(Mỗi lá phiếu là một viên gạch! Trong mục đích xây dựng sức mạnh Cộng Đồng, Cổ Động Đi Bầu Thật Đông! Mong được mọi người góp tay nhắc nhở, chuyện cần làm ngày mai! Cám Ơn) Sức Mạnh Duy Nhất, Trong Quốc Gia Sinh Hoạt Dân Chủ! Ngày Mai, 5 Tháng 3, Rủ Nhau Đi Đông, Cử Xứng! *Không Cần Biết Quý Vị Bầu Cho Ai, Nhưng Nếu Không Đi Bầu, Thì Không Có Sức Mạnh! Không Quyền Lợi! Không Tiếng Nói! *Tuy Là Cộng Đồng Thiểu Số, Nhưng Những Lá Phiếu Của Chúng Ta, Là Những Lá Số Quyết Định, Thắng Thua! *Một Lá Phiếu Đã Là Sức Mạnh, Hướng Chi Gom Của Cả Cộng Đồng! Thành Một…Bó Đũa!
Lịch Sử Chứng Minh Sức Mạnh của Lá Phiếu Tại Quốc Gia Dân Chủ Hoa Kỳ! Chỉ Có Ở Mỹ! Giá Trị và Sự Bình Đẳng của Mỗi Lá Phiếu!
-Trong một nước có dân chủ thật sự như Hoa Kỳ, mọi lá phiếu của các cử tri đều có giá trị bình đẵng tuyệt đối, bất luận lá phiếu ấy là của một ông tỷ phú, một người có quyền thế nhất nước như Tổng Thống hay của một người thất nghiệp, một thương gia giàu có hay một anh binh nhì. Mọi lá phiếu đều có giá trị tuyệt đối như nhau, bất kể màu da, chủng tộc và tôn giáo hay giới tính của cử tri.
Tham gia bầu cử là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người dân. Hoa Kỳ là một trong những quốc gia đã có các định chế dân chủ vững chắc trên hai trăm năm nay. Chính quyền thật sự là của dân, do dân và vì dân, chứ không phải chỉ là khẩu hiệu tuyên truyền, dối trá như dưới chế độ Cộng Sản độc tài tại Việt Nam. Những người đứng ra lãnh đạo Hoa Kỳ đều là công bộc của dân và do dân tín nhiệm bầu chọn một cách công bằng và dân chủ. Nếu sau khi đắc cử, họ tỏ ra kém cỏi hoặc không giữ lời hứa, người dân sẽ cho họ về vườn trong cuộc bỏ phiếu lần tới. Sức mạnh của nền dân chủ xứ nầy có được là nhờ dân trí và ý thức trách nhiệm của mọi người, đặc biệt là đa số dân Mỹ đều tích cực tham gia các cuộc bầu cử. Họ tham dự các cuộc vận động tranh cử, đọc các bản tin và bài báo phân tích lập trường cũng như chương trình hành động của các ứng cử viên. Ngoài ra, họ cũng theo dõi rất kỹ các sinh hoạt tại Đại Hội đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ cũng như các buổi tranh luận trên T.V giữa các ứng cử viên Tổng Thống và Phó Tổng Thống. Theo đài truyền hình CNN, sẽ có chừng 50 triệu người Mỹ theo dõi mỗi cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên Tổng Thống Obama và Romney.
Một Lá Phiếu Cũng Có Thể Thay Đổi Kết Quả Bầu Cử
Nhiều người, trong đó có một số người Mỹ gốc Việt đã từng trải kinh nghiệm bầu cử theo lối “Đảng chọn dân bầu” của Cộng Sản Việt Nam, họ hay coi thường giá trị của lá phiếu. Có người còn nghĩ, dù mình có đi bầu hay không, kết quả bầu cử cũng chẳng có gì thay đổi. Điều đó có lẽ không sai đối với các cuộc bầu cử dưới chế độ Cộng Sản độc tài, nhưng đối với một đất nước có dân chủ thật sự như Hoa Kỳ thì lá phiếu là tiếng nói của người dân. Nó có một giá trị và sức mạnh rõ rệt.
Thay vì phải mất thì giờ để chứng minh về sức mạnh của một lá phiếu, chúng tôi sẽ lần lược nêu lên sau đây ít nhất đã có 9 trường hợp, chỉ cần hơn một lá phiếu đã tạo được kết quả thắng bại làm thay đổi cục diện của lịch sử Hoa Kỳ.
Năm 1776, với chỉ hơn một phiếu, Hoa Kỳ đã chọn tiếng Anh thay vì tiếng Đức làm quốc ngữ.
Năm 1899, trong một cuộc bầu cử Tổng Thống, hai ứng cử viên Thomas Jefferson và Aaron Burr có tổng số phiếu của Cử Tri Đoàn bằng nhau. Sau đó các Dân Biểu Quốc Hội đã bỏ phiếu chọn lựa. Kết quả, Thomas Jefferson đã hơn Aaron Burr một phiếu và trở thành Tổng Thống thứ ba của Hoa Kỳ.
Năm 1824, có bốn ứng cử viên tranh cử Tổng Thống, nhưng không có ứng viên nào đạt đủ đa số phiếu của Cử Tri Đoàn. Các Dân Biểu lại bỏ phiếu, và lần nầy John Quincy Adams thắng Andrew Jackson một phiếu và trở thành Tổng Thống thứ sáu của Hoa Kỳ, mặc dầu trước đó trong cuộc phổ thông đầu phiếu, ông Andrew Jackson có số phiếu cao hơn.
Năm 1845 Texas được thâu nhận trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ nhờ số thuận cao hơn số chống một phiếu.
Năm 1846, với một phiếu thuận cao hơn số chống, Thượng Viện Hoa Kỳ đã tán thành đề nghị của Tổng Thống Polk là Hoa Kỳ chính thức tuyên chiến với Mexico.
Năm 1850, với số thuận cao hơn số chống một phiếu, California đã được chính thức trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ.
Năm 1859, cũng với một phiếu thuận cao hơn phiếu chống, Oregon được gia nhập liên bang Hoa Kỳ.
Năm 1867, Hoa Kỳ đã mua đất Alaska của Nga hoàng sau khi được Thương Viện thông qua với tổng số phiếu thuận cao hơn phiếu chống là một phiếu.
Năm 1920, Tu Chánh Án thứ 19 về quyền bầu cử của phụ nữ đã được Thượng Viện tiểu bang cuối cùng là Tennessee phê chuẩn với tổng số phiếu thuận cao hơn tổng số phiếu chống một phiếu. Nhờ đó, Tu Chánh Án thứ 19 đã trở thành chính thức, xác nhận phụ nữ Hoa Kỳ cũng có quyền bầu cử.
Những Bài Học Cụ Thể
Tóm lại, sau khi tìm hiểu về sức mạnh của lá phiếu tại Hoa Kỳ, chúng ta có thể rút ra được ít nhất hai nhận xét và bài học quan trọng sau đây.
Lá phiếu của mỗi cử tri tại Mỹ rất quan trọng và có giá trị bình đẵng tuyệt đối. Trong lịch sử của nước nầy, đã có rất nhiều trường hợp, chỉ hơn thua một phiếu duy nhất cũng trở thành lá phiếu quyết định thắng hay bại.
Mỗi lần chúng ta tiếp xúc với các vị dân cử Hoa Kỳ để nhờ họ giúp đỡ, như thỉnh cầu Tổng Thống đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC (quốc gia cần quan tâm dặc biệt vì đàn áp tôn giáo) hoặc vận động Quốc Hội thông qua Dự Luật Nhân Quyền, họ thường hỏi chúng ta có bao nhiêu cử tri? Và có bao nhiêu người đi bầu? Như thế đủ biết chúng ta càng có nhiều phiếu thì tiếng nói của cộng đồng càng mạnh là vì thế.
Tham gia bầu cử là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân xứ nầy. Chúng ta nên ý thức rằng, sở dĩ ngày nay chúng ta hưởng được những quyền nầy là do sự tranh đấu không ngừng của rất nhiều người Mỹ, trải qua hơn hai trăm năm, trong đó có sự góp phần tích cực của người Mỹ da đen, các phụ nữ cũng như thanh niên sinh viên.
Vì quyền lợi của cá nhân và cộng đồng người Việt tại Mỹ cũng như vì công cuộc vận động Nhân Quyền và Dân Chủ cho quê hương Việt Nam, chúng ta phải rũ nhau ghi danh và đi bầu thật đông. Đây là một việc làm tương đối dễ dàng nhưng rất cụ thể gây sức mạnh và hữu hiệu mà ai cũng có thể làm được.
(Nguyen thanh trang)
Tin vui: Càng ngày các chính trị gia càng để ý đến cộng đồng người Mỹ gốc Việt? Theo thống kê mới nhất: Người Mỹ gốc Á là nhóm cử tri tăng nhanh, đáng kể nhất nước!
– Người Mỹ gốc Á Châu hiện là nhóm cử tri tăng nhanh nhất nước Mỹ, do đó, các đảng chính trị có thể phải thay đổi chiến lược để cố gắng thu hút nhóm cử tri này, theo đài ABC7 hôm Thứ Sáu, 1 Tháng Ba.
Ông Vinh T. Ngô, phó thị trưởng Monterey Park, Los Angeles County, California, chứng kiến cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu và Thái Bình Dương (AAPI) phát triển và ngày càng tham gia chính trị suốt thời gian qua.
(Hình: Cử tri chuẩn bị bỏ phiếu bầu cử tổng thống sơ bộ ở Los Angeles, California, ngày 1 Tháng Ba, 2020.)
Ông Vinh là con gia đình người Hoa di cư sang Việt Nam. Cuối những năm 1970, gia đình ông đi Mỹ. “Lúc đó chỉ có một ngôi chợ, vài ngân hàng và vài nhà hàng của người Hoa,” ông Vinh nhớ lại.
Theo dữ liệu thống kê dân số mới nhất, gần 65% cư dân Monterey Park hiện nay là người Mỹ gốc Á Châu.
“Hiện nay, có nhiều giới chức dân cử gốc AAPI hơn,” ông Vinh nói, cho biết thêm rằng đó là bằng chứng ngày càng nhiều người Mỹ gốc Á Châu tham gia chính trị.
“Họ biết tiếng nói của họ thực sự có ảnh hưởng, nhất là đối với chính sách công cộng,” ông cho hay.
Trong bốn năm qua, cử tri người Mỹ gốc Á Châu tăng khoảng 2 triệu người, tức khoảng 15%, theo phân tích của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew. Trong số cử tri người Mỹ gốc Á Châu, người Nam Á là nhóm tăng nhanh nhất.
Theo dự đoán, khoảng 15 triệu người Mỹ gốc Á Châu sẽ hội đủ tiêu chuẩn đi bầu trong cuộc bầu cử Tháng Mười Một năm nay. California là tiểu bang có cử tri người Mỹ gốc Á Châu nhiều nhất, 4.4 triệu người, chiếm 1/3 số cử tri này trên cả nước.
gười Mỹ gốc Á Châu chiếm khoảng 17% số cử tri nói chung ở California.
Theo thăm dò mới của AAPI Data/AP-NORC, vấn đề cử tri người Mỹ gốc Á Châu quan tâm hàng đầu trong cuộc bầu cử năm 2024 là lạm phát, di trú và môi trường.
Phòng phiếu đặt cạnh cửa hàng quần áo tại Honda Center ở Anaheim, California, hôm 16 Tháng Chín, 2020, chuẩn bị cho bầu cử tổng thống. (Hình minh họa)
Phần lớn cử tri người Mỹ gốc Á Châu không sinh ra ở Mỹ mà là công dân nhập quốc tịch. Do đó, nhóm cử tri này dễ thuyết phục, theo ông Karthick Ramakrishnan, người sáng lập và giám đốc AAPI Data.
“Chuyện này quan trọng vì cử tri người Mỹ gốc Á Châu không lớn lên trong gia đình Cộng Hòa hay gia đình Dân Chủ,” ông Ramakrishnan nói.
Ông lấy Orange County làm ví dụ. Khoảng 23% cư dân quận hạt này là người Mỹ gốc Á Châu. Cả đảng Dân Chủ lẫn Cộng Hòa đều đang đầu tư vô nhóm cử tri này vì họ chiếm một phần đáng kể ở những địa hạt gọi là địa hạt tím.
“Hiện đang có nhiều thành viên Quốc Hội, như bà Michelle Steel và bà Young Kim ở Orange County, được đảng Cộng Hòa đầu tư từ năm 2013,” ông Ramakrishnan cho biết.
Tính trên cả nước, cử tri người Mỹ gốc Á Châu chuyển từ xu hướng theo Cộng Hòa vào những năm 1990 sang theo Dân Chủ khá mạnh, ông Ramakrishnan cho hay. Trong ba kỳ bầu cử vừa qua, từ 2/3 tới 3/4 cử tri người Mỹ gốc Á Châu bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân Chủ.
Nhóm cử tri này có nhiều điểm khác nhau, như tư tưởng chính trị, tôn giáo, tình trạng di trú và ngôn ngữ. Bất chấp những điểm khác nhau đó, họ có nhiều điểm chung đáng chú ý, theo ông Ramakrishnan.
“Những vấn đề như bảo vệ môi trường, những vấn đề như kiểm soát súng, như tăng thuế để tăng dịch vụ xã hội,” ông nói.
Và không những đang tăng về số lượng, nhóm cử tri này còn thực sự đi bỏ phiếu.
“Tôi nghĩ cho dù bầu cử cấp địa phương hay quốc gia, chúng tôi thực sự muốn gửi thông điệp rằng lá phiếu của chúng tôi quan trọng. Đừng đánh giá thấp lá phiếu của chúng tôi,” bà Connie Chung Joe, tổng giám đốc Hiệp Hội Phát Huy Công Lý Người Mỹ Gốc Á Châu ở Nam California, cho hay.
Ngày Mai, Thứ Ba, 5 Tháng 3/ 2024, Cộng Đồng Người Việt Bắc Cali Chọn Mặt, Gởi Vàng: Giới Thiệu Chút Chân Dung Các Ứng Cử Viên Người Việt Bắc Cali, Ứng Cử Sơ Bộ California 2024
(Theo Đỗ Dzũng/NV)
Trong cuộc bầu cử sơ bộ tại California vào Thứ Ba, 5 Tháng Ba, tới đây, có 18 người Việt Nam tranh cử 12 chức vụ từ liên bang đến tiểu bang, quận hạt, và thành phố. Trong số này, có bốn người tranh ba ghế dân biểu liên bang, một người tranh ghế thượng nghị sĩ tiểu bang, năm người tranh bốn ghế dân biểu tiểu bang, sáu người tranh hai ghế giám sát viên quận hạt, một người tranh ghế học khu quận hạt, và một người tranh ghế nghị viên thành phố.
(Hình: Chân dung 16 trong số 18 người Việt Nam ứng cử sơ bộ California 2024).
Theo luật bầu cử ở California, các chức vụ từ tiểu bang trở lên phải qua hai cuộc bầu cử, một vào ngày 5 Tháng Ba (sơ bộ) và một vào ngày 5 Tháng Mười Một (chung cuộc).
Trong các cuộc bầu cử sơ bộ ở tiểu bang và liên bang, cho dù có bao nhiêu ứng cử viên, thuộc bất cứ đảng nào, hai người được nhiều phiếu nhất sẽ tranh tiếp vào Tháng Mười Một. Lúc đó, ai nhiều phiếu nhất người đó thắng.
Tại các cuộc bầu cử địa phương, ví dụ như quận hạt và thành phố San Jose, trong cuộc bầu cử sơ bộ, nếu ứng cử viên nào thắng trên 50% số phiếu, người đó thắng luôn, không cần phải tổ chức bầu cử chung cuộc.
Cuộc bầu cử nào chỉ có một ứng cử viên, người đó đương nhiên thắng, không cần phải tổ chức bầu cử chung cuộc.
Sau đây là chân dung của từng ứng cử viên Bắc Cali
Tại Bắc CaLi, Giới Thiệu Những Ứng Cử Viên Người Việt Trên Lá Phiếu Ngày 5 Tháng 3!
Stephanie Nguyễn (Sacramento)
(Hình: Dân Biểu Stephanie Nguyễn.)
Dân Biểu Stephanie Nguyễn tái tranh cử chức dân biểu California, Địa Hạt 10. Bà hiện là phụ tá thường vụ Hạ Viện, nhân vật cao cấp thứ ba tại cơ quan lập pháp California, chỉ sau chủ tịch Hạ Viện và thường vụ Hạ Viện. Bà Stephanie bắt đầu sự nghiệp chính trị khi được bổ nhiệm nghị viên Địa Hạt 4 của Elk Grove vào Tháng Hai, 2017, trở thành dân cử gốc Việt đầu tiên ở thành phố này. Một năm sau, bà đắc cử chức vụ này với tỉ lệ phiếu áp đảo 65%. Năm 2022, bà thắng cử chức dân biểu California, trở thành người Việt Nam đầu tiên đại diện Địa Hạt 10, bao gồm các thành phố Elk Grove, Santa Rosa, Sonoma, Novato, Petaluma, và một phần phía Nam thành phố Sacramento. Bà Stephanie sinh ra ở Hoa Kỳ một vài năm sau khi gia đình bà sang tị nạn năm 1975. Bà tốt nghiệp cử nhân ngành nhân văn học tại đại học University of Sacramento. Bà cũng là từng giám đốc điều hành của Asian Resources, một tổ chức bất vụ lợi hỗ trợ các dịch vụ lợi ích cho người dân và gia đình gốc Á vùng Sacramento.
Lan Ngô (Quận Hạt 25 Santa Clara)
(Hình: Cô Lan Ngô).
Cô Lan Ngô (Dân Chủ) tranh cử chức dân biểu California, Địa Hạt 25. Trên trang web tranh cử, ứng cử viên Lan Ngô cho biết bà hiện là quản trị viên chăm sóc y tế cao cấp và từng là giáo viên. Cô Lan Ngô đến Mỹ năm 1992 và cư ngụ tại San Jose từ đó đến Nay. Cô cho biết, với kinh nghiệm quản trị y tế, tình nguyện giúp các cộng đồng người cao niên, và từng là giáo viên, Lan Ngô có thể áp dụng kiến thức của cô vào chính sách công cộng. Cô tin rằng lắng nghe cử tri và làm việc một cách hợp tác có thể giải quyết được nhiều vấn đề. Cô Lan Ngô tốt nghiệp cử nhân ngành phát triển trẻ em đại học San Jose State University. Địa Hạt 25 hiện do Dân Biểu Ash Kalra, cũng thuộc đảng Dân Chủ, đại diện. Địa hạt này bao gồm một phần phía Đông Nam San Jose và một số cộng đồng của Santa Clara County như Alum Rock và East Foothills.
Jennifer Trần (Oakland, Bắc Cali)
(Hình: Giáo Sư Jennifer Trần.)
Giáo Sư Jennifer Trần (Jennifer Kim Anh Trần), thuộc đảng Dân Chủ, ứng cử chức dân biểu liên bang Địa Hạt 12 của California. Bà hiện là giáo sư Khoa Dân Tộc Học đại học California State University, East Bay. Bà Jennifer sinh trưởng tại Oakland và là con gái của gia đình tị nạn Việt Nam. Bà từng là phát thanh viên cho New America Media, giám đốc ngoại vụ và giám đốc điều hành Phòng Thương Mại Người Việt Oakland (OVCC), và giám đốc điều hành Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến (PIVOT). Khi làm giám đốc điều hành OVCC, trong thời gian có đại dịch COVID-19, Giáo Sư Jennifer Trần giúp bảo đảm có được nguồn ngân khoản để cung cấp hỗ trợ ngôn ngữ, hỗ trợ sức khỏe tâm thần, và hỗ trợ nhạy cảm về văn hóa cho các thành viên trong cộng đồng và các doanh nghiệp nhỏ ở East Bay, vốn do người nhập cư, dân tộc thiểu số, và phụ nữ điều hành. Hồi còn nhỏ, vị nữ giáo sư theo học các trường công lập ở Oakland và trường trung học Bishop O’Dowd High School. Bà tốt nghiệp cử nhân nghiên cứu và quy hoạch đô thị và nghiên cứu dân tộc đại học UC San Diego và có bằng tiến sĩ đại học USC.
Giáo Sư Jennifer Trần sẽ tranh cử với tám người khác. Địa Hạt 12 hiện do Dân Biểu Barbara Lee (Dân Chủ) đại diện, nhưng kỳ này bà tranh cử chức thượng nghị sĩ liên bang, nên để trống. Địa hạt bao gồm một phần hoặc toàn bộ các thành phố và cộng đồng Alameda, Albany, Berkeley, Emeryville, Oakland, Piedmont, và San Leandro ở miền Bắc California.
Betty Dương (Giám Sát Viên Địa Hạt 2 của Santa Clara)
(Hình: Luật Sư Betty Dương.)
Luật Sư Betty Dương ứng cử chức giám sát viên Địa Hạt 2 của Santa Clara County. Trong 10 năm qua, Luật Sư Betty Dương làm việc qua nhiều vị trí khác trong ở Santa Clara County. Bà là một trong những người đóng góp vào việc thành lập Trung Tâm Phục Vụ Việt Mỹ (VASC) và lập ra Chính Sách Tiếp Cận Ngôn Ngữ tại quận hạt, để bảo đảm thành viên cộng đồng được hưởng dịch vụ mà họ xứng đáng được hưởng. Bà cũng từng đứng đầu một số cơ quan trong Santa Clara County như VASC, Văn Phòng Pháp Lý Công Bằng và Xã Hội, Văn Phòng Áp Dụng Tiêu Chuẩn Lao Động (OLSE), và làm phát ngôn viên chính của quận hạt trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Sau khi tốt nghiệp trung học, bà Betty vào học đại học cộng đồng De Anza Community College, trước khi tốt nghiệp cử nhân đại học UC Berkeley. Sau đó, bà tốt nghiệp bằng luật đại học UC Davis. Sau khi rời trường luật, bà thực tập tại Văn Phòng Luật Sư Công Santa Clara County. Luật Sư Betty Dương hiện là chánh văn phòng cho Giám Sát Viên Cindy Chavez, Địa Hạt 2.
Madison Nguyễn (Giám Sát Viên Địa Hạt 2 của Santa Clara)
(Hình: Bà Madison Nguyễn.)
Bà Madison Nguyễn ứng cử chức giám sát viên Địa Hạt 2 của Santa Clara County. Bà bắt đầu sự nghiệp chính trị sau khi đắc cử và trở thành người Việt Nam đầu tiên làm ủy viên Học Khu Franklin-McKinley, San Jose, năm 2002. Năm 2005, bà thắng cuộc bầu cử đặc biệt, trở thành người Việt Nam làm nghị viên thành phố San Jose. Năm 2009, bà thắng cuộc bầu cử đòi bãi nhiệm bà, với sự ủng hộ của 55% cử tri trong địa hạt. Một năm sau, bà tái đắc cử. Năm 2011, qua đề cử của Thị Trưởng Chuck Reed, với sự ủng hộ tuyệt đối của Hội Ðồng Thành Phố, bà trở thành người gốc Việt đầu tiên làm phó thị trưởng San Jose. Năm 2014 bà ứng cử thị trưởng San Jose và năm 2016 bà ứng cử dân biểu tiểu bang California, nhưng không thành công. Năm 2017, bà Madison Nguyễn được tổ chức bất vụ lợi “Hunger at Home” chọn làm giám đốc điều hành. Bà Madison Nguyễn tốt nghiệp cử nhân sử học đại học UC Santa Cruz và cao học xã hội đại học University of Chicago.
Tâm Trương (ứng cử Nghị viên Khu Vực 8 Hội Đồng Thành Phố San Jose)
(Hình: Cảnh sát viên Tâm Trương.)
Cảnh sát viên Tâm Trương ứng cử chức nghị viên Khu Vực 8 Hội Đồng Thành Phố San Jose. Ông Tâm, 41 tuổi, cùng gia đình vượt biên Thái Lan, rồi đến Mỹ năm 1991. Ông học trường Chaboya Middle School và trung học Silver Creek High School. Năm 2004, ông tốt nghiệp cử nhân ngành tội phạm học đại học San Jose State University. Sau đó, ông làm việc tại Sở Cảnh Sát Santa Clara County trong bốn năm trước khi chuyển sang Sở Cảnh Sát San Jose, nơi ông làm việc được 15 năm, thăng tiến từ cảnh sát tuần tra đến điều tra viên các vụ tấn công tình dục, và bây giờ là trung sĩ. Tại Sở Cảnh Sát San Jose, ông Tâm Trương cũng là một nhân viên liên lạc giữa cộng đồng và chính quyền cho cảnh sát trưởng. Hồi Tháng Giêng, 2023, ông vận động để được bổ nhiệm vào chức nghị viên Khu Vực 8, nhưng không thành công. Năm 2012, ông từng ứng cử chức nghị viên Khu Vực 4 do Nghị Viên Kansen Chu đại diện lúc đó. Khu Vực 8 bao gồm các khu vực Evergreen, Silver Creek, và Lake Cunningham trong thành phố.
Nhớ Đi Bầu! Lá phiếu của người thiểu số vô cùng quan trọng trong bầu cử ngày mai, Thứ Ba Ngày 5 Tháng 3 Năm 2024, quyết định thắng Thua!
(Thiện Lê/NV)
-Nhiều nhà hoạt động cộng đồng đang tìm cách giúp đỡ các cộng đồng thiểu số đi bỏ phiếu nhiều hơn trong năm bầu cử 2024. Những lá phiếu của cộng đồng thiểu số sẽ mang lại nhiều thay đổi, và đó là chủ đề của buổi hội thảo do Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức hôm Thứ Sáu, 23 Tháng Hai.
(Hình: Lá phiếu của người thiểu số rất quan trọng ở Los Angeles.)
Các cộng đồng thiểu số có thu nhập thấp thường không ghi danh bỏ phiếu và thường không đi bỏ phiếu vào mùa bầu cử, tuy đã ghi danh.
Một lý do khiến nhiều người thiểu số không muốn đi bầu là vì các ứng cử viên không đi vận động bằng cách gõ cửa từng nhà của cư dân và tiếp xúc gần với cộng đồng nữa. Một lý do khác là nhiều người không hiểu lá phiếu của họ sẽ ảnh hưởng đến nhiều thay đổi chính sách quan trọng.
Vì vậy, các diễn giả của buổi hội thảo là những nhà hoạt động cộng đồng chia sẻ những cách họ giúp cử tri ở nhiều nơi hiểu biết hơn về bầu cử và có cơ hội bỏ phiếu.
Diễn giả đầu tiên là ông Ernie Serrano, người phụ trách giao tế cử tri của tổ chức Strategic Concepts in Organizing and Policy Education (SCOPE) ở Los Angeles.
Ông cho biết nhiều cư dân ở khu South Los Angeles thường không đi bầu vì không tin tưởng được nhiều dân cử. Khu vực này từng gặp nhiều biến cố như vụ bạo loạn vào năm 1992, sau đó bị ma túy hoành hành nên cảnh sát tuần tra thường xuyên. Những điều đó tạo ra sự khác biệt lớn trong hiểu biết về bầu cử của cộng đồng.
Vì vậy, tổ chức SCOPE muốn tìm những giải pháp đi từ trong cộng đồng ra, như giáo dục nhiều người về sự quan trọng của bỏ phiếu vì họ không hiểu bầu cử là một quá trình quan trọng, và không hiểu biết về nhiều vấn đề.
Ông Serrano khen ngợi một dân cử của Los Angeles là Thị Trưởng Karen Bass, bà từng là dân biểu liên bang, sau đó tranh cử chức thị trưởng Los Angeles vào năm 2022. Bà đánh bại tỷ phú Rick Caruso để trở thành phụ nữ đầu tiên và là cư dân Los Angeles người da đen thứ hai giữ chức vụ thị trưởng trong lịch sử 241 năm của thành phố.
Chiến thắng của bà dựa vào nỗ lực tiếp xúc với cư dân, khiến nhiều người đi bỏ phiếu, trong khi đối thủ bỏ ra rất nhiều tiền để vận động. Điều đó nhấn mạnh sự quan trọng của lá phiếu của các cộng đồng thiểu số.
Diễn giả thứ hai là bà Debbie Chen, một nhà hoạt động ở Houston và là phó chủ tịch tổ chức Ủng Hộ Người Á Châu Thái Bình Dương (OCA).
Bà cho biết Houston và vùng phụ cận có đến 550,000 người Á Châu, và khoảng 300,000 là người có thể bỏ phiếu, nhưng nhiều người không hiểu được sự quan trọng của bầu cử, nhất là những người nhập cư thế hệ đầu tiên đến từ những quốc gia không có tự do dân chủ.
Vì vậy, OCA và nhiều tổ chức khác đang có nhiều nỗ lực giúp họ hiểu được lá phiếu là tiếng nói của nhiều cộng đồng, có sức ảnh hưởng đến cách chính phủ sử dụng tiền thuế của họ.
Bà Chen còn cho hay một vấn đề khiến nhiều cử tri gốc Á đi bỏ phiếu là đại dịch COVID-19 vì cộng đồng người Hoa bị phỉ báng là người gây ra dịch bệnh, dẫn đến nhiều cộng đồng Á Châu khác bị thù ghét.
Tin bầu cử 2024: California tuyển được nhiều nhân viên bầu cử sau mấy năm rối loạn
– Vì đại dịch COVID-19 và nhiều thuyết âm mưu của mùa bầu cử năm 2020, California mất nhiều nhân viên bầu cử, và bây giờ mới bắt đầu tìm lại được người.
Theo CalMatters, Tổ Chức Cử Tri California cho biết tiểu bang mất đến 15% nhân viên bầu cử từ Tháng Mười Một, 2020, đến Tháng Bảy, 2021, với một số lý do là bị đe dọa, quấy rối và căng thẳng.
(Hình: California đang tuyển được nhiều nhân viên bầu cử.)
Ngoài ra, tuy không nghỉ việc hoàn toàn vì lý do an ninh, hơn một nửa quận hạt của tiểu bang có giám đốc bầu cử mới, trong khi từ năm 2016 đến năm 2020 chỉ có 17% quận hạt thay giám đốc bầu cử.
Một người sắp nghỉ việc là bà Cathy Darling Allen, giám đốc bầu cử Shasta County, nơi nhiều giới chức bị những người không hài lòng vì kết quả bầu cử đe dọa. Bà sắp nghỉ việc vì một số vấn đề sức khỏe, trong đó có tâm lý.
Vào Tháng Mười Một vừa qua, các cơ quan bầu cử ở Los Angeles và Sacramento nhận được một số phong bì khả nghi. Cơ quan bầu cử của Yuba County nhận được một phong bì vào Tháng Giêng, và được xét nghiệm có ma túy fentanyl.
Tuy vậy, trước ngày bầu cử sơ bộ là Thứ Ba, 5 Tháng Ba, các giới chức bầu cử của tiểu bang cho biết mười mấy quận hạt đang tìm được nhiều nhân viên bầu cử tạm thời và dài hạn.
Bà Kim Alexander, chủ tịch Tổ Chức Cử Tri California, cho biết sự thay đổi đó là là nhờ vào thái độ của cử tri và nhân viên bầu cử. Bà cho hay họ rất quan tâm đến bầu cử, và bốn năm vừa qua phải nghe nhiều tin tức sai lệch về bầu cử. Tuy hệ thống bầu cử không phải hoàn hảo, nhưng không thể nào gian lận như nhiều người nghĩ được.
Từ năm 2020, các giới chức bầu cử của nhiều quận hạt có những cách để bảo vệ nhân viên, trong đó có cách bảo vệ hỏi khỏi những phong bì có fentanyl, và tìm cách cho cử tri biết lá phiếu của họ được bảo vệ.
Một ví dụ là Orange County, với giám đốc bầu cử là ông Bob Page cho biết cơ quan bầu cử của Orange County đang làm việc chặt chẽ với nhân viên công lực và cơ quan y tế địa phương để bảo đảm an ninh cho nhân viên bầu cử và cử tri.
Quận hạt này tuyển được 1,600 nhân viên bầu cử, và đó là thành quả của nỗ lực kéo dài nhiều tháng gồm có nhiều hoạt động giao tế cộng đồng, kiểm tra lý lịch và huấn luyện.
“Chúng tôi biết rõ sự quan trọng của việc đào tạo nhân viên phòng phiếu cách phục vụ cử tri tốt nhất và biết cách giúp những người có thắc mắc hay những người hơi làm phiền người khác. An ninh là điều mà chúng tôi luôn chú ý đến,” ông Page nói.
(Hình: Các quận hạt có quy định để bảo vệ nhân viên bầu cử.)
An ninh trong bầu cử không phải là lý do duy nhất vì một số quận hạt gia hạn ngày đến phòng phiếu lên đến 10 ngày, giúp nhân viên làm việc ít giờ hơn và mở cửa ít phòng phiếu hơn nên dễ tuyển người hơn.
Một lý do nữa là tiền bạc, như San Bernardino County tăng lương cho nhân viên phòng phiếu và thuê thêm nhiều nhân viên toàn thời gian.
Quận hạt này có khoảng 2,300 nhân viên phòng phiếu vào mùa bầu cử Tháng Mười Một, 2022, nhưng tuyển được hơn 2,500 người chỉ trong mùa bầu cử sơ bộ năm nay.
Ông Lupe Villa, giám đốc bầu cử Kings County, cho biết từ năm 2019 đến nay, đây là lần đầu cơ quan bầu cử có đủ nhân viên.
Tuy an ninh không còn là một vấn đề lớn trong việc tuyển nhân viên bầu cử nữa, nhưng một số quận hạt như Los Angeles, Yuba và Sacramento vẫn còn gặp những tình huống như phong bì hay bưu kiện khả nghi.
May mắn là không ai gặp nguy hiểm trong những tình huống đó, và tiểu bang phải gửi quy định mới để đối phó với những nguy hiểm đó đến mọi quận hạt vào Tháng Giêng.
Trong những trường hợp nhận phong bì khả nghi, các giới chức bầu cử của quận hạt cho biết họ huấn luyện viên nhân viên sử dụng thuốc Narcan, thuốc điều trị người sử dụng opioid quá liều, cho những người gặp nguy hiểm khi mở phong bì, và còn trữ sẵn găng tay với khẩu trang khi kiểm tra thư.
Những phong bì khả nghi không ảnh hưởng đến việc tuyển nhân viên bầu cử ở Sacramento County vì tuyển được đến 1,400 người, trong đó có nhiều người từng làm việc cho những mùa bầu cử trước.
(Hình: Nhân viên bầu cử phải đề phòng nhiều nguy hiểm.)
Tuy nhiên, một số quận hạt của California vẫn gặp khó khăn về, như Mono County không tuyển được và không giữ được nhân viên bầu cử dài hạn lẫn tạm thời cho dù đã tăng lương tối thiểu.
Shasta County cho biết tình hình về nhân viên bầu cử ở đây không thay đổi nhiều sau năm 2020. Những cử tri đến phòng phiếu thường giận dữ, quát mắng nhân viên phòng phiếu, và quận hạt khó tìm nhân viên vì không ai muốn chịu cảnh đó 12 đến 16 tiếng mỗi ngày để được trả lương thấp.
Vì vậy, các giới chức bầu cử cho biết cách bảo vệ nhân viên tốt nhất là cho họ cơ hội, cho họ nhiều nguồn lực quan trọng và huấn luyện họ để đối phó với những nguy hiểm. Họ còn nhắc nhở cử tri nên nhớ nhân viên bầu cử cũng là con người và có con cái sinh sống trong cộng đồng
Cơ Hội Hiếm Có trong Mùa Bầu Cử! Hãy tận dụng lá phiếu của mình. Đi bầu càng đông, Cộng Đồng càng mạnh! Thuận Lợi Tranh Đấu Cho Một Việt Nam Dân Chủ Tự Do!
Tin Quốc Tế Đó Đây
***
Gaza: Liên Hiệp Âu Châu Sẽ Tháo Khoán 50 Triệu Euro Viện Trợ Cho UNRWA
(Ảnh: Những bao tải bột mì cứu trợ tại kho của Cơ quan UNRWA ở trại tị nạn Jebaliya, thành phố Gaza, ngày 11/1/2014.)
-Hôm 1/3/2024, Liên Hiệp Âu Châu (EU) đã đạt được thỏa thuận về kiểm toán nội bộ với cơ quan Liên Hiệp Quốc chuyên trách về người tị nạn Palestine (UNRWA) và sẽ tháo khoán 50 triệu Euro viện trợ cho cơ quan này.
Kể từ khi một số nhân viên của UNRWA bị Do Thái cáo buộc tham gia vào vụ tấn công của Hamas ngày 7/10/2023, nhiều nước, đặc biệt là Âu Châu, đã ngừng tài trợ cho cơ quan này. Từ thủ đô Brussels của Bỉ, thông tín viên Pierre Benazet của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:
"Cách đây một tháng, Ủy Ban Âu Châu đã hứa sẽ không đưa ra quyết định về khoản đóng góp tài chánh mà Liên Hiệp Âu Châu dành cho UNRWA trước khi kết thúc cuộc điều tra, nhưng vẫn yêu cầu phải bảo đảm hệ thống kiểm soát của cơ quan Liên Hiệp Quốc này.
Hôm 2/3, cơ quan này đã chấp nhận các điều kiện do ủy ban đưa ra một tháng trước, cụ thể là sẽ tăng cường bộ phận điều tra nội bộ của mình, sau đó họ cũng cho biết sẵn sàng điều tra các nhân viên bị nghi ngờ dính líu đến các vụ tấn công hôm 7/10/2023. Cuối cùng, UNRWA đã đồng ý khai triển một cuộc kiểm toán do các chuyên gia độc lập mà Liên Hiệp Âu Châu chỉ định thực hiện.
Đổi lại, vào tuần tới, Ủy Ban sẽ chuyển 50 triệu Euro. Sau đó, tùy vào việc áp dụng thỏa thuận, sẽ cấp thêm 32 triệu Euro, tức là phần còn lại trong khoản chi mà Liên Hiệp Âu Châu đã lên kế hoạch cho UNRWA vào năm 2024.
Liên Hiệp Âu Châu đã không hề nói về việc tạm ngừng tài trợ, vì không có kế hoạch thanh toán cho tháng 2. Tuy nhiên, 7 quốc gia Âu Châu, trong đó có Ý Ðại Lợi, Hòa Lan và đặc biệt là Đức, nhà tài trợ lớn nhất cho UNRWA sau Mỹ, đã đình chỉ các khoản đóng góp".
Hamas Đến Cairo Để Đàm Phán Ngừng Bắn
(Hình: Xe tăng của Do Thái gần biên giới Do Thái-Gaza.)
-Hôm 3/3/2024, một phái đoàn của Hamas đã đến Cairo (thủ đô của Ai Cập), để tham dự các cuộc đàm phán quan trọng về lệnh ngừng bắn ở Gaza, được coi là rào cản cuối cùng đối với một thỏa thuận sẽ tạm dừng giao tranh trong 6 tuần.
Hoa Thịnh Ðốn cho biết rằng một Thỏa thuận Ngừng bắn đã "được đặt trên bàn [đàm phán]" và đã được Do Thái thông qua và chỉ chờ sự phê chuẩn từ phía phiến quân. Nhưng các bên tham chiến đã đưa ra rất ít thông tin về bất kỳ tiến triển nào.
Sau khi phái đoàn Hamas đến, một viên chức Palestine nói với thông tấn xã Reuters rằng thỏa thuận "vẫn chưa có". Từ phía Do Thái, thậm chí không có xác nhận chính thức nào về việc phái đoàn của họ sẽ tham dự.
Một nguồn tin được thông báo về các cuộc đàm phán cho biết rằng Do Thái có thể tránh xa Cairo, trừ khi Hamas trước hết phải đưa ra danh sách đầy đủ các con tin vẫn còn sống, một yêu cầu mà một nguồn tin Palestine cho biết rằng Hamas cho đến nay đã bác bỏ là quá sớm.
Tuy nhiên, một viên chức Mỹ nói với các phóng viên rằng "đã có một thỏa thuận trên bàn" và "có một thỏa thuận khung".
Một thỏa thuận sẽ mang lại lệnh ngừng bắn kéo dài đầu tiên trong cuộc chiến, vốn đã xảy ra suốt 5 tháng cho đến nay và chỉ tạm dừng một tuần vào tháng 11 năm 2023. Hàng chục con tin bị phiến quân bắt giữ sẽ được trả tự do để đổi lấy hàng trăm người Palestine bị giam giữ.
Viện trợ cho Gaza bị bao vây sẽ được tăng cường để cứu mạng sống của những người Palestine bị đẩy đến bờ vực đói kém. Giao tranh sẽ chấm dứt kịp thời để ngăn chặn một cuộc tấn công quy mô lớn theo kế hoạch của Do Thái vào Rafah, nơi hơn một nửa trong số 2,3 triệu người dân Gaza đang bị dồn vào khu vực gần hàng rào biên giới của vùng đất này. Lực lượng Do Thái sẽ rút lui khỏi một số khu vực và cho phép người dân Gaza trở về những ngôi nhà mà họ rời đi trước đó trong cuộc chiến.
Tuy nhiên, một thỏa thuận sẽ không đáp ứng được yêu cầu chính của Hamas về việc chấm dứt vĩnh viễn chiến tranh, đồng thời vẫn chưa giải quyết được số phận của hơn một nửa trong số hơn 100 con tin còn lại - bao gồm cả những người đàn ông Do Thái trong độ tuổi chiến đấu không nằm trong thỏa thuận trả tự do cho phụ nữ, trẻ em, người già và người bị thương.
Các nhà hòa giải Ai Cập cho rằng những vấn đề đó có thể được gác lại ngay bây giờ với sự bảo đảm rằng chúng sẽ được giải quyết trong các giai đoạn sau. Một nguồn tin của Hamas nói với thông tấn xã Reuters rằng các chiến binh vẫn đang chờ đợi một "thỏa thuận trọn gói".
Do Thái Tẩy Chay Đàm Phán Ngừng Bắn ở Cairo
(Hình: Xe tăng của Do Thái chuẩn bị tiến vào Gaza.)
-Hôm 3/3/2024, một tờ báo của Do Thái đưa tin cho hay Do Thái đã tẩy chay các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza tại Cairo, sau khi Hamas từ chối yêu cầu của họ về một danh sách đầy đủ nêu tên các con tin vẫn còn sống,.
Một phái đoàn Hamas đã đến Cairo để tham gia cuộc đàm phán, vốn được coi là rào cản cuối cùng trước khi đạt được thỏa thuận tạm dừng giao tranh trong 6 tuần. Nhưng đến đầu giờ tối vẫn không có dấu hiệu nào của phía Do Thái.
"Không có phái đoàn Do Thái nào ở Cairo", Ynet, phiên bản trực tuyến của tờ báo Yedioth Ahronoth của Do Thái, dẫn lời các viên chức Do Thái giấu tên cho biết. "Hamas từ chối đưa ra câu trả lời rõ ràng và do đó không có lý do gì để cử phái đoàn Do Thái".
Hoa Thịnh Ðốn nhấn mạnh rằng gần có thỏa thuận ngừng bắn và đúng lúc để ngừng giao tranh trước khi bắt đầu tháng Ramadan, vốn chỉ còn một tuần nữa là diễn ra. Tuy nhiên, các bên tham chiến hầu như không công khai đưa ra dấu hiệu nào về việc rút các yêu cầu trước đó.
Sau khi phái đoàn Hamas đến, một viên chức Palestine nói với thông tấn xã Reuters rằng thỏa thuận "vẫn chưa có". Từ phía Do Thái, thậm chí không có xác nhận chính thức nào về việc phái đoàn của họ sẽ tham dự.
Một nguồn tin được thông báo về các cuộc đàm phán cho biết rằng Do Thái có thể tránh xa Cairo trừ khi Hamas trước hết phải đưa ra danh sách đầy đủ các con tin vẫn còn sống.
Một nguồn tin Palestine nói với thông tấn xã Reuters rằng Hamas cho đến nay đã bác bỏ yêu cầu đó.
Trong các cuộc đàm phán trước đây, Hamas đã tìm cách tránh thảo luận về tình trạng của từng con tin cho đến sau khi các điều khoản trả tự do cho họ được ấn định.
Một thỏa thuận sẽ mang lại lệnh ngừng bắn kéo dài đầu tiên trong cuộc chiến, vốn đã xảy ra suốt 5 tháng cho đến nay và chỉ tạm dừng một tuần vào tháng 11 năm 2023. Hàng chục con tin bị phiến quân bắt giữ sẽ được trả tự do để đổi lấy hàng trăm người Palestine bị giam giữ.
Trục Tội Ác Mới Iran Gây Hỗn Loạn
-Trong bài "Hamas, Houthi, nguyên tử: Những kế hoạch được che giấu của Iran để gây bất ổn cho thế giới", L'Express khẳng định Teheran thông qua mạng lưới tay sai, đã đẩy Trung Đông vào hỗn loạn từ sau vụ thảm sát ở Do Thái ngày 07/10. Tuần báolưu ý đến bài diễn văn của giáo chủ Ali Khamenei trong hội nghị Hồi giáo quốc tế ở Teheran hôm 3/10/2023.
Nhân vật quyền lực nhất Trung Đông cổ vũ "thánh chiến dưới mọi hình thức" chống lại các kẻ thù của Hồi giáo. Ông ta kết luận: "Với sự giúp đỡ của Thượng đế, khối u xi-ôn-nít sẽ bị tiêu diệt vĩnh viễn, bởi bàn tay của nhân dân Palestine và các lực lượng kháng chiến khắp khu vực". Chỉ bốn ngày sau, ngày 07/10, 3.000 tay súng Hamas xâm nhập vào Do Thái và sát hại dã man 1.200 người chủ yếu là thường dân. Nhà nước Do Thái trả đũa bằng chiến dịch Gaza đến nay đã làm 30.000 người thiệt mạng.
Từ đó đến nay, Khamenei giữ im lặng. Chế độ Iran, nhà tài trợ và cung cấp vũ khí cho Hamas, chối cãi mọi vai trò trong vụ thảm sát, ngoài các tuyên bố nẩy lửa chống lại Do Thái và các đồng minh. Trong hậu trường, Teheran cố gắng trấn an, nói rằng không muốn một cuộc chiến tranh trực diện với Hoa Kỳ. Nhưng một nhà ngoại giao Pháp vừa trở về từ Jérusalem báo động, Iran qua việc đẩy nhanh chương trình nguyên tử và mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông có thể gây ra chiến tranh khu vực. Mạng lưới tay sai dưới tên "trục kháng chiến" chưa bao giờ nguy hiểm đến thế.
Tại Liban, Hezbollah mỗi ngày đều bắn sang Do Thái, khiến 80.000 người dân vùng biên giới phải di tản. Ở Yemen, phiến quân Houthi bắn phi đạn vào các tàu phương Tây trên Hồng Hải, làm rối loạn thương mại quốc tế. Tại Syria và Irak, dân quân thân Iran trong bốn tháng qua đã tung ra trên 200 vụ tấn công vào lực lượng Mỹ đồn trú trong khu vực. Đó chính là dấu ấn của Iran: Bạo lực.
Ali Khamenei ngự trị được suốt 35 năm qua không phải nhờ thỏa hiệp mà nhờ đè bẹp toàn bộ đối lập. Bị yếu đi trong nội bộ vì phong trào phản kháng "Phụ nữ, cuộc sống, tự do", nước Cộng hòa Hồi giáo vươn vòi ra quốc tế, liên minh với Vladimir Putin. Một quả bom nổ chậm thực sự cho phương Tây.
Phiến Quân Houthi ở Yemen Tuyên Bố Sẽ Tiếp Tục Đánh Chìm Tàu Anh
(Hình ảnh vệ tinh do Maxar Technologies công bố vào ngày 2/3/2024 và đề ngày 1 tháng 3 cho thấy tàu chở hàng mang cờ Belize Rubymar, bị hư hại trong một cuộc tấn công phi đạn ngày 19/2 do phiến quân Huthi do Iran hậu thuẫn tuyên bố, đang trôi nổi trên Biển Đỏ.)
-Hôm 3/3/2024, Lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen tuyên bố sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào các tàu của Anh ở Vịnh Aden sau vụ chìm tàu Rubymar thuộc sở hữu của Anh.
Quân đội Hoa Kỳ hôm 2/3 xác nhận rằng tàu Rubymar thuộc sở hữu của Anh đã bị chìm sau khi bị trúng phi đạn-đạn đạo chống hạm do phiến quân Houthi ở Yemen bắn vào ngày 18/2.
"Yemen sẽ tiếp tục đánh chìm nhiều tàu Anh hơn, và bất kỳ hậu quả hoặc thiệt hại nào khác sẽ được bổ sung vào biên lai thanh toán của Anh", Hussein al-Ezzi, Thứ trưởng Ngoại giao trong chính phủ do Houthi lãnh đạo, cho biết trong một bài đăng trên X.
"Đó là một nhà nước bất hảo tấn công Yemen và các đối tác trong khi cùng với Mỹ tài trợ cho các tội ác đối với thường dân ở Gaza".
Phiến quân Houthi đã liên tục khai triển máy bay không người lái và phi đạn nhắm vào hoạt động vận chuyển thương mại quốc tế kể từ giữa tháng 11, nói rằng họ đang hành động đoàn kết với người Palestine để đáp trả các hành động quân sự của Do Thái ở Gaza.
Các cuộc tấn công ở Biển Đỏ của họ đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển toàn cầu, buộc các công ty phải tiến hành các hành trình dài hơn và tốn kém hơn quanh miền Nam Phi Châu, đồng thời làm dấy lên lo ngại rằng cuộc chiến Do Thái-Hamas có thể lan rộng và gây bất ổn rộng lớn hơn cho khu vực Trung Đông.
Mỹ và Anh bắt đầu tấn công các mục tiêu của Houthi ở Yemen vào tháng 1 để trả đũa các cuộc tấn công vào tàu bè ở Biển Đỏ.
Hòa Lan Trở Thành Quốc Gia Thứ Bảy Ký Thỏa Thuận An Ninh 10 Năm Với Ukraine
(Hình: Thủ tướng Hòa Lan Mark Rutte bất ngờ đến thăm quân đội Ukraine tại Kharkiv, miền Đông Ukraine, ngày 1/3/2024.)
-Ngày 1/3/2024, tại thành phố Kharkiv, Hòa Lan đã ký thỏa thuận an ninh 10 năm với Ukraine, đồng thời cam kết sẽ tham gia kế hoạch mua 800.000 đạn pháo giúp Kyiv ngăn chặn lực lượng Nga.
Theo thông tấn xã Reuters, Thủ tướng Hòa Lan Mark Rutte đã có cuộc gặp với Tổng thống Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm bất ngờ tới Kharkiv, chỉ cách biên giới Nga 40 cây số, và trở thành nhà lãnh đạo phương Tây thứ bảy ký Thỏa thuận An ninh 10 năm với Ukraine trong vòng hai tháng qua. Thỏa thuận đã xác định các lĩnh vực ưu tiên viện trợ mà Hòa Lan dành cho Ukraine, bao gồm phòng không, Pháo binh, Hải quân và nhấn mạnh đến việc tăng cường Không quân cho Kyiv.
Trong cuộc họp báo sau chuyến thăm, Thủ tướng Hòa Lan tuyên bố Amsterdam sẽ góp 150 triệu Euro vào sáng kiến do Cộng hòa Czech khởi xướng mua 800.000 đạn pháo viện trợ cho Kyiv Như vậy, tổng số tiền huy động được cho sáng kiến lên thành 250 triệu Euro.
Phát biểu trong Hội nghị An Ninh Munich vào tháng 2, Cộng hòa Czech cho biết đã nhận được 500.000 đạn pháo 155 mm và 300.000 đạn 122 mm từ nhiều nước thứ ba. Số đạn này có thể được chuyển đến Ukraine trong vài tuần nếu nguồn tài trợ được bảo đảm.
Về tình hình tại chỗ, Không quân Ukraine cho biết đã bắn hạ 14 drone Shahed của Nga tại các tỉnh Odessa, Mykolaiv, Zaporizhia, Kharkiv, Sumy và Dnipropetrovsk. Cũng theo lực lượng này, từ đêm 1/3 đến rạng sáng 2/3, Nga đã tiến hành tổng cộng 17 cuộc tấn công vào lãnh thổ Ukraine.
"Tình hình Ukraine" sẽ được Tổng thống Emmanuel Macron đề cập với lãnh đạo các chính đảng tại Pháp trong cuộc họp tại điện Élysée vào sáng 7/3.
Thông Tin "Tuyệt Mật" của Đức Bàn Về Phương Án Cấp Phi đạn Taurus Cho Ukraine Bị Rò Rỉ
(Hình: Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) và Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky (trái), sau cuộc gặp ở Bá Linh hôm 16/2/2024.)
-Ngày 1/3/2024, kênh truyền hình Nga Russia Today, thân cận với Ðiện Cẩm Linh, công bố một băng âm dài 37 phút, ghi lại một trao đổi "tuyệt mật" giữa các sĩ quan Đức về các phương án cấp cho Ukraine loại phi đạn Taurus, có tầm bắn hơn 500 cây số, một trong các phi đạn tối tân nhất của nước Đức. Bộ Quốc phòng Đức hôm 2/3 đã xác nhận cuộc trao đổi mật của Không quân Đức đã bị nghe lén, nhưng không khẳng định tính xác thực của các nội dung được loan tải.
Theo nhiều chính trị gia Đức, việc Mạc Tư Khoa tung ra các thông tin nói trên là nhằm gây áp lực với Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhằm chặn đứng khả năng chính phủ Đức đưa ra quyết định cấp cho Ukraine loại vũ khí chiến lược này. Thông tín viên Nathalie Versieux của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ thủ đô Bá Linh của Đức:
"Bốn sĩ quan Không quân Đức, trong đó ít nhất một viên tướng, tham gia vào một cuộc họp trực tuyến. Nội dung liên quan đến phi đạn tầm xa quý giá Taurus, do Đức sản xuất, loại vũ khí mà Kyiv liên tục yêu cầu từ nhiều tháng nay. Cho đến nay Thủ tướng Đức vẫn từ chối cung cấp phi đạn Taurus vì lo ngại xung đột lan rộng.
Trong cuộc đàm thoại này, các sĩ quan đã bàn về số lượng phi đạn sẵn có, cách huấn luyện cho binh sĩ Ukraine, việc xác định các mục tiêu tấn công có thể tại Nga, số lượng phi đạn Taurus có thể được cung cấp để đạt được các mục tiêu quân sự, như phá hủy cây cầu nối liền bán đảo Crimea với Nga.
Đây rõ ràng là một hồ sơ rất nhạy cảm. Từ Vatican, Thủ tướng Scholz đang trong chuyến công du nhận định: "Sự việc này rất nghiêm trọng. Chính vì vậy cần phải điều tra rất kỹ lưỡng và rất nhanh chóng".
Cuộc điều tra sẽ phải làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Trước hết là mức độ an toàn của các liên lạc trong quân đội Đức. Hiện tại, các sĩ quan Đức dường như đang sử dụng nhu liệu điện toán họp trực tuyến WebEx trong các cuộc họp kiểu này, theo tình báo Nga. Trong những ngày tới, có nguy cơ Nga sẽ công bố thêm một số nội dung đối thoại trong nội bộ. Vụ bê bối này cũng có thể gây nhiều tác động đến liên minh cầm quyền tại Đức. Theo suy đoán của đối lập Đức, Mạc Tư Khoa đang tìm cách bóp chết từ trong trứng mọi thảo luận xung quanh việc cấp phi đạn tầm xa cho Ukraine".
Không chỉ đối lập Đức, mà ngay trong nội bộ liên minh cầm quyền Đức cũng có nhiều lo ngại về việc Ðiện Cẩm Linh sử dụng các thông tin này để "gây áp lực" với Thủ tướng Đức trong hồ sơ phi đạn Taurus, theo nhận định của chuyên gia quân sự Marie-Agnes Strack-Zimmermann, đảng Tự Do, thành viên liên minh cầm quyền.
Theo thông tấn xã AFP, sau khi các thông tin nói trên được công bố, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã yêu cầu "Đức nhanh chóng giải thích" về sự việc này. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, "tránh né trả lời đồng nghĩa với thú nhận". Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, đang công du Thổ Nhĩ Kỳ, coi sự việc này là minh chứng "cho thấy phe chủ chiến tại Âu Châu đang rất mạnh". Còn nhân vật số hai của Hội đồng An ninh Nga, Dmitri Medvedev, thậm chí khẳng định, nước Đức giờ đây đã trở thành "kẻ thù" của nước Nga, khi "bàn đến các cuộc tấn công để gây tổn thất tối đa cho đất nước chúng ta".
Theo một thăm dò dư luận Đức của INSA, công bố hôm 26/2, 49% người được hỏi phản đối việc cấp phi đạn tầm xa cho Ukraine, trong lúc có 35% ủng hộ.
Ukraine Muốn Có Phi đạn Taurus Để Tấn Công Cầu Kertch?
(Hình: Phi đạn Taurus, Đức mà Nam Hàn đặt mua trong cuộc tập trận ngày 13/9/2017 ngoài khơi bờ biển phía Tây nước này.)
-Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn từ chối giao phi đạn Taurus tối tân cho Kyiv vì cần chuyên gia điều chỉnh trên lãnh thổ Ukraine và như vậy sẽ kéo Đức vào cuộc chiến. Tuy nhiên, đối với Kyiv, phi đạn Taurus có tầm quan trọng chiến lược để tấn công các mục tiêu từ xa.
So với Storm Shadow và Scalp (250 cây số) được Anh và Pháp chuyển cho Ukraine, phi đạn Taurus của Đức có tầm bắn gấp đôi (500 cây số), mang hai đầu đạn (giống Storm Shadow), có thể bắn trúng mục tiêu trên không. Được mệnh danh là phi đạn "diệt hầm" (bunker buster), Taurus được thiết kế bán tàng hình, có thể bay ở tầm thấp để tránh các hệ thống phòng không. Loại phi đạn liên lục địa không đối địa này có thể được bắn từ máy bay cho nên cần được điều chỉnh để thích ứng với Không quân Ukraine.
Tướng Jérôme Pellistrandi, tổng biên tập Tạp chí Quốc Phòng Pháp, cho biết Taurus "hoàn toàn thích hợp để phá các mục tiêu quan trọng, như kho bãi hoặc các vị trí chỉ huy". Giả thuyết Ukraine dùng Taurus để tấn công cầu Crimea đã được nhắc đến trong đoạn đối thoại bị rò rỉ giữa các viên chức Đức. Trả lời Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) ngày 3/3, chuyên gia nghiên cứu về văn minh Đức tại Đại học Sorbonne, kiêm Cố vấn về quan hệ Pháp-Đức tại Viện Quan hệ Quốc tế (IFRI), Giáo sư Hans Stark phân tích:
"Cầu Crimea (cầu Kertch) là tuyến đường chính được Nga sử dụng để chuyển quân, vận tải vũ khí đạn dược, Pháo binh,... nói chung là toàn bộ chuỗi cung ứng cho chiến tranh. Ngoài ra, cầu Crimea còn là tài sản quý giá đối với ông Putin, đó là cây cầu của Putin, và cũng là điểm chiến lược để kiểm soát bán đảo Crimea. Không có cầu Kertch, Crimea có thể sẽ thất thủ.
Vì tất cả những lý do đó mà ông Scholz không muốn giao phi đạn Taurus cho Ukraine. Thủ tướng Đức cũng đưa ra một lập luận khác, nhưng không được Paris đồng ý, đó là để lập trình và điều chỉnh mục tiêu cho Taurus, cần phải có chuyên gia Đức. Quân đội Ukraine không làm được việc này. Việc điều chỉnh mục tiêu cho những phi đạn Taurus ở Ukraine cũng không thể làm được ở Đức. Điều đó có nghĩa là cần phải có quân Đức trên lãnh thổ Ukraine để lập trình cho Taurus tấn công cầu Kertch hay bất kỳ mục tiêu nào khác. Và như vậy lại quay trở lại tranh luận: có cần khai triển quân trên lãnh thổ Ukraine hay không. Dĩ nhiên là không phải để trực tiếp tham chiến nhưng dù sao cũng là để khai triển vũ khí sẽ được sử dụng trên chiến trường".
Cầu Kertch nối vùng Krasnodar của Nga với bán đảo Crimea đã bị đóng cửa sáng sớm Chủ Nhật 3/3. Chính quyền không nêu lý do nhưng trên mạng Telegram, một số kênh truyền thông địa phương cho biết người dân nghe thấy nhiều tiếng nổ gần một kho dầu ở Feodossia trên bán đảo Crimea. Ngay sau đó, Nga cho biết hệ thống phòng không đã bắn hạ 38 drone của Ukraine trên báo đảo.
Về tình hình chiến sự, trong vụ tấn công của Nga nhắm vào một tòa chung cư 9 tầng ở Odessa ngày 2/3 đã có 8 người thiệt mạng. Một lần nữa, Tổng thống Zelensky kêu gọi đồng minh phương Tây cung cấp hệ thống phòng không để "bảo vệ người dân tốt hơn".
Thổ Nhĩ Kỳ Hy Vọng Đàm Phán Ngừng Bắn ở Ukraine Có Thể Sớm Bắt Đầu
(Hình: Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan.)
-Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng rằng các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Ukraine sẽ sớm bắt đầu, Ngoại trưởng Hakan Fidan nói hôm 3/3/2024, khi kết thúc một diễn đàn ngoại giao ở thành phố Antalya phía Nam.
Ông Fidan đã gặp người đồng cấp Nga, ông Sergei Lavrov, hôm 1/3 bên lề Diễn đàn Ngoại giao Antalya. Ông nói với các phóng viên rằng ông đã thảo luận một số vấn đề với ông Lavrov, trong đó có Ukraine.
"Về vấn đề Ukraine, quan điểm của chúng tôi là cả hai bên đã đạt đến giới hạn mà họ có thể đạt được thông qua chiến tranh. Chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc bắt đầu đối thoại về một lệnh ngừng bắn", ông Fidan nói.
"Điều đó không có nghĩa là thừa nhận sự chiếm đóng (của Nga), nhưng các vấn đề về chủ quyền và lệnh ngừng bắn cần được thảo luận riêng".
Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO), vốn có chung đường biên giới trên biển với cả Ukraine và Nga ở Biển Đen, đã tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả hai quốc gia kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine hai năm trước.
Ankara đã hỗ trợ quân sự cho Ukraine và lên tiếng ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này, nhưng cũng phản đối các lệnh trừng phạt đối với Nga.
"Cái chết và thương tích của hơn 500.000 người cũng như sự phá hủy hoàn toàn cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng của cả một quốc gia không phải là một thực tế có thể chấp nhận được đối với chúng tôi", ông Fidan nói.
"Điều này phải dừng lại bằng cách nào đó. Để ngăn chặn điều này, cần có một số cuộc thảo luận và mọi người nên làm quen với ý tưởng này".
Mạc Tư Khoa: Nga, Trung Quốc Nhất Trí Rằng Nga Phải Có Mặt Trong Cuộc Đàm Phán Về Ukraine
(Hình: Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin.)
-Hôm 3/3/2024, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin và đại diện đặc biệt của Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu Li Hui nói rằng không thể thảo luận về giải pháp đối với Ukraine nếu không có sự tham gia của Mạc Tư Khoa.
Đặc phái viên Trung Quốc đã gặp ông Galuzin trong chuyến đi thứ hai tới Âu Châu nhằm thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Chuyến công du cũng sẽ bao gồm Ba Lan, Ukraine và Đức.
"Một cuộc trao đổi quan điểm rất tích cực và kỹ lưỡng đã diễn ra về chủ đề cuộc khủng hoảng Ukraine", Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong tuyên bố đăng trên trang web của mình.
"Có tuyên bố rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào về giải pháp chính trị và ngoại giao đều không thể thực hiện được nếu không có sự tham gia của Nga và tính đến lợi ích của nước này trong lĩnh vực an ninh".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong thông báo về cuộc họp rằng Trung Quốc sẵn sàng "tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình, làm trung gian và xây dựng sự đồng thuận giữa Nga, Ukraine và các bên liên quan khác, đồng thời thúc đẩy giải pháp chính trị cuối cùng cho cuộc khủng hoảng Ukraine".
Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, gọi đây là một "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm "phi phát-xít hóa" nước láng giềng.
Kyiv và các đồng minh phương Tây gọi cuộc chiến mà 2 năm sau đó vẫn tiếp tục giết hại dân thường gần như hàng ngày là một cuộc chiếm đất vô cớ.
Cơ Quan Chính Hiệp Trung Quốc: "Thất Nghiệp" của Giới Trẻ Là Vấn Đề Lớn
(Hình: Người trẻ Trung Quốc tham gia vào hội chợ việc làm tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh. Ảnh ngày 9/6/2023.)
-Một ngày trước kỳ họp "Lưỡng Hội" Trung Quốc (tức hai cuộc họp Quốc hội và Chính Hiệp), hôm Chủ Nhật (3/3/202), phát ngôn viên của cơ quan Chính Hiệp thừa nhận vấn đề thấp nghiệp trong giới trẻ là "mối quan ngại lớn".
Theo thông tấn xã AFP, trong một cuộc họp báo, ông Lưu Kết Nhất (Liu Jieyei) cho biết, "các vấn đề kinh tế là mối quan tâm lớn đối với các đại biểu, đặc biệt là vấn đề thất nghiệp của các sinh viên mới ra trường". Tỷ lệ thất nghiệp chính thức của thanh niên Trung Quốc ở mức khoảng 15% vào cuối năm 2023, sau khi cơ quan thống kê điều chỉnh cách tính.
Trước đó, cơ quan thống kê Trung Quốc đã ngừng công bố số liệu "nhạy cảm về chính trị này" trong nhiều tháng kể từ mùa Hè năm 2023, khi Bắc Kinh công bố tỷ lệ thất nghiệp trên 20%. Hồi năm 2023, tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc đạt 5,2%, theo số liệu chính thức, mức thấp nhất trong nhiều thập niên.
Phát ngôn viên Chính Hiệp Trung Quốc khẳng định kinh tế Trung Quốc vẫn có "các nền tảng tốt và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển chất lượng cao", và cho biết đất nước có khả năng "kháng cự" trước "những cú sốc bên ngoài... và những khó khăn nội bộ".
Hàng ngàn đại biểu từ khắp đất nước sẽ tập trung tại Bắc Kinh, tham dự kỳ họp Lưỡng Hội kể từ ngày mai. Hội nghị Chính Hiệp sẽ kết thúc ngày 10/3.
Trung Quốc Chỉ Trích Phi Luật Tân Thổi Phồng Vấn Đề Biển Đông
(Hình: Đại sứ Phi Luật Tân tại Hoa Kỳ Jose Manuel Romualdez phát biểu tại Vườn Tam giác Ayala ở thủ đô Manila của Phi Luật Tân ngày 6/8/2022.)
-Tranh chấp ở Biển Đông tiếp tục gây căng thẳng giữa Phi Luật Tân và Trung Quốc. Trong thông cáo ngày 3/3/2024, Tòa Ðại sứ Trung Quốc ở Manila đã lên án "mạnh mẽ" những phát biểu gần đây về Trung Quốc của Ðại sứ Phi Luật Tân ở Hoa Thịnh Ðốn.
Theo thông tấn xã Reuters, ngày 28/2, Ðại sứ Phi Luật Tân Jose Manuel Romualdez đánh giá dù Hoa Kỳ coi vấn đề Biển Đông và khả năng xảy ra một cuộc xung đột với Đài Loan là "những mối bận tâm nghiêm trọng" nhưng ông cho rằng "điểm nóng chính vẫn là Biển Đông" căn cứ vào "những biến cố, đụng độ xảy ra trong vùng".
Thông cáo của Tòa Ðại sứ Trung Quốc cho rằng những nhận định đó "thổi phồng vô cớ vấn đề Biển Đông, làm dấy lên những đồn đoán và vu khống ác ý chống Trung Quốc". Ngoài ra, "cõng rắn cắn gà nhà" không những không giúp giải quyết tranh chấp ở Biển Đông mà ngược lại, làm phức tạp thêm tình hình trong vùng, phá hoại hòa bình trong khu vực".
Phi Luật Tân đang cố gắng mở rộng mạng lưới đối tác để bảo vệ chủ quyền trước Trung Quốc. Theo hãng thông tấn AP, Tổng thống Phi Luật Tân Marcos Jr. công du Úc Ðại Lợi để thắt chặt hợp tác. Phát biểu trước Quốc hội lưỡng viện Úc Ðại Lợi ngày 29/2, ông ca ngợi mối quan hệ đối tác chiến lược song phương "có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết", đồng thời khẳng định Phi Luật Tân sẽ không "nhượng một tấc chủ quyền" trong tranh chấp với Trung Quốc. Tháng 11/2023, lần đầu tiên, Úc Ðại Lợi và Phi Luật Tân tổ chức tuần tra chung hàng hải và trên không ở Biển Đông.
Trước đó, ông Marcos Jr. cũng đánh giá hợp tác an ninh của Phi Luật Tân với Mỹ và Nhật Bản đang "tiến triển rất tốt" trong cuộc điện đàm chia tay Ðại sứ Nhật Bản sắp mãn nhiệm Kazuhiko Koshikawa. Theo ông, mối quan hệ đối tác ba bên, đặc biệt liên quan đến tranh chấp Biển Đông, nhấn mạnh những nỗ lực chiến lược của Manila nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng và ngoại giao trong bối cảnh căng thẳng khu vực ngày càng gia tăng.
Người Nga Tiếp Tục Đến Viếng Navalny 2 Ngày Sau Tang Lễ, Bất Chấp Nguy Cơ Bị Đàn Áp
(Hình: Mẹ và mẹ vợ của nhà đối lập Nga Alexei Navalnya đến thăm mộ sau đám tang của ông tại Nghĩa trang Borisovskoye, ở thủ đô Mạc Tư Khoa, của Nga. Ảnh ngày 2/3/2024.)
-Hai ngày sau lễ tang Alexei Navalny, nhà đối lập chính của Ðiện Cẩm Linh, qua đời trong một nhà tù ở Bắc Cực, hôm 3/3/2024, hàng ngàn người vẫn tiếp tục đổ về nghĩa trang Borissovski, cách Quảng trường Đỏ khoảng 20 cây số về phía Đông-Nam, theo ghi nhận của đài TF1.
Đã có ít nhất 128 người bị bắt trên toàn quốc bên lề các cuộc tập hợp tưởng niệm nhà lãnh đạo phong trào phản kháng Nga. Từ Mạc Tư Khoa, thông tín viên Jean-Didier Revoin của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết về không khí tại nghĩa trang Borissovski hôm thứ Bảy (2/3):
"Hình ảnh đoàn người xếp hàng dài bất tận trước điểm bán hoa tại nghĩa trang Borissovski ở Mạc Tư Khoa ắt hẳn khiến chủ nhân của nghĩa trang này phấn khởi. Đây là điều có thể nhận ra từ những hình ảnh về cửa hàng hoa, đăng tải trên trang Telegram của nghĩa trang, cũng như ngôi mộ của ông Navalny chìm trong một núi hoa.
Suốt cả ngày thứ Bảy (2/3), người Nga đến đây để bày tỏ lòng kính trọng đối với con người mà hôm qua những người đến viếng đã gọi là một "anh hùng bất tử". Số người đến đây đông đến mức mà chính quyền đã phải lập một lối đi riêng dẫn đến ngôi mộ ông.
Chúng tôi thấy những người dân Nga bình thường tại đây, nhưng cũng có cả những cựu thành viên của Quỹ chống tham nhũng của nhà đối lập quá cố, và thậm chí nhiều nhân vật tên tuổi như Alexey Venediktov, cựu lãnh đạo đài phát thanh độc lập Tiếng vọng Mạc Tư Khoa nổi tiếng.
Nhưng cuộc viếng thăm đáng nhớ nhất diễn ra vào buổi sáng, khi mẹ của Alexey Navalny và mẹ vợ của nhà đối lập trở lại viếng mộ lần nữa. Người mẹ vợ của nhà đối lập đã có bài phát biểu cảm động về tình yêu của Alexey với Yulyia con gái bà. Nhân cơ hội này, bà gửi lời cảm ơn đến tất cả những người đến viếng khiến ngôi mộ tràn ngập trong hoa".
NATO: Tập Trận Quy Mô Lớn ở Bắc Cực, Thụy Điển Lần Đầu Tham Gia
(Hình: Máy bay chiến đấu tham gia trong cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 của NATO. Ảnh ngày 28/2/2024.)
-Hôm 3/3/2024, các nước thành viên trong khối Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) sẽ tiến hành cuộc tập trận chung "Nordic Response" (Tạm dịch: Phản ứng Bắc Âu) tại Bắc Cực, đánh dấu lần đầu tiên Thụy Điển tham gia tập trận.
Dù chưa phải là thành viên chính thức của liên minh nhưng Stockholm đã cung cấp lãnh thổ của mình ở vùng Viễn Bắc và cử 4.500 binh sĩ tham gia cuộc tập trận xuyên biên giới này. Từ thủ đô Stockholm của Thụy Điển, thông tín viên Carlotta Morteo của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:
Na Uy, thành viên lâu đời của NATO, vốn từ lâu đã giữ vai trò chỉ huy bảo vệ Bắc Cực, nên giờ sẽ chỉ đạo các cuộc tập trận lần này. Năm nay, 20.000 binh sĩ đến từ 13 quốc gia sẽ tham gia huấn luyện trên khắp vùng Tây Lapland từ Na Uy, Thụy Điển đến Phần Lan. Đây quả thực là một sân chơi lớn, trải rộng hơn 500 cây số vuông, nơi hơn một trăm máy bay quân sự sẽ cùng tập trận.
Dù được coi là cuộc thử nghiệm đầu tiên về hoạt động phòng không chung giữa tất cả các quốc gia Bắc Âu trong khuôn khổ NATO, nhưng ba nước Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển vốn đã phối hợp nhịp nhàng trên không, vì các nước này đã tập luyện cùng nhau gần như mỗi tuần kể từ năm 2009.
Cuộc tập trận "Phản ứng Bắc Âu" cũng sẽ giúp kiểm tra mức độ tương tác giữa các lực lượng Lục quân và Hải quân trong khu vực, đồng thời cải thiện các vấn đề hậu cần xuyên biên giới.
Nhưng hiện tại, theo cơ cấu tổ chức của NATO, Bắc Âu đang bị phân cắt thành nhiều khu vực: Khu vực Na Uy nằm dưới quyền của sở chỉ huy đặt tại Norfolk, Hoa Kỳ, trong khi Phần Lan lại dưới quyền của Brunssum, Hòa Lan…. Việc Thụy Điển gia nhập Liên minh đóng vai trò quan trọng theo quan điểm địa chiến lược nhưng cũng đồng thời đặt ra vấn đề về việc thiết lập cơ cấu phân chia khu vực mới.
Ấn Độ Mở Căn Cứ Hải Quân Mới Sau Khi Quần Đảo Maldives Thân Trung Quốc Trục Xuất Binh Sĩ Ấn
(Hình: Tổng thống Maldives, ông Mohamed Muizzu phát biểu trong phiên họp toàn thể tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28, ngày 1/12/2023, tại Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.)
-Theo thông tấn xã AFP hôm 3/3/2024, Ấn Độ sẽ thành lập một căn cứ Hải quân mới trên một đảo thuộc quần đảo Lakshadweep của Ấn Độ vào thứ Tư (6/3), sau khi nước láng giềng Maldives yêu cầu Tân Ðề Ly hồi hương toàn Bộ binh sĩ Ấn Độ đồn trú tại quốc gia này.
Căn cứ mới được bố trí tại rạn san hô Minicoy, cực Nam của quần đảo Lakshadweep, nằm ở phía Bắc quần đảo Maldives, nằm ở vùng biển Laccadive giữa Ấn Độ Dương và Biển Ả Rập. Nằm trên "tuyến đường hàng hải quan trọng", căn cứ mới này sẽ cho phép Ấn Độ tăng cường năng lực của Hải quân "giám sát các hoạt động" trong khu vực, đặc biệt là trong cuộc chiến chống nạn cướp biển và buôn lậu ma túy.
Đảo san hô Minicoy nằm cách hòn đảo cực Bắc của quần đảo Maldives khoảng 130 cây số. Ấn Độ đã có căn cứ ở quần đảo Lakshadweep nhưng nằm trên đảo Kavaratti, cách xa hơn 260 cây số về phía Bắc.
Quan hệ giữa Ấn Độ và quần đảo Maldives xấu đi kể từ cuộc bầu cử vào tháng 11/2024 tại Maldives, với việc ông Mohamed Muizzu đắc cử Tổng thống. Ông Muizza, được coi là người thân Trung Quốc, cam kết sẽ trục xuất các lực lượng Ấn Độ. Tân Ðề Ly sẽ bắt đầu hồi hương nhóm binh sĩ đầu tiên kể từ ngày 10/3.
Liên Hiệp Quốc: Cần Trừng Phạt Tập Đoàn Quân Sự Miến Điện Để Ngăn Thảm Sát Thường Dân
(Hình: Người Miến Điện sống tại Thái Lan giương ảnh của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi trong buổi tuần hành trước trụ sở của Liên Hiệp Quốc tại Vọng Các, thủ đô của Thái Lan, ngày 1/2/2024 đánh dấu tròn 3 năm tập đoàn quân sự Miến Điện đảo chính, lật đổ chính quyền dân sự.)
-Ba năm sau cuộc đảo chính của tập đoàn quân sự, tình hình tại Miến Điện vẫn là "cơn ác mộng không hồi kết". Ngày 1/3/2024, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi ngăn chặn tập đoàn quân sự Miến Điện phạm "tội ác" đối với người dân bằng cách ban hành "những biện pháp cụ thể" hạn chế sự tiếp cận vũ khí, nhiên liệu, ngoại hối.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Türk tố cáo chính quyền của tướng Min Aung Hlaing "lạm dụng quyền lực" nghiền nát mọi hình thức đối lập mà không hề bị trừng phạt, trong khi nền kinh tế thảm hại. Ông nhấn mạnh "cuộc xung đột vũ trang ngày càng tồi tệ và hiện lan rộng gần như khắp cả nước. Ba năm dưới sự điều hành của quân đội đã và sẽ tiếp tục gây ra những tội ác, những đau đớn ở những cấp độ không thể chịu đựng được đối với người dân".
Phát biểu tại trụ sở Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneve (Thụy Sĩ), một lần nữa ông Volker Türk kêu gọi "cộng đồng quốc tế tập trung sức lực để ngăn ngừa những tội ác nhắm vào người dân Miến Điện, kể cả người Rohingya".
Theo thông tấn xã Reuters, giới lãnh đạo quân sự tại Miến Điện vẫn coi cộng đồng thiểu số theo Hồi Giáo là những "kẻ ngoại nhập" và không cấp quốc tịch cho họ. Rất nhiều người Rohingya đã tị nạn ở Bangladesh từ năm 2017 để tránh bị quân đội truy sát. Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh, "sau hàng chục năm bị đối xử phân biệt, bị trấn áp, bị ép di cư và hàng loạt các vụ vi phạm nhân quyền, người Rohingya hiện chủ yếu bị giam cầm trong các ngôi làng và các trại tập trung".
Quân đội Miến Điện đã đảo chính vào tháng 2/2021, lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi. Ngoài các nhà đấu tranh ủng hộ dân chủ, tập đoàn quân sự hiện phải đối phó với nhiều lực lượng vũ trang thuộc các sắc tộc thiểu số. Các cuộc giao tranh đã trở nên ác liệt từ tháng 10/2023.
Theo các nguồn tin đáng tin cậy, được ông Türk trích dẫn, hơn 4.600 thường dân, trong đó có hơn 1.000 phụ nữ và trẻ em, đã bị quân đội Miến Điện sát hại từ tháng 2/2021. Trong số này, khoảng 400 người, trong đó có 113 phụ nữ, đã bị thiêu sống hoặc bị thiêu sau khi bị giết. Tuy nhiên, theo ông, "tổng kết thực tế có thể còn cao hơn nhiều".
Quốc Hội Thái Lan Tổ Chức Hội Thảo Về Miến Điện, Tập Đoàn Quân Sự Phản Đối
(Hình: Nhà Quốc hội Thái Lan.)
-Báo Bangkok Post đưa tin cho hay hôm 2/3/2024, Quốc hội Thái Lan khai mạc hội thảo về tình hình chính trị Miến Điện với sự tham gia của nhiều nhân vật cấp cao của lực lượng đối lập kháng chiến chống tập đoàn quân sự. Hội thảo diễn ra hai ngày đã được tổ chức "bất chấp sự phản đối của giới tướng lĩnh Miến Điện".
Theo thông tấn xã Reuters, người chủ trì hội thảo mang tên "Ba năm sau đảo chính" là Dân biểu Rangsiman Rome, đứng đầu Ủy Ban An ninh của Hạ viện Thái Lan, cho biết: "Những gì chúng tôi đang làm hôm nay là bước đầu tiên trong việc đưa các bên tranh chấp đối thoại với nhau, để mở đường cho một giải pháp chính trị hòa bình và bền vững cho Miến Điện". Dân biểu Rangsiman Rome, người tổ chức hội thảo, là cựu phát ngôn viên đảng Move Forward, đảng về đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội Thái Lan năm 2023
Tham dự hội thảo có nhiều nhân vật cấp cao của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Miến Điện (NUG), và nhiều tổ chức vũ trang sắc tộc, nhưng không có đại diện từ chính phủ Miến Điện. Trong một văn bản trả lời thông tấn xã Reuters, Bộ Ngoại giao của tập đoàn quân sự Miến Điện đã "phản đối mạnh mẽ" việc Quốc hội Thái Lan tổ chức hội thảo này, và khẳng định việc này "để lại những tác động tiêu cực" đến quan hệ song phương. Tập đoàn quân sự Miến Điện yêu cầu chính phủ Thái Lan can thiệp để Quốc hội nước này không tổ chức "bất kỳ hoạt động nào có thể cản trở mối quan hệ hữu nghị hiện nay".
goại trưởng Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara dự định có bài phát biểu quan trọng tại cuộc hội thảo này, nhưng rút cục đã hủy bỏ vào phút cuối mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào. Bộ Ngoại giao Thái Lan từ chối bình luận về việc này.
Theo thông tấn xã Reuters, chính phủ Thái Lan đã thúc đẩy một sáng kiến nhân đạo với sự tham gia của tập đoàn quân sự và một số lực lượng đối lập khác để mở đường cho các đàm phán giữa các bên tham chiến. Theo Dulyapak Preecharush, một học giả chuyên về Đông Nam Á tại Đại học Thammasat, chủ trương tổ chức hội thảo "Ba năm sau đảo chính" của Quốc hội Thái Lan rất khác với chính sách của chính phủ Thái Lan trong hợp tác với tập đoàn quân sự Miến Điện. Học giả Thái Lan Dulyapak Preecharush nhấn mạnh, một cuộc hội thảo do ủy ban Quốc hội tổ chức "mở ra nhiều không gian hơn các nhóm tranh đấu vì dân chủ" ở Miến Điện.
Cuộc Đua Trump-Biden Trong Một Nước Mỹ Đã Đổi Khác
-Trong bài xã luận "Donald Trump, Tổng thống sau 8 tháng nữa?", L'Express đặt vấn đề, liệu có ai ngăn cản lãnh tụ dân túy 77 tuổi giành được một nhiệm kỳ nữa vào ngày 5/11/2024 tới.
Cách đây hơn ba năm, câu hỏi này có thể gây cười – sau vụ tấn công vào điện Capitol, người ta nghĩ rằng tương lai của Tổng thống mãn nhiệm sẽ là ở trước tòa án. Đảng Cộng hòa từ Abraham Lincoln cho đến Ronald Reagan không bao giờ chấp nhận tha thứ cho một "nhân vật ly khai".
Thế nhưng chiến thắng của Donald Trump tại Nam Carolina trước Nikki Haley hôm 24/2 đã mang lại cho ông cả một đại lộ thênh thang để trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Cộng hòa. Nhiều người hy vọng những rắc rối pháp lý sẽ ngăn được Trump, nhưng họ quên rằng hồi 2016 ông đã giành được một chiến thắng mà cho đến phút chót không ai tin nổi. Một nước Mỹ kỳ lạ tiếp tục lãnh đạo thế giới, trong khi hai ứng viên cho chức vụ tối cao vẫn chưa được công chúng "xức dầu thánh". Với cặp Trump-Biden, thật khác biệt so với một John Kennedy trở thành Tổng thống lúc 43 tuổi, hay Barack Obama bước vào Tòa Bạch Ốc ở tuổi 48.
Nhưng ở đây không chỉ là vấn đề tuổi tác. Đã đến lúc Âu Châu chuẩn bị cho mọi giả thiết, và nếu Trump chiến thắng phải nghĩ đến "một Âu Châu sắp sửa phải hành động một mình" - như Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã nói. Lần này chẳng còn những "người lớn" - tức các Cố vấn chừng mực trong nhiệm kỳ trước của Donald Trump. Ngay cả trong trường hợp thất cử, tầm cỡ cử tri ủng hộ Donald Trump từ tám năm qua cho thấy một phần dân Mỹ đã tách rời khỏi các giá trị dân chủ như thế nào. Chia rẽ chính trị, không còn cam kết quốc tế và dân túy vẫn tồn tại: Âu Châu cần nhớ những điều này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét