Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2024

ĐIỂM TIN 14/03/2024 - Long Đỗ


Hạ Viện Mỹ thông qua dự luật về khả năng cấm TikTok
Hạ Viện Hoa Kỳ hôm qua, 13/03/2024, với đa số phiếu áp đảo đã thông qua dự luật, buộc ByteDance, công ty mẹ của mạng xã hội Trung Quốc TikTok, phải thoái vốn ở Mỹ, nếu không sẽ bị cấm hoạt động ở quốc gia này. Dự luật được thông qua trong bối cảnh TikTok bị Washington cáo buộc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Dự luật này sẽ được trình lên Thượng Viện xem xét.Một người bày tỏ phản đối dự luật cấm TikTok trước tòa nhà Quốc Hội, đồi Capitol, Washington, Hoa Kỳ, ngày 12/03/2024. REUTERS - Craig Hudson - Phan Minh
<!>
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin cho biết thêm chi tiết :

Lời cảnh báo rất rõ ràng. Nếu chủ sở hữu TikTok không bán lại cho các nhà đầu tư Mỹ, mạng xã hội của Trung Quốc sẽ bị cấm hoạt động ở Hoa Kỳ. Dân biểu Cộng Hòa bang Wisconsin Mike Gallagher là một trong những tác giả của dự luật này.

Ông Gallagher nói : « TikTok là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ vì mạng xã hội này thuộc sở hữu của ByteDance, một tập đoàn phục vụ đảng Cộng Sản Trung Quốc. Chúng ta biết điều đó vì ban lãnh đạo ByteDance đã cho biết vậy và luật pháp Trung Quốc cũng quy định như vậy. Do đó, đạo luật này sẽ buộc TikTok đoạn tuyệt với đảng Cộng Sản Trung Quốc. »

Dự luật giờ đây còn phải được Thượng Viện thông qua, và chặng đường này hứa hẹn sẽ cam go. Một số thượng nghị sĩ, đặc biệt là những nhân vật thuộc phe Cộng Hòa, lo ngại dự luật này sẽ tác hại đến quyền tự do ngôn luận, được bảo đảm bởi Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ. Nhưng dân biểu Cộng Hòa bang Texas Dan Crenshaw không chia sẻ quan điểm này.

Ông Crenshaw nói : « Tu chính án thứ nhất không trao cho đảng Cộng Sản Trung Quốc quyền sở hữu dữ liệu của Hoa Kỳ, hoặc quyền thao túng tư tưởng của người dân Mỹ. Đó thực sự sẽ là một cách diễn giải kỳ lạ về Tu chính án thứ nhất. »

Tổng thống Joe Biden, có tài khoản TikTok, cho biết sẵn sàng ký thông qua nếu dự luật vượt qua ải Thượng Viện và tới được bàn làm việc của ông. Đối thủ của ông Biden là Donald Trump, trước từng tìm cách cấm TikTok, không chắc là còn muốn làm như vậy. Một số dân biểu ủng hộ cựu tổng thống tại Hạ Viện đã bỏ phiếu chống dự luật.

Liên Âu : Thêm 5 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraina
Sau nhiều tháng đàm phán, cuối cùng 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu hôm qua, 13/03/2024, đạt thỏa thuận viện trợ quân sự thêm 5 tỷ euro cho Ukraina trong năm 2024. Khoản tiền này nhằm giúp Kiev trang bị vũ khí và đạn dược để chiến đấu chống quân Nga. Cụ thể, 5 tỷ được dùng để trực tiếp thanh toán cho các thành viên Liên Âu đã cung cấp vũ khí đạn dược cho Ukraina.


Hình minh họa: Binh sĩ Ukraina đang luyện tập chiến đấu tại một địa điểm phía bắc Ukraina, ngày 13/11/2023. AP - Efrem Lukatsky
Thanh Hà
Gói viện trợ mới 5 tỷ euro cho tài khóa 2024 nâng viện trợ quân sự của Liên Hiệp Châu Âu cho Ukraina lên thành 11 tỷ.

Trên mạng xã hội X, Văn phòng chủ tịch Hội Đồng Châu Âu hôm qua thông báo các bên đã « đồng ý » cải tổ quỹ FEP được sử dụng nhằm « tạo điều kiện thuận lợi để gìn giữ hòa bình ». Quỹ này không nằm trong ngân sách chung của Liên Âu. Đàm phán về viện trợ cho Ukraina thông qua quỹ FEP đã bị bế tắc trong nhiều tháng, do bất đồng giữa hai nhà tài trợ chính là Pháp và Đức về việc sử dụng quỹ này.

Paris chủ trương là viện trợ của châu Âu trong khuôn khổ quỹ FEP phải được ưu tiên dùng để mua vũ khí của châu Âu, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của châu lục này. Quan điểm của Paris được Hy Lạp và Chypre ủng hộ. Trái lại Đức quan niệm quỹ FEP cho phép Ukraina trang bị vũ khí, đạn dược với bất kỳ một nhà cung cấp nào. Berlin đóng góp 25 % vào quỹ FEP và là nguồn viện trợ hào phóng nhất cho Ukraina, sau Hoa Kỳ.

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại từ khi Nga xâm lược Ukraina, Liên Hiệp Châu Âu đã dành đến 28 tỷ euro để hỗ trợ chính quyền Kiev.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đang hối thúc các đối tác phương Tây cung cấp thêm đạn dược, trang thiết bị quân sự để đối phó với Nga. Khoảng viện trợ 60 tỷ đô la mà chính quyền Biden hứa cấp cho Kiev vẫn bị kẹt tại Washington do những tranh cãi chính trị nội bộ Hoa Kỳ.

Cũng liên quan đến Ukraina, hôm 13/03/2024 đến lượt Thượng Viện Pháp đã thông qua Hiệp Định An Ninh Pháp- Ukraina với 293 phiếu tuận và 22 phiếu chống.

Ngày mai 15/03/2024 tại Berlin, thủ tướng Đức Olaf Scholz tiếp tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Ba Lan Donald Tusk trong khuôn khổ một cuộc «họp khẩn về Ukraina ». Mục tiêu cuộc họp 3 bên này nhằm « tạo đà và huy động toàn khối Liên Hiệp Châu Âu trong nỗ lực yểm trợ chính quyền Kiev ». Các bên tái khẳng định Liên Âu là điểm tựa « chắc chắn và lâu bền » của Kiev.

Nghị Viện Châu Âu thông qua dự luật Tự Do Báo Chí
Ngày 13/03/2024, Nghị Viện Châu Âu thông qua dự luật về tự do báo chí, nhằm bảo đảm tính độc lập cho ngành báo chí của 27 nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, bảo vệ các phóng viên và các phương tiện truyền thông của toàn khối trước những « can thiệp » với động cơ « chính trị hay kinh tế ».


Ảnh minh họa. © CC0 Pixabay/Contributeur
Thanh Hà
Dự luật đã được thông qua với 464 phiếu thuận, 92 phiếu chống và 65 nghị viên không tham gia bỏ phiếu. Văn bản này cấm các thành viên Liên Âu « gây áp lực » với các phóng viên và tổng biên tập, cấm ép buộc báo chí phải tiết lộ các tin, cấm nghe lén, cấm sử dụng phần mềm thâm nhập trái phép máy tính, điện thoại của các nhà báo…

AFP nhắc lại, dự luật Tự Do Báo Chí vừa được Nghị Viện Châu Âu thông qua nhằm « bảo vệ tính đa dạng và độc lập » của các phương tiện truyền thông, vào lúc mà quyền cơ bản này đang bị đe dọa tại một số quốc gia, như Hungary và Ba Lan, hay tại một số quốc gia khác sử dụng phần mềm do thám như Pegasus hay Predator để ngăn cản hoạt động của các phóng viên.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát vẫn băn khoăn với câu hỏi : Liệu một số nước thành viên có thể viện cớ « an ninh quốc gia » cản trở công tác thông tin của báo giới hay không.

Đối với tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, đây là một « tiến bộ quan trọng » về quyền được thông tin của các công dân. Song như nghị viên châu Âu Hà Lan Sophie In’t Veld ghi nhận, để luật mới về tự do báo chí được hiệu quả, Ủy Ban Châu Âu cần bảo đảm rằng các nước thành viên hoàn toàn tuân thủ luật.

Dự luật Tự Do Báo Chí của Liên Âu chính thức có hiệu lực một khi được các thành viên của khối này này phê chuẩn.

Đan Mạch tăng ngân sách quân sự để đề phòng Nga
Đan Mạch, một trong những nhà tài trợ nhiều nhất cho Ukraina, quyết tâm củng cố tiềm lực quốc phòng, thông báo hàng loạt biện pháp mới hôm qua, 13/03/2024. Với ngân sách bổ sung, Đan Mạch đạt chỉ tiêu dành 2% GDP cho quốc phòng. Chính quyền Copenhagen còn dự định nâng mức chi này lên thành 2,4% ngay trong năm nay.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen họp báo về quyết định tăng cường quân đội, Copenhagen, Đan Mạch, ngày 13/03/2024. AP - Liselotte Sabroe
Thu Hằng
Theo thông tín viên RFI trong khu vực Carlotta Morteo tại Stockholm, chính sách mới cho thấy Đan Mạch ngày càng lo ngại về những bất trắc trên chiến trường Ukraina, cũng như khả năng Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ. Nhà tỉ phú không muốn viện trợ thêm cho Kiev và đã tuyên bố sẽ không « bảo vệ » những đồng minh NATO nào không tuân thủ cam kết về ngân sách quốc phòng:

« Thêm 5,5 tỉ euro cho chi tiêuquốcphòng để mua thiết bị phòng không, ngư lôi, để củng cố các lữ đoàn bộ binh, binh chủng có thể phải cung cấp 6.000 binh lính cho NATO trong trường hợp khẩn cấp. Kế hoạch quốc phòng mới của Đan Mạch bao gồm cả 330 triệu euro để tài trợ cho chương trình sản xuất pháo Caesar của Pháp dành cho Kiev.

Theo lời thủ tướng Mette Frederiksen, Đan Mạch tái vũ trang là để tránh chiến tranh. Bà nói : « Từ hai năm nay, chúng ta luôn cấp nhiều tiền hơn cho Ukraina. Chúng ta đã gửi đạn, vũ khí, viện trợ nhân đạo và sắp tới là 16 chiến đấu cơ. Chúng ta cũng tăng đáng kể đầu tư vào hệ thống quốc phòng của chúng ta. Thế nhưng vẫn chưa đủ : Nga đã chuyển sang nền kinh tế chiến tranh và chúng tôi cho rằng Matxcơva sẽ tiếp tục gây bất ổn cho châu Âu, thậm chí có thể tấn công một nước đồng minh trong tương lai gần. Do đó cần phải củng cố sườn phía đông của NATO ».

Kịch bản đó buộc chính phủ Đan Mạch kéo dài thời gian thi hành nghĩa vụ quân sự từ 4 tháng lên thành 11 tháng để chuẩn bị tốt hơn cho 5.000 lính nghĩa vụ. Đồng thời, lần đầu tiên, chính phủ cũng đề xuất gọi nhập ngũ cả nữ thanh niên ».

Nga phát hiện "âm mưu đầu độc" của nhóm lính thân Ukraina

Tổng cục An ninh Liên Bang Nga (FSB) hôm nay, 14/03/2024, thông báo đã bắt giữ bốn người được cho là thành viên của một nhóm bán quân sự thân Ukraina đang chuẩn bị tiến hành những hành động “khủng bố” trên lãnh thổ Nga, bao gồm âm mưu “đầu độc” binh sĩ nước này.


Một nhóm binh sĩ của Quân đoàn Tự do Nga tại một địa điểm gần biên giới phía bắc Ukraina, ngày 24/05/2023. AFP - SERGEY BOBOK
Phan Minh
Thông báo của FSB được AFP trích dẫn cho biết “cơ quan an ninh Nga đã ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp của nhóm lính thuộc Quân đoàn Tình nguyện Nga ở Saint-Petersburg, hoạt động phục vụ cho lợi ích của các cơ quan tình báo Ukraina”.

Theo nguồn tin của FSB, bốn người này đã lên kế hoạch tẩm những chất kịch độc vào các thực phẩm dành cho những binh lính Nga đang chiến đấu ở Ukraina. Họ cũng bị cáo buộc tiến hành trinh sát các cơ sở hạ tầng và địa điểm giao thông quan trọng ở Saint-Petersburg và khu vực Leningrad để thực hiện hành động nói trên.

Những người này bị bắt giữ trong bối cảnh Nga trong những ngày liên tục hứng chịu các cuộc oanh kích ồ ạt của drone Ukraina, đặc biệt nhắm vào khu vực Leningrad, xung quanh Saint-Petersburg. Quân đoàn Tình nguyện Nga, cùng với Quân đoàn Tự do Nga và Sibir, là những nhóm tình nguyện quân gồm các công dân Nga bất đồng với điện Kremlin.

Vẫn tại Nga, tổng thống Vladimir Putin hôm nay kêu gọi người dân đoàn kết và tích cực đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống cuối tuần này, vào thời điểm nước Nga đang trải qua một giai đoạn “khó khăn”.

Vladimir Putin gần như chắc chắn tái đắc cử và trụ lại điện Kremlin ít nhất đến năm 2030. Như vậy ông sẽ là nhà lãnh đạo Nga tại chức lâu nhất kể từ sa hoàng Ekaterina Đại Đế vào thế kỷ 18.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét