Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2024

Quốc Học Huế - Trần Xuân Thời


Các trường trung học thường mang tên một danh nhân như Pellerin, Taberd, Puginier, Pétrus Ký, Chu Văn An, Trưng Vương, Gia Long…nhưng đặc biệt một ngôi trường tọa lạc tại đất thần kinh, biểu tượng cho nền giáo dục quốc gia mệnh danh là “Trường Quốc Học” (Collège National) sánh với danh xưng “Quốc Học Viện” vào đời nhà Trần…Quốc học, trường trung học đầu tiên của Việt Nam được thành lập năm 1896, năm Thành Thái thứ 8. Tên trường “Quốc Học” cũng thăng trầm theo vận nước nổi trôi. Năm 1907, chính phủ bảo hộ Pháp đã ép Vua Thành Thái thoái vị và phong Vua Duy Tân lên kế vị. Năm 1916 Vua Duy Tân bỏ kinh thành theo nghĩa quân kháng chiến chống Pháp. 
<!>
Người Pháp phong Vua Khải Định kế vị Vua Duy Tân. Vua Khải Định băng hà năm 1925. Vua Bảo Đại nối ngôi và muốn vinh danh tiên đế nên đổi tên trường Quốc học thành trường Khải Định. Sau năm 1954 trường được đổi tên là Trường Ngô Đình Diệm, nhưng đến năm 1956, dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, châu lại về hiệp phố, danh xưng Quốc Học lại trở về với mái trường xưa.

Quốc Học đã đào tạo biết bao nhiêu nam thanh, nữ tú phục vụ trong mọi ngành sinh hoạt của quốc gia. Năm nay, lễ kỷ niệm 128 năm (1896-2024)Quốc Học không những sẽ diễn ra tại miền sông Hương núi Ngự, chốn cố đô nghiêm mật mơ màng mà sẽ được cử hành khắp năm châu bốn bể vì ngày nay đâu đâu cũng in hình dấu vết của cựu học sinh Quốc Học.

Nếu quan niệm gặp nhau là một cơ duyên, vào chung trường, ngồi chung lớp là một sự tiến bộ và cùng tốt nghiệp ra trường là một sự thành công thì những cựu học sinh tốt nghiệp Quốc Học đều đã công thành danh toại.

Tôi còn nhớ vào năm 1958, khoảng cuối hè và đầu thu, tôi nạp đơn vào lớp Đệ Tam Quốc Học. Như truyền thống đã định, tất cả ứng viên phải trải qua một kỳ thi nhập học. Tôi không nhớ đã thi những môn gì nhưng đây là một loại &quot;contest” đã loại một số học sinh không được nhận vào ngôi trường nổi tiếng nầy.

Năm Đệ Tam là năm học tà tà, dưỡng sức cho năm đệ nhị chuẩn bị xông pha trường thi trận bút. Năm Đệ nhị “tình hình chiến sự” có vẻ gây cấn hơn, chẳng những phải “gạo” bài cho đệ nhất và đệ nhị lục cá nguyệt mà còn phải học kỳ cho kỳ thi Tú tài I cuối năm. Thường thường tôi dùng 2/3 thì giờ để học bài thầy giảng trong chương trình và 1/3 đọc thêm những gì không được giảng dạy nhưng có liên quan đến chương trình, như thế sẽ khỏi bỡ ngỡ khi đề thi liên hệ đến kiến thức tổng quát. Cũng theo cách học nầy mà tôi trúng tuyển dễ dàng hai kỳ Tú tài I và II.

Đã khá lâu nên không nhớ rõ hết các đề thi, duy chỉ có hai đề thi có phần lý thú nên khó quên. Đó là đề thi Tú Tài I-1960 về văn chương VN “Con người do 3 yếu tố tạo thành: Địa phương, giống tộc và thời đại, bạn hãy căn cứ vào văn chương thế kỷ thứ XIX để chứng minh câu nói trên”. Đề thi nầy phỏng theo đề thi “Dissertation litteraire “, kỳ thi BAC I tại Paris, thập niên 1950, về văn chương Pháp, thế kỷ thứ XIX mà tôi đã có dịp đọc qua luận văn bằng Pháp ngữ, chỉ khác là thay vì luận về văn chương Pháp thì luận về văn chương Việt Nam thế kỷ thứ XIX. Nền giáo dục Tậy phương có ưu điểm là thường in lại các đề thi và bài giải vế văn học, triết học cũng như toán học, khoa học, của các kỳ thi trong quá khứ để giúp học sinh tự luyện thi. Nền giáo dục Viêt Nam thời bấy giờ chưa đạt đế trình độ đó.

Khi còn học lớp Đệ Tứ, tôi và vaì người bạn khác thường mở các đề toán Géométrie và Algèbre trong “Sách Học Trò” ra làm thử. Bài nào không giải được thì mở “Sách của Thầy” ra xem bài giải. Cứ như thế mà giải hết các bài trong sách của Gs Bossé thì rất dễ dàng giải quyềt các nan đề trong  phòng thi.

Đề thi triết Tú tài 2-1961 cũng rất gọn gàng và dễ nhớ “Vai trò của trí tuệ trong tri giác ngoại giới”. Trong cả hai trường hợp, đọc qua đề thi thì hình như dàn bài đã có sẵn trong trí, tôi viết một mạch 3 giờ liền, đọc lại và nạp bài, ra khỏi phòng thi, thấy rất thoải mái vì chẳng những không “bí” mà còn viết thao thao bất tuyệt, tự biết thế nào cũng “dính”.Tuy vậy những lần đi nghe xướng danh cũng rất hồi hộp. Cái hồi hộp lý thú của tuổi học trò. Những năm học ở trung học thi cử liên miên khiến cho học sinh phải lo âu thường trực. Càng lo âu thì càng dễ trở nên thất vọng. Có người không chịu nổi cái “đệ nhất buồn là cái hỏng thi” nên phải quyên sinh. Học chế của mình kể ra cũng khắt khe. Cô, thầy thì nghiêm khắc vì “Giáo bất nghiêm thì sư chi đọa”. Bài vở phần lớn học thuộc lòng, vận dụng trí nhớ nhiều hơn suy luận. Chúng ta thuờng nghe nói: “gạo như gạo vạn vật…”

Bây giờ thì tất quả đều quá vãng, có còn lại chăng chỉ dư âm thôi! “Thôi đã xa rồi vạn gót hương Của người đẹp đến tự muôn phương

Xa rồi những bước không hò hẹn
Đã bước trùng nhau một nẻo đường”

Nẻo đường Quốc Học của thời niên thiếu vẫn luôn luôn chập chờn trong trí
tưởng với hình ảnh của con sông xưa, thành phố cũ.

“Áo em lụa trắng sông Hương
Qua đò Thừa Phủ nhớ thương rạt rào”

Nỗi nhớ, niềm thương đó vẫn canh cánh bên lòng như bản nhạc vàng ru trọn đời mình. Dù vì quốc biến nên có những người đi không về. “Xa xôi rồi quên ước thề”! Hoài niệm về trường xưa, bạn cũ không chỉ là hoài niệm đơn thuần tình cảm mà còn tiềm ẩn tinh túy của Quốc học là những gì lưu lại sau khi đã quên hết “La culture (de QH) c’est ce qui reste après on a tout oublié”.

Xuất thân từ Quốc Học cũng như xuất thân từ cửa Khổng sân Trình. Con người hấp thụ được tinh hoa của cổ và tân học. Nếu con người do ba yếu tố tạo thành: Hoàn cảnh, thời đại và giống tộc thì Quốc học đã là hoàn cảnh, là môi trường tốt cho cựu học sinh triển nở, khiến cho nam thanh nữ tú, hàng hang, lớp lớp từ thế hệ này sang thế hệ khác xuất thân từ ngôi trường thân thương nầy và đã trở thành biết bao anh tài cho Tổ quốc. Cái tinh hoa của nền Quốc Học là ngoài khả năng, kiến thức tổng quát, cựu học sinh được bồi dưỡng tinh thần bằng niềm hãnh diện về trường xưa, bạn cũ và quan niệm về giáo dục qua phong cách giảng dạy, lối sống và triết lý giáo dục của nền quốc học Việt mà một vị Nho sĩ, Cụ cố Ngô Đình Khả, đã được bổ nhiệm nhậm chức Chưởng Giáo của Quốc Học.

Triết lý giáo dục nhằm vào chủ đích không những làm cho con người giỏi giang hơn (trí dục) mà chính là làm cho con người sống cao thượng hơn (đức dục). Ngày nay học tập để ngày mai giúp đời. Giúp đời chứ không chỉ biết vinh thân, phì gia. Nguyễn Du Tiên sinh rất hữu lý khi nói lên triết lý hành động qua lời Từ Hải:

“Phong trần mài một lưỡi gươm.
Những loài giá áo túi cơm sá gì”.

Lưỡi gươm đây còn mang ý nghĩa là đem sở học và sự hiểu biết để phụng sự nhân quần xã hội, sửa trị những sự việc trong xã hội cho chính trực như tinh thần Nguyễn Công Trứ

“Trong lăng miếu ra tài lương đống.
Ngoài biên thùy rạch mũi can tương”.

Lợi ích của sự giáo dục là để phát triển kiến thức về luân thường đạo lý (đức dục) và kiến thức chuyên môn (trí dục). Nền quốc học chủ trương “Tiên học lễ hậu học văn” chú trọng đến sự phát triển con người toàn diện về cả ba khía cạnh đức dục, trí dục và thể dục, cốt đào tạo những người có đức hạnh, trí óc sáng suốt, có liêm sỉ, để cải taọ xã hội chính trị, hơn là chỉ chú trọng đào tạo những người có kiến thức chuyên môn như nền giáo dục Tây phương.

Nhận chân được khuyết điểm là có khoa học mà vô lương tâm chỉ đem lại phiền não, bại hoại tâm hồn. “Science sans conscience n’est que ruine de l’âme”, ngày nay nhiều đại học ở Tây phương tìm cách nhân văn hóa các chương trình khoa học bằng cách đưa các môn triết học, nhân chủng, xã hội, đạo đức, tâm lý… vào khóa học để giúp sinh viên tốt nghiệp sẽ trở nên con người toàn diện, hiểu người, biết mình, hơn là con người kỹ thuật, máy móc (robot).

Sự học tô điểm cuộc đời, giúp chúng ta khám phá những kỳ hoa dị thảo trong vườn hoa kiến thức của nhân loại. Càng hiểu biết con người càng trầm tĩnh, ít lo âu, ít hoảng hốt, tâm bớt động và nhờ đó thái độ được trầm tĩnh và tránh đuợc lầm lẫn hay sợ sệt:

(1) Ít lo âu vì nhận diện được vấn đề và biết cách ứng phó đúng với câu “Khi vui đến thì hãy vui mà chớ kiêu căng, tự phụ, khi tai họa đến thì phải suy nghĩ mà chớ buồn phiền” Chính nhờ sự suy nghĩ mới có thể mưu sinh thoát hiểm thay vì buồn phiền sẽ sinh ra nản chí và thất hại.

(2) Tránh được lầm lẫn là nhờ khả năng nhận biết phải trái, phân rõ trắng đen qua kinh nghiệm giải quyết sự việc của tiền nhân và của người đương thời. Ngày nay khoa quản trị học (management science) đào tạo những chuyên viên quản trị biết kỹ thuật tổ chức, điều hành và phương pháp giải quyết vấn đề. Tiêu chuẩn phán xét phải, trái, không hẳn do ý kiến của một cá nhân, vì ý kiến cá nhân có khi lầm lẫn. Do đó ý kiến đúng hay sai phải là ý kiến của đa số trong một hoàn cảnh và thời gian nào đó. Tiêu chuẩn đúng sai do đa số quyết định “What is right or wrong being determined by the will of the majority” (John Locke,– 1679). Ý kiến của đa số hay là ý chí chung có thể được tham khảo qua nhiều phương thức, đặt nặng về luân thường, đao lý, tình nghĩa và nhẹ về lý, hoặc do phong tục tập quán lấy ý kiến chung ở chốn đình trung, hoặc do biểu quyết, hay trưng cầu dân ý qua lá phiếu.

(3) Ít sợ sệt vì hiểu được vấn đề, không lo ngại và chấp nhận dấn thân mà không e dè sợ sệt, hùng tâm dũng chí. Với ba đặc điểm ít lo âu, tránh lầm lẫn, ít sợ sệt; người khôn ngoan thường nhận xét sự việc một cách khách quan, theo lẽ phải hơn là thiên kiến. Để đạt đến tính cách khách quan, sự nhận xét phải có tính cách vô ý, vô tất, vô cố và vô ngã:

(1) Vô ý: nghĩa là không khư khư theo ý riêng của mình mà phải chấp nhận bàn bạc để tìm ra lẽ phải và làm theo lẽ phải để tạo sự đồng thuận trước khi thi hành công tác. “Discussion is the anvil upon which the spark of the truth is struck”. Tiếp xúc cá nhân, chia sẻ và đối thoại là phương thức để tìm ra lẽ phải.

(2) Vô tất: Đừng vội quyết đoán là công việc làm được hay không làm được mà phải tạo cơ hội để thực hiện mới biết dễ hay khó. Không nên chủ quan bác bỏ ý kiến của người khác theo nhãn quan thiển cận của mình mà phải biết chấp nhận thử thách.

(3) Vô cố: Không nên cố chấp, nệ cổ mà phải biết chấp nhận sáng kiến.

(4) Vô ngã: Cái tôi là đáng ghét (le moi est haissable) đừng vì quyền lợi cá nhân hay phe phái mà sinh ra mù quáng, nhìn bạn thành thù, nhìn thù thành bạn, lộng chân thành giả, lộng giả thành chân.

Bốn phương cách xét định công việc nêu trên giúp chúng ta đạt được sự chánh ý trong vấn đề suy luận và phát biểu nhằm giảm sự xung khắc về tư tưởng và hành động. Dụng đích của sự học không những chỉ để gia tăng sự hiểu biết mà còn giúp phát triển các đức tính khác như Đức Khổng Tử đã giáng cho Tử Lộ sáu điều tai hại của sự thất học:

(1) Người ham điều nhân mà không học thì bị cái hại là ngu muội.
(2) Người ham đức trí mà không học bị cái hại là phóng đãng.
(3) Người trọng chữ tín mà không học thì có hại là dễ bị lừa gạt.
(4) Người thích sự ngay thẳng mà không học thì hóa ra nóng nảy.
(5) Người dũng cảm mà không học thì hoá ra phản loạn.
(6) Người cương quyết mà không học thì hóa ra cường bạo.

Giáo dục không chỉ là học từ chương trích cú để lãnh được mảnh bằng theo sách vở mà phải biết suy luận, áp dụng kiến thức vào những hoàn cảnh khác nhau vì mỗi hoàn cảnh đòi hỏi một phương cách riêng để giải quyết vấn đề. Do đó” tri và hành phải hợp nhất”. Học mà không biết đem sự hiểu biết áp dụng vào đời sống thì kiến thức đó hoàn toàn vô dụng, cho nên Luận Ngữ có câu:

“Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ”.

Tây Phương cũng có câu” Action without knowledge is better than knowledge without action”. Hành mà không học tốt hơn học má không hành.!. Aristote cũng lưu ý mục đích kiến thức là để áp dụng vào đới sống. Tri hành hợp nhất. “The purpose of knowledge is action”. Học mà đem ra áp dụng được thì chẳng phải vui lắm sao! Tham gia chiến trận khi quôc gia lâm nguy, thưc hiện các công tác sinh hoạt xã hội, chính trị, văn hoá, kinh tế, y tế, giáo dục khi thái bình…đều là những cơ hội học hỏi chứ không phải chỉ đến nhà trường mới gọi là học.

Theo thầy Tử Lộ thì “Cai trị nhân dân, cúng tế thần đất đai, mùa màng, thì cũng là học, hà tất phải đọc sách rồi mới gọi là học”. Quan niệm này rất hữu lý và tiến bộ vì ngoài lối học sách vở, còn phương pháp huấn luyện OJT (On the job training) ngày nay rất thịnh hành tại các nước tân tiến.

Muốn học hỏi trước tiên phải:

(1) Khiêm nhường và phục thiện Những người kiêu căng, chỉ biết nói và không biết nghe thì không học hỏi gì được. Khiêm nhường tức là hỏi người dưới không lấy làm thẹn “Bất sỉ hạ vấn”.

(2) Có thiện chí tìm hiểu hỏi han. Đức Khổng Tử nói: “Người nào không hỏi phải làm sao? phải làm sao? thì ta cũng chẳng có cách nào chỉ bảo cho được. Kẻ nào không hăng hái muốn hiểu thì ta không thể giúp cho hiểu được, kẻ nào không tỏ ý kiến thì ta không thể giúp cho phát biểu ý kiến được. Ta vén lên cho một góc mà chẳng tự tìm được ba góc kia thì ta không giảng cho thêm nữa”.

Thế thì giáo huấn cũng còn tùy người, tùy tánh nết, tùy trí tuệ, tư cách của mỗi nguời, cũng như may áo, tùy kích thước của mỗi người.&quot; Cưỡng bách giáo dục tại một số quốc gia tân tiến thường đến lớp 9 (đệ tứ) hoặc lớp 12 (đệ nhất) phần học còn lại là do thiện chí muốn tiếp tục sự học. Phương pháp giáo huấn tùy người có từ trên 2000 năm về trước, ngày nay nhiều đại học đang áp dụng các chương trình giáo dục “University without wall” và các chương trình “Non traditional” tức là cá nhân hóa chương trình cho phù hợp với sở trường thực dụng của mỗi cá nhân.

Con nguời được thọ tạo như những viên ngọc quý. Nhưng ngọc bất trác thì bất thành khí, hay như những cây gỗ qúy, nhưng nếu không biết trau dồi học hỏi thì gỗ quý sẽ biến thành gỗ mục, mà “Gỗ mục thì không chạm khắc gì được, cũng như vách bằng đất bùn thì không tô vẽ gì lên được”. Phương pháp học hỏi hữu hiệu là vận dụng tri giác (thu nhận kiến thức qua giác quan – perception) mà nghe và thấy là hai giác năng quan trọng nhất giúp con người thu nhận ngoại giới. Do đó, cổ nhân khuyên là “Nên nghe cho nhiều, điều gì còn nghi ngờ thì để đó, tìm hiểu thêm. Điều gì biết rõ ràng, chắc chắn thì nên nói, nhưng nên nói một cách ôn tồn.” và “Nên thấy cho nhiều, những gì chưa được rõ thì để đó đừng làm, còn những gì biết
rõ thì cũng phải làm một cách cẩn thận như vậy sẽ ít phải ăn năn”.

Trong thiên hạ thường có 4 hạng người:

(1) Không ai dạy mà biết được đạo lý là hạng ưu tú – Sinh nhi tri chi giả, thượng dã – Đó là hạng người thông minh vốn sẵn tính trời, là hạng ưu việt.

(2) Học rồi mới biết là hạng trung – Học nhi tri chi giả, thứ dã – gồm đa số khoa bảng, chuyên viên.

(3) Dốt mà chịu học là bậc thấp – Khốn nhi học chi, hữu kỳ thứ dã – là những thành phần hiếu học để thăng tiến.

(4) Dốt mà không chịu học là hạng cuối cùng của xã hội – Khốn nhi bất học, dân tư vĩ hạ hỉ – Hạng thứ tư nầy đa số bất cần đời, sinh lộn kiếp. “Cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay vần đến đâu?” 

Tại Hoa Kỳ nguời ta cũng thường đề cập đến ba hạng chuyên viên:

(1)-Hạng chuyên viên ưu tú thường nêu ra sáng kiến, phát minh. “Professionals with great minds talk about ideas”

(2)- Hạng chuyên viên trung bình thường bàn về những chuyện đang xảy ra “Professionals with average minds talk about current events”; và

(3)- Hạng chuyên viên thường hay bàn chuyện người khác.” Professionals with small minds talk about people”. Dù thuộc loại chuyên viên nào chăng nữa, trong một ngày mình nên xét ba điều:

(1) Mình giúp ai việc gì, có giúp hết lòng không?
(2) Mình giao du với bạn bè có giữ được chữ tín không?
(3) Mình có học hỏi thêm điều gì mới mẻ trong ngày không?

“Mỗi ngày biết thêm điều mình chưa biết, mỗi tháng không quên những điều mình đã biết như vậy là biết học rồi đó”. Nhưng cũng nên biết rằng “Biết học không bằng ham học và ham học không bằng vui mà học”. “Nếu mình yêu thích công việc mình làm, thi xem như suốt đời không làm gì hết “! Cũng hợp lý vì khi yêu thì tam tứ nuí cũng trèo, thất bát sông cũng lội, thập ngủ đèo cũng qua”, không chỉ áp dụng trong tình yêu nam nữ mà còn thể hiện trong nhiều lãnh vực của đời sống như yêu nghề, nghiệp, yêu quê hương, nhân loại

Diễn trình giáo dục là diễn trình thu nhận kiến thức, tinh luyện suy luận và phát triển sáng tạo. Tuy vậy, đó chỉ mới là giai đoạn đầu hay nói khác đi là giai đoạn “cách vật chí tri”, hiểu biết sự việc ngoại giới mà chứng chỉ, bằng cấp là biểu tượng cho giai đoạn này. Nếu đến giai đoạn này rồi tự thõa mãn và ngưng học hỏi, tu thân, thì chỉ là hiểu biết vòng ngoài, nghĩa là mới thu nhận được kiến thức ngoại giới nhưng chưa đạt đến trình độ: “Thành tâm, chánh ý, tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ”. Triết lý giáo dục cổ của Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng của Nho học, dùng Tứ Thư, Ngũ Kinh làm sách giáo khoa qua các triền đại quân chủ …. giúp con người phát triển đạo tu thân và đạo trị quốc qua 8 phương cách chính:

(1)-Cách vật: tìm tòi học hỏi (investigation of things); 

(2-) Trí tri: để đạt sự hiểu biết thấu đáo cái nguyên lý của sự vật, (extension of knowledge to the fullest); 

(3)- Thành tâm (the will becomes sincere): mỗi khi hiểu rõ sự kiện tâm sẽ thành thực; 

(4)- Chánh ý (the mind is rectified): Tâm thành thì Ý sẽ được chính trực ;

(5)- Tu thân (personal life is cultivated); nhờ đó thân sẽ đươc tu dưỡng; 

(6)- Tề gia (the family regulated): gia đình sẽ an vui, phu phụ hòa gia đạo thành; (7)- Trị quốc (the state is put in order): Quốc gia sẽ được an trị và 

(8)- Bình thiên hạ (and peace is established throughout the world) Thế giới sẽ được thái bình.

Nói chung, khoa bảng “có học”, dành cho những nguời tự học hay được giáo dục tại nhà hoặc tại học đường vể văn hoá phổ thông hay nghể nghiệp nhưng không đủ để được gọi là trí thức, nếu không áp dụng kiến thức, thực hành những gì mình thu nhận đuợc. Cho nên người đời có câu “Thà không học mà vẫn xong pha xây dựng nhân quần xã hội, còn hơn có học mà ù lì bất động- “Action without knowledge is better than knowledge without action”.

Kiến thức thu nhận được ở nhà trường từ tiểu học đến đại học chỉ là kiến thức căn bản ai cũng có thể học được miễn có thì giờ và phương tiện để trở thành chuyên viên. Đó là sự thực, vì nhìn vào xã hội chúng ta thấy sinh đồ càng ngày càng đông và trường học càng ngày càng nhiều.

Học để hiểu biết và hiểu biết hơn về một ngành chuyên môn để trở thành “chuyên viên” (professional) là điều tốt, nhưng nếu chỉ để “cầu mong an nhàn, sống lâu giàu bền’, còn việc nước việc cộng đồng, xã hội, aí hữu, không thèm nghĩ đến thì chưa đạt đến trình độ “Trí thức”.

Để đào luyện (formation) trí thức, triết lý giáo dục nhân bản của nền Quốc Học không ngưng lại ở mức độ thu nhận kiến thức chỉ để trở thành chuyên viên mà còn tiến đến chủ đích làm cho con người trở nên cao thượng hơn: “Thương vị đức, hạ vị dân”.

Phối hợp đạo lý làm người và kiến thức để giúp đời, là dấu chỉ của người/trí thức, của kẻ sĩ. Cụ Nguyễn Công Trứ đã từng quan niệm:

“Kinh luân khởi tâm thượng,
Binh giáp tàng hung trung.
Vũ trụ chi giai ngô phận sự.
Nam nhi đáo thử thị hào hùng”.

‘Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách’. Kẻ sĩ không phải là hạng người ngồi khoanh tay khi sơn hà nguy biến! Phải chăng Quốc Học là trường xây dựng nền tảng cho nền Việt học, phối trí giữa kiến thức và tâm đạo. Kiến thức có thể diễn tả qua tư tưởng, kỹ thuật, phương trình, công thức… còn tâm đạo được thể hiện qua tinh thần đạo đức, lương tâm chức nghiệp của quý Thầy, quý Cô. “Kỳ thân chính, bất lệnh nhi hành”. Với lương tâm chính trực, tận tụy của quý Thầy, quý Cô, học sinh đương nhiên vì mến Thầy, thương Cô mà học không phải vì Thầy la, Cô mắng.

Một khi xuất thân từ Quốc Học, học sinh đều thành danh phụng sự xã hội với tinh thần Nhân, Trí, Dũng: Phối hợp được lòng nhân ái, tâm đạo, kiếnthức, nghị lực, quả cảm để xây dựng cộng đồng xã hội, quốc gia dân tộc. Dù tha hương, sống nơi góc bể chân trời, nhưng đến ngày kỷ niệm Quốc học năm thứ 128 (1896- 2024), chúng ta vẫn hướng về mái trường thân thương nơi con sông xưa thành phố cũ, ngâm khúc hoan ca:

“Trường xưa lưu mãi bóng hình
Trăm năm Quốc Học hiển vinh muôn đời”

Trần Xuân Thời

Lể Kỷ niệm 100 năm Quốc Học tại San Jose, CA năm 1996 (1896-1996)


Chủ tịch Trần Xuân Thời (trái), Công Đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ, tặng Gs
Hà Như Chi (giữa) bức ảnh Trường Quốc Học và GS Nguyễn Châu (phải).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét