Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :12/03/2024 - Duke Nguyên

Nghị Viện Châu Âuthông qua đạo luật Trí tuệ nhân tạo đầu tiên của thế giới
Trí tuệ nhân tạo phát triển đột biến những năm gần đây mở ra nhiều triển vọng, nhưng cũng mang đến nhiều hiểm họa đáng sợ. Hôm nay, 13/03/2024, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua đạo luật đầu tiên trên thế giới nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của người dân, có nguy cơ trở thành nạn nhân của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.Ảnh minh họa : Các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã nhất trí về đạo luật quản lý trí tuệ nhân tạo (AI). © DADO RUVIC / REUTERSTrọng Thành
<!>
Theo AFP, tại cuộc thảo luận hôm qua ở Nghị Viện Châu Âu, 12/03/2024, nghị sĩ đồng chủ trì dự luật Brando Benifei(đảng Xã Hội Dân Chủ) nhấn mạnh đây là ‘‘đạo luật đầu tiên trên thế giới mang tính ràng buộc về trí tuệ nhân tạo’’. Ông khẳng định, nhờ luật này mà những hoạt động vốn không thể chấp nhận được tại châu Âu kể từ giờ sẽ bị nghiêm cấm, ví dụ như các ứng dụng giúp nhận biết cảm xúc con người tại nơi làm việc, hay ‘‘xác định thành phần dân tộc hay tôn giáo thông qua các thông số sinh trắc học (biometrics)’’. Theo dân biểu Dragos Tudorache, đảng cánh trung, việc ra luật về lĩnh vực này là một quyết định ‘‘lịch sử và có ý nghĩa tiên phong’’ của Liên Âu, và có thể sẽ được nhiều nước khác noi theo.

Theo đạo luật vừa được thông qua, những ứng dụng trí tuệ nhân tạo ‘‘được sử dụng rộng rãi’’ phải tôn trọng các quy định về sự minh bạch, cũng như các quy định của Liên Hiệp Châu Âu về tác quyền. Các hệ thống được xem như ‘‘có nguy cơ cao’’, chẳng hạn như được sử dụng trong các cơ sở hạ tầng quan trọng, trong giáo dục, trong quản lý nhân lực, hay trong lĩnh vực an ninh, sẽ phải tuân thủ các đòi hỏi nghiêm ngặt hơn. Cụ thể là, theo đạo luật này, để được phép sử dụng, việc phân tích tác động của ứng dụng trí tuệ nhân tạo đối với các quyền căn bản của người dân là điều ‘‘bắt buộc’’. Các hình ảnh, văn bản hay video do trí tuệ nhân tạo chế ra sẽ phải được ghi rõ là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo.

Đạo luật của châu Âu cũng sẽ cấm ‘‘các hệ thống chấm điểm công dân’’ như của Trung Quốc, hay ‘‘việc nhận dạng người từ xa, tại các địa điểm công cộng, thông qua các thông số sinh trắc học’’, ứng dụng được dùng trong ngành an ninh một số quốc gia. Về điểm này, các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu được phép có một số ngoại lệ. Các ứng dụng như vậy có thể được lực lượng an ninh sử dụng trong một số trường hợp để ngăn ngừa nguy cơ khủng bố, hay để tìm kiếm nạn nhân.

Một cơ quan chuyên về trí tuệ nhân tạo, thuộc Ủy Ban Châu Âu, sẽ có trách nhiệm giám sát việc tuân thủ luật. Luật cho phép xử phạt đến 7% doanh thu toàn cầu, tùy theo mức độ vi phạm và quy mô của doanh nghiệp.

Ủy viên châu Âu phụ trách hồ sơ này, ông Thierry Breton, nhận định đạo luật này ‘‘cân bằng giữa đòi hỏi kiểm soát nguy cơ và khuyến khích cách tân.’’ Tuy nhiên, theo AFP, hiệp hội CCIA (Computeur& Communications Industry Association), một tổ chức lobby trong lĩnh vực này, đã chỉ trích các quy định ‘‘mơ hồ’’ của đạo luật, ‘‘có thể làm chậm lại tốc độ phát triển và triển khai các ứng dụng có ý nghĩa cách tân’’. Ngược lại các tổ chức bảo vệ người dân, như Đài quan sát các tập đoàn đa quốc gia ở Pháp, hay LobbyControlở Đức, thì lo ngại là các nhóm lobby sẽ gây áp lực làm suy yếu các quy định chế tài lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Sau khi được Nghị Viện Châu Âu thông qua, đạo luật còn phải được 27 quốc gia thành viên Liên Âu phê chuẩn vào tháng 4 trước khi được đưa vào hệ thống luật pháp của Liên Hiệp Châu Âu vào tháng 5 hoặc tháng 6.

Biển Đông: Đức và Philippines tái khẳng định cam kết bảo vệ luật pháp quốc tế
Căng thẳng dâng cao trong tuần qua tại Biển Đông với vụ va chạm giữa Hải cảnh Trung Quốc và Tuần duyên Philippines, khiến nhiều thủy thủ Philippines bị thương. Cơ quan truyền thông của phủ tổng thống Philippines cho biết hôm qua, 12/03/2024, trong cuộc họp báo chung tại Berlin, tổng thống Ferdinand Marcos Jr. và thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tái khẳng định cam kết ‘‘thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật pháp’’.


Thủ tướng Đức Olaf Scholz (P) và tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. họp báo tại Berlin, Đức, ngày 12/03/2024. REUTERS - Liesa Johannssen
Trọng Thành
Theo Hãng thông tấn Nhà nước Philippines (PNA), thủ tướng Đức khẳng định: ‘’điều quan trọng đối với mọi người là luật pháp hiện hành phải được tuân thủ. Chúng tôi đã bàn về vấn đề này hôm nay, và tôi đã nói rõ rằng chúng tôi ủng hộ Philippines trong việc bảo đảm rằng các lợi ích hợp pháp của mình được bảo vệ’’.Tổng thống Philippines nhấn mạnh tầm quan trọng của giao thông hàng hải ở Biển Đông, nơi chiếm đến 60% vận tải đường biển toàn thế giới, và ‘‘đây không chỉ là mối quan tâm của Philippines, của khối ASEAN, hay khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, mà là của toàn thế giới.’’

Tổng thống Philippines Marcos Jr. cũng cảm ơn thủ tướng Đức tiếp tục ủng hộ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), tái khẳng định cam kết ủng hộ Philippines bảo vệ chủ quyền, hỗ trợ lực lượng Tuần duyên Philippines.

Đức tham gia huấn luyện quân đội Philippines từ năm 1974 và là đối tác quốc phòng lâu đời thứ hai của nước này. Trước khi lên đường đến Berlin, tổng thống Marcos Jr. đã ký Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng hải giữa hai nước.

Cũng trong cuộc họp báo nói trên, tổng thống Philippines nhấn mạnh Manila ‘‘vẫn cam kết giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn, tuy nhiên Philippines, như bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào khác, sẽ tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình theo luật pháp quốc tế.”

Manila không bác đề xuất của Trung Quốc, nhưng phủ nhận yêu sách ‘‘đường 10 đoạn’’
Về các đề xuất Trung Quốc mới đưa ra để tìm cách làm giảm căng thẳng, theo hãng tin Philippines GMA, hôm qua, tổng thống Marcos Jr. khẳng định Philippines không bác bỏ bất cứ đề xuất nào của Bắc Kinh nhằm giải quyết vấn đề, nhưng không chấp nhận yêu sách ‘‘đường 10 đoạn’’ (thường được gọi là đường chữ U hay ‘‘đường lưỡi bò’’).

Đức và Philippines siết chặt hợp tác trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông gia tăng. Hồi tháng 01/2024, lần đầu tiên một ngoại trưởng Đức công du Manila từ một thập niên. Vào thời điểm đó, bộ Ngoại Giao Đức lên án ‘‘các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng biển rộng lớn, đã bị Tòa Trọng tài Thường trực bác bỏ vào năm 2016’’.

Drone của Ukraina tấn công trụ sở cơ quan an ninh Nga tại Belgorod

Ukraina dồn dập sử dụng drone tấn công vào nhiều vị trí chiến lược trên lãnh thổ Nga. Hôm nay 13/03/2024, đến lượt trụ sở Cơ Quan An Ninh Liên Bang FSB tại Belgorod, miền tây nước Nga, bị tấn công. Nhà máy lọc dầu Riazan, cách thủ đô Matxcơva 200 km về hướng đông nam, bị oanh kích trong ngày thứ hai liên tiếp. Tổng thống Vladimir Putin lên án Kiev muốn làm nhụt chí công luận Nga trước ngày bầu cử tổng thống.


Ảnh minh họa : Một trung tâm thương mại bị hư hại ở Belgorod, Nga, ngày 15/02/2024. AP
Thanh Hà
Hãng thông tấn Nga TASS trích dẫn nhiều nguồn tin từ chính quyền Belgorod sáng nay cho biết, trụ sở của cơ quan FSB tại thành phố này bị hai drone của Ukraina tấn công. Cuộc tấn công không gây thiệt hại nhân mạng, nhưng theo thống đốc vùng Belgorod, ông Viatcheslav Gladkov, được AFP trích dẫn, « mặt tiền và nhiều cửa sổ của tòa nhà bị hư hại ».

Ngoài trụ sở của FSB tại Belgorod, Ukraina tiếp tục nhắm vào nhà máy lọc dầu Riazan của Nga, gây hỏa hoạn cho nhà máy này. Trên mạng Telegram, thống đốc tỉnh Riazan, ông Pavel Malkov, ghi nhận « một số người bị thương, (…) Tất cả các đơn vị cứu hộ đang có mặt tại hiện trường ». Nhà máy lọc dầu Riazan là một trong những cơ sở « lớn nhất cung cấp xăng dầu cho khu vực miền trung nước Nga và do tập đoàn dầu khí Rosneft quản lý ». Hôm qua, nhà máy lọc dầu này là mục tiêu bị drone Ukraina nhắm tới.

Rất xa khu vực Riazan, thống đốc vùng Leningrad cũng trên mạng Telegram sáng nay loan báo đã bắn hạ được drone của Ukraina gần khu vực nhà máy lọc dầu ở Saint-Petersburg.

Trong thông cáo sáng nay, bộ Quốc Phòng Nga tổng kết trong đêm đã « triệt hạ 58 drone tại các vùng Belgorod, Briansk, Koursk, và Voronej », bốn vùng gần biên giới Ukraina.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Nhà nước Rossia 1 và hãng thông tấn Ria Novosti, tổng thống Vladimir Putin cho rằng các vụ tấn công dồn dập nói trên cho thấy Ukraina « đang thất bại » trên chiến trường. Chủ nhân điện Kremlin đồng thời lên án Kiev muốn làm nhụt chí cử tri Nga trước cuộc bầu cử tổng thống từ ngày 15 đến 17/03/2024.

Chiến dịch tuyên truyền trước bầu cử tổng thống Nga
Cũng chính vì bầu cử tổng thống Nga đang đến gần, Matxcơva và các giới chức địa phương ngừng đưa tin hay chỉ loan tin lấy lệ về tình hình tại một số ngôi làng Nga sát biên giới Ukraina bị tấn công.

Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Anissa El Jabri tường thuật :

« Không còn trông thấy hình ảnh các phóng viên đội mũ bảo hiểm, mặc áo chống đạn, tường thuật trực tiếp từ Belgorod như hồi cuối tháng 12 năm ngoái. Khi đó, Matxcơva khẳng định Ukraina đã bắn sang lãnh thổ Nga làm 22 người thiệt mạng. Lần này, các giới chức liên quan nhấn mạnh đến những thiệt hại chủ yếu về vật chất. Người ta phải tìm kiếm thông tin và hình ảnh trên các mạng xã hội, vì các kênh truyền hình không phát đi bất kỳ một hình ảnh nào về các ngôi làng của Nga ở gần biên giới bị tấn công. Lực lượng an ninh khẳng định đã đẩy lùi được một đợt tấn công của Ukraina trên lãnh thổ Nga. Những tờ báo giấy có lập trường độc lập nhất thì chỉ đưa tít theo kiểu : ‘Cơ Quan An Ninh Liên Bang FSB thông báo là ’, ‘bộ Quốc Phòng cho biết là…’

Ba ngày trước bầu cử tổng thống, chủ trương của Matxcơva rất rõ ràng : Không có vấn đề gì trong cái mà chính quyền Nga gọi là ‘chiến dịch đặc biệt’.

Chiều qua, 12/03/2024, bản tin thời sự trên các đài truyền hình đều mở đầu với thông báo của bộ Quốc Phòng là Nga vừa giành được một ngôi làng ở Donetsk, một vùng lãnh thổ nay thuộc chủ quyền của Nga. Kèm theo đó là rất nhiều hình ảnh xe tăng, đạn pháo bắn đi… »

Trung Quốc không có ngoại trưởng mới sau kỳ họp ‘‘Lưỡng Hội’’

Kỳ họp ‘‘Lưỡng Hội’’ Trung Quốc kết thúc mà không có thay đổi lớn về nhân sự nào, và đặc biệt là không có ngoại trưởng mới thay ông Tần Cương, bị cách chức hồi mùa hè năm ngoái. Trên đây là ghi nhận của hãng tin Anh Reuters hôm nay, 13/03/2024.


Ảnh minh họa : Ông Tần Cương (P), khi còn là ngoại trưởng Trung Quốc, tiếp ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18/06/2023. REUTERS - LEAH MILLIS
Trọng Thành
Trước thềm kỳ họp Lưỡng Hội, có một số đồn đoán rằng ông Lưu Kiến Siêu (Liu Jianchao), một quan chức cao cấp trong ngành ngoại giao, có thể được bổ nhiệm làm ngoại trưởng, nhưng điều này đã không xảy ra. Như vậy ông Vương Nghị (Wang Yi), Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại của đảng Cộng Sản Trung Quốc, tiếp tục kiêm nhiệm chức ngoại trưởng.

Reuters dẫn lời một số nhà quan sát, cho rằng với việc giữ nguyên nhân sự lãnh đạo bộ Ngoại Giao, chủ tịch Trung Quốc có thể ‘‘đang ưu tiên cho các vấn đề đối nội’’, trong bối cảnh kinh tế ảm đạm do mức tiêu thụ giảm sút, thị trường bất động sản trì tệ, tỉ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ, hơn là chính sách đối ngoại, được coi là sẽ tiếp tục đường lối như hiện nay.

Theo báo Nhật Nikkei Asia, thông điệp chính của lãnh đạo ngoại giao Vương Nghị trong cuộc họp báo hôm thứ Năm tuần trước, bên lề kỳ họp Lưỡng Hội, cho thấy Bắc Kinh tiếp tục chính sách thân Nga và thể hiện là Trung Quốc đang đứng đầu các nền kinh tế mới trỗi dậy ‘‘phương Nam’’. Theo ông Vương Nghị, ‘‘Trung Quốc và Nga đã thiết lập một mô hình mới trong mối quan hệ nước lớn, hoàn toàn khác với thời Chiến tranh Lạnh”. Đồng thời ông ca ngợi trao đổi kinh tế song phương mật thiết hơn giữa hai nước láng giềng, đặc biệt trong bối cảnh phương Tây gia tăng trừng phạt chống Nga kể từ khi Matxcơva xâm lược Ukraina.

Lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc chỉ trích gay gắt Hoa Kỳ, với danh sách trừng phạt mở rộng ‘‘đạt đến mức độ hoang tưởng không thể chấp nhận được’’. Dù sao, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc cũng tỏ ra thận trọng trong việc chỉ trích phương Tây nói chung. Trong quan hệ với Liên Âu, ông Vương Nghị nhấn mạnh là giữa hai bên, ‘‘không có xung đột lợi ích cơ bản và mâu thuẫn chiến lược địa-chính trị".

Lãnh đạo Trung Quốc dường như thận trọng hơn trong việc lựa chọn tân ngoại trưởng, rút ra ‘‘những bài học’’ từ trường hợp thăng tiến nhanh chóng của cựu ngoại trưởng Tần Cương. Vẫn Nikkei Asia, trong bài ‘‘Lời khuyên của Putin có khiến ông Tập thanh trừng ngoại trưởng?’’ nhận định có thể ông Tần Cương đã bị cách chức do áp lực của Nga.

Việc Bắc Kinh ‘‘thay ngựa giữa dòng’’ diễn ra vào lúc Trung Quốc được ghi nhận là có chiều hướng chuyển sang chính sách ngoại giao giữ khoảng cách với Nga về cuộc chiến tại Ukraina, với việc cử một đặc phái viên về Ukraina đi châu Âu, trước cuộc phản công mùa hè 2023 của Ukraina. Ngoại trưởng Tần Cương ắt hẳn là người chịu trách nhiệm chính về sáng kiến cử phái đoàn Trung Quốc tìm giải pháp hòa bình tới Ukraina.

Theo Nikkei Asia, ‘‘Nga đã quy cho Tần Cương tội thân Mỹ khi làm đại sứ tại Hoa Kỳ trong một thời gian ngắn, trước khi được bổ nhiệm làm ngoại trưởng’’. Việc cách chức lãnh đạo bộ Ngoại Giao cũng đã có thể được tiến hành như một biện pháp ‘‘phòng ngừa’’ trước thượng đỉnh Tập Cận Bình - Joe Biden tại Mỹ vào tháng 11/2023, theo một nguồn tin Trung Quốc gần gũi với hồ sơ này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét