Lam gọi cà phê sữa đá, trả tiền, ra ngồi xuống chiếc bàn ngoài cùng còn trống, thong thả ngắm nhà thờ Đức Bà lẩn khuất trong màn sương đêm qua còn sót lại.Thời tiết Sài Gòn cuối năm mát mẻ, nắng vàng ươm làm nao lòng người ở xa về. Cả tuần nay, sáng nào cô cũng ra đây uống cà phê, ngắm thiên hạ đi về hối hả và nhìn bầy bồ câu vỗ cánh bay cao trên bức tượng Đức Mẹ đồng trinh. Người ta đang giăng rào để sửa nhà thờ sau trăm năm dãi dầu cùng mưa nắng. View không đẹp như xưa, nhưng Lam vẫn thấy nhẹ lòng, mỗi khi nghe tiếng chuông sớm giữa lâm râm lời kinh nguyện cầu cứu rỗi.
<!>
Chút nữa, cô lại đi dưới hàng me xanh Nguyễn Văn Bình để lựa sách. Cái va li đầy nhóc rồi. Từ đây tới ngày về Mỹ, chắc phải tốn tiền mua thêm hành lý.
Gần 26 năm ra đi và chục năm sau chuyến về gần nhất, Lam mới có dịp quay lại Sài Gòn. Hồi đó, trung tâm rất thoáng, thưa người, nhiều cây xanh và ít nhà chọc trời, chẳng bao giờ có chuyện kẹt xe, kể cả giờ cao điểm. Còn giờ, ra đường toàn người và người khắp nơi đổ về, chen chúc tìm cho mình một công việc kiếm sống. Sài Gòn thì lúc nào cũng nhân từ dang tay cưu mang hết thảy những mảnh đời tứ xứ. Thành phố phát triển nhanh quá, không phải tính bằng tháng hay năm mà theo từng phút thời gian hối hả. Phố xá đông đen, hàng quán mọc lên như nấm, lớp trẻ giờ năng động, nói tiếng Anh như gió. KFC, Burger King, Popeyes, Pizza Hut, Dominos chễm chệ trên nhiều góc phố trung tâm. Starbucks, Mc Donald’s, Donkin Donut, 7 Eleven cũng vào cách đây không lâu. Rồi Gap, Mango, Zara, H&M, sắp tới là Forever 21 thu hút lớp trẻ xếp hàng mua sắm. Vài năm nữa, metro xây xong, chắc Sài Gòn sẽ trở mình thành 1 metropolis (1) như London, Paris, Seoul, Tokyo hay Los Angeles, San Francisco sầm uất. Giới trẻ sẽ hãnh diện khoe với bạn bè rằng, mình rất cosmopolitan (2).
Lam chỉ tiếc khi cái góc đối diện Coffee Bean, chỗ quán cà phê Mây lãng mạn không còn nhộn nhịp. Dưới vỉa hè, sáng nào cũng có vợ chồng chú bán bánh mì thịt với trứng ốp la, chiều thì có hàng bột chiên, phá lấu, súp măng cua hay xe bò bía thơm lừng. Giờ họ dẹp mất tiêu, thay bằng mấy nhà hàng Tây sạch bóng. Rồi mấy cái pub, bar, quán cà phê cô và bạn bè thường ngồi tám chuyện đời hầu như đóng cửa hết. Khó tìm lại không khí ngày xưa.
Cứ ngỡ gia đình qua Mỹ hết, lo lắng chồng con, bạn bè bận rộn làm giám đốc các tập đoàn đa quốc gia, CEO mấy công ty nước ngoài, hay trưởng phòng, quản lý nhà nước... sẽ làm cô không vấn vương gì với phố thị. Về rồi mới biết mình lầm. Sài Gòn mãi là một phần máu thịt luôn hiện hữu. Nó như hơi thở mỏng, không theo phản xạ, chỉ cần hít một hơi thật sâu khi đặt chân xuống Tân Sơn Nhất, Lam biết, mình đã về lại với máu mủ tình thâm.
3 buổi chiều rồi, cô ra Nguyễn Huệ, nhìn các anh công nhân xắn tay áo, quẹt mồ hôi, miệt mài lo chuẩn bị đường hoa kịp 29 tết khai trương. Đúng là không gì đẹp bằng hoa tết. Từ cúc tới vạn thọ, dã yên thảo, mồng gà, thược dược đủ màu, dẫu chưa ra hàng lối, nhưng ánh lên sắc thắm tươi hồng. Lam bắt taxi ra Bến Bình Đông, nhìn những chuyến ghe chở đầy hoa, dưa hấu, bưởi, thơm, theo con nước lớn nước ròng, cập bến rồi lên bờ, vô chợ, hay theo xe chở về khắp ngóc ngách phố phường bán cho bà con chưng vui cả mắt. Nhìn cảnh đó, cô thẫn thờ nhớ mấy lúc ba chở đi học về. Ông gạt chân chống, nhấc Lam xuống yên xe. Hai cha con ngồi bệt bên đường ngắm nghía, chỉ trỏ, hít hà đủ kiểu. Ba bảo con ráng học thiệt giỏi, mai mốt làm ra tiền, tết nhớ mua thiệt nhiều hoa về chưng trong nhà cho đẹp chứ đừng nghèo hoài như ba với má.
Chưa kịp thực hiện ước mơ thì cả nhà dắt díu nhau đi Mỹ. Tết Seattle lạnh lẽo, mưa nhiều. Chinatown cũng có bán cúc với mai, kèm mấy đòn bánh tét, hộp mứt dừa, mứt bí chưng cho có vị mùi chứ tết nhất gì ở nơi xa xứ. Lam thỏ thẻ với ba, ráng thêm một hai năm nữa, con để đủ tiền, dẫn ba má về Sài Gòn. Cả nhà sẽ đi chợ mua hoa về để khắp nhà như hồi xưa đã hứa. Một bữa cô đi làm, má đi chợ, gọi điện về nhà muốn cháy máy mà không ai bắt. Lam lật đật lái xe về, xô cửa. Ti vi đang chiếu cải lương. Ba ngồi ngửa đầu trên ghế salon, mắt nhắm nghiền, người lạnh tanh, lay mãi, thét gào cũng không một lần trở mình thức dậy. Ba bỏ cô đi từ dạo ấy. Bao tháng năm rồi chưa một lần gặp lại dù chỉ là trong giấc mộng nửa đêm.
Lần này Lam về Sài Gòn một mình, chẳng ai biết hết, trừ Hoan. Hôm qua Hoan hỏi, em chịu về đây sống với anh không? Ly rượu vang trên tay xém chút nữa rớt xuống sàn. Cô quay lại nhìn anh, mím môi, không nói.
– Em chẳng cần làm gì hết. Tài sản của anh đủ cho hai đứa mình sống dư dả trọn đời.
– Còn bé Như?
– Anh sẽ gửi về bên cô ấy. Nó đủ lớn để hiểu hoàn cảnh của anh.
Lam mở cửa, bước ra ban công, dõi mắt nhìn thảm cây xanh um phía bên kia bờ sông uốn quanh thành phố. Căn hộ có hai mặt tiền vừa ngắm xóm nghèo yên bình phía xa lẫn phố thị ồn ào cùng lúc. Dưới góc đường là chợ hoa nho nhỏ bán đủ loại hoa nam bắc, mấy chậu kiểng kèm phong bì lì xì đỏ rực. Cô và Hoan đã ngồi đây bao lần, nhìn dòng người chen chúc tan tầm trong cơn gió se lạnh cuối năm, mà quên hết chuyện chồng con lẫn những bữa đi làm về sớm một mình giữa ngôi nhà vắng lặng. Má qua nhà anh Hai coi cháu. Hai đứa nhỏ đi học chưa về. Edward về đến nhà thì đã nửa đêm. Seattle không có ngõ sau, chái bếp, cũng chẳng có khói lam chiều bảng lảng, để cô đứng đó trông về xứ sở như những cô gái trong tục ngữ ca dao. Ở đó, chỉ có mưa buồn hiu hắt và lớp sương dày không thấy rõ bàn tay. Ở đó, chỉ có tiếng còi tàu từ xa vọng lại và đàn quạ vỗ cánh bay trên ngọn cây trơ trọi lá khô khan. Sài Gòn đẹp quá, ước gì mình có thể rũ bỏ hết để quay về.
16 tuổi, trong khi mấy đứa bạn vô tư đến lớp giỡn đùa thì Lam vác cái bụng thè lè ngồi học một mình, sau đôi lần vụng trộm với người tình hơn cô 2 lớp. Nhà có đạo. Phá thai là mang tội. Vả lại đứa bé chưa ra đời nào có tội tình gì mà bị tước đi mạng sống. Lam ngơ ngác làm mẹ khi chưa qua hết thời thiếu nữ. Đứa con sinh ra không đủ sức níu kéo rạn vỡ giữa cô và người yêu. Cứ tưởng nhà ai nấy sống, chuyện ai nấy làm, cô sẽ an phận làm mẹ đơn thân nuôi con khó nhọc. Ai dè hắn đưa Lam ra tòa giành quyền nuôi đứa trẻ. Lam không nghề nghiệp ổn định, lương bổng chẳng đủ sống, tòa giao con cho hắn dưỡng nuôi. Cô được phép ở với con 2 ngày cuối tuần ngắn ngủi. Lam khuỵu xuống khi nghe tòa tuyên án. Giọt nước mắt lăn dài trên đôi mắt thâm quầng vì bao đêm không ngủ.Nhưng khóc để làm gì khi luật pháp không phải là thứ gắn chặt với tình thương.
Trời ơi, con của tôi mà, sao người ta lại nỡ lòng nào chia cắt tình mẫu tử?
Mỗi thứ sáu, Lam lái xe tới đón con về. Andy hay đứng vén rèm cửa sổ nhìn ra đường, thấy chiếc xe quen thuộc chạy tới, lật đật đi lấy dép, vác ba lô, nôn nao chờ tiếng gõ cửa rồi nhào vô lòng cô mừng rỡ. Chiều chủ nhật, cô đứng ngay hàng rào, nước mắt lăn dài khi hắn tới đón con. Andy dùng dằng không đi, chẳng chịu rời Lam nửa bước. Andy ngoan, về với ba, ít bữa nữa lại về với má nghen con.
Lam thề với lòng, phải có việc làm ổn định, kiếm thiệt nhiều tiền để mướn luật sư giỏi, ra tòa đòi lại quyền chăm sóc Andy. Nhưng ước mơ mãnh liệt không thắng nổi nỗi buồn của người đàn bà ngoài 20 lầm lỗi. Lam trượt dài vào những đêm vũ trường say bét nhét, không đếm mình đã ăn nằm với bao nhiêu gã đàn ông. Cũng không nhớ bao lần thức dậy giữa gối mền tung tóe, soi gương, tóc tai rũ rượi, phấn son lem luốc, hơi thở nặc nồng mùi rượu mạnh. Dài nhất là 6 tháng, ngắn nhất là một đêm. Có thằng khóc hu hu khi cô bảo chia tay đi. Có gã dửng dưng như không có chuyện gì sau 1 tuần mặn nồng chung chạ. Có lần Lam dọn về sống chung với người tình đẹp như siêu mẫu. Tưởng đâu mọi hoang đàng, hư đốn sẽ dừng lại với cuộc sống gia đình. Lam bảo mình cưới nhau đi. Hắn cười như điên dại: “Are you kidding me?” (3). Lam tát gã một cái xiểng niểng mặt mày. Và đó là lần cuối cùng cô gặp hắn.
Một đêm say khướt, Lam lái xe giữa màn sương đậm đặc. Mặc cho những chiếc xe đối diện liên tiếp bật đèn, bấm còi cảnh báo, mặc cho hàng cây trơ trọi vun vút bị bỏ lại phía sau, Lam lơ mơ, không biết gì, nhấn ga lao nhanh về phía trước. Bỗng cô chập chờn thấy 1 người đàn ông tóc bạc, đập mạnh vào vai, dậy dậy đi con, coi chừng xe tải. Lam giật bắn mình, bẻ vội tay lái về phía phải, trước khi chiếc truck kịp thắng một đường dài. Tim đập thình thịch. Mồ hôi ra như tắm. Hai tay run run ôm đầu. Bao nhiêu bia rượu cũng bay ra hết. Nụ cười Andy trong veo hiện lên trước mặt. Mày đang làm gì với cuộc đời? Mày muốn chết ư? Phận mày an rồi, nhưng ai nuôi con? Ai nuôi má? Tỉnh lại đi!
Cô gặp Edward trong lần đi lễ Thanksgiving ở nhà thờ. Gã đàn ông có khuôn mặt mũm mĩm gốc Hoa, mang giọng nói trầm như gió từ thung lũng Shenandoah, lẽo đẽo theo cô suốt nhiều tuần liên tiếp. Mặc cho Lam không thèm đoái hoài gì tới, mặc cho cô trề môi quay đi khi đối diện, mặc cho Lam nói rõ về tình trạng gia đình mình, Edward lúc nào cũng cười tình kèm câu cửa miệng: “I don’t care (4)!” Và anh hét lên sung sướng khi nghe Lam nói “Yes” sau câu hỏi “Will you marry me?(5)” vào tháng thứ tư theo đuổi. Không cưới xin gì hết. Cả hai dắt ra tòa thị chính, ký giấy kết hôn. Kelly ra đời một năm sau cuộc hôn nhân vội vã ấy. Một buổi đi làm về, Lam thấy Andy cao nhồng xách giỏ đồ đứng ngay trước cửa. Con muốn về ở với má và em. Đêm ấy, ba cậu tới đập cửa, hét la đòi báo cảnh sát tới bắt cô vì đã vi phạm lệnh của tòa. Andy khóc như mưa ra nói với ba và ông nội, con đủ tuổi để chọn nơi sống cho mình rồi. Không ai có quyền ép buộc được con.
Sau bao nhiêu năm mang mặc cảm không mang lại đủ tình thương cho con trẻ, đêm đó, Lam nghĩ mình là người hạnh phúc nhất trần đời. Nhưng cô bắt đầu lờ mờ nhận ra cái gật đầu năm xưa vội vàng quá. Bằng việc kết hôn với một người đàn ông giàu có kèm gia tài đồ sộ, cô dễ dàng giành lại quyền nuôi dưỡng con trai. Và khi đạt được “mục tiêu” mà không cần phải ra tòa giành giật, Lam thấy mình chẳng còn sự kết nối với anh. Cô và chồng không tìm được tiếng nói chung trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Cô đâm ra bực bội, cáu giận trước những sự việc to nhỏ liên quan tới chồng. Lam đùng đùng khóa trái cửa phòng để anh ngủ cả đêm dưới basement (6) lạnh căm khi về trễ. Cô bắt đầu so sánh chồng mình với bao gã đàn ông khác mỗi khi gặp gỡ. Chẳng còn muốn ra ngoài cùng khi rảnh rỗi.
– Lần cuối cùng hai đứa mày gần gũi là khi nào?
Cô lè lưỡi khi nghe bạn hỏi. Nhẩm tính rồi cười ha hả vì không nhớ nổi thời gian.
Một bữa ngồi đợi anh về trong lửa giận, Lam gửi cho Edward một dòng tin ngắn ngủi, mình chia tay nhau đi! 10 phút đồng hồ sau, anh ùa về như cơn bão. Mặt Edward trắng bệch như bị trúng gió, mắt đỏ hoe, tay chân luống cuống không biết phải làm gì. Anh khóc như một đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi ngoài gốc me gốc mít vì nuôi khó, quờ quạng mãi không biết đường về. Anh hứa sẽ về nhà sớm, dành thời gian cho gia đình và quan tâm tới em nhiều hơn nữa. Đừng bỏ anh tội nghiệp. Anh cần em và con nhiều lắm em ơi.
34 tuổi, trái tim Lam thêm một lần lỗi nhịp. Facebook coi vậy mà lợi hại. Sau cái nhấp chuột accept, cô thấy đời mình phút chốc sang trang. Gã bạn học ngày xưa giờ là single dad (7), làm kiến trúc sư, giọng ngọt như mía lùi, mỗi năm đi công tác mấy chục lần khắp thế giới. Anh đã ghé Seattle mấy lần rồi đó chứ. Ước gì ngày mưa năm ấy, gặp được em. Tâm hồn sa mạc của cô như gặp cơn mưa rào tưới mát. Những đóa hoa tình thay phiên nhau nở rộ, nồng rực hương thơm. Lam tranh thủ trốn xuống basement để iMessage, facetime hay viber với người tình xa nhớ thương. Và trong cơn say tình mù quáng, Lam co giò nhảy ra khỏi vùng an toàn bao năm định sẵn,mua vé cuống cuồng về tìm gặp lại Hoan.
Trong gần 1 tuần ở cùng nhau, Lam vui lắm. Tiếng cười ấm áp, đôi mắt nâu biết nói, bàn tay thon dài, bờ vai rắn rỏi quấn quíu hồn cô. Hoan đúng là người đàn ông Chúa đã tạo ra riêng cho mình nhưng mang đi mất biệt. Để rồi trong lần gặp lại, cả hai lao vào nhau như con thiêu thân tìm thấy ánh đèn lờ mờ giữa đêm sâu thăm thẳm tối.
Mommyyyyyyyyy! Tiếng kêu của Kelly như xé nát cả buồng tim, phế phổi. Lam sững người trong vài giây ngắn ngủi, chân muốn chạy đi nhưng người thì nhào tới ôm con vô lòng siết chặt, hôn lấy hôn để làm con bé thở không ra hơi. Kelly khóc nức nở:
– Bộ mommy hết thương con rồi hả? Sao mommy hổng ở nhà đi hoài đi miết? Ngồi máy bay lâu quá, con ê hết cả mông.
Andy cao gần 1m 9, sừng sững như pho tượng đồng, thẫn thờ nhìn em với má. Edward cũng chẳng nói được lời nào. Dõi đôi mắt buồn hiu nhìn vợ, nửa giận hờn, nửa mong mỏi sum vầy.
– Sao anh biết em ở đây mà tìm?
– Anh xin lỗi vì đã hack vào email của em.
Lam nhún vai, tỏ vẻ không quan tâm lắm:
– Cả nhà đang ở đâu?
– New World.
– Khi nào anh về lại bên đó?
– Tuần sau.
– Má có về cùng không?
– Anh gửi má qua anh Hai ở tạm ít ngày.
…
– Về cùng với cha con anh nhen! Mọi chuyện cũ thôi thì đừng có nhớ nữa. Quên hết đi!
Lam đưa mắt ngó vẻ tuyệt vọng của chồng. Mấy ngày qua, Lam đã trốn chạy, đã dứt mình ra khỏi comfort zone (8) cố hữu. Tưởng chừng cô đã quên chồng, quên con,chối bỏ cái bổn phận và trách nhiệm vẫn còn sờ sờ ra đó, để đắm chìm trong làn môi và vòng tay ấm áp của người thương. Nhưng giờ Lam mới biết, cô đang tự dối lòng mình. Làm sao có thể yên ổn sống với Hoan mà không nghĩ tới Edward và 2 đứa con đang đợi mình mỗi ngày? Làm sao bỏ hết những ràng buộc bên xứ người như rễ chùm rễ cọc để về Sài Gòn không làm gì ngoài dọn dẹp, nấu nướng rồi đợi Hoan về? Mà về bên đó làm gì ngoài trống vắng? Làm sao có thể tiếp tục sống với người mà tình yêu chỉ là con số không tròn trĩnh? Cứ phải mỏi mòn hoài như thế đến cuối đời sao?
Chiều xuống dần, mặt trời như quả cầu lửa rớt xuống bờ sông rộng lớn. Những quầng mây cao thấp ánh lên màu đỏ rực cuối cùng, trước khi chìm sâu vào màn đêm hun hút thẳm sâu. Một vài chiếc ghe chở đầy hoa tết, rẽ nước, hối hả đi nhanh về phía bến. Lam nghe văng vẳng tiếng ca rộn rã “Tết Tết Tết đến rồi” hòa cùng tiếng máy chân vịt ầm ầm. Bên dưới lòng đường, người phụ nữ xắn tay áo phụ chồng, bặm môi rinh 2 chậu mai to bỏ lên xe chở đi giao khách…
Lam cầm bàn tay bé xíu của Kelly áp lên má mình rồi vuốt mái tóc bù xù của Andy đang lim dim trên ghế. Cô quay qua thì thầm mấy lời đủ để Edward nghe lọt lỗ tai:
– Anh dẫn con về khách sạn đi, em giải quyết việc của mình rồi hai đứa nói chuyện. Dư tiền quá nên 3 cha con bày đặt mua vé bay về thay vì gọi điện. Sao không để tiền đó tặng tui shopping cho đã? Mà đàn ông các anh cứ hứa đủ đường nhưng không bao giờ thực hiện. Lỡ mai này cơm không lành, canh không ngọt, lại bới đào dĩ vãng lên mà dằn vặt, có sướng ích gì không?…
NGUYỄN HỮU TÀI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét