Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2024

Tin Cực Vui! Chờ Đợi Đã Từ Lâu: Cộng Đồng Người Việt San Jose, Khánh Thành Tượng Đài Thuyền Nhân! Trong Dịp Tưởng Niệm 49 Năm Tháng Tư Đen! Và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


49 Năm Tháng Tư Đau Thương San Jose Có Gì Lạ? Xin Đồng Hương Dành Chiều Thứ Bảy, Ngày 27 Tháng 4 Năm 2024 Tới Đây. Cho Đại Lễ Khánh Thành Tượng Đài Thuyền Nhân Tại San Jose!
Kính Thưa Quý Cộng Đồng, Đoàn Thể và Quý Đồng Hương,
-Bất cứ Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn lớn nhỏ nào, trên đất tự do, ngoài Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, cũng đều mong ước có thêm một tượng đài Thuyền Nhân.Tin Mừng chờ đợi biết bao nhiêu năm nay: San Jose giờ đã có một Tượng Đài Thuyền Nhân!
<!>


-Ý nghĩa Tượng Đài: Người đàn ông dắt tay đứa con thơ, mẹ già, bước lên đất tự do, sau cuộc vượt biển đau thương, kinh hoàng, người vợ đã bị hải tặc hãm hiếp, chết trên biển! mà đứa bé vẫn còn cố gắng quay mặt lại…tìm mẹ!


-Tượng đài đánh dấu một cuộc di cư vĩ đại bằng những con thuyền mong manh nhất trong lịch sử, chống với cuồng phong bão tố, thấm đầy máu và nước mắt, đã làm rúng động lương tâm thế giới. Mà chữ “Boat people” dành riêng cho Thuyền Nhân Việt Nam. Một trong những thảm nạn đau thương lớn nhất của cuối thế kỷ 20!

-Gần nửa triệu đồng bào thân thương của chúng ta, trong đó có rất nhiều phụ nữ và trẻ em, đã nằm sâu trong lòng biển cả mênh mông, bao nhiêu năm, không một nấm mồ, không hương không khói. Giờ chúng ta đã có một nơi thắp nén hương tưởng niệm đến những cái chết oan khiên của họ!


-Hàng ngàn những câu chuyện đau thương trong cuộc vượt biển lịch sử này, mà nhiều nhân chứng hãy còn đó: Cảnh cướp bóc hãm hiếp của bọn Hải Tặc Thái Lan, trước mặt người chồng, trước mặt đứa con dại, những hình ảnh tội ác kinh hoàng đó, sẽ không bao giờ xóa nhòa trong ký ức! Rồi những con tầu nhỏ bé, lạc trên đại dương mênh mông trên hàng tháng trời, phải ăn thịt lẫn nhau mà sống! Có những người đã điên loạn, nhảy xuống biển, hay sau khi đã được đưa lên đất liền! Chưa hết, rồi những cảnh lạc trên các hoang đảo, đói khát, làm mồi cho bọn xấu cưỡng hiếp, trấn lột…..Ôi! đau thương thấm đẫm máu và nước mắt, sao kể xiết!


-Nhưng chính nhờ những hình ảnh sống, của biến cố đau thương này, đầu tiên là Hoa Kỳ, rồi cả thế giới theo sau, mới mở vòng tay nhân ái, đón tiếp Thuyền Nhân. Chưa kể nhiều quốc gia, tổ chức những con tầu Tình Thương ra khơi, cứu vớt những con người Việt khốn khổ nhất thế kỷ!


-Và Thuyền nhân, là nền móng, thành lập những Cộng Đồng Hải Ngoại. Trước đó, sau 75, chỉ có khoảng dưới 200 ngàn người được Mỹ di tản, sau biến cố Tháng Tư Đen. Nhưng sau thập niên 80, 90, sau phong trào Vượt Biển lên cao, con số riêng vào đất Mỹ tăng vọt lên đến số triệu! Những đợt sau như HO, Con Lai, Đoàn Tụ, không có những con số lớn như thế!
Nhóm Vận Động và Xây Dựng Tượng Đài Thuyền Nhân, nhìn các nơi khác, Tượng Đài đã được thực hiện nhiều nơi, cũng ao ước San Jose, nơi có đông người Việt nhất, cư ngụ trong một thành phố tại hải ngoại, có một tượng đài ý nghĩa như thế.



Nhưng ước mơ, cũng chỉ là mơ ước!
Cộng Đồng Người Việt San jose, tranh đấu cho Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ (Thank You America) gần 20 năm nay, giờ cũng chưa xong, nói gì đến Tượng Đài Thuyền Nhân!

Nhưng bất ngờ duyên lành đưa tới, khi tâm sự với Cha Chính Xứ Nhà Thờ Maria Goretti về ước vọng này, và Cha chấp nhận ngay dự án! Mọi người vừa hăng hái bắt tay thực hiện, chưa đầy mấy tháng, Cha lại có lịnh thuyên chuyển đi nơi khác! tưởng là bế tắc! Nhưng may mắn thay, Cha Chính Xứ Mới, vui vẻ chấp nhận không có gì thay đổi, nên Tượng Đài mới có cơ hội khánh thành đúng vào Tháng Tư Đau Thương 2024 này!


-Đây là Tượng Đài dành cho cả Người Việt trong Cộng Đồng nói chung, chứ không riêng gì cho người Công Giáo, đặc biệt cho các Cựu Thuyền Nhân.


-Tượng nhắc nhở cho Thế Hệ Trẻ, Hậu Duệ sau này, tại sao, lý do gì mà Cha Ông của chúng, có mặt trên đất nước tự do này. “Tự Do không phải là món quà biếu không, mà phải đổi bằng máu, nước mắt!”


-Dự tính chung quanh Tượng Đài có khắc tên những Thuyền Nhân đã bỏ mình trong cuộc vượt biển đau thương có một không hai trong lịch sử này.


Quý Vị có nhu cầu, xin liên lạc với Nhóm Thực Hiện, hoàn toàn miễn phí:

Lê Văn Hải (Trưởng nhóm)-(408)297-0545
Nguyễn Thanh Long – (408) 590-5295
Bùi Xuân Thái – (408) 406-4500
Trần Minh – (408) 234-4340


*Chương trình chi tiết Lễ Khánh Thành xin được loan báo vào những ngày tới. Đây là ước muốn của cả Cộng Đồng, rất mong được Quý Đồng Nghiệp Truyền Thông góp tay phổ biến. Chân thành cảm tạ.





Tin Quốc Tế Đó Đây
Chính Phủ Yemen: Lực Lượng Mỹ-Anh Đánh Các Mục Tiêu Bên Phía Houthi, 11 Người Chết


(Hình: Một chiến đấu cơ của Không quân Hoàng gia Anh chuẩn bị đi đánh mục tiêu bên phía Houthi, 24/2/2024.)
-Phát ngôn viên cho chính phủ Yemen được quốc tế công nhận nói với thông tấn xã Reuters rằng liên minh Mỹ-Anh tiến hành các cuộc không kích vào các thành phố cảng và các thị trấn nhỏ ở miền Tây Yemen hôm thứ Hai (11/3/2024), khiến ít nhất 11 người chết và 14 người bị thương, cùng lúc Mỹ và Anh bảo vệ hoạt động vận tải thương mại.
Theo Al Masirah, hãng tin truyền hình chính do Houthi điều hành, người ta ghi nhận có ít nhất 17 cuộc không kích ở Yemen, bao gồm cả các cuộc ở thành phố cảng chính Hodeidah và tại cảng Ras Issa.
Các cuộc tấn công diễn ra chỉ vài ngày sau khi xảy ra vụ dân thường thiệt mạng và vụ chìm tàu đầu tiên kể từ khi lực lượng Houthi liên kết với Iran bắt đầu tấn công các tàu thương mại vào tháng 11/2023 để thể hiện tình đoàn kết với người Palestine bị Do Thái tấn công. Các đòn không kích cũng trùng với ngày đầu tiên của tháng lễ ăn chay Ramadan của người Hồi giáo.

Bất chấp các đòn trả đũa của liên minh Mỹ-Anh và Hải quân các nước khác, lực lượng Houthi vẫn tăng cường chiến dịch đánh vào các tàu thương mại trên một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới.
Lực lượng Houthi đã giết chết 3 thủy thủ, gồm 1 người Việt, thuộc tàu True Confidence do Hy Lạp vận hành và treo cờ Barbados hôm 6/3 trong một cuộc tấn công ngoài khơi cảng Aden.
Vụ kể trên xảy ra vài ngày sau vụ tàu chở hàng Rubymar bị chìm ở thời điểm khoảng 2 tuần sau khi tàu bị phi đạn của Houthi bắn trúng vào ngày 18/2.
Nhiều tàu bè hiện đang đi theo hải hanh dài hơn, tốn kém hơn vòng qua Mũi Hảo Vọng của Phi Châu để tránh tuyến đường nguy hiểm qua Vịnh Aden và Biển Đỏ đến Kênh đào Suez – do đó, làm cho chi phí vận tải tăng mạnh.


Nga: Ukraine Phóng Máy Bay Không Người Lái Vào Kho Nhiên Liệu Oryol và Các Khu Vực Khác


(Hình: Binh sĩ Ukraine vác một máy bay không người lái ở Donetsk, 17/2/2023.)
-Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào một cơ sở nhiên liệu ở vùng Oryol, Thống đốc khu vực miền Trung nước Nga cho biết hôm thứ Ba (12/3/2024), trong khi các viên chức ở khu vực Kursk, Tula và Belgorod cũng báo cáo về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.
Thống đốc Oryol Klychkov cho hay trên ứng dụng nhắn tin Telegram: "Không có thương vong".
Hãng thông tấn nhà nước RIA của Nga dẫn lời các cơ quan ứng phó khẩn cấp nói rằng một bồn chứa xăng đã bốc cháy sau vụ tấn công.

Kênh Baza Telegram, có quan hệ thân thiết với cơ quan thực thi pháp luật Nga, đã đăng một bức ảnh chụp ngọn lửa lớn bốc lên cao từ nơi dường như là một cơ sở công nghiệp. Kênh này dẫn lời người dân địa phương cho biết đã có một vụ nổ trước khi đám cháy bùng lên.
Ukraine trong những tháng gần đây đã tiến hành một loạt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các nhà máy lọc dầu và cơ sở năng lượng của Nga, gây ra thiệt hại đáng kể cũng như làm đình trệ một số hoạt động.
Hai máy bay không người lái đã tấn công một cơ sở nhiên liệu ở Oryol, một thành phố cách Mạc Tư Khoa 370 cây số (230 dặm) về phía Nam và cách biên giới Ukraine 220 cây số (137 dặm) vào tháng 1, và một vụ hỏa hoạn đã bùng lên ở đó vào tháng 2, mặc dù các viên chức không đưa ra nguyên nhân của vụ cháy thứ hai.

Bảy khu định cư ở vùng Belgorod của Nga giáp biên giới Ukraine đã không có điện trong đêm sau khi một máy bay không người lái của Ukraine đã thả chất nổ xuống, Vyacheslav Gladkov, Thống đốc vùng Belgorod, cho biết trên Telegram.
Roman Starovoyt, Thống đốc vùng Kursk cũng giáp Ukraine, cho hay hôm 12/3 rằng 3 máy bay không người lái do Ukraine phóng đã bị bắn rơi trong đêm trên khu vực của ông, và các dịch vụ ứng phó khẩn cấp đang kiểm tra xem đã có thiệt hại gì không.
Truyền thông Nga dẫn lời các viên chức địa phương Tula nói rằng một máy bay không người lái đã bị bắn hạ ở khu vực Tula của Nga, giáp ranh với khu vực Mạc Tư Khoa.


Ukraine Oanh Kích Nhiều Cơ Sở Năng Lượng của Nga


(Ảnh: Một kho xăng quân sự của Nga tại Sevastopol, bán đảo Crimea, cách chiến tuyến khoảng 300 cây số, bị oanh kích. Ảnh chụp đầu năm 2023.)
-Theo hãng tin AFP, chính quyền Nga cho biết hai cơ sở năng lượng của Nga, một tại thành phố Orel và một ở Kstovo, cách biên giới Ukraine 160 cây số và 800 cây số đã bốc cháy sau khi bị nhiều drone của Ukraine tấn công trong đêm 11 rạng sáng 12/3/2024.
Nhà máy lọc dầu ở Kstovo, nằm ở vùng Nijni Novgorod, thuộc tập đoàn dầu hỏa Loukoil, một trong số những nhà sản xuất nhiên liệu lớn nhất tại Nga.

Nhiều drone của Ukraine trong đêm qua cũng đã pháo kích vùng Belgorod làm hư hại một đường dây cung cấp điện. Trên mạng Telegram, Thống đốc Viatcheslav Gladkov cho biết 7 xã đã bị mất điện.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định đã bắn hạ được 25 drone của Ukraine tại các vùng Mạc Tư Khoa, Leningrad, cũng như Belgorod, Koursk và Briansk.
Quân đội Nga đã dội bom thành phố Koupiansk (Đông-Bắc Ukraine), thị trấn Kremenets (phía Tây, vùng Ternopil) và hai thành phố vùng Dnipropetrovsk, làm ba người bị thương, gây ra nhiều hỏa hoạn và phá hủy nhiều khu dân cư, theo chính quyền Ukraine.
Trong khi đó, Kyiv hôm 11/3 cho biết đã triệu mời phái viên Tòa Thánh Vatican để phản đối những phát biểu của Giáo hoàng Francis. Hôm 9/3, ngài đã kêu gọi Kyiv "nên dũng cảm giương cờ trắng và đàm phán" với Mạc Tư Khoa. Bộ Ngoại giao Ukraine cáo buộc giáo hoàng đã "hợp pháp hóa luật của kẻ mạnh".
Vào lúc Hạ viện Pháp chuẩn bị thảo luận về thỏa thuận an ninh với Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Pháp BFMTV và báo Le Monde, khẳng định hơn 1.000 cây số tuyến phòng thủ đã được xây dựng, đà tiến của Nga đã bị chặn và vì vậy, "con em của dân Pháp sẽ không phải hy sinh tại Ukraine".
Tuy nhiên, nguyên thủ quốc Ukraine kêu gọi Pháp và các đồng minh gởi thêm "nhân viên kỹ thuật" để "cùng sản xuất" đại bác hay xe tăng tại chỗ, cũng như hỗ trợ huấn luyện binh sĩ.


Hạ Viện Pháp Thảo Luận Về Chiến Lược Yểm Trợ Ukraine


(Hình: Quang cảnh một cuộc họp của Hạ viện Pháp, Paris, Pháp, ngày 11/12/2023.)
-Hôm 12/3/2024, Hạ viện Pháp thảo luận về chính sách yểm trợ Ukraine và sau đó sẽ biểu quyết về Hiệp định An ninh Pháp-Ukraine. Đây là một cuộc bỏ phiếu chỉ mang tính biểu tượng, nhưng được dự báo sẽ gây náo động, khi chỉ còn 3 tháng nữa là đến kỳ bầu cử Nghị viện Âu Châu.
Hiệp định An ninh Pháp-Ukraine đã được lãnh đạo hai nước ký kết hôm 16/02, có giá trị 10 năm, bao gồm việc tăng cường hợp tác quân sự, đặc biệt về Pháo binh và phòng không.
Paris cam kết trong năm 2024 sẽ viện trợ bổ sung "đến ba tỉ Euro" cho Kyiv, một nguồn tài chánh mà phe đối lập có thể chất vấn trong cuộc tranh luận hôm nay, vào lúc chính phủ Pháp vừa thông báo cắt giảm ngân sách quốc gia. Bộ trưởng Quân Lực Pháp Sébastien Lecornu cảnh báo: "An ninh của Pháp có cái giá phải trả".

Tuy nhiên, kết quả cuộc bỏ phiếu được dự báo sẽ có lợi cho chính phủ nhờ vào sự ủng hộ của đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR).
Theo thông tấn xã AFP, cuộc tranh luận tại Hạ viện diễn ra sau phát biểu gây tranh cãi của Tổng thống Emmanuel Macron không loại trừ khả năng điều quân đội đến Ukraine và không muốn đặt một "giới hạn" nào trong việc hậu thuẫn Ukraine.
Bị chỉ trích có lập trường thân Nga giống như đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI), Chủ tịch đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN), Jordan Bardella, hiện đang dẫn đầu ở Pháp trong các thăm dò về ý định bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Nghị Viện Âu Châu, hôm nay cho biết đảng này sẽ không tham gia bỏ phiếu. Ông khẳng định đảng Tập Hợp Dân Tộc đồng tình ủng hộ Ukraine, nhưng không chấp nhận chiến tranh với Nga, "một cường quốc nguyên tử".
Lãnh đạo đảng RN còn đưa ra "những lằn ranh đỏ" về việc gởi quân đến Ukraine, kết nạp Ukraine vào Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên Hiệp Âu Châu.


Pháp: Nhiều Bộ Bị Tấn Công Tin Tặc Với "Cường Độ Chưa Từng Có"


(Hình: Trụ sở Bộ Kinh tế và Tài chánh Pháp ở thủ đô Paris. Ảnh chụp ngày 11/3/2024.)
-Chính phủ Pháp ngày 11/3/2024 thông báo từ Chủ Nhật (10/3) nhiều cơ quan bộ là mục tiêu của đợt tấn công tin tặc với "cường độ chưa từng có". Nhiều nhóm tin tặc có tiếng thân Nga đã nhận trách nhiệm trong đợt tấn công này.
Văn phòng phủ Thủ tướng Pháp cho biết, "từ tối Chủ Nhật, nhiều cơ quan của nhà nước bị tấn công tin tặc theo kiểu "gây từ chối dịch vụ" (DdoS), tức là làm sập dịch vụ truy cập bằng gửi ồ ạt các yêu cầu, một kiểu tấn công thông thường, nhưng lần này với cường độ "chưa từng có".
Tuy nhiên, theo văn phòng phủ Thủ tướng "cho đến thời điểm hiện tại, ảnh hưởng của các vụ tấn công trên không lớn, phần lớn các dịch vụ và việc truy cập các địa chỉ của nhà nước đã được tái lập".

Trên mạng Telegram, nhiều nhóm tin tặc đã nhận là thủ phạm của các vụ tấn công nhắm vào các bộ hoặc các cơ quan khác của chính quyền Pháp. Trong số đó có nhóm Anonymous Sudan, được biết đến là những tin tặc ủng hộ Nga và Hồi giáo cực đoan. Những tin tặc này khẳng định đã tiến hành cuộc "tấn công mạng ồ ạt" nhắm vào các cơ quan của phủ Thủ tướng, các bộ Kinh tế, Môi trường, Y tế hay Văn hóa, cũng các trang mạng của Tham Chính viện và của cơ quan hành chính khác.
Theo trang mạng Numerama chuyên về tấn công tin học, động cơ của nhóm Anonymous Sudan "không rõ ràng". Tuy nhiên hoạt động của nhóm này nhắm vào "các mục tiêu mà Mạc Tư Khoa coi là kẻ thù".
Phủ Tổng thống Pháp thông báo kích hoạt bộ phận giải quyết khủng hoảng để đối phó với vụ tấn công lần này cũng như các vụ tấn công trong tương lai. Ông Stéphane Bouillon, Tổng Thư ký Tổng cục Quốc phòng và An ninh Quốc gia Pháp SGDSN, trực thuộc Thủ tướng, nhận định, Thế Vận hội mùa Hè Paris (khai mạc ngày 26/7) và cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu ngày 9/6 sẽ là những mục tiêu của các hoạt động thao túng thông tin và can thiệp của ngoại quốc.
Bộ trưởng Quân lực Pháp, hôm 20/2 vừa qua đã kêu gọi tăng cường các biện pháp an ninh trước các mối đe dọa "phá hoại và tấn công tin tặc" của Nga nhắm vào cơ quan đầu não của bộ. Trong một tài liệu lưu hành nội bộ hồi giữa tháng trước, Cơ quan Phản gián Nội địa Pháp (DGSI) cũng đã kêu gọi lực lượng an ninh cảnh giác cao độ với những hoạt động "can thiệp" của Nga tại Pháp.
Trước đó, vào năm 2023, các trang mạng của Hạ viện và Thượng viện Pháp bị tê liệt trong một thời gian ngắn do các cuộc tấn công tin tặc của một nhóm mang tên "NoName", thân Nga và lên án sự ủng hộ của Pháp đối với Ukraine.


Thái Lan: Ủy Ban Bầu Cử Đề Nghị Giải Thể Đảng Đối Lập Chính


(Hình: Ông Pita Limjaroenrat (G), lãnh đạo đảng Move Forward, sau khi đắc cử Dân biểu, ngày 13/07/2023 tại Vọng Các, Thái Lan.)
-Hôm 12/3/2024, Ủy ban Bầu cử Thái Lan cho biết sẽ đề nghị Tòa Bảo Hiến giải thể đảng đối lập Move Forward Party (MFP), từng về đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 5/2023.
Trong thông cáo, Ủy ban nêu rõ quyết định đề nghị giải thể đã được toàn thể các thành viên "nhất trí", với lý do trong cuộc vận động tranh cử Quốc hội, đảng MFP đã hứa sẽ "nới lỏng luật về tội khi quân".
Ủy ban Bầu cử đã quyết định sau khi Tòa Bảo Hiến vào tháng 1 ra phán quyết cho rằng mong muốn của đảng MFP cải tổ luật khi quân tương đương với mưu đồ lật đổ chế độ quân chủ. Tòa Bảo Hiến lúc đã ra lệnh cho đảng MFP rút dự án cải cách đó ra khỏi chương trình.

Các Thẩm phán không công bố các hình phạt rõ ràng nhưng một ngày sau phán quyết của Tòa, hai kiến nghị đã được đệ trình lên Ủy ban Bầu cử yêu cầu giải thể đảng MFP.
Thông tấn xã AFP nhắc lại, trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2023, đảng Move Forward của nhà lãnh đạo trẻ tuổi Pita Limjaroenrat đã làm rúng động chính trường Thái khi công khai đề cập đến việc cải tổ luật khi quân.
Sự xuất hiện của MFP cũng đã gây chia rẻ xã hội Thái Lan, một quốc gia mà quyền lực vẫn nằm trong tay giới tài phiệt và quân sự ủng hộ Hoàng gia, bất chấp những khát vọng thay đổi của giới trẻ được bày tỏ qua lá phiếu.
Theo nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền, luật khi quân, được biết đến ở Thái Lan qua điều khoản "112", đã bị sử dụng để bóp nghẹt mọi nỗ lực phản kháng mà các cuộc biểu tình đòi dân chủ trong những năm 2020 và 2021 là những ví dụ điển hình.


Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Yêu Cầu 4 Tỉ Mỹ kim Để "Cạnh Tranh" Với Trung Quốc


(Ảnh: Dự án Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc bị chỉ trích là công cụ thao túng của Bắc Kinh.)
-Hôm 11/3/2024, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Hoa Kỳ phải sử dụng " toàn bộ những công cụ sẵn có" để cạnh tranh với Trung Quốc, vào lúc chính quyền Biden công bố dự toán ngân sách cho tài khóa 2025. Theo thông tấn xã Reuters, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Quản lý và Tài nguyên Rich Verma cho biết bộ này đã yêu cầu một ngân sách 4 tỉ Mỹ kim tài trợ bắt buộc trong 5 năm để hướng tới mục tiêu "vượt" Trung Quốc.
Số tiền này bao gồm 2 tỉ Mỹ kim để thành lập quỹ cơ sở hạ tầng quốc tế mới, nhằm tạo ra một nguồn tài trợ đáng tin cậy hơn để thay thế nguồn tài trợ hiện nay của Trung Quốc, đồng thời hỗ trợ "các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng và bền vững, có khả năng mang lại thay đổi lớn". Hai tỉ Mỹ kim còn lại sẽ được dành cho các khoản đầu tư nhằm giúp các nước trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đẩy lùi "những nỗ lực săn mồi" của Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã yêu cầu một khoản tài trợ tự nguyện 4 tỉ Mỹ kim để hỗ trợ các nước và hợp tác ngoại giao trong khu vực.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Verma tuyên bố: "Chúng ta phải sử dụng tất cả các công cụ có sẵn bất cứ khi nào có thể để vượt qua Trung Quốc". Ông nhấn mạnh yêu cầu của Bộ Ngoại giao cho tài khóa 2025 sẽ giúp Mỹ "tiếp tục đầu tư vào nền tảng sức mạnh trong nước, liên kết với các đối tác cùng chí hướng để củng cố lợi ích chung và đối đầu với những thách thức do Trung Quốc đặt ra".
Những nỗ lực của Hoa Kỳ tài trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển từ lâu đã bị lấn át bởi Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng và năng lượng kết nối Á Châu với Phi Châu và Âu Châu thông qua các tuyến đường bộ và đường biển.
Theo báo cáo của các nhà nghiên cứu Mỹ vào tháng 11 năm 2023, các tổ chức tài chánh Trung Quốc đã cho các nước đang phát triển vay 1,34 ngàn tỉ Mỹ kim từ năm 2000 đến năm 2021. Tuy nhiên, Sáng kiến Vành đai và Con đường đã gặp chỉ trích từ phương Tây và một số quốc gia tiếp nhận như Sri Lanka và Zambia, cho rằng Bắc Kinh đang giăng ra các bẫy nợ, khiến nhiều nước phải gánh các khoản nợ mà họ không đủ khả năng hoàn trả.
Cũng trong ngày hôm qua, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo khẳng định cần phải mở rộng kiểm soát xuất cảng để ngăn chặn Trung Quốc mua chip máy điện toán tiên tiến và thiết bị sản xuất, có thể được sử dụng nhằm tăng cường sức mạnh quân sự của nước này.


Tình Báo: Mỹ Đối Mặt 'Trật Tự Thế Giới Ngày Càng Mong Manh Dễ Vỡ'


(Hình: Bà Avril Haines, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ.)
-Ngày 11/3/2024, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ cho biết Mỹ đang đối mặt với một "trật tự thế giới ngày càng mong manh dễ vỡ", bị căng thẳng bởi sự cạnh tranh giữa các cường quốc, những thách thức xuyên quốc gia và xung đột khu vực. Cảnh báo này được đưa ra trong một phúc trình khi các lãnh đạo tình báo điều trần tại Thượng viện Hoa Kỳ.
"Một Trung Quốc đầy tham vọng nhưng đầy lo lắng, một nước Nga hay đối đầu, một số cường quốc trong khu vực như Iran và các chủ thể phi nhà nước có năng lực hơn đang thách thức các quy tắc lâu đời của hệ thống quốc tế cũng như vị thế bá chủ của Mỹ trong đó", các cơ quan tình báo Mỹ cho biết trong bản Đánh giá Đe dọa Thường niên 2024 của ủy ban tình báo Hoa Kỳ.

Phúc trình chủ yếu tập trung vào các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga, những đối thủ lớn nhất của Mỹ, hơn hai năm sau khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine.
Phúc trình cho biết, Trung Quốc đang cung cấp hỗ trợ kinh tế và an ninh cho Nga khi nước này tiến hành chiến tranh ở Ukraine, bằng cách hỗ trợ cơ sở công nghiệp của Nga.
"Thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã gia tăng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine và xuất cảng hàng hóa (của Trung Quốc) có tiềm năng sử dụng cho mục đích quân sự đã tăng hơn ba lần kể từ năm 2022", phúc trình cho biết.
Trong phần điều trần của mình, bà Avril Haines, Giám đốc tình báo quốc gia, thúc giục các nhà Lập pháp Mỹ chấp thuận thêm viện trợ quân sự cho Ukraine. Bà nói rằng "thật khó để tưởng tượng làm thế nào Ukraine" có thể giữ được lãnh thổ đã chiếm lại từ Nga mà không có thêm sự trợ giúp từ Hoa Thịnh Ðốn.
Bà lưu ý những lo ngại rằng cuộc xung đột ở Gaza giữa Do Thái và Hamas có thể làm lan rộng tình trạng bất ổn toàn cầu.
Bà Haines nói: "Cuộc khủng hoảng ở Gaza là một ví dụ rõ ràng cho thấy các diễn tiến khu vực có tiềm năng tác động rộng hơn và thậm chí toàn cầu như thế nào".
Bà lưu ý các cuộc tấn công của lực lượng dân quân Houthi nhắm vào tàu thuyền và cho biết các nhóm chủ chiến al Qaeda và ISIS "lấy cảm hứng từ Hamas" đã chỉ đạo các ủng hộ viên tiến hành các cuộc tấn công chống lại lợi ích của Do Thái và Hoa Kỳ.


Donald Trump Yêu Cầu Hoãn Phiên Tòa Hình Sự Về Vụ Stormy Daniels


(Ảnh: Nữ diễn viên Stormy Daniels, New York, Mỹ, ngày 23/2/2018.)
-Hôm 11/3/2024, cựu Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu hoãn phiên tòa hình sự, xét xử việc ông dùng tiền tranh cử để bịt miệng nữ diễn viên khiêu dâm Stormy Daniels, dự kiến diễn ra vào ngày 25/3 tại New York.
Trước đó, vào năm 2016, nhật báo The Wall Street Journal đã dẫn nguồn tin giấu tên cho biết Luật sư của ông Trump đã đứng ra dàn xếp trả tiền cho nữ diễn viên Daniels để bà không công khai mối quan hệ vụng trộm với vị tỉ phú. Từ Miami, thông tín viên David Thomson của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm chi tiết:
Trong 4 phiên tòa hình sự mà ông Donald Trump phải đối mặt, đây là phiên tòa duy nhất chưa bị hoãn. Các Luật sư của ông vừa đệ đơn lên Thẩm phán Manhattan để để xin hoãn phiên tòa này lại. Ban vận động tranh cử của Trump đang làm đủ mọi cách để bảo đảm không một phiên tòa nào có thể bắt đầu trước cuộc bầu cử Tổng thống. Lập luận mà họ đưa ra rất đơn giản: Phiên xử vụ Trump bỏ ra 130.000 Mỹ kim để bịt miệng một nữ diễn viên khiêu dâm không thể bắt đầu khi mà Tối cao Pháp viện chưa đưa ra quyết định về quyền miễn trừ truy tố của Donald Trump.

Lập luận này cũng đã được cựu Tổng thống sử dụng để trì hoãn phiên tòa chính yếu, xử ông về cáo buộc đã xúi giục vụ tấn công vào Điện Capitol ngày 6/1/2021. Ngày mở phiên xử cũng đã bị dời lại theo quyết định này của Tối cao Pháp viện. Trump tin rằng sẽ được hưởng quyền miễn trừ hoàn toàn đối với mọi hành vi của ông với tư cách là Tổng thống, lập luận mà một Tòa Phúc thẩm đã bác bỏ.
Nhưng Tối cao Pháp viện đã quyết định sẽ xem xét về quyền miễn trừ đó kể từ ngày 25/4, tức là một tháng tính từ ngày mà phiên tòa Manhattan dự kiến bắt đầu. Thẩm phán sẽ phải công bố trong tuần sau về việc có chấp thuận cho hoãn phiên tòa hay không".
Cũng trong ngày 11/3, Trump đã hứa là nếu tái đắc cử Tổng thống, ông sẽ trả tự do cho những "con tin bị cầm tù sai trái" vì đã tham gia vào vụ tấn công Điện Capitol năm 2021. Theo số liệu mới nhất do Bộ Tư pháp Hoa Kỳ công bố vào tuần trước, khoảng 1.358 người đã bị buộc tội liên quan đến vụ này, trong đó có khoảng 500 người đã bị kết án tù.


Báo Haaretz: Do Thái Đang Kiểm Tra Liệu Chiến Binh Hàng Đầu của Hamas Có Thiệt Mạng Trong Không Kích


(Hình: Một khu vực ở Nuseirat của Dải Gaza bị tàn phá bởi bom Do Thái ném xuống vào ngày 16/1/2024. Marwan Issa được cho là đã ở tại một địa điểm ở Nusseirat vào thời điểm khu vực này bị tấn công hôm 9/3/2024.)
-Hôm thứ Hai (11/3/2024), tờ Haaretz của Do Thái đưa tin cho hay quân đội Do Thái đang kiểm tra xem liệu chiến binh cấp cao của Hamas, Marwan Issa, có bị tiêu diệt trong một cuộc không kích ở Gaza tuần này hay không.
Quân đội Do Thái chưa xác nhận ngay thông tin mà trong đó cho biết theo thông tin tình báo, Issa, được cho là chỉ huy thứ hai của cánh vũ trang của Hamas, đã ở tại một địa điểm ở Nusseirat, miền Trung Gaza, nơi đã bị tấn công hai ngày trước.
Hamas không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của thông tấn xã Reuters về thông tin từ tờ báo Do Thái.
Issa đứng đầu danh sách bị truy nã gắt gao nhất của Do Thái, cùng với Mohammed Deif, người đứng đầu cánh quân sự của Hamas, Lữ đoàn Izz el-Deen al-Qassam, và thủ lĩnh của Hamas ở Gaza, Yahya Sinwar, người được cho là kẻ chủ mưu cuộc tấn công ngày 7/10 của nhóm này vào miền Nam Do Thái, từ đó gây ra chiến tranh Gaza.
Nếu được xác nhận, cái chết của chiến binh này có thể làm phức tạp thêm những nỗ lực nhằm bảo đảm lệnh ngừng bắn ở Gaza và thỏa thuận thả con tin trong các cuộc đàm phán vốn đã bị đình trệ.


Chiến Tranh Tiếp Diễn Tại Gaza, Trong Lúc Người Hồi Giáo Bước Vào Kỳ Ramadan


(Hình: Khói bốc lên từ dải Gaza ngày 10/3/2024.)
-Các nỗ lực đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza trước kỳ Ramadan của người Hồi giáo, khởi sự từ đầu tháng 3/2024 tại Cairo, Ai Cập, rốt cuộc đã không đạt kết quả. Chiến sự tiếp diễn hôm 11/3/2024, ngày đầu tiên của kỳ Ramadan.
Hôm 10/3, một nguồn tin cho thông tấn xã AFP biết “các nỗ lực ngoại giao sẽ chỉ tăng tốc sau mười hôm nữa”, với hy vọng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn vào giữa kỳ Ramadan. Hoa Kỳ lo ngại trong tháng Ramadan của người Hồi giáo, nếu chiến sự tiếp diễn, tình hình sẽ trở nên “rất nguy hiểm” đặc biệt ở khu vực Đông Jerusalem, thánh địa thứ ba của đạo Hồi. Hôm 9/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tỏ ra cứng rắn hơn với Thủ tướng Do Thái Netanyahu. Trả lời phỏng vấn đài MSNBC, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh là hành động của Thủ tướng Netanyahu “gây tổn hại cho Do Thái nhiều hơn là có lợi”.

Đàm phán giữa Do Thái và tổ chức Hamas, qua 3 trung gian Mỹ, Ai Cập và Qatar, đang dậm chân tại chỗ. Theo thông tấn xã AFP, lập trường của hai bên vẫn còn rất xa cách. Hamas yêu cầu chấm dứt chiến tranh, quân đội Do Thái rút khỏi Gaza, trước khi chấp nhận trao trả toàn bộ con tin. Về phần mình, Do Thái đòi Hamas cung cấp danh sách chính xác các con tin còn sống, trong khi Hamas khẳng định không thể cho biết “ai còn sống và ai đã chết” trong số các con tin.
Về tình hình cứu trợ cho người dân Gaza, theo thông tấn xã AFP, một chuyến tàu của tổ chức phi chính phủ Tây Ban Nha Open Arms, chở 200 tấn lương thực, chuẩn bị rời đảo Chypre, quốc gia Liên Hiệp Âu Châu (EU) gần nhất với Gaza, trong khuôn khổ “hành lang nhân đạo” do Liên Hiệp Âu Châu thiết lập. Tuy nhiên, theo Liên Hiệp Quốc, vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo bằng đường biển và đường không cho Gaza sẽ không thể nào thay thế được các tuyến đường bộ, bởi nạn đói đang đe dọa toàn bộ dân cư dải Gaza, bị Do Thái phong tỏa hoàn toàn từ ngày 9/10/2023.
Về chiến sự, hôm 10/3, Do Thái đã gia tăng oanh kích. Theo Hamas, ít nhất 85 người chết trong 24 tiếng đồng hồ qua, trong tổng cộng 60 đợt oanh kích tại miền Trung và Nam dải Gaza, nhất là ở thành phố Khan Younes.


Chiến Tranh Ukraine: Đức Chỉ Trích Vatican Kêu Gọi Kyiv “Giương Cờ Trắng”


(Hình: Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba đến thăm một nhà thờ bị hư hại trong một cuộc tấn công bằng phi đạn của Nga vào Odesa, Ukraine, ngày 24/2/2024.)
-Hôm 10/3/2024, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã chỉ trích gay gắt Giáo hoàng Francis, sau khi nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo kêu gọi Ukraine “giương cờ trắng” và chấp nhận thương lượng với Nga nhằm chấm dứt chiến tranh. Chính quyền Kyiv cũng lên án mạnh mẽ lập trường của Giáo hoàng.
Thông tấn xã AFP cho hay, trên kênh truyền hình Đức ARD, Ngoại trưởng Annalena Baerbock khẳng định bà “không thể hiểu nổi” lập trường của Giáo hoàng. Nói về trẻ em Ukraine đang gánh chịu bao đau khổ vì chiến tranh, bà Baerbock chất vấn: “Tôi tự hỏi: Giáo hoàng đang ở đâu? Giáo hoàng ắt phải biết về những điều này”.

Lãnh đạo ngoại giao Đức giải thích, nếu Ukraine và các đồng minh “không thể hiện sức mạnh vào lúc này thì sẽ không thể có hòa bình”, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng ta phải sát cánh với Ukraine và làm mọi cách để bảo đảm quốc gia này có thể tự vệ”.
Về phía Ukraine, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba trên mạng X khẳng định: “Quốc kỳ của Ukraine mang hai màu vàng và xanh. Chính là vì lá cờ này mà chúng tôi sống, hy sinh và chiến thắng. Chúng tôi sẽ không bao giờ treo những lá cờ khác”. Lãnh đạo ngoại giao Ukraine cũng nhắc lại bài học lịch sử: “Khi nói đến cờ trắng, chúng ta biết rõ chiến lược của Vatican trong nửa đầu thế kỷ 20. Tôi kêu gọi Vatican tránh lặp lại những sai lầm trong lịch sử và ủng hộ Ukraine cũng như người dân nước này trong cuộc tranh đấu vì sự tồn vong của Ukraine”. Phát biểu của Ngoại trưởng Ukraine ngụ ý nhắc đến quan hệ của Giáo hội với chế độ Đức Quốc xã trong thời kỳ Đệ nhị Thế chiến.
Trong bài phát biểu hàng ngày qua video hôm 10/3, Tổng thống Volodymyr Zelensky nhấn mạnh: “Những kẻ sát nhân và đao phủ Nga không thể tiến sâu hơn vào Âu Châu chỉ vì họ bị người Ukraine đẩy lùi, với vũ khí trên tay và dưới lá cờ xanh vàng” của Ukraine.
Trong buổi trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình công Thụy Sĩ RTS, được thu hình đầu tháng 2 và được phát hôm 9/3, Giáo hoàng Francis kêu gọi chính quyền Ukraine “đừng hổ thẹn khi chấp nhận thương thuyết, trong bối cảnh tình hình đang trở nên tồi tệ hơn”. Theo thông tấn xã AFP, ngay trong tối 9/3, Vatican đã ra một thông cáo giải thích hình ảnh “giương cờ trắng” mà Giáo hoàng đưa ra không phải là để khuyến khích Ukraine “đầu hàng”, mà là “dũng cảm chấp nhận đình chiến” để thương lượng tìm giải pháp cho hòa bình.


Nhập Cảng Vũ Khí của Âu Châu Tăng Gần Gấp Đôi Do Chiến Tranh Ukraine


(Hình: Lính Đức thực hành sử dụng máy gây nhiễu, để vô hiệu hóa drone, trong quá trình khai triển hệ thống phòng thủ Patriot ở Gubkow, Đức, ngày 11/5/2023.)
-Hôm 11/3/2024, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết nhập cảng vũ khí của Âu Châu đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua, một phần do chiến tranh Ukraine, trong khi xuất cảng vũ khí của Nga giảm một nửa.
Theo báo cáo của SIPRI được thông tấn xã AFP trích dẫn, nhập cảng vũ khí của Âu Châu đã tăng 94% trong giai đoạn 2019-2023 so với giai đoạn 5 năm trước đó.
Ukraine đã trở thành quốc gia nhập cảng vũ khí lớn thứ tư thế giới, sau khi nhận được viện trợ quân sự từ ít nhất 30 quốc gia kể từ tháng 2/2022, trong khi Pháp thế chân Nga trở thành nước xuất cảng vũ khí lớn thứ nhì thế giới sau Hoa Kỳ.

Ngoài Ukraine, các quốc gia Âu Châu khác cũng tăng cường nhập cảng vũ khí, đa phần là của Mỹ. Trong giai đoạn 2019-2023, 55% lượng vũ khí Âu Châu nhập cảng là của Mỹ, so với 35% trong giai đoạn 2014-2018. Việc nhập cảng ồ ạt vũ khí của Mỹ cho thấy nhiều quốc gia Âu Châu muốn nhanh chóng nhận được vũ khí “có sẵn”, thay vì tự sản xuất và phát triển các hệ thống mới.
Trong khi đó, xuất cảng vũ khí của Nga đã giảm 53% trong giai đoạn 2019-2023 so với 2014-2018. Mạc Tư Khoa chỉ xuất cảng vũ khí sang 12 quốc gia vào năm 2023, so với 31 quốc gia vào năm 2019.
Nhà nghiên cứu Katarina Djokic của SIPRI cho biết thêm: Khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga là Trung Quốc đang có những thay đổi lớn về chính sách vũ khí. Vốn mua rất nhiều vũ khí của Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh giờ đây có xu hướng tự sản xuất vũ khí trong nước.


Đạo Diễn Đoạt Giải Oscar của Ukraine Ước Đổi Giải Thưởng Để Không Có Chiến Tranh


(Hình: Nhà làm phim người Ukraine, ông Mstyslav Chernov (giữa) tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 96 ở Hí viện Dolby ở Hollywood, California, Hoa Kỳ, vào ngày 10/3/2024.)
-Hôm Chủ Nhật (10/3/2024), Đạo diễn người Ukraine, ông Mstyslav Chernov đã giành giải Oscar đầu tiên cho đất nước mình với bộ phim tài liệu “20 ngày ở Mariupol”, nói về cuộc vây hãm của Nga ở thành phố cảng. Ông nói ông thà không có giải Oscar và không có chiến tranh ở đất nước mình.
Chernov, một nhà báo video của hãng tin AP, đã quay bộ phim trong những ngày đầu tiên của cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga khi bị mắc kẹt ở Mariupol cùng với một nhóm nhà báo. Bộ phim đã giành được giải Oscar cho Phim tài liệu Hay nhất hôm Chủ Nhật.

“Đây là giải Oscar đầu tiên trong lịch sử Ukraine, và tôi rất vinh dự”, ông Chernov nói trong bài phát biểu mạnh mẽ khi nhận giải trước sự hoan nghênh nhiệt liệt.
“Nhưng có lẽ tôi sẽ là đạo diễn đầu tiên trên sân khấu này nói rằng tôi ước mình chưa bao giờ làm bộ phim này. Tôi ước có thể đổi điều này thành việc Nga không bao giờ tấn công Ukraine, không bao giờ chiếm đóng các thành phố của chúng tôi... nhưng tôi không thể thay đổi lịch sử. Không thể thay đổi quá khứ”.
Mariupol đã trở thành điển hình cho nỗi kinh hoàng trong cuộc vây hãm thành phố cảng chiến lược kéo dài gần 3 tháng của Nga từ tháng 3 đến tháng 5/2022, với những thường dân bị mắc kẹt buộc phải chôn người chết bên lề đường.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) cho biết vào tháng Hai rằng ít nhất 8.000 người đã thiệt mạng do giao tranh hoặc các nguyên nhân liên quan đến chiến tranh trong cuộc bao vây, một trong những trận chiến lớn nhất trong cuộc chiến kéo dài gần hai năm giữa Nga và Ukraine.

Hai năm chiến tranh đã giết chết hàng ngàn người ở cả hai bên, khiến hàng triệu người phải di dời và biến các thành phố của Ukraine thành đống đổ nát. Cuộc chiến hiện vẫn chưa có hồi kết trong lúc Tổng thống Volodymyr Zelenskyy liên tục kêu gọi các đồng minh phương Tây của mình cung cấp cho Kyiv các vật tư quân sự cần thiết.
“Đây là tình huống khẩn cấp nhân đạo và là vấn đề hỗ trợ những thường dân đang bị tấn công và thiệt mạng”, ông Chernov nói trong cuộc họp báo sau lễ trao giải.
“Công việc của tôi không phải là cố gắng thuyết phục bất kỳ ai về bất cứ điều gì. Công việc của chúng tôi là cung cấp càng nhiều bối cảnh và thông tin càng tốt”.


Tây Ban Nha và Liên Hiệp Âu Châu Tưởng Niệm Nạn Nhân Vụ Khủng Bố Madrid Cách Đây 20 Năm


(Hình: Một phụ nữ thắp nến tại ga xe lửa Atocha nhân kỷ niệm 20 năm vụ đánh bom ở Madrid, thủ đô của Tây Ban Nha, ngày 11/3/2024.)
-Hôm 11/3/2024, Tây Ban Nha nói riêng và Liên Hiệp Âu Châu (EU) nói chung tưởng niệm các nạn nhân trong vụ đánh bom khủng bố cách đây đúng 20 năm tại Madrid do tổ chức Al-Qaeda của Osama bin Laden thực hiện, đánh dấu sự khởi đầu của các cuộc tấn công hàng loạt của khủng bố Hồi giáo ở Âu Châu. Ngày 11/3 cũng trở thành “Ngày tưởng niệm các nạn nhân của khủng bố ở Âu Châu”.
Theo thông tấn xã AFP, buổi lễ tưởng niệm 193 nạn nhân thuộc 17 quốc gia do Ủy Ban Âu Châu tổ chức, dưới sự chủ trì của Quốc vương Felipe VI và Hoàng hậu Letizia, bắt đầu lúc 12 giờ 15, giờ địa phương, tại Phòng trưng bày Bộ sưu tập Hoàng gia, một bảo tàng nằm gần Hoàng cung ở Madrid.
Cách đây đúng 20 năm, ngày 11/3/2004, khoảng 7 giờ 30 sáng, vào giờ cao điểm, mười quả bom đã phát nổ trong khoảng vài phút trên 4 xe lửa ở nhà ga Atocha, nằm ở trung tâm Madrid. Thủ đô của Tây Ban Nha ngay lập tức rơi vào tình trạng hỗn loạn. Vụ khủng bố, được gọi ở Tây Ban Nha là “11-M”, xảy ra trong bối cảnh tình hình chính trị trong nước rất căng thẳng, ba ngày trước cuộc bầu cử Quốc hội.
Một năm trước đó, chính quyền Madrid đã quyết định hậu thuẫn Hoa Thịnh Ðốn và điều quân tham gia cuộc chiến ở Iraq, bất chấp sự phản đối của dư luận Tây Ban Nha. Trong nhiều thập kỷ trước đó, Tây Ban Nha cũng thường xuyên đối mặt với các vụ tấn công khủng bố đẫm máu của nhóm ly khai xứ Basque (ETA), nhưng chưa bao giờ trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công quy mô như thế này.


Đức và Mỹ Di Tản Nhân Viên Ngoại Giao Khỏi Haiti


(Hình: Cảnh sát canh gác bên ngoài Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ ở Port-au-Prince, thủ đô của Haiti, ngày 10/3/2024.)
-Vào lúc thủ đô Port-au-Prince của Haiti vẫn chìm sâu trong bạo lực với những cuộc đụng độ giữa cảnh sát và các băng đảng yêu cầu Thủ tướng Ariel Henry phải từ chức, Hoa Kỳ hôm 10/3/2024, tuyên bố đã di tản một phần nhân viên Tòa Ðại sứ khỏi nước này.
Từ New York (Hoa Kỳ), thông tín viên Loubna Anaki của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
“Chiến dịch được thực hiện vào lúc nửa đêm theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Trực thăng của quân đội Mỹ đã di tản các nhân viên không thiết yếu khỏi Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ ở Port-Au-Prince.

Theo thông cáo của quân đội Mỹ, chiến dịch này nằm trong khuôn khổ các hoạt động tăng cường an ninh cho Tòa Ðại sứ. Thông cáo nêu rõ Tòa Ðại sứ vẫn mở cửa và hoạt động, nhưng hệ thống an ninh ở xung quanh đã được siết chặt.
Cuộc di tản này diễn ra sau khi Hoa Thịnh Ðốn cách đây vài ngày kêu gọi công dân Mỹ rời khỏi Haiti, trong bối cảnh Port-Au-Prince đang là nơi diễn ra những cuộc đụng độ giữa cảnh sát và các băng đảng vũ trang yêu cầu ông Ariel Henry phải từ chức. Thủ tướng Haiti hiện vẫn bị mắc kẹt ở ngoại quốc.
Hoa Thịnh Ðốn gần đây cho biết rất quan ngại về tình hình ở Haiti, nhưng loại trừ khả năng khai triển quân đội vào lúc này”.
Nối gót Hoa Thịnh Ðốn, Bá Linh cũng quyết định rút các nhân viên ngoại giao khỏi Haiti. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đức nói với thông tấn xã AFP, “do tình hình an ninh rất căng thẳng ở Haiti, Ðại sứ và đại diện thường trực của Đức tại Port-au-Prince đã rời Haiti để sang Cộng hòa Dominica và sẽ làm việc từ đó cho đến khi có thông báo mới”.
Tổ chức Cộng đồng Caribbean (Caricom) đã mời các đại diện của Hoa Kỳ, Pháp, Gia Nã Ðại và Liên Hiệp Quốc đến dự cuộc họp khẩn ở Jamaica để thảo luận về tình hình ở Haiti.


Ấn Độ: Khủng Hoảng Nước Chưa Từng Có ở Bangalore


(Ảnh: Tại khu phố Whitefield ở Bangaore, người dân chờ mua nước từ các xe bồn tư nhân với giá cao.)
-Bangalore, thủ phủ tiểu bang Karnataka, miền Nam Ấn Độ, đang đối mặt với khủng hoảng nước chưa từng có. Do mưa ít, mạch nước ngầm tại thành phố lớn này đang bị cạn và toàn bộ cư dân phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước.
Nhiều chuyên gia chỉ trích mô hình phát triển thiếu kiểm soát “Silicon Valley Ấn Độ”, hiện đang bên bờ vực thẳm. Từ Bangalore, thông tín viên Côme Bastin của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường thuật:

Khu phố Whitefield là nơi tập trung các hãng Kỹ thuật Thông tin lớn và dân cư giàu có. Tuy nhiên, chính tại những khu nhà có bể bơi, mới được xây gần đây mà khủng hoảng nước đã xảy ra đầu tiên.
Prasad, một cư dân, cho biết: “Các giếng nước mà chúng tôi vẫn dùng nay hoàn toàn khô cạn. Hiện giờ chúng tôi phụ thuộc 100% vào các xe bồn tư nhân bán lại nước được bơm ở những nơi xa hơn. Tại đây có khoảng 230 căn nhà, chúng tôi cần đến 120 ngàn lít nước mỗi ngày”.
Trong thành phố này, giá của những bồn chở nước là từ 10 đến 20 thậm chí lên đến 30 Euro, vào lúc mà hơn một nửa số giếng nước đã bị cạn. Vì vậy, mọi người phải thay đổi thói quen của mình, như một cư dân khác đang rửa xe hơi của mình mà không dùng nước.
Người này giải thích: “Đây là một khủng hoảng chưa từng có đối với chúng tôi. Ban quản lý chung cư vừa cho chúng tôi hay là kể từ nay, nước sẽ bị cúp từ 10 giờ sáng cho đến đêm”.
Năm nay, nhiều nơi ở miền Nam Ấn Độ có lượng mưa ít hơn 40%. Zibi Jamal, thuộc tổ chức phi chính phủ Whitefield Rising, lên án một sự tăng trưởng không có kế hoạch của Bangalore.
Anh nói: “Họ bê-tông hóa các nền đất mà không xây dựng đủ hệ thống thoát nước, các đường ống dẫn nước và hệ thống thu hồi nước. Kết quả là mọi người giờ phải quay sang các nhà cung cấp tư nhân hay tự đào giếng để tự lấy nước”.
Con số 280 hồ từng là niềm tự hào của Bangalore trong thế kỷ XX. Giờ thì chỉ còn khoảng hơn một chục hồ mà thôi!”


Thứ Trưởng Ngoại Giao Bắc Hàn Tới Mông Cổ Trong Chuyến Thăm Hiếm Hoi


(Hình: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bắc Hàn Pak Myong Ho.)
-Bộ Ngoại giao Mông Cổ cho biết Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng sản Bắc Hàn Pak Myong Ho đã có cuộc hội đàm tại Mông Cổ với người đồng cấp Amartuvshin Gombosuren vào hôm thứ Hai (11/3/2024), đánh dấu chuyến công du ngoại quốc hiếm hoi của một phái đoàn ngoại giao từ quốc gia bị cô lập.
Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng dường như đang bắt đầu mở rộng can dự ngoại giao sau khi đóng chặt cửa biên giới trong thời kỳ đại dịch. Chuyến thăm cuối cùng như vậy của các viên chức Cộng sản Bắc Hàn tới Mông Cổ là vào năm 2019 khi các thành viên của Tổng Liên đoàn Công đoàn Bắc Hàn thực hiện chuyến đi.
Thông cáo báo chí đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mông Cổ cho biết các Thứ trưởng đã thảo luận về “sự phát triển ổn định của mối quan hệ hữu nghị” giữa hai nước cũng như hợp tác quốc tế và khu vực.
Ông Pak, người dự kiến ở lại Mông Cổ cho đến thứ Tư (13/3), cũng đã gặp Ngoại trưởng Mông Cổ Battsetseg Batmunkh vào Chủ Nhật (10/3).

Cộng sản Bắc Hàn đã được mời cử đại diện tham dự Hội nghị Quốc tế về An ninh Đông Bắc Á lần thứ 9 “Đối thoại Ulaanbaatar” cũng như Diễn đàn Phụ nữ Thế giới vào cuối năm nay, trang web của Bộ cho biết.
Hai bên nhất trí thực hiện “các biện pháp hành động thiết thực” để nối lại hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm giáo dục và văn hóa.
Truyền thông nhà nước Bắc Hàn KCNA hôm Chủ Nhật (10/3) đưa tin rằng một phái đoàn do ông Pak dẫn đầu đã rời Bắc Hàn vào thứ Bảy (9/3) để thăm Mông Cổ mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao cho biết ông Pak đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng với Mông Cổ.


Trung Quốc Tăng Số Lượng Đội Ứng Phó Với Các Bệnh Truyền Nhiễm Mới


(Hình: Một cuộc họp báo tại Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc vào ngày 29/12/2022. Trung Quốc cho biết sẽ tăng số lượng đội chuyên môn có nhiệm vụ ứng phó với các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm trong tương lai.)
-Trung Quốc sẽ tăng số lượng đội chuyên môn có nhiệm vụ ứng phó với các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm trong tương lai từ 5 đến 25 người, viên chức y tế hàng đầu của nước này cho biết.
Theo ông Wang Hesheng, Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quốc gia, Trung Quốc cũng sẽ cải thiện hệ thống cảnh báo sớm và các hệ thống pháp lý hoặc quy định có liên quan.

Phát biểu hôm thứ Bảy (9/3/2024) bên lề phiên họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc, ông Wang cũng nói rằng có thể khó tránh khỏi một mầm bệnh có khả năng gây dịch bệnh nhưng đại dịch có thể được ngăn chặn.
Theo một báo cáo về công việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trung Quốc cũng đã đưa ra Dự thảo sửa đổi luật về phòng ngừa, kiểm soát và kiểm dịch bệnh truyền nhiễm và các sửa đổi này đã trải qua những đánh giá ban đầu.
Báo cáo công tác của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường lưu ý rằng nước này đã đạt được “chiến thắng to lớn, mang tính quyết định trong cuộc chiến chống lại Covid-19”.


Giải Thưởng Điện Ảnh Oscar: “Oppenheimer” Được Vinh Danh Với 7 Tượng Vàng


(Hình: Jennifer Lame, đoạt giải Biên tập phim xuất sắc nhất và Cillian Murphy, đoạt giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong phim “Oppenheimer”, sau lễ trao giải Oscar ngày 10/3/2024, Los Angeles, Hoa Kỳ.)
-Đứng đầu các danh sách đề cử, “Oppenheimer”, bộ phim của đạo diễn người Mỹ gốc Anh Christopher Nolan phác họa chân dung cha đẻ bom nguyên tử, hôm 10/3/2024, đã được trao giải Oscar cho Bộ phim Xuất sắc nhất cùng với 6 giải thưởng khác. Nữ đạo diễn người Pháp, Justine Triet, ra về với tượng vàng Oscar kịch bản phim độc đáo nhất cho bộ phim “Anatomie d’une chute” (Kỳ án trên đồi tuyết).

Từ Hollywood, thông tín viên Loic Pialat của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường thuật:
“Bản nhạc trong phim đồng hành cùng Justine Triet và Arthur Harari bước lên sân khấu. Khán giả Mỹ rất thích ca khúc nhạc nền này của nhạc sĩ rap 50 Cent. Họ cũng yêu thích kịch bản phim “Kỳ án trên đồi tuyết”, từng đoạt giải Quả Cầu Vàng.
Nữ đạo diễn Justine Triet phát biểu: “Sự phong phú của điện ảnh là điều mà tôi luôn thiết tha. Tôi rất mê những tác phẩm đồ sộ, nhưng tôi cũng rất yêu thích những phim có quy mô nhỏ. Thật tuyệt vời khi thấy tại lễ trao giải Oscar, chúng ta thật sự coi trọng những bộ phim như thế”.

Nhưng bộ phim thắng lớn trong đêm trao giải chính là “Oppenheimer”. Bảy giải thưởng, trong đó có giải phim hay nhất và đạo diễn xuất sắc nhất, đã được Steven Spielberg trao cho Christopher Nolan, như một sự “chuyển tiếp thế hệ” từ một nhà điện ảnh lớn này sang một nhà điện ảnh lớn khác.
Đạo diễn Christophe Nolan nói: “Nền điện ảnh chỉ mới hơn 100 tuổi một chút. Hãy tượng tượng là quý vị thấy lại mình sau 100 năm hội họa hay kịch nghệ, không biết là cuộc phiêu lưu thú vị này sẽ dẫn chúng ta đến đâu. Nhưng việc ban giám khảo giải Oscar đánh giá cao vai trò của tôi trong chuyện này thật sự là một điều có ý nghĩa quan trọng đối với tôi. Xin cảm ơn ban giám khảo”.
Emma Stone, rất xúc động, chỉ mới 35 tuổi đã giành được chiếc tượng vàng thứ hai cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong bộ phim “Poor Things”.
Barbie, bộ phim ra rạp thành công nhất trong năm 2023, kém tỏa sáng hơn tại giải Oscar, nhưng màn trình diễn ca khúc ‘I’m just Ken’, do ca sĩ Ryan Gosling trình bày, đã làm không khí đêm trao giả thật sôi động. Nhưng chính bài hát “What was I made for” của Billie Eilish, một bài hát khác của phim, đã giành tượng vàng Oscar”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét