Văn hóa là tinh hoa của một dân tộc. Có hai loại Văn Hóa: Văn Hóa Tĩnh và Văn Hóa Động. Văn hóa Tĩnh gồm có văn, thơ, ca dao, tục ngữ, hội họa, điêu khác và các đồ mỹ thuật dân gian.Văn Hóa Động là âm nhạc, các màn vũ dân tộc, phim ảnh, truyền thông trên sóng điện, và truyền hình. Trong đời sống thường nhật, văn hóa Tĩnh khép nép đâu đó và chỉ phô ra cho những người biết thưởng ngoạn. Còn văn Hóa Động thì ồn ào, xung động ở khắp mọi nơi, trong mọi thời gian, sáng hay tối, ngày thường hay ngày nghỉ lễ.
<!>
Văn hóa Động có thể thực hiện tại tư gia, sân khấu chuyên môn, đôi khi được thực hiện ở những địa điểm công cộng để phục vụ đại đa số quần chúng. Trước năm 1975, tại miền Nam Việt Nam, văn hóa Việt, Tĩnh và Động, nở rộ từ đồng bằng đến cao nguyên, từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mâu, nơi nào có người Việt là có thơ, vè, ca dao, tục ngữ, có tân nhạc, cổ nhạc, có 6 câu vọng cổ. Tại các tỉnh thành, đô thị, thì Văn Hóa Động phát triển rầm rộ, từ văn nghệ quần chúng đến văn nghệ phòng trà, sân khấu. Cùng nhịp sống với Văn Hóa Động, Văn Hóa Tĩnh lại cuồn cuộn trôi chẩy như thác lũ với hàng vạn cuốn sách Thơ, Văn, truyện Dịch, sách Nghiên Cứu và Học Thuật. Có thể nói đất miền Nam là Trái Tim của Dân Tộc, Văn Hóa miền Nam là Linh Hồn của đất nước.
Đau thương thay! Tháng Tư Đen đã đến đốt cháy cả hai nền Văn Hóa Động và Tĩnh. Hàng trăm ngàn cuốn sách bị kẻ xâm lăng vô văn hóa, thiêu sống. Hàng ngàn bản thảo thoại kịch, cải lương bị súng đạn bắn nát. Hàng vạn bản nhạc bị cùm. Ngay cả trang phục văn hóa thường nhật của người miền Nam cũng bị lên án là đồi trụy, phải nhuộm đen hay bị băm nát. Văn hóa Việt yểu mệnh. Theo lịch sử Nhân Loại, Dân tộc mà không văn hóa là dân tộc man khai, ăn lông ở lỗ. Dân miền Nam đang văn minh bỗng biến thành dân ăn lông ở lỗ. Hàng chục triệu người biến thành những xác chết biết đi, quờ quạng chộp giật lấy chút cơm thừa, canh cặn mà người cai trị vất bỏ. Sức sống của dân Việt có 4000 năm lịch sử sống thoi thóp trong trại giam, hay trên rừng hoang kinh tế mới, nhìn chung, là toàn thể dân Việt sống trong một nhà tù khổng lồ, Vô Văn Hóa, Vô Lễ Nghĩa, Vô Lương Tâm, Vô Tín Ngưỡng, và Vô Tổ Quốc
Nhưng may sao, số phận của Văn Hóa Việt chỉ như ngọn đèn leo lét trong thời gian nhà cầm quyền mới trấn áp, rồi khi được châm thêm dầu, thì lại bùng lên mạnh mẽ ở hải ngoại. Và trong một số ít người châm dầu đầu tiên cho ngọn lửa văn hóa sáng rực lên ở hải ngoại là Giáo Sư Tô Văn Lai.
Ông Tô Văn Lai, Tổng Giám Đốc của chương trình văn nghệ Thúy Nga-Paris By Night đặc sắc, đã đem lại sức sống cho văn hóa Việt ở hải ngoại, bước đầu là Paris, sau đó, huy hoàng ở miền Nam California, Hoa Kỳ, rồi lan truyền khắp nơi trên thế giới. Thực ra, ông không phải là người làm văn nghệ theo truyền thống gia đình, mà chỉ có “Gene-Văn Nghệ” đặc biệt Trời phú cho cá nhân ông mà thôi. Nguyên thủy, ông là một thầy giáo tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm. Thầy Tô Văn Lai đã làm nghề “gõ đầu thanh thiếu niên” tại nhiều trường Trung Học miền Nam. Trong suốt những năm làm Thầy Giáo, ông đã truyền đạt cho thế hệ trẻ ý thức bảo vệ Văn Hóa Việt, một nhánh Văn Hóa đặc thù trong giòng Văn Hóa Thế Giới với thi ca phong phú đến từ lớp bình dân đến trí thức. Chỉ có dân Việt mới sở hữu những nguồn ca dao bất tận với vần, điệu, và được sản sinh ra bởi hầu như toàn bộ thanh niên, thiếu nữ, người lớn hay trẻ em, không cần biết có đi học hay không, cũng như không cần biết đến nơi chế tác ra nguồn ca dao mênh mông đó phát xuất từ những cánh đồng lúa hay trên những dòng sông, tại trường lớp hay tại các buổi họp mặt. Vì thế, với tâm tư nguyện vọng chuyên chở Văn Hóa Việt một cách phong phú hơn, Giáo Sư Tô Văn Lai đã chuyển sang lãnh vực ca nhạc, văn nghệ dân gian. Thoạt đầu, ông mở cửa hàng bán băng đĩa tại Thương Xá Tam Đa. Những đĩa nhạc chọn lọc của ông đã được hàng triệu người hâm mộ. Những giọng ca, tiếng hát của các ca sĩ thời đó, được luân lưu mạnh hơn, từ các phòng trà chạy qua ngõ hẻm. Cùng với các băng nhạc sản xuất từ các hãng đĩa của Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông, hoạt động văn nghệ của Viêt Nam xuống đường rầm rộ, nở hoa khắp chốn.
Để rồi, một sáng kia, Tháng Tư Đen vụt đến, văn hóa Việt bị kẻ xâm lăng ngu đần và hung bạo kia thiêu rụi, các băng đĩa nhạc bị ném vào lửa, tiếng đàn tiếng hát yêu thương bỗng trở thành những tiếng khóc than hay nguyền rủa.
Cùng với hàng triệu người bỏ nước ra đi, Giáo Sư Tô Văn Lai đã trở thành một kẻ lưu vong, sống nhờ nước người, nhìn lại quê hương mà ngào nghẹn, tưởng nhớ đến những người vượt biên chết trên đường tìm Tự Do mà nước mắt hai hàng.
Nhưng, như đã trình bầy ở trên, người làm văn hóa có thể chết, mà văn hóa Việt không bao giờ chết. Cơ duyên kỳ ngộ đã giúp nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, và các ca sĩ Tân và Cổ nhạc qua được các xứ Tự Do. Những nghệ sĩ lưu vong lại tiếp tục viết văn, làm thơ, vẽ, và ca hát dưới ánh sáng Nhân Bản tại xứ lạ, dồi dào hơn và cay đắng hơn, nhưng nồng nhiệt hơn. Những bản nhạc chứa Lửa lại bắt đầu sáng rực trên các sân khấu. Ông Tô Văn Lai lại có cơ hội chuyên chở văn hóa Việt, nhưng dưới một hình thức khác, trí thức hơn và cao siêu hơn. Dưới ánh đèn của thủ đô nước Pháp, ông Tô Văn Lai đã viết: "Đặt chân lên đất Pháp trong mùa Giáng sinh 1976 thật là một hạnh phúc rực sáng khi đã thực hiện được giấc mơ mà mình đã ôm ấp từ khi tuổi lên 5, cắp sách đến trường làng Việt Nam để học ngôn ngữ Pháp, lịch sử Pháp, kịch ảnh văn hóa Pháp như Le Cid (P. Corneille), Andromaque (J. Racine), Harpagon (Molière), Fables (La Fontaine)…nghệ thuật ca diễn tượng trưng cho nền văn minh Pháp đã trải qua nhiều thế kỷ mà hôm nay những gì học được trong sách vở mới hiện ra trước mắt, bao nhiêu tượng đài lịch sử mà văn hóa trường lớp đã dạy mình lúc còn ở Việt Nam như Palais Royal, Ngục Bastille, Place de la Concorde, Champs Élysées, Sacré Coeur Basilica trên đồi Montmartre và khu Moulin Rouge... Trong lịch sử văn hóa Pháp cũng không thể quên 2 triết gia danh tiếng là Descartes (Je pense donc je súis) và Pascal (Le coeur a ses raisons que la raison ne connait point)."
Từ đó, với những kiến thức thu thập được từ nước Pháp hòa lẫn với tình yêu nước chân thành, Giáo Sư Tô Văn Lai đã dồn hết khả năng của mình, vượt qua mọi trở ngại về tài chánh lúc ban đầu, thành lập một cửa hàng băng đĩa để chuyên chở Văn Hóa Viêt, rồi bước thêm môt bước dài đến việc lập tập hợp các ca sĩ, nhạc sĩ cử để thành môt Trung Tâm Văn Nghệ “Thúy Nga Paris By Night”, chuyên tổ chức các buổi trình diễn văn nghệ và thu hình để dễ dàng phân phối đi khắp các cộng đồng Việt. Những đề tài trình bầy trong các buổi họp mặt văn nghệ đó đều chú trọng vào tâm tình của những người con Việt xa quê hương.
Khởi đầu, sân khấu Thúy Nga Paris còn đơn sơ, nhưng dần dần, mỗi môt băng nhạc mới là một khám phá mới, để rồi vài năm sau, với cơ địa là miền Nam California, Trung Tâm Thúy Nga Paris By Night đã như một chiếc thuyền bay vút lên cao với đoàn thủy thủ là những ca sĩ, nhạc sĩ từng được thương yêu trước 1975. Những chương trình với các đề tài yêu nước, có tính cách diễn lại lịch sử 4000 năm văn hiến đã được toàn thể các cộng đồng Việt khắp nơi trên thế giới hâm mộ. Trộn lẫn giữa những bản nhạc tha thiết hay hùng hồn là các màn vũ dân tộc, giữa những tiếng hát vui tươi hay sầu lắng là các màn kịch vui đã làm cho Trung Tâm Thúy Nga được hàng triệu người yêu mến. Giáo Sư Tô văn Lai đã để hết tâm hồn trí thức của mình mà định đặt đề tài, cách dàn dựng như một đạo diễn thực thụ. Các đề tài luôn luôn được thay đổi, mới hoài, và trên hết là tinh thần Văn Hóa Việt được tôn trọng để sau vài năm, không một người Việt hải ngoại nào mà không biết đến Trung Tâm Thúy Nga Paris.
Điều đáng nói nữa là bên cạnh các buổi phỏng vấn các nhạc sĩ lão thành, các tác giả âm nhạc, ông còn tạo ra một Nguyệt San Văn Hóa, một Channel truyền hình, Viet Face TV, để giới trẻ sinh sau 1975, nhờ các băng nhạc Thúy Nga Paris, các tờ Nguyệt San và chương trình truyền hình này mà hiểu hơn về Văn Hóa dân tộc, từ đó mà yêu quê hương hơn. Như vậy, công lao chuyên chở văn hoá của Giáo Sư Tô Văn Lai, phải nói là đáng được trân trọng. Tên của ông xứng đáng được ghi chép trong dòng lịch sử văn hóa Việt.
Ngày hôm nay, ông đã lìa xa trần thế, nhưng tên của ông nhất định sẽ ở lại mãi mãi trong tâm hồn mọi người dân Việt.
Chu Tất Tiến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét