Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2024

Phận người - Trương Văn

1. - La Kim một cái tên khá lạ lẫm với mọi người ở chợ Cái Côn này nhưng nói đến tên Phán thì ai cũng biết. Nhà chỉ có hai mẹ con, cạnh mé sông kế bên cây cầu xã cũ. Mẹ nó là phụ nữ lở thời, hiền lành và giỏi giang lắm. Nghe đâu cũng có tình cảm sâu nặng với một người đàn ông cũng ở không xa lắm nhưng do người lớn mà không đến được với nhau. Thằng Phán ra đời trong giấy khai sanh đứng tên chỉ có mỗi mình tên mẹ. Gia cảnh thời đó cũng khốn khó nên từ nhỏ nó cũng sớm bươn chải, lăn lộn với đời. Hai mẹ con lúc đầu sống nhờ vào quán cháo lòng mỗi sáng.
<!>
 Khi đó Phán còn nhỏ lắm, thế nhưng cứ độ gần 4 giờ sáng là thức dậy, xách cái thau nhôm cũ hèm chạy ra công xi heo để lấy huyết, lòng, thịt về cho mẹ nấu. Khi trời sáng hẳn thì mọi thứ đâu đó đã xong, lúc này nó đóng luôn cả hai vai vừa chạy bàn vừa dọn dẹp tô đi rửa. Lớn hơn chút thì đeo theo tàu bán bánh cam, bánh còng. Cái tướng thì nhỏ xíu mà bưng 1 cái mâm bánh tổ chảng, nhìn thiệt thấy thương. Mới học cấp 2 mà đã biết kiếm tiền phụ mẹ.
Hơn hẳn mấy đứa mén khác, Phán được đi học đàng hoàng. Mẹ nó dù có lam lũ, cực nhọc cỡ nào cũng bằng mọi giá lo cho nó đi học đến nơi đến chốn.Ở cái chợ xã nhỏ này nó là niềm tự hào của mẹ. Ừ, mà cũng phải thôi, nhà chỉ có mỗi một mẹ một con nên bà luôn dành hết tình thương cho nó, muốn nuôi nấng, dạy dỗ nó lớn khôn nên người để sau này còn cưới vợ, sinh con đẻ cái nữa chứ.

Lúc Phán vào cấp 3, bản thân nó hiểu rõ mình như thế nào. Vào trường thì thích đi chơi chung với con gái, về nhà thì thích vẽ mặt vẽ mày, lấy mấy cái khăn tắm sọc đen trắng quấn lên đầu giả làm tóc dài vì thích làm con gái. Thời đó mẹ nó ghét lắm, cứ hễ thấy nó chơi như vậy thì làm gì làm cũng có 1 trận đòn ê ẩm. Vậy mà nó hỏng sợ, ban đầu thì còn tránh né, dần dần thì gần như muốn lộ ra luôn. Mà nghĩ cũng ngộ thiệt hén! Hồi nhỏ nó xấu thôi là xấu vậy nhưng được cái là hiền, ngoan hỏng có ngổ nghịch. Mấy lần trường có tổ chức văn nghệ văn gừng mà nhất là mấy cái hoạt cảnh mà có công chúa,cô dâu thì khó ai mà chiếm được mấy vai đó ngoại trừ nó. Mà công nhận nó hóa trang lên đẹp thiệt!
Ngày thằng Phán tốt nghiệp lớp 12 không lâu sau đó thì nó cũng bỏ nhà đi. Mê ca hát quá nên trốn theo đoàn lô tô khi đoàn đến xã diễn.Mẹ nó lúc đó cũng chạy xấc bất sang bang đi kiếm để bắt về. Cũng 5 lần 7 lượt chứ ít ỏi sao nhưng vì cái đam mê dường như đã ăn sâu trong dòng máu nó nên lần cuối cùng nó đành gạt nỗi đau riêng lại trốn theo đoàn lô tô để lại nỗi buồn, niềm đau của người mẹ ở quê nhà. Bẵng đi 1 thời gian cũng lâu lắm nó không về nhà bởi những chuyến lưu diễn xa. Lúc đầu theo đoàn cũng vất vả lắm, cuộc sống gạo chợ nước sông trôi dạt rày đây mai đó mà, cực khổ lắm nhưng vì đam mê và sẳn có cái khiếu nên không lâu sau đó cái tên La Kim hát lô tô dường như nổi lên như 1 hiện tượng mỗi khi đoàn đến diễn ở các địa phương.

Hôm thằng Phán về quê không ai nhận ra vì bây giờ nó đã là con gái. Tóc thì dài mượt, bộ ngực vun trùng, tướng đi ẻo lả đẹp lắm. Mẹ nó là người sửng sốt đầu tiên. Tư tưởng ban đầu của bà cũng đã tan biến tự bao giờ. Bà dang rộng vòng tay để đón đứa con về trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Với bà bây giờ dù ai có xầm xì, dị nghị gì đi chăng nữa thì cũng chẳng thành vấn đề gì. Với bà bây giờ thấy con mình vui, sống thật với chính mình là bà hạnh phúc mãn nguyện lắm rồi. Mấy tuần liền trên đài truyền hình Vĩnh Long 1 có phát sóng chương trình Lô tô show có con gái bà tham gia, bà cứ ngồi dán mắt không rời màn hình. Bà không nghĩ rằng đứa con mà đã từng bị cấm cản giờ hát hay, diễn giỏi đến như vậy! Ngồi xem bà cười nhưng nước mắt lại rưng rưng.

Về thành phố tham gia vào đoàn lô tô Sài gòn tân thời giống như cá được về với nước. Em cùng các chị em trong đoàn có nhiều cơ hội thỏa mãn niềm đam mê. Cái tên La Kim lại càng được nhiều người mến mộ. Báo chí trong nước lẫn nước ngoài đều có những bài viết thú vị về em. Thậm chí trong Ngôi nhà buổi chiều của lô tô SGTT đã khắc họa những khoảnh khắc hết sức cảm động về vai diễn về hoàn cảnh của mình và nghệ danh nghệ sĩ hát lô tô La Kim không chỉ xuất hiện trên truyền hình Vĩnh Long 1 mà còn phủ sóng trên HTV7 qua các game show người bí ẩn, Ca sĩ bí ẩn…

Theo đuổi đam mê, rong rủi theo nghề cũng hơn 20 năm trời. Giờ thì em đã có cuộc sống khá ổn định. Em chăm lo cho mẹ mình được nhiều hơn. Cất lại nhà cửa, sửa sang gian hàng buôn bán của mẹ.Những khi không diễn thì book tour để hai mẹ con đi du lịch cùng nhau. Vậy là hạnh phúc lắm rồi. Hôm bữa em có về quê chơi vài ngày vì đang mùa dịch nên sân khấu tạm đóng cửa. Nhìn hai mẹ con vui vẻ, hạnh phúc bên nhau mà cảm thấy vui trong lòng. Không ai có thể chọn nơi mình sinh ra và cũng không có ai chọn cho mình giới tính. Dù có như thế nào thì mình vẫn luôn sống thật tốt, có ích cho xã hội. Há phải chăng là những điều rất đáng trân quý, tự hào đúng không mén La Kim hồi năm nẳm năm nào?

2.- Cũng giống như La Kim, Quý mỏ nhọn có hoàn cảnh y hệt. Sinh ra và lớn lên chỉ có mẹ không cha.Hai mẹ con sống nhờ vào sạp bánh mì nhỏ được đặt khá khiêm tốn ngay cây cầu xã. Quý dong dỏng người, cao, tay chân dài ngoằng, mặt mày coi cũng sáng sủa lắm. Vì cuộc sống mưu sinh nên chuyện học phải bỏ dở giữa chừng. Nghe đâu mới học lớp 6 mà đã chanh chua, ngỗ nghịch với cô giáo nào đó rồi bỏ học. Mà nói thật ra cái thời đó cuộc sống còn chật vật, khó khăn lắm. Bến tàu là nơi gắn với nó nhiều kỷ niệm. Mỗi ngày hễ cứ mỗi lần tàu từ Cần Thơ về cặp bến là y như rằng nó bưng 1 mâm bánh bao đeo bán theo tàu. Còn nhỏ mà lanh lẹ, lém lĩnh lắm. Lớn hơn chút nó cùng Tiến điệu lãnh vé số rồi bắt tàu xuống bán ở Cầu lộ, cồn Cò. Sáng đi khoảng 3 giờ, chiều về, ngày nào cũng vậy. Thời đó vé số bán cũng được lắm với lại miệng mồm cũng lanh lẹ nên mỗi ngày bán cũng được mấy trăm vé chứ ít ỏi đâu. Thời đó đường lộ chưa làm nên phương tiện đi lại chủ yếu là tàu, đò và chính nhờ những chiếc tàu mà là nơi mưu sinh cho nhiều đứa. Đứa thì mâm bánh, đứa thì xấp vé số, cứ sáng đi gần xế chiều thì về. Mấy hôm bán đắt hết sớm cũng phải ngồi chờ tàu vì chạy theo giờ mà. Tuổi thơ của nó cứ như thế trôi qua.

Dì Lan mẹ nó cũng hiền lành lắm. Có lẽ cái vận số tình duyên vướng vào hay sao mà đã bước qua nhiều cuộc tình. Dì thương thằng Quý lắm, nói chuyện với con ngọt như mía lùi. Thằng Quý cũng vậy, nó cũng thương mẹ nó lắm. Hồi nhỏ đi bán gặp cái gì ngon cũng đều mua về cho mẹ. Có hiếu lắm nhưng cũng hỗn bà cố luôn nhe. Cái mỏ nó nhọn hoắt, nói chuyện tiếng nào bốp chát tiếng đó, hỏng biết ai lớn nhỏ đâu nhe, đụng chuyện là la làng, hỏng sợ mích lòng. Được một cái là sau đó biết nghĩ lại rồi cười hà hà chứ hỏng có để tâm để bụng. Thương là vậy đó!

Lúc nó trưởng thành, cũng 18 đôi mươi thì phải, cơ thể phát triển, tướng tá cao ráo, trắng trẻo và cũng ẻo lả lắm. Lần nọ hỏng biết bán buôn sao để đứt vốn mấy cử số, đại lý không giao cho bán nữa, long bong mấy hôm rồi theo bạn bè nào đó trôi dạt về Gành Hào. Vì lăn lộn mưu sinh từ nhỏ cộng thêm tánh tình nhanh nhẹn nên không lâu sau đó nó lập nghiệp được ở xứ người. Lúc đó cũng có 1 người phụ nữ thôi chồng, gọi là Tư chắc cũng đem lòng thương nó hay sao mà đỡ đầu, giúp đỡ cho nó nhiều lắm, có nhà ở, tạo công ăn việc làm và lo đủ thứ hết. Nhớ lúc mấy chị em trên này gặp khốn khó chạy xuống nó chơi được đối xử tử tế lắm. Mỗi sáng thức dậy trưa trờ trưa trật vậy mà Tư đã nấu đồ ăn sẳn rồi, ăn uống cho đã vào rồi cứ nằm lê nằm lết, hết mở hát karaoke rồi rảo vòng ra chợ,thích nhất là buổi chiều, mấy chị em thả bộ ra đê, nhìn sóng biển đánh ập vào bờ làm nước văng trắng xóa. Bích đum khoái lắm cứ um... um... đẹp... quá hén, còn Hàm Yên thì ngồi thả chân xuống bờ kè, đưa mắt nhìn về phía xa xăm như đang mong đợi điều gì.

Ngày thằng Quý rời Gành Hào theo bạn bè lên Biên Hòa mở quán nhậu gì đó thì cũng là lúc có nhiều sự việc ập đến. Tư cũng theo con gái lên lập nghiệp ở Sài gòn. Giữa 2 người không biết có xích mích gì không mà nghe đâu họ mất luôn liên lạc từ đó.Nhóm chị em ở Cái côn ai cũng có ngã rẽ riêng, mỗi người mỗi cảnh. Một thời gian lâu lắm sau này mới biết tin Quý mất. Hôm đó trời chỉ mới vừa hửng sáng, Hàm Yên còn ngồi đợi xe ở nhà chờ, điện thoại báo có tin nhắn từ La Kim: Quý mất rồi tỉ ơi và gửi thêm 2 cái ảnh của Quý. Lặng người chẳng biết nói sao, chỉ thầm cầu mong cho em ấy ra đi thanh thản. Sau này nghe La Kim kể lại. Tội lắm, nằm xuống mà không có một người thân bên cạnh. Em ra đi một cách đột ngột, tối ngủ rồi ngủ luôn đến gần trưa hôm sau mọi người mới phát hiện. Bữa La Kim đi diễn về nghe tin là tranh thủ chạy lên trên đó, thắp cho nó nén nhang rồi chờ công an khám nghiệm tử thi sau đó thì hỏa táng vì không có thân nhân nhận về.

Giờ thì có lẽ em ấy an yên ở 1 nơi nào đó. Trong nhóm hội chị em cũng có quá nhiều kỷ niệm. Dẫu tánh tình có bộc phát, ương bướng nhưng đằng sau ấy là trái tim biết yêu thương, biết chia sẻ. Giờ hễ nhắc đến nó, đứa nào cũng đều có chút xao lòng. Cuộc sống mà đâu ai biết trước được điều gì. Mỗi người mỗi cảnh đâu thể ai giống ai. Điều quan trọng là mình biết trân trọng cho mỗi hoàn cảnh đó. Bài viết này giống như 1 lời chia sẻ gửi đến em. Ở một nơi xa xôi nào đó mong em sẽ được thanh thản bởi cuộc đời em cũng đã trãi qua bao nỗi thăng trầm. Xót xa cho một phận người.

TRƯƠNG VĂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét