Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2024

NHẬT KÝ AN LỘC: SỬA SOẠN - Bs Nguyễn Văn Quý


2 giờ kém 15, Thiếu tá Diệm và tôi trở dậy đi làm. Mặc dù chiều nay là ngày nghỉ, tôi cũng phải vào bệnh viện. Tình thế này không cho phép tôi ở nhà. Thiếu tá Diệm lái xe đưa tôi tới nhà thương rồi ông quay xe lại đi về Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu cách đây chừng 1 cây số. Vào giờ này bệnh viện hãy còn vắng. Nhân viên lác đác đi làm. Ở đây họ đi làm không được đúng giờ lắm. Tôi xuống trại Ngoại Khoa, gặpTrung sĩ Lạng, trưởng trại. Tôi nói: – Tôi đi khám bệnh bây giờ, anh phát hồ sơ đi. Trong khi chờ đợi Lạng đi phân phát hồ sơ, tôi ngồi ký những phiếu để lấy thuốc dùng trong trại. Mấy phút sau Lạng trở lại nói: – Thưa bác sĩ phát xong rồi.
<!>
Chiều nay tôi đi khám lại bệnh, nhằm cho xuất viện tối đa những người bị thương nhẹ vì tôi mới nhận được công điện của thượng cấp từ Liên Đoàn 3 Quân Y ở Biên Hòa, chỉ thị cho chúng tôi dùng mọi phương tiện cũng như sáng kiến để có một số giường trống tối đa. Chắc thượng cấp cũng đã nhìn thấy sắp có đụng độ lớn nên phải dự trù trước số giường trống cho thương binh.

Tôi đi một vòng. Tôi nhận thấy phần đông những người bệnh nhẹ nằm đây cả tuần lễ đã gần khỏi rồi. Tôi cho xuất viện 30 người. Trại Nhi Khoa phần đông bệnh nội thương, tôi cho xuất viện hết. Như vậy tôi đã có 48 giường trống. Ngày mai tôi sẽ cho xuất viện thêm nữa. Những người lính được xuất viện, kèm theo mấy ngày phép nên không kêu ca gì. Những người dân phần đông đều xin ở lại mặc dù vết thương rất nhẹ. Một số vì nhà ở Lộc Ninh đường đã bị cắt rồi không về được. Một số cố xin nằm lại nhà thương để được nuôi ăn.

Tôi tới bên giường một bà bị chấn thương đầu và gãy kín hai cánh tay vì tai nạn xe hơi lật cách đây mấy ngày. Thay vì cho bà về ngay sau khi bó bột, nhưng tôi ngại chấn thương sọ não nên để bà nằm lại mấy ngày để theo dõi. Nay tình trạng của bà có vẻ đã ổn định. Tôi khám thần kinh cho bà, xem xét mọi thứ xong tôi nói:
– Tôi cho bà xuất viện, ngày mai về nhà tĩnh dưỡng, 15 ngày sau trở lại tái khám.

Bà ta cố làm ra vẻ thiểu não, mắt rơm rớm, dở giọng van xin:
– Thưa bác sĩ bác sĩ, bác sĩ thương cho tôi nhờ. Tay của tôi còn đau lắm, chóng mặt và tôi không đi được.

Nếu bình thường tôi cũng cho bà nằm thêm ngày nữa, để tránh cái cảnh van xin này. Nhưng trong tình trạng hiện tại phải cứng rắn mới được. Tôi giảng cho bà hiểu:
– Bây giờ bà hết nguy hiểm rồi. Tôi đã bó một cánh tay cho bà rồi. Chỉ cần bà về nhà nghỉ ngơi dưỡng sức chừng 6 tuần sau các xương sẽ lành.
– Thưa bác sĩ nhà tôi ở tận Lộc Ninh. Làm sao tui về được. Bác sĩ rộng lòng thương cho tôi được nằm ở đây thêm mấy ngày nữa.

Tôi nhẹ nhàng nhưng cương quyết nói:
– Bệnh bà tương đối nhẹ. Tôi đã chăm sóc tử tế cho bà, bây giờ bà phải về để nhường giường cho những người nặng hơn. Bà có thể ra ở nhờ nhà quen dưới phố. Ở đây thêm mấy ngày nữa cũng không ích gì. Sắp sửa đánh nhau lớn rồi, bệnh viện lại gần căn cứ quân đội, sẽ bị pháo kích nguy hiểm lắm. Tôi sẽ cho bà thuốc khi ra khỏi nhà thương.

Tôi bỏ đi tới khám một người đàn ông 45 tuổi, bị té gãy một xương sườn. Nằm đây đã gần 1 tuần. Cứ thấy mặt tôi ông ta nằm gục xuống kêu đau ngực. Có chiều tôi thấy ông ta ra ngoài hành lang, đi bách bộ quanh trại, chẳng có vẻ gì đau đớn cả. Tôi dùng ống nghe khám kỹ thấy phổi ông tốt. Tôi nói:
– Mai ông xuất viện về nhà.
– Thưa bác sĩ em không có nhà.
– Thế trước ông ở đâu?
– Dạ em ở nhà người quen dưới chợ.

Tôi cau mặt:
– Thế bây giờ ông lại về đó ở.
– Em có một thân một mình không ai săn sóc em.

Nói xong ông ta ôm ngực ra chiều đau đớn lắm. Rồi ngẩng lên nhìn tôi tiếp lời:
– Em xin bác sĩ cho em ở đây kiếm chút thuốc chút cơm qua ngày.

Tôi nhẫn nại giải thích:
– Không được đâu, tình trạng của ông không còn gì nguy hiểm nữa. Nhà thương chữa bệnh chứ đâu có phải là khách sạn đâu. Ông nên xuất viện tìm chỗ trú ngụ, tháng sau tới tôi khám lại.
Ông ta cố nài nỉ:
– Bác sĩ thương em…
Tôi bực mình ngắt lời:
– Tôi sắp sửa nhận hàng trăm thương binh tới đây, bệnh của ông thực ra không cần nằm bệnh viện ngay từ ngày đầu. Nay đã khá rồi ông nên kiếm chỗ tĩnh dưỡng để nhường giường cho những người nặng sắp vô.

Theo đúng nguyên tắc những bệnh nhân nội khoa nhẹ như 2 trường hợp trên không cần nằm lại. Nhưng tình cảnh của những dân vùng này thật nghèo khó. Kiếm đủ 2 bữa ăn một ngày rất chật vật. Vào nằm bệnh viện bảo đảm có đủ 2 bữa cơm ăn, tuy không ngon lành béo bổ, nhưng cũng đủ no khỏi phải mất sức lao động vất vả suốt ngày. Thông cảm tình trạng khó khăn của dân như vậy nên chúng tôi rất dễ dãi trong việc nhập viện. Đặc biệt là khi bệnh viện có nhiều giường trống. Lâu dần thành lệ quen, nên mới gặp rắc rối như hôm nay.

Như đã nói ở trên, đa số dân ở đây đều là phu đồn điền cao su trước kia, những người còn làm cho đồn điền sẽ được săn sóc tại bệnh viện riêng của đồn điền. Bệnh viện Quản Lợi là bệnh viện lớn nhất có đủ dụng cụ, thuốc men, có nhà xây rộng rãi khang trang gấp mấy lần Bệnh Viện Tiểu Khu.
Tôi biết vậy vì tôi đã có dịp làm bác sĩ cho đồn điền được 1 tháng. Mỗi tuần làm có nửa ngày thứ Năm. Trong khi đó, lương lại gấp đôi lương quân đội. Đi hay về đều có xe đồn điền đưa đón. Những bệnh xá ở xa đều đi bằng máy bay Cesna của đồn điền. Tôi được ăn uống, tiếp đãi rất trọng thể tại một biệt thự dành riêng cho bác sĩ. Có 1 bà bếp riêng nấu ăn trưa rất ngon. Bà này ăn mặc rất giống những bà già quê miền Bắc. Nói giọng đặc biệt Bắc Kỳ. Tôi tò mò hỏi:
– Bà làm ở đây đã lâu chưa?

Bà già lễ phép trả lời:
– Thưa quan đốc, nhà cháu làm ở đây đã được gần 50 năm rồi. Từ khi nhà cháu mới 18 tuổi, đăng ký đi làm phu đồn điền. Rời khỏi đất Bắc lúc còn con gái, năm nay đã 66 tuổi rồi.
– Thế bà có về thăm lại làng quê bao giờ chưa?
– Dạ, có về một lần, cách nay đã mười mấy năm rồi, nhưng họ hàng chả còn ai nữa nên nhà cháu trở lại đây làm việc. Con dâu, con rể cùng làm việc ở đây cả nên cũng đỡ buồn. Chứ hồi trước, lúc mới vào đây nhớ nhà mà cực khổ quá chỉ có khóc mà thôi.
– Thế ông nhà còn làm việc ở đây không ?
– Thưa ông nhà cháu mất được 5 năm rồi, bị lao lực mà chết.

Thực vậy, số bệnh nhân bị lao phổi nặng ở các bệnh xá đồn điền không phải ít. Tôi đến khám bệnh cho họ thấy họ được cho ở một khu riêng trong bệnh viện. Mỗi bệnh xá gần chục người. Thân hình gầy khẳng khiu chỉ còn da bọc xương, mặt mũi tái mét chắc có lẽ họ cũng đã bị vi trùng sốt rét tàn phá. Tôi nghĩ họ cũng chỉ còn chờ ngày chết.

Tuy làm bác sĩ cho đồn điền thì sướng và có thêm tiền thật, nhưng sau 1 tháng tôi phải tự ý xin nghỉ. Những y tá có cảm tình với tôi khuyên tôi không nên làm nữa vì rất nguy hiểm. Tôi có thể bị phía bên kia bắt cóc.

Tôi thấy có lý, vả lại tôi cũng chẳng tham tiền. Sở dĩ tôi nhận lời làm bác sĩ cho đồn điền vì nơi đó đối với tôi vẫn là những khu vực bí mật. Tôi tò mò muốn vô tận nơi xem sinh hoạt của những cư dân ở đó ra sao.
Tôi báo cho chủ đồn điền sẽ không tiếp tục công việc nữa. Họ thông cảm trường hợp của tôi và 1 tuần sau, cho anh Kiên người có nhiệm vụ đưa đón tôi đi các bệnh xá của đồn điền mang đến đưa cho tôi một số tiền 50 ngàn đồng, 10 ngàn nhiều hơn số lương họ đã đồng ý trả cho tôi. Tôi có nói cho anh Kiên biết, nếu có bệnh nhân nào cần mổ xẻ khẩn cấp, cứ cho chở ra Bệnh Viện Tiểu Khu, tôi sẽ hết lòng săn sóc họ.

Xong việc tôi đi lên trại Nội Khoa gặp cô Túy, y tá trại này. Tôi hỏi cô:
– Ông Đắc đâu cô, cô kêu ông lại đây giúp tôi.

Ông Đắc là trưởng trại Nội Khoa Nữ kiêm Phụ Tá Điều Dưỡng Trưởng bệnh viện. Người ta thường gọi ông là Đắc già, mặc dù ông chỉ 48 tuổi thôi, để phân biệt với Trung sĩ Đắc Quân Y.
– Thưa bác sĩ kêu tôi?

Đắc già vừa cười vừa tiến đến bên tôi, tướng đi chân chữ bát, lưng hơi còng. Tôi gật đầu:
– Trại ông có bệnh nặng không?

Đắc già nhanh nhẩu trả lời:
– Dạ thưa không, toàn bệnh nhẹ cả.
– Như vậy ông cho xuất viện hết dùm tôi. Sắp đánh nhau lớn rồi, mình phải dự trù một số giường lớn cho thương binh nằm.
– Vâng bác sĩ để tôi lo cho, nhưng có cho ra hết cũng chỉ được 20 giường.
– Ờ, được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
– Thưa còn những người ở xa như Lộc Ninh thì sao?
– Đó là việc của họ, không phải việc của mình.

Thoáng thấy ông quản lý Kiên ở cuối hành lang, ông này là quản lý Bệnh Viện Dân Y, tôi vẫy ông ta lại.
– Mình còn bao nhiêu giường dư ở dưới kho hả ông?
– Dạ thưa 15.
– Ông cho lấy ra kê hết vô phòng trống. Mình phải kiếm cách tăng số giường lên mới được.
– Thưa đã cho kê xong cả rồi.
– Ông cho y công dọn dẹp phòng hội, ở đó có thể để được gần 20 băng-ca.
– Vâng, tôi sẽ cho họ làm ngay.

Tôi chợt nhớ ra hỏi:
– A, vụ ông Long ra sao?
– Tôi đang cho người đi đóng hòm. Bây giờ người nhà đang tắm rửa cho ông ấy, chờ liệm xác. Ngày mai tôi cho xe mang đi chôn.

Tôi gật đầu nói:
– Thôi, chào hai ông.

Cả hai cùng cất tiếng:
– Chào bác sĩ.

Tôi đi xuống Phòng Mổ. Qua Phòng Hậu Giải Phẫu tôi thăm người bệnh ban sáng. Y nằm ngủ yên hơi thở đều hòa. Tôi dơ tay bắt mạch. Thấy bình thường. Tôi thấy khá yên lòng. Trên chiếc cọc sắt cắm ở đầu giường, chai nước biển nhỏ từng giọt đều đặn. Trên thành chai có một mảnh giấy ghi:

Chai thứ 2, 14 giờ ngày 5-4-72
PNC 5 triệu.
Ký tên : Trí

Tôi gật đầu hài lòng. Tôi đã dặn dò y tá nhiều lần, người nào chuyền nước biển cho bệnh nhân phải ghi rõ ngày giờ, chai thứ mấy trong ngày, pha thứ thuốc gì trong đó, đồng thời ký tên để dễ theo dõi và kiểm soát. Nhưng chỉ được mấy ngày đầu, rồi vì quên hoặc làm biếng họ ghi một cách thiếu sót hoặc không ghi khiến tôi bực mình không ít.

Phòng Hậu Giải Phẫu có 5 giường điều chỉnh và 1 giường băng-ca có bánh xe đẩy. Hiện giờ chỉ còn 2 giường trống. Để có thêm giường tôi cho chuyển 3 người đã ổn định xuống trại Ngoại Khoa. Một người bị vết thương bụng tôi đã mổ cách đây 3 ngày, tình trạng khả quan. Một người lính Thượng tên là Điểu Thoul bị lủng ruột già, tôi đã làm hậu môn tạm và một người lính bị gẫy hở xương chân ống quyển.

Tôi mở cửa Phòng Mổ, thấy bác sĩ Chí đang mổ sạch một vết thương ở cánh tay. Cô Trí đang đứng phụ bên cạnh. Cô có cặp mắt rất đẹp, nhất là khi cô mang khẩu trang che bớt cái miệng hơi móm. Tôi hỏi:
– Có gì lạ không Chí?

Bác sĩ Chí quay mặt ra trả lời:
– Có 2 người Địa Phương Quân bị thương mới vô.

Tôi thắc mắc:
– Còn người kia đâu?

Chí đứng dậy tháo găng. Cô Trí thoăn thoắt băng vết thương.
– Người kia bị gãy nát khuỷu tay phải. Tao cho đi chụp hình rồi.

Tôi ngồi xuống chiếc ghế tròn bằng sắt của phòng mổ, gần máy điều hòa không khí. Hơi lạnh tỏa ra làm tôi thấy dễ chịu. Trưa tháng Tư ở đây thật nóng.
– À Chí ơi, hôm nay mày cho xuất viện bao nhiêu người?
– 30.
– Ít đấy, ráng cho thêm đi, mình phải có số giường trống tối đa.
– Dễ mà, bệnh trại tao toàn sốt rét, cho họ thuốc về nhà uống cũng được. Đến mai tao sẽ cho ra hết, chỉ giữ lại một hai người nặng thôi.

Tôi mừng rỡ, gật đầu vui vẻ nói:
– Như vậy là nhất mày rồi. Này, tình hình có vẻ găng lắm đấy nhé. Bình Long kể như bị cô lập rồi, xếp lại đi vắng, tao vừa lo mổ vừa lo chỉ huy toàn bệnh viện, bận muốn điên cái đầu luôn.

Bác sĩ Chí hơi mỉm cười an ủi:
– Ôi, hơi đâu mà lo, nghĩ làm gì cho mệt.

Tuy nói vậy nhưng nhìn nét mặt của Chí, tôi cũng thấy những ưu tư không thể giấu nổi.Cũng may vợ và 2 con Chí đã về Saigon mấy ngày trước, Chí cũng yên lòng được phần nào. Nhưng Chí mới xây xong căn nhà khá khang trang ở ngay phố chợ, vừa dùng làm chỗ ở, vừa dùng làm phòng mạch. Tôi đã có dịp tới thăm. Tôi có cảm tưởng bao nhiêu tiền dành dụm được, Chí đã đem đổ vào căn nhà này cả. Nếu trận chiến xảy ra căn nhà bị hủy hoại thì chắc không được vui lắm.

Tôi ngồi yên lắc đầu, nhè nhẹ thở ra không nói gì. Kể từ Tết tới giờ tôi luôn luôn bận rộn. Dân, lính bị thương tùm lum. Bị thương vì đụng độ với địch thì ít mà vì những tai nạn lãng nhách thì nhiều như say rượu mở chốt lựu đạn bỏ vào ly rượu khiến cho đương sự bị mất đầu và 5 người khác bị thương. 8 nhân dân tự vệ 14,15 tuổi thách nhau mở chốt lựu đạn ra chơi khiến chỉ còn 1 mạng sống sót. Cả chục người bị thương vì 1 ông già lẩm cẩm lấy đạn súng cối ra đập chơi... Rồi đi làm dẫm phải mìn, lựu đạn gài. Toàn những chuyện không đâu.
– Thưa bác sĩ có phim ướt đây.

Một y tá Phòng Quang Tuyến ló đầu vào phòng mổ báo cáo. Tôi nhìn ra đó là Hạ sĩ Ngà, người nhỏ con có nước da trắng như con gái. Tôi đưa tay cầm lấy khung phim chụp khuỷu tay còn ướt nước tráng phim. Tôi soi phim lên ánh đèn. Thấy đầu dưới xương cánh tay bị dập nát. Khớp xương này kể như không dùng được. Tôi nói với cô Trí:
– Cô kêu người đem bệnh nhân này ra, khênh người bị thương ở khuỷu tay vô.

Trong chốc lát người bệnh được đem vào nằm ngay ngắn trên bàn mổ.

Cánh tay phải đã được băng bằng một băng cá nhân lớn, đẫm máu. Tôi bắt mạch cổ tay, không có. Tôi trợn mắt nhìn bác sĩ Chí. Chí nhún vai đứng yên. Tôi bắt mạch tay bên kia thấy bình thường. Tôi nói:
– Chắc đứt động mạch cánh tay.

Tôi quay sang phía anh Xòm nói:
– Anh đo áp huyết rồi sửa soạn cho bệnh nhân ngủ đi.

Cô Trí lấy cho tôi bộ đồ Suture lớn và bộ Vascular.

Bệnh nhân ngước nhìn tôi:
– Bác sĩ đừng cắt tay em.
Anh ta rơm rớm nước mắt:
– Bác sĩ mà cắt tay em chắc em không sống được. Em còn 6 đứa con.

Tôi thông cảm với anh ta. Đây không phải là lần thứ nhất tôi bị nghe những lời như vậy. Phần đông những người bị thương tay chân đều có thành kiến là vào bệnh viện sẽ bị cưa bị cắt, nhất là ở những bệnh viện cấp thấp và nhỏ như Bệnh Viện Tiểu Khu này. Điều này cũng đúng một phần nào vì chuyên viên giải phẫu không đủ, đặc biệt là về kỹ thuật giải phẫu mạch máu.

Tôi vẫn lấy làm lạ là ở trong một nước chiến tranh ròng rã đã bao nhiêu năm mà nền y khoa miền Nam Việt Nam không chú trọng gì về ngành giải phẫu. Trước sau vẫn chỉ rập khuôn theo chương trình trong thời bình của người Pháp để lại, không có gì thay đổi cho phù hợp với tình thế hiện tại. Những giới chức có trách nhiệm hình như rất ù lì không có sáng kiến.

Ngay cả Cục Quân Y cũng vậy. Mấy năm gần đây tuy có tổ chức được mấy khóa Giải Phẫu Binh Đoàn nhưng số bác sĩ được thụ huấn quá ít, không đủ cung ứng được nhu cầu của chiến trường toàn quốc về y sĩ giải phẫu. Mặc dù ngành Quân Y được ưu tiên trưng dụng hầu hết các nam bác sĩ mới ra trường hàng năm.
Khi con trai của vị Khoa Trưởng Đại Học Y khoa bị nhập ngũ với chức vụ sĩ quan Trợ Y. Anh bị 1 mảnh đạn vào cổ đã không được săn sóc đúng cách và đã bị tử thương một cách oan uổng. Lập tức một lệnh được đưa xuống. Tất cả các bác sĩ mới ra trường nhập ngũ phải dự 1 khóa huấn luyện về giải phẫu cấp cứu. Chắc chắn cấp trên đã rút được một bài học đắng cay từ kinh nghiệm trên. Tuy có trễ nhưng muộn vẫn còn hơn không.

Khi hành nghề y sĩ lúc nào tôi cũng nhớ câu: Đừng làm cho người những gì mình không muốn người khác làm cho mình. Tôi đã dùng câu này làm phương châm chỉ đạo trong suốt cuộc đời tôi. Không những về phương diện y khoa mà với tất cả các sự việc khác trên đời. Tôi lúc nào cũng tâm niệm coi bệnh nhân như những người thân, cố hết sức chữa chạy cho họ như cho người trong gia đình, hay cho chính bản thân tôi.

Tôi thương tôi. Tôi thương những người con trai Việt Nam mà tuổi hoa niên chỉ là những chuỗi ngày bom đạn. Suốt 20 năm chiến tranh biết bao người đã âm thầm ngã gục. Biết bao người đã trở thành tàn phế, sống lây lất chuỗi ngày còn lại.

Tôi nhớ lại những ngày ở đơn vị tác chiến, ngay trong những giây phút cam go khổ cực nhất, tôi đã bắt gặp những nụ cười vừa hồn nhiên vừa cam phận lại vừa tin tưởng nơi những người lính trẻ. Tôi thấy mến họ hơn bao giờ hết. Có những người còn đang tuổi đi học. Chiến tranh đã cướp mất tuổi trẻ của họ. Bắt họ rời ghế nhà trường quá sớm để đi vào một cuộc đời phiêu lưu đầy hiểm nguy và bất trắc.

Trong cuộc hành quân đầu đời, tôi còn nhớ 1 Chuẩn úy trẻ tên Chánh, hình như mới ra trường.Anh có nét mặt rất non, rất sữa, dáng người mập mạp, miệng luôn tươi cười. Khi Trung Đội của anh tiến lên phía trước, vượt qua chỗ tôi đang dừng quân. Thấy tôi, anh giơ tay vẫy, miệng cười gọi:
– Bác sĩ mạnh giỏi không?

Tôi nhìn ra thấy Chánh, cũng vẫy tay làm hiệu chào lại, mỉm cười gật đầu không nói gì. 30 phút sau đó, tiếng súng nổ ròn rã ở phía trước. Tôi biết tiền đạo của mình đã đụng trận. Và không bao lâu, Trung úy Kháng Phòng 3 Trung Đoàn báo cho tôi biết Chuẩn úy Chánh đã trúng đạn tử trận. Nét mặt tươi cười của Chánh chưa phai trong trí tôi, nhung nay Chánh đã không còn nữa.

Thật như một giấc mơ. Trường hợp như Chánh không phải là ít. Những người trai trẻ ấy đã sinh lầm vào một thời kỳ lịch sử đen tối của nước nhà. Số phận của họ thật hẩm hiu. Tôi thương và quý họ vô cùng.

Tôi thấy tôi phải hết lòng giúp đỡ họ, nếu chẳng may trên chiến trường họ có mệnh hệ nào. Tôi sẽ cố gắng trong khả năng của tôi để cứu sống họ, cố giữ cho họ được toàn vẹn thân thể.
Phải cắt đi một bàn tay hay một cẳng chân của người khác là một điều tôi không bao giờ muốn vì nó làm tôi đau lòng không ít. Trước khi đưa tới quyết định khủng khiếp đó, tôi phải đắn đo ghê gớm và chỉ làm khi nào có đầy đủ những yếu tố cần thiết hoặc để cứu lấy mạng sống của người thương binh, không bao giờ tôi phóng tâm làm bừa bãi.

Có nhiều trường hợp tuyệt vọng, tôi cũng cố giữ cho đến khi không thể được mới cắt đi. Làm như vậy thực trái với tinh thần khoa học nhưng nói lên tâm ý của tôi là không bao giờ làm cẩu thả cho xong việc, không để ý gì đến nỗi đau của người khác. Bởi vậy tôi rất thông cảm nỗi lo lắng bị tàn tật của anh thương binh.

Những lời van xin của anh đã nói lên điều đó. Tôi đến gần bên anh vỗ vai anh nói:
– Anh đừng lo, để tôi xem nếu giữ được tôi sẽ cố giữ. Nếu mạch máu đứt, tôi sẽ cố nối lại. Bất đắc dĩ lắm tôi mới phải cắt, anh yên tâm đi.

Tuy nói vậy nhưng tôi lấy làm lo lắm. Vì vết thương này xảy ra đã lâu, quá 6 giờ rồi, dù có nối mạch máu lại nhưng cánh tay có sống được không. Hy vọng thật là mong manh. Tôi cho đặt đai chỉ huyết phía trên cánh tay gần nách. Trong khi chờ đợi anh Sáu cho bệnh nhân ngủ, tôi đi rửa tay với bác sĩ Chí và cô Bích.

Sau khi sửa soạn xong, tôi ngồi xuống và bắt đầu mổ. Tôi rạch da theo đường đi của động mạch. Tôi tìm thấy động mạch cánh tay không khó khăn. Động mạch bị đứt gần hết. Hai đầu chỉ còn dính với nhau ở mặt sau. Tôi cắt rời ra. Đầu dưới mạch máu vẫn còn máu tươi chảy lên. Tôi nghi chắc còn những động mạch phụ chảy vào. Như vậy hãy còn nhiều hy vọng. Tôi làm sạch sẽ hai đầu mạch máu, cắt cho thật phẳng rồi dùng Mersilene 5.0 may lại. Cuộc giải phẫu kết thúc sau 1 giờ. Tôi dùng máng bột bọc mặt sau cánh tay tới bàn tay để giữ yên cẳng tay (cẳng: từ khủy tay tới cổ tay) hợp với cánh tay một góc 90 độ để đề phòng bệnh nhân duỗi tay ra làm đứt động mạch mới nối. Sau khi băng bó xong, tôi trút bỏ găng tay bắn văng xuống chân cô Bích, khiến cô lườm tôi một cái xiêu đình. Tôi chỉ mỉm cười hít mạnh. Không gì khoan khoái bằng giây phút được trút bỏ găng tay sau vụ mổ. Tôi cởi bỏ áo choàng, lau sạch mồ hôi tay đến bên người bệnh. Bác sĩ Chí bắt mạch cánh tay vừa mới mổ xong nhìn tôi nói:
– Sao không thấy mạch nhảy?
– Từ từ đừng nóng, không thấy bàn tay nó hồng hào trở lại sao bạn! Lạy trời nếu không có gì trục trặc xẩy ra, cuộc giải phẫu thành công thì vui biết mấy.

Mổ bụng cứu sống 1 mạng người tôi không thích bằng nối động mạch cứu sống được một phần thân thể. Vì kết quả được thấy ngay trước mắt. Tôi quay sang người y công mới được gọi vào, nói:
– Chị Huyên đẩy giường vào đi. Cho bệnh nhân ra, mình còn về ăn cơm chứ. Anh Xòm nhớ cho 5 triệu Penicillin vào chai nước nghe.
– Vâng ạ.

Tôi giúp anh Xòm và chị Huyên chuyển bệnh nhân sang bên giường, đẩy ra ngoài Phòng Hậu Giải Phẫu. Tôi lấy hộp băng bột chèn vào phía bên ngoài để cho cánh tay bị thương khỏi ngả sang một bên.

Sau khi viết nghi thức giải phẫu cùng ghi thuốc vào tờ bệnh nghiệm, tôi dặn cô Trí, y tá trực đêm nay:
– Cô nhớ coi chừng bệnh nhân, nếu anh ta kêu đau cô chích 50 mg Demerol như tôi có ghi trong hồ sơ.

Trí gật đầu dạ nhỏ. Tôi quay sang bác sĩ Chí:
– Về chưa, 6 giờ rồi.

Chí gật đầu tay móc xâu chìa khóa. Tôi nói tiếp:
– Cho tao quá giang về nhà, đói quá.

Chí đề nghị:
– Đi ăn phở với tao không ?
– Thôi để khi khác, anh Châu nấu cơm cho tao rồi.
– Tao bây giờ không ai nấu cơm nữa, bà xã bị kẹt ở Sài Gòn rồi.

Chúng tôi bước ra ngoài, lên xe. Chí rồ máy, chiếc xe từ từ đi ra khỏi bệnh viện. Chí tiếp tục nói:
– Sáng nay tao gọi điện thoại về nhà, tính dặn vợ tao đừng có lên, nguy hiểm lắm, người nhà cho biết là bà đã đi rồi, thế có bực mình không?

Tôi an ủi Chí:
– Lo gì đường đã bị cắt rồi. Lên đến Lai Khê hoặc Chơn Thành là phải quay về.

Xe đã đến nhà tôi. Tôi nói:
– Tốp đi, cám ơn.

Tôi bước xuống xe. Chí rồ ga đi thẳng.

Lúc này trời đã hết nắng. Ngôi nhà nhỏ đứng thu hình dưới tàn cây đa. Thời tiết tháng Tư có vẻ oi bức lạ. Hơi nóng từ mặt đất vẫn còn xông lên. Tôi đi vòng ra phía sau nhà. Anh Châu đang ngồi trên bậc thềm hút thuốc lá, mắt nhìn ra xa xăm. Nơi bậc thềm tam cấp phía sau nhà là chỗ ngồi quen thuộc của anh mỗi khi anh rảnh rỗi, làm xong hết công việc trong nhà. Tôi hỏi anh:
– Ông Diệm về chưa?

Châu lắc đầu:
– Thiếu tá không về, ông sai chú Út về lấy cơm nước, mang mùng mền vào ngủ trong Tiểu Khu, cấm trại 100 phần trăm.

Chú Út là lính cận vệ của Thiếu tá Diệm và cũng là tài xế của ông. Tôi bước vô nhà ngồi xuống cái giường sắt của tôi. Cởi giày thay đồ sửa soạn đi tắm. Sau 1 ngày dài bó chân trong đôi giày nhà binh cao cổ, tôi thấy rất dễ chịu khi để chân trần trên nền gạch sạch mát. Đôi giày này thuộc loại Jungle boot số 9, của quân đội Mỹ mà em Tuệ tôi đã mua cho tôi mấy tháng trước đây. Rất vừa chân, đi rất thoải mái và an toàn bởi vậy mới đi suốt ngày được. Tôi lấy ngón tay xoa bóp hai bàn chân cho máu chảy đều.

Có những bữa mổ hơi nhiều, đứng cả chục tiếng đồng hồ 1 ngày, tôi thấy mỏi ở hai bắp chân. Nếu có người đấm bóp thì thực khoan khoái biết chừng nào! Nhưng cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy hiện giờ không có được nên phải tự làm lấy thôi. Vả lại bản thân tôi cũng không muốn nhờ và làm phiền đến những người khác.

Tôi tìm đôi dép Nhật, vươn vai đứng dậy đi vào buồng tắm. Buồng tắm hơi tối, ẩm thấp nhưng được cái lúc nào cũng đầy đủ nước. Nước ở Bình Long thật khan hiếm. Vì tỉnh tọa lạc trên một dẫy đồi nên phải đào giếng bằng máy khá sâu mới có nước. Thiếu tá Diệm là sĩ quan Trưởng Phòng 4, nên chúng tôi lúc nào cũng có đầy đủ phương tiện đi lấy nước từ Quản Lợi, xa chừng 3 cây số. Mỗi tuần chúng tôi lại có 1 xe nước kéo tới nhà.

Những mệt mỏi đã trôi đi theo những gáo nước lạnh xối trên người. Tôi thấy thoải mái nhẹ nhàng sau khi tắm. Tôi ra phòng ngoài ăn cơm:
– Anh Châu này, tối nay tôi vô bệnh viện ngủ.

Anh Châu hơi ngạc nhiên:
– Sao bác sĩ không ngủ nhà. Hôm qua bác sĩ trực rồi mà?
– Cấm trại 100 phần trăm. Vả lại ngủ nhà cũng hơi ngán, sợ địch tràn vào đánh đặc công.

Châu cười tin tưởng:
– Nhà mình ở giữa, chung quanh toàn lính lo gì.
– Mình phải đề phòng, tôi phải vào để coi sóc binh lính.

Thực ra có bao nhiêu lý do bắt buộc tôi phải vào bệnh viện. Thứ nhất vì trách nhiệm chỉ huy đơn vị. Thứ hai tôi muốn lúc nào cũng phải ở tư thế sẵn sàng để đón tiếp những người bị thương. Tôi rất ghét làm việc hấp tấp hốt hoảng không phương pháp và vô tổ chức. Thứ ba tôi muốn tránh việc di chuyển trong đêm hôm rất nguy hiểm cho tôi và cho người đi mời tôi. Nếu có sự xáo trộn xảy ra, di chuyển ban đêm rất dễ làm mục tiêu cho địch và bạn bắn lầm. Ăn cơm xong tôi ra ghế uống nước, đi giày để sửa soạn vô bệnh viện. Liếc nhìn đồng hồ thấy 7 giờ 30 tôi đứng dậy:
– Anh Châu trông nhà nghe.
Châu đáp vọng lại từ sau nhà:
– Vâng bác sĩ cứ đi đi.

Trời tối mờ mờ, dãy nhà cư xá công chức trước cửa đã bật đèn. Những bóng người loáng thoáng trong ánh điện vàng nhạt. Có nhà đang ăn cơm. Ngoài đường không một bóng người. Quán nước ở góc đường, ngày thường đồng đảo bây giờ chỉ còn một hai người. Cây xoài ở cổng trường Tiểu Học in bóng đen thẫm trên nền trời xám nhạt. Tôi rẽ vào cổng bệnh viện, liếc nhanh về hố hỏa tiễn vẫn còn thấy rờn rợn. Vào giờ này bệnh viện thật vắng vẻ và hiu quạnh. Đã có lần Thiếu tá Diệm phải thốt lên:
– Buổi chiều bệnh viện sao mà buồn và lặng lẽ thế!

Ánh điện tù mù nơi hàng hiên càng tăng thêm vẻ thê lương. Một vài bóng bệnh nhân âm thầm ngồi bên những gốc cột bên ngoài hành lang. Tôi bước về phòng Hậu Giải Phẫu. Ánh đèn Néon sáng chói làm lóa mắt tôi từ ngoài bước vào. Cô Trí đang làm sổ thuốc trực. Tôi đến ngay giường người bệnh mới nối mạch máu hồi chiều. Tôi nắm ngay lấy cổ tay bắt mạch. Mạch nhảy đều. Bàn tay ấm, ấm cả lòng tôi. Một niềm vui nhẹ nhàng làm miệng tôi tự động nở một nụ cười. Tôi so sánh mạch 2 cổ tay. Mạch bên bị thương yếu hơn nhiều, nhưng không sao, sau này nó sẽ trở lại bình thường. Hiện giờ miễn cánh tay sống lại là được rồi.

Bệnh nhân cựa mình rên nhẹ. Khuôn mặt nhợt nhạt vì bị mất máu và kích xúc lúc mới vào nay đã thấy tươi lên được một chút. Anh ta mở mắt, mấy giây sau anh mới nhận ra tôi:
– Bác sĩ không cắt tay tôi chứ?
– Không. Còn nguyên, anh nhìn xem. Tôi đã nối mạch máu cho anh.

Anh mấp máy môi:
– Cám ơn bác sĩ.

Anh không cần phải nói, trong mắt anh tôi đã thấy điều đó:
– Anh thấy bàn tay ra sao?
– Thưa bác sĩ nó hơi tê tê.
– Anh cử động mấy ngón tay tôi coi.

Anh ta ngo ngoe mấy ngón tay. Có lẽ cử động ấy làm anh ta đau, tôi thấy anh nhăn mặt.
– Thôi đủ rồi, thế là anh yên tâm nhé. Mới mổ nó còn đau một chút, chừng hai ba ngày nó sẽ bớt đi nhiều. Thôi anh nằm nghỉ nhé.
– Cám ơn bác sĩ.

Tôi quay sang người bệnh mổ lúc ban sáng. Anh ta đã tỉnh. Một ống nhựa đặt qua lỗ mũi vào bao tử để hút nước trong dạ dày.
– Thưa bác sĩ, cho rút ống này ra để khó chịu quá.

Tôi đặt tay lên trán người bệnh, nhẹ nhàng giải thích:
– Anh cố chịu khó để chừng 1 ngày. Khi tôi nghe thấy tiếng ruột kêu trong bụng chứng tỏ ruột đã hoạt động lại rồi tôi sẽ cho rút ra liền không cần anh phải xin. Anh bị thương ở ruột phải làm như vậy mới mau lành. Cô Trí ơi, tension ông này bao nhiêu?

Cô Trí tìm tờ bệnh nghiệm xem xong trả lời:
– Thưa bác sĩ, 11 trên 7, lúc 7 giờ.

Tôi gật đầu:
– Tốt, cám ơn cô. Cô để ý bệnh dùm tôi, tôi đi xuống phòng đây.
– Vâng ạ.
Cô Trí lễ phép trả lời tôi rồi quay đi coi mấy bệnh khác. Tôi bước ra khỏi Phòng Hậu Giải Phẫu. Trời tối đen như mực. Tôi lần bước xuống trại Ngoại Khoa. Nơi đây có vẻ nóng vì nhiều hơi người. Tôi mở khóa bước vào văn phòng của tôi cũng là nơi tôi trực gác. Tôi lấy tay mở nút bật đèn lên. Ánh sáng tràn đầy căn phòng. Những đồ vật quen thuộc hiện lên trước mắt tôi: 1 tủ đầy sách gần cửa sổ đã được đóng kín. Cửa sổ này nhìn thẳng lên phòng cấp cứu. 1 cái bàn gỗ kê giữa phòng, 1 chiếc giường sắt nhà binh có nệm phủ vải xanh lơ kê dọc theo tường gần cửa ra vào. Vài thùng giấy, trong để những đồ lặt vặt, vứt loanh quanh đâu đó. Tôi bắt đầu dọn dẹp. Những sách vở để bừa bãi trên bàn được cất hết vào tủ, chỉ để lại 1 tờ báo và 1 ly nước. Tôi lấy chổi quét kỹ nền nhà. Tôi đang sửa soạn làm một cái hầm giản dị nhất thế giới và cũng tạm bợ nhất vì không còn cách nào khác. Đó là hầm trú ẩn dưới gầm giường. Quét xong tôi lấy 1 tấm nệm mỏng trải ngay ngắn trên sàn gạch giữa 4 chân giường. Thế là xong việc, trong nháy mắt tôi đã có một chỗ tránh mảnh đạn pháo kích mà tôi cứ cho là an toàn để tự an ủi lấy mình cho đỡ sợ.Tôi lôi ở cuối giường ra 1 cái áo giáp còn mới nguyên bọc trong bao nylon. Tôi đã đem nó lên từ Saigon, cất dưới nệm cả năm nay không dùng. Tôi nghĩ với tình hình này tôi sắp phải cần tới nó. Tôi vuốt cái áo giáp cho thẳng thắn, để lên mặt bàn. Tôi nhét vào trong túi áo giáp 1 cái bật lửa gas và 1 con dao bấm rất sắc còn mới của phi công Mỹ mà tôi rất thích. Túi bên trái tôi để 1 cái băng cá nhân. Mỗi khi đi đâu xa tôi đều dự bị 3 vật mà tôi cho rất cần thiết nên lúc nào cũng mang theo bên mình. Đó là 1 con dao, chiếc bật lửa và chiếc đèn pin. Dao là 1 dụng cụ đa dụng, khi cần có thể là một vũ khí rất tốt, đặc biệt rất quan trọng trong việc mưu sinh thoát hiểm.Tôi không ưa súng. Lửa cũng rất hữu ích không kém gì dao. Tôi có 2 con dao bấm, 2 bật lửa, một gas một xăng, mặc dù tôi không ghiền thuốc. 1 đèn pin đề phòng đi đêm tối. Chiếc đèn pin lúc nào cũng có ở ngay tầm tay khi tôi nằm ngủ. Còn thêm 1 bi-đông đựng nước trà nữa nhưng ngày thường tôi chỉ uống nước lạnh. Lúc mưu sinh thoát hiểm tôi thích có nước trà do kinh nghiệm đi hành quân hồi tôi còn ở Trung Đoàn Xung Kích 43. Uống nước trà sẽ không bị khát nước, đi bộ không biết mệt, tinh thần rất tỉnh táo. Một bi-đông nước trà tôi dùng 3 ngày không hết. Nếu phải tiết kiệm như khi bị lạc trong rừng, tôi có thể dùng cho cả tuần lễ vẫn còn dư vì chỉ khi nào thật khát tôi mới uống một nắp bi-đông tức là vào khoảng 1 muỗng cà phê. Nước trà để lâu không bị hư. Uống một nắp bi-đông là tỉnh người liền. Tôi để cái áo giáp và cái mũ sắt ngay dưới chân bàn. Khi có biến tôi chỉ lăn người xuống gầm giường rồi thò tay ra là có ngay áo giáp mũ sắt cùng những đồ vật cần dùng khác.

Sau vụ trang bị, tôi nghĩ đến vấn đề thực phẩm. Tôi có 1 thùng đồ hộp mới mua ở Quân Tiếp Vụ để ở góc phòng. Một lon gô thịt chà bông mới mang từ Sài Gòn lên tháng trước vẫn còn đây. Cạnh tủ sách sau cái bàn gỗ là nửa két bia hộp, nửa két Coca và chừng 6 lít nước đựng trong 2 thùng nhựa xanh trước kia là thùng Phisohex. Sau khi xài hết thuốc, tôi xin ở phòng mổ, đem rửa súc thật sạch để đựng nước đề phòng khi cần.

Tôi vững bụng yên trí, ít ra tôi cũng không sợ bị đói khát trong 2 tuần. Tôi vặn quạt. Thay đồ ngả lưng nằm trên giường nghỉ thoải mái. Tôi nằm nghỉ với tấm nệm dầy hơn 1 tấc. Tôi không sợ những mảnh đạn pháo kích với súng cối 82 và 61 ly. Những thứ này đụng mái ngói đã nổ huống chi còn cái trần nhà rồi mới tới tấm nệm. Nếu bị trúng hỏa tiễn thì hết thuốc chữa. Đó là số mệnh, đành chịu vậy. Vả lại mấy hầm trú ẩn đều cách xa phòng tôi. Di chuyển trong khi đang bị pháo kích rất dễ bị trúng mảnh đạn. Tôi quyết định dù thế nào chăng nữa tôi cứ nằm dưới gầm giường chịu trận là chắc ăn.

Tôi với tờ báo. Báo cũ đã 3 ngày. Tin tức chẳng có gì lạ. Tôi thấy buồn ngủ. Tôi nhìn đồng hồ đã 11 giờ rồi. Tôi với tay tắt đèn. Giấc ngủ đến với tôi rất mau chóng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Quý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét