Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2024

Liên Hội Cựu Quân Nhân VNCH Bắc Cali Thông Báo Tin Buồn: Niên Trưởng Cố Vấn Hải Quân Đại Tá TRẦN THANH ĐIỀN Vừa Qua Đời! và Kính Chuyển Tin Thế Giới Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Tin Buồn! -  Liên Hội Cựu Quân Nhân VNCH Bắc Cali Vô Cùng Bàng Hoàng Thương Tiếc Thông Báo Tin Buồn: Hải Quân Đại Tá TRẦN THANH ĐIỀN -Cố Vấn Liên Hội CQN VNCH Bắc Cali -Trưởng Khối Phòng Vệ Phủ Tổng Thống -Chủ Tịch Tổng Cuộc Thái Cực Đạo Việt Nam Vừa Ra Khơi Trong Chuyến Hải Hành Cuối Cùng: Ngày Hôm Qua! Thứ Sáu, Ngày 8 Tháng 3, năm 2024 Tại Việt Nam
<!>

Chút Tiểu Sử và Những Giây Phút Cuối Cùng -Hải quân Đại tá Trần Thanh Điền, tuy gốc Hải quân, nhưng nhiều người biết đến Ông vào những năm sau này, trước 75, khi Ông nắm chức vụ: Chỉ huy toàn thể tổ chức cận vệ và an ninh trực tiếp cho tổng thống Nguyễn văn Thiệu. Ông là người rất điềm đạm, hiền lành và tuyệt đối trung thành với cấp chỉ huy, với quân chủng Hải quân và nặng tình với anh em Quân đội. Ông được tổng thống Thiệu tin cậy tuyệt đối và quyết định đem theo trên đường qua Đài Loan vào những ngày cuối cùng Tháng Tư Đen 75.


Ước Muốn Cuối Đời!

Hơn một năm dài vừa qua, Đại tá Điền đau bệnh nặng, vài tháng vừa rồi càng ngày càng yếu dần. Lại lâm vào hoàn đau buồn: Hết Phu nhân ra đi, rồi đến con trai cũng qua đời!


Ông sống cực kỳ cô đơn, chỉ còn niềm vui gặp lại các chiến hữu! Tuy yếu, nhưng bất cứ sinh hoạt nào của Liên Hội, Ông cũng có mặt! Ông là người được Anh Em rất kính trọng thương mến. (Hình dưới là hình sinh hoạt cuối cùng với Anh Em Quân Đội Bắc Cali, trước khi về VN)


Quê Ông ở Sóc Trăng, nên có ước muốn cuối đời: Muốn về thăm Quê hương lần cuối, để chết tại quê nhà! Trên chuyến trở về tháng trước, ông đã toại nguyện ước muốn. Chưa được bao lâu, thì tin từ người thân cho biết, Ông đã về nơi vĩnh cửu hôm qua! Ngay tại nơi Ông sinh ra!.
(Mọi chi tiết về Tang Lễ xin được loan báo sau)
Xin nguyện cầu cho Hương Linh Đại tá Trần Thanh Điền sớm về nơi vĩnh cửu.
Liên Hội Trân trọng loan báo cùng Quý Niên Trưởng, Quý Chiến Hữu xa gần, được biết Tin Buồn này.
Chân thành Cảm tạ.


Thêm hình sinh hoạt:



Tin Quốc Tế Đó Đây

Xung Đột Do Thái-Hamas Tại Gaza Bước Sang Ngày Thứ 150


(Hình: Binh lính Do Thái đang hoạt động tại dải Gaza. Ảnh được công bố ngày 14/02/2024.)
-Hôm 7/3/2024, xung đột ở Gaza giữa Do Thái và Hamas đã bước sang ngày thứ 150, và vẫn chưa có Thỏa thuận Ngừng bắn nào được ký kết. Người dân ở vùng lãnh thổ Palestine này phải sống trong tình trạng hết sức khắc nghiệt, luôn phải hứng chịu những cuộc oanh tạc của Do Thái.
Trả lời RFI Pháp ngữ, Phó Giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ Handicap International, ông Jean-Pierre Delomier cho biết về tình hình tại chỗ:
"Điều gây ấn tượng đầu tiên là người đi bộ. Họ đi bộ dưới lòng đường vì lều bạt nằm ngổn ngang trên vỉa hè. Tất cả các không gian đều bị sử dụng để đặt lều, đặt nơi trú ẩn, khiến mọi người phải đi bộ dưới lòng đường. Không còn xe cộ qua lại vì nhiên liệu khan hiếm. Xăng và dầu diesel nay rất đắt. Một số ít xe hơi lưu thông được sử dụng làm taxi, và chở đến khoảng mười người trên một xe hơi năm chỗ. Mọi người tìm mua thực phẩm tại các cửa hàng nhỏ được xây dựng ở đó. Những cửa hàng này bán đồ hộp, trái cây và rau củ, nhưng với số lượng rất ít. Thấy người ngoại quốc ở Rafah, người dân lại gần chúng tôi, đặc biệt là trẻ em hay thanh thiếu niên, để tìm cách thu thập thông tin. Đó là điều rất ấn tượng.
Việc phân phát thực phẩm cũng được thực hiện một cách ngẫu nhiên…. Nghĩa là xe vận tải vào đến nơi, nhưng vì lý do an toàn, không thể tiến xa hơn nữa, vì vậy, chúng tôi phân phát thực phẩm ở "đuôi xe vận tải". Điều này có nghĩa là việc phân phát diễn ra ngay khi xe vận tải vào đến nơi, thay vì hàng được dỡ xuống trước rồi mới phân phát cho mọi người. Tôi không muốn dùng từ "cướp bóc", vì tôi không chứng kiến điều đó, nhưng đó là một sự phân phát vô tổ chức. Những thanh niên đói khát ngay lập tức lao đến giành giật thực phẩm viện trợ".


Mạc Tư Khoa Cảnh Báo Sẽ Trục Xuất Các Nhà Ngoại Giao Mỹ Can Thiệp Vào Công Việc Nội Bộ của Nga


(Hình: Người dân ở thành phố Saint Petersburg đi ngang qua biểu ngữ thông báo về cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới của Nga dự kiến diễn ra trong tháng 3/2024.)
-Hôm 7/3/2024, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã triệu tập Ðại sứ Mỹ tại Mạc Tư Khoa, Lynne Tracy, để cảnh báo bà rằng họ sẽ trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ mà họ cho là đã can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.
Mạc Tư Khoa đưa ra cảnh báo này ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống Nga dự kiến diễn ra ngày 15-17/3, mà Tổng thống Vladimir Putin, nhà lãnh đạo tối cao của Nga trong hơn 20 năm qua, chắc chắn sẽ giành chiến thắng nếu không có diễn biến gì bất ngờ.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố rằng họ sẽ cảnh giác với cái mà họ gọi là "các hành động lật đổ và lan truyền thông tin" liên quan đến cuộc bầu cử và điều mà Ðiện Cẩm Linh gọi là hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Họ cho biết hành vi như vậy sẽ "bị trấn áp một cách kiên quyết và quyết liệt, thậm chí bao gồm cả việc trục xuất các nhân viên Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ được xem như những 'người không được chào đón' nếu có liên quan đến những hành động đó".
Phát ngôn viên của Tòa Ðại sứ Mỹ cho biết họ không có bình luận ngay lập tức.
Bộ Ngoại giao Nga cũng yêu cầu Tòa Ðại sứ Mỹ ngừng hỗ trợ ba tổ chức phi lợi nhuận của Hoa Kỳ mà họ cho rằng đang thực hiện "các chương trình chống Nga" và "tuyển dụng 'những người gây ảnh hưởng' núp dưới chiêu bài trao đổi giáo dục và văn hóa".


Nga Lên Án Pháp "Can Thiệp Sâu Hơn" Vào Xung Đột Ukraina


(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo sau cuộc họp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 7/2/2022, tại Matxcơva, Nga.)
-Tại Paris hôm 7/3/2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron triệu tập lãnh đạo các chính đảng để khẳng định "không có giới hạn", "không có lằn ranh đỏ" trong việc hỗ trợ Ukraina. Tại Matxcơva, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, Dmitri Medvedev, đáp trả trên mạng xã hội X: Đã thế thì "Nga cũng không có giới hạn đối với Pháp".
Cùng ngày, một nhà báo Nga phát trên mạng Telegram một đoạn video với tuyên bố của phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, đánh giá: Tổng thống Macron tin vào khả năng Nga sẽ "thất bại về mặt chiến lược" và "tiếp tục nâng cao mức độ can thiệp của Pháp" vào cuộc chiến tại Ukraina. Phát ngôn viên của Tổng thống Putin đồng thời nhấn mạnh đến "mâu thuẫn" trong quan điểm của Pháp với các đồng minh trong Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) về khả năng đưa quân sang Ukraina, bởi đề xuất này đã bị nhiều nước trong Liên Âu, đứng đầu là Đức, Tây Ban Nha, bác bỏ.

Để nhắc lại quan điểm đã đưa ra hôm 26/2/2024 nhân hội nghị quốc tế tại Paris về yểm trợ cho Ukraina, Tổng thống Macron triệu tập lãnh đạo các chính đảng của Pháp tại điện Elysée. Trong cuộc gặp này, ông Macron tái khẳng định "không có giới hạn" và "không có lằn ranh đỏ" trong chính sách yểm trợ Ukraina.
Sau cuộc họp kín kéo dài 2 giờ 30 phút tại phủ Tổng thống, lãnh đạo các đảng đối lập đã đồng loạt chỉ trích quan điểm "vô trách nhiệm" của chủ nhân điện Elysée về hồ sơ Ukraina. Đại diện của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) đả kích lập trường "yểm trợ Ukraina bằng mọi giá" của ông Macron. Lãnh đạo đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) cũng chỉ trích lập trường của Tổng thống Pháp. Đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) thì cho rằng quan điểm của Pháp "không thích hợp, thậm chí là vô trách nhiệm".
Một cố vấn của Tổng thống Macron được hãng tin Pháp AFP trích dẫn nhấn mạnh Paris không muốn đổ thêm dầu vào lửa trên hồ sơ Ukraina như đánh giá của các phe đối lập. Chính lập trường của các đảng đối lập mới là khó hiểu và đầy "mâu thuẫn". Khi tất cả đều khẳng định "ủng hộ mạnh mẽ Ukraina" thì điều đó có nghĩa là các bên đồng ý Pháp phải luôn sát cánh với Ukraina và "làm tất cả để Nga không giành được chiến thắng, tức là không thể gạt qua một bên" bất kỳ một giải pháp nào.
Cuộc họp với lãnh đạo các chính đảng tại phủ Tổng thống hôm qua là nhằm chuẩn bị cho một cuộc tranh luận tại Quốc Hội trong hai ngày 12 và 13/3/2024 về chiến tranh Ukraina.


Ukraine: Phi Đạn Nga Rơi Xuống Odessa, Gần Nơi Tổng Thống Zelensky Tiếp Thủ Tướng Hy Lạp


(Hình: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky (phải) và Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis (trái) tại cảng Odessa, Ukraine, ngày 6/3/2024.)
-Hôm 6/3/2024, Quân đội Nga đã oanh kích thành phố cảng Odessa, ở miền Nam Ukraine, vào lúc Tổng thống Volodymyr Zelensky đang có mặt tại đây và đang tiếp Thủ tướng Hy Lạp Kyiakos Mitsotakis. Lãnh đạo hai nước không bị thương tích gì, nhưng đã có 5 người thiệt mạng trong cuộc tấn công.
Trong thông cáo sáng 7/3, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định đã nhắm vào một nhà kho chứa drone hải chiến của Ukraine. Tại Hoa Thịnh Ðốn, Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh đợt tấn công tại Odessa cho thấy Kyiv cần được cấp tốc viện trợ quân sự, nhất là các hệ thống phòng không. Tuy nhiên, các giới chức Hoa Kỳ chưa thể khẳng định Nga có đã cố tình nhắm vào Tổng thống Zelensky và Thủ tướng Hy Lạp hay không.

Từ thủ đô Kyiv của Ukraine, thông tín viên Emmanuelle Chaze của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm thông tin:
Một lần nữa Odessa lại là mục tiêu oanh kích của quân Nga. Lần này một phi đạn của Nga đã rơi xuống địa điểm chỉ cách chừng 150 mét nơi Tổng thống Volodymyr Zelensky đang tiếp phái đoàn chính thức của Hy Lạp do Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis dẫn đầu. Trong số các viên chức đôi bên, không một ai bị thương. Nhưng đã có 5 người thiệt mạng trong vụ tấn công hôm 6/3.
Trong phát biểu hàng ngày qua mạng xã hội, Tổng thống Zelensky không nhắc đến sự kiện nói trên, nhưng nhấn mạnh Ukraine có nhu cầu cấp bách bảo vệ thường dân trước những đợt tấn công liên tiếp. Tuy nhiên, đối với cộng đồng quốc tế, vụ oanh kích hôm qua gây nhiều chú ý, vì dường như trực tiếp nhắm vào ông Zelensky,
Chủ tịch Hội Đồng Âu Châu Charles Michel coi đây là một dấu hiệu thể hiện "chiến thuật hèn nhát của Nga trong cuộc xâm lược, và hành động đó đáng bị chỉ trích". Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen thì cho rằng hành động hù dọa đó của Nga không có tác động gì, ít ra là đối với hai ông Zelensky và Mitsotakis.


Thụy Điển Chính Thức Là Thành Viên Thứ 32 của NATO


(Hình: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nhận tài liệu phê chuẩn của NATO từ thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson trong một buổi lễ tại Bộ Ngoại Giao ngày 7/3/2024, Hoa Thịnh Ðốn, Hoa Kỳ.)
-Ngày 7/3/2024, thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã đến Hoa Thịnh Ðốn để nộp tài liệu chính thức gia nhập Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO). Hoa Thịnh Ðốn chính là nơi Hiệp ước thành lập khối NATO được ký kết. Với thủ tục này, kể từ giờ Thụy Điển chính thức là thành viên thứ 32 của khối.
Theo truyền thống, một buổi lễ thượng cờ sẽ diễn ra vào thứ Hai (11/3) tại Bruxelles, nơi đặt trụ sở của NATO. Thông tín viên Pierre Benazet từ thủ đô Bỉ tường thuật:
"Kể từ giờ Thụy Điển là thành viên thứ 32 của NATO và đây là sự thay đổi quan trọng cho một vương quốc đã giữ được thế trung lập suốt từ năm 1814. Thụy Điển đã cố gắng tránh xa nhiều cơn chấn động lớn của thế kỷ XX, nhưng cuộc xâm lược Ukraina đã buộc quốc gia Bắc Âu phải ngả về phía Liên minh Bắc Đại Tây Dương.

Tuy không có đường biên giới trên bộ với Nga, nhưng kể từ nay Thụy Điển là một phần trong chiến lược sườn phía đông của Liên minh đối diện với Kaliningrad/Konigsberg, lãnh thổ của Nga.
Tư cách thành viên NATO của Thụy Điển đã bị trì hoãn trong một thời gian dài kể từ khi đơn xin gia nhập được nộp vào tháng 5/2022, chưa đầy ba tháng sau khi Ukraina bị Nga xâm lược. Đầu tiên cần phải vượt qua những cuộc mặc cả do Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra, tiếp đến là những khất lần của Hungary.
Trong thực tế, Thụy Điển phần lớn đã được hội nhập NATO. Các binh sĩ của nước này đã tham gia nhiều chiến dịch của đồng minh như tại Afghanistan. Từ hai năm qua, đại sứ Thụy Điển đã được mời tham dự Hội Đồng Bắc Đại Tây Dương, định chế cao nhất của đồng minh. Kể từ giờ Thụy Điển sẽ có thêm quyền biểu quyết.
Đối với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, Thụy Điển nay "được bảo vệ tốt hơn để chống lại kẻ xấu Nga"".


Pháp và Moldova Ký Hiệp Định Hợp Tác Quốc Phòng


(Hình: Tổng thống Moldova, bà Maia Sandu đón Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi đến dự Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Âu Châu tại Lâu đài Mimi ở Bulboaca, Moldova, ngày 1/6/2023.)
-Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp đồng nhiệm Moldova Maia Sandu tại điện Elysée ngày 7/3/2024. Hai nước ký Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng trong bối cảnh Moldova, quốc gia láng giềng của Ukraine, đang phải đối phó với tình hình ngày càng căng thẳng ở vùng ly khai Transnistria thân Nga, được Mạc Tư Khoa hậu thuẫn.
Theo thông cáo ngày 6/3 của phủ Tổng thống Pháp, ngoài thỏa thuận hợp tác quốc phòng, lãnh đạo hai nước còn ký một lộ trình về hợp tác kinh tế. Ông Macron "tái khẳng định sự ủng hộ của Pháp đối với độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của nước Cộng hòa Moldova, trong bối cảnh cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine". Pháp cũng sẽ tiếp tục "đồng hành với Moldova trên con đường gia nhập Liên Hiệp Âu Châu, sau khi Hội Đồng Âu Châu quyết định mở đàm phán kết nạp".

Tháng 9/2023, Pháp và Moldova đã ký Thỏa thuận đầu tiên về huấn luyện binh sĩ, đối thoại quốc phòng thường kỳ và trao đổi thông tin. Pháp sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực của chính quyền Chisinau phát triển năng lực quân sự, trong đó có việc mua hệ thống phòng không Mistral của Pháp.
Quan hệ Moldova với Nga đã căng thẳng trong nhiều thập niên. Tình hình trầm trọng hơn kể từ khi Mạc Tư Khoa gây chiến ở Ukraine. Chính phủ Moldova lên án cuộc xâm lược của Nga, đồng thời tố cáo Mạc Tư Khoa đứng sau một âm mưu lật đổ chính quyền Chisinau thân Âu Châu.
Cuối tháng 2/2024, vùng ly khai Transnistria đã yêu cầu Nga có những "biện pháp bảo vệ" họ, trước "sức ép gia tăng" từ chính quyền Moldova. Pháp và các nước phương Tây cho rằng "rất có nhiều khả năng" Nga đứng sau các "âm mưu gây bất ổn", trong khi nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ với 2,6 triệu dân có ngân sách quốc phòng rất eo hẹp.
Theo thông tấn xã AFP, cùng lúc với chuyến công du của Tổng thống Maia Sandu, hôm nay, Pháp tổ chức một cuộc họp qua video giữa đại diện 28 quốc gia để thảo luận về việc gia tăng hỗ trợ cho Ukraine và Moldova. Sau đó, Tổng thống Macron tiếp các đại diện chính đảng Pháp ở Quốc hội để giải trình về khoản viện trợ đầu tiên 3 tỉ Euro dành cho Ukraine, trước khi đưa ra bỏ phiếu lần lượt tại Hạ viện và Thượng viện trong hai ngày 12 và 13/3.


Tổng Thống Pháp Chủ Trì Buổi Lễ Ghi Quyền Phá Thai Vào Hiến Pháp


(Hình: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Bộ trưởng Tư pháp Eric Dupond-Moretti tham dự buổi lễ ghi quyền phá thai vào Hiến pháp của Pháp, đúng vào Ngày Quốc tế Phụ nữ, tại Place Vendome, Paris, Pháp, 8/3/2024.)
-Đúng ngày Quốc Tế Phụ Nữ, hôm 8/3/2024, Tổng thống Emmanuel Macron chủ trì lễ đóng dấu ấn vào đạo luật ghi quyền tự do phá thai vào bản Hiến Pháp của nước Pháp. Trước cử tọa gồm hàng trăm khách mời, trong đó có nhiều nhà đấu tranh cho nữ quyền, Tổng thống Macron tuyên bố hôm nay là một ngày "lịch sử".
Buổi lễ diễn ra trong khuôn viên Quảng trường Vendôme, Paris, nơi đặt trụ sở bộ Tư Pháp. Trong không khí trang nghiêm, bộ trưởng Tư Pháp Eric Dupond-Moretti đã được vinh dự đóng dấu ấn vào bản Hiến Pháp trước sự chứng kiến của cựu thủ tướng Elisabeth Borne, chủ tịch Hạ Viện Yael Braun-Pivet và Tổng thống Macron. Buổi lễ kết thúc với bài quốc ca "La Marseillaise", do nữ danh ca Catherine Ringer trình bày. Nhân Ngày Quốc Tế Phụ Nữ, ông Macron nhắc lại ý định đưa quyền phá thai vào bản Hiến Chương của Liên Hiệp Châu Âu.

Trong khi đó tại trụ sở Quốc Hội, phần lớn các nghị sĩ Pháp nhường chỗ cho những khách mời đặc biệt, đó là những người mẹ phải nuôi con một mình từ các tỉnh thành đến Paris trình bày hoàn cảnh và đề xuất một số kiến nghị với chính phủ để cải thiện đời sống của họ.
Nhiều cuộc tuần hành bảo vệ nữ quyền cũng diễn ra trên toàn quốc tại khoảng 200 thành phố. Tại thủ đô Paris, đoàn khởi hành lúc 2 giờ chiều 8/3, đi từ quảng trường Gambetta đến quảng trường Bastille. Một trong số những đòi hỏi của đoàn tuần hành là bình đẳng nam nữ về lương bổng. Theo thống kê của Viện Quốc gia Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế INSEE, trung bình, chênh lệnh về đồng lương giữa hai giới tính là 14,9 %, tức là một đồng nghiệp nam đảm nhiệm công việc tương đương với một phụ nữ lãnh lương cao hơn 14,9 % tính trung bình.


Sau Hè-Thu Nắng Nóng Kỷ Lục, Chưa Bao Giờ Mùa Đông Lại Ấm Như Vậy


(Hình: Thủ đô Lima của Peru trong đợt nắng nóng bất thường do tác động của hiện tượng thời tiết El Nino. Ảnh chụp ngày 25/2/2024.)
-Mùa Đông 2023-2024 là mùa Đông ấm nhất chưa bao giờ được ghi nhận trên thế giới. Tháng 2/2024 cũng đã là tháng thứ 9 liên tiếp có nhiệt độ cao kỷ lục. Trong báo cáo ngày 7/3, cơ quan nghiên cứu khí hậu Copernicus của Liên Hiệp Âu Châu (EU) nêu 2 lý do chính, đó là khí thải gây hiệu ứng nhà kính và hiện tượng khí hậu El Niño.
Nhiệt độ trung bình tháng 2/2024 là 13,54°C, cao hơn 1,77°C so với tháng 0 trong giai đoạn 1850-1900 và cao hơn 0,12°C so với kỷ lục lần gần đây nhất được ghi nhận trong tháng 2/2016. Trong 12 tháng vừa qua, nhiệt độ trung bình trên thế giới đã tăng thêm 1,56°C so với thế kỷ XIX.

Nhìn chung, hầu hết thế giới đều ghi nhận nhiệt độ tăng cao đáng kể trong mùa Đông, từ Bắc Mỹ đến phần lớn Nam Mỹ hay Việt Nam, Maroc. Nhưng Bắc bán cầu có mùa Đông (từ tháng 12 đến tháng 02) nóng nhất trên thế giới, với nhiệt độ cao hơn 3,3°C so với mức trung bình trong giai đoạn 1991-2020, đặc biệt là Trung và Đông Âu có thời tiết bất thường hơn.
Ngoài ra, nhiệt độ trung bình tại các đại dương, phủ 70% bề mặt Trái đất, cũng tăng kỷ lục trong những tháng qua. Ví dụ nhiệt độ trung bình trong tháng 2 được đo trên bề mặt nước biển (trừ các vùng cực) là 21,06°C. Tình trạng này tác động trực tiếp đến hệ sinh thái biển, cũng như khả năng đại dương hấp thụ khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.
Trả lời thông tấn xã AFP, ông Carlo Buontempo, Giám đốc Ban Biến đổi Khí hậu của Copernicus (C3S), cho rằng "2024 đang trên đà trở thành một năm rất nóng, có thể là một năm nóng kỷ lục, nhưng may mắn là điều đó có thể không xảy ra nếu hiện tượng La Niña (trái ngược với El Niño) sớm diễn ra".
Vẫn theo các chuyên gia của Copernicus, thế giới phải cắt giảm 43% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến năm 2030 so với năm 2019 thì mới có thể giữ được mức tăng nhiệt độ 1,5°C như mục tiêu được đề ra trong Thỏa thuận Khí hậu Paris. Tuy nhiên, lượng khí thải này được cho là sẽ đạt mức kỷ lục vào năm 2025.


Hội Đồng Bảo An Họp Khẩn Về Hỗn Loạn ở Haiti


(Hình: Một góc phố tại Port-au-Prince, Haiti, ngày 6/3/2024.)
-Ngày 6/3/2024, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã họp kín để bàn về tình hình "cấp bách" tại Haiti. Đất nước nghèo nhất vùng Caribbean hiện giờ không có Tổng thống, không có Quốc hội, đang chìm trong hỗn loạn, phần lớn thủ đô Port-au-Prince nằm dưới sự kiểm soát của các băng đảng.
Liên Hiệp Quốc tính đến khả năng cử lực lượng đa quốc gia, do Kenya điều phối, đến hỗ trợ cảnh sát Haiti. Theo Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Türk, để giải quyết tình hình hỗn loạn hiện nay, "không có giải pháp nào khác" ngoài việc khai triển lực lượng này. Thông tín viên Carrie Nooten của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại New York (Hoa Kỳ) tường trình:

Trong khi Jimmy Chérizier, biệt danh "Lò than", thủ lĩnh một băng đảng khét tiếng, cảnh báo đất nước sẽ rơi vào nội chiến và diệt chủng nếu Thủ tướng Henry không từ chức, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã họp khẩn hôm 6/3.
Dự cuộc họp kín này, ba nước Jamaica, Kenya và Haiti đã trình bày những chặng tiếp theo trong việc khai triển một lực lượng đa quốc gia. Kế hoạch này đã bị Tư pháp Kenya trì hoãn từ lâu và việc đóng góp tài chánh vẫn chưa được đúc kết, cho dù tất cả các bên đều hiểu được tình hình cấp bách hiện nay.
Hội Đồng Bảo An không đề cập đến những khó khăn mà Thủ tướng Haiti đang gặp phải. Trước hết là bế tắc về hậu cần do có rất ít quốc gia chấp nhận đón ông Ariel Henry và không một quốc gia nào định đưa ông về nước. Tiếp theo là bế tắc chính trị: Thủ lĩnh băng đảng Jimmy Chérizier, biệt danh "Lò than", đã cảnh cáo cộng đồng quốc tế không được tiếp tục ủng hộ Thủ tướng Henry. CARICOM - Cộng đồng các nước vùng Caribbean - dường như không muốn ủng hộ chính khách này nữa.

Hoa Kỳ khẳng định không muốn ép Thủ tướng Ariel Henry từ chức, nhưng đã chính thức yêu cầu ông "thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp" hướng tới "bầu cử tự do và công bằng", ý muốn nói đến chấp nhận nhân nhượng vì lợi ích của người dân Haiti.
Hiện tại, Thủ tướng Haiti phải tạm trú ở Porto Rico do các băng đảng ngăn cản ông về nước sau chuyến công du Kenya. Ông Henry đã được Tổng thống Jovenel Moïse - người bị ám sát năm 2021 - bổ nhiệm làm Thủ tướng và lẽ ra đã phải từ chức vào đầu tháng 2/2024.
Ngày 6/3, Tổng thống Guyana Mohamed Irfaan Ali, nước hiện nắm chức Chủ tịch luân phiên Cộng đồng Các nước vùng Caribbean, cho biết "dù đã họp rất nhiều lần nhưng vẫn không tìm ra được đồng thuận giữa chính phủ (Haiti) và các phe đối lập, khối tư nhân, xã hội dân sự và các tổ chức tôn giáo".


Lần Đầu Tiên Nhật Bản và Hàn Quốc Thao Dượt Cùng Lực Lượng Không Gian Pháp


(Hình: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng chủ tịch Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Không gian Jean-Yves Le Gall xem xét một cỗ máy thám hiểm không gian, tại Toulouse, miền nam nước Pháp, ngày 12/03/2021.)
-Lần đầu tiên Nhật Bản và Hàn Quốc cử lực lượng tham dự cuộc thao dượt quân sự không gian AsterX 2024, do Pháp tổ chức từ ngày 4/3/2024 và kéo dài 2 tuần, tại căn cứ không gian ở Toulouse. Trả lời trong cuộc họp báo ngày 7/3, tướng Philippe Adam, tư lệnh Lực lượng Không gian Pháp (COMESPACE) nhấn mạnh cần có những cuộc tập huấn như vậy để "phòng khi chúng ta bị kéo vào một cuộc chiến thực sự".

Năm 2023, Nhật Bản đã tham gia cuộc thao dượt quân sự không gian của Pháp nhưng với tư cách quan sát viên. AsterX 2024 có khoảng 140 người tham gia, trong đó 27 người thuộc quân đội của nhiều nước NATO, ngoài ra còn có Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Hàn Quốc và Nhật Bản. Một sĩ quan tình báo Hàn Quốc cho Nikkei Asia biết "hiếm khi được huấn luyện với nhiều nước đến như vậy" vì Hàn Quốc thường chủ yếu tập huấn với Mỹ.
AsterX 2024 mô phỏng 23 kịch bản, trong đó có các cuộc tấn công vệ tinh quân sự, nhằm huấn luyện khả năng phối hợp hành động của các bên tham gia trong khuôn khổ bộ tư lệnh không gian chung. Đại tá Pháp Mathieu Bernabé cho biết mục tiêu của khóa huấn luyện là trắc nghiệm phản ứng của các nước có liên quan, "tăng tốc phát triển kỹ năng" trong chiến tranh không gian, nghiên cứu hợp tác và "hình thành một văn hóa chung trong các hoạt động không gian".

Trả lời báo giới, tướng Philippe Adam nhấn mạnh trong bối cảnh "không gian ngày càng trở nên nguy hiểm, dày đặc", các vệ tinh "ngày càng hiệu quả và dễ điều khiển hơn", "cần phải chuẩn bị cho những sự cố có thể xảy ra trong tương lai, dù là do vô tình hay do gây hấn".
Paris không muốn bị tụt hậu về khả năng bảo vệ không gian trong bối cảnh căng thẳng tại châu Âu. Pháp hiện trở thành mục tiêu tấn công của tin tặc và các chiến dịch thao túng thông tin, được cho là do Nga "giật dây". Không gian cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của Paris nhằm tăng cường phòng thủ châu Âu.


Kim Jong Un Giám Sát Cuộc Tập Trận Bằng Đạn Thật Gần Biên Giới Liên Triều


(Ảnh: Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un giám sát một cuộc tập trận pháo binh của quân đội Bắc Hàn ngày 7/3/2024.)
-Theo báo chí Bình Nhưỡng ngày 8/3/2024, vào lúc Nam Hàn và Mỹ đang tiến hành thao dượt quân sự chung thường niên, Bắc Hàn cũng mở một cuộc tập trận bằng đạn thật quy mô lớn nhằm "nâng cao khả năng chiến đấu và tiến hành một cuộc chiến thực thụ". Cuộc tập trận diễn ra hôm 7/3/2024 gần đường biên giới với Nam Hàn và dưới sự giám sát của lãnh tụ Kim Jong Un.
Quân đội Nam Hàn xác nhận là Bình Nhưỡng đã huy động nhiều dàn phóng rocket, đại bác cho cuộc tập trận ở thành phố cảng Nampho, miền tây Bắc Hàn, hướng ra Hoàng Hải.

Hãng thông tấn KCNA cho biết quân đội Bắc Hàn đã bắn đạn thật, huy động nhiều lực lượng biên phòng với bài tập giả định nhắm tới thủ đô Hán Thành. Trước đó một ngày, ông Kim Jong Un đã đến thăm một trung tâm huấn luyện ở miền tây Bắc Hàn và đã tỏ ra "rất hài lòng" khi thấy các đơn vị tại đây "hoàn toàn sẵn sàng cho các cuộc giao tranh".
Về chương trình tập trận thường niên Mỹ-Hàn Freedom Shield từ 4 đến 15/3/2024, hãng tin Pháp AFP nhắc lại năm nay số quân được huy động tăng gấp đôi. Hán Thành và Hoa Thịnh Ðốn chuẩn bị đối phó với đe dọa hạt nhân "đang lớn dần" của Bắc Hàn. Bình Nhưỡng đe dọa các bên liên quan sẽ phải "trả giá đắt".
Trong một báo cáo được công bố hôm 7/3, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch ghi nhận: Tự do đi lại và giao thương, cũng như tình hình nhân đạo và nhân quyền tại Bắc Hàn đã xấu đi thêm kể từ 2020, do Bình Nhưỡng đóng cửa "một phần biên giới với Trung Quốc" để chống dịch Covid. Human Rights Watch kêu gọi Liên Hiệp Quốc "ngừng cô lập" Bắc Hàn, cho phép hỗ trợ nhân đạo cho dân cư quốc gia này, để chấm dứt "khủng hoảng nhân đạo".


Phi Luật Tân Không Cho Trung Quốc Di Dời Tàu Mắc Cạn ở Bãi Cỏ Mây


(Hình: Tàu Hải quân Phi Luật Tân BRP Sierra Madre (phải) tại Bãi Cỏ Mây, Biển Đông. Ảnh chụp ngày 23/4/2023.)
-Hôm 6/3/2024, một viên chức Hải quân Phi Luật Tân tuyên bố sẽ không cho phép Trung Quốc di dời chiếc tàu cũ BRP Sierra Madre mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), Biển Đông, nay được Manila dùng làm nơi trú đóng thường trực của một đơn vị quân đội. Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau sự kiện 4 thủy thủ Phi Luật Tân bị thương trong vụ va chạm giữa Hải cảnh Trung Quốc với hai tàu Phi Luật Tân tiếp tế cho đơn vị ở Bãi Cỏ Mây.
Theo hãng tin Mỹ AP, Đô đốc Roy Trinidad của Hải quân Phi Luật Tân cho biết thêm Manila sẽ không cho phép xây dựng bất kỳ công trình nào ở bãi cạn Scarborough, mà Trung Quốc chiếm từ tay Phi Luật Tân vào năm 2012.

Khi được hỏi "Manila không thể chấp nhận những hành động nào của Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp", Đô đốc Trinidad khẳng định bãi cạn Scarborough và chiếc tàu mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây "là những lằn ranh đỏ đối với lực lượng vũ trang Phi Luật Tân".
Đô đốc Trinidad nhấn mạnh chính quyền của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte cũng đã thiết lập những lằn ranh đỏ đó đối với các hành động của Trung Quốc, hay của bất kỳ quốc gia nào khác đang có tranh chấp với Phi Luật Tân ở vùng biển này.
Sau vụ bốn thủy thủ Phi Luật Tân bị thương do va chạm với tàu Trung Quốc khi làm nhiệm vụ tiếp tế hôm 5/3, Phi Luật Tân đã triệu đại diện Tòa Ðại sứ Trung Quốc tại Manila lên để phản đối mạnh mẽ.
Về phía Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị hôm nay, 7/3, khẳng định Bắc Kinh sẽ "bảo vệ" quyền lợi của mình ở Biển Đông sau hàng loạt sự việc với Manila. Trong những tháng gần đây, căng thẳng giữa Trung Quốc và Phi Luật Tân đã lên đến "đỉnh điểm trong vòng vài năm qua".


Vụ MH370: Mười Năm Bí Ẩn, Nhiều Tranh Cãi và Hy Vọng Tan Vỡ


(Hình: Những người thân của các nạn nhân của chuyến bay MH370 trong một buổi lễ tưởng niệm tại Subang Jaya, Mã Lai Á, ngày 3/3/2024.)
-Hôm 8/3/2024 là đúng 10 năm ngày chuyến bay MH370 của hãng Mã Lai Á Airlines mất tích một cách bí ẩn. Chiếc Boeing 777 xuất phát từ Kuala Lumpur để bay đến Bắc Kinh chở theo 239 hành khách đã biến khỏi màn hình radar sau 40 phút cất cánh.
Thủ tướng Mã Lai Á Anwar Ibrahim cách nay vài hôm có nói đến khả năng mở lại cuộc tìm kiếm "trong trường hợp có những bằng chứng thuyết phục".

Từ Hồng Kông, thông tín viên của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI), Frlorence de Changy , tác giả tập sách điều tra về sự kiện này, "La Disparition – Sự biến mất", điểm lại tiến triển của vụ việc sau 10 năm hy vọng bị tan vỡ đối với gia đình các nạn nhân:
"Vào tháng 3/2014, Anwar Ibrahim, hiện là thủ tướng Mã Lai Á, lúc ấy chuẩn bị trở lại tù vì một cáo buộc chính trị khác. Trả lời phỏng vấn tại trụ sở của đảng ông, vài ngày sau khi chiếc máy bay biến mất, ông cảm thấy bị xúc phạm về việc nước ông tuyên bố không biết chuyện gì đã xảy ra với chuyến bay MH370, nhất là khi nhắc đến các radar Thales mà chính ông đã ký hợp đồng đặt hàng.

Nhưng kể từ năm 2014, vai đã đổi ngôi. Anwar Ibrahim giờ là thủ tướng và đến lượt cựu thủ tướng Najib Razak vào tù, bị truy tố vì hàng chục cáo buộc tham nhũng lớn. Ông Najib Razak khi ấy từng là người mạnh mẽ bảo vệ cho giải thích chính thức rằng chiếc máy bay đã quay đầu để rồi cuối cùng bị rơi xuống Ấn Độ Dương, dựa trên cơ sở dữ liệu duy nhất do công ty truyền thông vệ tinh Inmarsat cung cấp.
Nhưng không một nước nào trên thế giới có thể cung cấp bất kỳ hình ảnh radar hay vệ tinh trùng khớp với kịch bản này. Và người ta cũng chẳng tìm được một mảnh vỡ cả trên mặt nước biển, lẫn sâu dưới đáy biển vào thời điểm xảy ra tai nạn.
Ba chiến dịch tìm kiếm liên tiếp bằng tầu ngầm cũng chẳng phát hiện được gì ở đáy biển. Không có một lý do nào để nghĩ rằng một chiến dịch tìm kiếm thứ tư sẽ giúp xác định vị trí các mảnh vỡ của chiếc máy bay số hiệu MH370 cùng với 239 hành khách".


Hai Ông Trump và Biden Thu Hút Cử Tri Đã Bầu Cho Bà Nikki Haley


(Hình: Những người ủng hộ ứng cử viên Nikki Haley trong cuộc tranh cử sơ bộ đảng Cộng hòa ở Fort Worth, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, ngày 4/3/2024.)
-Hôm 6/3/2024, sau khi ứng cử viên đảng Cộng hòa Nikki Haley quyết định rút khỏi cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump gần như chắc chắn sẽ đại diện cho đảng này tham gia cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11.
Cả ông Donald Trump lẫn đương kim Tổng thống Joe Biden sẽ tìm cách thu hút những cử tri đã bầu cho bà Haley trong các cuộc bầu cử sơ bộ vừa qua. Từ Hoa Thịnh Ðốn, thông tín viên Guillaume Naudin của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:

"Donald Trump bây giờ phải chứng tỏ là ông xứng đáng với những lá phiếu của cử tri, trong đảng và ngoài đảng, đã không bầu cho ông và tôi hy vọng Trump sẽ làm vậy". Khi thông báo bỏ cuộc, Nikki Haley nhấn mạnh là cựu Tổng thống phải làm sao chinh phục được những cử tri đã bỏ phiếu cho bà. Hy vọng của bà Haley nhanh chóng bị dập tắt bởi đương sự. Trên mạng xã hội của ông, Trump viết "Nikki Haley đã thảm bại", và khẳng định có đến phân nửa số cử tri của bà Haley "ngả theo phe Dân chủ". Tuy nhiên, ông Trump vẫn kêu gọi những người ủng hộ cựu Ðại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc tham gia chiến dịch tranh cử của ông mà không đưa ra một chút nhượng bộ nào.
Một trong những nhân vật thân cận của ông Trump, Dân biểu Cộng hòa, Byron Donalds, tiểu bang Florida, được Hoa Thịnh Ðốn Post trích dẫn, cho biết: "Đôi khi có những người nói không muốn ăn pizza, mà chỉ thích ăn cánh gà. Nhưng cuối cùng, họ cũng sẽ ăn bất cứ món gì được dọn trên bàn". Rõ ràng điều này không sai. Chẳng hạn như hôm 6/3, ông Donald Trump đã nhận được sự ủng hộ của Mitch McConnell, lãnh đạo phe thiểu số Cộng hòa tại Thượng viện, mặc dù mối quan hệ giữa hai người không hề tốt đẹp. Cựu Tổng thống đã cám ơn ông McConnell.
Ông Joe Biden thì chọn chiến lược khác để thu hút lá phiếu của cử tri đã bầu cho Nikki Haley, đó là thuyết phục những người này ủng hộ ông. Trong một thông cáo báo chí, Biden tuyên bố những cử tri này vẫn có thể đóng góp cho chiến dịch tranh cử của ông. Vào tháng 11 tới, mọi người sẽ biết đâu là chiến lược mang lại hiệu quả.
Trong khi đó, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã quyết định ngày 25/4 sẽ bắt đầu xem xét về quyền miễn truy tố đối với Donald Trump, bị cáo buộc tìm cách đảo ngược kết quả cuộc bầu cử Tổng thống 2020.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét