia Long” chính là “Thái A Kiếm” mà Tướng De Courcy đã lấy và đem tặng Bộ trưởng Chiến tranh Campenon.

Khi tiếp kiến nhà văn Pháp Jules Boissière tại Huế vào năm 1888, vua Đồng Khánh tiếp tục bày tỏ quan điểm Thái A Kiếm phải được trả lại cho Việt Nam khi khẳng định thanh kiếm là "một bảo vật lịch sử và tượng trưng quan hệ đến hạnh phúc và sự bảo tồn dân tộc". Rõ ràng, vị quân chủ Việt Nam với phát biểu này không chỉ thể hiện một thái độ không khoan nhượng trong việc đòi Pháp trả lại một tài sản quốc gia bị cướp đoạt mà quan trọng hơn thế, đưa ra thông điệp: “Độc lập của Việt Nam phải được phục hồi”!

Nguồn: Voatiengviet.com
Ảnh sưu tập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét